Ý Nghĩa Ðản Sanh
Nhất Quán
--o0o--
 
Sự xuất hiện của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni trong cõi Ta Bà nầy là một phước đức lớn lao cho nhân loại. Ngài là hiện thân của Từ Bi, Trí Tuệ, và ánh sáng của chân lý. Như trong kinh Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa có nói: Ngài ra đời vì mục đích trọng đại là Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến. Chúng ta là môn đệ của ngài, cho nên dù muốn dù không cũng cần phải biết một vài nét lịch sử sơ lược về cuộc đời của ngài.
Ðứng về phương diện bản thể mà xét thì Ðạo Phật có từ vô thỉ. Nói là vô thỉ vì nó không có đầu mối. Cũng không giới hạn ở trong thời gian, bởi vì Ðạo Phật là bản tánh sáng suốt của chúng sanh, nên có chúng sanh là có Ðạo Phật, mà chúng sanh có từ vô thỉ thì Ðạo Phật cũng có từ vô thỉ. Tất cả các Ðức Phật nói chung và Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nói riêng, trước khi thành đạo các ngài cũng như tất cả các chúng sanh khác trong tam thiên đại thiên thế giới. Trong lúc tu nhân để trở thành những vị bồ tát và cuối cùng là Bổ Xứ Bồ Tát trước khi giáng trần thì theo trong Nhân Duyên Ðàm Phật truyện được chia ra làm ba thời kỳ:
Thời Kỳ Viễn kỳ: Là thời kỳ kinh lịch của Phật từ A Tăng kỳ trăm nghìn kiếp về trước cho đến khi thành nhất sanh bổ xứ ở trên Cung Trời Ðâu Suất.
Thời Kỳ Trung Kỳ: Là kể lại từ Cung Trời Ðâu Suất giáng sinh làm Thái Tử Tất Ðạt Ða, rồi xuất gia và thành đạo.
Thời Kỳ Cận Kỳ: Là thời kỳ từ khi thành đạo bắt đầu thuyết pháp cho đến khi nhận Kỳ Viên Tịnh Xá.
Như trên là ba thời kỳ từ khi tu nhân cho đến ngày giáng trần của chư Phật, tuy nhiên theo học giả Kimura Taiken thì ông chia ra làm hai thời kỳ đó là: Thời gian tu nhân của Bồ Tát ở quá khứ và từ Ðản Sanh đến Nhập Niết Bàn.
A- Phương Diện Tôn Giáo Học: Thời Quá Khứ Bồ Tát Tu Nhân
Vào thời Ðức Phật Nhiên Ðăng cách đây bốn A Tăng Kỳ và trăm nghìn kiếp về trước, có một cư sĩ tên là Thiện Tuệ vì nhận thấy đời là vô thường nên xuất gia tu đạo trong núi tuyết và có ý định nhập diệt tại đó. Nhưng khi gặp Phật Nhiên Ðăng xuất hiện thuyết pháp cho nghe thì Thiện Tuệ bỏ đi ý định nhập Niết Bàn, trái lại còn phát tâm độ hết thảy tất cả chúng sanh và quyết tu cho đến khi thành Phật. Thiện Tuệ một mực thờ Phật Nhiên Ðăng, và cuối cùng được Phật thọ ký trải qua bốn A Tăng Kỳ trăm ngàn kiếp sau được thành Phật hiệu là Thích Ca. Ðó là khởi đầu cho các kiếp làm Bồ Tát ở quá khứ. Bồ Tát có nghĩa là người tìm cầu trí tuệ, điều kiện chủ yếu của Bồ Tát hạnh là quên mình, vì người, nghĩa là lấy việc trên cầu Bồ Ðề, dưới độ chúng sanh làm căn bản tu hành. Sau khi được thọ ký, Bồ Tát trải qua nhiều đời nhiều kiếp sinh vào các loài hữu tình để hoàn thành những hạnh nguyện của mình, cho nên có khi Bồ Tát làm Chuyển Luân Thánh Vương, có khi làm Ngư Phụ, có khi mang thân phàm phu nhiều phiền não, cũng có khi sinh làm Vượn, Khỉ, Giả Can, loài Thỏ..v..v..tất cả những hình tướng đó rốt cuộc cũng chỉ để hoàn thành tâm nguyện trên cầu Phật Ðạo, dưới hoá độ chúng sanh. Trong tất cả các cảnh giới và các loại thân hình, Bồ Tát tuy nổ lực hành trì, nhưng pháp tướng để các ngài dùng làm căn bản tu tập vẫn là mười Ba La Mật:
