Sự Thị Hiện
& Phật Sự Của Ðức Phật
Nhất Quán
--o0o--
  
            I- Quốc Ðộ Ðản Sanh
Ðức Phật giáng sanh ở xứ Trung Ấn Ðộ, bây giờ là Népal, một nước ở ven sườn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, là một dãy núi cao nhất thế giới. Dân cư ở xứ đó rất là thuần lương. Vị vua trị vì quốc gia nầy tên Tịnh Phạn, một vị vua thuộc dòng họ Thích Ca, là một dòng họ lớn đã mấy mươi đời nối nghiệp trị vì đất nước nầy. Bà Hoàng Hậu Ma Da cũng là một người thuộc dòng họ vua chúa lâu đời. Cả hai, Vua và Hoàng Hậu đều là người đã nhiều đời nhiều kiếp tu hành có đức hạnh lớn, xứng đáng làm cha mẹ muôn dân.
Một hôm, trong thành Ca Tỳ La Vệ là kinh đô của Vua Tịnh Phạn, có lễ vía Tinh Tú, vua tôi cùng nhau mở hội ăn chơi. Hoàng Hậu Ma Da sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện rồi, Bà ra ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho dân nghèo. Khi trở về cung nghỉ ngơi, Bà nằm mộng thấy con voi trắng sáu ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu của Bà mà chun vào. Bà đem điềm chiêm bao ấy thuật lại cho Vua Tịnh Phạn nghe. Vua ra lịnh cho mời các thầy đoán mộng vào hoàng cung để thăm hỏi. Các nhà tiên tri đoán rằng Hoàng Hậu sẽ sanh một vị quý tử tài đức song toàn.
Thời gian thấm thoát trôi qua, sắp đến ngày khai hoa nở nhụy. Theo tục lệ xưa của người Ấn Ðộ, khi sanh sản người phụ nữ phải trở về quê quán của cha mẹ ruột để sanh, Ma Da Hoàng Hậu cũng không ngoài thông lệ đó. Trên đường về quê mẹ để sanh, Bà ghé thăm vườn Lâm Tỳ Ni, vườn nầy cách thành Ca Tỳ La Vệ 15 cây số. Ðang lúc ngoạn cảnh, Bà trông thấy cành hoa Vô Ưu mới nở thơm ngát, Bà đưa tay phải vói hái, thì Thái Tử cũng vừa xuất hiện. Khi vừa ra đời Thái Tử bước đi bảy bước, mỗi bước chân đi của Thái Tử đều có hoa sen nở, cùng lúc  một tay chỉ trên trời, một tay chỉ dưới đất nói:
- Trên trời dưới trời chỉ có ngã là được tôn quý nhất.
Nói xong Thái Tử nằm xuống cũng như bao nhiêu đức bé sơ sanh khác. Ngày ra đời của Thái Tử, trong thành Ca Tỳ La Vệ, cảnh vật đều vui vẽ lạ thường, khí hậu mát mẻ, trên hư không chim chóc ca hót, và hào quang chiếu rạng mười phương.
II- Thời Kỳ Tu Bồ Tát Ðạo
Theo thuật ngữ của Phật Giáo, khi nói đến sự hiện diện của Ðức Phật Thích Ca trong cõi đời nầy, người ta thường dùng chữ Ðản Sanh, nghĩa là một sự ra đời vui vẻ, làm cho hân hoan, xán lạn cõi đời. Ý nghĩa nầy dùng để ca tụng một bậc tôn quý ra đời. Cũng goị là Thị Hiện, nghĩa là hiện ra bằng xương bằng thịt cho mắt trần chúng sanh thấy được. Ý nghĩa nầy muốn nói Phật bao giờ cũng có cả, nhưng con mắt phàm tục của chúng sanh không thấy, nên phải hiện rõ ràng. Cũng gọi là Giáng Sanh, nghĩa là từ một nơi cao xuống một chỗ thấp mà sanh ra. Ý nghĩa nầy hàm ý Ðức Phật từ một cảnh giới cao hơn, đầy đủ phước báo hơn mà hạ xuống cảnh giới phàm trần nầy. Ba từ ngữ ấy tuy có khác nhau nhưng tất cả đều dùng để chỉ cho sự ra đời của Ðức Phật, vì lòng từ bi mà giáng sanh hay thị hiện ra cõi đời, để làm lợi ích cho chúng sanh. Trái lại, một con người phàm tục như chúng ta ra đời thì gọi là đầu thai vì bị nghiệp báo hoặc phước báo mà sanh ra để chịu phước quả lành hay nghiệp báo dữ.
Bồ Tát do nguyện lực mà thành, Phật do tu nhiều đời nhiều kiếp mà thành, vì vậy được gọi Bồ Tát, là người có chí nguyện tìm cầu đạo Bồ Ðề. Là những con người có thể xã bỏ tự thân, làm tất cả những thiện sự để phụng sự chúng sanh, nói cách khác là tận lực hạ hóa chúng sanh, mà việc làm đó là một bộ phận của Nhất Thiết Trí, hoặc là chuẩn bị để đạt đến Nhất Thiết Trí, theo lập trường nầy người có chí nguyên tu như thế thì gọi là Bồ Tát. Bồ Tát mà chúng tôi muốn nói ở đây trước sau vẫn chỉ là tiền thân của chư Phật nói chung, và tiền thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng. Trước khi ngài làm Bổ Xứ Bồ Tát tại cung trời Ðâu Suất thì từ trong vô lượng vô số kiếp về trước, ngài đã từng vào ra sanh tử luân hồi dưới nhiều hình thức, nhiều thân phận, và với những hạnh nguyện tu hành, những phật sự quảng đại vô lượng vô biên, bất khả tư nghì, tất cả thế gian, Chư Thiên và Người không thể biết được. Ngay cả tam thế Thanh Văn, Ðộc Giác cũng không biết được. Theo Trong Kinh Hoa Nghiêm diễn tả những phật sự khi Ðức Phật Thích Ca tu hành từ lúc còn tu nhân đến lúc làm vị Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát ở cung trời Ðâu Suất như sau:
Phật Sự Quảng Ðại Thứ Nhất: Tại Cung Trời Ðâu Suất
Nơi tận hư không, khắp pháp giới tất cả thế giới cung trời Ðâu Suất, bậc Bồ Tát thị hiện thọ sanh tu hạnh Bồ Tát làm Phật sự lớn, với vô lượng sắc tướng, vô lượng oai đức, vô lượng quang minh, vô lượng âm thanh, vô lượng ngôn từ, vô lượng tam muội, vô lượng trí tuệ, những phật sự to lớn đó, tất cả đều hồi hướng đến những chúng sanh ở các cõi: Trời, Người, Ma Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, A Tu La..v..v.., tất cả đều với tâm đại từ vô ngại, đại bi rốt ráo, với tâm bình đẳng mà làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Hoặc làm cho họ sanh lên cõi trời, cõi người. Hoặc làm cho các căn của họ trở nên thanh tịnh, hoặc điều phục tâm của họ. Có lúc vì họ mà phương tiện nói ba thừa sai khác, hoặc có lúc nói viên mãn nhứt thừa, để tế độ cho chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi. Tất cả những phật sự đó không ngoài mục đích:
1- Vì chư Thiên Tử ở cõi Dục Giới mà nói pháp nhàm lìa. Bảo rằng tất cả tự tại đều là vô thường, tất cả những khoái lạc đều sẽ suy mất, khuyên chư Thiên Tử nên phát tâm Bồ Ðề.
