PHÁP BẢO ÐÀN KINH
Trúc Giao ghi
(tiếp theo kỳ trước)
 
b- Nguyên Nhân Ngộ Ðạo Của Lục Tổ
Kinh Văn:
Thuở ấy có một người mua củi, bảo Ðại Sư Huệ Năng mang đến tiệm cho họ, khi khách nhận củi xong, Ðại Sư Huệ Năng nhận tiền và đi về, ra tới cửa tiệm bỗng nghe một người khách khác tụng kinh. Khi nghe được lời kinh, trong tâm tư Ðại Sư Huệ Năng tự nhiên tỏ ngộ, nên mới hỏi người khách đang tụng kinh gì?
Khách bảo:
- Tụng Kinh Kim Cang.
            Ðaị Sư Huệ Năng lại hỏi:
- Ông ở đâu đến đây trì tụng kinh ấy?
Khách đáp:
- Tôi từ Kỳ Châu, huyện Huỳnh Mai, Chùa Ðông Thiền đến đây. Chùa ấy có Ðức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Ðại Sư hiện làm Pháp Chủ tại đó, môn nhân của ngài hơn ngàn người. Tôi đến đó lễ bái, nghe giảng và trì tụng Kinh nầy, vì Ðức Ngũ Tổ thường khuyên Chư Tăng và các Phật Tử nên thọ trì Kinh Kim Cang thì tự thấy tánh, chắc chắn thành Phật.
Ðại Sư Huệ Năng nghe vị khách nói như thế mới biết thuở trước đã có nhân duyên, lại nhờ vị khách kia cho mười lượng bạc, giúp sự sanh tồn của Thân Mẫu và khuyên Ðại Sư Huệ Năng qua Huỳnh Mai để ra mắt Ðức Ngũ Tổ.
Giảng:
            Chúng ta có thể hình dung một đức bé mồ côi cha lúc ba tuổi, gia đình lại là một nhà quan. Chúng ta chưa biết thân phụ của ngài làm quan lớn hay nhỏ, nhưng đã là quan chúng ta có thể hiểu thân phụ của ngài xưa kia cũng là một gia đình thượng lưu. Nhưng từ khi thân phụ mất gia đình xuống dốc thất thế, cuộc sống trở nên nghèo túng, và ngài phải lăn lóc ngoài trường đời gian nan cực khổ để mưu sinh bằng nghề đốn củi đổi gạo. Cuộc sống chật vật với rừng rú cỏ cây mãi cho đến năm ngài hai mươi hai tuổi, vào một hôm nhân dịp đem củi đến nhà giao cho khách, ngài mới có cơ duyên nghe được âm thanh của Kinh Kim Cang. Nghe được lời Kinh một lần ngài liền tỏ ngộ. Bình thường, tất cả mọi người muốn có trí tuệ tối thượng thì phải giữ giới, nhân giữ giới nên Ðịnh từ từ xuất hiện, khi Ðịnh có thì Tuệ nương theo đó mà phát sanh. Trong khi đó Ðức Lục Tổ chưa bao giờ biết Ðạo, cũng không bao giờ biết tụng kinh niệm Phật và thiền định là gì, vậy mà vừa nghe qua một lần lời Kinh Vô Tướng là tỏ ngộ. Chứng tỏ ngài là người có đầy đủ phúc duyên, cho nên mới có tuệ căn và trí tuệ tối thượng trong một xác thân phàm tục của một thanh niên chưa tròn hai mươi hai tuổi như thế. Xét về hoàn cảnh nghèo nàn cơ cực của ngài, có người cứ thắc mắc và cho rằng: Có lẽ ngài là người vô duyên thiếu phước, nên đã là một vị Tổ mà không biết chữ và sinh sống trong một gia đình nghèo hèn như vậy. Tuy nhiên xét về tâm nguyện của Chư Phật, Chư Bồ Tát, chư Tổ chúng ta thấy Bồ Tát Huệ Minh từ đâu xuất giáng trần, thai sanh vào gia đình Vua chúa để làm Ðông Cung Thái Tử Tất Ðạt Ða, sau đi tu và thành đạo. Trong trường hợp nầy vì tâm nguyện của Bồ Tát muốn chỉ cho mọi người thấy rằng cảnh vương giả không câu thúc được các ngài. Trường hợp của ngài Ma Ha Ca Diếp thai sanh trong một gia đình Bà La Môn giàu có nhưng sau từ bỏ gia đình đi tu theo đạo thờ lửa, và cuối cùng trở về làm đệ tử của Phật. Trong trường hợp nầy tâm nguyện Bồ Tát muốn chỉ bày cho tất cả mọi người thấy rằng một người giàu có không bị cảnh danh lợi chi phối, và một người ngọai đạo cũng có thể trở thành đệ tử Phật để tu đạo giải thoát. Ðối với trường hợp của ngài Huệ Năng, có thể nói đây là một nghịch hạnh, cho nên ngài thị hiện vào trong một gia đình nghèo nàn khổ sở, để rồi cuối cùng xuất gia học đạo và thành đạt quả vị Tổ Sư. Nói tóm lại Chư Phật, Chư Bồ Tát muốn tất cả chúng sanh phát tâm cầu giải thoát nên có khi thị hiện vào cảnh vua chúa, Giàu sang, có khi trong cảnh bần cùng, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào Chư Vị cũng tu được, và các ngài tuỳ theo nhân duyên phương tiện mà khai hóa chúng sanh. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy  ngài Huệ Năng sanh vào trong một gia đình nghèo khó, chịu mồ côi, sống một cuộc sống lam lũ khổ cực, để rồi cuối cùng cũng xuất gia tu học và thành đạt không phải là ngài vô duyên thiếu phước mà là tâm nguyện của Bồ Tát như vậy.
