-
Vì Sao Phật Giáo
-
Suy Tàn Tại Ấn Ðộ I
-
By D.C. Ahir
-
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
-
--o0o--
-
-
-
Vì có nhiều người thắc mắc việc Ðạo Phật biến mất trên đất Ấn
Ðộ, nơi nó đã ra đời và lớn mạnh đến tuyệt đỉnh. Do đó, chúng
tôi xin dịch bài này của tác giả là một người Ấn Ðộ, cũng là
một người trưởng thành trong xã hôị Ấn Ðộ Giáo, dưới quan điểm
của một học giả hiện đại để cống hiến qúy vị.
-
-
***
-
-
Sự biến mất của Ðạo Phật ở Ấn Ðộ, nơi nó đã được sinh ra,
trưởng thành và đạt đến những thành tựu cao nhất, là một hiện
tượng đáng ngạc nhiên và đau lòng. Thế nào và tại sao Ðạo Phật
đã không tồn tại lâu dài trong những người gần gũi nhất với nó
là một vấn đề khó hiểu với nhiều ý kiến bất đồng. Quan điểm
chung của các nhà học giả Ấn Ðộ là sự xao lãng và sa đọa trong
đời sống Ðạo Ðức và Tâm Linh của giới tu sĩ Phật Giáo, Tăng
cũng như Ni. Tuy nhiên nhìn dưới ánh sáng lịch sử, việc cho
rằng sự xuống dốc về đạo đức của hàng ngũ Tăng Già Phật Giáo
dường như là chuyện hoang đường không có những bằng chứng xác
đáng. Nói như Swami Vivekananda rằng: Phật Giáo phải chết, một
cái chết tự nhiên trên đất Ấn Ðộ vì những đệ tử của Phật đã
từ bỏ đấng Thượng Ðế vĩnh hằng ra khỏi đất nước cũng không
đúng. Nếu đó là lý do thì tại sao Kỳ Na Giáo đã tồn tại trên
đất Ấn khi Mahavira cũng không thừa nhận Thượng Ðế là đấng Tối
Cao. Tín đồ Kỳ Na Giáo, cũng giống như Phật Giáo, không thừa
nhận thẩm quyền của kinh điển Vệ Ðà. Vì vậy, đó không phải là
lý do suy tàn của Phật Giáo trên đất Ấn.
-
Theo quan điểm của chúng tôi, Phật Giáo đã chết
một cái chết không tự nhiên, và những nguyên do đưa đến sự
biến mất của nó là những nguyên do bên ngoài hơn là bên trong.
Không chỉ thế, một chiến dịch có hệ thống và tính toán đã được
tiến hành vì quyền lợi ích kỷ của người Bà La Môn Giáo đã đẩy
Phật Giáo ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của nó. Lý do là vì
Ðức Phật đã lên án chế độ giai cấp và nhấn mạnh vào sự bình
đẳng của mọi người. Trong khi đó tín đồ của Bà La Môn bằng mọi
cách bảo vệ hệ thống giai cấp để bám lấy những ưu đãi của họ
trong sự phân chia giai cấp đó, nhưng tín đồ Phật Giáo, không
giống như tín đồ Kỳ Na Giáo, không chịu thỏa hiệp trên vấn đề
nầy. Ðiều nầy đã đưa đến mâu thuẩn. Người Bà La Môn một mặt
phát động chiến dịch chống Phật Giáo, ngược đãi tín đồ Phật
Giáo, một mặt đem những điểm tốt của Phật Giáo vào hệ thống
của họ để thuyết phục quần chúng. Những yếu tố ngoại tại, cộng
với một vài sai lầm nội bộ đã nhanh chóng làm Phật Giáo suy
tàn tại Ấn Ðộ.
-
XUNG ÐỘT GIỮA BÀ LA MÔN VÀ PHẬT GIÁO
-
Trước khi có Phật Giáo, Ấn Ðộ chưa từng biết đến những đạo lý
về bình đẳng và tình huynh đệ. Theo Nguyên Nhân Ca(Purusha
Suka) của kinh Lê Câu Phệ Ðà(Rig Veda), chủng tộc Bà La Môn
sinh ra từ miệng, chủng tộc Sát Ðế Lợi (Kshatriya) sinh ra từ
tay, chủng tộc Phệ Xá(Vaishya) sinh ra từ đùi, và chủng tộc
Thủ Ðà La(Sudra) sinh ra từ bàn chân của Brahma là Thần Sáng
Tạo. Xã hội này đặt nền tảng trên nguồn gốc thần thoại
Chaturvarna và được quy định bằng nguyên lý phân biệt giai
cấp; giai cấp Bà La Môn được xếp hàng đầu, tiếp đến là giai
cấp Sát Ðế Lợi, Phệ Xà, và Thủ Ðà La là thấp nhất. Quy luật về
sự phân biệt giai cấp cũng quy định những quyền lợi và ưu thế
của họ. Ngay cả những hình phạt về sự phạm tội cũng được đặt
trên nền tảng khác biệt giai cấp. Người Bà La Môn sẽ bị hình
phạt nhẹ nhất và người thuộc giai cấp Thủ Ðà La sẽ bị hình
phạt nặng nhất. Như vậy, toàn bộ cơ cấu xã hội được đặt trên
nguyên tắc bất bình đẳng.
