Muốn Con Mau Lớn
Trúc Giao
--o0o--
 
            A Nhã là một vị vua Phật Tử ngoan đạo, được cha truyền con nối ngôi cho đến đời ông tổng, cộng cũng hơn hai trăm năm. Riêng về vua A Nhã từ khi trị vì thiên hạ cho đến nay tính ra cũng đã được gần năm mươi năm. Nhà Vua rất tự hào về sự truyền thừa trong gia tộc của ông, tuy nhiên ông cũng lo lắng vì tuổi đã cao và chỉ có một đứa con trai duy nhất để nối ngôi. Có con trai để nối ngôi đã là điều quý báu, nhưng nhà vua lo lắng là vì Ðông Cung Thái Tử tánh tình phóng túng, đam mê rượu chè chớ không nghĩ gì về việc kế thừa cho cha. Vì lẽ đó mà Vua A Nhã hằng lo một mai cơn vô thường đến biết phải làm sao để cho con mình vững vàng trên ngôi hoàng đế. Ðể cho yên tâm, có lần nhà vua mới thử tài con trai duy nhất của mình về chính sự, ông hỏi:
- Khiếm Nhã con, một ngày nào đó nếu con là người trị vì vương quốc, việc trước tiên con phải làm gì, và đường lối trị quốc của con ra sao?
Nghe cha hỏi Khiếm Nhã thưa:
- Muôn tâu phụ vương, hiện tại thì con không nghĩ nhiều như phụ vương nghĩ, nhưng nếu phụ vương hỏi thì con xin trình bày ý kiến của con cho phụ vương rõ. Tâu phụ vương, được cha truyền ngôi cho con thì con nghĩ chính mình là chính mạng Thiên Tử do thiên đình sai xuống trần gian để hưởng phúc, do đó mà việc đầu tiên con phải làm là xây cất các cung điện cho thích hợp bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông và tuyển chọn những cung phi mỹ nữ để săn sóc cho con. Kế đó là con phải kết thân với những người có  thiện chí để giúp con tìm kiếm thuốc trường sanh bất lão, và những người biết thưởng thức những món ăn ngon trên thế gian nầy để cố vấn cho con.
Nghe con nói, hoàng đế A Nhã vừa giận vừa kinh hãi và cũng vừa lo sợ. Ông giận là vì một vua tương lai mà nhất nhất nói ra lời nào cũng đều ăn chơi hưởng thụ chứ không nghĩ đến quốc dân đồng bào. Nhà vua kinh hãi là vì mới bấy nhiêu tuổi đầu, đã vậy chưa lên ngôi mà đã nghĩ tới những việc hưởng thụ, thì ra bao nhiêu năm đèn sách với đời, một vị vua Ðông Cung Thái Tử chỉ học được có chừng ấy chuyện. Còn việc nhà vua lo, rồi đây bằng vào lối trị quốc của con mình, vương triều từ cha truyền con nối mấy trăm năm nay chắc chắn phải tiêu hủy bởi đứa con phá hoại nầy đây. Trong lòng nhà vua giận lắm, nhưng ông nghĩ phải kiên nhẫn để giáo dục đứa con nầy trở thành người hữu dụng. Nguồn hy vọng cuối cùng là những ngày còn lại trong cuộc đời, ông sẽ dành nhiều thời giờ gần gủi để uốn nắn đứa con duy nhất trở về với chánh đạo. Thế rồi những gì sẽ đến đã đến, cơn vô thường sanh, lão, bệnh, tử đã không tha cho bất cứ một ai. Nhà vua truyền cho Ðông Cung Thái Tử đến bên giường bệnh để dặn dò:
- Khiếm Nhã con, sau khi cha mất giang sơn nầy là của con, con phải ráng học hỏi nhiều hơn nữa, đồng thời cũng phải cố gắng sửa mình, và phải học hạnh lắng nghe tiếng nói của mọi người. Con phải thương quốc dân đồng bào như chính con đẻ của mình, bởi vì ngôi vị của con có vững vàng hay không tất cả đều nhờ sự ủng hộ của quốc dân. Ðể giúp con trong việc trị nước, con phải ráng để tâm học hỏi giáo pháp của Phật. Trong giáo Pháp của Phật Bát Chánh Ðạo, và năm giới cấm Phật dạy cho các Phật Tử tại gia, con mà biết áp dụng để mà trị nước thì đó là hồng phúc của muôn dân, và mọi người dân sẽ sống trong cảnh thái bình an lạc. Còn như ngược lại thì chính con tự đào huyệt để chôn mình đó nghe con!
