Chú Tâm Từ
Ðồng Nguyệt
--o0o--
 
Núi đồi cao nguyên hùng vĩ, từ Nha Trang lên Banmêthuột qua đèo Phượng Hoàng quanh co khúc khuỷu, cạnh Khánh Dương dưới chân núi Chu Cúc, một ngôi chùa xinh xắn nằm bên hông núi, Trụ Trì ngôi Chùa nầy là một vị Tu Sĩ Phật Giáo rất hiền từ. Vị nầy tên là Tâm Từ. Dáng người mãnh khảnh, đi đứng đoan trang, da dẻ hồng hào, ăn nói từ hòa, tâm địa hiền lương. Chú Tâm Từ và ngôi Chùa nhỏ có mặt dưới chân núi Chu Cúc đã hơn năm năm qua.
            Sinh hoạt hằng ngày của Chú là thức dậy vào 5 giờ sáng, sau khóa tụng thời Chú Lăng Nghiêm và dùng điểm tâm, Chú bắt đầu đi bộ từ chùa đến trại cùi cách chùa của Chú không xa lắm. Chú đến để săn sóc cho những người thiếu may mắn trong xã hội, sau những giờ săn sóc cho bệnh nhân, dùng cơm chung với mọi người ở trại cùi cho đến chiều tối Chú mới trở lại chùa. Sau khi tắm rửa, dùng cơm chiều, nghỉ xả hơi là thời khoá tu thiền, tụng kinh. Ðể mở mang kiến thức Chú đem những sách Kinh Phật ra tự học, tự hành, ngày nào cũng giống như ngày nấy. Lúc đầu khi mới về sống dưới chân núi, dân làng đều gọi Chú là Thượng Tọa, nhưng Chú ngọt ngào thưa rằng vì Chú mới có xuất gia chưa thọ giới lớn, nên Chú đề nghị mọi người gọi là Chú cũng đủ. Dân làng sống cạnh núi Chu Cúc, cũng như mấy bác có xe lam gần đó cũng thương và quý mến đạo hạnh của Chú vô cùng. Nhiều khi họ thấy Chú đi bộ từ chùa đến trại cùi mất hơn một giờ đồng hồ, vì vậy mà mấy bác lái xe lam có nhã ý là để cho họ đưa đón, nhưng lần nào Chú cũng ngọt ngào từ chối khéo léo, Chú bảo:
- Ði bộ tốt cho sức khỏe, đi bộ cũng giống như đi thiền hành.
            Không ai biết Chú Tâm Từ ở đâu đến, và kiến thức của Chú rất cao. Nhiều lần dân làng gặp những khó khăn về gia đình, con cái, sức khoẻ, luật pháp... đủ thứ chuyện, Chú đều lắng nghe, chia sẻ và giải quyết rất trôi chảy. Gặp những người nghèo khó, túng thiếu thì Chú lại giúp đỡ tiền bạc, tuy rằng không ai thấy Chú làm gì ra tiền. Hằng ngày đến trại cùi săn sóc những người bệnh không hề có lương, trái lại Chú còn đem thức ăn, vật thực đến giúp đỡ bệnh nhân cùi nữa là khác. Có những gia đình nghèo không có khả năng đóng học phí cho con ăn học, Chú lại bỏ tiền ra để đài thọ học bổng cho các học sinh nghèo rất là tận tâm, mà không mưu cầu một lợi ích nào.
            Hôm nay cũng giống như những ngày khác, thức dậy cũng lo những việc thông thường như công phu bái sám xong, Chú xuống bếp vo gạo nấu cháo để chuẩn bị cho buổi điểm tâm sáng, trước khi đi bộ đến trại cùi để săn sóc những bệnh nhân, chợt Chú nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Những tiếng gõ cửa nầy đối với Chú không lạ, vì đã nhiều lần cũng đã có những người gặp khó khăn đến gõ cửa rồi. Những tiếng gõ cửa đó đôi khi vào giấc sáng cũng có, tối cũng có mà khuya cũng xong, nghĩa là có người cần bất cứ việc gì, thì Chú lại mở cửa giúp đỡ cho họ mà không cần giờ giấc. Sáng nay cũng vậy, nghe tiếng gõ cửa, Chú để nồi gạo đang vo lở dở xuống bàn, và lật đật mở cửa, nhưng khi cái chốt cửa vừa mở ra thì Chú hết hồn, vì trước mặt không phải là những người sống chung cùng xóm của Chú, mà là một người đàn ông lạ nằm ngất xỉu ngay trước cửa Chùa. Khó nhọc lắm Chú mới kéo được ông ta vào trong. Sau khi cho uống xong chén nước trà gừng nóng, ông khách lạ từ từ tỉnh lại.
