-
Thiền Học &Triết Học
-
Thông Trí
-
--o0o--
-
-
I- Khởi Ðiểm Của Nguồn Thiền.
-
Muốn biết nguyên nguồn xuất xứ của Thiền trước hết chúng ta
cần biết đến một vài khía cạnh chính yếu của lịch sử, dân tộc
tính và nhu cầu chính yếu của người dân Ấn Ðộ thời bấy giờ.
-
1- Phương Diện Lịch Sử:
-
Ngược dòng lịch sử vào khỏang 5000 năm trước công nguyên, một
dân tộc có công trong việc xây dựng nền văn hóa Ấn Ðộ thời đó
là dân tộc Aryan. Dân tộc nầy là một bộ lạc chuyên sống về
nghề du mục rày đây mai đó, xuất phát từ vùng trung ương Ấn
Ðộ, giống người cao lớn, da trắng mũi cao, giống như người Âu
Tây, tuy nhiên chỉ khác ở điểm là họ có tròng con mắt đen.
Trong công cuộc mưu sinh dân tộc nầy tiến dần về phía nam, rồi
sau đó đến hướng Ðông Nam. Ðến đây họ vượt qua dãy núi
Hindùkush, thông qua thung lũng Kabùl, rồi đến cư trú tại địa
phương Ngũ Hà. Vùng Ngũ Hà là giao lưu của năm con sông
Jhelam, Chenab, Ravi, Béas và Satledj, và cũng là địa phương
đã sản xuất ra nền văn hóa phong phú mỹ lệ của Ấn Ðộ ngày xưa.
Ðiểm đặc biệt của dân tộc nầy là họ rất thích tư duy, và cũng
nhờ ảnh hưởng của nền văn hoá triết học Hy Lạp và các nước Âu
Tây nên ngành văn hoá, học thuật, khoa học, triết học đã tiến
đến một trình độ khá cao. Khi di chuyển đến vùng Ngũ Hà họ đã
chinh phục người dân bản xứ là giống người Dravida, rồi họ lại
tiếp tục di chuyển về phía Ðông Nam và cuối cùng họ cư trú tại
lưu vực sông Ganges. Ðến dây họ công khai phá rừng, sản xuất
nông, lâm nghiệp, lợi dụng thủy sản, canh tác ruộng vườn..,
chẳng bao lâu vùng nầy trở thành phồn hoa đô hội.
-
Như chúng ta biết dân tộc Aryan là một dân tộc chuyên sống về
nghề du mục, vì thế mà việc tiêu diệt những dân tộc bản xứ để
chiếm cứ đất đai bờ cõi là một vấn đề cần thiết. Sau khi chiếm
cứ lãnh thổ của người dân bản xứ tất nhiên là việc phòng ngừa
địch thủ, bảo vệ lãnh thổ đã chiếm được cũng là những việc cần
phải làm. Ðó là lý do những giai cấp cũng bắt đầu xuất hiện để
đảm nhiệm những phần vụ trong xã hội mới. Bốn giai cấp thời đó
như sau:
-
a- Bà La Môn:
-
Giai cấp nầy lợi dụng thần quyền, chuyên lo về nghi lễ tôn
giáo, tế tự thần linh. Ngoài nhiệm vụ tế tự thần linh họ còn
có nhiệm vụ quản trị văn hoá, học thuật, giáo dục cho quần
chúng.
-
b- Sát Ðế Lợi:
-
Giai cấp nầy là giai cấp quyền quý, nắm giữ chính quyền, cai
trị dân chúng, và có nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi.
-
c- Tỳ Xá:
-
Giai cấp nầy lo về buôn bán, nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp,
công nghiệp, thương nghiệp, và các việc mua bán, đổi chác
tương trợ lẫn nhau trong sinh họat hằng ngày.
-
d- Thủ Ðà La.
-
Giai cấp nầy là dân tộc bản xứ, sau khi chiến bại, họ bị dân
tộc Aryan dùng làm nô lệ. Ðời sống của kiếp người nô lệ họ
phải sống ở nơi núi rừng thâm u làm tôi mọi suốt đời, lo phục
dịch cho ba giai cấp nói trên.
