Những Người Mẹ
Giải Thoát Từ Khổ Ðau
Nguyên Hảo
--o0o--
 
Ðạo Phật đi vào thế gian, dùng những sức mạnh của thế gian làm cho sự thăng hoa và giải thoát. Một trong những sức mạnh đó là tình mẹ con. Tình mẹ con đã nuôi dưỡng cho nhân loại, cũng như đã nuôi dưỡng cho vạn vật trong thế gian, và tình mẹ con cũng đã làm cho chúng sanh đau khổ không ít. Trong Phật Giáo tình mẹ con được chứng thực là một trong những yếu tố của sự thăng hoa, và ngày Lễ Vu Lan đã trở thành một trong những ngày lễ lớn của Phật Giáo.
            Ngày Vu Lan là ngày báo hiếu, và cũng là ngày cứu rỗi cho những chúng sanh đang chịu cảnh khổ đau. Từ tình thương khởi lên sự ái chấp, là nguyên nhân của những đau khổ. Cũng từ tình thương, niềm lân mẫn được khơi dậy, một yếu tố cho sự vượt thoát những khổ đau. Tình mẹ con bao hàm cho hai khía cạnh nầy, vì vậy trong Phật Giáo, chúng ta thấy có sự đề cao tình mẹ trong nền Văn Hóa cổ kính của Ấn Ðộ tiếp tục được tôn trọng.
            Tình mẹ cũng được Phật dùng làm khí cụ giảng dạy giáo Pháp của ngài trong nhiều trường hợp. Ví dụ như Kinh Ðiển Nguyên Thủy, việc tu tập đức từ của người Tu Sĩ Phật Giáo được diễn tả như sau:
            - Giống như nguời mẹ khổ nạn trong cuộc đời,
            Thương yêu và bảo vệ con trai duy nhất của mình.
Cũng vậy, vị Tỳ Kheo tu tập tình thưong rộng lớn
 Ðối với tất cả chúng sanh.
            Khi vị Tỳ Kheo sống đời sống hoàn toàn tỉnh thức,
            Vị ấy không còn trở lại trong bào thai.
            Trong đoạn kinh trên, chúng ta thấy hai khía cạnh trong cái nhìn về tình mẹ của Phật Giáo. Chấp nhận sức mạnh của tình mẹ, nhưng không chấp nhận giới hạn của tình thương đó. Người tu sĩ Phật Giáo cố gắng tạo một tình thương có sức mạnh như tình thương mẹ con, nhưng phải vượt qua những giới hạn tương quan, để tình thương được trang trải cho mọi chúng sanh, và không còn trở lại tái sinh trong bào thai.
            Trong thực tế, tình mẹ con đã là những yếu tố đưa đến cho Phật Giáo những vị Thánh Ni, trong hàng ngũ Ni giới đầu tiên. Những khổ đau khi mất con, sự khổ đau cùng cực nhất của những người mẹ, đã đưa nhiều người đàn bà đi theo con đường thoát khổ do Ðức Phật chỉ dạy, và họ đã vĩnh viễn thoát mọi khổ đau của vô thường trắc trở. Sau đây là cuộc đời của một số người mẹ, những vị Thánh Ni, trong hàng ngũ đệ tử đầu tiên của Ðức Phật. Có ít người mẹ không đau khổ vì con. Nhưng phần nhiều có những người mẹ đã đổ lệ vì những đứa con hàng ngàn kiếp, vì thương con và vì nghiệp chướng. Như bà Gotami:
            - Một người mẹ khốn khổ
Nỗi khổ đau vượt ngoài sự đo lường
Những giọt nước mắt của bà đã đổ xuống
Trong hàng ngàn kiếp sống.
Và từ tình mẹ con, từ sự đau khổ vì con, những người đàn bà có năng lực đã ngoi lên từ đó để tìm sự an bình. Nói một cách khác, người đàn bà sống nặng nề tình cảm, sự trưởng thành của họ thường bằng tình cảm, và sự vượt qua tính hẹp hòi của bản ngã cũng thường bằng con đường tình cảm. Vì yếu đuối và nhạy cảm, họ cảm nhận sự vô vọng của thế gian sớm hơn người đàn ông. Chỉ có điều tình cảm giống như con dao hai lưỡi, cũng đã làm cho họ bám chặc vào thế gian hơn đàn ông.