Ðứng bên giường bệnh của cha để nghe dặn dò, không biết Ðông Cung Thái Tử thâu nhận được những gì Hoàng Ðế A Nhã căn dặn không thì không biết, nhưng có điều các quan chỉ thấy Ðông Cung Thái Tử vâng dạ luôn mồm và rất kính cẩn, vì vậy tiếng tốt đồn ra vang dội Ðông Cung là người con chí hiếu là một vị vua mẫu mực tương lai.
Ngày mà quốc Vương A Nhã trút hơi thở cuối cùng, thì trong triều thần các quan cũng chia làm hai phe rõ rệt. Một phe trung thần đã biết con người thật của Ðông Cung Khiếm Nhã nên họ rất lo ngại không biết rồi đây việc quốc gia chính sự sẽ đi về đâu. Một số quan đại thần chỉ lo mưu cầu danh lợi thì họ rất mừng vì từ nay họ sẽ có dịp tung hoành trên chính trường.
Sau khi vua cha băng hà, Ðông Cung Thái Tử Khiếm Nhã lên ngôi thiên tử, việc đầu tiên là nhà vua sửa đổi quốc hiệu là Ðại Ngu. Kế đó nhà vua bắt đầu cho xây cất cung điện và tuyển chọn cung tần mỹ nữ như đã vạch định lúc ông còn là Ðông Cung Thái Tử, và cũng từ đó ngày nào cũng có yến tiệc. Ban ngày thì tiệc nhỏ, ban đêm thì tiệc lớn, đàn ca hát xướng thâu đêm. Trong ba năm trị vì, chỉ mới ba năm trị vì mà mọi việc trong triều chính thay đổi không ngờ. Trong thì các quan đại thần thi đua tham nhũng, ngoài thì cướp bóc lan tràn khắp nơi, nhân dân ai ai cũng lầm than khốn khổ, nhưng họ không biết than thở với ai, trong tâm của mọi người ai ai cũng mong muốn có sự thay đổi. Chẳng bao lâu vua Khiếm Nhã hạ sanh một đứa con trai, dĩ nhiên nhà vua rất vui mừng, và ông cũng muốn bắt chước tiên vương có một ngày sẽ kêu con đến bên giường căn dặn những việc triều chính giống như cha đã căn dặn mình. Nhưng khổ nỗi đứa con mới sanh nó còn nhỏ quá chưa hiểu gì cả, trong khi đó ông lại muốn nói nhiều với nó. Nhất là ý của ông Vua Khiếm Nhã muốn dạy cho con mình hưởng phước trời như mình..
Thao thức suốt đêm, từ đêm này sang đêm khác mà nhà vua không tìm được cách nào để cho con sớm được trưởng thành để nghe lời của mình. Cuối cùng ông đem tâm sự nầy bày tỏ với các quan đại thần trong triều đình. Trong số các quan, những người được coi là trụ cột của quốc gia họ thấy đây là ý muốn cuồng dại và không thể được, nhưng họ đành câm miệng vì họ sợ họa sát thân. Còn số quan đại thần chuyên lo tham nhũng tuy nhiều cả đám như vậy mà không ai có một ý kiến. Lý do mà mọi người không có ý kiến thật ra cũng đơn giản, bởi vì từ khi Vua Khiếm Nhã lên ngôi, thì cả đám đình thần nầy chỉ biết hai việc. Một là ăn chơi trụy lạc, hai là tham nhũng vơ vét của tiền của muôn dân bỏ cho đầy túi tham, do đó mà khi hữu sự nhà vua hỏi kế thì họ chỉ biết nhìn nhau mà thôi. Trong bầu không khí ngột ngạt căng thẳng, có một vị quan Thượng Thơ đánh bạo bước ra đề nghị:
- Muôn tâu bệ hạ, thần tên Ðinh Búa, là quan Thượng Thơ từ thời tiên triều cho đến bây giờ, nhờ ân sủng của tiên vương và nhờ hồng phúc của bệ hạ nên gia đình mới có được cơm no áo ấm như ngày hôm nay. Hôm nay đây bệ hạ có đại sự nên hạ thần cũng liều đem sức khuyển mã để báo hoàng ân. Muôn tâu bệ hạ, việc làm cho Thái Tử trở thành người khôn lớn thì chỉ có thuốc tiên mới có thể được, vậy xin bệ hạ, hạ thánh chỉ để cho các vị danh y đem tiên dược đến cho Thái Tử uống thì chắc chắn sẽ mau lớn, đến chừng đó mặc sức bệ hạ muốn dạy bảo gì cũng được.
