Mùa Xuân Không Ðến
Diệu Hóa
           
            Sau Noen, ngày Tết Tây lại đến và tôi đón Xuân, mùa Xuân trên xứ lạ. Xa nhà lâu rồi, cái cảm giác lạc loài của một kẻ tha hương cứ len lén trong tôi. Tôi không còn biết đến mùa Xuân nào, ngày Tết nào cho mình nữa. Cuộc sống ở đây khi ngày Tết Tây đến, nhìn người Tây Phương đón Tết, phong tục cổ truyền không mùi bánh Tét, không một hình thái đặc sắc nào thì làm sao tôi có cảm giác của một ngày đầu năm, một ngày khởi sự cho cả 365 ngày còn lại, sẽ vui vẻ, an lành và may mắn. Tôi bâng khuâng trong lòng đợi chờ ngày Tết của dân tộc, Tết của quê hương. Mặc dầu có thể có ngày Tết Việt Nam, mọi nguời Việt đang sống xa quê hương phải đi làm, đi học như thường ngày, nhưng trong lòng của những người viễn xứ đều thấy ấm cúng, và hướng về bên kia Ðại Dương, từ nửa vòng trái. Ở đấy những người thân của mình đang rộn ràng đón xuân. Ai ai cũng mơ một ngày trở về, trở về để nghe tiếng pháo giao thừa vang vọng, trở về cội nguồn đang đoàn tu sum họp, để có một mùa Xuân đầy ý nghĩa mà thỏa lòng nhớ mong.
            Tôi nhớ lại, thủa bé tôi mong chờ ngày Tết đến để được những bao lỳ xì màu đỏ, để có cảm giác rằng mình đã lớn thêm lên một tuổi nữa. Tôi bắt đầu đếm những con số tuổi của mình từ 8, 9 rồi 10, eo ôi còn lâu lắm mới được 15, 16 như anh chị. Rồi ngày tháng trôi qua, tôi được gia đình lo lót cho một cuộc đi xa khi chưa đến tuổi trăng rằm. Dĩ nhiên trước một chuyến đi xa như thay đổi cả một cuộc đời, một định mệnh, một chuyến đi xa để tôi phải nhập vào một mảnh đất khác, một dân tộc khác làm quê hương, tôi có biết bao quyến luyến bịn rịn khi giã từ kỷ niệm. Khi tôi biết mình sẽ xa gia đình, xa những con phố thân yêu, xa tất cả những hình ảnh tạo nên hai tiếng Quê Hương ngọt ngào như tình mẹ. Tôi đã mất đi tuổi thơ ấu. Tôi không còn tha thiết với những giây phút vui vô kể bên bè bạn nữa. Những nổi bâng khuâng và nao nức cứ dâng lên trong lòng. Cuộc sống của tôi rồi sẽ ra sao, bến bờ của Tự Do là gì? Tôi sợ phải xa nhà, nhưng tôi muốn bước chân đến một chân trời mới để xem thế giới và đời sống nước Mỷ ra sao. Như một cánh chim non sắp xa tổ ấm, nên tôi dành những thời gian còn lại cho gia đình, nhất là đối với Bà Ngoại. Ngoại đã thương yêu và dạy dỗ, Bà đã cho tôi hiểu được phải sống như thế nào, và tình Bà cháu cao cả biết bao nhiêu. Tất cả những hình ảnh về Bà như một cuốn phim quay chậm từ từ hiện lên trong ký ức của tôi:
            Những ngày biết tôi sắp đi xa, Bà buồn lắm. Mỗi khi tôi về thăm Bà, Bà đều để dành những trái chuối ngon, những miếng bánh nóng. Tôi không nỡ cầm lấy, vì đó là những món Bà buôn bán hằng ngày kiếm lời để sống. Ngoại rất đông con cháu, nhưng Bà sống tự lập. Mặc dầu tôi còn nhỏ lắm nhưng Bà hay phân bua với tôi:
- Con cái ai cũng có gia đình, cuộc sống lại khó khăn, bà còn  buôn bán được không phải phiền đến con cháu, bà thấy vui. Nhắc đến con cháu đôi mắt bà đỏ hoe. Bà thưong những đứa con của dì Năm, mồ côi, mẹ tảo tần, mà Bà già quá, không lo hết nổi. Thấy Bà đã già vất vả đêm hôm, mà còn buồn vì con cháu khổ, tôi không nỡ ăn những trái chuối bà cho:
            - Ngoại à, con không thích ăn đâu, bà để bán đi, ít ra cũng được vài đồng.
