NGỰA TRONG ÐỜI SỐNG
VĂN HÓA CỦA NHÂN LOẠI
Bùi Đồng Anh
---o0o---
 
Theo Judith Campbell, trong sách Horses and Ponies thì tổ tiên của ngựa chính là hươu cao cổ và giống lừa Equus caballus phối ngẫu thành giống Equus vào thời Băng giá. Sau đó, có thêm giống ngựa Hyracotherium sống cách nay 60 triệu năm; rồi xuất hiện thêm giống Miohipuus cách nay khoảng 30 triệu năm... Ðấy chỉ là những giả thiết. Ngựa xuất hiện từ bao giờ?
            Người Xử Dụng Ngựa
Làm sao để biết được chính xác người đã sử dụng ngựa trong cuộc sống từ lúc nào?
Các nhà khảo cổ, dựa vào những gì đã tìm được, cho biết dân tộc đầu tiên biết sử dụng ngựa là dân tộc Ai Cập, trước Tây lịch khoảng 2.000 năm. Ðời sống thực tế đã giúp họ có sáng kiến. Ðường sá xa xôi, hiểm trở, đồ đạc nặng nề... khiến con người đã biết dùng ngựa để kéo xe trước khi dùng để cỡi.
Ngày xưa, người Assyrians và người Ba Tư (Iran) đã biết dùng xe ngựa để săn bắn, nhưng đến khoảng 600 năm trước Tây lịch, người ta tin rằng con người đã biết cỡi ngựa. Biết được điều ấy là nhờ vào những bức tranh khắc khá đẹp ghi lại cảnh vua xứ Ba Tư cỡi ngựa đâm con sử tử bằng giáo. Một bức khác thì ghi hình ảnh của Xenophon, một chuyên gia về ngựa thời bấy giờ, đang cỡi con ngựa khôn ngoan phi nước đại xuyên đất nước của ông, theo sau là một đàn linh dương và lợn rừng.
Như vậy, sau chuyên chở, ngựa đã được con người sử dụng trong chiến đấu, dù là chiến đấu với thú dữ hay giữa người với người.
Trong chiến đấu, ngựa là một bộ phận trong nghề săn bắn, mà cũng là một bộ phận tối cần đối với vua chúa chơi thể thao. Lịch sử không thiếu những hình ảnh của vua chúa dùng ngựa để giải trí sau những buổi lâm triều căng thẳng. Chuyện người Anglo - saxon đã bất bình chỉ vì William đưa ra Ðạo luật bảo vệ rừng ngăn cản việc săn bắn của họ. Richard Coeur de Lion cỡi ngựa săn đuổi một con hươu từ cánh rừng Showood đến Yorhire. Nữ hoàng Elizabeth Ðệ nhất là một phụ nữ rất mê cỡi ngựa đi săn như vua cha, Henry đệ nhất. Marie Antoinette vừa chân ướt chân ráo về làm dâu nước Pháp cũng đã té ngựa khi tập cỡi mà không chịu cỡi lừa! Và  từ Ðông sang Tây có khá nhiều họa sĩ vẽ về ngựa, đang được trưng bày ở những viện bảo tàng lớn trên thế giới. Ở Viện Bảo tàng Louvre, người xem thấy bức Chancelier Séguier đang cỡi ngựa dạo chơi của Le Brun; tranh của Géricault mang hình ảnh của một sĩ quan vệ binh, tay cầm kiếm đang trong tư thế chiến đấu..., tại Phòng tranh Quốc gia ở Washington, người xem say sưa nhìn con ngựa Thánh Georges của Raphael...; và nhiều bức tượng anh hùng đang cỡi ngựa trên khắp hành tinh này.
Trong chiến tranh, có lẽ người Anh là dân tộc biết sử dụng ngựa đầu tiên. Họ sử dụng những con ngựa ốm o, cằn cỗi, nhỏ bé kéo những chiếc xe chở binh lính ra chiến trường. Sau đó thì nữ hoàng Celtie Boadicea đã sớm nhận ra ngựa là khí tài có tính chất quyết định trong cuộc chiến nên đã ra lệnh chọn giống tốt để sử dụng trong chiến tranh.
