Các Loại Bánh
Trong Nhân Gian
Thông Trí
 
 
Thức ăn để nuôi sống con người, đại loại chúng ta có thể chia ra làm hai nhóm: Nhóm món ăn chính và nhóm món ăn phụ. Các món ăn chính thường dùng của người Á Ðông, nhất là người Việt Nam, nếu là ăn mặn thì có cơm, cá, thịt, rau tươi thường dùng trong bửa ăn chính gọi là bữa cơm. Còn nếu là ăn chay thì có cơm, rau cải, đậu khuôn..v..v.. Các món ăn phụ như các loại quà bánh thì bao gồm nhiều loại món ăn như: Bánh, Bún, Chè, Xôi, Cháo, Miến, Mứt, Kẹo..v..v..trong đó đủ các dạng loại thực phẩm với đủ các hình thức, hương vị khác nhau. Nhưng dầu sao đi nữa thì cũng đều là món ăn chơi, ăn thêm, ăn cho vui ngoài các bữa ăn chính trong ngày.
            Trong chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, các loại quà bánh đã trở nên quen thuộc với đời sống hằng ngày của ngưòi Việt Nam ta. Những duyên cớ, ý nghĩa ban đầu khi biến chế ra, những thói quen và ý niệm khi xử dụng, những hình thức văn nghệ, văn hóa liên quan tới nó như câu đố, câu ví, câu vè, lời hát, tục ngữ, ca dao, ngạn ngữ..v..v.. đã trở thành những nét độc đáo trong nền văn hóa dân gian Việt Nam:
            Bánh Tổ
            Là loại bánh được làm bằng bột nếp, hình dạng rất đơn sơ, không có nhân, không gói kín. Bánh làm thành hình tròn, độ dày, to, nhỏ tùy ý. Tuy nhiên, nhỏ nhất cũng bằng miệng chén, và độ dầy thường thường là một đốt lóng tay. Theo truyền thuyết bánh tổ có một lịch sử xa xưa, lâu đời nhất trong danh mục các loại bánh cổ truyền dân tộc Việt Nam. Nếu có lúc dân tộc ta nói bánh dày và bánh chưng là hai loại bánh được sáng chế từ thời Vua Hùng Vương thứ sáu, thì cũng theo truyền thuyết nguồn gốc bánh tổ còn xa xưa hơn nhiều. Theo dân gian truyền lại, thời thượng cổ, vua Tổ dân Lạc Việt là Lạc Long Quân, sau khi kết duyên với bà Âu Cơ, lúc mới về xứ Lạc Việt, bà Tổ bảy đời của Vua Hùng thấy nông dân cày cấy được nhiều lúa nếp dẻo thơm, trồng được nhiều cây mía ngọt ngào mà chưa làm được món ăn gì khác lạ bằng những thứ nông sản ấy, nên bà Tổ Âu Cơ mới lấy gạo nếp đem ngâm, giã thành bột mịn, lấy mía ép ra nước ngọt rồi nhào luyện với bột cho dẻo đem hấp chín, làm thành một loại bánh uôi vừa thơm dẻo, vừa ngọt ngon. Sau đó bà đem cách làm bánh chỉ dạy lại cho mọi người, và từ đó loại bánh uôi trở thành món bánh đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta. Thứ bánh đầu tiên do bà mẹ tổ của dân tộc sáng chế và truyền dạy cho nên được mọi người trân trọng đề cao hết mực, do đó nó có tên là bánh tổ.
            Bánh Âm:
Còn gọi là Bánh Gio hay Bánh Tro là món bánh cổ truyền của người dân ở các tỉnh miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp ngâm nước tro của một số cây cỏ và nước vôi trong rồi dùng lá tre non gói lại, luộc trong nước có pha chất nước tro ngâm nếp. Sau khi luộc chín, nếu bóc ra trông thấy trong suốt là bánh ngon, còn ngược lại nếu còn thấy hột nếp thì bánh chưa đạt được yêu cầu. Vì thế có câu:
- Bánh âm trong hổ phách
Dẫu có đắt cũng mua.