-
Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những
luật lệ xã hội áp bức đó và lên án hệ thống giai cấp. Ngài
không thừa nhận nguồn gốc linh thiêng của giai cấp, và chứng
minh sự dối trá của giai cấp Bà La Môn khi tuyên bố rằng họ
sinh ra từ miệng của Brahma. Ngài bác bỏ lời tuyên bố của
người Bà La Môn, họ cho rằng chỉ có họ mới có thể đạt đến
những đức hạnh tâm linh, và khẳng định rằng người trong bất kỳ
giai cấp, màu da hay tín ngưỡng nào đều có thể phát triển
trong tâm họ những đức hạnh đó. Ngài còn đi xa hơn nữa:
-
-
Hãy làm cho không còn ai, nam hay nữ, bất kỳ thuộc nền tảng
kinh tế xã hội nào, bị cản trở trên con đường đạt đến sự toàn
thiện. Ðó là quyền của mỗi người, khả năng bên trong của mỗi
người, và sự toàn thiện đó có thể đạt đến do sự cố gắng không
ngừng của riêng mỗi người, không do sự giúp đỡ của một tha
nhân, thần thánh hay siêu nhiên nào.
-
Ðức Phật còn dạy rằng: Tất cả mọi người đều giống
nhau, nếu phân chia họ ra một cách nhân tạo là hành động điên
rồ. Trong kinh Vesttha, Ngài nói rằng: Trong đời sống của loài
thú có những sự khác biệt dựa trên những đặc tính nền tảng
khác nhau. Trong đời sống của các loài cây cỏ cũng vậy. Nhưng
không có những sự khác biệt như thế trong sự phân loại loài
người thành những ngăn kín, vì nhân loại là một và có cùng
những đặc tính như nhau. Vì vậy, Ðức Phật khẳng định một cách
dứt khoát: Giá trị là đặt nền tảng trên những hành động, chứ
không phải trên sự sinh ra, một sự việc vô tình, không phải là
thước đo con người. Ngài cũng bước những bước cụ thể trong
việc nhổ tận gốc sự tệ hại của giai cấp. Những bước đó là:
Phơi trần huyền thoại về nguồn gốc thượng đẳng do người Bà La
Môn tuyên bố về họ; khuyến khích giai cấp thấp bằng cách thọ
trai tại nhà họ; và chấp nhận những người thuộc giai cấp thấp
xuất gia và được coi ngang hàng với những người khác trong
hàng ngũ Tăng Già. Hô hào các Tỳ Kheo quên giòng giống giai
cấp của họ, một lần Ðức Phật nói: Này các thầy, giống như
những giòng sông, sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravati, sông
Sarasvati, và sông Mahi khi chúng đều chảy về biển lớn. Cũng
như vậy, này các thầy, bốn giai cấp: Bà La Môn, Sát Ðế Lỵ, Phệ
Xá, và Thủ Ðà La khi họ đi theo giáo pháp và giới luật của Như
Lai, họ từ bỏ những khác biệt của giai cấp và sắp hạng, và trở
thành những phần tử của một khối duy nhất và đồng nhau.
-
Ở Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước Tây Lịch, người
Bà La Môn giáo tìm sự cứu rổi và giải thoát bằng những tế lễ
hy sinh, người theo đạo Kỳ Na và Ajivaka tế lễ bằng sự tự hành
hạ thân xác. Ðức Phật trái lại dạy đệ tử của Ngài vượt qua
biển khổ luân hồi bằng cách đem sự tốt đẹp cho chúng sanh
khác, thay vì làm hại họ hay hại chính bản thân mình. Ngài dạy
con đường đi đến Niết Bàn bằng những phương tiện:
-
1- Tự điều khiển, tự tiết chế, và giảm thiểu những đam mê;
-
2- Mở lòng thương yêu tất cả mọi loài, người, chim muông, thú
vật; và
-
3- Giúp đỡ người nghèo yếu.
-
Ngài cũng nhấn mạnh:
-
a- Cơ hội bình đẳng cho mọi người;
-
b- Thân thế bình đẳng cho mọi người;
-
c- Tự do tư tưởng; và
-
d- Tình huynh đệ toàn khắp.
-
Khi Ðức Phật giảng Giáo Pháp của Ngài, nó lôi cuốn
quần chúng ở khắp mọi giới; giàu và nghèo, cao sang và thánh
thiện, thấp thỏi và hạ tiện. Những người thuộc giai cấp Bà La
Môn cũng không bị bỏ rơi. Thật vậy, phần lớn các đệ tử thân
cận của Ðức Phật là những người thuộc giai cấp Bà La Môn. Ngay
cả về sau, một số những ngọn đuốc dẫn đầu trong Ðạo Phật là
những vị từ Bà La Môn quay về. Trong những thế kỷ tiếp sau,
giáo lý xã hội của Ðức Phật đã tạo một sức đẩy làm xã hội Ấn
Ðộ tiến lên, và những giai cấp thấp xác định quyền bình đẳng
của họ, vì vậy mà tín đồ Bà La Môn đã quay lại chống đối Phật
Giáo.