2- Vì chư thiên ở cõi Sắc Giới mà nói cách nhập xuất các thiền tam muội giải thoát. Nếu ở trong đây mà sanh lòng ái trước, thời nhân nơi ái trước mà phát khởi thân kiến, tà kiến, vô minh..v..v..Vì họ nói trí huệ như thật. Nếu họ đối với những pháp sắc không phải sắc mà phát khởi tư tưởng điên đảo cho là thanh tịnh, thời vì họ mà nói bất tịnh đều là vô thường. Khuyên họ nên phát Bồ Ðề tâm.
3- Vì chúng sanh trong mười phương thế giới, nên trong lúc Ðại Bồ Tát ở thiên cung nhập tam muội tên là Quang Minh Trang Nghiêm. Từ nơi thân phóng quang minh chiếu khắp đại thiên thế giới, tùy tâm chúng chúng sanh mà dùng các thứ âm thanh để thuyết pháp. Chúng sanh nghe pháp xong, tín tâm thanh tịnh, sau khi chết sẽ được sanh về cõi trời Ðâu Suất. Bồ Tát lại khuyên họ phát tâm Bồ Ðề.
4- Vì muốn cho chư Bồ Tát trong mười phương có đủ hành trang tu học, nên trong lúc Ðại Bồ Tát ở thiên cung dùng vô chướng ngại nhãn thấy khắp tất cả Bồ Tát trong cung trời Ðâu Suất ở mười phương. Chư Bồ Tát ở trong mười phương cũng đều thấy Ðại Bồ Tát ở thiên cung. Khi thấy nhau, chư Bồ Tát cùng nhau đàm luận về những việc như: Giáng thần, nhập thai, sơ sanh, xuất gia, qua đến đạo tràng, đủ sự trang nghiêm. Ðồng thời cũng thị hiện những công hạnh đã làm từ xưa đến nay. Do công hạnh đó mà thành tựu được đại trí và chứa nhóm tất cả các công đức.
5- Vì chư Bồ Tát trong mười phương muốn nghe diệu pháp, nên trong lúc Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung, thì chúng Bồ Tát ở tất cả cung trời Ðuất Suất mười phương đều vân tập đến vây quanh cung kính. Bấy giờ Ðại Bồ Tát muốn cho chư Bồ Tát đều được thỏa mãn tâm nguyện tu học, nên tùy theo chư Bồ Tát đáng ở bực nào, tùy theo sở hành, sở đoản, sở tu, sở chứng mà diễn thuyết pháp môn. Khi chư Bồ Tát đó nghe xong đều rất hoan hỷ.
6- Trong lúc Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung. Bấy giờ chúa ở cõi Dục, Thiên Ma Ba Tuần vì muốn phá hoại công nghiệp của Bồ Tát nên cùng quyến thuộc đến chỗ Bồ tát. Bồ Tát vì hàng phục ma quân nên trụ Kim Cang Ðạo Nhiếp Bát Nhã Bát Nhã Ba La Mật Phương Tiện Thiện Xảo Trí Huệ Môn, dùng hai lời nói nhu nhuyễn và thô bạo mà thuyết pháp cho họ, làm cho Ma Vương Ba Tuần không hại được. Ma Quân thấy oai lực tự tại của Bồ Tát nên phát tâm Bồ Ðề Vô Thượng.
7- Vì biết chư Thiên Tử ở cõi Dục Giới không thích nghe Pháp nên trong lúc Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất thiên cung phát tiếng to bảo họ rằng: Ngày nay Bồ Tát ở trong Thiên Cung sẽ hiện sự hy hữu, nếu muốn được thấy thời phải mau đến. Chư Thiên Tử nghe lời nầy xong đều vân tập đến cung trời Ðâu Suất, Bồ Tát vì họ mà hiện những sự hy hữu. Chư Thiên Tử được thấy nghe đều rất hoan hỷ thọ trì. Trong âm nhạc có tiếng bảo rằng: Nầy các ngài! Tất cả hành pháp đều vô thường, đều là khổ. Tất cả pháp đều vô ngã, là Niết Bàn tịch diệt. Rồi lại bảo rằng: Các ngài phải tu hạnh Bồ Tát để thành tựu viên mãn nhất thiết chủng trí. Chư Thiên Tử nghe xong, ai nấy cũng đều phát tâm vô thượng Bồ Ðề.
8- Vì muốn củng cố thêm đạo Bồ Tát nên trong lúc Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung, không rời bỏ bổn xứ của mình, nhưng lại có thể qua đến mười phương vô lượng tất cả chỗ của chư Phật, thấy chư Phật, có thể thân cận và lễ bái cung kính nghe Pháp. Bấy giờ chư Phật muốn cho Bồ Tát được pháp tối thượng quán đảnh nên nói Bồ Tát Ðịa tên là Nhất Thiết Thần Thông, dùng một niệm tương ưng trí huệ đầy đủ tất cả công đức tối thắng thể nhập vào quả vị Nhất Thiết Chủng Trí.
9- Vì muốn cúng dường chư Phật nên trong lúc Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung, dùng đại thần lực hiện khởi những đồ cúng dường tên là Thù Thắng Khả Lạc, khắp tất cả thế giới trong pháp giới hư không giới để cúng dường chư Phật. Trong các pháp giới ấy, có vô lượng chúng sanh thấy sự cúng dường nầy đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề
10- Vì muốn cho chúng sanh, sanh tâm hoan hỷ nên trong lúc Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung xuất sanh vô lượng vô biên như huyễn, như ảnh pháp môn cùng khắp mười phương tất cả thế giới, thị hiện những sắc, những tướng, những hình thể, những oai nghi, những sự nghiệp, những phương tiện, những ví dụ, những ngôn thuyết, tùy tâm chúng sanh đều làm cho họ hoan hỷ.
Bồ Tát thành tựu những pháp nầy rồi thì sau nầy mới có thể sanh xuống thế gian.
Phật Sự Quảng Ðại Thứ Hai: Hành Trình Của Bồ Tát Từ Ðâu Suất Giáng Trần.
Tất cả mọi người khi đầu thai, đều sanh lòng yêu ghét. Ðối với mẹ sanh lòng yêu thương thì đứa hài nhi ấy sẽ là con trai, ngược lại sẽ là con gái. Hơn nữa đối với chúng sanh vì nghiệp lực mà đầu thai nên, bất luận là nhập thai hay xuất thai đều không có ý thức mà chỉ tùy thuộc vào nghiệp lực sai xử. Trong khi đó bậc Ðại Bồ Tát vì nguyện lực mà thị hiện nên biết rõ tất cả mọi sự việc. Nên từ Ðâu Suất giáng thần vào thai mẹ, dùng Tam Muội rốt ráo quán pháp thọ sanh: Như huyễn, như hóa, như bóng, như hư không, tùy theo sở thích mà thọ vô lượng vô ngại, nhập pháp giới vô tránh, khởi trí vô trước, ly dục thanh tịnh, thành tựu tạng Diệu Trang Nghiêm Quảng Ðại, thọ thân rốt sau, trụ nơi lầu các đại bửu trang nghiêm mà làm phật sự. Có những lúc dùng thần lực mà làm phật sự. Hoặc dùng chánh niệm mà làm phật sự, hoặc hiện thần thông mà làm phật sự. Hoặc hiện cảnh giới quảng đại của chư phật mà làm phật sự. Có những lúc hiện vô lượng quang minh của chư Phật mà làm phật sự. Hoặc nhập vô số tam muội quảng đại mà làm phật sự. Có những lúc hiện từ tam muội đó khởi mà làm phật sự. Trước khi thác thai vào thai mẹ, từ các nơi trên thân của Ðại Bồ Tát, phóng ra những quang minh để báo trước sự xuất hiện của đấng Thiên Nhân Sư sắp giáng trần, đồng thời cũng là phương tiện giáo hóa chúng sanh:
1- Ðại Bồ Tát từ trời Ðâu Suất giáng sanh, từ chân phóng đại quang minh tên là An Lạc Trang Nghiêm, chiếu khắp cõi Ðại Thiên Thế Giới, tất cả các ác đạo, những chúng sanh hoạn nạn được quang minh chạm nhằm mình thời đều khỏi khổ được an lạc. Ðược an lạc rồi thời biết sắp có bậc đại nhân kỳ đặc xuất hiện thế gian.