01- Bố Thí Ba La Mật
02- Giới Ba La Mật
03- Xuất Ly Ba La Mật
04- Trí Huệ Ba La Mật
05- Tinh Tấn Ba La Mật
06- Nhẫn Nhục Ba La Mật
07- Chân Thật Ba La Mật
08- Quyết Ðịnh Ba La Mật
09- Từ Bi Ba La Mật
10- Xả Ba La Mật
Trong khoảng thời gian bốn A Tăng Kỳ trăm ngàn kiếp ấy Bồ tát đã được gặp và cúng dường vô số Phật, nhưng mối quan hệ đặc biệt thâm thiết thì chỉ có hai mươi bốn đức Phật:
01- Nhiên Ðăng Phật
02- Kiều Trần Như Phật
03- Cát Tường Phật
04- Thiện Ý Tu Ma Da Phật
05- Ly Bà Ða Phật
06- Du Tỳ Ða Phật
07- Anomadass Phật
08- Hồng Liên Hoa Phật
09- Na La Ðà Phật
10- Thượng Liên Hoa Phật
11- Thiện Tuệ Phật
12- Thiện Sinh Phật
13- Piyadassi Phật
14- Atthadassi Phật
15- Dhammadassi Phật
16- Tất Ðạt Ða Phật
17- Ðể Sa Phật
18- Bổ Sa Phật
19- Tỳ Bà Thi Phật
20- Thi Khí Phật
21- Tỳ Xá Bà Phật
22- Câu Lưu Tôn Phật
23- Câu Na Hàm Mâu Ni Phật.
24- Ca Diếp Phật
            Như vậy những kiếp làm Bồ Tát, Phật Thích Ca đã được gặp rất nhiều Phật, mà mỗi lần gặp một vị Phật nào đều hy sinh bản thân để cúng dường Phật đó, đồng thời cũng nhận chịu sự giáo hóa của vị đó. Trên con đường tu Bồ tát hạnh Ðức phật Thích Ca đã lấy sự phát tâm từ thời đại Thiện Tuệ làm khởi điểm để rồi hiện thân nơi Liên Hoa Ðài Tạng, rồi qua phương Ðông tại cung trời Thiên Vương diễn nói kinh Ma Thọ Hóa trong suốt thời gian dài như vậy cũng chỉ cốt để hoàn thành các Ba La mật, và cuối cùng an trú nơi Cung Trời Ðâu Suất, sau đó giáng trần độ sanh.
B- Về Phương Diện Lịch Sử:
a- Niên Ðại Ðản Sanh:
Bồ Tát ở tại Cung Trời Ðâu Suất được mấy nghìn tuổi thì thời gian thành Phật đã đến. Lúc đó, trên thiên cung các thiên sứ tuyên ngôn về sự xuất hiện của Phật: Từ đây đến một ngàn năm sau ở cõi Ta Bà sẽ có một vị Phật ra đời. Nghe xong chư thiên tụ họp lại để thỉnh cầu Bồ Tát sớm thành Phật. Lúc đó Bồ Tát liền dự liệu về thời gian giáng sinh, châu, quốc độ, chủng tộc và thân mẫu. Sau cùng ngài đã quyết định thác thai vào hoàng hậu Ma Da, vương phi của vua Tịnh Phạn, thuộc cõi Diêm Phù Ðề. Ðể thích ứng với điều đó, hoàng hậu Ma Da đã thấy một giấc mộng đẹp. Vào một buổi cuối mùa hạ, sau khi hoàng hậu bố thí cho mọi người, lúc lui về yên nghỉ, thì thấy bốn vị thiên thần đến khiêng giường hoàng hậu đi về phía núi tuyết, đặt dưới gốc cây Sa La rồi mời hoàng hậu vào tắm trong ao nước tám công đức. Lúc đó một con voi trắng, nơi vòi có quấn một bông sen trắng đến lạy hoàng hậu rồi theo đường hông bên hửu mà vào thai tạng. Hoàng hậu khi tỉnh giấc liền đem chuyện chiêm bao thuật lại cho nhà vua, nhà vua liền cho triệu thầy tướng vào cung để hỏi giấc mộng kỳ lạ đó. Thầy tướng cho đây là điềm mang thai, và người con sau nầy nếu đi tu sẽ là một bậc Ðại Giác, còn nếu ở tại thế gian thì sẽ là một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Khi đủ ngày tháng, theo tục lệ của người Ấn Ðộ, hoàng hậu phải về nhà cha mẹ tại thành Thiên Chỉ để sanh, nhưng mới đi được nửa đường đến vườn Lâm Tỳ Ni thì sinh Thái Tử bên gốc cây Hoa Vô Ưu.
