Cây Giải Trừ Tai Nạn
Tuệ Vũ
--o0o--
         
            Năm 1971, tôi có cơ hội sang Nhật Bản, tu nghiệp về ngành Sinh Hải Học(Marine Biology) chuyên khảo cứu về các loại thực vật cũng như động vật trong lòng đại dương. Trong phương thức on the Job training, tôi đã được lưu động tu nghiệp tại rất nhiều Trung Tâm Hải Dương Học chạy dài từ Bắc tới Nam nước Nhật. Khởi đầu từ Ðại Học Tokyo, đi ngược lên phía Bắc, tận cùng là Thành phố Osaka rồi đi trở lại phía Nam thăm viếng các cơ quan liên hệ thuộc thành phố Shimonoseki và sang cả hòn đảo phía cực Nam là Kiushiu.
            Vì đi tu nghiệp lưu động trên nước Nhật như vậy, nên tôi có rất nhiều cơ hội thăm viếng phong cảnh hữu tình của xứ anh đào. Tôi sang Nhật vào đúng lúc hoa anh đào nở rộ. Một đặc tính của tôi khi viếng cảnh trí của nước Nhật là chú ý tới các Chùa chiền của xứ nầy. Chùa ở Nhật có thể không đồ sộ như ở các nơi khác, nhưng với tôi ngôi Chùa nào cũng dễ thương, cũng bắt mắt, cảnh trí Chùa nào cũng lôi cuốn, cũng mời gọi khiến tôi không thể nào bỏ qua bất cứ ngôi Chùa nào nằm trong phạm vi cho phép tôi ngừng lại, dù là ban ngày hay ban đêm. Tôi yêu nước Nhật từ hồi đó.
            Mùa Xuân năm 1971, tôi có cơ hội viếng thăm một ngôi Chùa Nhật ở Kyoto, Chùa khá lớn so với mấy ngôi Chùa mà tôi mới vãn cảnh trước đây. Trong  dịp Xuân về, đầu năm nên khá đông Phật Tử về đây chiêm bái, đặc biệt là có rất nhiều giới trẻ. Ðiểm đặc biệt hơn nữa là nếu có lúc ngoài đời họ hiếu động bao nhiêu, thì vào đây họ nghiêm nghị bấy nhiêu. Vài trăm người cùng tụ họp trong một chánh điện mà tôi vẫn cảm nhận được sự yên tĩnh của nơi thờ đức Thế Tôn. Phật Tử vẫn đi lại thắp nhang, khấn vái và ngay cả trong khi chào hỏi nhau cũng đều diễn ra trong im lặng. Chỉ thỉnh thoảng từng tiếng chuông thanh thản ngân vang, quyện cùng làn khói hương liên tục bay lờ lững lên cao như muốn mang đi bớt những khổ hải trầm luân mà chúng sanh trong cõi Ta Bà còn đang mãi mê đắm chìm, ngụp lặn.
            Tôi một mình len lỏi trong đám Phật Tử, có lẽ cũng không ai biết tôi là Phật Tử ngoại quốc. Họ cứ bình thản chen lấn và cuối cùng tôi được đẩy tới một chậu cây khá to, không cao lắm, chỉ vươn hơn đầu người, nhưng chiếm một diện tích khá lớn. Cây hiện diện rất ít lá, chỉ còn lại những cành con. Hình như người ta đã hái hết lá trước đó, vì tôi chỉ thấy những chồi non mầu xanh lá mạ nẩy ra ở đầu các nhánh nhỏ trên thân cây hướng ra đủ mọi phương hướng.
            Bên cạnh những Phật Tử thành tâm đốt nhang dâng cúng Phật, điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là còn có những Phật Tử khác, trong đó phần đông là các cặp vợ chồng trẻ, hoặc là các cặp tình nhân đang trong tư thế thận trọng và thành khẩn buộc những giải dây ngắn thành vòng tròn và treo các vòng tròn đó vào các nhánh nhỏ của cây. Trên cây đã có sẵn hàng trăm vòng tương tự đã được móc vào từ trước.
            Óc tò mò của tôi nổi dậy, nên tôi đến làm quen với một cặp vợ chồng trẻ tuổi, và hình như mới cưới vì trông họ còn có vẻ thẹn thùng bỡ ngỡ lắm. Cô vợ thì đỏ mặt, tủm tỉm cười và ngần ngại trả lời vì ngượng ngập, và ngôn ngữ bất đồng. Nhưng người chồng thì mạnh dạn niềm nở hơn, và giải thích cho tôi biết về truyền thống tập tục nầy. Vì sợ kinh động đến những người chung quanh, nên anh ta kéo tôi ra khỏi chánh điện, vừa nói vừa làm hiệu cho tôi hiểu. Vì sợ tôi tối dạ, nên anh ta nói đã nhiều mà anh ra dấu còn nhiều hơn nữa, hầu như quên cô vợ trẻ có lẽ đang sốt ruột đứng đợi gần đó. Theo anh giải thích thì những người vào Chùa xin lá xăm, nếu được xăm tốt thì vui mừng lễ tạ Phật rồi cất xăm và túi cẩn thận. Nếu chẳng may gặp lá Xăm xấu thì không nên buồn, hãy tin rằng Quả mình hái không ngọt vì Nhân mình gieo không tốt, thôi thì hãy thành tâm sám hối trước đấng Thế Tôn, hứa tu sửa mình rồi đem lá xăm xấu kia cuốn thành giải nhỏ, cột lại thành vòng tròn và treo vào gốc cây như tôi đã thấy, rồi nhờ những lời cầu nguyện của Chư Tăng và Bá Tánh trong mười phương tới đây lễ Phật, thì tai ương sẽ được tiêu tan. Cũng theo anh ta nói, điều quan trọng ở đây là phải thực sự thi hành những điều mà mình đã sám hối trước điện Phật, chứ không phải chỉ hứa suông.
