-
Lễ Vu Lan
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
A- Công Cha Nghĩa Mẹ
-
Ngày Vu Lan, đối với người Việt nam, nhất là đối với người con
Phật, là ngày Báo Hiếu, là ngày mà các người con nhớ đến công
ơn sanh thành của cha mẹ, và muốn làm một cái gì tốt đẹp để
đáp đền công ơn sanh thành của cha mẹ. Nhớ ơn cha mẹ, và báo
đền là những cảm giác, suy tư, những việc làm đã in sâu đậm
trong lòng người con Phật, và được thể hiện linh động, triền
miên trong các thôn quê vườn xóm, thị thành, qua các triều
đại. Không những chỉ ở Việt Nam, và truyền thống của Phật Giáo
Việt Nam không mà thôi, mà hầu hết các tôn giáo, triết thuyết
Ðông Phương đã xây dựng trên nền tảng gia đình và nhân ái,
nhưng dẫu cho biến dạng như thế nào đi nữa thì tình mẫu tử,
thương yêu cốt nhục vẫn là căn bản. Như vậy, chúng ta không lạ
gì khi thấy truyền thống của người Á Ðông, là con cái luôn
luôn phải nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Bởi
vì triết thuyết đã đặt nặng đến tình gia đình, thì cha mẹ là
người đã sanh thành ra ta, và giáo dưỡng ta trở thành con
người hữu dụng cho nhân quần xã hội. Ân dức đó, đạo làm cha mẹ
thì không bao giờ tính kể với con cái, nhưng công cha, nghĩa
mẹ cao vời vợi, và khó nhọc như vậy là con phải luôn ghi nhớ.
-
a- Công Cha:
-
Lúc còn nhỏ thì mẹ lo về phần giáo dưỡng, nhưng cha thì phải
lo phần làm lụng vất vả để nuôi con. Trong một gia đình khá
giả thì có phần nhàn nhã hơn, nhưng nếu gặp cảnh nghèo khó cha
phải làm thuê làm mướn, buôn tảo bán tần, đạp xích lô, cày sâu
cuốc bẫm, đổi mồ hôi để lấy bát cơm, manh áo cho con. Khi con
khôn lớn thì cha phải dạy dỗ cho con học hành, ngày đêm lo
lắng đào tạo cho con thành người hữu dụng, khôn ngoan cho khỏi
thua chúng bạn.
-
b- Nghĩa Mẹ:
-
Mẹ thì chín tháng cưu mang, nhọc nhằn cực khổ, ba năm bú mớm,
và suốt đời chỉ biết hy sinh cho con. Khi đang ăn, cũng như
lúc đang ngủ nghỉ, nghe con khóc, con đòi ăn, bú mớm, là có mẹ
ở bên cạnh. Con lỡ đại, tiểu tiện ở trên mình, mẹ vẫn vui cười
không một chút giận hờn. Gặp cảnh nghèo nàn mẹ nhịn bớt cơm
cho con ăn, đêm nằm dành những chỗ khô ráo cho con. Rủi con
đau ốm, mẹ luôn luôn ngồi bên cạnh, suốt cả đêm trường thao
thức lo âu, cho đến khi nào con được khoẻ mạnh vui tươi, hớn
hở thì mẹ mới được yên vui.
-
Công ơn của cha mẹ không bao giờ nói cho cùng tận, vì vậy mà
làm con phải nhớ tới công ơn sinh thành của cha mẹ. Bất luận
là luân lý đạo đức ở đất nước nào, Ðông hay Tây Phương, xưa
nay cũng đều lấy chữ hiếu làm đầu. Một người con bất hiếu, thì
không một việc làm xấu xa nào mà không dám làm. Trong xã hội,
có những người xấu như thế, thì xã hội sẽ đại loạn, luân
thường đạo lý sẽ bị đảo lộn. Ngược lại nếu hoàn tất trách vụ
và bổn phận trong gia đình, hoàn thành niềm hiếu thuận, đối
với song thân, tinh thần và đạo đức ấy sẽ giúp con người dễ
dàng tiến hành những nhiệm vụ khác ngoài xã hội, với đại
chúng, nghĩa vụ quốc gia và dân tộc.
-
B- Phương Cách Báo Hiếu
-
a- Mục Kiền Liên & Pháp Vu Lan Bồn
-
Như trên chúng ta thấy, công cha, nghĩa mẹ như trờI cao biển
rộng, nên làm con phải hiếu kính. Nói đến sự báo hiếu cho cha
mẹ thì có nhiều cách báo hiếu, nhưng theo Phật Giáo thì truyền
thống báo hiếu này có rất lâu xa, khi đức Phật còn tại thế.