Nhà vua và quần thần dua nịnh nghe nói, ai ai cũng đều lao nhao khen phải, nói có lý, ý kiến hay. Riêng về nhà vua thì ông cảm thấy rất vui vì đã có phương cách tốt để giải quyết tâm sự trong lòng, thế là nhà vua lập tức truyền hết tất cả các danh y trong triều để tham khảo ý kiến, tuy nhiên tất cả các danh y đều trả lời như nhau:
- Muôn tâu bệ hạ, trong nhân gian những phương thuốc một là để trị bệnh, hai là bổ khoẻ cho cơ thể. Trong trường hợp nầy, Thái Tử có thể dùng thuốc bổ rồi từ từ Thái Tử sẽ theo thời gian mà khôn lớn, chớ không có thuốc nào vừa uống vào là lớn lên liền.
Nghe tất cả các lương y đều nói như thế, Ðinh Búa quan Thượng Thư liền tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, theo thần nghĩ: Ðược coi là lương đống của triều đình thì phải tận sức lực để báo hoàng ân, nhưng thần thấy các quan lương y như không có ý báo hoàng ân, thôi thì bệ hạ cứ truyền chiếu chỉ để cho lương y khắp trong nước đến làm thuốc cho Thái Tử.
Nghe quan Thượng Thư cũng là người đã từng dâng mưu kế ăn chơi cho vua từ khi nhà vua đăng quang nói như vậy, vua liền đổi giận làm vui và cho tất cả những lương y trong triều đình là đồ ăn hại. Thế là nhà vua lập tức truyền chiếu chỉ:
 - Nếu ai có tiên dược làm cho Hoàng Tử mau khôn lớn thì được phong làm Ngự Y kiêm chức Vạn Hộ Hầu.
Thánh chỉ vừa ban ra thì có rất nhiều vị lương y đại tài khắp nơi trong nước vì bả vinh hoa làm mờ mắt, nên họ lũ lượt tìm đến triều đình để dâng thuốc cho Thái Tử uống rất đông, nhưng tất cả đều bị nhà vua khiển trách là thuốc không công hiệu vì vậy mà Thái Tử không lớn. Từ sự khiển trách đến sân hận, nhà vua truyền lệnh chém đầu tất cả các luơng y. Mặt khác nhà vua truyền lệnh tất cả các luơng y đều phải về diện kiến nhà vua.
Tin dữ về việc chém đầu tất cả những lương y không bao lâu đã được đồn khắp trong nhân gian, vì thế mà không có một ai bén mãng đến triều đình để dâng thuốc cho nhà vua nữa. Trong khi đó một số lương y phải đổi nghề khác để sinh sống, cũng có những người trốn biệt tăm biệt tích. Tình trạng chết chóc từ thành thị cho đến thôn quê, nên khi nghe nói tên vua Khiếm Nhã thì ai cũng đều ghê sợ.
Một hôm trên đỉnh núi Thông Linh cách kinh thành không xa lắm, Thiền Sư Ðại Huệ đang ngồi trầm tư, trong lúc đại định ngài đã thấu rõ được những đau khổ của nhân sinh dưới sự cai trị hà khắc của vua Khiếm Nhã. Thế là ngài quyết định hạ san để cứu nhân độ thế. Trước hết, để tạo sự chú ý của nhà vua, ngài quyết định rảo chân đi khắp mọi nơi trong nhân gian, trước là để cứu nhân độ thế, sau là đem giáo pháp từ bi để an ủi mọi người. Ngài đi đến đâu, bệnh khổ nhân quần lành mạnh đến đó, tâm tư cũng được yên ổn. Tiếng tốt đồn khắp, chẳng bao lâu đã thấu tới tai vua Khiếm Nhã, và cuối cùng Thiền Sư Ðại Huệ được nhà vua mời về triều để xem bệnh cho Thái Tử. Thật ra, Thiền Sư Ðại Huệ có đi thẳng đến triều để xin vào làm thuốc cho Thái Tử, nhưng nếu đi thẳng đến triều thì một mặt ngài không có cơ hội an ủi mọi người, một mặt ngài sẽ khó độ nhà vua. Bởi vì tâm lý người đời khi nào nguời ta cần thì mới thấy qúi, vì vậy mà ngài phải làm một chuyến vân du đợi đến khi nhà vua nghe và triệu về thì ngài liền vui vẻ theo sứ giả về triều. Gặp nhà vua, sau vài ba câu hỏi trao đổi xã giao, nhà vua đi thẳng vào đề:
- Nghe nói khanh có món thuốc lương dược, có thể làm cho Thái Tử mau lớn, việc đó có đúng không?