Khi nghe Kinh Kim Cang liền tỏ ngộ, ngài Huệ Năng đã thấy được nhân duyên của đời trước, đây là trí tánh của chư Bồ Tát chứ chúng ta không thể tìm thấy trong một con người phàm tục. Ngài cũng tự nhận biết nếu bỏ mẹ đi tìm thầy lúc nầy thì bất hiếu, bởi vì gia đình nghèo, mẹ lại già, vã lại ngài là con một trong gia đình nên chưa quyết định, nhưng nhờ có người Khách mua củi hiểu và giúp đỡ trợ duyên cho mười lượng bạc nên ngài mới có phương tiện trong việc phụng dưỡng mẹ già, nên ý chí tìm thầy cầu pháp cũng được kiên định hơn. Gặp cơ hội tốt ngài về nhà xin phép mẹ, mẹ ngài cũng hoan hỷ cho ngài theo thầy học đạo. Ðối với Ðức Lục Tổ là bậc Bồ tát hiện thân, ngài đã biết tâm nguyện của mình và ngài cũng thấy được hiện tại tất cả chúng sanh đang cần ngài, nên việc từ bỏ gia đình xuất gia học Ðạo, có thể nói: Là bậc Bồ Tát một khi nhớ lại bổn tánh thì các ngài phải thực hiện con đường độ sanh của mình, nên việc từ bỏ gia đình chỉ là một sớm một chiều mà thôi. Nhưng đối với thân mẫu của ngài, phải nói đây là điều hết sức cao quý, bởi vì bà dám hy sinh tình cảm riêng tư gia đình, cá nhân để cho con mình ra đi đến nơi phương trời xa lạ, để học đạo. Còn bà, bà chấp nhận sống một thân một mình nơi quê nhà. Trường hợp nầy thật là quý hiếm, khác hẳn với con người phàm tục của chúng ta. Có những lúc cha mẹ muốn con đi theo con đường chân chánh giải thoát, nhưng con không có thiện căn cũng không được. Có những lúc con xin cha mẹ để đi làm con người thoát tục, nhưng cha mẹ không hiểu và không chấp nhận thì cũng trở thành dang dở. Ðối với trường hợp của ngài Huệ Năng, chúng ta có thể nói thân mẫu của ngài, bà đã thấy trước được con đường của ngài Huệ Năng sẽ đi, nên bà hy sinh cho chúng sanh mà không muốn giữ riêng ngài Huệ Năng cho chính mình. Vì nếu bà không thấy những gì mà ngài Huệ Năng sắp làm, bà từ chối không cho Huệ Năng đi tu, thì ngài Huệ Năng có dám bỏ mẹ đi tu không? Chúng ta biết ngài Huệ Năng là người con chí hiếu nên câu trả lời chúng ta thấy chắc chắn là không. Mặc đầu ngài Huệ Năng biết tất cả chúng sanh đang cần ngài, nhưng mẹ ngài cũng là một chúng sanh, nhưng chúng sanh nầy là người đã từng sinh và nuôi dưỡng mình, vã lại chư Phật có dạy, những ai sanh nhằm thời không có Phật mà biết phụng dưỡng cha mẹ thì cũng như hiếu kính với chư Phật. Nhưng khi bày tỏ lòng mình thì mẹ ngài liền đồng ý, đây không phải là tấm lòng của một bà mẹ thông thường đối với con, mà phải nói đây là sự hiểu biết và tâm ý tương thông sâu xa của hai bậc đại thừa Bồ Tát.
Từ xưa tới nay, chúng ta cũng đã từng thấy như trường hợp ông Cấp Cô Ðộc, vì sự lợi ích của chư Tăng Ni và hàng ngàn ngàn tín dồ nên ông đã không ngần ngại dấn thân vào con đường Phật sự. Nói về vị khách mua củi khi biết Ðức Lục Tổ có ý định tu học ông liền phát bồ đề tâm tặng tiền để cấp dưỡng cho cụ bà, điều nầy chứng tỏ đạo tâm của vị nầy cũng hết sức mãnh liệt. Trong cuộc sống hiện tại cũng có những Phật Tử hết lòng hộ đạo như thế. Ðứng trên lập trường khách quan chúng ta thấy, nếu không có sự phát tâm trợ duyên của người khách mua củi, thì ngài Huệ Năng không đủ điều kiện để thưa với mẹ xin đi tu. Khi xin đi tìm thầy học đạo nếu mẹ ngài không cho thì sự nghiệp tu học của Lục Tổ không thành tựu được. Như thế cả hai: Người khách mua củi và thân mẫu của ngài Huệ Năng đều là những Bồ Tát trợ duyên cho bậc tối thắng Bồ Tát thành tựu đạo quả.
c- Cuộc Ðối Thoại Hào Hứng Giữa Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn & Thanh Niên Huệ Năng.
Kinh Văn:
Sau khi sắp đặt sự sanh tồn cho thân mẫu xong, Ðại Sư Huệ Năng từ giã mẹ già ra đi, trải qua 30 ngày mới đến huyện Huỳnh Mai, khi vào đảnh lễ Ðức Ngũ Tổ, Tổ hỏi:
- Ngươi ở phương nào, đến đây cầu việc gì?
Ðại Sư Huệ Năng bạch Tổ:
- Ðệ Tử là dân giả ở xứ Tân châu, thuộc xứ Lĩnh Nam, từ phương xa đến lễ thầy chỉ cầu làm Phật chứ không cầu việc gì khác.
Ðức Ngũ Tổ nói:
- Ngươi là người xứ Lĩnh Nam, dòng dõi Lạp Lão mà làm Phật được sao?
Ðại Sư Huệ Năng bạch Tổ:
- Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không Nam Bắc, thân Lão Lạp với Hòa Thượng tuy chẳng đồng, nhưng Phật tánh vốn không sai khác.
Ðức Ngũ Tổ còn muốn nói nữa, song đại chúng nhóm lại hai bên tả hữu, nên Tổ bảo Ðại Sư Huệ Năng theo đại chúng làm việc
Nghe Tổ dạy như vậy, Ðại Sư Huệ Năng bạch Tổ:
- Bạch Hoà Thượng, tự tâm của con hằng sanh trí huệ, không lìa tự tánh tức là Phước Ðiền, vậy không rõ Hoà Thượng dạy con làm việc chi?
Ðức Ngũ Tổ nói:
- Chú bé Lão Lạp kia! Căn tánh của ngươi rất lanh lợi, ngươi chớ có nói nữa, hãy đi xuống nhà bếp đi.
Nghe Tổ dạy, Ðại Sư Huệ Năng xuống nhà bếp, ở đây có một cư sĩ sai Ðại Sư Huệ Năng bửa củi và đạp chày giả gạo suốt hơn tám tháng.
Có một ngày, Ðức Ngũ Tổ chợt đến gặp Ðại Sư Huệ Năng, ngài dạy:
- Ta nghĩ chỗ thấy của ngươi đáng dùng, song sợ có người hung ác hại, nên không thể cùng nói chuyện, ngươi có biết không?
Nghe dạy Ðại Sư Huệ Năng liền bạch Tổ:
- Con đã hiểu thấu được tôn ý của Thầy nên không dám đến nhà trên để cho mọi người biết.