            Bà nhăn mặt bảo:
            - Con nhỏ nầy, ngoại đưa thì cứ ăn đi, bán cho người ta ăn, đâu có bằng để dành lại cho cháu của bà. Rồi bà lột từng trái chuối vàng ngọt lịm đưa lên tận miệng tôi. Bà ôm tôi vào lòng, xoa đầu căn dặn:
            - Tội nghiệp cháu của bà, nhỏ như vậy mà đã xa gia đình rồi. Thân con gái mai mốt không ai lo cực lắm. Xấu tốt do mình, con phải ráng cố gắng học hành, đừng ham đua đòi rồi hay bị thiệt thòi. Khi nào con rảnh viết thư kể chuyện bên đó cho ngọai nghe, để ngoại biết sức khỏe và cuộc sống  của con ra sao bà mừng nghe con!
            Bao nhiêu âu lo cho tôi hiện lên đôi mắt già nua xa xôi của bà. Tôi nhìn khuôn mặt hiền từ, đôi tay nhăn nheo của bà mà muốn khóc:
            - Con hứa với ngoại mà, con không hư đâu. Con ráng ăn học rồi kiếm tiền về sớm thăm bà.
            Bà lại thở dài:
            - Bà già rồi, bà chắc không chờ con được. Già thì phải đi, con qua tới bên đó rồi ráng ngoan, ráng giúp đỡ cho gia đình, phải biết lo cho bản thân, bà dầu sống chết cũng thấy vui trong lòng.
            Rồi bà dạy tôi phải biết lễ phép, kính trên nhường dưới, nói năng từ tốn. Con gái phải đoan trang, là người phải biết Từ Bi, Tha Thứ, lúc nào cũng phải niệm Phật cho thân tâm an lành thanh tịnh. Bà nhắc đi nhắc lại, dặn tới dặn lui sợ tôi không nhớ hết, làm tôi muốn phì cười vì bà lo lắng quá mức. Thấy bà cứ lo vì tôi còn nhỏ quá làm sao mà chống chọi với cuộc sống muôn màu muôn mặt, lòng tôi thương bà quá đi, và tôi thấm thía biết được sự thương con thương cháu của bà.
            Có những đêm khuya giá lạnh, tôi thương bà ráng thức để bán thêm vài gói thuốc, miếng cau. Tôi để dành tiền mua một cái bánh bao còn nóng chạy về thăm bà:
            - Ngoại ơi, bánh bao còn nóng nè, ngoại ăn đi.
            Bà xúc động:
            - Vô nhà mau, trời lạnh mà chạy đi đâu cho đau vậy. Lần sau đừng có như vậy nghe không?
            Ðôi mắt bà đỏ hoe, bà ôm tôi vào lòng. Lấy dầu xanh thoa trán tôi bà vỗ về:
            - Con có hiếu lắm, nhưng mà lần sau mà còn làm vậy nữa là ngoại đánh đòn nghe không. Bà già rồi đâu cần ăn uống nhiều. Con còn nhỏ ăn uống đầy đủ mới tốt. Có tiền thì để dành lúc nào cần hãy xài. Còn nhớ bà thì chờ sáng hãy về, đừng đi tối nữa.
            Rồi bà đưa bánh bao cho tôi:
            - Còn nóng lắm con ăn đi kẻo nguội.
            - Con mua cho bà mà, thôi lỡ rồi ngoại ăn đi.
            Bà ăn một miếng nhỏ rồi đút cho tôi, Tôi hỏi:
            - Ngoại à, tối nay cúp điện sao bà không dọn quán sớm đi cho khoẻ?
            - Ơ đâu có được ,bà phải đoc kinh.
            - Ðọc Kinh?
            Bà chỉ cho tôi cuốn Kinh dày cộm bà đang đọc dỡ dang, tôi ngạc nhiên hỏi:
            - Mắt bà mờ lắm rồi, dưới ngọn đèn heo hắt như vậy, làm sao bà thấy chữ được?
            - Ờ cũng khó thấy lắm con à. Bà đọc chữ được, chữ mất. Bà già rồi không giúp gì được cho con cháu, nên Bà ráng đọc kinh cầu Trời Phật phù hộ cho con cháu được bìnb an.
            Rồi bà tiếc rẻ:
            - Lúc xưa Ngoại còn trẻ, cực khổ chạy giặc mấy bận, rồi lo làm ăn, bà đâu có duyên lành đi Chùa tụng kinh. Bây giờ già rồi, tu không kịp con à. Bà đọc được chữ nào hay chữ ấy.
            - Rồi bà đọc tới mấy giờ?