-
Thật sự, người Bà La Môn không chống đối Phật Giáo
trên những giáo lý thuộc triết lý hay đạo đức, nhưng điều mà
họ không thích là tư tưởng về sự bình đẳng trong Ðạo Phật. Như
Tiến sĩ Ambedkar nói:
-
-
Bất bình đẳng là giáo lý chính thức của đạo Bà La Môn. Ðức
Phật chống lại gốc rể và cành lá của nó. Ngài là một đối thủ
mạnh mẽ nhất của chế độ đẳng cấp và là cột trụ vững chãi nhất
của tinh thần bình đẳng. Không có một lý lẽ nào về vấn đề giai
cấp mà ngài không bác bỏ.
-
Chúng ta không nghi ngờ rằng, được khuyến khích với tinh thần
bình đẳng do Ðức Phật dạy, những người giai cấp thấp trong xã
hội xác định quyền tự do của họ và chống lại sự ưu thế của
người Bà la môn. Ðiều nầy làm suy yếu nền tảng của hệ thống
giai cấp và đã hạ tầng giai cấp Bà La Môn xuống tận đất.
-
Khi Ðạo Phật yếu đi chút đỉnh, người Bà La Môn giáo dùng mọi
cách để lấy lại quyền lực và danh vọng đã mất. Họ không những
cố gắng phục hồi lại hệ thống giai cấp mà còn tìm cách hủy
diệt những giáo pháp của Ðức Phật khỏi đất nước Ấn Ðộ. Xin
trích lời của Har Dayal:
-
- Những thầy tế triệt tiêu ngôn ngữ Pali trên đất
Ấn. Họ không những ghét tiếng Pali về phương diện giáo lý,
triết học hay những giới luật của Ðức Phật. Họ biết Ðức Phật
là một vị Thầy lớn lao và tôn sùng Ngài. Nhưng họ muốn rằng
những lời dạy tuyệt vời của Ðức Phật không được nghe thấy trên
đất Ấn, vì những lời dạy nầy có năng lực phá hủy thành lũy
giai cấp. Họ nói: Dù tiếng Pali tiêu diệt; dù nước Ấn Ðộ tiêu
diệt; nhưng giai cấp của chúng ta phải nắm quyền lãnh đạo.
-
Ðể tranh đấu với Ðạo Phật, người Bà La Môn phải
làm nhiều việc sửa đổi trong những giáo lý của họ. Họ bỏ sự hy
sinh súc vật để cúng tế. Họ cũng bải bỏ giáo lý cho rằng các
kinh điển Phệ Ðà không thể sai lầm. Tuy nhiên, về quan điểm
phân chia giai cấp (Chaturvarna), họ không chịu đầu hàng. Họ
phải thừa nhận tác dụng của những lý lẽ của Ðức Phật chống lại
Chaturvana. Và họ phát động một sự điều chỉnh triết học cho
Chaturvana được tìm thấy trong sách Bạt Già Phạm Ca
(Bhagavad-Gita), một tác phẩm có trước Phật. Nói như P.L.
Narasu trong cuốn Cốt Tủy Ðạo Phật:
-
-
Mục đích chính của Gita là lén lút ủng hộ sự lãnh đạo và danh
vọng của giai cấp Bà la môn, ra đời để đáp ứng những nhu cầu
mà Ðạo Phật đã làm thỏa mãn. Bất cứ điều gì cao thượng và
tuyệt vời trong Gita là điều mà Bà La Môn giáo đã vay mượn từ
đối thủ của nó và xử dụng cho mục đích riêng tư của mình. Ðặc
biệt là để ngăn chặn những người Thủ Ðà La không từ bỏ niềm
tin cố cựu của họ. Phần còn lại là một khối những lặp đi lặp
lại, những mâu thuẩn, những sự vô lý, kết quả của một cố gắng
không thành công trong việc làm dung hòa mọi phương diện trong
quan điểm truyền thống.
-
Mục đích chính của Bạt Già Phạm Ca là bảo vệ, làm
mạnh hệ thống giai cấp được thấy rõ trong cách giải thích chữ
Dharma (Pháp). Nghĩa chữ Dharma trong Phệ Ðà là những nghi lễ
hay những nghi thức. Trong Gita cũng như trong Manu-Smriti,
chữ Dharma được dùng có nghĩa là: Những bổn phận của bốn giai
cấp trong thế gian. Trong Gita, Krishna bảo Arjuna chiến đấu,
vì đó là Dharma (bổn phận giai cấp) của ông ta. Ông ta còn
nói:
-
-
Thà chết mà làm tròn bổn phận của giai cấp; làm theo những bổn
phận dành riêng cho giai cấp khác là việc làm nguy hiểm.
-
Tín đồ Phật Giáo trái lại không chịu từ bỏ sự chống đối của họ
đối với tư tưởng Chaturvarna. Ðó là lý do đầu tiên của sự
chống đối giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo.