            Từ lúc ông khách lạ ngất xỉu truớc cửa Chùa, Chú chỉ lo việc cứu cấp mà không có thời giờ để ý tới ông khách lạ, giây phút nguy hiểm đã qua, giờ đây Chú mới có thì giờ nhìn kỹ, từ nơi người khách lạ như có một cái gì quen quen làm Chú sững sờ đến kinh hồn. Một cảm giác quen thuộc từ xa xưa bỗng đâu kéo về:
            Hoàng Nhân và Bích Nga là đôi bạn trẻ, thân nhau từ nhỏ, lớn lên học cùng trường. Ngoài những giờ học mỏi mệt, vui nhộn, cuối tuần cả hai đều về Chùa để dạy lớp tiếng Việt miễn phí cho những em bé Việt Nam sanh và trưởng thành tại Hoa Kỳ, và những em bé đến từ Viết Nam, nhưng chưa biết tiếng Việt. Ngày tháng trôi qua, tình cảm của tình yêu trai gái đến với họ thật êm đềm, đầm ấm như ánh nắng ban mai. Họ yêu nhau tha thiết, nhưng rồi cũng đau đớn vì mối tình nầy không được sự bằng lòng của gia đình Bích Nga, mặc dầu Bích Nga đã hết sức thuyết phục ba mẹ, và Hoàng Nhân cũng đã cố gắng hết sức mình để tạo sự cảm thông của gia đình Bích Nga. Quá thất vọng, Hoàng Nhân đưa ý định rủ người yêu trốn nhà ra đi, để cùng nhau đến một phương trời xa lạ chung sống. Bích Nga không chịu, trước sau như một, nàng nhất nhất không bằng lòng chọn giải pháp trốn nhà ra đi chung sống với người yêu, nàng viện dẫn:
            - Anh Hoàng Nhân ạ! Em biết anh yêu quí em vô cùng, em cũng thương yêu anh nhiều lắm. Nhưng em vẫn thường nghĩ rằng thân thể này không chỉ là riêng em, mà là của cha mẹ, ông bà tổ tiên trao truyền lại. Nếu em bỏ nhà ra đi theo anh thì cha mẹ em rất khổ, mà cha mẹ anh cũng chẳng vui, thanh danh nhà em mất, mà thanh danh nhà anh cũng không còn. Em nghĩ chúng ta hãy ráng chờ đợi thêm một thời gian nữa, hy vọng cha mẹ chúng ta hiểu và thương chúng ta, chừng đó chắc chắn sẽ tán thành cuộc tình duyên của hai chúng mình.
            Hoàng Nhân vốn thương yêu, quý trọng Bích Nga, nên khi nghe nàng nói thế thì Hoàng Nhân cũng đành chịu, chàng nói:
            - Mọi việc tính như thế nào cũng được, miễn làm sao em thấy vui là được.
            Niềm tin yêu lớn mạnh đó cuối cùng cả hai Hoàng Nhân và Bích Nga đã chuyển hoá được những người thân, và được gia đình Bích Nga cho phép làm đám cưới trong một ngày rất gần. Chiều nay sau khi chia tay với Bích Nga ở chùa về, Nhân đang lui cui lo bữa tối, thì một cú điên thoại từ Việt Nam gọi qua, trong ống nghe Hoàng Lam, chị ruột của Hoàng Nhân cho biết:
- Nhân, em có khoẻ không, chị gọi thăm em và tin cho em biết là mẹ đang đau nặng. Tuổi thọ của mẹ không biết còn bao nhiêu, vì vậy em phải ráng thu xếp công việc bên ấy rồi về thăm mẹ nghe em.
Nghe chị Hoàng Lam nói thế, Hoàng Nhân hoảng hốt hỏi chị:
- Mẹ đau như thế nào mà chị kêu em về gấp?
