Pháp Bảo Ðàn Kinh
Trúc Giao ghi
--o0o--
 
Phẩm Tự
 
I- Thân Thế Và Ðắc Pháp Của Lục Tổ
Chánh Văn:
Thuở ấy Ðức Lục Tổ đến Chùa Bửu Lâm, có quan Thứ Sử Thiều Châu họ Vi tên Cừ cùng các quan vào Chùa thỉnh Tổ ra giảng đường Chùa Ðại Phạm ở trong thành để khai duyên thuyết Pháp cho đại chúng.
            Ðức Lục Tổ lên pháp toà, quan Thứ Sử cùng với tất cả các quan khác trên 30 người, hàng Nho Học cũng trên 30 người, chư Tăng-Ni và các Phật Tử trên 1000 người đồng làm lễ và nguyện nghe Phật Pháp.
            Ðức Lục Tổ dạy:
Thiện Tri Thức, Bồ Ðề tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ dùng tâm ấy chắc thành Phật. Thiện Tri Thức, quý vị hãy nghe về thân thế và sự đắc Pháp của Huệ Năng
            Giảng:
Quyển Pháp Bảo Ðàn do Ðức Lục Tổ Huệ Năng nói, đúng ra phải gọi là quyển Ngữ Lục chứ không phải Kinh, nhưng vì di chúc của Tổ nên người sau gọi là Pháp Bảo Ðàn Kinh. Quyển Pháp Bảo Ðàn Kinh nầy do Ðức Lục Tổ Huệ Năng nói và đệ tử của Ngài là Pháp Hải Ðại Sư biên tập. Cho nên trong kinh văn chúng ta thấy câu: Thuở ấy Ðức Lục Tổ.. đây là lời tường thuật của ngài Pháp Hải, cho đến câu: Thiện Tri Thức! Hãy nghe về thân thế và sự đắc Pháp của Ðại Sư Huệ Năng. Chữ Huệ Năng ở đây có thể hiểu là lời khiêm nhường của Lục Tổ tự xưng tên mình, cũng có thể nói là lời nói của Ðại Sư Pháp Hải, nếu quả thật đây là lời nói của Ðại Sư Pháp Hải thì có vẻ hơi trịch thượng. Ðể tránh sự ngộ nhận này chúng tôi xin đảnh lễ chư Tôn Túc đã từng dịch kinh để được phép sửa đổi danh từ trong lúc xưng hô một chút. Thay vì xưng là Huệ Năng thì chúng tôi xin được đổi lại là Ðại Sư Huệ Năng. Thí dụ như câu trên nói: Thiện Tri Thức! Hãy nghe về thân thế và sự đắc Pháp của Ðại Sư Huệ Năng, thay vì chữ đắc Pháp của Huệ Năng. Từ đây trở về sau tòan bộ Kinh Văn chúng tôi xin đựợc dùng chữ Ðại Sư Huệ Năng để thay thế cho chữ Huệ Năng.
Sau khi đắc Pháp, theo lời khuyên của Sư Phụ ngài Huệ Năng sống mai danh ẩn tích rày đây mai đó suốt mười sáu năm trời tại vùng biên giới Việt Hoa. Khi xuất hiện tại Chùa Pháp Tánh được mọi người biết và quan Thích Sử Thiều Châu tên Vi Cừ thỉnh ngài đến Chùa Ðại Phạm thuyết Pháp. Ðây là lần đầu tiên ngài thăng tòa thuyết Pháp kể từ khi được truyền trao Y Bát để trở thành Lục Tổ. Lần đăng tòa thuyết phát nầy gồm có các quan đương thời 30 người, những vị học đạo Nho 30 người, chư Tăng-Ni và Phật Tử tất cả trên 1000 người đồng đảnh lễ cầu nghe Phật Pháp. Ðiều này chứng tỏ Phật Pháp vào đời nhà Ðường rất là hưng thịnh, trên từ Vua cho đến các quan, dưới cho đến nhân dân ai ai cũng đều ngưỡng mộ. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong đạo tràng thính pháp nầy có những người Nho Học nghe pháp. Ðây là việc ít có xảy ra, bởi vì thông thường người của Nho Giáo họ luôn luôn bảo thủ, đả kích Phật Giáo nhiều hơn là họ lắng nghe và ít khi họ công khai nghe Pháp như vậy. Nhưng một khi họ đã công khai nghe Pháp như thế có nghĩa là họ hết sức ngưỡng mộ Phật Pháp. Còn chư Tăng Ni và Phật Tử trong lần thuyết Pháp đầu tiên đã có cả 1000 người tham dự và sau nầy chư tăng Ni thường trụ trong Chùa theo học với Lục Tổ thường thường không dưới 1000 người. Ngày xưa khi Ðức Phật còn tại thế, tăng chúng Tỳ Kheo luôn luôn theo ở với Phật là 1250 vị, nếu so sánh thời kỳ Ðức Phật còn tại thế với Ðức Lục Tổ Huệ Năng chúng ta thấy con số Tăng chúng không chênh lệch nhiều lắm. Sự thành tựu nầy người đời thường gọi Ðức Lục Tổ Huệ Năng là nhục thân Bồ Tát. Có thể nói đây là điểm đáng để cho chúng ta lưu ý và nhận xét một vài khía cạnh đặc biệt nào về con người Việt Nam.