            Giảng:
            Ðoạn nầy ngài nói lúc đến gặp Tổ để cầu đạo. Sau khi từ giã mẹ già ngài ra đi hơn 30 ngày mới đến huyện Huỳnh Mai. Chúng ta thấy phương tiện di chuyển ngày xưa không xe hơi, máy bay như bây giờ, mà phải đi xe bò, xe ngựa, xe lừa, còn phần nhiều thì đi bộ. Nhưng với ngài Huệ Năng trong hoàn cảnh nghèo thiếu, không nói chúng ta cũng biết chắc chắn là ngài đi bộ. Ðoạn đường từ xứ Tân Châu-Lĩnh Nam (Việt Nam) đến huyện Huỳnh Mai không biết là bao xa, nhưng đi bộ chúng ta cũng có thể hình dung được sự vất vả nhọc mệt muôn phần. Ðiều nầy cũng làm cho chúng ta thấy tấm lòng cầu đạo của một thanh niên cỡ 22 tuổi hết sức dũng mãnh. Khi vừa gặp Ngũ Tổ thì Tổ hỏi:
- Ngươi ở phương nào, đến đây cầu việc gì?
Tôi bạch Tổ:
- Ðệ Tử là dân giả ở xứ Tân châu, thuộc xứ Lĩnh Nam, từ phương xa đến lễ thầy chỉ cầu làm Phật chứ không cầu việc gì khác.
Ðức Ngũ Tổ nói:
- Ngươi là người xứ Lĩnh Nam, dòng dõi Lạp Lão mà làm Phật được sao?
Tôi bạch Tổ:
- Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không Nam Bắc, thân Lạp Lão với Hòa Thượng tuy chẳng đồng, nhưng Phật tánh vốn không sai khác.
Vào đời nhà Ðường, chữ Lạp Lão là thuật ngữ chưởi thề của người Trung Hoa, có nghĩa là dân mọi rợ. Chữ Ðồ mọi rợ, là tiếng của người Trung Hoa vào thời kỳ đó dùng để mắng chửi những người dân mà họ cho là dã man gần như súc vật ở phương nam, tức là Việt Nam bây giờ. Nghe qua sự đối đáp giữa Ngũ Tổ và thanh niên Huệ Năng, chúng ta tưởng như Ðức Ngũ Tổ kỳ thị, nhưng không phải như vậy. Bởi vì Ngũ Tổ biết tất cả mọi người ai cũng có Phật Tánh, và ngài cũng thường dạy mọi người như vậy. Ðây là cách Ngũ Tổ trắc nghiệm sự hiểu biết của người cầu thành phật ra sao, chứ không phải kiểu cách phong kiến, hay thái độ khinh người của Ngũ Tổ. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy Ngũ Tổ không quá đáng trong việc xử sự với một người có tâm cầu học, mà người đó lại là một thanh niên ngoại quốc còn quá trẻ. Nhưng một thanh niên đầy tự tin cũng đâu có vừa, và một câu trả lời hết sức sáng chói:
- Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không Nam Bắc, thân Lạp Lão với Hòa Thượng tuy chẳng đồng, nhưng Phật tánh vốn không sai khác.
            Chúng ta có thể hiểu chữ Bắc Nam trong kinh văn là chỉ cho Trung Quốc và Việt Nam, bởi vì Việt Nam lúc đó là thuộc địa bắc thuộc lần thứ ba của người Trung Hoa. Theo tiêu chuẩn nghi lễ, sự lễ phép trong tông môn, thì cách đối đáp của thanh niên Huệ Năng vừa mới gặp Ngũ Tổ lần đầu tiên quả thật là rất vô lễ. Ngay như ở Việt Nam, chúng ta chưa thấy có một tín đồ nào đến Chùa xin tu mà đối đáp với một vị Hòa Thượng Trụ Trì như vậy. Huống chi đây là một thanh niên ngoại quốc, của một nước nhược tiểu man rợ mà dám đối đáp với một Ðại Lão Hoà Thượng, mà vị Hoà thượng đó lại nổi tiếng như ngài Hoằng Nhẫn, thống lãnh cả Ðông Sơn Pháp Môn ở Trung Quốc vào thời thịnh Ðường thời đó. Ðây là lời nói của một con người đã chứng ngộ tâm linh mới thấy được trí tánh của tất cả mọi người, mọi loài là bình đẳng như nhau, không sai biệt, lớn nhỏ, cao thấp nên mới dám khẳng định như vậy. Hiểu được như thế thì chúng ta mới thấy, câu trả lời đó không phải là lời vô lễ của hàng hậu học đối với một bậc Tổ Sư theo nghi lễ thông thường. Riêng về Ngũ Tổ, khi nghe một thanh niên còn quá trẻ mà có cái lối đối đáp sắc bén như vậy, có lẽ Tổ cũng ngạc nhiên lắm. Trên con đường hành đạo với 58 tuổi đầu, có lẽ đây là lần thứ nhất trong đời của ngài mới gặp một thanh niên lanh lợi như Huệ Năng. Ðối với đức Ngũ Tổ, ngài không trách mắng một thanh niên dám vô lễ với ngài, trái lại ngài còn rất thích thú, và còn muốn trắc nghiệm thêm khả năng của người thanh niên nầy, thì đồ chúng đến đông quá, do đó Tổ lại thôi và bảo Thanh Niên Huệ Năng đi xuống bếp làm công quả.
Tại sao Ðức Ngũ Tổ không muốn mọi người nghe những mẫu đối thoại giữa Ngài và Huệ Năng? Mới đầu chúng ta cảm thấy hơi ngạc nhiên, nhưng xét kỹ chúng ta thấy đức Ngũ Tổ hết sức tế nhị. Tế nhị ở chỗ, nếu ngôi vị Tổ Sư được trao đến tay cho một môn đệ là một người Trung Hoa, và là người được đồ chúng kính nể thì việc đó không có gì đáng nói. Nhưng trong số đồ chúng rất đông, theo học với Ngũ Tổ đã lâu, có những tăng chúng ở Chùa cả mấy mươi năm, mà Ngũ Tổ chưa chấp nhận một người nào. Vậy mà nay, khi gặp một thanh niên còn quá trẻ, lại là người ngoại quốc mà được cùng với Ngũ Tổ nói chuyện tương đắc, và được Tổ chọn làm truyền nhân để thống lãnh cả Ðông Sơn Pháp Môn sau nầy, thì sẽ nguy hiểm đến tánh mạng cho người được truyền y bát như thế nào? Ðó là lý do chính đáng mà Ngũ Tổ không thể tiếp tục trắc nghiệm nhiều hơn nữa. Tất cả những dự liệu của Ngũ Tổ, sau nầy đúng như thế. Những chi tiết nầy chúng tôi sẽ trình bày sau. Khi nghe dạy như vậy, trước khi vào nhà dưới để làm công quả con người Mọi Rợ nầy còn chứng minh thêm cho Ðức Ngũ Tổ biết sự thấy tánh của mình:
- Bạch Hòa Thượng, đệ tử biết rõ trong tâm của mình thường hay sanh trí tuệ, không rời tự tánh đó là phước điền, như vậy Hoà Thượng muốn bảo con làm việc gì cho có công đức?