Ðầu dây bên kia tiếng chị Hoàng Lam:
- Mẹ đau bệnh già, nhưng người già em biết rồi, thường nằm nghĩ vơ vẩn đến con cháu, hết đứa nầy rồi đến đứa khác. Tuy nhiên đối với em, vì em là con út, vả lại em cách xa mẹ cũng lâu vì vậy mẹ muốn gặp em có thế thôi.
Hiểu được mọi sự việc, sau một thời gian suy tính, Nhân quyết định về quê hương thăm mẹ già, nên lật đật gọi điện thoại cho Bích Nga hay ý định của mình.
Từ lúc chia tay với Hoàng Nhân ở Chùa về, mặt dầu mệt nhưng Bích Nga cảm thấy tinh thần sảng khoái nhiều, lý do là ngày cưới gần kề, còn đang miên man suy nghĩ về việc tổ chức ngày cưới cho chu đáo thì tiếng chuông điện thoại reo, vì thế mà dòng tư tưởng bị cắt đứt. Trong điện thoại tiếng Hoàng Nhân:
- Bích Nga, em có mệt không? Anh có việc muốn bàn với em.
Bích Nga rất vui khi nghe tiếng nói của Nhân dù là hôm, sớm, chiều, trưa, bất cứ giờ nào cũng được miễn là Nhân điện thọai cho nàng, hoặc là nàng điện thoại cho Nhân là nàng thích. Có những lúc nói điện thoại với Nhân cả hai, ba tiêng đồng hồ mà không thấy chán, dĩ nhiên lần nầy cũng vậy, Bích Nga rất vui, nàng vội vã hỏi:
- Anh Nhân, anh có khoẻ không? anh muốn gì thì nói đi, em cũng muốn nghe gấp lắm.
Bên kia đầu giây, tiếng nói Nhân trịnh trọng hơn, rõ ràng hơn:
- Bích Nga em, má anh đau nặng bà muốn anh về gấp, em nghĩ như thế nào?
Bích Nga là người con gái hiểu biết, vả lại cũng là mẫu người con có hiếu, nên khi nghe nói mẹ của Nhân đau, nàng không có một lời phản kháng, trái lại nàng còn khuyến khích:
- Anh Nhân, anh cứ về thăm mẹ, em rất tán thành.
Thấy Bích Nga không phản kháng việc về quê hương của mình, Nhân rất lấy làm cảm động:
- Bích Nga, anh đi rồi em ở nhà phải ráng giữ gìn sức khoẻ, và ráng về chùa thường xuyên để giúp Thầy trụ trì nghe em.
Ngày về quê thăm mẹ già, Bích Nga đưa Hoàng Nhân ra tận phi trường, lúc chia tay cả hai ai cũng bùi ngùi lưu luyến.
Về tới phi trường Tân Sơn Nhất, Nhân thấy Anh, Chị tất cả đều có mặt tại phi trường. Niềm vui gặp lại người thân, Nhân ôm chầm lấy các anh chị trong tình hân hoan vô tận. Sau đó tất cả ra xe đi về nhà vì Nhân nóng lòng gặp mẹ.
Sau mấy ngày săn sóc thuốc men, sức khoẻ mẹ cũng từ từ hồi phục. Cũng trong thời gian đó Nhân thường thấy cô gái bên hàng xóm thường qua chơi thăm mẹ, thỉnh thoảng cô ta đòi đem quần của mẹ đi giặt, Nhân thấy không tiện lắm nhưng chị Hoàng Lam bảo đó là cô Xuân hàng xóm thường giúp mẹ. Thấy chị Hoàng Lam nói thế, Nhân cũng không nói gì thêm. Một hôm Nhân cùng người cháu trai đi thăm người chú ở Sài Gòn, lúc trở về nhà Nhân mới bật ngửa, là vì tất cả những quần áo của mình đã đưọc cô Xuân hàng xóm lục soạn ra để giặt. Thông thường thì quần áo của Nhân ít khi để cho người khác nhất là người lạ mặt giặt, trừ trường hợp đặc biệt Bích Nga là người có thể giặt được quần áo chàng mà thôi. Không muốn tình trạng đó kéo dài nên Nhân đã khéo léo nói với cô Xuân:
- Cô Xuân, cô đừng có giặt đồ của tôi nữa, tôi là Phật Tử tôi biết được nhân quả báo ứng, tôi không dám làm phiền đến cô. Cô giặt cho thì tôi rất cảm ơn nhiều, nhưng tôi chỉ sợ là cái ơn nầy tôi không trả cho cô được.
