-
Những Đoá Mai Vàng
-
Đẹp Mãi Ngàn Năm
-
TT. Thích Giác Toàn
-
-
1
-
Đối với các Thiền Sư thời Lý-Trần, sự ứng dụng tâm thức tu
hành với những giáo lý Đức Phật truyền dạy là một. Trong Kinh
Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, Đức Phật khai thị về không
gian: "Mười phương thế giới đồng nhất thể". Trong Kinh Kim
Cang, Đức Phật mở bày ý niệm về thời gian: "Quá khứ tâm bất
khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vi lai tâm bất khả đắc".
-
Câu chuyện vua Lý Thái Tông, khoảng niên hiệu Thông Thụy
(1034-1038), một sáng mùa Xuân tìm vào núi viếng thăm Thiền Sư
Thiền Lão. Với 4 câu thơ, đáp lời hai câu hỏi của nhà vua,
Thiền Sư đã lưu lại cho chúng ta những câu thơ tuyệt bích
trong thi ca Thiền học về không gian và thời gian.
-
Lúc lên núi, gặp Thiền Sư vua hỏi: "Hòa Thượng đến tu núi này
được bao lâu rồi?"
-
Thiền Sư đáp:
-
- Sống ngày nay biết ngày nay
-
Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì!
-
(Đản tri kim nhật nguyệt
-
Thùy thức cựu Xuân Thu)
-
Vua lại hỏi tiếp: "Như vậy hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì?"
-
Thiền Sư đáp:
-
- Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
-
Trăng trong mây trắng hiện toàn chân.
-
(Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
-
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân)
-
Thiền Sư không làm thơ nhiều, nhưng tâm hồn Thiền Sư hiền và
đẹp nên ngôn ngữ Thiền Sư thốt ra cũng nhẹ và đẹp lãng đãng
như áng mây trời. Vì thế, không gian và thời gian đối với
Thiền Sư lại càng như không có gì để phải bận tâm. Bởi quá
khứ là cái đã đi qua; những điều hiện tại trong khoảnh khắc
rồi cũng qua mau, trở thành quá khứ; còn việc tương lai là
điều chưa đến, mà nếu có đến thì nó lại cũng đi qua và sẽ trở
thành quá khứ. Dòng thời gian luôn qua nhanh như một dòng
nước trôi xuôi. Nắm bắt cái đã qua vừa làm mất công, vừa tự
mình làm mệt, làm khổ cho chính mình. Cho nên, chúng ta thấy
các Thiền Sư chẳng những sống với thực tại mà còn tỉnh thức
trước thực tại. Các Pháp vốn "như thực như thị", hãy để nó
diễn biến đúng theo quy luật nhân quả của chính nó.
-
Chúng ta tin chắc lời đáp của Thiền Sư đã tạo nên sự ngạc
nhiên lý thú cho nhà vua và kết quả đã đưa nhà vua về với thực
tại: - Như vậy, hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì? Thiền Sư
không trả lời là hằng ngày mình làm việc gì, nhưng nhà vua vẫn
không buồn mà lại càng thích ý hơn khi được Thiền Sư đưa nhà
vua thể nhập vào sự hài hòa toàn bích của tâm và cảnh, giữa
con người và cảnh sắc thiên nhiên không hai không khác:
-
- "Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
-
Trăng trong mây trắng hiện toàn chân".
-
Chính cái bên ngoài là pháp trần, là hóa thân làm đẹp cái bên
trong; còn cái bên trong là tâm thức, là pháp thân chủ để làm
rạng rỡ, rực sáng cái bên ngoài. Người thân chứng là người
không còn thấy có khoảng cách giữa tâm và vật, thức và trần.
Cảnh chỉ là một ? huyền diệu lung linh.
-
2
-
Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) nếu so với các Thiền Sư đời Lý
thì tuổi thọ nơi thân xác tứ đại của Thiền Sư có phần ngắn
ngủi hơn. Nhưng pháp thân chân tính của Ngài hiển hóa trong
thi ca thì sống mãi muôn đời. Và một điều kỳ diệu là mùa Xuân
nào đọc lại bài thơ của Thiền Sư vẫn nghe như mới, như trào
dâng một cảm xúc vô biên:
-
- "Xuân khứ bách hoa lạc
-
Xuân đáo bách hoa khai
-
Sự trục nhãn tiền quá
-
Lão tùng đầu thượng lai
-
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
-
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai".
-
"Xuân đi trăm hoa rụng
-
Xuân đến trăm hoa cười
-
Trước mắt việc đi mãi
-
Trên đầu già đến rồi
-
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
-
Đêm qua sân trước một cành mai".
-
(HT.Thích Thanh Từ dịch)
-
Về mặt cấu tạo vật chất, thân con người là tứ đại (đất, nước,
lửa, gió) cấu thành, cảnh vật hoa cỏ thiên nhiên cũng là tứ
đại thành. Nhưng con người hơn vạn vật ở chỗ là con người có
hình thức sống, có tâm hồn, cho nên con người đương nhiên là
chủ thể của vạn vật. Điều vi diệu ở đây là chủ thể và khách
thể, tức con người và vạn vật lại hội nhập hòa điệu trong tính
đồng nguyên nhất thể. Con người nhìn tấm gương phản chiếu của
dòng thời gian đến ? đi, của hoa cỏ nở- rụng mà có thể cảm
nhận được dòng đời "trước mắt việc đi mãi", để tự nhìn lại
chính mình "trên đầu già đến rồi" quả vô cùng tuyệt diệu.
