-
SIDDHATTHA
-
ĐÃ CHO ĐỜI MỘT ĐỊNH NGHĨA VỀ MỸ HỌC
-
Hoàng Thiệu Khang
-
---o0o---
-
-
Mỹ học là một khái niệm chung, nó chỉ định bộ môn khoa học
nghiên cứu những mối quan hệ thẩm mỹ. Do vậy, không có một mỹ
học riêng của từng dân tộc, từng cộng đồng xã hội. Nhưng, tùy
từng tồn tại, vẫn có thể có những hệ thống tư tưởng thẩm mỹ,
những mỹ cảm riêng biệt. Cho nên, chúng ta vẫn có thể chấp
nhận khái niệm "hệ thống mỹ học Phật giáo".
-
Nếu nghệ thuật là ngôn ngữ của những nỗi đau đời- "những điều
trông thấy mà đau đớn lòng" (Nguyễn Du), thì Siddhattha là một
nghệ sĩ lớn. Và nếu nghệ thuật cũng là ngôn ngữ của cái VÔ,
thì Siddhattha cũng là một nhà mỹ học vĩ đại, Siddhattha là
nhà mỹ học của thể nghiệm thẩm mỹ thông qua một chủ thể mang
biện chứng thẩm mỹ nội tại. Do vậy, hệ thống mỹ học ấy rất sâu
lắng, cái sâu lắng của tự thân vận động.
-
Phật học không phải là một triết học, càng không phải là một
triết học lý giải bản thể. Hệ thống này không đi tìm những
định nghĩa về yếu tính. Bàlamôn, từ Védas đến Upanishad, đều
tập trung trả lời cho hai câu hỏi: - Vũ trụ là gì? Hệ thống ấy
đã trả lời bằng bản thể "Thần Một", bằng Brahman, Atman. Lão,
Trang đi tìm bản thể, tìm quy luật thế giới để đưa ra những
khái niệm "Tự nhiên, Vô vi". Tự nhiên là quy luật khách quan,
và Vô vi là sống theo cái tự nhiên vô thức ấy.
-
Cả một dòng triết học phương Tây từ Cổ đại Hy- La, Trung cổ,
Phục hưng, Khai sáng, Cổ điển Đức... đều là triết học bản thể.
Họ giải thích yếu tính của vũ trụ và con người. Dòng triết học
bản thể ấy kết tinh lại trong "vật- cho- ta" và "vật- tự- nó"
của I.Kant, trong "Tinh thần tuyệt đối" của biện chứng duy tâm
Hégel. C.Mác đứng ở đỉnh cao của triết học để thực thi một phủ
định biện chứng triết học cổ truyền, cho ra đời chủ nghĩa Duy
vật biện chứng. Siddhattha không xây dựng hệ thống tư tưởng
của mình để trả lời những câu hỏi về bản thể. Đó là một hệ
thống cảm nhận, miêu tả, thể nghiệm và giải thoát cho cuộc
đời. Như vậy, đó là một hệ thống thực nghiệm, thực hành.
-
Mỹ học Phật giáo là một hệ thống nằm trong hệ thống lớn trên.
Nó không lý giải các bản thể thẩm mỹ, mà cảm nhận, thể nghiệm
các quan hệ thẩm mỹ nhân sinh. Siddhattha "thấy" Khổ đế, Tập
đế, tức cái Bi. Đây là điểm xuất phát của mỹ học Phật giáo. Nó
vừa là một năng lực cảm nhận, thể nghiệm, lại vừa là một năng
lực tư tưởng về sự giải phóng nhân sinh. Làm sao mà một hoàng
tử sống trong nhung lụa, quyền uy... lại có thể cảm nhận được
Khổ đế? Đây là cả một biện chứng pháp nội tại. Siddhattha đã
cảm nhận được cái "biện chứng sa đọa" của chính tầng lớp thống
trị với tư cách là một người trong cuộc. Đại thi hào Nguyễn Du
của chúng ta cũng đã viết Truyện Kiều bằng cảm hứng của một
tâm hồn cảm nhận sâu sắc cái biện chứng nội tại này. Chúng ta
hiểu vì sao mà truyện Kiều lại đậm đà một thẩm mỹ Phật giáo.
-
Trong cảm nhận "biện chứng sa đọa nội tại" của tầng lớp thống
trị (chữ dùng của C.Mác), Siddhattha đã cảm nhận được cái lẽ
bể khổ của con người. Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn cả
nước của năm đại dương. Các tư tưởng Khổ khổ, Hành khổ, Hoại
khổ là cái cơ sở của tư tưởng mỹ học Phật giáo. Điều này, các
ông Mác Mule, Trêbátxki... đã nói tới trong những tác phẩm
nghiên cứu uyên bác về Phật giáo của họ.
-
Cảm nhận biện chứng sa đọa nội tại có bao hàm một thái độ phủ
định của con người ở trong tầng lớp thống trị đối với giai cấp
thống trị. Như vậy, trong đồng cảm với kiếp sống con người,
Siddhattha đã có một từ chối với sự thống trị- nguyên nhân cơ
bản của Khổ.
-
Phần đã trình bày là tư tưởng của Phật giáo về thẩm mỹ cái bi
kịch. Đó là một hệ thống. Phật giáo đã trình bày phạm trù thẩm
mỹ này như là một cấu trúc mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa con người
với hoàn cảnh, và mâu thuẫn nội tại trong một cá thể người
chưa giác ngộ.
Niết bàn là giải pháp tuyệt đối cho bi kịch ấy. Nhưng Niết bàn
là gì? Chốn ấy ở đâu? Siddhattha chỉ ngón tay kỳ diệu của mình
về Cái Đẹp. Vành trăng ấy chỉ gói trọn một chữ tâm. Có Tâm mới
có Vô Ngã.
-
Tâm không tự có như một tiên thiên. Tâm là kết quả của một đại
lực, đại hùng. Không loại trừ được cái Tập đế, cái Thường, cái
Ngã, cứ sống mãi trong vòng Ngũ uẩn... nghĩa là, cứ sống trong
tha hóa... thì "lòng đục", thấy sao được chữ Tâm. Tâm là kết
quả của Diệt đế, Đạo đế.
-
Có một tiến trình đại dũng là để đi tới đại nhân, đại trí. Đó
chính là logic mỹ học của nhân cách Phật giáo. Chuyển hóa được
từ phạm trù cái bi đến phạm trù cái Đẹp là do một lực lượng
nội tại hùng hậu của chủ thể Phật giáo. Cái bi không phải chỉ
được chuyển hóa thành cái đẹp, mà còn được chuyển hóa thành
phạm trù cái Trác tuyệt. Phật giáo là ngón tay chỉ cho mỗi
chúng sinh đang trầm luân chao đảo trong bể khổ, tự mình thiết
lập được thế thăng bằng của cấu trúc cái Đẹp, tự mình vươn tới
Cao cả. Đó là thẩm mỹ của Thiền.
-
Hạt nhân của hệ thống mỹ học Phật giáo là thẩm mỹ của tư tưởng
nhân đạo hiện thực, nhân văn. Tất cả đó đều từ con người, vì
con người và về với con người. Tất cả đều là mỹ học cho con
người tại thế. Như vậy, Phật giáo đã cho chúng ta một định
nghĩa về mỹ học.
-
|