Xuân tỏ vẻ ngượng ngùng và nói:
- Việc nhỏ mà đâu có ân nghĩa gì, thấy anh từ chỗ sung sướng về nơi quê cực nhọc phải giặt đồ bằng tay, sợ anh không quen nên em làm chút việc cho anh chớ đâu có ân nghĩa gì.
Thời gian một tháng trôi qua, cơn bệnh nguy hiểm không còn đe dọa nữa, và thấy sức khoẻ của mẹ phục hồi nhanh chóng, nên Nhân quyết định trở lại Hoa Kỳ. Ngày chuẩn bị về lại Hoa Kỳ, Nhân mới phát giác là cuốn sổ nhật ký bị mất lúc nào mà Nhân không hay. Trong cuốn sổ thật ra cũng không có gì quí giá, chỉ có điều cuốn nhật ký đó có số điện thọai và những đoạn văn ghi lại những chi tiết về những cuộc gặp gở giữa Nhân và Bích Nga. Ðó là những kỷ niệm mà Nhân trân quý nhất mà thôi, nhưng khi hỏi mọi người trong gia đình thì không ai biết người nào lấy và tại sao mất. Cũng may những giấy tờ tùy thân để có thể trở lại Hoa Kỳ Nhân cất ở trong vali nên vẫn còn nguyên vẹn.
Ngày trở lại Hoa Kỳ, niềm vui lớn nhất của Nhân là gặp lại Bích Nga tại phi trường Los Angeles, cả hai cùng thương nhớ khôn cùng, và cả hai cùng trò chuyện, hết chuyện nầy đến chuyện khác quên cả đường lối về nhà. Câu chuyên trên đường càng xa thì càng thấm thiết, Bích Nga nắm chặt tay Nhân và thủ thỉ:
- Hiện tại ba mẹ em không còn phản đối nữa, việc hôn nhân của chúng ta anh tính như thế nào?
Nhân nói trong vui vẻ:
- Thì bây giờ anh cưới em chứ như thế nào, hơn nữa anh có nói cho mẹ anh biết chuyện nầy rồi, không những vậy anh còn đưa hình của em cho mẹ anh coi nữa. Bà rất bằng lòng khuôn mặt dễ thương của em.
Bích Nga cười và mắng yêu:
- Xạo, anh chuyên môn nói xạo, miệng của anh thoa mở trơn lắm đó ai mà tin lời của anh.
Nhân cũng cười:
- Em thì tổ đa nghi, không chịu tin ai hết, chắc em là con cháu mấy đời của Tào Tháo...
Sau khi từ giã người yêu, Bích Nga vừa bước vào nhà thì một cú điện thoại gọi từ Việt Nam, người bên kia đầu dây cho biết cô ta tên Xuân cũng là vợ mới cưới của Nhân, và muốn biết coi Nhân về đến nơi có bình yên không. Nghe lời của bên kia đầu dây nói, đầu óc Bích Nga bỗng nhiên nặng trĩu, nàng buông thõng điện thoại lúc nào cũng không hay biết. Trong một thoáng suy tư, Bích Nga cho rằng Nhân đã lừa dối nàng nên quá thất vọng và xỉu ngay tại chỗ.
Sau đó lại thường có những cú điện thoại tương tự như vậy, điều nầy cũng làm cho Bích Nga buồn phiền không ít. Sau những lần tìm hiểu, và mặc dầu Nhân cũng đã đem sự thật như đã xảy ra tại Việt nam kể lại cho Bích Nga nghe, tuy nhiên Bích Nga thì cho rằng sự việc không đơn giản như Nhân đã nói. Cuối cùng Bích Nga đã viết một lá thơ vĩnh biệt gởi đến Hoàng Nhân, trong thơ Bích Nga nói sự ra đi của mình, và sau cùng cầu mong Hoàng Nhân hãy vì tương lai của một đời con gái mà chấp nhận cuộc hôn nhân của Xuân.
Mãi nhớ lại chuyện cũ mà ông khách đã tỉnh lại từ hồi nào. Sau một hồi nhìn Chú Tâm Từ sững sờ, ông khách lên tiếng:
- Xin lỗi cho phép tôi được hỏi. Có phải là Bích Nga đó không?