Ðây là hai điểm quan trọng trong lần gặp gở đầu tiên giữa một bậc Tổ Sư và một thanh niên mới học đạo, và cũng là điều vui mừng nhất của Ngũ Tổ sau bao tháng ngày tìm kiếm người thừa kế, mặc dầu vậy Tổ vẫn làm bộ nạt:
- Chú bé Lão Lạp kia! Căn tánh của ngươi rất lanh lợi, ngươi chớ có nói nữa, hãy đi xuống nhà bếp đi.
            Câu nói nầy, Ðức Ngũ Tổ đã xác định được khả năng chứng ngộ của Huệ Năng rồi, nhưng sự hành xử của một vị Tổ Sư với một môn đệ mới bước chân vào đạo như vậy, nói theo thông thường có lẽ hơi quá đáng. Chính vì vậy mà tâm tư của Tổ Sư cũng có chút áy náy, và ngại rằng phần phiền não vi tế của Huệ Năng vẫn còn, cho nên ngài mới tìm đến an ủi:
- Ta nghĩ chỗ thấy của ngươi đáng dùng, song sợ kẻ hung ác hại ngươi, nên chẳng cùng ngươi nói chuyện, ngươi có biết chăng?
Và Huệ Năng trả lời:
- Ðệ Tử hiểu rõ tôn ý của Thầy, vì vậy nên con không thường xuất hiện ở nhà trên để tránh những sự dòm ngó của mọi người.
Cho tới bây giờ, Tổ mới thực sự tin tưởng Thanh Niên Huệ Năng đã hiểu trọn vẹn về những suy tư của ngài. Ðó cũng là lý do Tổ quyết định phải trắc nghiệm một lần cuối cùng trước khi trao trọng trách cho Huệ Năng.
II- Trắc Nghiệm Môn Ðệ.
Kinh Văn:
Một hôm, Ðức Ngũ Tổ đòi tất cả môn nhân nhóm họp lại, dạy rằng: Ta vì các ngươi mà nói, người đời có sanh tử là việc lớn, phải tu giải thoát; nếu suốt ngày các ngươi chỉ cầu ruộng phước, chớ không cầu giải thoát biển khổ sanh tử, tự tánh nếu còn mê thì phước nào cứu nổi? Các ngươi hãy lui ra tự nghiêm xét trí tuệ, rồi dùng tánh bát nhã của bổn tâm, mỗi người làm một bài kệ trình cho ta xem, nếu tỏ ngộ được đại ý thì ta phú y bát cho làm Tổ đời thứ sáu. Các ngươi hãy mau lên đừng chậm trễ, suy nghĩ tức là không trúng. Người kiến tánh nói ra thì thấy rõ, nếu được như vậy thì dù cho lúc đang múa đao lâm trận cũng thấy tánh.
Giảng:
Trong đoạn kinh văn nầy Ðức Ngũ Tổ nhấn mạnh Sanh Tử Luân Hồi là việc quan trọng, muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi thì phải tu huệ để minh tâm kiến tánh. Tu phước thì sẽ hưởng được phước báo trong cỏi nhân gian hoặc trong cỏi trời, nhưng một khi hết phước thì vẫn phải sa đọa vào trong tam đồ ác đạo. Ðây là lý do chính yếu Ðức Ngũ Tổ bảo mọi người phải cố gắng tu tập và phải trình kệ để ngài duyệt xét sự ngộ đạo của mỗi người. Những năm lâu xa về trước, Ðức Ngũ Tổ có rất nhiều đệ tử rất giỏi nhưng ngài không bảo trình kệ, vậy mà khi Huệ Năng xuất hiện và sau khi trao đổi vài ba câu chuyện thì Tổ mới bắt đầu bảo mọi người trình kệ? Lý do là khi gặp Huệ Năng qua lần đối thọai đầu tiên, Ngũ Tổ đã biết được Huệ Năng là người có đầy đủ tư cách làm người thừa kế ngài, nhưng ngài không thể tự nhiên mà truyền trao địa vị tối cao của Ðông Sơn Pháp Môn cho một thanh niên cư sĩ, với tuổi đời còn quá trẻ mà lại là người ngoại quốc. Vì vậy cuộc trắc nghiệm môn đệ lần nầy, chúng ta có thể hiểu có hai lý do: Một là muốn cho đại chúng tâm phục khẩu phục người thừa kế ngôi vị Tổ Sư Ðông Sơn Pháp Môn. Hai là Ðức Ngũ Tổ muốn  trắc nghiệm khả năng giác tánh của Huệ Năng lần cuối trước khi truyền trao địa vị Tổ Sư.
Trước khi Tổ bảo mọi người lui ra, ngài còn ân cần căn dặn: Người thấy tánh nói ra thì thấy rõ, nếu được như vậy dầu gặp lúc bối rối như múa đao ra trận cũng thấy ngay. Ðại ý câu nầy nói nếu người nào đó thấy tánh thì cho dù ở trong chỗ binh đao cũng vẫn thấy tánh. Cũng vậy người mà đã thấy đạo thì không cần ngồi chỗ vắng mới thấy đạo. Lý do mà Tổ dạy như vậy, bởi vì tất cả mọi người cầu thánh trí của Phật thì cần phải thiền định, nếu không thiền định thì niệm tưởng xao động. Hành giả một khi vọng niệm không sanh thì đó là thiền. Ngồi thấy bổn tánh chính là định. Bổn tánh chính là tâm vô sanh. Ðịnh được rồi thì đối với cảnh tâm không sanh, tám gió: Tài Lợi, Suy Hao, Hủy Nhục, Tự Ðề Cao, Tự Khen Ngợi, Chê Bai Người, Ðau Khổ, Vui Vẻ, tất cả những thứ nầy dù cho ở nơi nào cũng không lay động được tâm. Hành giả một khi đã đạt được trạng thái nầy thì tự biết rõ ràng và tâm không trụ tất cả các chỗ, cho nên gọi là rõ ràng thấy bổn tâm, cũng gọi là rõ ràng thấy tánh. Thể tánh đó là tâm giải thoát, cũng gọi là tâm Bồ Ðề, tâm vô sanh tức là tâm Phật. Hành giả đạt đến trạng thái nầy thì tâm như gương, và tất cả những gì xuất hiện ở trước gương thì trong gương đều hiện lên hình ảnh như thật ở bên ngoài. Do vậy mà Tổ dạy: Làm kệ mà còn suy nghĩ tức là còn có dụng tâm. Còn có dụng tâm là còn có chỗ trụ, còn có chỗ trụ là còn vướng mắc là không đúng. Không nên có dụng tâm, là không có chỗ trụ, không có chỗ trụ thì không còn vướng mắc, như vậy người thấy tánh thì trong quân trận cũng thấy tánh.
 a- Bài Kệ Kiến Tánh Của Thần Tú.