-
Tiến sĩ Amberka tìm dấu vết nguồn gốc mâu thuẩn
giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo từ một nguồn khác. Ông nói:
-
-
Khi đọc qua toàn bộ Văn Học Phật Giáo, tôi thấy rằng 90% tín
đồ Phật Giáo trước kia là những người Bà la môn. Những người
Bà La Môn thường đến gặp Ðức Phật để thảo luận và tranh cải,
và khi thua, thường đặt tin tưởng vào Ðức Phật và cuối cùng
chấp nhận Phật Giáo. Văn Học Phật Giáo chứa đầy những sự việc
như vậy. Vì vậy, Phật Giáo là một tôn giáo đã nẩy nở giữa đại
đa số những người Bà La Môn, làm thế nào về sau lại bị chính
những người Ba la môn tiêu diệt?
-
Theo quan điểm của chúng tôi, lý do chính của sự
việc nầy là sự thờ cúng thần linh gia đình. Ở Ấn Ðộ, giống như
thần làng và thần nước, có những vị thần gia đình cũng được
những người Bà La Môn thờ cúng. Những thầy tế thường thờ cúng
những vị thần nầy bắt đầu gây ảnh hưởng vào quốc sự qua những
bà hoàng. Vua A Dục (Ashoka) sau khi quy y theo Phật Giáo đã
từ bỏ việc thờ cúng đó và dời tượng của những thần dùng trong
việc thờ cúng nầy. Vua A Dục nói:
-
-
Khi ta tôn kính Ðức Phật, đấng Giác Ngộ, thì không cần thờ
cúng vị thần linh nào khác.
-
Hành động nầy của vua A Dục làm cho những người Bà La Môn lo
lắng không ít vì nó chấm dứt những phương tiện sinh sống và
bóc lột bất công của họ. Họ nguyện sẽ phục thù cho sự mất mát
đó.
-
Những người Bà La Môn có quan niệm rằng:
-
-
Sau khi chết những ông vua sẽ bị đọa vào địa ngục vì những sai
lầm và thiếu sót của họ. Vì vậy, họ không đồng ý làm những
người lãnh đạo, nhưng muốn làm những Cố Vấn Tối Cao của các vị
Vua. Ðể trả thù sự mất mát vì việc chấm dứt sự thờ cúng những
thần gia đình (Kulapuja), những người Bà La Môn từ bỏ phương
châm chỉ làm những người cố vấn, họ cố gắng nắm lấy quyền lực.
Với sự giúp đở của những người Sát Ðế lỵ, họ thiết lập trục Bà
La Môn-Sát Ðế lỵ để chống lại Phật Giáo. Ưu thế của Bà La Môn
giáo trở lại ở Ấn Ðộ là một trong những nguyên do suy sụp của
Phật Giáo.
-
Sự nổi bật của Phật Giáo từ sự hạ thấp giai cấp Bà
La Môn, cũng đưa đến sự dãy chết của những quyền lợi thiêng
liêng của những Vua chúa thuộc giai cấp Sát Ðế lỵ. Vì vậy,
không nghi ngờ gì những người thuộc giai cấp Sát Ðế Lỵ, trong
những giai đoạn đầu là những người ủng hộ Phật Giáo, về sau
trở nên đối lập với Phật Giáo. Như một nhà văn viết:
-
-
Những người Sát Ðế Lỵ sợ Phật Giáo vì nó đe dọa nền tảng và sự
hiện hữu giai cấp của họ, vì những người bị áp bức được khuyến
khích bởi những giáo lý bình đẳng tìm cách vùng dậy.
-
Như vậy, để bảo đảm sự an toàn cho những quyền lợi của họ,
những người Sát Ðế Lỵ tham vọng âm mưu với những người Bà La
Môn và bước từng bước củng cố hệ thống giai cấp. Bằng sự sắp
xếp chung, giai cấp Sát Ðế Lỵ được đồng ý làm Vua và những
người Bà La Môn là những đại thần. Sự thỏa hiệp nầy bảo đảm
quyền lực và danh vọng cho cả hai giai cấp nầy và sự thấp kém
vĩnh viễn của những giai cấp khác, mà Phật Giáo sẽ không bao
giờ tha thứ. Vì vậy, để giữ quyền lực chính trị trong tay họ,
hai giai cấp nầy tạo một mặt trận thống nhất chống lại và phá
rối sự phát triển của Phật Giáo.