Không từ chối câu trả lời của ông khách, Chú Tâm Từ ôn tồn nói:
- Mô Phật, chính em là Bích Nga.
Người khách lạ đó không ai xa lạ chính là Hoàng Nhân, người tình xưa của Bích Nga. Trong niềm hân hoan, Hoàng Nhân thì thào:
- Bích Nga, em có khoẻ không? Em đi đâu biệt tích, làm anh tìm kiếm khắp mọi nơi. Sao em đành lòng bỏ anh ra đi mà không cho anh một cơ hội gặp mặt lần cuối. Bao năm rồi em có biết anh khổ lắm không? Em biết không anh giống như người sống trong mộng không?
Trong cơn vui mừng xúc động Hoàng Nhân nói một hơi dài, ngưng một chút lấy hơi chàng nói tiếp:
            - Sau khi nhận thư em, anh đến nhà tìm em, biết em đã bỏ nhà đi. Một năm trời anh xin nghỉ việc để đi tìm kiếm em mọi nơi mà không gặp. cuối cùng anh nghĩ nếu giữa chúng ta còn có duyên phận thì sẽ gặp lại nhau. Thế là mỗi tối anh đều khẩn cầu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát ban pháp nhiệm mầu cho anh để anh sớm tìm gặp lại em. Song song với việc cầu nguyện, anh luôn luôn thăm hỏi các chùa coi em có ở đó không, nhưng tất cả điều không có kết quả. Cách đây không lâu anh có được     một người bạn cho anh biết là dưới chân núi Chu Cúc có một ngôi chùa nhỏ, vị trụ trì ngôi Chùa đó rất dễ thương, tuy ông là một vị thầy nhưng tướng tá lại giống tướng của một cô gái hơn là đàn ông. Theo sự diễn tả của người bạn làm anh có chút linh cảm người đó chính là em, thế là anh vội vả đi tìm và đã gặp em ở đây như em đã biết.
            Hoàng Nhân sau khi gặp lại Bích Nga, chàng tưởng chừng như sợ Bích Nga biến mất, hoặc không còn có cơ hội gặp lại Bích Nga, nên chàng nói một hơi dài. Ðến đây như chợt nhớ ra điều gì chàng hỏi:
            -  Tại sao em lại là Chú Tâm Từ?
            Nhìn ngoài trời, ánh nắng ban mai ẩn hiện trên cành cây kẽ lá ngoài đồng nội, đôi mắt mơ màng nhớ lại chững chuyện xưa, với giọng nói thân thương Bích Nga nói:
            - Thưa anh, sau khi rời khỏi gia đình, tâm trạng em lúc đó rất là buồn nản, em nghĩ ngoài cha mẹ và gia đình em ra, anh là người đàn ông duy nhất mà em quý trọng. Mối tình đầu em đã trọn vẹn trao hết cho anh, nhưng em thấy như anh không có thật tình thương em, nên đôi lúc em cũng không muốn sống, tuy  nhiên em làm không được vì nhớ đến lời Phật dạy: Tự tử, quyên sinh là hình thức chạy trốn thực tế. Không phải chết là hết oan nghiệp, mà phải tự mình can đảm giải trừ oan nghiệp ngay trong cuộc đời hiện tại nầy. Vì thế mà em nghĩ trong tháng rộng năm dài nầy em phải sống và phải sống một cuộc sống có ý nghĩa. Cuối cùng em đã thấu suốt lời dạy của chư Phật, và từ đó em tập sống theo những hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, tập lắng nghe cho cuộc đời bớt khổ, tập ngồi nghe với tâm không thành kiến, tập ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và những điều không nói, tập dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người, tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau, để thấy được tự tánh vô thường, vô ngã của vạn vật, tập biết đem con mắt và trái tim hiểu biết đi vào cuộc sống  để có thể sáng đem niềm vui cho người, chiều giúp cho người bớt khổ, và tập coi hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và em nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. Với những ý nghĩ đó mà em thấy nếu quả thật anh đã cưới Xuân rồi thì hạnh phúc của Xuân cũng là hạnh phúc của anh, vì trong em vẫn còn mãi mãi hình bóng của anh, do đó mà hạnh phúc của anh chính là hạnh phúc của em. Dù cho trong em không còn hình bóng của anh đi nữa, nhưng anh cũng là con người như bao nhiêu chúng sanh khác, nên em phải có bổn phận trân quý hạnh phúc của anh. Giải pháp tốt nhất là xuất gia mới có thể chuyển hóa tình yêu gia đình trở thành tình yêu chúng sanh nhân loại.
