-
Ðoản Văn Pháp Thoại
-
Nguyễn Ðan Phượng
-
--o0o--
-
-
Bản chất cố hữu của tâm là: Lương thiện, trong sạch, hoà bình
an lạc...Như bậc cổ đức đã từng nói:
-
Nhân chi sơ tánh bản thiện.
-
Sở dĩ trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không có được những
giây phút an lạc là do phiền não, tham sân si, lòng tham luyến
trần cảnh như sắc, thanh, hương, vị, xúc..v..v..để rồi chúng
ta chạy theo những cảm xúc thương ghét, buồn vui, điên đảo của
đời, cuối cùng chúng ta quên đi tự tánh ban đầu,. Muốn cho tâm
được thanh tịnh yên vui thì phải dứt khoát đừng lưu luyến trần
cảnh, tự kiểm soát chính mình, do đó mà những cảm thọ do năm
giác quan đưa đến khó mà lừa gạt chúng ta. Khi đã ý
thức được tất cả đều do những cảm xúc giả tạo lừa phỉnh thì
Tâm chân thật xuất hiện với trạng thái không có vui buồn,
thương ghét, thỏa thích hay âu sầu..
-
Một khi tâm không còn bị chi phối bởi sáu căn sáu
trần thì đã đạt đến trạng thái có thể kiểm soát tự tâm thì
chính mình như như không lay chuyển, như trong kinh Kim Cang
đã từng dạy: Không nên nương tựa vào đâu để mà sanh tâm (Ưng
vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm ).Tâm không giao động, không sai
chạy, không biến đổi, thì gọi là chân như, hay như như, là cái
tánh chân thật hay còn gọi là Phật tánh.
-
Chúng ta tu cả đời cũng chỉ cầu cho tâm thanh tịnh
an lạc và thấu hiểu tường tận bản chất thật sự của tâm, thì
chúng ta sẽ an lạc không còn lo âu được thua khôn dại. Chính
đó là mục tiêu mà ta phải đạt nó cho được cho dù phải trả một
giá khó khăn trong cuộc sống hiện tại nầy.
|