-
SỰ GÂY THÙ HẬN
-
Tôn giáo của Ðức Phật là một cái gai trong mắt những người Bà
La Môn phản động, vì nó đã lật đổ giai cấp thầy tế khỏi ngôi
vị cao của nó, mà bao nhiêu thế kỷ đã bảo đảm cho họ mọi thứ
ưu đãi và tiện nghi vật chất. Vì vậy khi ảnh hưởng của Phật
Giáo suy yếu, họ trả đũa và tấn công Phật Giáo bằng nhiều cách
để trả thù sự mất mát của họ. Họ dùng những ngôn ngữ tồi tàn
nhất và những mánh khóe tồi tàn nhất để nhục mạ và hạ thấp
Phật Giáo dưới mắt quần chúng. Ngay cả họ còn bẻ cong ý nghĩa
từ và thành ngữ riêng của Phật Giáo. Chúng tôi hy vọng rằng sự
phân tích phê bình trong những đoạn sau đây sẽ có thể làm cho
độc giả nhận thức được tầm quan trọng trong thảo luận của
chúng ta:
-
1- Vua A Dục, một vị vua Phật Giáo vĩ đại nhất, trong những
cáo thị ông tự gán cho mình là Người được chư Thần thương yêu
(Devanam Priya), nhưng những nhà văn phạm Bà La Môn dịch chữ
nầy là những sự điên rồ yêu thương. R.K. Mookerjee nói về sự
đồi bại nầy như sau:
-
-
Về thành ngữ Deva-nampriya Priyadarsi, V.A. Smith dịch là Ðấng
Thiêng Liêng và Nhân Từ đối với tôi là chuẩn nhất. Deve
nampriya thay vì Deva-Priya có thể là tên gọi có ý coi khinh
giới luật của Panini, nhưng được đề cập trong những sự kiện
ngoại trừ luật do Katyana (vào khoảng 359 trước tây lịch theo
R.G. Bhadarkar) được Patanjali (150 trước tây lịch) và cả
Kasika (650 sau tây lịch) ủng hộ. Tuy nhiên sự ngoại trừ không
cho phép nhà văn phạm về sau là Bhattoji Dikshita, người đã
nhấn mạnh vào việc coi từ Devanampriya là một từ khinh miệt,
ngụ ý chỉ một người điên (murkha) không có sự hiểu biết về
Brahma... Như vậy một danh hiệu được ca tụng trong những thời
đại Nada, Maurya, và Sunga, phải chịu sự sa đọa về ý nghĩa
dưới thành kiến của người Ba La Môn chống lại vị vua Phật Giáo
lỗi lạc.
-
2. Ðức Phật nhập diệt ở Câu Thi La (Kushinagar)
vùng Deoria nước Uttar Pradesh, Câu Thi La cách Gorakhpur 12
dặm về hướng Ðông và cách Deoria 21 dặm. Nó nằm trên bờ phía
Tây của sông Hiranyavati và vị trí của nó tương ứng với khu
vực rộng lớn Ram-bar-ka-Tila nằm ở bờ phía Tây hồ Rambhar. Gồm
hai chữ Hiranyavati và Rambar có thể tạo thành tên Harambar
cho khu vực nầy. Câu Thi La (Kushinagar) là nơi Ðại Niết Bàn
của Ðức Phật trở thành một nơi hành hương quan trọng và thiêng
liêng nhất của tín đồ Phật Giáo. Dĩ nhiên, tín đồ Phật Giáo
từ khắp nơi trên đất Ấn quy tụ về nơi đây mỗi năm với một số
đông lớn lao để tỏ lòng tôn kính đối với Vị Thầy. Dường như
người Bà La Môn hoang mang bởi dân chúng ở Câu Thi La. Họ đưa
khuynh hướng tôn giáo vào biện pháp xảo quyệt của họ và dạy
những người tại gia ngu dốt rằng: Người chết ở Harambar, vùng
chung quanh Câu Thi La, đọa vào địa ngục hay tái sanh làm con
lừa cái, nhưng người chết ở Kasi (Varanasi) được lên trời.
-
Ðể bảo vệ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi có
bằng chứng hùng hồn và có tính cách lịch sử từ cuộc đời của
Mahatma Kabir, một người hô hào cải cách tôn giáo và xã hội
vào thế kỷ thứ mười lăm. Trong thời đại ông, sự tuyên truyền
có tác hại, như được đề cập ở trên, rất thịnh hành. Kabir kịch
liệt chống lại quan điểm vô nghĩa nầy. Ông tuyên bố rằng nếu
hành động của một người tốt đẹp, người ấy chắc chắn sẽ được
cứu rỗi dù cho có chết ở Kasi hay Harambar. Và để chứng minh
hùng hồn niềm tin về Harambar là sai lầm và vô nghĩa, Kabir,
khi tuổi đã gìa, cố ý đi đến vùng đất cấm đó và chết vào năm
1518 sau tây lịch trong một thị trấn nhỏ Maghar ở vùng
Gorakhpur không xa Câu Thi La. Kabir, trong những lời để lại,
hai lần đề cập đến sự việc nầy và giải thích đầy đủ mục đích
hành hương đến Maghar của ông mặc dù những ngăn cản mạnh mẽ từ
bạn bè và những người hâm mộ ông. Theo sự việc trên, Wescott
viết trong tác phẩm đáng tin của ông về Kabir như sau:
-
-
Chính là nguyện vọng của những môn đệ mà Kabir đã không chấm
dứt cuộc đời của ông tại Kasi nơi mà rất nhiều công trình tôn
giáo được hoàn tất. Họ chủ trương rằng tất cả mọi người chết ở
Kasi sẽ lập tức sinh vào thế giới của thần Ram, và những người
chết ở Maghar sẽ trở lại thế giới nầy và sinh làm con lừa cái.
Kabir khiển trách về niềm tin của họ. Phải chăng quyền năng
của Ram quá giới hạn không thể cứu rỗi người phụng sự ông vì
người nầy muốn chết ở ngoài Kasi, thành phố của thần Shiva?