Và cũng vì ăn vào dễ tiêu nên trong nhân gian có câu:
- Bánh âm rưới mật ngọt ngào
Vừa thơm vừa mát ăn vào dễ tiêu.
Ở các tỉnh miền Nam, bánh tro được tập trung vào dịp Tết Ðoan Ngọ. Theo quan niệm của ông bà chúng ta ngày xưa tháng năm âm lịch là tháng khí hậu độc địa, nhất là mùa Hè oi bức nên dễ sinh bệnh dịch. Muốn phòng ngừa, phải dùng các loại lá cây thuốc để nấu nước uống, nước xông, tắm gội. Ðối với các thức ăn cũng biến chế cho hấp thụ các dược tính có tác dụng dễ tiêu, giải nhiệt, nên được hiểu nôm na là diệt trừ sâu bọ trong cơ thể con người.
Bánh Âm hay Bánh Gio miền Bắc, và bánh Tro miền Nam tuy tên gọi có khác nhau, nhưng ngyên liệu chính vẫn nếp ngâm nước tro.
Bánh Bèo:
Loại bánh nầy làm bằng bột gạo tẻ hòa nước, ai ai cũng biết làm, tuy nhiên tùy theo từng vùng mà độ lớn nhỏ khác nhau.
Ở Miền Bắc: Bánh bèo thường đổ khuôn lót lá chuối, làm rất to, hình sáu cạnh dài, trông gần giống như bàn tay, và cũng to như bàn tay, chiều dày độ khoảng chừng một đốt lóng tay.
Ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Bình, Trị, Thiên, bánh bèo làm rất nhỏ, chỉ to hơn đầu ngón tay một chút, hình tròn lõm ở giữa. Chỗ lõm đó thường rắc tôm khô giã nhỏ màu đỏ, nên thường gọi là bánh bèo tôm chấy hay bánh bèo Huế.
Ở các tỉnh miền Nam, bánh bèo làm to hơn ở Huế một chút, thường đổ bằng trôn bát ăn cơm. Hình dáng cũng tròn, lõm ở giữa, và cũng mỏng như bánh bèo Huế. Ðặc biệt các tỉnh Nam bộ do có nhiều dừa, nên bột bánh bèo thường thêm nước cốt dừa cho béo. Ngoài ra còn có loại bánh bèo ngọt, nghĩa là bột làm bánh được pha thêm đường.
Bánh bèo cũng là loại bánh có từ lâu đời trong dân gian Việt Nam nên lẽ dĩ nhiên cũng được mọi người ưa thích, nên có câu:
- Con quạ nó đậu chuồng heo
Nó kêu bớ mẹ bánh bèo chín chưa
- Bánh bèo đã chín hồi trưa
Mầy chưa xúc miệng tao chưa đưa bánh bèo.
Bánh Bò:
Là một thứ bánh cổ truyền của dân tộc Việt Nam, bánh thường làm bằng bột gạo tẻ, hay bột sắn, ngào lẫn với men rượu ủ cho bột nở ra rồi đêm hấp chín. Khi hấp chín độ nở rất lớn, chiếc bánh xốp như phổi bò, vì vậy gọi là bánh phổi bò, về sau bánh phổi bò được gọi tắt là bánh bò. Bánh bò nguyên thỉ nguời ta thường làm bột gạo tẻ, nhưng về sau cũng có thể dùng các loại bột khác như khoai lang, bột sắn, và ngay cả bột bắp cũng có thể dùng làm bánh bò. Người dân thường dùng món bánh bò quen thuộc nên trong nhân gian đã có điệu hát lý gọi là Lý Bánh Bò:
- Hai tay bưng dĩa bánh bò
Giấu cha, giấu mẹ cho trò đi thi.
Bánh Bỏng:
Là loại bánh cổ truyền rất quen thuộc ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Bánh thường làm bằng thóc đem rang, khi rang nóng hột thóc nổ bung lớp trấu ở ngoài tạo thành những hoa màu trắng nhỏ, vì thế bánh bỏng còn có tên là bỏng nẻ hay bỏng nổ là vì vậy.