Biết đây là cơ hội tốt để ngài giáo hóa nhà vua, nên Thiền Sư Ðại Huệ chẩm rãi trả lời:
- Tâu Bệ Hạ, quả thật bần tăng có một phương thuốc làm cho Thái Tử mau lớn, nhưng có ba việc nếu bệ hạ thỏa mãn cho bần tăng, thì bần tăng sẽ cố gắng làm hết sức mình.
Nghe nhà sư đặt điều kiện, nhà Vua rất lấy làm khó chịu, nhưng khi nghĩ tới nhà sư nói có cách làm cho con mình mau lớn khôn thì nhà vua liền đổi giận làm vui, và nói:
- Ðược, được trẩm bằng lòng tất cả những điều kiện của khanh, khanh cứ nói.
Thấy nhà Vua vui vẻ bằng lòng, nên Thiền Sư Ðại Huệ cả mừng vì đây là cơ hội tốt bằng vàng để nhà sư thực hành công việc chuyển mê khai ngộ cho nhà Vua, nên ngài nói:
- Tâu bệ hạ, ba việc mà hạ thần muốn xin được trình bày với bệ hạ như sau:
Thứ nhất, xin bệ hạ vui lòng cho bần tăng đem Thái Tử về núi, trong suốt thời gian Thái Tử ở núi, bệ hạ không được viếng thăm. Bần tăng sẽ hết lòng săn sóc Thái Tử, xin bệ hạ yên tâm.
Thứ hai, thuốc linh dược nầy khi uống vào thì Thái Tử lớn ngay tức khắc chớ không cần thời gian như những vị lương y khác đã từng trình bày với bệ hạ. Nhưng loại thuốc nầy phải cần có một loại cỏ linh chi ngàn năm trên đỉnh núi băng tuyết quanh năm để hòa với sửa voi trắng trăm tuổi và những loại thuốc khác ở đồng bằng mới có linh nghiệm. Tuy nhiên, những loại thuốc khác ở đồng bằng thì rất dễ tìm, voi trắng trăm tuổi kể ra thì cũng rất hiếm nhưng cũng có thể tìm không khó lắm. Việc mà thần đang lo ngại là loại cỏ linh chi ngàn năm trên đỉnh băng tuyết rất khó tìm. Tìm loại cỏ nầy đôi khi phải cần một năm, hai năm, ba năm, năm năm, mười năm, ngay cả đến hai mươi năm mới tìm đuợc cũng không chừng. Như vậy không biết bệ hạ có đủ kiên nhẫn để chờ đợi hay không?
Thứ ba, kể từ nay trở đi, bệ hạ phải ráng ăn chay nằm đất để cầu nguyện cho hạ thần sớm tìm được cỏ linh chi. Ðể tạo phước đức hổ trợ cho công cuộc nầy bệ hạ còn phải bãi bỏ sưu cao thuế nặng, mở cửa kho bố thí cho dân nghèo, lập bệnh xá để cấp thuốc cho những người nghèo khổ cô độc.
Ngừng một chút nhà sư nói tiếp:
- Trong ba điều kiện hạ thần vừa trình bày, nếu thiếu đi một điều thì việc làm thuốc để Thái Tử uống cho mau lớn sẽ trở ngại nhiều lắm. mong bệ hạ suy xét cho kỷ.
