PHẬT THẤT
MỘT MÔ HÌNH TU HỌC CẦN ÐƯỢC NHÂN RỘNG
Thích Chân Tính
---o0o---
 
Phật thất, hai chữ này có lẽ rất mới lạ đối với Phật tử Việt Nam chúng ta. Có người khi nghe hai chữ này thường nhầm lẫn là nhập thất. Vậy Phật thất và nhập thất có gì khác nhau? Phật thất là bảy ngày niệm Phật, chữ thất này là số 7. Còn nhập thất là vào ở trong một căn nhà tu tập, chữ thất này là nhà. Phật thất mang tính cộng tu, nhập thất mang tính biệt tu. Phật thất cũng gần giống như tu Bát quan trai, nhưng khác nhau là Phật thất tu 7 ngày đêm, Bát quan trai tu một ngày đêm. Phật thất không thọ tám giới mà mỗi người phải tự giữ giới của mình đã thọ và chấp hành đúng nội quy khóa tu đặt ra. Phật thất cũng có thể xem là đoản kỳ xuất gia (xuất gia ngắn ngày). Bởi lẽ trong 7 ngày tu tại tự viện, họ phải sống đời phạm hạnh giống như tu sĩ.
Phật thất bắt nguồn tại Trung Quốc, được tổ chức từ lúc nào, chúng tôi chưa có tài liệu để biết chính xác. Về nguyên nhân tổ chức Phật thất thì chắc chắn do các bậc Tổ sư Trung Quốc đã căn cứ vào kinh A Di Ðà. Kinh văn khuyên người chí thành niệm Phật từ một ngày đến bảy ngày, niệm đến nhất tâm bất loạn. Kết quả hiện tại thân tâm tịnh lạc, vị lai vãng sinh Phật quốc. Do đó các vị Tổ sư đã tổ chức Phật thất ố Trung Quốc gọi là đả Phật thất ố giúp cho hàng Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, đến chùa thúc liễm thân tâm, tinh tấn niệm Phật.
Về pháp tu, khóa tu Phật thất chuyên trì danh hiệu Phật A Di Ðà, được chia ra làm ba cấp tu, tùy theo khả năng tu tập của mỗi người mà chọn lựa. Cấp một gọi là Tín tâm niệm Phật, cứ 15 phút ngồi và 15 phút kinh hành, niệm Phật ra tiếng. Cấp hai gọi là Chuyên tâm niệm Phật, ngồi niệm 30 phút, kinh hành 15 phút, niệm thầm. Cấp ba gọi là Nhất tâm niệm Phật, ngồi từ 1 giờ đến 2 giờ, niệm thầm. Thời khóa công phu mỗi ngày là 7 giờ chia làm năm thời. Ngoài thời khóa chính này ra, chúng tôi đều mở băng niệm Phật để Phật tử lúc nào cũng nhiếp tâm vào câu niệm Phật.
Ðể cho việc tu và học đạt kết quả tốt, mỗi ngày có một giờ pháp thoại do các vị giảng sư đảm trách. Chúng tôi cũng đặt ra năm tiêu chuẩn tu tập để Phật tử theo đó mà hành trì, được thể hiện qua câu lục bát:
- Lục hòa, nghiêm tịnh, tinh cần,
Nhất tâm, an lạc trọn phần khóa tu.
Trong khóa tu, chúng tôi rất chú trọng đến bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Khi đi lên chánh điện công phu, đi ăn cơm đều phải xếp hàng trang nghiêm, đi phải khoan thai, ngồi phải thẳng lưng, kinh hành phải đúng nhịp chân và đúng vị trí ngay hàng thẳng lối. Trong lúc ăn cơm phải im lặng giữ chánh niệm. Ðứng lên ngồi xuống phải nhẹ nhàng không nên kéo ghế gây tiếng động. Ngoài ba bữa ăn ra không được ăn phi thời, không được ngủ nghỉ phi thời. Ðặt ra nội quy nghiêm ngặt như thế nhằm mục đích giúp cho Phật tử thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Khi tâm nhiếp vào câu niệm Phật, thân có oai nghi tế hạnh thì ba nghiệp sẽ thanh tịnh. Nhờ sống 7 ngày trong thiền môn quy củ, họ mới cảm nhận được giá trị của đời sống phạm hạnh, mới có đủ thời gian để rèn luyện oai nghi, sửa đổi thói hư tật xấu. Do cách tổ chức khoa học, nội quy nghiêm ngặt, thời khóa công phu tu học hợp lý, sau bảy ngày tu học, Phật tử có được nhiều chuyển biến tốt về thân và tâm.