Sau khi mọi người thỉnh cầu và nguyện muốn nghe Pháp lời đầu tiên Tổ dạy chúng ta: Thiện Tri Thức! Bồ Ðề tự tánh vốn Thanh Tịnh, chỉ dùng tâm ấy chắc chắn sẽ thành Phật.
Tổ muốn nói tánh giác ngộ của mỗi người ai ai cũng có, tự tánh giác ngộ vốn nó là thanh tịnh, là như như bất động, nhưng phần nhiều con người phàm phu của chúng ta không mấy ai để ý nên chúng ta quên đi tự tính ban đầu, để rồi cuối cùng chúng ta chạy theo nghiệp duyên tạo tác, và kết quả là phải chịu trầm luân khổ hải. Ý thức được và quay trở về với tự tánh của chính mình, và gắng công tu tập thì sẽ phục hồi bổn tánh và thành Phật. Tiếp theo là Tổ yêu cầu mọi người lắng nghe ngài nói về Thân Thế và cơ duyên đắc Pháp của ngài.
a- Thân Thế:
Kinh Văn:
Nguyên nghiêm phụ của Ðại Sư Huệ Năng bổn quán ở Phạm Dương, sau bị giáng chức và đày về Lĩnh Nam, làm thường dân ở Tân Châu. Xuất thân chẳng may cha mất sớm, còn mẹ già qua ở Nam Hải, nghèo nàn cực khổ, nên phải sinh sống bằng nghề bán củi.
Giảng:
            Ðức Lục Tổ cho biết thân sinh của ngài tên là Hành Thao làm quan dưói đời Võ Ðức Nhà Ðường (618-627T.L.) và Thân mẫu là bà Lý Thị, sau khi bị cách chức đày làm thường dân ở Lĩnh Nam-Tân Châu. Trước khi thọ thai mẹ của ngài nằm mộng thấy trước sân nhà hoa trang đua nở, hạc trắng bay đủ cặp, tại gia đường có mùi thơm lạ phảng phất. Từ ấy mẹ ngài giữ gìn trai giới, cho đến sáu năm mới sanh. Ngài ra đời nhằm vào giờ Tý ngày mồng 8 tháng 2 năm Mậu Tuất thuộc niên hiệu Trinh Quán thứ 12 tức là vào năm 638T.L. Khi sanh ngài, ánh sánh rực rỡ, mùi thơm ngạt ngào, đến rạng đông thì có hai vị Tăng đến hội kiến với thân phụ ngài và nói:
- Con ông mới sanh khi hôm nên đặt tên Thượng Huệ Hạ Năng.
Thấy sự đề nghị lạ thường nên thân phụ ngài liền hỏi:
            - Thế nào tên gọi là Huệ Năng?
Hai vị Tăng trả lời:        
- Huệ là lấy phương pháp Huệ cứu độ chúng sanh. Năng là thường hành Phật sự.
Lúc ngài lên ba thì Cha mang bệnh và mất, hai mẹ con của ngài trên đường sinh kế phải đến Nam Hải. Ở đây cuộc sống quá túng thiếu nên ngài phải đi đốn củi bán để sinh sống.