Về niên đại Ðản Sanh của Ðức Thích Ca Mâu Ni có nhiều thuyết nói khác nhau, như nói ngài sanh và năm 1023 TCN, 685 TCN, 624 TCN, 623 TCN, 566 TCN, 561 TCN, 559 TCN, 557 TCN. Tuy nhiên theo Phật Giáo Việt Nam từ khởi thỉ cho đến ngày nay vẫn thường kỷ niệm vào những ngày lễ như:
Ngày 08 tháng 4 đức Phật đản sanh
Ngày 08 tháng 02         -           -           xuất gia
Ngày 08 tháng 12         -           -           thành đạo
Ngày 15 tháng 02         -           -           niết bàn.
Theo phổ thông hiện nay, thì ngày đức Phật Ðản Sanh là ngày 15 tháng 04 âm lịch năm 623 TCN. Như vậy tính đến năm 1997 ngày Phật Ðản Sanh là 2621 năm. Năm 1952 trong Ðại Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới kỳ II tại Tokyo kinh đô của Nhật Bản đã quyết định lấy năm đức Phật nhập Niết Bàn làm ngày kỷ niệm Phật Lịch thống nhất cho toàn thế giới, và như vậy tính cho đến năm 1997 mùa Phật Ðản năm nầy là Phật Lịch lần thứ 2541.
b- Nơi Ðản Sanh Của Thái Tử:
Như chúng ta biết trước đức Phật xuất thế, văn hoá Ấn Ðộ cũng đã phát triển đến mức khá cao nhưng tất cả đều dựa trên căn bản tư tưởng của Bà La Môn giáo. Từ khi Ðức Phật xuất thế, thế lực của Bà La Môn lần sút kém và được thay thế vào đó bằng tư tưởng Phật Ðà. Chính vì sự mất địa vị, cho nên người Bà La Môn giáo lúc nào cũng nuôi ý chí khôi phục lại quyền lực của họ. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, nhân sự phân hóa trong tổ chức của Phật đệ tử, nên người Bà La Môn trà trộn vào hàng ngũ tăng chúng để hoạt động bằng cách trá hình làm tăng sĩ để tạo những điều nghi kỵ phân tán trong tăng chúng. Vua A Dục là một đệ tử thuần thành của Ðức Phật thấy thế ông rất lo ngại cho tiền đồ đạo pháp, nên ông quyết ý muốn minh xét lại giáo nghĩa của đức Thế Tôn. Nhà vua cho sứ giả đến núi Ahoganga cung thỉnh ngài Mục Kiền Liên Ðế Tu về triều và tuyển chọn 1000 cao tăng để kết tập kinh điển tại thành Hoa Thị. Hội nghị nầy được đặt dưới quyền chủ tọa của ngài Mục Kiền Liên Ðế Tu. Ðại hội làm việc 9 tháng thì hoàn thành. Nội dung kết tập kỳ nầy là Kinh, Luật, và Luận Tạng. Trong dịp nầy nhà vua cũng đã loại bớt một số người Bà La Môn đội lốt Phật Giáo để gây sự phân hóa trong hàng thánh chúng, đồng thời nhà vua cũng cho dựng những trụ đá để lưu niệm tại nơi Ðản Sanh của đức Từ Phụ nói riêng và nói chung là nơi nào có dấu chân của đức từ phụ là nơi đó ông cho dựng bia đá để kỷ niệm. Riêng về nơi đức Phật Ðản Sanh, khi dựng trụ đá xong nhà Vua ra lệnh cho một phần tám dân số đến cư ngụ quanh vùng để bảo vệ di tích.