Sau khi sàng sẩy sạch vỏ trấu, người ta nắm thành từng nắm tròn vo, trở thành một món quà gọi là bánh bỏng bộp, vì ăn nó xôm xốp. Có những nơi người ta đem bỏng nẻ trộn với đường thắng, hoặc kẹo mạch nha rồi mới nắm tròn. Tương truyền loại bỏng nổ nầy có từ thời Vua Hùnh Vương, thời đó khi giặc tràn vào xâm lược, dân làng lại đem thóc nếp chế thành bánh bỏng để trai tráng trong làng dùng làm lương khô trong lúc chiến đấu. Sau này món bánh bỏng trở thành món quà trong dân gian.
Tại các tỉnh miền Nam, bánh bỏng được gọi chung là bánh cốm. Món cốm giã bằng lúa nếp rang chín gọi là cốm dẹp.
Món bánh bỏng hay món cốm nầy đã trở thành những thứ quà trong nhân gian vì thế có câu hát ru:
- Cái ngủ mầy ngủ cho ngoan
Ðể chị mua bánh chè lam đem về
Chè lam mà rắn em chê
Chị mua bỏng bộp đem về em ăn.
Bánh Bột Lọc
Bánh Bột lọc là loại bánh quà trong dân gian được phổ biến trước tiên ở các tỉnh miền Trung, tuy nhiên ở nhiều nơi khác trong nước ta cũng có làm. Bánh được làm bằng bột sắn mì, hoặc bột năng. Hình dáng bánh giống như hình bán nguyệt, nhỏ cở hai đốt ngón tay. Nếu là bánh mặn thì nhân người ta làm bằng tôm thịt, để trần rồi luộc. Nhưng nếu là bánh chay thì người ta làm bằng nhân đậu xanh hoặc củ sắn, cà rốt, nấm mèo thái mỏng. Sau khi luộc xong, bánh chín trong suốt có thể nhìn thấy nhân, vì thế còn có tên là bánh lọc, hoặc là bánh trong. Ðối với các bà nội trợ vì để cho chồng thương, cưng quí nên cũng tùy theo khả năng hiểu biết của mình mà chăm lo việc nhà nên trong dân gian cũng có câu:
- Khéo thì bánh lọc bánh trong
Vụng thì bánh đúc cho chồng nó yêu.
Bánh Canh
Là món quà bánh quen thuộc của các tỉnh miền Nam. Bánh canh được làm bằng bột gạo pha bột sắn, người dùng tay vò nên hình dạng to bằng đầu chiếc đủa, hai đầu nhỏ, trông giống như con suốt dệt cửi. Trong lúc vò bằng tay nên sợi bánh canh, cộng ngắn, cộng dài không đều, và cũng vì món ăn nầy xuất phát từ các tỉnh miền Nam quê hương của lúa gạo, và cũng vì quá quen thuộc với mọi người nên trong dân gian cũng có điệu hát gọi là Lý Bánh Canh:
- Bánh canh cộng ngắn cộng dài
Bánh tầm xe cộng dài cộng ngắn
Xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ Bạc thong dong cuộc đời.
Bánh Chè Lam
Là loại bánh làm bằng bột bỏng nẻ(tức là loại bột người ta lấy từ thóc đem rang cho nổ, sau đó sàng sảy hết trấu thóc, rồi đem giã thành bột), ngào với mật mía trộn thêm đậu phộng rang, gừng băm nhỏ rồi hấp lên, sau đó cán cắt nhỏ thành từng miếng mỏng to, nhỏ nhiều cỡ khác nhau. Theo tích xưa, lúc Vua Lê Ðại Hành chiến đấu với giặc nhà Tống, có bà cung phi của nhà Vua là Ðô Hồ phu nhân giúp đỡ nhà vua lo việc quân lương, Bà nghĩ ra cách giã bột bỏng nẻ trộn với mật mía làm lương khô cho quân lính dùng trong lúc đánh giặc. Sau ngày thắng giặc, người người học theo cách ấy làm bánh, tuy nhiên nhờ có cải tiến đôi chút nên bánh trở thành món quà ngon, và kể từ đó bánh được lưu truyền trong nhân gian.