2- Ðại Bồ tát ở trời Ðâu Suất lúc giáng sanh, từ trong tướng bạch hào giữa chân mày phóng đại quang minh tên là Giác Ngộ chiếu khắp Ðại Thiên Thế Giới, soi đến thân của chư Bồ Tát đồng hành với mình từ đời trước, Chư Bồ Tát đó được quang minh chiếu đến, biết Ðại Bồ Tát sắp giáng sanh, liền đem vô lượng đồ cúng dường đến chỗ Ðại Bồ Tát để cúng dường.
3- Ðại Bồ Tát ở trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, ở trong bàn tay hữu phóng đại quang minh tên là Thanh Tịnh Cảnh Giới đều có thể trang nghiêm thanh tịnh tất cả Ðại Thiên Thế Giới. Trong đây nếu có hàng Bích Chi Phật chứng được vô lậu, thấy biết quang minh nầy thời liền xả thọ mạng. Nếu những vị không hay biết thời oai lực của quang minh làm cho họ được hiểu biết. Tất cả những ma và các ngoại đạo, hàng chúng sanh có kiến chấp đều làm cho họ có được chánh kiến kiên cố, tất cả những chúng sanh do thần lực của Phật nhiếp trì, nên biết đại Bồ Tát sắp giáng sanh.
4- Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, từ đầu gối phóng đại quang minh tên là Thanh Tịnh Trang Nghiêm chiếu khắp các cung điện của chư thiên, dưới chiếu đến trời Hộ Thế Tứ Thiên Vương, trên chiếu suốt trời Tịnh Cư. Chư Thiên trong tất cả các cõi trời đều biết Ðại Bồ Tát ở cung trời Ðâu Suất giáng sanh, tất cả đều có lòng luyến mộ nên cùng nhau đem những tràng hoa, y phục, hương bột, hương thoa, phan lọng, kỷ nhạc đến chỗ Bồ Tát để cung kính cúng dường, đồng thời theo Bồ Tát sanh xuống cõi trần để hộ trì chánh pháp, từ lúc sơ sanh đến xuất gia, thành đạo, giáo hóa chúng sanh cho đến lúc nhập Niết Bàn.
5- Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, trong Tâm Tạng Kim Cang trang nghiêm nơi tướng chữ vạn phóng đại quang minh tên là Vô Năng Thắng Tràng, chiếu khắp tất cả thế giới mười phương đến thân của tất cả Kim Cang Lực sĩ. Khi biết được Ðại Bồ tát sắp giáng trần, thì có hàng trăm ức Kim Cang Lực Sĩ đều vân tập theo hầu hạ Ðại Bồ Tát từ lúc giáng sanh cho đến lúc nhập Niết Bàn.
6- Ðại Bồ Tát ở trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, từ tất cả các lỗ lông trên thân phóng đại quang minh tên là Phân Biệt Chúng Sanh, chiếu khắp Ðại Thiên Thế Giới, chạm đến thân của tất cả Bồ Tát, lại chạm đến tất cả Chư Thiên và người đời. Chư Bồ Tát đó đồng nghĩ rằng tôi phải ở lại đây để cúng dường đức Như Lai giáo hóa chúng sanh.
7- Ðại Bồ Tát ở trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh từ trong điện Ðại Ma Ni Bửu Tạng phóng đại quang minh tên là Thiện Trụ Quán Sát chiếu đến chỗ của Bồ Tát nầy sẽ sanh. Quang minh nầy đã chiếu xong, những Bồ Tát khác trong mười phương đều theo Ðại Bồ Tát xuống Diêm Phù Ðề, hoặc ở nơi nhà cư sĩ, hoặc ở tụ lạc, hoặc ở thành ấp mà thị hiện thọ sanh, để hỗ trợ Ðại Bồ tát trong công cuộc giáo hóa chúng sanh.
8- Ðại Bồ Tát ở trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh từ cung điện cõi trời và trong những đồ trang nghiêm nơi đại lâu các phóng đại quang minh tên là Nhất Thiết Cung Ðiện Thanh Tịnh Trang Nghiêm chiếu đến bụng của mẹ sẽ thác sanh. Quang minh chiếu xong, làm cho thánh mẫu an ổn vui vẻ, thành tựu đầy đủ tất cả các công đức. Trong bụng Thánh Mẫu tự nhiên có lâu các Quảng Ðại Trang Nghiêm với Ðại Ma Ni Bửu, nơi đây là chỗ sẽ ở của thân Bồ Tát.
9- Ðại Bồ Tát ở trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, từ dưới hai chân phóng đại quang minh tên là ThiệnTrụ. Nếu chư Thiên Tử và các Phạm Thiên sắp lâm chung được quang minh chạm đến thân thời đều được trụ thọ mạng dài lâu, và đến cúng dường Ðại Bồ Tát từ lúc mới hạ sanh cho đến lúc nhập Niết Bàn.
10- Ðại Bồ Tát ở trời Ðâu Suất lúc sắp giáng trần, từ nơi tám mươi tướng tuỳ hình, phóng đại quang minh tên là Nhật Nguyệt Trang Nghiêm, thị hiện những công nghiệp của Bồ Tát. Bấy giờ Người và Trời hoặc thấy Bồ Tát ở cung trời Ðâu Suất, hoặc thấy nhập thai, hoặc thấy sơ sinh, hoặc thấy xuất gia, hoặc thấy thành đạo, hoặc thấy hàng phục chúng ma, hoặc thấy chuyển pháp luân, hoặc thấy nhập Niết Bàn. Thấy được những tướng hy hữu đó rồi tất cả đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề.
Ðại Bồ Tát có lúc chính từ nơi bản thân, có lúc nơi tòa, nơi cung điện, có lúc trong lâu các phóng trăm muôn vô số đại quang minh như vậy đều hiển hiện những sự nghiệp của Ðại Bồ Tát để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Thị hiện những điều lợi ích nầy rồi thì đầy đủ tất cả các công đức nên từ cung trời Ðâu Suất sanh xuống nhân gian.