Mới nghe qua chúng ta thấy không có gì đáng lưu ý, nhưng xét kỷ chúng ta mới thấy có những điểm quan hệ trong kinh văn, con người của Ðức Lục Tổ và dân tộc Việt Nam. Từ xưa tới nay mọi người cứ nói Ðức Lục Tổ Huệ Năng là người Trung Hoa, nhưng kỳ thật không đúng như vậy. Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy vào thời Vua Nghiêu bên Trung Quốc chúng ta thấy đã có Việt Nam với tên gọi là Nam Giao. Ðến đời Thành Vương nhà Chu (1063-1026 TCN) mới gọi là Việt Thường Thị, tên Việt bắt đầu có từ đó. Ðến đời nhà Ðường Tư Mã Trinh mới giải thích Nam Giao là Giao Chỉ ở phương Nam. Ðến đời Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu nay là Tỉnh Vĩnh Phú. Khi Hùng Vương lên ngôi đặt quốc hiệu là Văn Lang. Biên giới nước Văn Lang vào thời kỳ nầy: Ðông giáp biển Nam Hải; Tây chạy dài đến Ba Thục; Bắc đến Hồ Ðộng Ðình; Nam giáp với Chiêm Thành, nay là tỉnh Quảng Nam. Ðến đời nhà Tần, Tần Thủy Hòang năm thứ 33, tức là vào khỏang 214 TCN chữ Lĩnh Nam mới bắt đầu xuất hiện. Khi nhà Tần suy, lúc đó Triệu Ðà làm Long Xuyên Lệnh. Triệu Ðà giết tướng nhà Tần chiếm giữ đất Lĩnh Nam xưng Vương và đóng đô ở Phiên Ngung, đồng thời đòi ngang hàng với nhà Hán. Phiên Ngung ngày nay là tỉnh Quảng Ðông. Triệu Ðà truyền ngôi được 100 năm. Vào khoảng năm 638 tại Vùng đất có tên là Lĩnh Nam tức là nước Việt Nam, lúc đó Việt Nam đã mất chủ quyền độc lập vào thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ ba, thời kỳ nầy là thời kỳ nhà Ðường đô hộ. Cuộc bắc thuộc nầy kéo dài từ năm 603 cho tới năm 939 tổng cộng 336 năm. Trong khoảng thời gian đó tất cả những gì huy hoàng của Việt Nam đều bị người Trung Hoa đồng hóa, Phật Giáo Việt Nam thời kỳ ấy cũng cùng chung số phận. Do đó chúng ta không lạ gì khi thấy Ðức Lục Tổ Huệ Năng mặc dầu xuất thân từ vùng đất Lĩnh Nam là phần đất của Việt Nam, nhưng người Trung Hoa vẫn cứ nói ngài là người Trung Hoa. Một điểm nữa, trong các kinh sách cũng như các hình vẽ, người ta thường vẽ Ðức Lục Tổ Huệ Năng là một ông già ốm yếu râu tóc bờm xồm, nhưng tất cả những điều nầy đều sai. Căn cứ vào năm sanh của ngài và năm 638T.L.,ngài xuất gia, sau khi đắc Pháp, ngài ẩn cư 16 năm, cho đến ngày mồng 8 tháng giêng năm 676T.L. là năm đầu niên hiệu Nghi Phụng nhà Ðường ngài mới xuất hiện tại Quảng Châu và nghỉ nhờ tại Chùa Pháp Tánh. Ngày 15 tháng giêng chư danh đức làm lễ thí phát cho ngài. Một tháng sau ngài được Ngài Trí Quang làm Tuyên Luật Sư truyền giới cụ túc. Tính từ năm sanh (638TL) cho đến năm (676TL) ngài xuất hiện tại Chùa Pháp Tánh ở Quảng Châulúc đó ngài 38 tuổi, trừ đi 16 năm ẩn cư thì lúc đó ngài đi tu mới 22 tuổi, và đắc Pháp trong vòng 8 tháng sau đó chứ không phải già nua lụm khụm như trong các hình vẽ mọi người đã thấy.(Còn tiếp)
-- o0o --