Kinh Văn:
1- Ðại chúng vâng lời thầy dạy, lui ra bàn luận với nhau rằng: Chúng ta chẳng cần tịnh tâm cố gắng làm kệ trình Hoà Thượng làm chi vô ích. Ở đây đã có ngài Thần Tú, là bậc Thượng Tọa, hiện làm Giáo Thọ, chắc chắn thành công, chúng ta dầu có ráng làm kệ cách nào cũng uổng tâm lực. Nghe qua lời ấy ai cũng an tâm, nói: Về sau chúng ta nương theo thầy Thần Tú chớ làm kệ chi cho nhọc công.
Giảng:
Sau khi nghe Tổ dạy tất cả mọi người ai cũng phải trình kệ thì trong đại chúng ai nấy cũng đều xôn xao, vì họ tự nghĩ trên họ còn có ngài Thần Tú là bậc giáo thọ của họ. Ðược Ngũ Tổ chỉ định làm giáo Thọ đương nhiên phải có khả năng. Sự chứng ngộ như thế nào thì chưa biết, nhưng sức học chắc chắn phải hơn hẳn mọi người. Vì vậy nếu đem kiến thức của họ so với ngài Thần Tú thì còn thua kém xa, như vậy có cố gắng trình kệ cũng chỉ là hoài công vô ích. Ðó là lý do ai nấy cũng nhường phần làm và trình kệ cho giáo thọ Thần Tú.
Mọi người ai cũng nghĩ như vậy mà quên rằng sự giác ngộ về  phương diện tâm linh, nó không giống như những thông lệ thông thường, mà nó căn cứ vào sự hiểu biết và tùy thuộc vào túc duyên của mỗi người. Một người cao niên không hẳn là sự hiểu biết hơn người ít tuổi. Một người học giỏi không hẳn là họ đã thấy đạo trước người thiếu học, và cũng vậy một người giàu sang không hẳn là tư cách của họ tốt hơn người nghèo nàn. Tất cả những trường hợp đó phải cẩn thận mà suy xét. Là người học Phật, chúng ta phải lấy lời dạy của chư Phật làm kim chỉ nam, dùng tâm nhu hòa làm phương tiện thực hành, lấy giác tánh làm sự nghiệp. Có được như vậy mới không cô phụ lòng mong mỏi của chư Phật, chư Tổ. Việc Ngũ Tổ bảo mọi người trình kệ Kiến Tánh là cốt yếu để cho tự mỗi người nói lên sự hiểu biết và giác ngộ của mình. Như có lần đã nói, việc Tổ bảo trình kệ, trọng tâm chính yếu là Tổ muốn trắc nghiệm Huệ Năng lần cuối cùng, chứ không phải Tổ vì Thần Tú và đồ chúng trong chùa. Nhưng đây là sự hiểu ngầm giữa Tổ và Huệ Năng mà thôi chứ mọi người không có ai biết. Tuy nhiên mọi người chỉ tin tưởng vào Giáo Thọ Thần Tú cho nên họ thiếu tự tin nơi chính mình, để rồi cuối cùng mình cứ tùy thuộc vào người khác
Kinh Văn:
Thượng Tọa Thần Tú tự nghĩ: Các người kia không trình kệ, vì kính nể ta là bậc Giáo Thọ, còn ta phải làm kệ trình Hoà Thượng mới được. Nếu không Hòa Thượng đâu biết được chỗ kiến giải cạn hay sâu ở tâm ta. Ý kệ của ta sắp trình, cầu được pháp là thiện, cầu làm Tổ là ác chẳng khác nào lòng phàm phu muốn đọat ngôi thánh. Nếu không trình kệ thì trọn đời chẳng đặng Pháp. Thật là khó, thật là khó thay.
Trước Chùa Ngũ Tổ có một dãy nhà ba gian. Tổ định mời quan Cung Phụng là Lư Trân vẽ bức hoạ Ðồ Lăng Già Biến Tướng và Ngũ Tổ Huyết Mạch Ðồ để lưu truyền cúng dường.
Thượng Tọa Thần Tú làm kệ xong, nhiều lần muốn đem trình Tổ, nhưng mỗi khi đến trước Tổ đường thì tâm thần tán lọan hoảng hốt, mồ hôi đổ dầm dề khắp thân thể, như thế không sao trình kệ được. Trước sau suốt bốn ngày, tổng cộng 13 lần việc trình kệ vẫn chưa xong. Thượng Tọa Thần Tú mới suy nghĩ. Ta cứ tới Tổ đường chép ở đó may ra Hòa Thượng đi đến trông thấy, như Hòa Thượng khen hay thì ta liền ra mặt bái bạch: Kệ ấy thật của Tú làm, nếu Hòa Thượng chê dở thì oan uổng cho ta ở chùa mấy năm, thọ của người lễ cúng mà hành đạo chẳng ra chi.
Giảng:
Vì tất cả mọi người cho rằng ngài Thần Tú là thầy Giáo Thọ của họ, cho nên mọi người đồng nhường phần trình kệ cho Thần Tú. Riêng về ngài Thần Tú, sau khi mọi người không làm kệ thì ông cảm thấy rất khó xử: Bởi vì theo ông nghĩ, làm kệ trình ý cầu Pháp thì tốt, còn nếu cầu là Tổ thì không tốt. Nói cầu pháp thì tốt, là vì nếu không trình kệ thì Tổ không biết được kiến giải của mình ra sao, thì làm sao Tổ có thể truyền Pháp. Nói cầu làm Tổ thì không tốt, bởi vì tất cả các pháp đều do tâm sanh, do vậy mà khi khởi lên ý niệm cầu làm Tổ tức là khởi tà niệm, ác kiến của phàm phu. Trong tình trạng khó xử đó cuối cùng ngài Thần Tú quyết định phải trình kệ, tuy nhiên chính ông, ông cũng nghi ngờ khả năng của mình. Ngài Thần Tú thầm lo nghĩ: Không biết ông có đủ khả năng bước vào cửa Phật Pháp hay không, vì vậy mà sau khi làm kệ xong, trong vòng bốn ngày, có tới 13 lần ông muốn trình kệ lên cho Tổ xem, nhưng cứ mỗi lần đến nhà trước để trình kệ thì tâm thần hoảng hốt rồi lại thối lui trở về phòng. Lý do tạo nên sự khủng hoảng như vậy, là vì không ai biết mình bằng mình, ngài thần Tú đã biết khả năng của chính mình và thiếu sự tự tin ngay ở giờ phút đầu. Ðây là cái khổ tâm nhất của ngài Thần Tú, vì ông chưa thật là người có tài mà đại chúng cứ một mực suy tôn làm thầy của họ. Bây giờ đây, nếu sự việc xảy ra, mọi người biết mình là người vô dụng, thì những thần tượng từ hồi nào tới giờ, mà đại chúng đã dành cho ông sẽ mất hết, quả thật là khổ tâm. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Ngài Thần Tú chợt nhớ tới việc Ngũ Tổ mời ông Cung Phụng Lư Trân về chùa vẽ Lăng Già Biến Tướng và Ngũ Tổ Huyết Mạch Ðồ tại hành lang trước nhà của Ngũ Tổ cư trú. Cuối cùng Thần Tú tìm được một phương pháp đó là: Ông chỉ cần viết bài kệ của ông lên trên hành lang ba gian đó thì thế nào Tổ cũng thấy. Nếu được Tổ khen hay thì ông sẽ bước ra đảnh lễ Tổ và nhận là của mình làm. Còn nếu không được Tổ khen thì cũng không sợ mất mặt với đại chúng.