-
Như vậy sau cuộc di dân vĩ đại của những người Aryan đến vùng
Ngũ Hà và tiêu diệt bộ lạc Dravida để tiến tới một xã hội như
lý tưởng của họ thì bốn giai cấp trong xã hội Ấn cũng bắt đầu
xuất hiện từ thời đó. Cũng từ đó giòng tình cảm của con người
giữa đồng loại cũng bị chia cắt. Sự tranh chấp giữa các giai
cấp trong xã hội có khi ngấm ngầm, có khi bộc phát, làm cho
cuộc sống căng thẳng, nghẹt thở, khó chịu, mỗi ngày một thêm
trầm trọng. Tuy nhiên sự phân chia và kỳ thị giai cấp, bộc
phát rất là mãnh liệt xãy ra vào khoảng 1000 năm trước công
nguyên, cũng từ đó đời sống của con người vốn đã khổ như con
vật cả thể xác lẫn tâm hồn thì nay lại càng khổ hơn, và những
người thiệt thòi nhất xã hội trong lúc nầy là giai cấp nô lệ.
Họ không có tia hy vọng nào để có thể thay đổi cuộc sống của
họ. Những tệ trạng như vậy một phần do ảnh hưởng xã hội đế chế
phong kiến, một phần chính do tư tưởng Bà La Môn giáo gây nên.
Ðiều nầy chúng ta không lạ khi thấy dòng dõi Bà La Môn đã tạo
được lực lượng tôn giáo thì tất nhiên họ phải tìm đủ mọi cách
giữ gìn địa vị của mình, và mãi mãi duy trì chế độ giai cấp,
nên họ đã vin theo những thần thuyết mơ hồ, không căn cứ. Họ
còn đặt ra một bộ luật có tên là Manou nửa chính trị, nửa tôn
giáo để cai trị. Trong bộ luật đó có những điều cấm sự hôn
phối những người thuộc giai cấp khác nhau. Ðạo đức, tôn giáo
lúc nầy chỉ còn là hình thức, đời sống hỗn độn, con người
không có tự do, thiếu sinh khí... Tình trạng như vậy kéo dài
cho đến năm 624 trước công nguyên Thái Tử Tất Ðạt Ða mới xuất
hiện, và sau nầy xuất gia đi tu thành Phật hiệu là Thích Ca
Mâu Ni, và cũng là người đầu tiên khởi xướng thuyết bình đẳng.
Theo ngài thì giá trị con người không thể dựa vào dòng họ,
giai cấp mà trái lại phải căn cứ vào hành vi đức hạnh của
người ấy bởi vì: Một người sanh ra không phải liền thành Bà La
Môn hay Chiên Ðà La, mà chính sở hành của người ấy tạo thành
Chiên Ðà La hay Bà La Môn.
-
2- Dân Tộc Tính Của Người Ấn Ðộ:
-
Nói về dân tộc tính của người Ấn thì chúng ta phải nói đến nền
Văn Hóa của họ. Ngay từ buổi rạng đông, Ấn Ðộ đã có một nền
văn minh, những ngôn ngữ, và văn tự. Nền văn minh của Ấn Ðộ có
rất nhiều nhân chủng tạo dựng, nhưng đại loại có thể chia ra
làm hai:
-
a- Văn Minh Dravidien:
-
Văn minh Dravidien cũng còn gọi là văn minh da mầu ở Nam Ấn.