            Ðể việc cuốn những lá xăm thành vòng tròn một cách dễ dàng, lá xăm được làm bằng giấy rất mỏng và nhỏ hơn bàn tay. Sau khi cuốn tròn lại thì lá xăm chỉ còn lại giống như một cây tăm mà ta dùng xỉa răng hằng ngày, nên rất dễ dàng cột thành một vòng tròn nhỏ. Và cũng theo lời giải thích của người bạn mới quen, thì các lá xăm được treo trên cây như vậy khoảng một tháng, sau đó nhà Chùa sẽ thu lại tất cả những vòng xăm, xâu vào một chuổi dài ngắn tùy theo số lượng người xin xăm trong năm, rồi trong một buổi lễ gần nhất, toàn thể các vòng xăm sẽ được chú nguyện giải trừ và được thiêu sau đó. Nếu các Phật Tử không cuốn lá xăm thành hình vòng tròn trước khi treo lên trên cây, mà chỉ buộc vào nhánh cây thì sẽ rất vất vả cho nhà Chùa khi thu lại các lá xăm nầy.
            Sau khi được người bạn mới quen, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại, anh ta giải thích một cách tường tận về tập tục nầy; riêng tôi, tôi thấy đây là một tập tục tốt, đáng khích lệ và duy trì, bởi vì nó có một ý nghĩa rất sâu sắc là:
            Nhắc nhở tất cả nên làm điều tốt hằng ngày(Gieo Nhân tốt)
            Khích lệ những người đang gặp kẻ khốn cùng(tai ương sẽ qua)
            Ðã sám hối, gieo nhân tốt thì quả ngọt sẽ tới(hưởng phúc lành)
            Mặc dầu cây mà người ta treo những quẻ xăm xấu lên tôi không biết người Nhật họ đặt tên như thế nào, nhưng những ý nghĩa do người bạn dọc đường giải thích như đã trình bày ở trên, nên tôi tạm thời đặt cho một cái tên là cây Giải Trừ Tai Ương và những hình ảnh tốt đẹp, sống động đó cho đến nay vẫn còn trong tâm tư của tôi.
Sau năm 1971, tôi còn nhiều dịp ghé Nhật, nhưng vì chỉ ghé ở Tokyo với mục đích thương mại, nên không có cơ hội thăm viếng các ngôi Chùa ở Kyoto, nhất là ngôi Chùa có Cây Giải Trừ Tai Ương. Không biết Chùa chiền nơi đây có thay đổi gì không? Ước mong nơi đây đừng có thay đổi, dù có tân tiến hóa, hay như thế nào đi nữa, nhưng cây Giải Trừ Tai Ương của tôi vẫn còn được tôn sùng và vẫn còn làm đúng vai trò như bao nhiêu năm qua.
Là một Phật Tử say mê triết lý nhà Phật, lãnh hội lõm bõm phần nào về luật nhân quả, luật tương đối sắc sắc không không, định đề vô thỉ vô chung..v..v.. rải rác trên nhiều trang kinh chưa được thuần thục cho lắm, nhưng cũng học được hạnh của chư Ðại Bồ Tát nên thấy rằng mình phải có trách nhiệm chia xẻ những cái mình thấy nghe và biết đến tất cả mọi người. Người viết bài nầy chỉ có một mục đích duy nhất là: Muốn học hỏi những cái hay của xứ người, và muốn phổ biến những điều Thiện, Mỹ nhưng tuyệt đối không vọng ngoại. Những phong tục tập quán đó dù có xa lạ nhưng có thể giúp chúng ta phương tiện tốt trong việc tinh tấn tu tập thì tại sao ta lại ngần ngại mà không du nhập? Biết rằng, bất cứ một sự thay đổi nào đó trong một quốc gia, hay trong một tôn giáo, hay một đoàn thể nào đó, dù nhỏ tới đâu, và hữu ích đến đâu, thế nào cũng gặp phản ứng không nhiều thì ít vào những lúc đầu. Nhưng khi mọi người thấy được cái Thiện, cái Mỹ để mà áp dụng thì lợi lộc biết bao.
            Ước mong rằng: Vào một thời điểm nào đó, trong những ngôi Chùa của người Việt Nam vào những dịp đầu năm, có những Phật Tử đang hớn hở hái lộc Xuân, thì trong khuôn viên Chùa, còn có nhiều người khác đang chân thành bên cây giải Trừ Tai Uơng và tạo phước với những chí hướng tốt như đã nói trên.
-- o0o --