            Hoàng Nhân vốn quý mến Bích Nga, nay nghe những điều nàng nói qua sự thực tập giáo pháp của Phật, Hoàng Nhân lại càng quý mến nhiều hơn, nhưng vẫn chưa hết thắc mắc Hoàng Nhân hỏi:
            - Em vì muốn đem tình thương của mình trang trải cho chúng sanh nhân loại việc đó anh cũng thấy rất trân quý, nhưng sao em lại giả trai:
            Thấy Hoàng Nhân thắc mắc Bích Nga ôn tồn đáp:
            - Thật ra em không muốn giả trai nhưng vì tìm mãi không có một ngôi chùa ni nào để em có thể thực hiện tâm nguyện của mình, cuối cùng em mới nghĩ ra cách là phải giả trai mới có thể ở chùa tăng được. Sự giả trai của em không qua mắt được sư phụ, nhưng vì tâm lượng từ bi của ngài nên người cũng hoan hỷ và phương tiện để cho em được xuất gia tu học, thế là Sư Phụ cho em pháp danh là Tâm Từ.
            - Nhưng sao em lại ở đây?
            - Sau khi Sư Phụ viên tịch em xin phép Sư Huynh trụ trì về Việt Nam tu học. Lúc đầu em định học giáo lý một thời gian cho vững vàng rồi trở lại Hoa Kỳ hành đạo, nhưng có một dịp trên đường về thăm lại Ban Mê Thuột, nhưng xe vừa đến nơi nầy thì bị hư máy không chạy nữa được. Trong lúc chờ đợi để đón xe khác thì em mới phát giác ra nơi nầy có một trại cùi, và được biết ở đây thiếu thốn đủ mọi phương diện, nên em phát tâm về đây lập một đạo tràng nho nhỏ trước là để tu tập, sau là có thể đem chút ít tình thương trang trải cho nhân loại. Ðó là lý do có ngôi Chùa nhỏ như anh đã biết.
            - Anh có nghe người ta đồn là em giúp đỡ dân làng, và trại cùi, cũng như là những gia đình nghèo khó rất là chu đáo, việc đó có đúng như những lời đồn không? Làm thế nào mà em có phương tiện tốt như vậy?
            Không một chút suy nghĩ, Bích Nga thành thật nói:
            - Người ta đồn quả thật không sai. Thật ra em cũng không có tài cán gì, mà là nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ nên mọi việc thuận lợi nhịp nhàng như mong cầu. Số là trước khi xuất gia, em cũng có một số vốn nho nhỏ. Một phần em cúng Chùa, một phần em gởi vào ngân hàng, những tiền kiếm lời đó em chi dùng cho công tác từ thiện, cộng thêm vào đó, những người có hảo tâm khi biết được mục đích từ thiện của em họ cũng tự động quyên góp để hỗ trợ cho em cho nên em mới có đủ phương tiện như anh đã nghe, biết.
             Nghe những lời tâm sự của Bích Nga, Hoàng Nhân thở ra nhẹ nhõm:
            - Nghe em nói như vậy anh rất là yên lòng, từ ngày xa em đến nay anh luôn luôn nguyện cầu cho em được khỏe mạnh, và lòng mong mỏi duy nhất của anh là có một ngày nào đó để gặp lại em, anh nói đầu đuôi câu chuyện cho em rõ những sự việc hiểu lầm đáng tiếc đã xảy ra, và đó cũng là lý do chia cách cuộc tình duyên của chúng mình. Nhưng khi anh tìm được em rồi thì anh cũng đã mãn nguyện. Còn việc hiểu lầm đó em có muốn nghe lại chuyện cũ không?
            Nghe Hoàng Nhân nhắc lại chuyện cũ, Bích Nga hơi do dự:
            - Chuyện đã qua rồi anh còn muốn nhắc lại làm gì? Dầu gì đi nữa thì sự việc cũng không có gì thay đổi, em nghĩ cũng không nên nhắc lại để cho thêm buồn.