-
Cảm giác lo âu và sợ hải trong giới Ấn Ðộ Giáo quá
mạnh đến nỗi sau khi Kabir chết ở Maghar họ cũng không thể từ
bỏ được sự mê tín. Vì vậy, họ đã không xây dựng một đền tưởng
niệm Kabir ở đó, họ dựng đền tưởng niệm ở Kasi. Người Hồi Giáo
đã xây dựng một nơi tưởng niệm Kabir ở Maghar, nơi cư ngụ cuối
cùng của ông. Ðền thờ chính ở Maghar vì vậy đã luôn luôn do
người Hồi Giáo trông coi và về sau vẫn còn dưới sự trông coi
của họ, mặc dù một ngôi đền cho người Ấn Ðộ Giáo đã được xây
dựng ở đây.
-
3. Những người cuồng tín Bà La Môn không dừng lại
ở đó. Họ tiếp tục thẳng tay gây sự hận thù và ghét bỏ đối với
tín đồ Phật Giáo trải qua nhiều thế kỷ và giữ mãi tinh thần
nầy cả trong văn học. Xin trích dẫn ra một số sau đây:
-
a- Nikant trong tác phẩm Prayaschit Mayukha trích một bài thơ
từ Manu (bộ luật tập cấp):
-
-
Nếu người nào chạm phải một tín đồ Phật Giáo hay một tín đồ
của Panchupat, Lokayataka, Nastika hay Mahapataki, người ấy
phải tắm để tẩy uế.
-
b- Cùng một giáo lý được Apraka dạy trong Smiriti. Vradha
Harit đi xa hơn và tuyên bố rằng bước vào chùa Phật Giáo là
một tội lỗi cần phải tắm để thanh trừ tội lỗi đó.
-
c- Sự việc gây ấn tượng nhất về thái độ nầy đối với tín đồ
Phật Giáo được tìm thấy trong vở kịch Mricchakatika. Trong màn
Vii của vở kịch, người anh hùng Charudatta và bạn là Maitriya
đang chờ Vasantasena ở quảng trường bên ngoài thành Ujjain. Cô
nàng không đến và Charudatta quyết định rời quảng trường. Khi
họ rời nơi đây, họ thấy vị sư Phật Giáo tên là Samvakaha. Thấy
ông ta, Charudatta nói:
-
- Nầy bạn Maitriya, tôi đang nóng lòng muốm gặp
Vasantasena. Nầy, hãy cùng đi. (Sau khi bước vài bước) A, đây
là một cảnh tượng không may, một ông tăng Phật Giáo đang đi về
hướng chúng ta. (Sau khi suy tư một chút) tốt, hãy để cho ông
ta đi đướng nầy, chúng ta sẽ đi con đường khác. (Rời sân
khấu).
-
Trong màn Viii, vị tăng ở trong vườn lớn của
Sakara, người anh rể của Vua. Nhìn thấy áo của ông ta trong
một cái hồ, Sakara, theo sau là Vita, bật dậy và hăm dọa giết
vị tăng. Sau đây là cuộc đối thoại giữa họ:
-
Sakara:
-
-
Hãy dừng lại, ông thầy tu tồi bại.
-
Tăng sĩ:
-
-
A! Ðây là người anh rễ của Vua. Bởi vì có một số tăng sĩ xúc
phạm đến nhà vua, nên nhà vua đánh đập bất cứ tăng sĩ nào ông
gặp.
-
Sakara:
-
-
Hãy dừng lại, ta sẽ bẻ chiếc đầu của ông như người ta bẻ một
cộng rau dền trong tiệm ăn (Ðánh ông ta).
-
Vita:
-
-
Nầy bạn, đánh một tu sĩ khoác trên mình chiếc áo choàng, đã từ
bỏ thế gian, là một việc không chính đáng.
-
Tăng sĩ vui mừng:
-
- Xin hãy vui lòng, cư sĩ.
-
Sakara:
-
-
Nầy bạn, coi đó. Hắn xỉ nhục tôi.
-
Vita:
-
-
Ông ta nói gì?
-
Sakara:
-
-
Hắn gọi tôi là cư sĩ. Tôi là tên thợ cạo hay sao?
-
Vita:
-
-
Ồ! ông ta thật sự tán tụng anh như là một người sùng tín Ðức
Phật.
-
Sakara:
-
-
Tại sao ông lại đến chỗ nầy?
-
Tăng sĩ:
-
-
Ðể giặt những y phục nầy.
-
Sakara:
-
-
A! ông là ông thầy đồi bại. Ngay cả tôi cũng không tắm trong
ao nầy; ta sẽ giết ông bằng một trận đòn.
-
Sau khi bị đánh thật nhiều, vị tăng được cho đi.
Ðó là một tu sĩ Phật Giáo trong đám đông Ấn Ðộ Giáo. Ông ta bị
xa lánh và tránh né. Cảm tưởng chán ghét đối với ông thật là
lớn lao, đến nỗi người ta tránh né cả con đường mà ông ta đã
đi qua. Cảm tưởng ghê tởm đậm đặc đến nỗi sự đi vào của một
tín đồ Phật Giáo khiến cho người Ấn Ðộ Giáo phải đi ra. Người
Bà La Môn được miễn tội tử hình, ngay cả còn được miễn hình
phạt về thể xác. Nhưng tu sĩ Phật Giáo bị đánh đập và hành hạ
không thương xót, không hối tiếc, như là không có gì sai lầm
khi làm việc đó.