Kinh Văn:
Ðêm ấy, canh ba, Thượng Tọa Thần Tú không cho ai biết, tự cầm đèn, chép kệ trên vách phía Nam Tổ Ðường, bày tỏ chỗ thấy của tâm mình. Bài kệ như sau:
Thân là cây Bồ Ðề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn phải phủi sạch,
Chớ để dính bụi nhơ.
Chép kệ xong trở về Tăng phòng, chẳng ai biết cả. Thượng Tọa Thần Tú lo nghĩ: Nếu sáng ngày Ðức Ngũ Tổ thấy kệ hoan hỷ, thì ta có duyên với Phật Pháp, trái lại nếu nói kệ không đúng thì tự ta còn mê, nghiệp chướng đời trước nặng nề, không thể đắc Pháp thật thánh ý khó lường. Thượng Tọa Thần Tú cứ lo nghĩ ở trong phòng suốt đêm năm canh nằm ngồi không yên.
Ðức Ngũ Tổ vẫn biết Thượng Tọa Thần Tú chưa vào cửa đạo, nên chẳng thấy tự tánh.
Sáng ngày Ðức Ngũ Tổ gọi ông Cung Phụng Lư Trân đến phía Nam Tổ Ðường để vẽ họa đồ vào vách, khi trông thấy bài kệ thì Tổ không cho ông Lư Trân vẽ, dạy rằng: Cung Phụng khỏi cần vẽ họa đồ, ta làm nhọc ngươi từ phương xa đến. Kinh Kim Cang có câu: Phàm những vật có sắc tướng đều giả dối. Hãy lưu bài kệ nầy cho mọi người trì tụng, y theo bài kệ nầy mà tu thì khỏi đọa ác đạo, y theo bài kệ nầy mà tu thì được lợi ích lớn lao. Ðức Ngũ Tổ dạy các đệ tử thắp hương lễ kính và trì tụng kệ nầy hầu sẽ được thấy tánh. Các vị môn nhân tụng kệ ai cũng khen ngợi: Lành thay.
Giảng:
Nghĩ thế nào thì Thượng Tọa thần Tú làm thế ấy, sau khi chép bài kệ lên trên vách, trở về phòng riêng ông hồi hộp lo âu, cứ thế mà suốt cả năm canh không ngủ được, và ngồi đứng không yên. Chúng ta thấy ngài Thần Tú trước khi viết kệ thì cũng lo lắng khổ sở, sau khi viết kệ cũng lo lắng khổ sở, rõ ràng bả vinh hoa phú quý, lợi danh trong thế gian nó làm cho con nguời khổ như vậy, mà con người cứ rũ nhau lao đầu vào cho khổ. Nếu Thượng Tọa Thần Tú đừng vì cái địa vị của một Giáo Thọ Sư, mà là một người tầm thường nào đó biết an phận thì đâu có khổ như vậy. Cho đến sáng Tổ gọi ông Lư Trân đến hành lang phía Nam để vẽ đồ tướng, mới thấy bài kệ trên vách, nhân đây Tổ mới bảo ông Cung Phụng Lư Trân không cần phải vẽ đồ hình nữa, bởi vì tất cả các pháp hữu vi đều là hư vọng, cho nên có hình ảnh của Lăng Già Biến Tướng và Ngũ Tổ Huyết Mạch Ðồ hay bài kệ nầy cũng như nhau. Nên Tổ dạy ông Lư Trân thôi đừng vẽ nữa, đã vậy Tổ còn dạy môn đệ phải thắp hương kính cẩn, lễ bái và trì tụng: Nếu ai y cứ theo bài kệ mà hành trì thì được có lợi lớn, người nào y cứ vào đây mà tu hành thời sẽ khỏi đọa ba đường ác... Tư tưởng của Ngũ Tổ là tư tưởng của Kim Cang Bát Nhã, vì vậy tất cả các tướng pháp không quan trọng đối với ngài. Quả thật như vậy, nếu còn chấp tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng mạng số... Nếu còn chấp cái nầy nên để, cái kia nên bỏ, thì còn chấp pháp, chưa phải là bậc hiểu đạo thấy đạo. Ðối với tướng pháp, đối với mọi sự, mọi vật, không nên chấp trước tướng trạng phát hiện, mà phải nên biết một cách chân thật, nên thấy một cách chân thật, nên tin hiểu một cách chân thật. Cho nên pháp tướng tức là chẳng phải pháp tướng cho nên tạm gọi là Pháp tướng. Chỉ có Chư Phật là bậc đại Giác Ngộ và chư Bồ Tát, chư Tổ là người có đủ tư cách nói tất cả các pháp đều là hư vọng, ngoài ra, cũng câu nói nầy, đối với những người chưa thấy đạo như chúng ta nói như thế không được. Bởi vì, nếu những người mới vào đạo mà không nhờ vào những pháp tướng giả tạm như tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, nhập định...thì hành giả ấy sẽ không có chỗ nương tựa để hành trì. Ðại chúng nghe Tổ dạy như thế dĩ nhiên ai ai cũng khen ngợi. Riêng về Thượng Tọa Thần Tú thì ông rất vui mừng vì đã bỏ được cái gánh nặng ưu tư trong lòng từ mấy ngày qua. 
Kinh Văn:
Ðến canh ba ngày ấy, đức Ngũ Tổ gọi Thượng Tọa Thần Tú vào Tổ đường hỏi: Kệ ấy có phải của ngươi làm chăng?