            Bà Ubbiri xuất thân từ một gia đình giàu có ở Savatthi. Bà là một người con gái rất đẹp, và khi truởng thành được gã cho vua Pasenadi nước Kosala. Bà sanh một người con gái tên Jiva, có nghĩa là sống còn. Nhưng không lâu sau đó, Jiva qua đời và người mẹ ngày qua ngày chỉ biết lang thang đau buồn ở những nơi hỏa táng. Rồi một hôm, khi Ðức Phật đi ngang qua thành phố, một đám đông tụ họp lại để nghe Ngài thuyết Pháp. Ubbiri dừng lại một chặp bên cạnh đám đông, rồi đứng khóc bên bờ sông Achiravathi. Thấy vậy Ðức Phật lại gần và hỏi:
            - Tại sao bà khóc?
            Bà khóc kể:
            - Con gái tôi chết rồi! Con gái tôi chết rồi!
            Ðức Phật nói:
            - Này bà Ubbiri! Tám vạn bốn ngàn người con gái của bà đã chết chôn ở nơi nầy, bà buồn khóc cho người con gái nào?
            Nghe những lời Ðức Phật, bà Ubbiri bừng tỉnh. Và theo Therigatha, bà kể lại sự giác ngộ của mình như sau:
            - Tôi bị một mủi tên đâm thẳng vào tim
Và ngài đã rút mũi tên ấy ra khỏi tim tôi
Mũi tên đau buồn về cái chết của người con gái
Mũi tên đã được rút ra
Quả tim đã được chữa lành
Không còn nữa những khát khao
Tôi quy y Phật Ðà
Pháp Bảo và Tăng Bảo.
Patacara là một đệ tử khác của Ðức Phật, đã quy y Tam Bảo, và chứng thánh quả từ những đau khổ của người mẹ mất con. Sau đây là những đoạn kệ giác ngộ tính Vô Thường và Vô Ngã của bà:
- Ngươi khóc than con ôi!
Ngươi không biết nó đến từ đâu và đi về đâu.
Ngươi khổ đau,
Nhưng có ai biết được nó đến từ đâu?
Tất cả mọi thứ đều như vậy
Ngươi sẽ không còn khổ đau
Về sự đến và đi của nó
Nếu ngươi thấu hiểu.
Nó đếu không yêu cầu,
Nó ra đi,
Ngươi không có quyền chủ động,
Nó đã đến từ một nơi nào dó
Và đã sống một ngày.
Nó đến bằng một con đường,
Và ra đi bằng một con đường khác,
Nó đã ra khỏi thế giới của loài người,
Và nó đã tiếp tục cuộc hành trình của nó.
Nó đến nó đi,
Có gì mà khóc than?
Thầy đã nhổ mũi tên cắm sâu trong tim tôi,
Nỗi khổ đau mất con,
Tôi đã khổ đau cùng cực,
Thầy đã làm khô nỗi khổ đau đó.
Ngày nay tất cả đều chấm dứt
Tôi tự do và không còn mong muốn.
Tôi quy y Phật Ðà,
Pháp Bảo và Tăng Bảo.
Sau đây là câu chuyện về cuộc đời của bà Vasethi. Bà Vasethi sinh trưởng tại Vesali và đã có một cuộc nhân duyên hạnh phúc. Với cuộc nhân duyên nầy, bà sinh một người con trai. Khi người trai mất bà quá khổ đau, không muốn nhìn lại ngôi nhà, bà đi lang thang, cho đến khi bà gặp được Ðức Phật, trở thành đệ tử ngài và chứng quả A La hán.
- Ðau khổ vì mất con
Tôi điên khùng mất trí,
Thân thể trần truồng đầu tóc rối bời
Tôi lang thanh khắp chốn.
Tôi sống trên những đống rác
Trong các nghĩa trang
            Và trên những con đường
]           Ba năm tôi làm kẻ lang thang
Ðói và khát.