Thuở xa xưa, những hiệp sĩ có vóc dáng nhỏ nhưng lại thích huấn luyện và sử dụng loại ngựa lớn con. Người Saracens ở Trung Ðông thích cỡi những chú ngựa chiến có đeo lục lạc ở quanh cổ. Càng về sau, các chiến binh thường chọn những chú ngựa khôn ngoan, có tốc độ và sự dẻo dai. Kỵ binh ở Trung Ðông thì vậy, nhưng kỵ binh ở châu AÂu thì mãi tới thế kỷ thứ XVII mới có phong trào dùng ngựa đi đánh trận.
Dùng ngựa trong chiến tranh ở châu Á thì phải nói đến người Mông Cổ. Vào đầu thế kỷ thứ XIII, các bộ lạc du mục giữa hai con sông Onon và Kéroulène đã liên minh thống nhất thành nhà nước Mông Cổ. Vùng đất có nhiều thảo nguyên, đồi sỏi và cát và với thói quen dùng sữa ngựa, thịt dê và chỉ ăn thịt các loại thú rừng săn bắn được hoặc các loại cá..., người Mông Cổ đã xem ngựa là nhân tố quan trọng nhất trong đời sống của họ. Vì vậy, họ không giết và làm thịt ngựa một cách bừa bãi.
Sách Hắc Dắt sử lược có ghi rằng: Ngay từ thuở thơ ấu, trẻ con Mông Cổ đã được huấn luyện trên mình ngựa và tập bắn cung. Chúng được đặt ngồi trên một tấm ván, buộc chặt vào mình ngựa và cùng với mẹ đi khắp nơi trên thảo nguyên.
Ðến ba tuổi, chúng đã ngồi quen trên lưng ngựa. Khoảng năm tuổi, người Mông Cổ đã tập cho trẻ con sử dụng những loại cung tên nhỏ nên đến khi trưởng thành chúng đã thành thạo việc cỡi ngựa bắn cung.
Con người đã được huấn luyện để thích hợp với hoàn cảnh sống đến như vậy, việc huấn luyện chiến mã cũng không kém. Ngay từ khi ngựa được một năm tuổi, nó sẽ được huấn luyện. Vì vậy, khi đã lên ba, ngựa trở thành thuần thục, không dám cưỡng lại lệnh của chủ.
Ðối với những con ngựa bất kham, người Mông Cổ thường bỏ đói và buộc dây cương ngắn khiến đầu nó phải ngẩng cao lên. Cứ giữ như vậy cho đến lúc nào ngựa mỏi gối chồn chân, không còn thái độ ương ngạnh thì chủ mới thả ra và cho chúng ăn uống. Lấy đó làm cơ sở, Thành Cát Tư Hãn đã tuyên bố một câu để đời:
"Dưới triều đại chúng ta, nếu vó ngựa Mông Cổ tới đâu là nơi đó sông phải cạn, núi phải tan, cây cỏ phải lùi mình, lên trời thiên đình phải vắng ngắt, xuống biển long cung cũng phải hoảng sợ". Thành Cát Tư Hãn đâu có ngờ rằng, sau này, Hốt Tất Liệt, cháu nội của ông đã phải đau lòng nhìn vó ngựa của đoàn quân viễn chinh hoàn toàn quỵ xuống bởi sức chiến đấu dũng cảm của quân dân Ðại Việt sau khi Hốt Tất Liệt đã chinh phạt Nam Tống và thống trị toàn cõi Trung Quốc thời bấy giờ.
Ðể có được những chú ngựa thiện chiến, không cần buộc dây cương nhưng không dám dời chỗ, ít khi cất tiếng hí vang nếu không được lệnh, đứng im lặng hàng giờ liền..., người Mông Cổ đã khổ công chọn ngựa. Họ chọn được hai loại chiến mã. Loại ngựa giống thuần chủng được gọi Công mã, còn loại đã được lai tạo gọi là Loa mã. Công mã được dùng làm đầu đàn, có nhiệm vụ kiềm chế năm, sáu chục con Loa mã.