-
d- Chanalya (Kautilya), một đại thần Bà La Môn nổi danh dưới
thời vua Chiên Ðà La Quật Ða (Chandragupa) của vương triều
Khổng Tước (Maurya), cũng là một phần tử nằm trong chiến dịch
gây hận thù đối với Phật Giáo. Ông nói:
-
-
Khi một người hưởng dụng bửa ăn cúng cho chư thần và tổ tiên,
những người thuộc giòng Thích Ca (tín đồ Phật Giáo), Ajivaka,
Thủ đà la, và những tù nhân đi đày, phải chịu một hình phạt
một trăm Panas.
-
e- Những tác giả của những Puranas(Thánh Thư) cũng tuyên
truyền chống Phật Giáo không ít. Họ coi Ðức Phật như là một
Avtara(hóa thân) của Vishnu nhưng đối xử với Ngài với sự khinh
miệt.
-
-
Thánh thư Brhannardiya coi một người Bà La Môn bước vào nhà
của một tín đồ Phật Giáo là một tội lỗi lớn dù cho có gặp sự
nguy hiểm lớn.
-
-
Thánh thư Agni tuyên bố rằng con của vua Tịnh Phạn dụ dỗ những
người Daitya trở thành tín đồ Phật Giáo.
-
-
Thành thư Vayu nói một cách khinh khi về Phật Giáo: Với hàm
răng trắng, cặp mắt nhìn thẳng, đầu cạo trọc, và áo đỏ, những
người Thủ Ðà La sẽ thực hiện những hành vi tôn giáo.
-
-
Thánh thư Vishnu gán cho Ðức Phật tên: Người dụ dỗ vĩ đại. Họ
coi Ngài là một Maha Moha, người hiện ra trong thế gian để lọc
lừa những ma quỉ. Nó còn cảnh cáo thêm về tội lỗi chuyện trò
với tín đồ Phật Giáo, nói rằng những người nói chuyện với
những nhà khổ tu trọc đầu sẽ bị đọa vào địa ngục.
-
4- Một phần trong chiến lược hủy nhục của họ, người Ấn Ðộ Giáo
còn dùng một phương pháp khác làm mất uy tín những tín đồ Phật
Giáo và chùa chiền của họ. Họ gán cho những tên gọi xấu xa và
bẩn thỉu cho những chùa, tu viện Phật Giáo. Ví dụ, tàn tích
của ngôi tháp ở Ghantasila vùng Andhra Pradesh được họ gọi là
Langa Dibba có nghĩa là gò đĩ điếm. Sự gán những tên bẩn thỉu
cho những địa danh cổ của Phật Giáo được các nhà học giả ngu
dốt trích ra, lấy làm lý lẽ để nói rằng Phật Giáo biến mất ở
Ấn Ðộ, vì những ngôi chùa của nó đã trở thành những nơi đồi
bại, và các Tỳ Kheo đã không sống đời sống đáng kính. Họ lý
luận rằng:
-
-
Những nơi lễ bái của Phật Giáo đã đi đến chỗ đồi bại cùng cực
về luân lý, nên dân chúng khinh thường và xa lánh.
-
Chúng tôi đồng ý rằng khi các ngôi chùa bắt đầu trở nên sung
túc, tu sĩ Phật Giáo, một cách nào đó trở nên hướng về bản
thân và từ bỏ bổn phận của họ đối với nhu cầu tâm linh và xã
hội quần chúng. Và họ bắt đầu sống một cách thoải mái trong
những tu viện và không tham gia vào lý tưởng phụng sự xã hội.
Ðiều nầy cuối cùng đã ảnh hưởng một mức độ nào đó vào việc
truyền bá và duy trì Giáo Pháp. Nhưng nói rằng Phật Giáo suy
tàn vì sự sụp đổ của những tiêu chuẩn đạo đức trong hàng ngũ
Tăng Già là điều không có gì bảo đảm. Không có một bằng chứng
nào để củng cố lập luận nầy, ngoại trừ những danh hiệu đáng
nghi ngờ gắn liền với một số địa điểm. Theo quan điểm của
chúng tôi, những tên gọi bôi bác kia đã được tạo ra do những
người Ấn Ðộ Giáo quá khích, với chủ ý hạ nhục những chùa chiền
Phật Giáo. Nhưng đối với trò tuyên truyền nham hiểm đó, không
có một lý lẽ chứng minh cho những nhãn hiệu vô nghĩa gán cho
những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng. V.R. Narla nói:
-
-
Quả thật là chưng hửng và buồn không ít, vì rằng không những ở
Ghantasila, nhưng ở Gudivada, Bhattiprola, China Ganjam, Pedda
Ganjam, và một số nơi khác, những di tích của những ngôi chùa
Phật Giáo thiêng liêng bị gán cho những tên nhơ bẩn như Langa
Dibba và Bojamadani Dibba. Một ngoại lệ mà tôi biết là tháp
Amaravati. Tên địa phương của nó là Dipala Dinne, có nghĩa là
gò đèn. Nhưng ngay cả về những ngọn đèn, cũng có thể không
phải chỉ cho sự tán tụng, vì trong thực tế tất cả những nơi có
gò thuộc di tích Phật Giáo, có truyền thống địa phương là
những gái ăn sương cư ngụ trên gò dùng đèn để làm hiệu. Có thể
những tên xấu xa được gán cho những gò di tích Phật Giáo là
nói lên sự việc Phật Giáo đã bị sự đàn áp của những người Ấn
Ðộ Giáo cuồng tín về sau, hoặc có thể nó đánh dấu mức độ xuống
thấp của Phật Giáo, trong thời gian cuối cùng khi nó mang hình
thái của Kim Cang Thừa (Vajrayana) hay Sahajayana, những hình
thái không khác với mật giáo phóng dật. Hai lý do trên, chúng
tôi tin tưởng vào lý do thứ nhất nhiều hơn.