Rồi nơi thành Mithila
Tôi gặp người thuần phục,
Và đi trên đường hạnh phúc,
Giác ngộ không sợ hãi.
Cảm tính được phục hồi,
Tâm tràn đầy tôn kính,
Tôi ngồi xuống nghe người
Ðầy dẫy lòng từ mẫn
Ðức Cù Ðàm dạy tôi con đường sống
Khi tôi nghe những lời người
Tôi rời bỏ đời sống thế tục.
Thực hành lời người dạy,
Tôi đạt được niềm an vui lớn
Mọi khổ đau bị chặt đứt
Dừng lại, và chấm dứt
Vì tôi đã hiểu được nền tảng
Mà từ đó mọi đau khổ phát sanh.
Có một vị nữ Ni tiêu biểu khác cũng giải thoát sự đau khổ của một người mẹ, đó là Kisagotami. Kisagoatami xuất thân từ một gia đình nghèo ở Savathi. Lớn lên bà được gã cho một gia đình giàu có, sau sinh được một người con trai, bà được gia đình nhà chồng nâng niu và quý trọng. Nhưng cậu con trai qua đời mới vừa chập chửng biết đi. Kisagotami quá đau buồn sinh ra mất trí. Bà ẳm thây người con đến từng nhà xin thuốc cứu con, nhân đó có một người chỉ bà đến Ðức phật.
Khi bà cầu xin Ðức Phật cứu sống con mình, Ngài bảo bà tìm một hạt cải trắng từ một gia đình chưa từng có người chết. Bà lập tức đi đến từng nhà để xin hạt cải trắng nhưng tất cả mọi nhà bà ghé qua không nhà nào chưa từng có người chết. Bà tỉnh ngộ, nói với xác người con trai trên tay:
- Này con, mẹ tưởng rằng cái chết chỉ đến một mình con, nhưng không phải vậy. Nó đến với tất cả mọi người.
Sau đó bà ẳm thây người con nhẹ nhàng đặt trong rừng sâu, rồi trở lại chỗ của Ðức Phật, xin Phật cho bà được xuất gia. Với sự khổ tu, bà trở thành một trong những nữ Ni cầm đầu Ni Chúng, và cuối cùng chứng quả A La Hán.
Ðoạn kệ sau đây từ Samyutta Nikaya về sự xuất gia và tìm được sự an lạc cứu cánh của bà Kisagotami có thể lấy làm tiêu biểu cho sự thăng hoa từ khổ đau của những bà mẹ trong Ðạo Phật:
Chính tôi được nghe, một thuở nọ, khi Ðức Thế Tôn trụ ở Tịnh Xá Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc. Môt buổi sáng, Tỳ Kheo Ni Kisagotami, khoát áo chỉnh tề, ôm bát ra phố khất thực. Sau buổi khất thực, vị Tỳ Kheo Ni trở về, dùng bửa, rồi đi vào rừng. Khi vào rừng rồi bà ngồi xuống dưới một gốc cây. Ma Vương, muốn làm cho bà sợ hải không thể thiền định, cũng đến chỗ đó. Ðến nơI, Ma Vương nói:
- Việc gì đang xảy ra?
Trong khi con bà qua đời.
Ngồi một mình,
Nước mắt tràn đầy trên mặt.
Bà vào rừng một mình,
Có phải đang đi tìm một người đàn ông?
Nhưng Kisagotami nghĩ:
- Ðây có phải là người hay không phải là người? Nó chắc là Ma Vương. Nó nói những lời nầy vì nó muốn cho ta sợ hải và phá hoại ta thiền định.
Khi bà chắc chắn như vậy, rằng kẻ kia không ai khác hơn là Ma Vương, bà nói như sau:
- Ta không còn gì nói với cái chết của con ta,
Và đàn ông đã thuộc về quá khứ.
Ta không đau buồn.
Ta không than khóc.
Ta không sợ hải ngươi, hởi người bạn.
Nơi nào sự ái dục bị tiêu diệt,
Bóng tối dày đặc bị xé tan,
Và sự chết,
Ngươi cũng bị tiêu diệt.
-- o0o --