            - Có khi tới hai, ba giờ sáng, có Kinh cho Bà đọc Bà vui lắm. Tuổi già đâu có ngủ được nhiều nữa. Bà cầu nguyện cho con mai mốt đi xa được vạn sự bình an. Bây giờ mọi sự cho con cháu, Bà chỉ biết nhờ Trời Phật phù hộ thôi. Con còn trẻ, mắt sáng, ráng học tu đi, mai nầy sẽ sung sướng.
            Rồi bà cháu tôi chụm đầu vào trang kinh, duới ngọn đèn hắt hiu, tôi giúp bà đánh vần những chữ Kinh mà tôi không hiểu gì cả. Những giòng Kinh bằng tiếng Phạn nhảy múa một hồi và vài phút sau tôi đã ngáy khò trong lòng của bà.
            Tôi không biết đêm đó Bà ngồi bên trang Kinh bao lâu, nhưng mà hình ảnh đó luôn luôn theo tôi cho đến bây giờ. Ngọn đèn heo hắt ấy tuy không rực rỡ, sáng chói nhưng nó ầm ỉ cháy mãi trong tâm hồn tôi, từng lời dạy của Bà, là từng chân lý của cuộc sống.
            Rồi mùa Xuân ấy tôi ra đi. Và cũng từ mùa Xuân ấy tôi không còn mong Tết về nữa. Vì mỗi khi Xuân về, tôi lại lớn thêm một tuổi thì ngoại của tôi lại già thêm một tuổi. Mùa Xuân về càng nhanh, thời gian sẽ đưa Ngoại về gần với đất. Nhớ về Ngoại, tôi hiểu rằng, những mùa Xuân của tuổi trẻ đẹp bao nhiêu, thì mùa Xuân của những người già âm thầm lặng lẽ bấy nhiêu.
            Mấy năm xa nhà, tôi ráng học, ráng về Chùa như Ngoại hằng mong. Mỗi lần nhớ Bà, tôi ao ước được chấp đôi cánh thiên thần bay về ngay, để được ngồi gần bên Bà, được nhìn lại đôi mắt già nua một lần nữa. Tôi thấy quý từng kỷ niệm xưa, từng ngày tháng bình yên bên Bà Ngoại của tôi. Tôi thương vì Ngoại đã trãi qua biết bao nhiêu cực khổ mất mát trong đời. Một đất nước đã bao năm chìm trong chiến tranh. Ðôi khi tôi buồn vì thế hệ tuổi trẻ của chúng tôi tìm đường ra đi vì tự do, vì tương lai, đó là bất hạnh. Còn thế hệ của Bà thoát qua bao nhiêu làn bom đạn, còn sống sót là may mắn lắm rồi. Thế hệ của Bà chỉ một ước mơ đơn giản được đến Chùa, được quỳ dưới chân Phật cũng không có. Tôi hay đến Chùa, tụng kinh niệm Phật, phù hộ cho Bà được bình an, vì tôi biết bên kia bờ đại dương, đêm đêm Ngoại cũng ngồi lần từng chữ Kinh mà tụng. Tôi học được từ Bà đừng đợi đến già mới tu sẽ không kịp. Tôi muốn chắp nối ước mơ của bà, nên sống trong một đất nước tự do, vật chất, tôi ráng học tu, học làm người. Tôi muốn nói với Bà tuổi trẻ của tôi không phải bôn ba chạy giặc, tránh bom, nên tôi ráng học tu để mai nầy không còn tiếc rẻ vì thời gian.
            Tôi không mong mùa Xuân đến nhiều quá, nhưng trong lòng tôi đang dệt một mùa Xuân. Mùa Xuân ấy tôi về. Từ cô bé tôi đã trưởng thành, đã học đến nơi đến chốn, đã nghe lời bà dạy, biết làm người con Phật, biết học tu. Ðứa cháu ngoại sẽ đem về cho Bà một mùa Xuân đẹp nhất. Muà Xuân cho riêng Ngoại.
            Sáng nay nhìn những làn tuyết rơi đầy của một ngày gần Xuân, Xuân năm 1999 Xuân Kỷ Mão, tôi nhận được thơ Mẹ báo cho biết Ngoại đã ra đi. Tuyết rơi, tuyết lạnh như tim tôi đang đau buốt. Ðông ơi, những hàng cây trụi lá bên đường trông xơ xác hiu quạnh như nỗi buồn, như những giòng nước mắt lặng lẽ chảy trong tôi. Ngoại ơi, bao nhiêu hình ảnh ngày xưa hiện về. Ước mơ của tôi đã không thành. Mùa Xuân dành cho riêng Ngọai không bao giờ đến nữa. Tôi thầm hỏi:
            - Còn mùa Xuân nào cho Ngoại, Ngoại ơi?

 

-- o0o --