Nền văn minh nầy là một sự tổng hợp khá bền chắc giữa các mối
giao lưu của các vùng Ðịa Trung Hải và Cận Ðông
-
b- Văn Minh Aryan:
-
Văn Minh Aryan còn gọi là văn minh của người da trắng ở Bắc
Ấn. Theo tài liệu cho chúng ta biết, người Aryan vì là một bộ
lạc chuyên sống về du mục và cũng nhờ ảnh hưởng của nền văn
hoá triết học Hy Lạp và các nước Âu Tây nên ngành văn hoá, học
thuật, khoa học, triết học đã tiến đến một trình độ khá cao
như đã nói ở trên. Khi dân tộc này di chuyển đến vùng thượng
du của sông Ganges là một vùng được coi là Trung Tâm Văn Hóa
thành thị nguyên thỉ của Ấn Ðộ thì hai nguồn văn hóa ấy kết
hợp lại và gây thành một ảnh hưởng rất lớn và dần dần truyền
xuống vùng hạ lưu sông Ganges, nơi đây được mọi người trên từ
giáo sĩ Bà La Môn, vua chúa; dưới là các tầng lớp nhân dân ai
ai cũng chuyên tâm đến vấn đề phát huy tinh thần, văn hóa và
triết học. Như vậy chúng ta có thể kết luận về dân tộc tính
của Ấn Ðộ là một dân tộc ham chuộng văn hoá, triết học, tôn
giáo, hơn nữa họ lại có những kinh nghiệm của núi rừng, nên họ
cũng rất thích tư duy,
-
3- Những Nhu Cầu Của Dân Tộc Ấn:
-
Ấn Ðộ là một xứ trong vùng nhiệt đới nên khí hậu rất nóng, vì
lý do đó mà mọi người dân họ có khuynh hướng tìm đến với
thiên nhiên, những nơi núi rừng mát mẻ tĩnh mịch để nghỉ ngơi
an dưỡng. Chính vì lý do đó đã đưa người dân Ấn đến gần với
cảnh núi non thanh vắng, và cũng từ đó họ mới dần dần phát
minh ra những phương pháp ngồi minh tưởng tịnh dưỡng dưới gốc
cây. Sau đó lối tịnh dưỡng nầy trở thành một lối tu hành bổ
ích cho việc trau dồi thân tâm, cũng như việc hòa hợp cá tánh
và bản thể. Ðây là những ngày đầu khởi nguyên của Thiền Tọa Ấn
Ðộ.
-
II- Sự Biến Ðổi Của Thiền.
-
Như trên chúng ta thấy, những ngày đầu tiên của Thiền người ta
chỉ có một khái niệm giống như ngồi tịnh dưỡng để cho thân tâm
được yên tịnh. Nhưng dần dần được giới lãnh đạo tinh thần Bà
La Môn là một phái triết học và cũng là một trong bốn giai cấp
cai trị người dân Ấn Ðộ thời bấy giờ và Du Già Phái là một
trong 6 phái triết học khác của Ấn Ðộ: Số Luận Phái, Thắng
Luận Phái, Chánh Lý Phái, Di Mạt Tác Phái, và Phệ Ðà Phái đã
biến cải và tổ chức thành phương pháp tọa thiền. Như vậy nguồn
gốc của Thiền là một lối tu luyện của người Bà La Môn và phái
Du Già, nhưng những quả vị chứng ngộ không được đứng đắn hoàn
bị nên những hành giả học Phật thường gọi là Thiền của ngoại
đạo. Phương pháp tu tập nầy được lưu hành cho đến thời gian
khoảng 650 trước công nguyên, Thái Tử Tất Ðạt Ða đã dùng lối
tu luyện nầy kết hợp với tư chất thông minh sẳn có, ngồi tư
duy 49 ngày dưới gốc cây Bồ Ðề và đạt được đạo quả giác ngộ.
-
Sau khi đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, Phật Giáo được chia
thành hai phái: Ðại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ. Thượng Toạ Bộ
vẫn giữ theo truyền thống của Ðức Phật nên họ chuyên hành theo
pháp Thiền Quán. Ðại Chúng Bộ lúc đầu không tu theo pháp thiền
quán, nhưng về sau chư Tổ Sư muốn lấy phương pháp thiền quán
làm phương tiện tu hành, và đồng thời cũng muốn lấy thiền làm
căn bản triết lý để thống nhất Phật Giáo, nên đã có những cuộc
vận động Phật Giáo thống nhất. Công cuộc vận động lần lần được
lan rộng và trở thành hệ thống tổ chức của Thiền Tôn.
-
III- Triết Lý Thiền.