            Hoàng Nhân gật gật đầu tỏ vẻ tán thành, nhưng ồn tồn khuyến khích:
            - Anh hoàn toàn đồng ý với quan điểm của em. Việc đã qua thì cũng nên cho nó qua, tất nhiên là không thay đổi được gì trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng anh muốn nói lên lòng chân thành của anh, trước và sau vẫn một lòng thương quý em.
            Nghe Hoàng Nhân nói thế, Bích Nga có vẻ xiêu lòng nói:
            - Thôi được anh muốn nói gì thì nói đi.
            Thấy Bích Nga đã bằng lòng nghe nhắc lại chuyện xưa, Hoàng Nhân mừng rỡ nói:
            - Cảm ơn em đã cho anh cơ hội. Chuyện ngày xưa xảy ra, phần đầu câu chuyện thì như em đã nghe anh nói, còn phần sau thì em chưa được nghe, mà chính anh, anh cũng mới biết người đánh cắp cuốn sổ tay nhật ký của anh.
            Hoàng Nhân ngừng một chút để lấy hơi, chàng ôn tồn nói trong buồn rầu:
            - Em biết không? Người đánh cắp cuốn sổ nhật ký của anh chính là Xuân cô gái đã giặt đồ cho anh. Xuân đọc nhật ký biết em là người vợ sắp cưới của anh, nên thâm mưu của cô ấy là ly gián chúng ta, và bước thứ hai là cô ấy thuyết phục mẹ anh, bảo anh cưới cô ta. Lý do đơn giản là cô ấy muốn sau khi cưới rồi thì anh sẽ bảo lãnh cô ta ra nước ngoài. Sự việc nầy lúc đầu mẹ cũng không nói, nhưng khi thấy anh buồn và luôn nhớ đến em, cuối cùng thì mẹ anh mới nói thật cho anh biết. Thật ra không phải bà không có thương quý em, nhưng mà cô Xuân biết lấy lòng nên thường đến giúp đỡ chuyện lặt vặt, vì vậy mà mẹ anh cũng có cảm tình, nên bà làm lơ để Xuân làm gì thì làm. Câu chuyện đơn giản như vậy chớ anh không có ý nào phản bội em đâu.
            Nghe Hoàng Nhân thuật lại những diễn biến, Bích Nga lẳng lặng nghe, trong khi nước mắt chảy dài trên đôi má. Thấy thế Hoàng Nhân an ủi:
            - Bích Nga em, thôi đừng có buồn. Nhân duyên đã làm cho chúng ta gặp nhau, nhưng lại không có nợ nên cuộc tình duyên nầy không thành. Một điều anh rất mãn nguyện là anh đã có thể nói hết tâm sự của anh cho em nghe. Một lần nữa anh cũng thành thật mong em hoan hỷ thứ lỗi cho anh những lầm lỗi trong thời gian qua đã làm cho em nhiều đau khổ.
            Ngừng một chút Hoàng Nhân nói tiếp:
            - Những gì anh muốn nói với em thì anh cũng đã nói hết rồi, chúc em tiến tu, và khoẻ mạnh trên con đường phụng sự chúng sanh. Anh đi đây, chào em. Vừa nói Hoàng Nhân từ từ đứng dậy, tuy nhiên chàng không còn đủ sức để đứng dậy, và từ từ ngất xỉu.
            Nghe chim hót ngoài rừng, Hoàng Nhân giật mình tỉnh giấc, thấy mình đang nằm trên giường, trong ngôi chùa nhỏ. Ký ức nhớ lại những diễn tiến từ lúc tìm đến ngôi Chùa nhỏ, cho đến lúc gặp được Bích Nga để giải bày tâm sự. Vì nhiều ngày tháng mòn mỏi tìm Bích Nga nên tinh thần cũng như thể chất đã suy kiệt, đến lúc gặp được Bích Nga vì quá mừng rỡ cho nên Hoàng Nhân đã thu hết hơi sức còn lại để trình bày với người yêu, cho đến lúc xong việc và định từ biệt thì chàng ngất xỉu, tuy nhiên chàng không biết mình đã ngất xỉu trong khoảng thời gian bao lâu, còn đang miên man suy nghĩ, Bích Nga vào. Thấy Hoàng Nhân đã tỉnh lại Bích Nga mừng rở nói:
            - Anh đã tỉnh lại rồi. Anh biết không, Anh đã bất tỉnh hết một ngày một đêm rồi đó, Anh làm cho em lo quá chừng chừng. Bây giờ sức khỏe của anh ra sao?
