Rằm Tháng Giêng
GS. Hoàng Như Mai
--o0o--
         Nhân dân ta có câu: đi lễ quanh năm không bằng đi hội rằm tháng giêng, vì ngày rằm tháng giêng, người ta đi lễ chùa rất đông vui.  Theo tục lệ, Tết mở đầu cho một năm mới, rất quan trọng đối với cả một năm; ngày Tết người ta cầu chúc cho nhau những điều tốt lành với niềm tin là sẽ đạt những điều ấy.  Ngày mồng một tháng giêng,mọi người ở nhà lễ gia tiên ăn Tết, kiêng cho tới nhày rằm, người ta đi chùa, lễ Phật, mong cầu Phật gia hộ độ tr ì cho quanh năm bình yên và cũng tin rằng những lời thành tâm ấy được chứng giám.
Nhà thơ Hồ DZếnh có sáng tác một bài thơ như sau:
- Rằm tháng giêng
            Ngày xưa, còn nhỏ, ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang,
Tay cầm hương nến đỉnh vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
Lòng thành lễ vật đầu tiên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan ngoài mái chị ngồi
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
Quẻ thần thánh mách mà khôn
Số nàng chồng đắc mà con cũng nhiều
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hàng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
It nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
Chân đi dếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về.
Tác giả Hồ Dzếnh là một nhà thơ, nhà văn có tên tuổi.  Bài thơ Rằm tháng giêng lời thơ trong sáng, tình cảm nhẹ nhàng là một trong những bài thơ cuả Hồ Dzếnh được nhiều độc giả thưởng thức và thuộc lòng hơn nửa thế kỷ qua. Giá trị đặc sắc của bài thơ là ở những điểm sau:
Bài thơ thể hiện tục lệ ăn tết nhiều ý nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc của người VN.  đó là một thuần phong mỹ tục.  Trong bài thơ này, qua một sự việc giản dị, có tính chất rất phổ thông là việc cô thiếu nữ đi lễ chùa ngày rằm tháng giêng, tác giả giới thiệu đặc trưng của văn hóa truyền thống và tâm lý của con người VN.
Dân tộc VN ưa cuộc sống hiền lương, hướng thiện, họ biết dung hợp với thiên nhiên chung quanh, họ tin cậy nơi đức hóa sinh của trời đất, họ nuôi trong tâm trí những niềm lạc quan và họ theo đuổi những nguyện vọng hợp lý.  Câu tryện dẫn ra trong bài thơ như một bức tranh dân gian đơn sơ giản dị mà nói lên đấy đủ tính cách của người VN: mùa đông đi qua mùa xuân vừa tới thiên nhiên và con người bước sang một chu kỳ mới, cô thiếu nữ thấy nảy nở trong lòng niềm vui đời hồn nhiên trong sáng, niềm tin cậy lành mạnh vào tương lai, cô và em nhỏ đi chùa thành kính cám ơn Trời Phật và cầu nguyện Trời Phật phù hộ cho cô.  Bức chân dung thiếu nữ đi chùa ấy đẹp một cách mộc mạc mà thanh tú biết chừng nào.  Cuộc sống tưởng chừng như sơ sài tẻ nhạt ấy thật ra thanh khiết và thuần nhã như hoa sen mọc trong đầm mà tỏa hương thơm ngát lòng người.
Đạo Phật từ lâu đã hiện hữu trong cuộc sống của người dân VN, hòa quyện với tâm hồn VN thành một tố chất tự nhiên của cuộc sống.  Có lẽ cô thiếu nữ không tính toán sâu sắc gì nhiều, đứa em nhỏ lại càng không; ngày xuân hòa nhịp với cuộc sinh thành vô tận cuả vũ trụ và nhân sinh, hai chị em khấp khởi niềm vui trong lòng và đi chùa cầu Phật.
Ngôi chùa biểu trưng của đạo Phật, trong tâm trí của hai chị em là một nơi đông đúc vui vẻ thú vị.  đó chính là hình ảnh của đạo Phật trong dân gian VN.  đạo Phật không phải là những giáo điều khô khan xa vời, đạo Phật không phải là sự tu hành khắc khổ, công thức giả tạo.  đạo Phật là gần gũi là thân mật là ân cần là bao dung, đạo Phật rất tình người "Khấn sao được vậy như lòng thế gian" (truyện bà chúa Ba)
Cái quan niệm dân gian hóa- nếu có thể nói như thế được- không làm giảm tính uyên áo không sơ lược hóa, không thực dụng hóa đạo Phật mà chỉ tăng tính phổ cập, tăng sức sống cho đạo Phật như trong truyện Nam Hải Quan Thế Đm( bà chúa Ba) đã viết:
- Có thân ngồi núi Phật đà
Thân lên trên Phật, Thân qua dưới đời
Thần thông nghìn mắt nghìn tay
Phổ môn hiện để độ loài ngu mông
Đứa trẻ nhỏ "tay đeo khánh bạc, lên chùa dâng nhang-Lòng vui quần áo xênh xang- Tay cầm hương nến đỉnh vàng mới mua", cô thiếu nữ "Tam quan ngoài mái chị ngồi. Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn".  Sự thuần phát, nhân hậu lòng mộ đạo hồn nhiên ấy biểu thị Phật tánh.