Thượng Toạ Thần Tú bạch:
- Bạch Thầy, thật của đệ tử làm nhưng không dám vọng cầu Tổ vị, chỉ ngưởng mong Hoà Thượng từ bi xem thử coi đệ tử có chút trí tuệ chi không?
Ðức Ngũ Tổ nói:
- Bài kệ nầy chưa thấy được bổn tánh, chỉ đến ngoài cửa chứ chưa vào được trong, sự thấy biết như vậy không thể cầu được vô Thượng Bồ Ðề. Vô thượng bồ đề cần phải ở ngay lời nói mà biết được bổn tâm, thấy được bổn tánh, gốc không sanh, không diệt, bất cứ lúc nào cũng niệm niệm tự thấy, muôn pháp vốn không ngăn ngại. Một niệm chơn thì tất cả đều chơn, muôn cảnh vẫn tự như như, tâm như như đó là chân thật. Chỗ thấy như thế tức là vô thượng Bồ Ðề. Vậy ngươi hãy lui ra suy nghiệm trong một vài ngày, làm lại kệ khác đem trình ta xem, nếu kệ của ngươi vào được cửa đạo, ta sẽ phú y pháp cho ngươi. Thượng Tọa Thần Tú lễ Tổ bước ra, trải qua nhiều ngày vẫn không làm được kệ, trong lòng hoảng hốt bất an, ví như ở trong mộng, đi đứng ngồi nằm đều lo nghĩ buồn rầu.
Giảng:
Theo trong kinh văn cho chúng ta biết, đến canh ba Ngũ Tổ mới gọi Thượng Tọa Thần Tú vào để hỏi về bài kệ. Tại sao Ngũ Tổ không gọi một người nào khác mà lại gọi đích danh Thượng Tọa Thần Tú? Ðiều nầy chứng tỏ rằng nhất cử nhất động ở trong chúng Tổ đều biết hết. Việc đại chúng không có người dám trình kệ, mà lại có kệ xuất hiện ở hành lang vậy thì kệ nầy do Thần Tú làm chứ không ai xa lạ. Mặc dầu Tổ biết bài kệ của Thần Tú nhưng Tổ muốn chính miệng của Thượng Tọa Thần Tú nói, có lẽ đó là lý do Tổ gọi Thượng Tọa Thần Tú vào Tổ đường. Nhưng tại sao Tổ lại phải đợi cho mọi người yên giấc Tổ mới nói chuyện riêng với ngài Thần Tú? Tổ phải đợi cho mọi người đi ngủ hết mới nói chuyện với Thần Tú là có lý do của Tổ, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu. 
Như chúng ta biết, vào giấc sáng khi đọc bài kệ, Tổ hết lòng ca ngợi, đã vậy Tổ còn kêu mọi người phải thắp nhang lễ bái để mà tu theo tinh thần của bài kệ, việc nầy Thượng Toạ Thần Tú đã biết. Do đó Thượng Toạ Thần Tú khi nghe Tổ truyền vào Tổ đường thì trong tâm trạng của ông rất là mừng, ông nghĩ rằng kệ của ông có lẽ được Tổ chấp nhận, vì vậy khi nghe Tổ hỏi, bằng một giọng khiêm nhường ông kính cẩn thưa:
- Bạch Thầy, Thật là con làm, nhưng con không dám tham vọng cầu địa vị Tổ, mà chỉ mong Hoà Thượng từ bi xem thử đệ tử có chút trí huệ chi không?
Bạch với Tổ xong trong tâm trạng chờ đợi, Thần Tú tưởng là Tổ sẽ truyền trao y bát cho mình nào ngờ Tổ dạy:
- Ông làm bài kệ nầy, chưa thấy được tánh, chỉ đến ngoài cửa, chứ chưa được vào trong, sự thấy biết như vậy không thể cầu được vô thượng bồ đề.
Những lời Tổ vừa dạy ngoài sự tưởng tượng, và dự đoán của Thượng Tọa Thần Tú, bao nhiêu hy vọng trở thành là người thừa kế của Ngũ Tổ đều tan biến như mây khói. Những điều giáo huấn thẳng thắn của Tổ vừa mới nói, lý do nào khi sáng Tổ không nói, mãi cho tới bây giờ chỉ có hai thầy trò Tổ mới dạy. Ðến đây chúng ta mới thấy Ngũ Tổ là người hết sức tâm lý. Như mọi người ai cũng biết Thượng Tọa Thần Tú là Giáo Thọ của tất cả môn đệ thuộc Ðông Sơn Pháp môn, nghĩa là trên thì có Tổ dưới thì có ngài Thần Tú, nếu Tổ công khai nói chỗ dở của Thần Tú trước mặt đám đông môn đệ thì sau nầy liệu còn có ai phục tùng Thần Tú nữa hay không? Chắc chắn là không, bởi vì từ hồi nào đến giờ mọi người kính nể Thần Tú vì họ nghĩ ông là Giáo Thọ của họ, và cũng là người có tài, cho nên họ mới chịu phục tùng, nhưng bây giờ biết Thần Tú cũng chưa vào được ngưỡng cửa Phật Pháp thì cũng như bao nhiêu người khác thôi, có gì dâu mà phải phục tùng? Như vậy chúng ta có thể hiểu ý Tổ muốn nói chuyện riêng với Thần Tú có hai lý do: Một là Tổ cũng thấy Thần Tú có tài, nhưng chưa rốt ráo. Hai là Tổ muốn giữ thể diện cho Thần Tú. Tổ phải khéo léo như vậy, mới có thể tránh được những sự xáo trộn vô ích trong chúng.
Bây giờ đây chúng ta thử phân tích lý do tại sao Ngũ Tổ bảo bài kệ của Thần Tú chưa thấy được bổn tánh, chỉ ở bên ngòai chớ chưa vào được bên trong. Theo tinh thần bài kệ của Thần Tú nói:
Thân là cây Bồ Ðề: Ý nghĩa cụ thể của câu nầy ví thân con người như cội Bồ Ðề là chưa thoát ra khỏi thân tướng.
Tâm như đài gương sáng: Ý nghĩa câu nầy rất rõ ràng dụ cho tâm như đài gương sáng chói, nghĩa chưa thoát ra khỏi tâm tướng.