Phật Sự Quảng Ðại Thứ Ba: Trong Thai Mẹ
            Sau khi nhập thai, một thai nhi bình thường, lẽ tất nhiên đều theo thứ tự phát sinh thông thường, như từ lúc tinh cha huyết mẹ kết hợp, cho đến sinh ra đời tất cả đều chịu sự chi phối theo nghiệp lực, trong khi đó Ðại Bồ Tát khi thị hiện vào trong thai mẹ, thì theo lập trường của Thượng Tọa Bộ nói rằng: Bồ Tát trong thai mẹ không nhiễm các nhơ bẩn trong thai, không nhiễm sự cấu uế của máu thịt cho đến các sự bất tịnh khác. Trong thai mẹ bậc Ðại Bồ Tát vì muốn làm lợi ích cho tất cả thế gian nên hiện nhiều cách để làm phật sự. Như có lúc hiện làm sơ sinh, có lúc hiện làm đồng tử, hoặc hiện tại cung, hoặc hiện xuất gia, hoặc thị hiện thành đẳng chánh giác, hoặc thị hiện chuyển diệu pháp luân, hoặc thị hiện chuyển nhập đại niết bàn. Ðại Bồ Tát đều dùng các thứ phương tiện ở nơi các phương, tất cả các thế giới mà làm phật sự. Theo Kinh Hoa Nghiêm thì những lợi ích khi bậc đại Bồ Tát lúc còn đang trong thai mẹ như sau:
1- Ðại Bồ Tát vì muốn khai thị những chúng sanh với tâm nhỏ, trí kém, không muốn cho họ nghĩ rằng: Ðức Ðại Bồ Tát nầy tự nhiên có được trí huệ thiện căn, chứ không phải những trí huệ thiện căn nầy có được từ những công phu tu tập. Vì cớ đây Bồ Tát thị hiện vào thai mẹ.
 2- Ðại Bồ Tát vì muốn cho cha mẹ và quyến thuộc, cùng với những chúng sanh đồng tu thiện căn từ đời trước nhớ lại kiếp trước, và vì những người nầy cần thấy Bồ Tát ở thai mẹ mới có thể thành thục những thiện căn mà họ đã có. Vì vậy mà Bồ Tát cần thị hiện vào thai mẹ.
3- Ðại Bồ Tát lúc vào thai mẹ, luôn luôn chánh niệm, chánh tri không mê lầm. Ðã ở thai mẹ, tâm Bồ Tát hằng chánh niệm cũng không lầm loạn.
4- Ðại Bồ Tát ở thai mẹ thường diễn thuyết pháp, chư Ðại Bồ tát ở mười phương thế giới cùng Ðế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Tứ Thiên Vương đều đến tập hội, đều làm cho được vô lượng thần lực, vô biên trí tuệ. Lúc ở thai mẹ Bồ Tát thành tựu biện tài công dụng thù thắng như vậy.
5- Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ nhóm họp đại hội, dùng sức bổn nguyện giáo hóa tất cả chúng Bồ Tát khác.
6- Ðại Bồ Tát thành Phật ở trong loài người thời phải đủ thọ sanh tối thắng. Do cớ ấy nên thị hiện ở thai mẹ.
7- Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì tất cả chúng sanh trong Ðại Thiên Thế Giới đều thấy bóng Bồ Tát như thấy bóng mình hiện rõ trong gương. Bấy giờ Chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân..v..v..những hàng có đại tâm, đều đến chỗ Bồ Tát để cung kính cúng dường và tu học.
8- Lúc Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì tất cả tối hậu sanh Bồ Tát ở thai mẹ trong mười phương cũng đều đến cùng hội họp diễn thuyết pháp môn tên là Quảng Ðại Trí Huệ Tạng.
9- Lúc Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ nhập Ly Cấu Tạng Tam Muội. Dùng sức tam muội ở trong thai mẹ hiện cung điện lớn trang nghiêm tốt đẹp, Thiên Cung Ðâu Suất không sánh kịp. Nhưng thai mẹ vẫn yên ổn vô sự.
10- Lúc đại Bồ Tát ở thai mẹ dùng oai lực lớn, sắm đồ cúng dường tên là Khai Ðại Phước Ðức Ly Cấu Tạng, và đi đến tất cả các thế giới trong mười phương để cúng dường tất cả chư Phật. Chư Như Lai đều vì đại Bồ Tát mà diễn nói vô biên Bồ Tát ở Pháp Giới Tạng để trợ duyên cho đại Bồ Tát giáng trần.
Phật Sự Quảng Ðại Thứ Ba: Thị Hiện Ðản Sanh
Khác hẳn với những đứa bé trong trần tục, bậc Ðại Bồ Tát khi vừa mới sanh ra đời thì liền được Chư Thiên tiếp thụ, Chư Thiên Long phun nước cam lộ để tắm..v..v.. Có được như vậy là vì bậc Ðại Bồ Tát đã thành tựu tất cả thiện nghiệp, tất cả sanh trí đều đã sáng sạch, nên có thể dùng chánh pháp dạy dỗ, dẫn dắt quần mê, làm cho họ khai ngộ, thật hành các nghiệp lành. Vì chúng sanh mà thị hiện đản sanh nơi vương cung, cho nên mặc dầu bậc Ðại Bồ Tát ở nơi cung điện huy hoàng tráng lệ, đờn nhạc ca vang, nhưng tất cả đều xa lìa, nên không tham nhiễm. Thường quán tất cả các sự vật đều rỗng không, không có thể tánh, tất cả những đồ vui thích đều không chơn thật, chỉ có trí Phật, tịnh giới là rốt ráo viên mãn. Quán những thê thiếp và kẻ hầu hạ nơi nội cung mà sanh lòng đại bi. Quán những chúng sanh hư vọng không thiệt mà sanh lòng đại bi. Quán các thế gian không có gì là đáng thích mà sanh lòng đại hỉ. Ðối với tất cả các pháp, tâm tự tại mà sanh lòng đại xả. Ðầy đủ Phật công đức trang nghiêm pháp giới, thân tướng viên mãn, quyến thuộc thanh tịnh, mà đối với tất cả đều không nhiễm trước. Dùng âm thanh tùy loại mà diễn thuyết cho họ sanh lòng nhàm lìa thế pháp, như chỗ sở hành thị hiện đắc quả. Dùng phương tiện tùy nghi giáo hóa: Kẻ chưa thành thục thời làm cho thành thục, kẻ đã thành thục thời làm cho được giải thoát. Vì họ mà làm Phật sự không thối chuyển. Dùng tâm từ bi quảng đại nên thường vì chúng sanh mà thuyết pháp, lại vì họ thị hiện ba thứ tự tại, cho họ khai ngộ được tâm thanh tịnh. Dầu ở nội cung mọi người đều thấy, mà có thể thị hiện ở trong các thế giới làm phật sự. Dùng đại trí huệ, đại tinh tấn thị hiện những phật thần thông vô ngại, vô tận, thường trụ nơi ba thứ nghiệp, phương tiện thiện xảo là thân nghiệp rốt ráo thanh tịnh, ngữ nghiệp theo trí huệ mà phát ra, ý nghiệp thậm thâm vô ngại.
Lúc trong thai mẹ thì dùng phương tiện thù thắng để làm lợi ích cho chúng sanh. Khi xuất hiện ra cõi đời thì Ðại Bồ Tát thị hiện đi bảy bước, mỗi một bước xuất hiện một bông sen, cuối cùng một tay chỉ trên trời, một tay chỉ dưới đất mà nói: Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Ðộc Tôn.