-
Ðể chứng minh sự điên rồ của những lý lẽ sau,
chúng tôi xin độc giả ghi nhớ những sự hành trì đồi bại hơn
nhiều trong những đền Ấn Ðộ Giáo. Chúng tôi không có ý liệt kê
ra đây một danh sách dài về những tội ác của những thầy tế Bà
La Môn trong những năm tháng đó. Ðoạn trích sau đây từ một bài
viết của ishwar Singh Bais cũng đủ để phản ảnh đời sống trong
các đền Ấn Ðộ Giáo ngày xưa. Ông viết:
-
-
Những vũ nữ của mỗi đền được sắp hàng thứ nhì. Họ là những
devdasis hay nô lệ của chư thần, nhưng họ được gọi bằng cái
tên thô lậu của những gái điếm. Và trong thực tế, họ gắn bó
với nghề nghiệp của họ để ban ân huệ cho người nào yêu cầu và
được trả lại bằng tiền. Dường như ban đầu họ được dành riêng
cho những thầy Bà La Môn mua vui. Và những người đàn bà nầy,
được công chúng biết đến về sắc đẹp của họ, được hiến dâng một
cách đặc biệt trong việc phụng sự các thần linh của Ấn Ðộ
Giáo. Nhiệm vụ chính của họ gồm có múa và hát trong đền hai
lần mỗi ngày, sáng và tối trong những cuộc lễ công cộng. Tất
cả thời gian còn lại giữa những cuộc lễ, thì dùng vào những
việc xấu hổ hơn, và một việc không phải là ít xảy ra, là ngay
cả những đền thờ thiêng liêng cũng bị biến thành những nhà
chứa. Xa hơn nữa, Có ít đền thờ mà vị thần ở đó không đòi
quyền chữa trị bịnh không sinh đẻ của đàn bà. Thường thường
những thầy tế khuyên họ ở lại qua đêm tại đền, nơi đây, họ nói
thần linh cảm động với lòng thành của họ, có thể viếng họ
trong tinh thần và sẽ giao hợp với họ. Với mánh khóe nầy,
những thầy tế thỏa mãn dục vọng của họ.
-
Ngoài những hành động trong những đền thờ Ấn Ðộ
Giáo đã được đề cập, tầm quan trọng về những quan hệ dục tình
trong Ấn Ðộ Giáo cũng được thấy rõ ràng trong những cảnh dâm
đãng trên những bức tường của những đền thờ ở Konark,
Khajuraho, v.v. Về những công trình điêu khắc ở Konark, A.L.
Basham nói trong tác phẩm Kỳ Quan Ấn Ðộ:
-
-
Tính cách dâm đãng lộ liễu một cách hiếm có của nhiều công
trình điêu khắc ở Kornark đã đem lại cho Chùa Ðen một tiếng
tăm nhơ nhớp. Những hình Maithuna, với những cặp ôm sát nhau
hay đang trong tư thế giao hợp, được phổ biến là những nét
trang trí đặc trưng của nhiều ngôi đền Ấn Ðộ, nhưng những hình
ở Konark đặc biệt sống động. Những hình điêu khắc ở Khajuraho
cũng tương tự.
-
Như vậy chúng ta có thể không do dự nói rằng: Nếu ở đâu những
tiêu chuẩn luân lý bị sa đọa, đó là những nơi cư ngụ của các
thần và nữ thần Ấn Ðộ Giáo. Thật vậy, như ishwar Singh Bais
nói:
-
-
Trong nhiều đền thờ, và từ thế kỷ thứ tám sau tây lịch về sau,
trong hầu hết các đền thờ Ấn Ðộ Giáo, sự sa đọa bắt đầu và với
đời sống trong đền biến nó thành địa ngục. Các thầy tế đã hy
sinh sự cao thượng và đạo đức, chỉ giữ lại tham lam và dục
vọng. Nếu Ấn Ðộ Giáo có thể nẩy nở dưới bầu không khí đồi bại
đó, thì việc biến mất của Phật Giáo không rõ ràng, dù cho có
một số sa đọa trong tiêu chuẩn luân lý của những người mộ đạo;
vì vậy chúng tôi không chấp nhận điều nầy. Từ đó, chúng tôi
quả quyết luận điệu gán cho sự thối nát trong các chùa chiền
không phải là không có căn cứ mà còn có tác hại, và những lý
do của sự suy tàn của Phật Giáo phải được tìm thấy ở chổ khác.
|