Ðến thế kỷ thứ 13 tức là vào khoảng năm 1203 quân Hồi Giáo do tưóng Iktiyar Uddin chỉ huy, đem đại quân đánh chiếm và tiêu diệt vương triều Sena rồi làm bá chủ cõi Trung Ấn. Về sau thế lực quân Hồi bành trướng khắp các nơi, đi đến đâu họ tiêu diệt đến đó, nếu nơi đó không phải là Hồi Giáo. Phật Giáo và Ấn Ðộ giáo đều bị thảm họa chung trong lúc đạo quân Hồi Giáo xâm lăng, nhưng riêng về Phật Giáo quân đội Hồi Giáo lại tàn bạo hơn. Họ phá hủy chùa tháp, thánh tích, thiêu đốt kinh điển, tịch thu bảo vật, hãm hại tăng ni, làm cho Phật Giáo ở Ấn Ðộ lúc bấy giờ gần như không còn gì nữa. Có thể nói Phật Giáo Ấn Ðộ chỉ thấy được cái huy hoàng của 15 thế kỷ đầu, nhưng từ 15 thế kỷ trở về sau Phật Giáo Ấn lu mờ dần. Mãi cho đến khi người Anh cai trị, lớp tri thức Anh bắt đầu tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán, văn hoá Ấn, họ rất ngạc nhiên khi thấy nền triết học thâm thúy của Phật Giáo đã bị chôn vùi trong quên lãng, trong khi đó dân tộc Ấn không mảy may lưu tâm tới. Chính lúc người Anh bắt đầu thiết lập những công trình khảo cứu, sưu tầm những di tích, thánh tích lịch sử Phật thì cũng là lúc giới tri thức của Ấn cũng bắt đầu thức tỉnh, từ đấy họ hô hào, phát động những phong trào chấn hưng Phật Giáo.
Trong công cuộc sưu tầm những di tích của Phật Giáo Ấn Ðộ, trong năm 1897 bác sĩ Fuhrer đã đào được một trụ đá do vua A Dục dựng  tại vườn Lâm Tỳ Ni nơi đức Phật Ðản Sanh, trên trụ đá đó có ghi năm dòng chữ:
Người yêu quý của vua
Vua A Dục thứ 20 đã đến đây
Chính ta thân hành đến đây, để chiêm bái nơi giáng trần của Thái Tử Sakya.
Ta ra lệnh làm trụ đá nầy
Ðể bảo vệ thánh địa nơi Ðức Thế Tôn đã sanh tại Lâm Tỳ Ni.
Những ngày gần đây, một thành công khác trong việc sưu tầm cũng được công bố. Vào ngày 6 thánh 2 năm 1996 tờ báo Seattle Post Intelligencer có đăng tải một bài viết ngắn về bản công bố của chính phủ Nepal đề ngày 5 tháng 2 năm 1996. Trong bản công bố đó họ cho biết: Hơn 200 nhân công của 6 phái đoàn khảo cổ của sáu quốc gia Nhật, Nepal, Ấn Ðộ, Hồi, Tích Lan và Bangladesh đã đào trên hai năm trời, cuối cùng họ tìm thấy di tích 15 căn phòng, nơi Thái Tử Tất Ðạt Ða đản sanh, diện tích rộng hơn 3 dặm vuông, trong đó có cả hồ nước nhỏ mà người ta nghĩ rằng hoàng hậu Ma Da đã tắm ở đó trước khi hạ sanh Thái Tử đã bị chìm trong lòng đất dưới một ngôi chùa xưa hơn 2000 năm trong khu vườn Lâm Tỳ Ni. Khu vườn Lâm Tỳ Ni nầy nằm gần vùng biên giới của hai quốc gia Ấn Ðộ và Nepal và cách thủ đô Nepal 145 dặm về hướng tây.
Những thành quả trong công cuộc tìm kiếm nầy có được là nhờ vua A Dục, là vị vua Ấn Ðộ trước khi gặp Phật đã là tín đồ của Ấn Ðộ Giáo, nhưng khi gặp Ðức Phật ông quy y Tam Bảo và trở thành một Phật Tử thuần thành như nói ở trên đã làm thạch trụ, cho mọi người biết vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Thái Tử Tất Ðạt Ða đã từ bỏ thế giới vật chất để trở thành một du tăng hành khất và ngài đã trở thành đấng Giác Ngộ. Những bia ký mặt thạch trụ nằm trên những căn phòng mới đào nầy đã ghi rõ đấng Giác Ngộ đã sinh ở đây. Theo ông Babu Krishna Rijal là một trong hai nhà khảo cổ gốc Nepal nói rằng sự khám phá những di tích nầy đã xác nhận những điều mà sách vở bia ký đã nói từ trước về Thái Tử Tất Ðạt Ða là sự thật có trong lịch sử chớ không mơ hồ hoang tưởng.