Nói về sự việc Ðại Bồ Tát ra đời không bước đi sáu bước hay năm bước, hay tám bước mà đi bảy bước. Theo quan niệm của Ðạo Phật, tất cả mọi sự vật trên thế gian đều được kết hợp từ các điểm vi trần, rồi từ những vi trần nhỏ nầy tụ họp lại thành những vi trần lớn. Rồi từ những vi trần lớn đó họp lại thành những vi trần lớn hơn. Cứ như thế mà tạo thành sơn hà đại địa. Ở đây theo quan điểm của Kinh Hoa Nghiêm thì tất cả mọi sự vật được cấu tạo trong thế gian dù cho dưới hình thức nào đi nữa cũng không ngoài bảy yếu tố. Vì bảy yếu tố nầy có mặt trong hầu hết tất cả mọi sự mọi vật, sự ảnh hưởng và chi phối của nó rộng lớn như vậy, cho nên cũng còn gọi là bảy đại hay là bảy luân đó là: Không Luân, Kiến Luân, Thức Luân, Ðịa Luân, Thủy Luân, Hỏa Luân, và Phong Luân. Vì thế mà Thái Tử Tất Ðạt Ða bước đi bảy bước là tiêu biểu cho sự đi cùng tận của ngài.
Ngoài ra cũng trong Kinh Hoa Nghiêm có đề cập đến Ðại Bồ Tát có mười sự nên thị hiện đi bảy bước:
1- Bồ Tát vì hiện thần lực mà đi bảy bước.
2- Vì hiện xả thí bảy thánh tài mà đi bảy bước.
3- Vì muốn làm cho Ðịa Thần thỏa nguyện nên thị hiện đi bảy bước.
4- Vì hiện tướng siêu tam giới mà thị hiện đi bảy bước.
5- Vì hiện bước đi tối thắng của Bồ Tát hơn hẳn bước đi của tượng vương, ngưu vương, sư tử vương mà thị hiện bảy bước.
6- Vì thị hiện tướng kim cang địa mà thị hiện bảy bước.
7- Vì hiện muốn ban cho chúng sanh sức dũng mãnh mà thị hiện đi bảy bước.
8- Vì hiện sự tu hành thất giác bửu mà thị hiện đi bảy bước.
9- Vì hiện pháp đã được chẳng do người khác dạy nên thị hiện đi bảy bước.
10- Vì hiện là tối thắng vô tỉ ở thế gian nên thị hiện bảy bước.
Ðại Bồ Tát vì điều phục chúng sanh nên thị hiện đi bảy bước như vậy. Sau cùng, ngài nói: Trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Nếu có lúc chúng ta hiểu bảy bước đi của ngài là tiêu biểu cho sự đi cùng khắp, thì câu nầy phải được hiểu chữ Ta ở đây là Phật Tánh là trên hết, và nguồn giáo lý mà ngài sẽ trao truyền cho nhân loại là nguồn giáo lý giải thoát siêu vượt mọi suy tư của thế gian, và chỉ có nguồn giáo lý nầy mới có đủ thẩm quyền giúp chúng ta tìm thấy bản ngã của chính mình. Có nhiều người cố tình xuyên tạc, cho rằng đức phật nói: Ta là trên hết là Ðức phật ngạo mạn, tự cho mình là hơn tất cả mọi người. nhưng sự thật thì không phải. Trong Kinh Kim Cang có nói:
Nếu người nào dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh thấy ta
Người ấy đang thực hành tà đạo
Như thế thì không thể nào thấy được ta.
Chữ ta ở đây chỉ cho Phật, nhưng không phải Phật bằng sắc tướng, bằng âm thanh, mà là Phật Pháp Thân. Phật Pháp Thân là Phật không hình không tướng nên không sanh không diệt, Ðức Phật đó mới là hơn hết. Ðức Phật Pháp Thân đó không phải chỉ có riêng Ðức Phật Thích Ca có, mà hiện tại chúng ta ai cũng có. Cái mà tất cả mọi người chúng ta ai cũng có đó chính là Phật Tánh, nhưng chính chúng ta chưa biết, chưa ai nhận thấy thôi. Sở dĩ chúng ta không biết vì vô minh phiền não, nghiệp lực câu thúc. Nếu muốn không còn vướng mắc trong những phiền lụy của kiếp người thì cần phải hiểu giáo lý siêu việt, thực hành giáo lý giải thoát để cho phật tánh được hiển bày. Phật tánh ở đây chính là Ngã mà Thái Tử tất Ðạt Ða đã tuyên bố. Như trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn Phẩm Như Lai Tánh có nói:
Nầy Thiện Nam Tử, Ngã tức là nghĩa Như Lai Tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh tức là nghĩa của Ngã. Nghĩa của Ngã như vậy từ hồi nào đến giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được.
Hiểu như vậy mới không thấy sự cao ngạo của Thấi Tử Tất Ðạt Ða.
Phật Sự Quảng Ðại Thứ Tư: Trong Vương Cung
            Thói thường, con người thường tham đắm những xa hoa quyền quý, nhưng bậc Ðại Bồ Tát thì khác, mặc dầu thị hiện ở trong cung điện trang nghiêm như bao nhiêu con người phàm tục khác, nhưng với tấm lòng đại từ, đại bi vô lượng đã gieo trồng từ vô lượng kiếp trước, trong lúc còn tu nhân, nên mặc dầu sống trong cung điện, nhưng khởi tâm quán sát, nhàm chán lìa bỏ cung điện trang nghiêm, bỏ tục mà xuất gia, đồng thời cũng muốn cho chúng sanh biết rõ thế pháp tất cả đều là vọng tưởng, vô thường, hư họai, để khởi tâm nhàm lìa những nhiễm trước, dứt hẳn phiền não tham ái, tu hạnh thanh tịnh để làm lợi ích cho chúng sanh. Khi xuất gia từ bỏ oai nghi thế tục, trụ trong pháp vô tránh, đầy đủ vô lượng công đức. Dùng ánh sáng đại trí để tiêu diệt tham si thế gian, làm phước điền vô thượng cho các thế gian. Thường vì chúng sanh mà tán thán công đức của chư Phật, làm cho họ ở nơi phật pháp gieo trồng những cội lành, dùng mắt trí tuệ thấy nghĩa chơn thật. Vì tất cả chúng sanh mà khen, nói các công đức xuất gia thanh tịnh không lỗi, vĩnh viễn được xuất ly, mãi mãi là đỉnh cao trí tuệ cho thế gian.
            Phật Sự Quảng Ðại Thứ Năm: Thành Ðạo Dưới Cội Bồ Ðề.
            Sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi tư duy dưới cội Bồ Ðề, hàng phục ma quân, Bồ Tát thấy thân tâm trở nên vắng lặng, và sáng suốt, bao nhiêu cặn bã mê mờ và phiền não đều được rũ sạch, cuối cùng Ðại Bồ Tát đã thành chánh đẳng giác, và trở thành một vị Phật đầy đủ nhất thiết trí, nơi vô lượng pháp đều đã thấy biết tất cả. Thần lực và chỗ làm vô biên vô tận. Nơi nhất thiết trí đúng nghĩa tu hành đều được tự tại. Tu các công đức đều được viên mãn. Tòa bồ Ðề của Phật đầy đủ trang nghiêm cùng khắp mười phương tất cả thế giới, Phật ngồi trên tòa nầy chuyển diệu pháp luân, nói tất cả các hạnh nguyện của chư Bồ Tát, và khai thị vô lượng phật cảnh giới cho chư Bồ Tát đều được ngộ nhập, tu hành những diệu hạnh thanh tịnh, thường hay giáo hóa tất cả chúng sanh, khiến cho họ gieo căn lành để được sanh trong đất bình đẳng của Như Lai, trụ nơi vô biên diệu hạnh của Bồ Tát, thành tựu tất cả pháp công đức tối thắng. Tất cả các thế giới, tất cả các chúng sanh, tất cả các cõi Phật, tất cả các Pháp, tất cả chư Bồ Tát, tất cả mọi sự giáo hóa, tất cả thần biến, tất cả những tâm sở thích của tất cả chúng sanh đều khéo biết rõ để tùy theo đó mà làm phật sự, trên con đường hoằng Pháp lợi sanh.
            Phật Sự Quảng Ðại Thứ Sáu: Chuyển Pháp Luân
Sau khi thành đạo, trước tiên Ðức Phật đi đến rừng khổ hạnh để giáo hóa cho năm người bạn đồng tu, và sau nầy trở thành đệ tử của ngài. Trong lịch sử gọi thời Pháp và sự giáo hóa đầu tiên nầy là Sơ Chuyển Pháp Luân. Hiểu xa hơn nữa, Ðức Phật còn chuyển nhiều loại Pháp Luân khác như là: Chuyển Bất Thối Pháp Luân, vì làm cho chư Bồ Tát không thối chuyển nơi Bồ Tát đạo. Chuyển Vô Lượng Pháp Luân, vì làm cho tất cả thế gian đều biết rõ khổ, vô thường, vô ngã. Chuyển Khai Ngộ Tất Cả Các Pháp Luân, vì muốn làm cho tất cả các đệ tử của ngài đựợc pháp đại vô úy Sư Tử Hống. Chuyển Nhất Thiết Pháp Trí Tạng Pháp Luân, vì khai cửa pháp tạng trừ ám chướng cho chúng sanh. Chuyển Vô Ngại Pháp Luân, vì muốn cho chúng sanh tâm đồng với hư không. Chuyển Vô Trước Pháp Luân, vì muốn cho tất cả chúng sanh quán tất cả pháp chẳng có chẳng không. Chuyển Chiếu Thế Pháp Luân, vì làm cho tất cả chúng sanh được tịnh pháp nhãn. Chuyển Tất Cả Phật Ðồng Nhất Pháp Luân, vì muốn chỉ bày tất cả chúng sanh biết phật pháp không trái nhau. Ðức Phật Thích Ca nói riêng, tất cả Chư Phật nói chung đều dùng vô lượng vô số trăm ngàn ức na do tha pháp luân như vậy, tùy theo tâm hành sai biệt của các chúng sanh mà làm phật sự không thể nghĩ bàn.
            Phật Sự Quảng Ðại Thứ bảy: Hoằng Pháp Lợi sanh
            Suốt bốn mươi chín năm thuyết Pháp, Ðức Phật đã chu du khắp nước Ấn Ðộ, từ cực bắc dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn, cho đến cực nam, bên ven sông Hằng Hà, nơi hang cùng ngõ hẻm vì những chúng sanh mà thuyết pháp độ sanh. Những nơi mà Ðức Phật thường đi qua như là: Ðô ấp của Nhân Vương, đô ấp của Thiên Vương, của Long Vương, Dạ Xoa Vương, Càn Thát Bà Vương, A Tu La Vương, Ca Lầu La Vương, Khẩn Na La Vương, Ma Hầu La Già Vương, La Sát Vương, Tỳ Xá Xà Vương. Khi đến chỗ các đô ấp của chư Vương như vậy, lúc Phật vào cửa thành thời đại địa chấn động, quang minh chiếu khắp. Những tia quang minh nầy làm cho người đui được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ điên cuồng được tỉnh, kẻ nghèo thiếu, khốn khổ được no ấm an vui. Tất cả các nhạc khí không người xử dụng cũng tự kêu. Những đồ trang sức, hoặc đeo hay chẳng đeo đều tự phát diệu âm, ai nghe tiếng đều vui mừng cả. Phật sắc thân thanh tịnh đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám tướng phụ, khiến cho tất cả chúng sanh thấy không chán. Trên con đường hoằng pháp, đôi lúc Ðức Phật khẩu giáo, cũng đôi lúc bằng thân giáo để mà giáo hóa chúng sanh. Là thân giáo, Ðức Phật chỉ im lặng ngó, hoặc quan sát, hoặc chuyển động, hoặc co duỗi, hoặc đi, đứng, nằm, ngồi..v..v.. Là khẩu giáo đôi lúc Ðức Phật hoặc nói, hoặc hiện thần thông, hoặc thuyết pháp, hoặc dạy bảo..v..v.. tất cả như vậy đều vì chúng sanh mà làm phật sự. Giới thiệu tất cả những cảnh giới của Chư Phật ở khắp vô số thế giới, tùy theo biển tâm, sở thích của các loài chúng sanh mà khuyên họ niệm Phật. Thường quán sát căn cơ của chúng sanh, để khuyến khích họ gieo những căn lành, tu hạnh Bồ Tát, khen Phật sắc tướng vi diệu đệ nhất, tất cả chúng sanh khó gặp gỡ, mà khuyến khích chúng sanh phát tâm cầu đạo vô thượng. Tán thán những ai nếu được thấy Phật mà sanh lòng kính tin, thời sẽ phát sanh vô lượng pháp lành, và được Chư Phật công đức thanh tịnh. Khen ngợi Phật công đức, để khuyến khích chúng sanh như vậy rồi, Ðức Phật cũng phân thân qua khắp muời phương thế giới khiến các chúng sanh trong mười phương thế giới đều được chiêm ngưỡng phụng thờ, tư duy quán sát cung kính cúng dường. Những chúng sanh trồng những căn lành như vậy được phật hoan hỷ, phật tánh được hiển bày, thành tựu quả Phật. Ðức phật dùng hạnh lành như vậy mà làm Phật sự. Hoặc vì chúng sanh mà thị hiện sắc thân, hoặc phát diệu âm, hoặc chỉ vi tiếu, khiến họ mến tin, cúi đầu đảnh lễ, khom mình chắp tay, ca ngợi, khen tặng. Ðức Phật ngài dùng vô lượng vô số bất khả thuyết, bất khả tư nghì những phật sự như vậy, ở trong tất cả các thế giới tùy theo tâm sở thích của chúng sanh mà dùng sức bổn nguyện, sức đại từ bi, sức nhất thiết trí, phương tiện giáo hoá đều làm cho họ được điều phục.
Vì giáo hóa chúng sanh mà Ðức Phật đã không màng gian nan khổ nhọc. Nghĩa là ở đâu có ánh sáng mặt trời là ở đó có dấu chân của Ngài. Ngài đã thâu nhận số đông đệ tử xin và giáo đòan, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thanh niên già cả, nam hay nữ, người trí thức hay kẻ ngu si, tất cả đều được Ðức Phật đưa vào chính Pháp coi như nhau. Với đức hy sinh, và lý tưởng cao cả của Ðức Phật, từ ngàn xưa cho đến ngày nay đã có hằng vô lượng vô số chúng sanh trong khắp tinh cầu nầy đã tìm được lẽ sống cao đẹp cho mình, ngay trong cuộc đời đầy tội lỗi, xấu xa, ác độc. 