Bánh Cuốn
Món quà nầy được làm bằng bột gạo tẻ, hòa loãng với nước tráng mỏng trên mặt khuôn bằng vải mịn đặt trên nồi nước sôi, để hơi nóng làm chín bánh. Loại bánh cuốn nầy có nhiều phẩm cấp khác nhau, như bánh cuốn chay thì người ta làm bằng nhân chay. Bánh cuốn mặn thì người ta làm bằng nhân thịt
Loại bánh cuốn, nó là biến dạng bánh ướt, vì thật ra nó chính là bánh tráng còn ướt. Về sau nầy vì muốn thay đổi khẩu vị nên những người chuyên lo phục vụ về ăn uống họ nghĩ cách biến chế, có cuốn nhân nên có tên là bánh cuốn. Ở các tỉnh miền Nam nước Việt bánh cuốn vẫn mang cái tên là bánh ướt. Trontg nhân gian có điệu hát dỗ em:
- Em ơi em ngủ cho ngoan,
Chị mua bánh ướt ở làng bên sông.
Bánh Dầy
Là loại bánh được làm bằng gạo nếp cái, hấp thành xôi rồi giả nhuyển, vắt thành bánh. Bánh dầy không gói kín chỉ lót lá chuối tươi ở phía dưới. Bánh dầy có nhiều cỡ lớn nhỏ, cỡ lớn nhất chỉ là vừa lòng bàn tay, và độ dầy khoảng chừng một đốt ngón tay. Bánh dầy không có nhân gọi là bánh dầy trắng. Ngoài ra người ta còn biến chế ra các loại bánh dầy đường, bánh dầy đậu, là những thứ có nhân. Theo quan niệm xưa bánh dầy tiêu biểu cho bầu trời cao rộng. Nó có ngụ ý công lao của cha mẹ, ông bà , tổ tiên đối với con cháu giống nòi lớn như bầu trời cao cả.
Bánh Chưng
Là loại bánh được làm bằng gạo nếp, nhân đậu xanh và thịt lợn, ngoài gói bằng lá chuối tươi, hình dáng của nó vuông. Theo quan niệm xưa hình vuông tiêu biểu cho mặt đất, trong đó sản sinh ra mọi thứ vật quí, cầm thú. Vì bên ngoài gói lá chuối tươi, nên sau khi luộc màu xanh của lá chuối thấm vào bánh nên bên ngoài lớp bánh cũng có màu xanh trông rất đẹp. Màu xanh nầy tiêu biểu cho rừng cây, ruộng lúa, lại chứa giữ, cỏ cây để nuôi sống, giúp đỡ loài người. Tương truyền bánh chưng có từ thời Vua Hùng Vương thứ 18 và được dân gian lưu truyền cho đến bây giờ. Trong dịp Tết Nguyên Ðán bánh chưng là món ăn quan trọng và tiêu biểu nhất về cả ý nghĩa và thực tế của nó. Bởi vậy có câu đối nói về hương vị của ngày Tết rất hay:
- Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
Bánh Dẻo
Bánh dẻo và bánh nướng là hai thứ bánh được làm vào dịp Tết Trung Thu, nên cũng có tên là Bánh Trung Thu. Bánh dẻo, vỏ bánh được làm bằng bột nếp rang chín, thấu với nước đường trắng đậm đặc, có pha thêm dầu hoa bưởi, làm thành bởi một thứ bột thơm ngon. Nhân bánh dẻo có nhiều loại như đậu xanh, hột sen, hoặc nhiều thứ trộn nhau gọi là ngũ nhân, thập cẩm, nhưng tất cả đều là nhân ngọt. Bánh dẻo có hai dạng, dạng vuông dẹt giống như cái bánh chưng, và dạng tròn dẹt giống như cái bánh dầy. Tất cả các loại bánh dẻo dù hình thức vuông hay tròn cũng đều làm với độ dầy trên một đốt ngón tay. Trên mặt in nhiều hoa văn trang trí rất đẹp như: Hoa, lá, chim, thú ..v..v.. Bánh dẻo do người Việt Nam chúng ta trong quá trình tiếp xúc với người Hoa đã học được, rồi lựa chọn những cái khéo cái tinh hoa của họ rồi cải tiến cho hợp với khẩu vị và sở thích riêng của người Việt và phát huy theo tinh thần của người Việt Nam, cuối cùng trở thành một sở trường truyền thống của dân tộc Việt Nam lâu đời.