Trong chiến tranh, ngựa cũng bị giết như người. Hàng ngàn chú ngựa đã tham gia và bị giết trong mỗi cuộc chiến tranh hoặc mỗi lần tranh chấp. Trong Thế chiến thứ nhất, chủng tộc ngựa đau lòng vì các bên lâm chiến đã dùng chúng để kéo các đại pháo nên bị phe địch tấn công gây nhiều tổn thất lớn lao cho giòng giống ngựa. Dùng ngựa để đánh nhau kéo dài mãi cho tới Thế chiến thứ hai, cuộc chiến tranh mà xe tăng và xe bọc thép trở thành phương tiện tấn công chủ lực thì kỵ binh ngựa vẫn là những chiến sĩ dũng cảm, vô cùng cần thiết trong giao liên, thám báo... và cả trong tấn công chớp nhoáng, nhất là ở những vùng núi non.
Ở nước ta, từ thời đại Hùng Vương về trước, chưa biết chính xác về việc dùng ngựa vào lúc nào, nhưng từ  thời Hùng Vương về sau, ngựa đã được dùng để kéo xe, đánh trận. Hình ảnh Thánh Gióng cỡi ngựa sắt ra trận là một hình ảnh có ý nghĩa của ngựa trong sinh hoạt của người Việt thời xưa.
Ngựa Với Đời Sống Văn Hóa
Thuần hóa ngựa đã là một điều khó, huấn luyện ngựa để trình diễn trước công chúng lại càng khó hơn. Ðối với ngựa chưa được huấn luyện,  tiếng vút của roi da trở thành tập quán chỉ định ban đầu, sau đó thì người huấn luyện sử dụng lời nói hay cử chỉ để ra lệnh. Người huấn luyện phải làm sao để mỗi con ngựa đều biết tên gọi của mình và phải trả lời bằng cử động ngay lập tức. Giống ngựa Ả Rập thuần chủng hoặc lai một phần là giống ngựa tốt nhất đối với người  huấn luyện bởi chúng thông minh, tướng tốt, dễ nhìn. Ðộ tuổi để huấn luyện là trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi, và thời gian huấn luyện từ 9 đến 12 tháng. Sau đó, tùy theo mục đích, ngựa sẽ được huấn luyện tiếp.
Ngựa tham gia vào đời sống văn hóa của loài người khá sớm và tích cực. Ðua ngựa, cỡi ngựa chơi pôlô, và cỡi ngựa đấu thương là phổ biến nhất.
Hàng trăm năm trước Tây lịch, các cuộc đua ngựa đầu tiên đã được tổ chức ở Syria và Arabia, nhưng những người Hy Lạp và La Mã cổ đại mới là những nài ngựa điêu luyện. Ðua xe ngựa kéo đã sớm trở thành môn thể thao đầy hấp dẫn nhưng cũng nguy hiểm không kém. Trong các buổi lễ lượt, liên hoan lớn đều không thiếu cuộc tranh tài đầy hào hứng này.
Người La Mã đã đưa trò chơi đua xe ngựa vào đất Anh, rồi lan qua Ðức và các lãnh địa khác. Cho tới bây giờ, môn đua xe ngựa này đã được phục hồi trở lại sau khi bị lãng quên một thời gian. Ðến thời Jacques đệ nhất, con trai của Marie Stuart (1603-1625) mới phục hồi lại bằng cách cho sưu tầm những giống ngựa tốt ở vùng Ðông Á và giới thiệu chúng trong những cuộc đua được xem như là hội chợ có sự chứng kiến của nhà vua. Thực sự, đua xe ngựa đã trở thành trò giải trí có giá trị văn hóa truyền thống. Tới thời vua Charles đệ nhị (1660-1685), ông vua này lại có mùa đua xe ngựa. Ông ra lệnh thiết lập những cuộc đua thường kỳ vào mùa Xuân và mùa Thu. Tới ngày đua, thiên hạ bàn tán, nô nức như ngày hội.
Dưới thời vua Geerge đệ nhất và đệ nhị, ngựa là một bộ phận quan trọng trong lối sống của người dân Anh. Vào năm 1753, câu lạc bộ đua ngựa đầu tiên đã được thành lập trên thế giới.