Phật Sự Quảng Ðại Thứ Tám: Giáo Hoá Tuỳ Theo Phương Tiện
            Trong suốt thời kỳ thuyết pháp độ sanh, lắm khi Ngài cũng gặp nhiều cảnh gay go, trái ngược do lòng đố kỵ của ngoại đạo tà giáo hay lòng ganh ghét của nội thân quyến thuộc gây ra. Nhưng lúc nào Ngài cũng tùy phương tiện để cảm hóa họ và đưa họ về đường ngay lẽ phải. Có lúc Ngài trụ ở A Lan Nhã, mà làm Phật Sự, tùy theo phương tiện giáo hóa chúng sanh. Có những lúc ở chỗ tịch tịnh mà hướng dẫn chúng sanh tu tập. Có những lúc ở chỗ nhàn đàm mà thuyết pháp lợi sanh. Thỉnh thoảng trụ ở chỗ của Phật mà làm phật sự. Có khi trụ trong tam muội mà thuyết minh giáo nghĩa. Những lúc ở một mình nơi vườn rừng mà độ muôn loại. Có lúc ẩn thân mà giúp đỡ những chúng sanh nguy khốn. Có khi trụ nơi trí thậm thâm mà thuyết chánh pháp không cùng tận để hướng dẫn Người, Trời tu học. Hoặc trụ trong cảnh giới vô tỷ của Phật mà làm phật sự. Hoặc trụ ở những thân hình không thể thấy, tùy tâm sở thích, sở nguyện của chúng sanh phương tiện giáo hoá không thôi nghỉ. Hoặc dùng thân Rồng, thân Dạ Xoa, Nhân và Phi Nhân cho đến dùng thân Thanh Văn, thân Ðộc Giác, thân Bồ Tát cầu nhất thiết trí mà chỉ bày cho chúng sanh thấy sự lợi ích của việc tham cầu giáo pháp. Hoặc có lúc thuyết pháp, có lúc im lặng mà làm phật sự. Những lúc cần thiết ngài giới thiệu một Phật hoặc nhiều Phật cho chúng sanh hiểu biết về những cảnh của chư Phật khác trong mười phương. Có lúc giảng dạy cho chư Bồ Tát, tất cả hạnh tất cả nguyện, giản lược làm một hạnh một nguyện để tu tập. Hoặc nói cảnh giới Phật hiện hữu trong cảnh giới của thế gian, và cảnh giới của thế gian là cảnh giới của chư Phật để khuyến khích chúng sanh tu học. Hoặc nói cảnh giới của Phật không phải cảnh giới để chỉ dạy cho những chúng sanh nhiều chấp trước. Có lúc trụ một ngày, hoặc trụ một đêm, hoặc trụ nửa tháng, hoặc trụ một tháng, hoặc trụ một năm, cho đến trụ bất khả thuyết kiếp vì các chúng sanh mà hướng dẫn họ tu học..v..v.. Nghĩa là Ngài xử dụng đủ phương tiện khôn ngoan khéo léo, xoay chiều đổi hướng, dễ dàng hoán cải những nghịch cảnh trở thành thuận lợi. Cuối cùng những người chống đối ngài trở thành những người đệ tử của ngài, và tất cả cùng nhau tu học đạo giải thoát.
            Phật Sự Quảng Ðại Thứ Chín: Giáo Hóa Viên Mãn
            Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Ðề, cho đến khi nhập diệt, trên con đường hoằng pháp lợi sanh, có lúc Ngài hiện niết bàn để chỉ bày cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh. Có lúc Ngài nói thế gian thảy đều vô thường để khuyến khích chúng sanh tu tập để tìm cái chân thường trong vô thường. Hoặc chỉ bày Phật thân bất hoại mà làm phật sự. Hoặc nói chỗ làm thảy đều đã làm xong, và công đức viên mãn không thiếu cho chúng sanh kiên cố niềm tin. Có lúc Ngài nói nhờ sự tu tập nên đã dứt hẳn những căn bổn phiền não, lậu hoặc, vô minh cho chúng sanh, chư Thanh Văn, Duyên Giác, chư Bồ Tát biết được những quả vị tu chứng của họ. Hoặc khuyến khích chúng sanh nên nhàm chán thế gian, vì cảnh thế gian không có một việc đáng vui, tất cả hãy tùy thuận tâm Phật mà tu tập. Hoặc nói thọ mạng  của mình, của tất cả chúng sanh trong các cõi Trời, Người để chỉ bày sự vô thường cho chúng sanh tỏ ngộ. Hoặc vì tuyên nói tận vị lai tế cúng dường chư Phật mà làm phật sự. Có lúc nói chư Phật chuyển tịnh pháp luân làm cho người được nghe rất vui mừng mà khởi tâm tìm cầu đạo vô thượng. Hoặc vì tuyên nói cảnh giới của chư phật khiến họ phát tâm tu hành mà làm phật sự. Hoặc vì tuyên nói niệm Phật tam muội, khiến họ phát tâm thường thích thấy Phật, và an trú trong cảnh giới mầu nhiệm của chư Phật. Hoặc vì tuyên nói các căn thanh tịnh, siêng cầu phật đạo tâm không lười trễ để giáo hóa cho những chúng sanh biếng nhác. Hoặc chỉ tất cả cõi Phật, quán sát những cảnh giới, các loại nhân duyên cho chúng sanh tỏ ngộ. Hoặc nhiếp tất cả những thân chúng sanh đều làm thân Phật, làm cho những chúng sanh lười biếng buông lung đều an trụ trong nơi cấm giới thanh tịnh của Như Lai, mà làm phật sự..v..v.. Những hạt giống từ bi được ngài tinh tấn gieo trồng khắp tất cả các nơi trong xứ Ấn Ðộ. Từ Ðông sang Tây, từ Bắc chí Nam, từ những vùng rừng núi đến đồng bằng, không nơi nào là Ngài không đặt chân đến, hay là Chúng Thánh Ðệ Tử của ngài đến. Ở đâu có Ngài và Tăng Ðoàn, cũng đều được nhân dân, từ Vua đến dân, từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ cả nam lẫn nữ đều đón tiếp Ngài và vui mừng được tắm gội trong ánh sáng Trí Tuệ, nước Từ Bi do Ngài tưới xuống. Ở đâu có ánh đạo vàng đến, thì tà giáo lui dần tan biến như những khói sương, như những bóng tối tan biến trước ánh nắng của bình minh. Có thể nói Ngài là tạng sanh ra tất cả các thiện căn thanh tịnh, làm cho các chúng sanh ở trong phật pháp sanh tín giải thanh tịnh, các căn điều phục lìa hẳn thế gian.
Phật Sự Quảng Ðại Thứ Mười: Nhập Niết bàn  .                
Khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Ðức Phật đã 80 tuổi. Một hôm Ngài cho triệu tập các đệ tử từ khắp bốn phương lại mà di chúc những lời tối hậu:
Này các con, hãy tôn kính tịnh giới. Tịnh Giới còn, đạo ta còn. Những kinh luật ta đã dạy từ khi ta thành Phật cho tới bây giờ, sẽ là nơi nương tựa, che chở cho các con. Những giáo pháp của ta có những lợi ích các con hãy cố gắng học và làm theo. Ở nơi bùn lầy nước đọng, bên bờ sông, dưới gốc cây, trong tịnh thất, hoặc bất cứ nơi nào trầm lặng, các con hãy tưởng nhớ giáo Pháp của ta. Ðừng sao nhãng, vì một đời luống qua không làm gì...chỉ kết liễu trong ân hận và hối tiếc.