Trong dịp Tết Trung Thu, khắp nơi trên nước Việt Nam đều có làm bánh dẻo, nhưng tập trung nhiều hơn hết, nếu ở ngoài Bắc thì là ở các phố Hàng Ðường, Hàng Buồm, Hà Nội. Còn nếu trong Nam thì ở khu vực Sài Gòn Chợ Lớn.
Bánh Ða
Là thứ bánh rất quen thuộc của người Việt Nam ta. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ hòa nước, có nơi làm bằng bột mì, bột khoai lang, hoặc bột khoai tây tráng mỏng lên khuôn bằng vải, hấp chín rồi lấy ra phơi khô. Người miền Bắc gọi là bánh đa, nhưng người ở trong miền Nam thường gọi là bánh tráng. Khi ăn người ta chỉ cần đem nướng hoặc hoặc nhúng nước cho mềm mà ăn. Chữ bánh đa có hai nguồn gốc:
- Chữ đa có nghĩa là nhiều, nghĩa là khi làm người ta chỉ cần một ít bột, mà người ta thu rất nhiều bánh. Nên gọi là bánh đa.
- Vì thứ bánh ấy mỏng lại cứng, cong queo chư chiếc lá đa nên gọi là bánh lá đa, về sau gọi tắt là bánh đa.
Sự biến chế trong khi là bánh đa, người ta để thêm mè trắng hoặc mè đen. Nếu là bánh đa ngọt cho thêm đường vào bột trước khi tráng.
Bánh Ðúc
Là loại bánh dân gian quen thuộc mộc mạc ở miền Bắc. Bánh đúc được làm bằng gạo tẻ xay thành bột, có pha một ít nước vôi lắng trong. Loại bánh nầy khi còn nóng thì lỏng, khi đổ vào đồ đựng như thế nào thì khi nguội lấy ra hình dạng giống như thế đó, nên có tên là bánh đúc.
Ở trong miền Nam món bánh đúc được biến chế khác hơn miền Bắc, nghĩa là trong bột có pha thêm nước lá dứa để lấy màu xanh và mùi thơm lá dứa. Hoặc có để thêm đậu phộng tươi, nếu là đậu phộng khô thì phải ngâm cho mềm. Tuy nhiên dù cho biến chế như thế nào đi nữa thì loại bánh đúc cũng là loại không nhân, không gói kín, nên ngoài thế nào trong cũng thế ấy. Bánh đúc là loại bánh rất mềm, dể nát, dễ bễ, mà cũng là món ăn quen thuộc của mỗi gia đình trong dân gian nên cũng có câu hát ví dành cho những bà mẹ ghẻ con chồng:
- Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.
Bánh Gai
Là loại bánh được làm bằng bột nếp, nhưng có trộn lẫn bột của lá cây gai, nên có màu đen nhánh. Bánh gai có nhân đậu xanh giã nhuyển ngào đường, có nơi trộn thêm dừa nạo sợi, hoặc hột sen cho ngon, và được gói bằng lá chuối. Loại bánh nầy ăn rất ngon, nhưng lại cũng có thể để lâu được, vì bên ngoài áo, và trong nhân bánh có nhiều đường nên không bị hư. Bánh gai cũng là loại bánh được khắp nhân gian yêu chuộng nên cũng có những câu hát ví:
- Em đây như chiếc bánh gai
Áo nâu phai nắng da thời lại đen
Ai ơi ăn thử mà xem
Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi.