Các hoạ sĩ, nghệ nhân điêu khắc Ba Tư đã đưa ngựa vào nghệ thuật tạo hình. Một bức tranh với nhiều màu sắc hài hòa, trong sáng ghi lại cảnh những người cỡi ngựa đang chơi pôlô một cách thiện nghệ với những cây gậy khoắm nho nhỏ thật dễ thương. Sau đó môn pôlô xuất hiện ở Anh, và rồi ở Ấn Ðộ vào năm 1869, và vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Pôlô xuất hiện ở Mỹ chậm hơn, mãi tới năm 1883 mới có.
Sau đua xe, cỡi ngựa chơi pôlô, cỡi ngựa đấu thương cũng là một môn thể thao hấp dẫn.
Trò chơi có tính nghệ thuật lẫn can đảm này đã làm nổi bật đặc tính của con người: huấn luyện những loài thú thuần hóa để phục vụ cho lợi ích của con người. Như tất cả những loài thú đã được huấn luyện khác, ngựa đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn thật hấp dẫn, ngoạn mục (dĩ nhiên là có cả con người!).
Nghệ thuật xiếc đã đạt đến thời kỳ rực rỡ của nó trong suốt thế kỷ thứ XIX. Vào thời kỳ này, những nhà cỡi ngựa lừng danh đã làm đứng tim khán giả bằng những màn trình diễn điêu luyện. Và càng hoàn thiện hơn nữa khi những tay luyện ngựa xiếc đã biến các chú ngựa thành "những vũ công" múa những điệu múa tuyệt đẹp.
Philip Astley còn có Charles Nughes là đối thủ, được các dân tộc ở châu AÂu hoan nghênh, nhưng tại quê hương nước Anh thì lạnh nhạt. Sau đó thì Andrew Ducrow, người đã sáng tạo ra những màn kịch câm trên lưng ngựa và được công chúng hoan nghênh. Anh ta đã sớm trở thành ngôi sao của nghệ thuật xiếc qua những vở kịch Người da đỏ đi săn, Nhà ảo thuật Trung Hoa, Người mục đồng xứ Tyrol... và nhất là Người đưa thư thành Peterograd. Trong tiết mục vẫn còn nổi tiếng cho tới ngày hôm nay, Andrew đứng chỏi hai chân trên hai con ngựa đang phi nước đại, những đất nước mà người đưa thư đi qua trên đường đi Nga được thể hiện bởi những con ngựa đang phi nước đại chui qua anh ta. Tiết mục này tồn tại là do nó đòi hỏi về kỹ thuật cỡi ngựa nhanh nhẹn và thăng bằng nhiều hơn là kỹ thuật kịch.
Cũng vào thời gian này, ở nước Pháp và nước Ðức lại nổi lên một nét mới về môn cỡi ngựa: cỡi ngựa nghệ thuật. Nữ kỵ sĩ mặc áo đuôi tôm, ngồi vắt hai chân một bên trên lưng ngựa, mặt che mạng, và trên ve áo có cái chùm hoa tím, biểu tượng của sự hào hoa phong nhã. Có nơi, cỡi ngựa nghệ thuật, kỵ sĩ mang trang phục cổ điển, thường là màu đen, có nơi như ở Hungary, người cỡi ngựa lại mang trang phục sặc sỡ.
Và giữa lúc phương tiện giao thông bằng xe hơi, xe gắn máy đưa đón khách ở vùng nội thị thì phần lớn du khách lại thích ngồi trên những chiếc xe ngựa lạch cạch đi thăm những thắng  cảnh cổ xưa, những khu rừng hoang dã... để tìm lại không khí văn minh cổ nhằm thư giãn tâm hồn...
Qua đó, đời của người và ngựa vẫn sát cánh bên nhau. AÂu đó cũng là duyên nghiệp từ bao kiếp làm phong phú không chỉ ở chủng loại, mà còn cả ở tình thương. Người thương ngựa, và ngựa cũng quyến luyến người. Chẳng vậy sao khi tên gọi của năm này là Nhâm Ngọ?!
Source : Báo Giác Ngộ, số đặc biệt,  Xuân Nhâm Ngọ - 2002
-- o0o --