Vạn Xuân:
Một Khát Vọng Của Dân Tộc
Đào Nguyên
--o0o--
Suốt quá trình gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể ghi nhận khá nhiều mùa Xuân thực sự, trong đó sự hòa hợp tốt đẹp được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống. Ở đây, chúng tôi muốn nói tới một giai đoạn trong thời kỳ xa xưa, một giai đoạn giành được độc lập ngắn ngủi, sau bao nhiêu năm tháng bị ngoại bang thống trị : đó là thời vua Lý Nam Đế (Lý Bí) với Nhà nước Vạn Xuân. Lịch sử Việt Nam đã nhận định : "Sau những thắng lợi trên cả hai chiến trường biên giới Bắc, Nam, giành lại và bảo toàn lãnh thổ cơ bản từ thời dựng nước đầu tiên, mùa Xuân, tháng Giêng theo lịch trăng (tháng 2/544 TL), Lý Bí dựng lên một nước mới, với quốc hiệu Vạn Xuân đóng đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày sau)... Lúc này Phật giáo đang phát triển mạnh ở nước ta cũng như ở Trung Hoa. Giới Tăng Ni là tầng lớp trí thức đương thời chắc chắn đã ủng hộ Lý Nam Đế. Chính một người trong họ ông và làm tướng cho ông đã mang một cái tên đượm màu sắc sùng bái Phật Tổ : đó là Lý Phật Tử.
            Nhà nước Vạn Xuân, dù mới dựng, cũng bỏ tiền xây một ngôi chùa lớn, sau này trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của nước ta. Đó là chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày sau. Ngay cái tên "chùa Mở Nước" cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa !" (Trần Quốc Vương, Lịch sử Việt Nam I, Nxb ĐH, 1983, tr 408-409). Từ đoạn sử vừa dẫn trên, chúng ta có thể rứt r mấy ghi nhận đáng chú ý : 
            1/ Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí ở thế kỷ 6 TL là đỉnh cao trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm Bắc thuộc. Cuộc khởi nghĩa ấy đã hoàn toàn thắng lợi với việc ra đời của Nhà nước Vạn Xuân. "Xưng đế, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng, lấy Nam đối chọi với Bắc, lấy Việt đối sánh với Hoa, những điều đó nói lên sự trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin ở khả năng vững chắc tự mình vươn lên, phát triển một cách độc lập..." (Lịch sử Việt Nam I, sđd, tr 409) trong bối cảnh xã hội là đạo Phật đã được du nhập từ lâu và đang phát triển mạnh, đúng như nhận định của Giáo sư Trần Văn Giàu : "Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn với Phật giáo..." (Trần Văn Giàu, Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam, in trong Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học xb, 1986, tr 15).
2/ Phật giáo thời bấy giờ (thế kỷ thứ 6) ở Trung Hoa cũng như ở Giao Châu (Nhà nước Vạn Xuân) đang hồi phát triển mạnh. Tư liệu về sử, văn tuy không dồi dào nhưng vẫn đủ để chúng ta nhận thấy về quá trình diễn tiến của sự phát triển ấy qua hình ảnh một số danh tăng, trong sứ mạng hoằng dương chánh pháp đã sinh trưởng hoặc từng có mặt ở Giao Châu, từ Mâu Tử (thế kỷ 2-3), Khương Tăng Hội (thế kỷ 3), Chi Cương Lương Tiếp (thế kỷ 3), Ma Ha Kỳ Vực (thế kỷ 3), Đạt Ma Đề Bà (thế kỷ 5), ... đến Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế kỷ 6), Quán Duyên (thế kỷ 6), Pháp Hiền (thế kỷ 7)... Đáng chú ý là tài liệu của Lê Quý Đôn (1726-1784) trong sách Kiến văn tiểu lục, nhờ tham khảo nơi các sách Trung Quốc đã phát hiện 4 vị danh tăng Việt Nam ở cuối thế kỷ thứ 7 - thế kỷ 8 TL, từng được các nhà thơ nổi tiếng đời Đường tặng thơ. Đó là Pháp sư Phụng Đình, Duy Giám bác thông kinh luận, đã được vua Đường mời sang tận kinh đô để giảng kinh. Thi sĩ Dương Cự Nguyên (cuối thế kỷ 7) có thơ tiễn Pháp sư Phụng Đình về nước :   "Cố hương Nam Việt ấy
            Ngàn dặm mây trắng bay
            Cửa trời vắng kinh kệ
            Biển rộng hoa hương đầy
            Bóng cò in sóng bạc
            Thành quách lung linh xây
            Trường An lòng tưởng nhớ
            Giao Châu chuông canh chầy"
             (Nguyễn Lang dịch, VNPGSL I, 1974, tr 102)
            Bài thơ tiễn Pháp sư Duy Giám của nhà thơ Giả Đảo (788-843) cũng được viết theo thể Đường luật ngũ ngôn bát cú :   
Giảng kinh nơi cung điện
Vườn ngự hoa xuân bay
 Xa quê từ mấy độ
Núi cũ về từ nay.
Mưa sa dầm áo bạc
Gió táp ấn hương phai
Biển vắng như thế đó
            Tin tức làm sao hay ?