            Thấy Bích Nga vào, và có vẻ lo lắng cho sức khỏe của mình, một niềm vui vô tận nào đó len lỏi trong tâm hồn, nên Hoàng Nhân cũng mừng rở pha trò:
            - Anh đã bất tỉnh một ngày một đêm thật sao? Ðược sự tận tình săn sóc của Ðại Ðức Trụ Trì, nên bệnh tình của tại hạ cũng khỏe mạnh nhiều. Thành thật cảm ơn Sư Phụ.
            Thấy Hoàng Nhân pha trò Bích Nga cũng cảm thấy vui vui, những cảm giác thân thương từ xưa lại trở về, Bích Nga mắng yêu:
            - Xạo, anh đừng có xạo, miệng của anh lúc nào cũng như vậy, bao nhiêu ngày tháng rồi mà cũng không tu cái miệng của anh. Ở đây người Sư Phụ nầy khó lắm đó. Kỷ luật trong bản tự nghiêm minh, anh mà không biết tu sửa cái miệng của anh, thì coi chừng quỳ nhang ngày không biết bao nhiêu lần đó nhé.
            Nghe Bích Nga nói thế, Hoàng Nhân mừng rỡ hỏi:
            - Như thế là sao, em không đuổi anh đi phải không?
            Bích Nga làm bộ nghiêm nét mặt:
- Ai nói là không đuổi anh đi. Sư Phụ nói, nếu mà anh muốn ở lại đây thì nhất nhất phải theo quy luật của bản tự, nghĩa là anh phải tu thân, miệng, ý cho đưọc trong sạch, và phải chịu theo sự hướng dẫn của sư phụ.
Nghe Bích Nga nói thế Hoàng Nhân rất vui mừng, nên pha trò:
- Ðược Sư Phụ thu nhận và tận tình chỉ giáo, đệ tử xin ghi lòng tạc dạ phụng hành.
Cả hai cùng cười.
Tuần lễ sau đó, dân làng sống dưới chân núi Chu Cúc thấy có thêm hai ngôi tịnh thất xinh xắn, một bên trái, một bên phải cạnh ngôi chùa nhỏ, đó là tịnh thất Chú Tâm Từ và của Hoàng Nhân, giờ đây là Chú Tâm Bi. Hằng ngày cả hai Chú Tâm Từ và Tâm Bi thường đi bộ đến trại cùi. Ở trại cùi, Chú Tâm Từ thì săn sóc bệnh nhân, còn Chú Tâm Bi thì kể chuyện đạo, giảng dạy giáo lý giải thoát cho bệnh nhân nghe. Ngoài tài kể chuyện thuyết pháp, Chú Tâm Bi còn có giọng ca rất phong phú truyền cảm, Chú đã dạy cho những bệnh nhân những bài thiền ca, những bản nhạc khi hát lên có thể chuyển hóa những nội kết khổ đau, cũng có thể khuyến khích mọi người cùng nhau tiến trên con đường đạo hạnh. Kể từ ngày có thêm Chú Tâm Bi, cả làng Chu Cúc ai ai cũng cảm thấy an vui hơn, đặc biệt là những bệnh nhân trong trại cùi họ càng tin yêu sự thoát kiếp chuyển hoá ở thân sau của họ, vì vậy từ trẻ cho chí già ai ai cũng nỗ lực tu tập.
Công việc tu học cũng như chương trình từ thiện càng lúc càng phát triển rộng rãi dưới sự hướng dẫn của hai Chú Tâm Từ và Tâm Bi, vì vậy mà thập phương bá tánh xa gần ai cũng nghe biết. Và cũng từ đó có nhiều tăng ni trẻ khắp nơi về tu học, và tham gia vào công tác từ thiện. Việc Chú Tâm Từ là gái giả trai, ngoài Tâm Bi ra không có một ai biết được Chú là ai, lý lịch ra sao. Tất cả mọi người chỉ biết Chú là một người rất dễ thương dễ mến, có thể chia xẻ những đau khổ, và cũng là người có khả năng đem lại niềm tin yêu và hạnh phúc đến cho mọi người. 
-- o0o --