-
Mặc dầu người khai sáng ra nguồn Thiền Phật Giáo là Ðức Thích
Ca Mâu Ni, tuy nhiên khi truyền sang Trung Hoa và Nhật Bản mới
trở thành tôn phái Thiền Tôn. Từ đây chúng ta có thể nói Thiền
Tôn là một tôn phái tổng hợp của Thiền Ấn Ðộ và lễ giáo tư
tưởng của Trung Hoa, bởi vì, mặc dù Thiền Tôn được tổ chức
hình thành ở Trung Hoa nhưng lại ảnh hưởng tư tưởng của Phật
Giáo Ấn Ðộ, cho nên người ta thường kết luận Thiền là một tôn
phái thuần túy của Ðức Phật Thích Ca truyền lại. Như vậy danh
từ Thiền không phải phát xuất từ Trung Hoa và Nhật Bản mà đã
có từ Ấn Ðộ. Theo thổ ngữ của Ấn Ðộ rất là phức tạp, nhưng đại
loại có hai ngôn ngữ thường dùng đó là Sanskrist hay còn gọi
là tiếng phạn, loại ngôn ngữ nầy thường dùng cho các nhà học
giả và các nhà tôn giáo. Loại ngôn ngữ thứ hai đó là tiếng
Pali, là loại ngôn ngữ thường dùng của người bình dân. Chữ
thiền nguyên nguồn của nó là chữ Jhàna từ văn Pali mà ra. Chữ
Jhàna trong văn Pali có nghĩa giống như chữ Dhyana của
Sanskrist. Chữ Dhyana là ngôn ngữ từ Áo Nghĩa Thư của phái Bà
La Môn Giáo. Theo bộ sách nầy thì chữ Dhyana dùng để chỉ cho
những người có tâm rộng lớn vĩ đại trong nhân thế, được mọi
người tôn xưng và kính ngưỡng lễ bái. Phật Giáo khi truyền vào
Trung Quốc, thì Phạn văn, Pali cũng đựợc các nhà truyền giáo
chuyển sang Hán ngữ. Về chữ Dhyana những nhà phiên dịch từ
chữ Sanskrist ra chữ Hán thì có rất nhiều, nhưng được coi là
đại biểu của các nhà phiên dịch thì có hai ngài: Cưu Ma La
Thập và ngài Huyền Trang.
-
a- Theo Ngài Cưu Ma La Thập:
-
Chữ Dhyana theo ngài Cưu Ma La Thập thì dịch là Tư Duy Tu. Tư
Duy Tu có nghĩa là tập luyện theo phương pháp tập trung tư
tưởng và tâm niệm vào một chỗ để quán sát tư duy. Theo tư
tưởng Ấn Ðộ, muốn hiểu được chân lý người ta phải hoà mình
sống trong chân lý ấy. Ðó là triết học mà cũng là tư tưởng đặc
biệt của Ấn Ðộ, và thiền cũng được phát xuất từ tư tưởng nầy.
-
b- Theo Ngài Huyền Trang
-
Chữ Dhyana dịch là Tịnh Lự. Tịnh Lự có nghĩa là lắng đọng tâm
niệm để suy nghĩ và quán sát. Về ý nghĩa của chữ Tịnh Lự thì
như trong Luận Tỳ Bà Sa giải thích: Tịnh tức là tịch tịnh, Lự
là trù Lự. Nói một cách khác Tịnh Lự tức là phương pháp làm
cho tâm niệm lắng đọng, yên tịnh để suy nghĩ quán sát chân lý.
Trong Thanh Tịnh Ðạo giải thích chữ Thiền như sau:
-
Thiền là chuyên tâm vào một mục đích, một định xứ, quán sát
bình đẳng, không thiên kiến nghiêng ngã, không bị phiền não
loạn động. Căn cứ vào ý nghĩa ấy cho nên chữ Thiền có nghĩa là
cởi mở đoạn trừ tất cả tập khí phiền não như tham, sân, si.
-
Ngoài ra chữ Thiền còn được dịch là Ðịnh tiếng Sanskrist gọi
là Samàdhi. Chữ Samàdhi xuất phát từ chữ Samàhita trong Áo
Nghĩa Thư của Bà La Môn Giáo. Theo bộ sách nầy thì chữ
Samàhita có nghĩa là: Có trí quán sát nên tâm được bình tịnh
tinh thần an ổn, nhẫn nhục, kham khổ và tâm được thống nhất
nên chuyên chú vào một chỗ không rong ruổi loạn động theo
ngoại cảnh. Phật Giáo mượn danh từ Samàdhi để diễn tả trạng
thái bình đẳng của tâm niệm tức là Ðịnh. Thiền và Ðịnh có ý
nghĩa liên quan mật thiết như thế nên trong Phật Giáo thường
dùng thuật ngữ Thiền Ðịnh là một vì hai chữ đồng nghĩa. Chữ
Samàdhi cũng dịch là Chánh Thọ, nghĩa là đọan trừ các tạp
niệm, thọ dụng cảnh giới chánh định, hoặc dịch là Chánh Tâm
Hành Xứ, nghĩa là dùng sức tam muội mà đoạn trừ các tâm niệm
tà ác, an trú vào cảnh chánh định.