Bánh Hỏi
Là một loại bún ngon làm bằng gạo tẻ nhưng sợi nhỏ hơn bún rất nhiều. Người ta vắt thành từng miếng chiều rộng bằng ba ngón tay rồi hấp chín. Loại bánh nầy rất quen thuộc ở các tỉnh miền Nam, tuy nhiên tùy theo mỗi địa phương nên thực đơn cũng theo đó mà thay đổi, và nó trở thành món quà đặc sản của mỗi địa phương đó:
- Ai về sông Hậu, sông Tiền
            Ghé ăn bánh hỏi Phong Ðiền, Cái Răng
            Ai về thẳng đến Năm Căn
            Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bảy Xàu
            Mắm nêm chuối chát, khế, rau,
            Tôm càng Ðại Ngải cặp vào khó quên.
            Bánh Khoái
            Loại bánh nầy ngày xưa trong dân gian Việt Nam thường làm bằng bột khoai lang khô, cùng với đậu xanh đãi vỏ, món bánh nầy rất quen thuộc với người dân ở miền Bắc. Bánh khoái cũng có khi làm bằng bột gạo ngon, đặc sệt như bánh đúc nóng. Khi ăn thì rắc đậu xanh nấu chín, giã tơi và đường cát vào. Bánh khoái lúc nóng, nó hơi lỏng, phải múc vào bát, chén mà ăn nên có nơi người dân cũng thường gọi là cháo khoái.
            Nhìn chung chúng ta thấy món bánh khoái chính là dạng đặc biệt của bánh đúc, tuy nhiên có thêm đậu xanh và đường để cho ngon miệng:
            - Mời khách ăn cháo khoái
            Một bát rồi lại hai
            Cứ thế mà lai rai
            Ăn hoài không biết chán.
            Bánh Khúc
            Loại bánh nầy được xuất phát từ các tỉnh thuộc vùng đồng bằng miền Bắc. Bánh được làm bằng sự pha trộn của tám phần bột nếp, hai phần bột tẻ, trộn chung với năm phần rau khúc đã luộc chín, vắt lấy nước. Ngoài ra, ngoài vỏ cũng có trộn với rau khúc giả nhỏ, có lẽ vì vậy nên gọi là bánh khúc. Trong có nhân đậu xanh giã nhuyễn, và thịt mỡ lợn trộn lẫn với tiêu. Chung quanh vỏ bánh là xôi nếp trắng dẻo thơm, vì thế bánh đã thơm lại càng thơm. Vì nó hơi cầu kỳ một chút cho nên nghe nói trong số quà bánh dân gian Việt Nam, bánh khúc tương đối hơi đắt một chút, nên những cô gái nhà nghèo thường luôn nhắc nhau khi họ ăn hàng:
            - Chị em ta bánh đa bánh đúc
            Ai bánh khoái, bánh đúc mặc ai.
            Bánh Rán
            Là một loại bánh được làm bằng bột nếp, có nhiều nơi có pha bột khoai tây có nhân đậu xanh, sau khi làm xong, người ta có lăn hột mè trắng hoặc mè đen ở bên ngoài vỏ rồi rán dầu cho vàng lên. Bánh rán có ba loại: Bánh rán mật, bánh rán đường và bánh rán vừng. Ở miền Nam nước ta bánh rán còn có tên là bánh cam, vì khi bánh được chiên lên sẽ có màu vàng như vỏ quả cam chín.
            Như trên, chỉ là một vài loại bánh tiêu biểu, tuy nhiên nếu chúng ta chịu khó nhìn lại quá trình hình thành đất nước, chúng ta sẽ thấy trong truyền thống quà bánh dân gian Việt Nam rất là phong phú. Loại bánh nào cũng được người dân ba miền mến chuộng, nên cũng từ đó những câu ca, tiếng hát, những bài vè, bài hát lý được đặt ra để ca tụng, tán thưởng những sản phẩm đặc thù ấy như sau:
            - Bánh đứng đầu vè,
            Ðó là Bánh Tổ.
            Cái mặt nhiều lỗ,
Là bánh Tàn Ong.