C- Giáo Lý Của Ðức Phật & Cuộc Sống Hiện Thực: Niết Bàn
Sau khi từ bỏ cuộc sống thế tục, Thái Tử Tất Ðạt Ða xuất gia tu học và ngài trở thành bậc chánh giác. Lúc ngài 80 tuổi, khi chí nguyện độ sanh đã thành tựu. Một hôm, ngài cho triệu tập các đệ tử từ khắp bốn phương lại và ngài di chúc những lời tối hậu: Này các con, hãy tôn kính thanh tịnh giới, tịnh giới còn, đạo ta còn. Những kinh luật ta đã dạy từ khi ta thành đạo đến giờ sẽ là nơi nương tựa che chở cho các con. Những giáo pháp của ta có những lợi ích như vậy, cho nên các con hãy cố gắng học và làm theo. Cho dù các con ở trong núi rừng thâm sơn cùng cốc, nơi những bờ sông bùn lầy nước đọng, hoặc bất cứ nơi nào cũng vậy, các con hãy tưởng nhớ đến giáo pháp của ta, đừng sao nhãng vì một đời luống qua không làm gì...để rồi tự kết liễu trong ân hận hối tiếc. Các con hãy vì lòng từ bi rộng lớn mà đi gieo rắc hạnh phúc cho đời, đừng đi trùng nhau trên một ngã đường. Các con hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả trong sạch hoàn toàn và gương mẫu.
Những lời vàng ngọc của Ðức Phật dạy làm rung động đến tận tâm thức của những đệ tử của ngài. Có thể nói trên đường đi do Ðức Phật chỉ đạo, mỗi bước đi là mỗi bước đi đến gần ánh sáng của chân lý. Những lời dạy giản dị nhưng cao cả, ít nhưng hàm chứa một sức sống vô biên, vậy mà có người cũng cho rằng đạo Phật quá cao siêu huyền bí, không thể thực hành bởi những người thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Theo quan niệm nầy nói, những ai muốn trở thành những phật tử chân chánh thì phải từ bỏ thế giới nầy để rút lui vào một tu viện hay một nơi nào đó yên tĩnh để sống cuộc sống xa cách mọi người, tách rời xã hội mới là cuộc sống thánh thiện. Quả thật cũng có thể đúng nhưng không hoàn toàn. Chúng tôi nói không hoàn toàn bởi vì đối với một số người có thể là lối sống thanh thoát khi họ sống ẩn dật trong một nơi yên tĩnh, xa hẳn ồn ào phức tạp, như vậy cũng là điều đáng ca ngợi hơn những ai thực hành Phật Giáo mà vẫn sống giữa phồn hoa đô hội. Có lẽ trong trường hợp đó sẽ có ích cho những người dùng cuộc sống ẩn dật để trau dồi tâm ý và tính tình như một sự trau dồi về đạo đức, tâm linh để về sau có đủ khả năng phục vụ nhân sinh. Nhưng nếu con người sống suốt đời trong cô độc chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mình, không lo nghĩ đến đồng loại, thì điều nầy chắc chắn không phù hợp với giáo lý Ðức Phật. Bởi vì giáo lý của Ðức Phật vốn căn bản trên tình thần từ bi, và sự giúp đở người khác. Nhưng cũng có người thấy rằng sự xa lánh đó làm cho họ chán ngán buồn phiền cả thể xác lẫn tinh thần và như vậy sẽ không giúp ích gì cho đời sống tri thức và tâm linh của họ. Theo như ngài Xá Lợi Phất, một trong số các đại đệ tử của Ðức Phật thì sự ẩn dật chân chính không có nghĩa là thân xác phải xa lánh thế gian, vì vậy ngài dạy: Một người có thể sống trong rừng miệt mài với những luyện tập khổ hạnh, nhưng không kiểm soát tư tưởng, để cho tâm tư đầy dẫy những xấu xa bất tịnh, thì còn tệ hại hơn là những người sống trong làng mạc hay thành thị, không thực hành kỷ luật ép xác nào, nhưng người ấy có thể kiểm soát được tư tưởng, tâm người ấy trong sạch không cấu bẩn. Quan niệm rút lui khỏi thế giới hiện thực nầy rất sai lạc do sự thiếu hiểu biết về giáo lý của Ðức Phật. Từ sự thiếu hiểu biết, người ta thường đi đến một kết luận sai lầm và vội vã, sau khi tình cờ nghe hay đọc một cái gì đó về Phật Giáo do những tác giả hoặc số người nào đó, vì đã không hiểu thấu vấn đề