-
Như vậy, mặc dầu Thiền bắt đầu nẩy mầm phát xuất từ Ấn Ðộ,
nhưng trong lịch sử văn hoá Ấn Ðộ cách dùng nầy không phải
nhất định mà còn có nhiều nghĩa khác. Phái Du Già thì đặt
Thiền vào vị thứ bảy trong tám cấp tu hành. Tiểu Thừa Phật
Giáo lập ra Tứ Thiền mà trong các lọai Thiền, Tứ Thiền là một
hành pháp đặt định. Ðến Ðại Thừa Thiền thì trong Thiền Ba La
Mật bao hàm tất cả các lọai Thiền. Tóm lại cách sử dụng về
ngôn ngữ tuy không đồng nhất, nhưng bản chất của Thiền thì chủ
yếu làm cái tâm chuyên chú vào một cảnh giới, hay chuyên tư
duy vào một sự kiện nào đó. Nếu phải miễn cưỡng chia thành cấp
bậc thì chúng ta có thể chia ra Thiền và Tam Muội. Thiền và
Tam Muội tuy có riêng biệt, nhưng trên đại thể thì Tam Muội
hay Thiền cũng đều là một, nghĩa là dùng phương pháp quán
tưởng để cho tâm chuyên chú vào một sự kiện thì gọi là Thiền
hoặc là Tam Muội. Phép tu thiền tuy là một phép tu toàn nhất
cho thân tâm tương ưng, nhưng nếu phân tích ra mà khảo sát thì
tự nó đã trở thành hai phương diện, phương diện hình thức và
nội dung.
-
a- Về Phương Diện Hình Thức:
-
Về mặt hình thức thì trước hết hành giả phải làm cho thân thể
được yên tịnh, đoan nghiêm để giúp cho tinh thần được thống
nhất, đó là cách tu luyện thân thể. Ðây là hình thức rất phổ
thông đối với tất cả lối tu Thiền, và cũng là yếu tố hết sức
trọng yếu, vì nếu không có thì phép tu Thiền sẽ không thành
tựu.
-
b- Về Phương Diện Nội Dung:
-
Căn bản của thiền không phải cốt ở sự thống nhất tinh thần,
bởi vì sau khi đã thống nhất tinh thần mà không tư duy về một
sự kiện hoặc một cảnh giới nào đó thì ý nghĩa của Thiền hiển
nhiên chưa hoàn thành, vì thân và Tâm tuy có yên tịnh nhưng
chưa khai ngộ. Khai Ngộ có nghĩa là thực hiện một lý tưởng nào
đó trong tinh thần và chính muốn được thực hiện lý tưởng đó
nên mới lấy sự tập trung thống nhất tinh thần làm căn bản tư
duy, đây là phần nội dung của Thiền
-
Trong Phật Giáo còn có một danh từ nữa để thay cho Thiền đó là
chỉ quán. Chỉ là làm cho tâm yên định. Quán là căn cứ vào sự
yên định mà tư duy một cảnh giới nào đó. Như vậy chỉ và quán
đã biểu hiện đúng với ý nghĩa của Thiền. Nhưng chỉ quán phải
được quân bình nếu tâm được trấn định một cách thái quá sẽ trở
thành hôn mê trì độn, và như thế cố nhiên là không thể được.
Nhưng nếu tư duy một cách quá độ cũng lại khiến cho tâm tán
loạn, như vậy cũng không được. Vậy quân bình nghĩa là tâm yên
định, trầm mặc, chuyên chú vào một mục tiêu lý tưởng đã được
hoạch định, đó là sự quân bình của chỉ quán, mà bản chất của
Thiền cũng hoàn toàn ở điểm
nầy.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo:
-
- Triết Học Zen
-
- Phật Học Tinh Hoa
-
- Ðại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận.
|