Những lời vàng ngọc của Ðức Phật truyền dạy làm rung động đến tận cùng tâm thức của những người đệ tử yêu mến, cần phải suy nghĩ. Sau khi dạy bảo các đệ tử mọi lẽ, Ngài liền từ giả thành Sravasti đi đến rừng Sa La trong xứ Câu Ly cách thành Ba La Nại khoảng chừng 120 dặm mà thị tịch ở đó. Lúc Ðức Phật nhập Niết Bàn, có vô lượng chúng sanh rất buồn khổ, có người không cầm lòng được nên gào kêu than khóc nhìn nhau mà nói rằng: Ðức Như Lai có đại từ bi, thương xót lợi ích tất cả thế gian, làm nơi cứu độ, làm chỗ về cho tất cả chúng sanh. Ðức Như lai xuất thế rất khó gặp. Phước điền vô thượng nay đã mất hẳn.
Theo trong Kinh Hoa Nghiêm có nói, Chư Phật nói chung và Ðức Phật Thích Ca nói riêng thường dùng việc Nhập Niết Bàn như vậy làm cho chúng sanh mến luyến buồn khóc mà làm phật sự. Lại vì hóa độ tất cả Trời, Người, Bát Bộ nên tùy theo sự thích mến của họ mà nát thân phật thành ngọc xá lợi vô lượng vô số bất tư nghì, khiến cho chúng sanh phát lòng tin thanh tịnh, cung kính tôn trọng, hoan hỷ cúng dường, tu các công đức đầy đủ viên mãn, lại xây tháp các thứ trang nghiêm đặt ở trong cung điện của Trời, Người, Bát Bộ để cúng dường. Làm cho người người thấy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tin mến không thôi, thành kính tôn trọng, bố thí cúng dường khắp mọi nơi, tu tập các công đức. Do phước nầy, họ sẽ được sanh lên các cõi trời hay trong nhân gian, dòng họ tôn vinh, tài sản đầy đủ, những quyến thuộc đều được thanh tịnh, không đọa ác thú, thường sanh trong thiện đạo, thường được thấy Phật, đủ những pháp lành, mau được xuất ly ba cõi, đều tùy sở nguyện mà chứng quả nơi thừa của họ đã tu. Ðối với Ðức Như Lai thời chúng ta phải biết ơn mà báo ơn. Phương cách báo ân của chúng ta đối với Ðức Phật, không gì cao cả hơn là sự gắng công tu tập, cầu đạo giải thoát. Tất cả Chư Phật đều làm chỗ quy y cho tất cả thế gian cho nên chư Phật dầu nhập đại Niết Bàn, nhưng vẫn làm phước điền thanh tịnh không thể nghĩ bàn cho tất cả chúng sanh, là phước điền tối thượng, công đức vô tận, làm cho chúng sanh đầy đủ thiện căn, phước đức viên mãn.
Kết Luận
Nhìn chung chúng ta thấy sự thị hiện ra đời của Ðức Phật là để Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến để chúng sanh thấy được Phật, hiểu Phật, làm theo Phật và sống như Phật. Từng bước tu hành, chúng ta sẽ đạt được bốn phần Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến. Ðức Phật khai thị chúng ta bằng cách đưa ra nhiều pháp môn tu học giúp chúng ta hình dung tri kiến Phật, chúng ta tu pháp môn nào cũng được, không nhứt thiết là phải tu Thiền hay Tịnh Ðộ..v..v..mới kiến tánh, mà điều kiện duy nhất là phải phát triển tri kiến của mình. Ðức Phật hiện hữu trên cõi đời mang thân con người như bao nhiêu con người khác cũng nhằm khai mở tri kiến cho chúng ta, Ngài muốn nói với chúng ta rằng ngài tu thành Phật, và chúng ta là con người, nếu cố gắng tu cũng sẽ thành Phật. Tất cả những gì Ðức Phật đã làm trong cuộc đời của ngài đều là chìa khóa mở tri kiến cho chúng ta thấy, làm cho mọi người Ngộ Phật tri kiến và Nhận được Phật tri kiến. Vì thế mà hai phần Khai, Thị tri kiến là công việc của Ðức Phật đã làm xong, phần còn lại có ngộ, nhập tri kiến hay không là tùy thuộc vào công việc của chúng ta. Lộ trình đi đến nhất phật thừa tuy có sai biệt, như Thanh Văn tu pháp Tứ Ðế, Duyên Giác tu pháp Thập Nhị Nhân Duyên, và Bồ Tát tu pháp Sáu Ba La Mật, cho đến những chúng sanh ở cõi Người, cõi Trời giữ năm giới, hay mười giới tu phước báu, lần lần cũng kiến tánh thành Phật. Tất cả những việc lớn nhất, cho đến những việc nhỏ nhất như người chỉ cúng dường một cành hoa, hay cúi đầu xá Phật thì cũng đã trồng căn lành với Ngài, hoặc có người trong lòng đang tán loạn, vụt nhớ đến Phật, chỉ cần niệm Nam Mô Phật, lòng họ cũng vơi buồn, đó cũng là hạt nhân của Bồ Ðề, lần lần chứa nhóm công đức sẽ thành Phật. Nghỉ đến Phật, chỉ niệm một niệm tâm cảm thấy an lành là người có niềm tin, chúng ta học nhiều đến đâu, và giỏi đến đâu đi nữa mà không có niềm tin, không tìm được sự an lành trong giáo pháp của Phật cũng trở thành vô ích. Không có niềm tin thì không thể nào gần Phật, học Phật, tu và hành Pháp Phật. Không thực hành Pháp Phật thì không thể nào Ngộ và Nhập vào tri kiến Phật. Nhưng phải biết rằng nhận được Phật tri kiến không có nghĩa là nhận tri kiến của Ðức Phật Thích Ca, mà là nhận tri kiến của chính con người chúng ta.
Tóm lại sự xuất hiện của Ðức Phật trên cõi đời nầy, trong suốt bốn mươi chín năm giáo hoá chúng sanh là một sự hy sinh cao cả, với lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dõng mãnh của Ngài không những là tấm gương sáng cho hàng môn đệ của Ngài, mà còn là tấm gương sáng cho tất cả nhân loại trên thế giới hiện nay. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một bậc vĩ nhân thì Ðức Phật là một bậc vĩ nhân trên hết các vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một bậc siêu nhân, thì đó là một bậc siêu nhân cao hơn tất cả các bậc siêu nhân khác. Nếu chúng ta quan niệm đời Ngài là một sự thị hiện của Phật, thì đó là sự thị hiện đẹp đẽ nhất và đầy đủ ý nghĩa hơn hết trong các sự thị hiện.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Kinh Pháp Hoa
- Kinh Hoa Nghiêm:
- Phẩm Ly Thế Gian.
- Phẩm Phật bất Tư Nghì Pháp
- Kinh Niết Bàn
- Phật Học Phổ Thông
- Phật Học Tinh Hoa
-- o0o --