Hai câu kế tiếp là muốn nói: Muốn cho đài gương luôn sáng chói thì phải luôn luôn lau chùi chớ để dính bụi bặm. Như thế là còn chấp vào hình tướng, và cũng vì chưa thoát khỏi tướng nên còn phải mất nhiều thời gian và công phu để gọt dũa. Nói tóm lại là bài kệ nầy còn chấp tướng, nên chưa thể ly tướng. Chưa thể ly tướng thì không làm sao thấy được bổn tánh, vì vậy đức Ngũ Tổ mới bảo: Ông làm bài kệ nầy, chưa thấy được tánh, chỉ đến ngoài cửa, chứ chưa được vào trong. Nói về bài kệ của Thượng Toạ Thần Tú, nếu đứng trên phương diện của những vị hữu học, sơ phát tâm thì bài kệ nầy có tác dụng khuyến khích tu học rất tốt. Vì vậy mà đức Ngũ Tổ dạy tất cả các môn nhân ai ai cũng trì tụng. Ai trì tụng theo kệ đó thì khỏi đọa ác đạo và được lợi ích lớn lao. Bởi vì giới tu hành không phải tất cả đều được thượng căn thượng trí, mà có rất nhiều hạng người, nếu không dùng bài kệ ấy cho những người sơ cơ mới học, để tinh tấn tu tập thì khó tránh được những ô nhiễm của trần gian. Nhưng đứng trên phương diện những bậc Bồ Tát vô học, những người thấỵ tánh thì bài kệ nầy chưa thấy tánh.
Như có lần đã nói ở trên, sau lần gặp gở và đối thoại với thanh niên Huệ Năng, Tổ mới bắt đầu bảo mọi nguời trình kệ. Như vậy dụng ý Tổ bảo trình kệ, thật sự Tổ không nhắm vào Thượng Tọa Thần Tú và chư đồ chúng, vì ngài biết trong số những người nầy, kể cả Thượng Tọa Thần Tú cũng chưa phải là người có đủ khả năng để đảm nhiệm chức vị Tổ Sư của Ðông Sơn Pháp Môn. Tuy nhiên, để cho có sự công bằng thì ít, nhưng để tránh một sự xáo trộn trong chúng thì nhiều, nên Tổ mới công khai bảo mọi người trình kệ. Nếu Tổ không bảo chúng trình kệ để trình bày cái thấy của mọi người, mà Tổ ngang nhiên truyền y bát cho một người nào đó thì chúng sẽ không phục. Nếu người được truyền ngôi vị Tổ Sư để thừa kế cho Ngũ Tổ là Thượng Tọa Thần Tú thì trong chúng chắc sẽ không có, hoặc nếu có thì chỉ có một số ít chỉ trích phê phán. Còn trường hợp không phải là Thần Tú, cũng không phải là người trong chúng mà là Huệ Năng, thì trong chúng sẽ có sự tranh dành, và như thế tình hình trong chúng sẽ rất là xáo trộn. Do đó, như đã nói ở trên, lý do Tổ bảo mọi người trình kệ kiến tánh là muốn trắc nghiệm thanh niên Huệ Năng một lần cuối cùng trước khi giao trọng trách, mà cũng làm cho mọi người nghĩ Tổ đã công bằng trong việc lựa chọn truyền nhân. Trong thâm ý thì Tổ muốn trắc nghiệm thanh niên Huệ Năng, nhưng chúng ta thấy Tổ cũng nâng đỡ và muốn giúp cho Thần Tú. Như lúc Tổ gọi Thượng Tọa Thần Tú vào Tổ Ðường, sau khi Tổ bảo thẳng là bài kệ kiến tánh của Thần Tú chưa thấy tánh và ngài đã dạy:
- Vô thượng bồ đề cần phải ở ngay lời nói mà biết được bổn tâm, thấy được bổn tánh, gốc không sanh, không diệt, bất cứ lúc nào cũng niệm niệm tự thấy, muôn pháp vốn không ngăn ngại. Một niệm chơn thì tất cả đều chơn, muôn cảnh vẫn tự như như, tâm như như đó là chân thật. Chỗ thấy như thế tức là vô thượng Bồ Ðề.
Tuy nhiên, sau khi nghe Tổ dạy bài kệ của mình chưa kiến tánh, Thượng Tọa Thần Tú hết sức kinh ngạc, nhưng cũng đỡ chút là không mất thể diện với đại chúng. Thất vọng quá, nên khi trở về phòng riêng trong tâm của ông hết sức bàng hoàng, vì thế mà cả mấy ngày sau đó ông cảm thấy mình như người sống trong mộng, và cuối cùng cũng không làm được bài kệ khác.
Như trên có nói là Tổ có ý ngầm khai thị cho Thượng Tọa Thần Tú. Quả thật như vậy, phân tích kinh văn chúng ta thấy Ngũ Tổ đã dạy:
- Vô thượng bồ đề cần phải ở ngay lời nói mà biết được bổn tâm, thấy được bổn tánh, gốc không sanh, không diệt, bất cứ lúc nào cũng niệm niệm tự thấy, muôn pháp vốn không ngăn ngại. Một niệm chơn thì tất cả đều chơn, muôn cảnh vẫn tự như như, tâm như như đó là chân thật. Chỗ thấy như thế tức là vô thượng Bồ Ðề.
Như chúng ta đã biết, bởi vì bài kệ của Thần Tú còn đang kẹt trong cái thân tướng, và tâm tướng nên chưa thấy tánh. Vì thế mà Tổ liền dạy về các hành trạng của Pháp Tướng. Ngài muốn nói các pháp thì đồng tánh, nhưng tướng trạng khác nhau, mỗi pháp hiển hiện ra mỗi cách khác nhau nên kêu là tướng Pháp. Người thấy tánh khi không còn nhận tướng pháp, tức nhiên không còn nhận tướng phi pháp. Pháp vốn không sanh, nên không có pháp tướng. Bởi lẽ không sanh, nên không có diệt, nên không có phi pháp. Khi biết rõ pháp không có ngã tánh, tức là không phải hư vọng thì gọi là chân thật. Vì chân thật nên kêu là Như Lai. Bổn tánh của Bát Nhã uyên nguyên là không hình không tướng, do đó gọi là từ xưa vốn không có vật, tức là thể Như Lai. Người tu cốt tìm trở lại cái bổn thể vô tướng không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không có, không không, không còn, không mất, không một, không hai. Chỗ thấy như vậy mới gọi là Vô Thượng Bồ Ðề.
Có lẽ bao nhiêu ngày đêm cố gắng để có đủ can đảm viết kệ, và trình kệ, tưởng là được Tổ chấp thuận, nào ngờ sự thật không như ý mong muốn, vì thế trong tâm Thượng Tọa Thần Tú buồn rầu hốt hoảng, nên không để ý đến lời khai thị của Ngũ Tổ. Nếu Thượng Tọa Thần Tú bình tâm một chút, suy nghĩ những lời dạy của Tổ, thì sẽ thấy Tổ đã chỉ cửa kho báu để cho Thần Tú nói riêng, và tất cả các môn đệ nói ít nhất hai lần để cho mọi người bước vào thánh địa.(còn tiếp)
-- o0o --