Ngồi lắng nghe Thiền Sư Ðại Huệ nói, nhà vua lẩm bẩm như để nghe một mình:
- Ðiều kiện thứ nhất, là phải để Thái Tử theo nhà sư về núi. Cuộc sống ở núi rừng có lẽ sẽ cực cho con mình lắm, nhưng vì muốn cho nó mau lớn thì đành phải chịu cực một chút chắc cũng không sao. Ðiều kiện thứ hai, Chà chà, hơi khó thiệt, phương thuốc nầy phải tùy thuộc vào cỏ linh chi ngàn năm trên đỉnh núi tuyết, thời gian chưa biết là bao lâu! Nhưng nếu mình không có kiên nhẫn thì không thành công được. Thôi thì cũng đành chấp nhận. Còn điều kiện thứ ba, khó quá, khó quá! Khó ở chổ là từ hồi nào tới giờ mình và các quan sống cuộc sống phóng túng hưởng lạc đã quen bây giờ kêu tu thân, bảo ăn chay nằm đất thì thiệt là khó hơn tìm đường lên trời! Riêng cá nhân mình thì cũng có thể được, nhưng còn các quan đại thần thì sao, họ đâu có giống như mình. Ðã vậy còn việc bãi bỏ sưu thuế, mở kho bố thí cho người nghèo, lập bệnh xá để giúp đở người đau yếu..v..v..Lẩm bẩm suy nghĩ một hồi, nhà vua gật đầu ưng thuận:
- Thôi được trẫm bằng lòng ba điều kiện của khanh đề nghị, trẫm biết đây là việc làm hết sức liều lĩnh, nhưng mà trẫm không còn cách nào khác để lựa chọn. Liều lĩnh ở chỗ là những sự thay đổi mà khanh vừa đề nghị rất có thể là quần thần không vui và chống đối trẫm, nhưng trẫm sẽ cố gắng thuyết phục mọi người.
Ngừng một chút nhà vua hỏi tiếp:
- Chừng nào khanh mới bắt đầu công việc tìm thuốc?
Nghe vua hỏi, nhà sư hỏi lại:
- Tâu bệ hạ, theo bệ hạ thì khi nào bần tăng mới bắt đâu?
Nhà vua trả lời không cần suy nghĩ:
- Trẫm muốn khanh bắt đầu công việc càng sớm càng tốt.
Nhà sư thấy vua có vẻ nóng lòng nên nói:
- Trong ngày hôm nay bần tăng sẽ đem Thái Tử trở về núi để bắt đầu công việc tìm thuốc, nhưng bần tăng cũng có một yêu cầu là ngay trong ngày hôm nay, xin bệ hạ truyền chiếu chỉ mở kho bố thí cho nhân dân, và bắt đầu cho người lo công tác xây cất thương xá để giúp thuốc men cho người già yếu bệnh tật.
Nghe nhà sư nói, nhà vua gật đầu:
- Ðược, khanh hãy yên tâm lo công việc của khanh, trẫm sẽ bắt đầu làm những gì mà trẫm đã hứa với khanh.
                                          * * *
Thời gian thấm thoát như bóng câu qua cửa sổ, mới đó mà đã hai mươi năm rồi. Thời gian nầy đủ để cho mọi sự mọi việc đều thay đổi, nhưng những sự thay đổi đáng kể hơn hết là mọi người dân trong triều vua Khiếm Nhã ai ai cũng biết tu niệm, nhà nhà hạnh phúc người người hân hoan, quốc gia phồn thịnh. Lý do là sau khi Thiền Sư Ðại Huệ đứng ra đảm nhận việc tìm thuốc tiên để Thái Tử uống cho mau lớn, và vì để trợ duyên cho việc tìm cỏ linh chi sớm được thành tựu nên chính nhà vua tự mình ăn chay nằm đất, ngoài ra ông còn khuyến khích triều thần tu tâm dưỡng tánh, và trong nhân gian cũng làm lành lánh dữ để hồi hướng công đức cầu nguyện cho Thái Tử mau lớn. Vì là lệnh vua ban ra, hơn nữa mọi người thấy không có gì tai hại mà lại còn có nhiều lợi ích, lúc đầu thì có một số tham quan phản đối, vì họ cho đó là mê tín dị đoan, nhưng khi thấy ý của nhà vua kiên quyết, và số lớn các quan đại thần cột trụ trong triều phò vua dựng nước trước đây bắt đầu đứng lên hăng say làm việc nên họ đành thôi. Cuối cùng giáo pháp vi diệu cũng cảm hóa được họ. Từ đó có thể nói trên các quan đại thần, dưới cho đến thứ dân ai ai cũng tuân hành triệt để việc tu tâm dưỡng tánh do nhà vua Khiếm Nhã chủ trương.