Nhân một dịp, ngài Mục Kiền Liên, sau khi tu hành đắc quả thần
thông, Ngài nhớ lại công ơn sanh thành của cha mẹ, nên tìm
cách báo đáp. Dùng huệ nhãn xem xét trong thế gian, Ngài nhận
thấy mẹ Ngài bị đọa trong loài ngạ quỷ, thân thể ốm gầy tiều
tụy, bụng to đầu lớn, cổ nhỏ như cây kim, không ăn uống được,
quanh năm đói khát. Thấy thế ngài mới vận thần thông, bưng bát
cơm đến dâng cho mẹ trong cảnh giới A Tỳ Ðịa Ngục. Mẹ ngài vì
quá đói khát, nên khi được chén cơm, lòng tham nổi lên, sợ
người khác cướp giựt, nên bà lấy tay che dấu để ăn một mình.
Bởi vì lòng tham lam độc ác từ tiền kiếp quá nặng, nên cơm mới
đưa tới miệng thì đã biến thành than lửa, bà không ăn được.
Chứng kiến cảnh đau khổ, đói khát của mẹ, nên Ngài Mục Kiền
Liên vô cùng đau xót, vì vậy mà ngài muốn trả ân hiếu dưỡng
cho mẹ, nên Ngài trở về cầu Phật chỉ dạy phương pháp để cứu độ
thân mẫu. Nhân đây Ðức Phật chỉ dạy:
-
-
Ngày rằm tháng bảy, là ngày tự tứ của chư tăng trong mười
phương, sau ba tháng tinh chuyên cần mẫn tu tập. Ngày ấy cũng
là ngày hoan hỷ của chư Phật, vì thấy chư tăng sau ba tháng an
cư kiết hạ đã thấy tiến bộ rất nhiều, các nghiệp đều thanh
tịnh, công đức được thêm nhiều. Vì vậy nên nhân ngày ấy sắm
sửa trai diên trăm mùi vị, năm thứ trái cây, hương dầu đèn
nến..v..v..tóm lại là bốn thứ cúng dường. Rồi ông phải thân
hành đi rước các vị Ðại Ðức Tăng trong mười phương, hoặc những
vị chuyên tu thiền định trong rừng sâu, chứng được quả Thánh,
hoặc có vị chứng được sáu phép thần thông tự tại như hàng
Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc quả vị Thập Ðịa Bồ Tát thị hiện
làm tỳ kheo phàm tục..v..v.. Ông phải thành tâm kính lễ cúng
dường trai tăng, để nhờ sức chú nguyện của chư tăng thì vong
linh mẹ của ông sẽ được siêu thoát.
-
Ngài Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật dạy, sau khi làm trai
tăng cúng dường, nên hương linh thân mẫu của ngài được thoát
kiếp ngạ quỷ và sanh về cỏi trời.
-
Khi thấy thân mẫu được thoát khỏi cảnh tăm tối nơi địa ngục,
Ngài Mục Kiền Liền liền bạch với Phật:
-
-
Bạch Thế Tôn! Thân mẫu của con nhờ ân đức của Tam Bảo và oai
thần của chư Tăng, nên được thoát ly kiếp đời đau khổ. Bạch
Thế Tôn! Con thấy đây là một phương pháp báo hiếu hữu hiệu
nhất, vậy nếu đời sau, trong hàng Phật Tử, nếu có người muốn
làm Lễ Vu Lan nầy, để cứu độ mẹ cha hiện tại, cũng như cha mẹ
nhiều đời kiếp về trước không biết có được không?
-
Phật dạy:
-
-
Ðời sau nếu có được các thầy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Vua, Thái
Tử, các quan Tể Tướng, cho đến những hàng thứ dân, vì lòng
hiếu thảo muốn đáp đền công ơn cha mẹ hiện tại, hay quá khứ,
thì cứ ngày rằm tháng bảy là ngày Phật Hoan Hỷ làm lễ Vu Lan
nầy, để cúng duờng trai tăng. Nhờ công đức chú nguyện của chư
tăng cha mẹ hiện tiền được tăng long phước thọ, khỏi những
điều tai hoạ, khổ não, còn cha mẹ bảy đời thì khỏi bị khổ ngạ
quỷ, được sanh về cỏi trời hưởng phước.