                        (Nguyễn Lang dịch, sđd, tr 102-103)
            Còn hai nhà thơ Thẩm Thuyên Kỳ (đầu thế kỷ8) và Trương Tịch (cuối thế kỷ 8) thì đã từng sang thăm Giao Châu, đến viếng Thiền sư Vô Ngại tại chùa Sơn Tĩnh, huyện Cửu Chân (Thẩm Thuyên Kỳ), ghé thăm một vị sư người quận Nhật Nam đang tu trong núi (Trương Tịch). Đây là bài thơ tám câu năm chữ của Trương Tịch tặng vị sư người quận Nhật Nam :   
Ở mãi mấy ngọn núi
Hai cánh cửa thông gài
Viết kinh trên lá chuối
Treo áo rụng hoa mây
Đục đá khơi giếng mới
            Xuyên rừng trồng cây đay
Nếu gặp người Nam Hải
Líu lường hỏi nhà ai ?...
                        (Nguyễn Lang dịch, sđd, tr 105)
            Riêng bài thơ ngũ ngôn của Thẩm Thuyên Kỳ tặng Thiền sư Vô Ngại gồm tới 16 câu, khen nhà sư là một hóa thân của Phật, tự xưng là đệ tử và tỏ ý tiếc vì chưa đủ trình độ Phật học thâm sâu để cùng sư đàm đạo :    
"Phật xưa sinh Thiên Trúc
Nay hóa thân Nhật Nam
 Vòng não phiền ra khỏi
Dưới núi dựng già lam
Khe suối thơm là cảnh
Đá non cao là am
Chim xanh tập thiền định
Vượn trắng nghe giảng đàm
Vách đá dây mây quấn
Mặt đầm hoa leo thang
Theo suối vào bóng mát
Giặt áo phơi rừng hương
Đệ tử hận mình dở
Phật pháp chưa am tường
Qua khe Hổ nhìn lại
Dưới cây sương khói lam"
                        (Nguyễn Lam dịch, sđd, tr 103-104)
            Tất cả những trung dẫn kể trên là nhằm góp phần để chứng tỏ nhận định... "Lúc này Phật giáo đang phát triển mạnh ở nước ta..." là một khẳng định có cơ sở.
            3/ Giới Tăng Ni là tầng lớp trí thức đương thời, không những đã ủng hộ Lý Nam Đế mà còn tạo được sự gắn bó tốt đẹp giữa dân tộc và đạo pháp. Cụ thể hòa cho sự gắn bó ấy là việc Nhà nước Vạn Xuân, dù mới dựng, dù còn phải đối phó với bao sự việc trong - ngoài bề bộn, cũng bỏ tiền để xây cất ngôi chùa Khai Quốc. Ý nghĩa chính của tên chùa Mở Nước là Phật giáo thời bấy giờ đã góp phần đáng kể trong công việc dựng nước và giữ nước, ngôi chùa chính là chỗ dựa tinh thần vững chãi để từ đấy huy động và tạo được sức mạnh tổng lực cho dân tộc. Thời đó, chùa nằm cạnh bờ sông Cái thuộc phường Yên Hoa ; mãi về sau này, do một trận lụt lớn, bãi sông bị lở, chùa mới được dời vào gò đất Kim Ngư ở bên hồ Tây, tức địa điểm hiện tại.
            Bài minh nơi bia chùa Trấn Quốc do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1588-?) viết và khắc dựng năm không chỉ nhấn mạnh về cảnh trí nổi bật của ngôi chùa mà còn bày tỏ cái ước vọng về một mùa Xuân thực sự của hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc và đạo pháp :   
"Phường gọi An Hoa
Chùa tên Trấn Quốc
Ngưu, Chử mênh mông
Phượng Sơn cao ngất
Đời vui xuân đài
Người lên thọ vực
Trăm nghìn công lao
Muôn vàn hạnh phúc
Như thánh như trời
Cao đẹp công đức"
(Tuyển tập văn bia Hà Nội, T I, 1978, tr 35(d))
            4/ Khát vọng ấy cũng chính là khát vọng về một nền thái hòa và thịnh vượng của Nhà nước Vạn Xuân, vì Vạn Xuân có nghĩa là mãi mãi là mùa Xuân" có ý mong xã tắc được bền vững muôn đời" (Đại Việt sử ký, dẫn theo Lịch sử Việt Nam I, sđd, tr 408).
            Thực tế cho thấy ước vọng kia vẫn còn nằm trong tầm ước vọng, vì Nhà nước Vạn Xuân chỉ được hưởng cảnh bình yên trong hơn một năm. Đầu năm 545, lực lượng thống trị phương Bắc lại bắt đầu tổ chức cuộc xâm lược trở lại Giao Châu và người dân Vạn Xuân lại phải tiếp tục chiến đấu để giữ nước. Năm 548, Lý Nam Đế qua đời, công việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm được giao lại cho Triệu Quang Phục (nhận binh quyền từ năm 546), rồi sau đấy là Lý Phật Tử (năm 571), và Nhà nước Vạn Xuân đã tồn tại tới năm 602 mới rơi vào sự đô hộ của nhà Tùy. Trong khoảng thời gian này (từ 571-602), lịch sử truyền bá đạo Phật ở Việt Nam đã tạo được một dấu ấn quan trọng, đó là sự có mặt của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (năm 580) với sự phát triển và truyền thừa một dòng Thiền lớn gọi là dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, sản sinh những bậc chân tu anh tài như Pháp Thuận (915-990), Vạn Hạnh (?-1018) không chỉ làm vẻ vang cho Phật giáo mà còn làm vẻ vang cho cả dân tộc.
            Khát vọng về một nền thịnh trị và thái bình của đất nước thời Nhà nước Vạn Xuân mãi mãi là khát vọng chính đáng, tốt đẹp ; khát vọng ấy đã được thực hiện một cách sinh động, phong phú vào thời thịnh Lý, thịnh Trần.
Trích Tuần báo Giác Ngộ số 150 - 13/02/1999
-- o0o --