Một buổi sáng nọ, sau buổi lâm triều, nhà vua đang ngồi niệm Phật trì chú, thì nhà vua được quan thái giám dâng bức thư do chú tiểu Thiện Duyên đệ tử cưng của Thiền Sư Ðại Huệ mang đến cho nhà vua. Sau khi đọc xong bức thư nhà vua vô cùng hân hoan vì trong lá thư cho biết là Thiền Sư Ðại Huệ đã tìm được cỏ linh chi để làm thuốc cho Thái Tử uống. Thiền Sư còn mời nhà vua lên trên núi để chứng kiến thuốc tiên. Thế là vua và thị vệ cùng nhau lên núi để chứng kiến cảnh Thái Tử uống thuốc tiên cho mau lớn. Sau khi Thiền Sư Ðại Huệ cho uống thuốc rồi liền đưa Thái Tử đến yết kiến nhà vua. Vua thấy Thái Tử đã trưởng thành, lòng mừng khôn xiết, nên nói với Thiền sư rằng:
- Sư phụ quả thật là một lương y đại tài, hiện trong thế gian nầy không có người bì kịp, Thái Tử nhờ uống thuốc của Sư Phụ nên chóng lớn như thế.
Thấy nhà vua khen ngợi vui mừng, Ðại Huệ Thiền Sư nhân cơ hội nầy ngài nói:
- Tâu bệ hạ, công lao nầy không phải của bần tăng mà là phước điền của bệ hạ do từ đức tánh kiên nhẫn trong suốt hai mươi năm qua mà được. Ngày xưa nếu bệ hạ không nóng lòng tìm thuốc tiên cho con uống, cho tới ngày hôm nay thì Thái Tử cũng sẽ trưởng thành. Bần tăng nhân thấy bệ hạ vì nóng lòng muốn cho Thái Tử mau lớn mà lạm sát người vô tội nên mới dùng kế hạ sách nầy để đưa bệ hạ vào con đường chánh đạo. Lòng mong mỏi của bệ hạ hai mươi năm trước mãi cho tới hôm nay, tất cả đều nhờ vào liều thuốc thời gian và ân đức của sự biến chuyển trong tâm thức của bệ hạ mà thành tựu. Cho đến hôm nay hạ thần nhận thấy tâm thức của bệ hạ chuyển hẳn vào con đường đạo hạnh, nên trong thì các đại thần ai cũng kính nể phục tùng, ngoài thì thứ dân ai ai cũng cảm ân đức của bệ hạ. Ðây là một thuận lợi lớn cho bệ hạ trong việc củng cố vương vị và cũng là phước lớn cho muôn dân. Tiên hoàng biết được việc nầy chắc cũng yên tâm nơi suối vàng.
Sau khi nghe Thiền Sư nói, nhà vua dường như người vừa từ trong chiêm bao tỉnh giấc, ông tự thầm trách chính mình:
- Ta quả thật là người si mê, tại sao ta không hiểu sớm, đời người vô thường, kiếp người ngắn ngủi, biết bao nhiêu việc có ý nghĩa cho chúng sanh nhân lọai mà không làm lại đi mong đợi kết quả của những việc làm không tưởng. Các quan đại thần trong triều và nhân dân bách tánh không phải là họ ngu si khờ khạo nhưng không ai dám khuyên ngăn vì sợ họa tai, còn số tham quan thì chắc chắn họ muốn mình đi vào con đường hủy diệt nên cũng không cần ngăn cản làm gì. Ðáng lý ra ta phải biết, một ông vua phải có đạo đức để trị vì thiên hạ, thì nhân dân no ấm, nước nhà phồn vinh, nếu không có Ðại Huệ Thiền Sư thương tưởng mà vén màn vô minh thì có lẽ giờ nầy ta cũng còn đang đắm chìm trong vòng lẩn quẩn của bể khổ ái dục. Nói đến đây nhà vua như chợt hiểu được điều gì bí ẩn nơi tận đáy lòng, ông chợt mĩm cười, một nụ cười tươi như đoá hoa mai vừa chớm nở vô cùng thánh thiện.
                                                                                                  Trúc Giao
                                                                                     Phỏng theo Kinh Bách Dụ
 
Lời Bình:
Người tu phật cần phải hành trì đúng mức, đừng để lợi danh, phiền não trần lao chi phối, thì dòng sông tâm thức sẽ bắt đầu hiển hiện, cũng như những giòng nước từ từ chảy, đồng quy vào một chổ thì tự nhiên thành ao hồ. Lúc đó ao có nước trong thì ánh trăng xuất hiện. Người học Phật cũng vậy, nếu không dụng công hành trì chân pháp mà chỉ mong cầu cho mau được quả Phật quả Thánh thì không khác gì người xây lâu đài trong giấc chiêm bao, cũng giống như nhà vua muốn cho đứa con mới sanh ra mau lớn mà không cần thời gian thì quả là một người thiếu trí tuệ.
-- o0o --