trong mọi khía cạnh, hoặc cố tình bóp méo sự thật, để đưa ra những quan niệm thiên lệch về Phật Giáo. Xin xác định, giáo lý của đức phật không phải chỉ dành cho những tăng lữ trong chùa, trong viện mà là cho tất cả những nam nữ Phật Tử cư sĩ sống ở thế gian, trong gia đình họ. Năm giới cấm, Bát Chánh Ðạo..v..v.. một lối sống theo Phật là để cho tất cả, không phân biệt màu da chủng tộc, già trẻ, giàu nghèo. Như chúng ta biết, trên thế gian nầy chỉ có một số nào đó có đầy đủ nhân duyên từ bỏ cuộc sống gia đình xuất gia học đạo, còn đại đa số mọi người trên thế giới không thể đi tu hoặc sống ẩn dật trong hang động núi rừng. Ðạo Phật dù cao cả thuần khiết đến đâu cũng sẽ trở thành vô dụng đối với nhân loại nếu họ không thể áp dụng được trong đời sống hằng ngày. Hiểu đạo Phật là nguồn giáo lý nhân bản chân chính, đồng thời chúng ta cố gắng thực hành nó trong đời sống hằng ngày của một người thế tục hoặc trong các tự viện của những vị xuất thế, tùy theo điều kiện sẳn có của mình, thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều an lạc. Như trong các kinh điển của Phật có vô số những chỗ nói đến những người có đủ duyên tu hạnh xuất thế đạt thành đạo quả. Cũng có chư thiện nam, tín nữ sống đời sống gia đình bình thường mà vẫn thực hành được giáo pháp của Phật một các rất tích cực. Hiệu quả là gia đình hạnh phúc, anh em hoà thuận, chồng vợ thương yêu...như một phật tử tên Sigàla khi cha hấp hối có căn dặn là phải lạy sáu phương. Anh không biết gì và vì sao phải lạy sáu phương, nhưng theo lời di chúc của cha anh cứ lạy. Một hôm anh gặp Ðức Phật và ngài mới dạy cho anh rõ:
Lạy phuơng Ðông là lạy cha mẹ
Lạy phương Tây là lạy vợ con                                      
Lạy phương Nam là lạy thầy bạn
Lạy phương Bắc là lạy quyến thuộc, láng giềng
Lạy phương Dưới là lạy tôi tớ, người làm công, thợ thuyền
Lạy phương Trên là lạy thầy dạy đạo.
Sở dĩ có được phước lợi như vậy mà chính Sigàla không biết là vì anh không hiểu ý nghĩa. Phải biết, mọi người chúng ta chỉ lễ bái những cái gì thiêng liêng, đáng sùng kính tôn trọng, chứ không phải vì mê tín thần quyền nhảm nhí. Một trong những khía cạnh nhỏ như vậy cũng đủ chỉ cho chúng ta thấy được đời sống trong thế gian, với những liên hệ gia đình, xã hội, tất cả đều được bao gồm trong kỷ luật cao cả, và đều nằm trong khung theo lối sống của phật giáo như Ðức Phật đã quan niệm.
Kết Luận:
Nhìn chung chúng ta thấy đạo Phật là con đường sống, và điều cốt yếu là mọi người phải thật hành Bát Chánh Ðạo. Trong truyền thống Phật Giáo có những lễ tục rất đẹp và đơn giản như những ngày Ðức Phật Ðản Sanh, và tất cả những ngày lễ khác, chư Phật Tử thường về chùa lễ Phật, nơi khuôn viên lễ đài những bảo tháp có tượng Phật...Tất cả ở những nơi đó thường có Phật Tử lễ bái, dâng hoa thắp đèn, và đốt hương. Ðiều nầy không nên xem tương tự với sự cầu nguyện trong các tôn giáo hữu thần. Mà phải coi đây là cách chiêm ngưỡng, tưởng nhớ lại vị đạo sư đã chỉ con đường chân chánh giác ngộ giải thoát cho nhân loại. Những sự lễ bái cổ truyền nầy, có đôi khi không cần thiết, nhưng vẫn có một giá trị ở chỗ thỏa mãn những cảm xúc và nhu cầu tôn giáo nơi những ai mới phát tâm vào con đường chân chánh về phương diện tinh thần và tâm linh, từ đó mới có thể giúp họ bước chân theo chánh đạo.
 
Tài Liệu Tham khảo:
- Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận                  
- Phật Học Tinh Hoa
- Lươc Luận Câu Xá Luận
- Con Ðường Thoát Khổ
- Ðại Thừa Diệu pháp Liên Hoa Kinh
-- o0o --