-
b- Vua A Xà Thế & Phương Pháp Báo Hiếu
-
Sau khi nghe lời xúi giục của Ðề Bà Ðạt Ða, Hoàng Tử A Xà Thế,
giết vua cha là Tần Bà Sa La để chiến đoạt ngai vàng. Về sau
ông hối hận, nên có đến hỏi Phật về việc báo hiếu cho cha. Ðức
Phật đã khuyên:
-
-
Con đường cứu khổ, và giải ác là việc làm từ thiện. Hoàng Tử
hãy tổ chức các cuộc bố thí cho dân nghèo, xây thêm bệnh xá,
cứu người bệnh hoạn, tàn tật, mở các giảng đường, mở nhà dạy
trẻ, trường học để mở mang trí tuệ cho dân, chăm lo đời sống
vật chất và tinh thần cho người lao động, giúp đỡ các thợ
thuyền khốn khổ, giảm bớt sưu cao thuế nặng, phóng thích những
tội nhân nào thấy họ không có phương hại đến an ninh triều
chính, giảm bớt những bản án chung thân, lo việc cúng dường
chư tăng, hộ trì chánh pháp đó là con đường tốt đẹp nhất.
-
Sau khi nghe Ðức Phật dạy bảo như vậy, Vua A Xà Thế thi hành
một cách triệt để nên chẳng bao lâu những tiếng tăm xấu mất
đi, và tiếng đồn đạo đức vang xa, và cũng từ đó nhà Vua trở
thành một Phật Tử thuần thành và hết lòng hộ đạo xiển dương
Phật Pháp.
-
c- Báo Hiếu & Quan Niệm Nhân Gian
-
Trong trang sử Việt Nam đã đề cập rất nhiều đến những trường
hợp báo hiếu trong nhiệm vụ cao cả với quốc gia dân tộc, như
Nguyễn Trải con của Nguyễn Phi Khanh, vì mối thù cha, theo lời
căn dặn lúc đưa tiển ở ải Nam Quan, nên trở về phò tá Lê Lợi,
mưu đồ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mười năm nằm gai nếm mật, cuối
cùng đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước, trở nên bậc khai
quốc công thần. Trường hợp khác Cao Bá Nhạ, cháu của Cao Bá
Quát vì muốn bảo tồn dòng dõi họ Cao để cho tròn chữ hiếu mà
phải trốn tránh ở Phủ Mỹ Ðức suốt 8 năm trời. Phan Tôn, Phan
Liêm, con trai của Phan Thanh Giản, Trương Quyền con trai của
Trương công Ðịnh, đều là những chí sĩ phong trào Cần Vương nổi
lên chống Pháp, tất cả những tấm lòng yêu nước đó cũng không
ngoài tiếp nối ý chí phấn đấu của ông cha. Ðền nợ nước, trả
thù nhà là hai phạm trù của người dân trong một quốc gia có
tương quan sâu sắc với nhau, và chữ Hiếu đã là nguyên nhân
chính để tạo thành hai nhiệm vụ đó.
-
d- Cách Báo Hiếu Của Những Người Hiểu Ðạo
-
Như trên chúng ta thấy việc báo hiếu cũng có nhiều cách khác
nhau nhưng không ngoài hai phương diện tinh thần và vật chất
-
-
Báo hiếu về phương diện vật Chất:
-
Là người con hiểu đạo và hiếu kính phải hầu hạ vâng thờ, thay
cha mẹ làm các việc nặng nhọc, săn sóc miếng ăn thức uống,
quần áo chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi, không để cho cha mẹ thiếu
thốn, lo nghĩ. Tiếp nối di chí để khỏi phụ lòng mong mỏi của
cha mẹ. Tuy nhiên, người Phật Tử phải sáng suốt trong khi báo
hiếu, không nên quá chìu theo ý cha mẹ tạo những nghiệp dữ,
như sát nhân hại vật để cho cha mẹ sung sướng trong vật chất.
Làm như thế không phải là báo hiếu mà chính là bất hiếu vì đã
gây tạo thêm tội lỗi cho cha mẹ mình. Vả lại, báo hiếu về vật
chất, dù cho đầy đủ mấy đi nữa, cũng chẳng qua làm cho cha mẹ
vui vẻ, thỏa mãn trong một kiếp hiện tại. Ðây là cái vui giả
tạm trong sanh tử luân hồi, và như thế chúng ta thấy sự báo
hiếu về phương diện vật chất chưa phải là đầy đủ.
-
-
Báo Hiếu Về Phương Diện Tinh Thần;
-
Người Phật Tử, phải tiến thêm một tầng nữa là lo báo hiếu về
phương diện tinh thần. Báo hiếu về tinh thần là làm sao cho
tinh thần cha mẹ được nhẹ nhàng, an lạc, trong kiếp sống hiện
tại sống một cuộc đời cao thượng, và đi dần đến chỗ giải
thoát. Là người Phật Tử nếu cha mẹ không biết tin nhân quả,
thì cố gắng hướng dẫn cha mẹ tin nhân quả thiện ác, tội phước
và quy y Tam Bảo, bố thí phóng sanh, niệm phật, làm các việc
lành, tu tập thiện nghiệp, để gây nhân hạnh giải thoát. Có như
thế, không những trong hiện tại được an vui, sống cuộc đời
thanh tịnh, mà còn được nhiều phước báu, đến lúc lâm chung
cũng được thoát sanh vào những cảnh giới của chư Phật.