            Ðể nó không đồng,
Ðó là Bánh Tráng.
Ngồi lại đầy ván,
Nó là Bánh Quy.
Sai không chịu đi,
Ðó là Bánh Bàn.
Trên đỏ dưới vàng,
Là bánh Da Lợn.
Mây kéo dờn dợn,
Là bánh Da Trời.
Ăn không dám mời,
Nó là Bánh Ít.
Băng rừng băng rít,
Ðó là Bánh Men.
Thấy mặt là khen,
Nó là Xôi Vị.
Nhiều nhân nhiều nhị,
Là bánh Trung Thu.
Vô lửa nổi u,
Ðó là Bánh Phồng
Ðem thả giữa giòng,
Ðó là Bánh Neo.
Ra nắng dẻo queo,
Ðó là Bánh Sáp.
Không ai dám xáp,
Ðó là Bánh Xe.
Xỏ lại tréo que,
Ðó là Bánh Rế.
Ăn rồi còn ế,
Ðó là Bánh Dừa(Vừa)
Ăn không có chua,
Ðó là Bánh Tiêu.
Ðể lâu nó thiu,
Vốn là Bánh Ướt.
Chưa ăn giấu trước,
Nó là Bánh Cam.
Bỏ vô khám giam,
Ðó là Bánh Còng.
Ôm ấp vào lòng,
Nó là Bánh Kẹp.
Xem coi thật đẹp,
Ðó là Bánh Chưng.
Chồng nói mới ưng,
Ðó là Bánh Hỏi.
Ðêm nằm mệt mỏi,
Ðó là Bánh Canh.
Kéo níu từng khoanh,
Ấy là Bánh Tét.
Ráp lại từng nét,
Nó là Bánh Gừng.
Bước lên có từng,
Ðó là Bánh Cấp.
Nằm ngủ dưới thấp,
Là Bánh Hạ Nhân.
Mình nó trợt trơn,
Ấy là Bánh Lọt.
Ăn thơm mà ngọt,
Là Bánh Hoa Viên.
Ăn khỏi trả tiền,
Ðó là Bánh Bao.
Ðem liệng đàng sau,
Là Bánh Quai Vạc.
Trắng trong như bạc,
Là Bánh Xu Xê.
Mặt tràng ê hề,
Ðó là Bánh Bún
Mình đen lốm đốm,
Là Bánh Hạt Mè.
Thấy ai cũng kè,
Ðó là Bánh Dập.
Người thích mặt chắc,
Ðó là Bánh Dầy.
Nói nghe rất hay,
Ðó là Bánh Mật.
Bụng no ấm cật,
Ðó là Bánh Âm.
Mình mẩy trắng trong,
Là Bánh Bột Lọc.
Ai cũng mời mọc,
Là cái Bánh Trôi.
Ðứng không thấy vui,
Ðó là Bánh Bò.
Nằm cứ co ro,
Ðó là Bánh Cuốn
Cái gì cũng muốn,
Nó là Bánh Ða.
Dứt hoài không ra,
Nó là Bánh Dẻo.
Nổi trôi khắp nẽo,
Ðó là Bánh Bèo.
Giàu mãi không nghèo,
Chính là Bánh Khoái.
Ðược người ưu đãi,
Là Bánh Phồng Phềnh.
Nhẹ mỏng và mềm,
Ðó là Bánh Cốm(Bánh Bỏng)
Áo quần lốm đốm
Nó là Bánh Gai.
Một giống như hai,
Chính là Bánh Ðúc.
Tròn cho một cục,
Ðó là Bánh Vo.
Ăn hoài không no,
Ðó là Bánh Vẽ.
Dùng cho lính trẻ,
Là Bánh Chè Lam.
Ăn uống tham lam,
Ðó là Bánh Ú.
Ði mấy không đủ,
Ðó là Bánh Giò.
Từng đoạn quanh co,
Ðó là Bánh Khúc.
_______________________________________________________________________ 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Quà Bánh Dân Gian
- Tâm Hồn Mẹ Việt Nam        
  
--- o0o ---