Thấy được tính vô thường nơi thời gian, vô thường của cảnh vật
hoa cỏ thiên nhiên rồi cảm nhận ra được sự vô thường nơi chính
xác thân mình đâu phải là điều dễ làm. Trong cuộc sống trùng
trùng điệp điệp này ai cũng trải qua, ai cũng đến đi, ai cũng
trẻ già, ai cũng sống chết; nhưng giác ngộ được thực tướng của
chính mình trong mỗi lúc, không phải ai cũng có thể cảm nhận
ra.
-
Khi đối diện nhân chứng trước sanh tử vô thường, chẳng những
không sợ hãi mà Thiền Sư còn đưa con người vào cõi an trú vĩnh
hằng, Niết Bàn bất diệt: "Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm
qua sân trước một cành mai". Giữa cõi đất trời siêu tuyệt,
cành mai của Thiền Sư Mãn Giác chính là sự hội tụ của tính
nhân văn, là nét đẹp không cùng tận của con người.
-
Đời Trần, Thiền Sư Huyền Quang ? một thi sĩ tài hoa, là một
trong số ít các vị tác giả có nhiều tác phẩm, hiện nay còn lưu
lại cũng khá nhiều. Bài thơ "Hoa Cúc" là một trong những bài
thơ nổi tiếng của Thiền Sư. Từ ngày Thiền Sư tịch đến nay gần
700 năm, hễ nói đến Thiền Sư thì người ta nhớ đến bài thơ "Hoa
Cúc". Bài thơ có sáu đoạn tứ tuyệt, mỗi người có mỗi tâm
trạng hòa nhịp theo ý thức xúc cảm sâu lắng của Thiền Sư.
-
Giáo lý vô thường, khổ não, vô ngã trước cuộc đời và sự thâm
cảm giữa ý thức uyên áo của con người với thiên nhiên được
Thiền Sư lột tả một cách tuyệt mỹ nơi đoạn 3:
-
- "Vương thân vương thế dĩ đô vương,
-
Tọa cửu tiêu nhiên nhất thập lương
-
Tuế vãng sơn trung vô lịch nhật,
-
Cúc hoa khai xứ, tức trùng dương".
-
"Quên mình, quên hết cuộc tang thương
-
Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường
-
Năm cuối trong rừng không có lịch
-
Thấy hoa Cúc nở biết trùng dương".
-
(bản dịch của Phan Võ ? lược khảo LSVHVN)
-
Bốn loài: Mai, Lan, Cúc, Trúc là biểu tượng của bốn mùa: Xuân,
Hạ, Thu, Đông. Thiền Sư ngồi thiền định trong rừng, cảnh cũng
không người cũng không. Cây cỏ, hoa cảnh, thời gian, không
gian như đứng ngừng im lặng, như "giao hội" cùng trời đất.
Chỉ cần thấy "hoa Cúc nở" là biết "tiết trùng dương đã đến,
tựa như Thiền Sư Viên Chiếu đời Lý cũng đã từng thổ lộ:
-
- "Trùng dương Cúc nở dưới rào
-
Trên cành Oanh hót thanh tao dịu dàng".
-
Nhưng nét đẹp siêu tuyệt nơi Huyền Quang không dừng lại ở đây,
nó còn vương lên, vượt khỏi ta ? người, tâm- cảnh, có ? không
v.v? Nói theo tư tưởng Thiền của các Tổ sư là dứt bỏ "Nhị
kiến" không còn thấy có hai, dù không gian, thời gian nào, dù
người hay vật, sắc hay không (đoạn 5):
-
- "Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
-
Phần hương độc tọa tự vong ưu.
-
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
-
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu"
-
"Người ở trên lầu hoa dưới sân
-
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
-
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
-
Một đóa hoa vàng chợt nở tung"
-
(bản dịch của Nguyễn Lang)
-
Khi nào con người trở về với chính mình thì khi đó cái đẹp
"tính nhân bản" hội tụ. Và cũng chính nơi mình, "tính nhân
bản" tỏa sáng muôn đời.
-
Tóm lại, như chúng ta đã biết, cánh hoa vàng (hoàng hoa) của
Thiền Sư Thiền Lão, cành Mai vàng của Thiền Sư Mãn Giác đầu,
giữa đời Lý và đóa Cúc vàng của Thiền Sư Huyền Quang gần cuối
đời Trần? cả 3 đóa hoa vàng cách nhau trên dưới 300 năm. Vậy
mà khi đọc lại, ta tưởng chừng như 3 con người, 3 vị Thiền Sư
Thiền Lão-Mãn Giác-Huyền Quang và 3 đóa hoa vàng chỉ là một ?
như mới đâu đây, mới hôm nào? rồi chợt giật mình. Ổ! Đây rồi
? đóa hoa vàng của chính lòng ta "tâm thức sống của chính
mình", của mỗi người chúng ta. Ôi! Những đóa hoa vàng tuyệt
bích thiên thu.
|