Cuối năm 1998, chúng tôi có dịp sang Ðài Loan và ghé thăm Phật Quang Sơn. Sáng hôm sau chúng tôi thấy một đoàn người hơn 600 vị, cả xuất gia lẫn cư sĩ đi hàng đôi vào trai đường. Một hàng người mặc hậu đen và y đen, một hàng người mặc đồ lam và áo tràng lam, giày vớ đồng màu đồng kiểu. Trong trai đường, từ khi họ vào đến khi ngồi xuống ăn uống đều trang nghiêm im lặng, không có tiếng khua chén bát hoặc tiếng động mạnh. Cách tổ chức tu tập này đã gây ấn tượng sâu đậm trong tôi. Hôm sau chúng tôi đến chùa Linh Nham của Hòa thượng Diệu Liên. Lúc đến chùa khoảng 19 giờ. Tại chánh điện có gần 1.000 Phật tử đang niệm Phật kinh hành. Tiếng niệm Phật trầm bổng như một bản nhạc hòa tấu nhịp nhàng, đã thu hút tôi say sưa lắng nghe. Ðặc biệt các động tác đứng lên, ngồi xuống, kinh hành được thực hiện một cách thuần thục. Thực tế tận mắt nhìn thấy sự tu tập tại hai nơi này, chúng tôi rất mừng vì Phật giáo có được những tổ chức tu học dành cho Phật tử tại gia với số lượng đông đảo và nề nếp như thế. Nhưng chúng tôi lại cảm thấy buồn cho Phật giáo Việt Nam, một đất nước đã có bề dày 2.000 năm Phật sử, vậy mà hiện nay chưa có một tổ chức tu học nào có nề nếp, trang nghiêm và tầm cỡ như thế.
Sau chuyến đi Ðài Loan về, vì tự ái dân tộc, vì tiền đồ Phật giáo Việt Nam, chúng tôi quyết chí thực hiện chương trình tu học cho Phật tử và khóa tu Phật thất đã được hình thành. Dù vậy chúng tôi chỉ hy vọng tổ chức mỗi khóa tu khoảng 100 người là tốt rồi, để đạt được số lượng cả ngàn như Phật giáo Ðài Loan thì chỉ là ước mơ thôi.
Thế mà bây giờ ước mơ đã thành sự thật. Chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn) đã có 13 khóa, átừ 68 Phật tử nay hơn 700 Phật tử đăng ký, vì cơ sở có giới hạn, nếu nhận đủ có thể lên đến 1.000. Như vậy về số lượng so với Phật giáo nước bạn chúng ta không thua gì, nhưng về chất lượng còn phải tu tập nhiều hơn nữa thì mới có thể thuần thục được. Do vậy, khi Phật tử về tham dự khóa tu, chúng tôi thường nhắc “Việc tu học của chúng ta hôm nay không chỉ tu cho mình, cho gia đình, cho xã hội mà còn tu cho cả Phật giáo Việt Nam nữa”.
Mong ước của chúng tôi là mô hình này được mọi tự viện đều thực hiện tùy theo điều kiện của mình. Ðây cũng là góp phần làm cho GHPGVN càng ngày càng có vị trí trong cộng đồng PG các nước lân cận.
Source : Báo Giác Ngộ, số đặc biệt,  Xuân Nhâm Ngọ - 2002
-- o0o --