-
e- Báo Hiếu Theo Kinh Phụ mẫu ân
-
Như vậy, chúng ta thấy những phương thức báo hiếu như đã trình
bày ở trên, mặc dầu có khác nhau, nhưng vẫn dẫn tới một kết
quả tương đồng đó là hiếu cha kính mẹ, trân quý tổ quốc. Có
tính cách bàng bạc hơn, và tích cực hơn, việc báo hiếu còn
phải chính mình tu tạo bản thân như trong Kinh báo Hiếu Phụ
Mẫu Ân có dạy:
-
01- Làm lành lánh dữ là hiếu kính.
-
02- Thương yêu mọi người, thương yêu mọi loài chúng sanh là
hiếu kính.
-
03- Chuyên lòng Bố Thí, và công đức trì giới là hiếu kính.
-
04- Kính trọng, khiêm cung người hiền đức tu hành là hiếu
kính.
-
06- Săn sóc đỡ đần những người già cả là hiếu kính.
-
07- Không sát sanh, không làm tổn thương đến sinh mạng của
muôn loài là hiếu kính.
-
08- Không chiếm hữu, sang đoạt của cải trong trong đời là hiếu
kính.
-
09- Không đam mê, say sưa sắc dục là hiếu kính.
-
10- Không có những lời lẽ điêu ngoa, xảo trá là hiếu kính.
-
11- Không tạo nên những ganh ghét, đố kỵ những
người chung sống với mình là hiếu kính.
-
12- Không tự cao, ngạo mạn, đắc chí trịch thượng
là hiếu kính.
-
13- Không dựa vào uy thế, tên tuổi của kẻ mạnh,
chức cao quyền trọng để hà hiếp kẻ yếu thế là hiếu kính.
-
14- Khi biết kết hợp, hoà hiếu với mọi người, với
các phe phái là hiếu kính.
-
15- Học hiểu tham cứu kinh điển Phật pháp, theo
lời dạy của chư Phật mà sống là hiếu kính.
-
16- Hằng ngày thực tập thiền định cho thật tinh
cần là hiếu kính.
-
17- Tìm hiểu và thông suốt sự thật của vạn vật của cuộc sống
là hiếu kính.
-
18- Tu học để đạt được quả vị Phật, tinh thông diệu lý, biết
tự lợi, lợi tha là hiếu kính.
-
Kết Luận:
-
Nói đến Vu Lan là nói đến sự báo hiếu. Con cái báo đền ơn sanh
thành dưỡng dục, chín chữ cù lao. Nhìn chung chúng ta thấy sự
báo hiếu, không những là một nhiệm vụ, một truyền thống, một
giá trị đạo đức và luân lý cao quý, mà còn tạo được một sợi
dây liên hệ gia tộc, một trật tự gia đình nữa. Ðối với người
con Phật, Vu Lan là một cơ hội để cho những người con báo ân
cha mẹ. Ðối với đồng loại, đồng hương thì đây là cơ hội để cho
mọi người về Chùa, lễ Phật cầu Phước, san sẻ tình dân tộc,
trong cuộc sống ly hương. Như vậy, đối với Phật Tử cũng như
đối với quần chúng Việt Nam, ngày Vu Lan là ngày đáng để cho
mọi người xét lại hành động, ngôn ngữ, cử chỉ, lối cư xử với
cha mẹ tổ tiên và với nhân quần xã hội. Mùa Vu Lan cũng còn là
cơ hội tốt nhất cho con người phản tỉnh: Tất cả các việc ác
thì đừng làm, tất cả các điều thiện thì làm, đó là căn bản
trong Ðạo Ðức Học của Phật Giáo, và từ nền tảng căn bản nầy mà
hình ảnh, ý nghĩa và nội dung của ngày Lễ Vu Lan ăn sâu vào
tâm lý của con người bình dân hơn. Cũng nhờ đó mà con người
hiếu kính, và ý thức được làm người phải từ tâm, làm dân phải
nghỉ đến tổ quốc, làm con phải hiếu với cha mẹ. Biết được
những điều đó thì mới thấy được những nghi thức lễ bái về Vu
Lan đối với quần chúng rất có ý nghĩa, rất cần thiết, rất linh
thiêng và rất sinh động.
|