Đáng chú ý nhất là đoạn kết của bài thơ.  Nhà thơ nhớ và kể lại một hồi ức tuổi thơ.  Các hồi ức về quá khứ thường nhuốm màu u hoài.  Nỗi u hoài ở đây là một nỗi buồn man mác.
Cô chị thì:
"Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ"
Còn đứa em nay là nhà thơ thì:
"Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
It nhiều hương phấn khi còn ngây thơ".
Tại sao có nỗi buồn? đó là vì nhớ tiếc quá khứ. Cô thiếu nữ đã mơ những gì? Những điều mơ ấy dù đạt được, đạt ít, đạt nhiều hay không đạt được thì nay cũng qua cả rồi, mất cả rồi, không còn nữa...vì "chị tôi nay đã xế chiều"-đã già rồi, tuổi xuân đã qua rồi.  Buồn nhớ tiếc vì thế. Chính vấn đề là ở chỗ đó. Bởi cô thiếu nữ cho mơ là thật nên cô tiếc nuối.  Nhưng nếu cô hiểu rằng"Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không"(Chinh Phụ Ngâm) thì cô sẽ bình tĩnh hơn.
Đạo Phật dạy ta: Cuộc đời là giấc ảo mộng, mọi sự đều là giả, cho nên giấc mơ của cô thiếu nữ chỉ là mơ trong mơ, giả thiết nếu có điều nào thực hiện được thì cũng chỉ là thực trong mơ mà thôi-tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!
Hòa thượng Thích Thanh Từ nói: "Chúng ta cứ lần bằng xâu chuỗi mộng. Một ngày qua kẽ tay rồi mất, một ngày khác qua rồi mất, mất, mất...cho tới cùng hết một xâu chuỗi.   Như vậy cả cuộc đời của con người là một xâu chuỗi mộng không có khác gì hơn...
...Cứ như vậy, khi thời gian trôi thì chúng ta cũng bị tiêu mòn theo đó.  Nếu căn cứ vào hiện tại, từ con người cho đến sự vật xung quanh mình đều theo dòng thời gian mà biến đổi sinh diệt, từ phút từ gây, từ sát na không dừng lại ở đâu hết, chúng ta thấy rõ ràng là dòng thời gian hư ảo...
Thân mình và ngoại cảnh là không gian, ba thời: quá khứ, hiện tại , vị lai là thời gian.  Tất cả là một có gì đâu thực là mình?(Xuân trong cửa thiền)
Nhưng hiểu thế có làm cho người đời hoài nghi, bi quan tiêu cực không?
Hòa thượng Thích Thanh Từ nói tiếp: "Nếu chúng ta cứ thấy thời gian trôi qua là mộng,cuộc sống mình sự vật chung quanh mình cũng là mộng thì lúc đó chúng ta sẽ đi mãi trong cái sinh diệt hư ảo mộng huyễn rồi sinh ra tuyệt vọng sao?  Nhưng nhờ phúc duyên lành, chúng ta được đức Phật chỉ cho trong cái mộng ấy có cái không phài là mộng.  Mà cái đó chúng ta đang trở về, đang theo dõi nó và tìm thấy nó để sống với nó...Vì vậy khi chúng ta thất đang bị cái hư ảo mộng huyễn chi phối thì cũng đồng thời cho thấy chúng ta còn có cái không phải hư ảo, không phải huyễn mộng luôn có mặt với chúng ta.
            Nếu chúng tasống trong tâm niệm "thiền" thì mới thấy rằng trong cái sinh diệt ảo mộng còn có cái không sinh diệt ẩn trong ấy.  Thế nên lòng mình được tự tại, an ổn và vui vẻ.  Chỉ thấy được một tí, một khía cạnh nhỏ xíu nào của cái đó chúng ta cũng có thề thấy hứng khởi một niềm vui để xóa được nỗi đau buồn, những cái tối tăm trong quá khứ"(Xuân trong cửa thiền)  Giá trị tích cực, giá trị nhân văn của đạo Phật là như thế.
Điều mà Hòa thượng Thích Thanh Từ nói trên ta đã thấy đủ trong bài "Rằm tháng giêng".
Nhà thơ Hồ Dzếnh, hoài niệm quá khứ có vương vấn, có bâng khuâng có nuối tiếc...
- Hàng năm tôi đi lễ chuà
Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
It nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
Đây cũng là vì sự ngộ nhận cái giả là thực. Nhưng có sự xuất hiện của tiếng chuông chùa
- Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về
Câu thơ cho thấy sự thơ thái, trấn tĩnh trong tâm hồn nhà thơ. Phải chăng" năm tháng ngày xưa trở về" với nhà thơ?  Làm sao như thế được!  Đy là vì nhà thơ lắng nghe từng tiếng chuông chùa, những tạp niệm tan biến như là những bụi bặm lắng đọng xuống đáy ly nước, nước trở nên trong trẻo, tiếng chuông chùa đã gợi lại cái Phật tánh vốn có trong nhà thơ cũng như vốn có trong mỗi con người VN và cái tâm của nhà thơ trở nên ổn định, thanh thản vô tư hồn nhiên như cái tâm của trẻ thơ đấy thôi.
-- o0o --