Kinh Pháp Hoa
Quảng Giáo Ghi
(Tiếp theo số Vu Lan 97)
--o0o--
 
            5- Thời Thành Tựu.
            Kinh Văn.
            Lúc bấy giờ đức Thế Tôn được hàng tứ chúng vây quanh cúng dàng cung kính ngợi khen tôn trọng. Ðức Phật vì các vị Bồ Tát mà nói kinh đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa, Giáo Bồ Tát Pháp, Phật Sở Hộ Niệm.
            Giảng:
            Ðại Thừa:
            Căn cứ theo Pháp Hoa Diễn Giảng Lục của ngài Thái Hư Ðại Sư thì chữ Ðại do thời gian và không gian mà tạo thành nghĩa chữ Ðại:
            - Về thời gian chiều đứng cùng tột cả ba đời thì gọi là thường.
            - Về không gian chiều ngang khắp cả mười phương thì gọi là biến.
            Thừa có nghĩa là vận chuyển, có hai cách hiểu:
            - Nếu nói về cái thể của Ðại Thừa thì đó là nói Pháp Tánh Nhất Chân Pháp Giới Bình Ðẳng Chân Như.
            - Còn nói về cái dụng của Ðại Thừa tức là nói đến cái đặc tính có thể vận, và có thể chuyển tất cả.
            Vì thể của nó Thừa là to lớn, nên chư Bồ Tát tu pháp nầy, và nhờ đây mà phát tứ hoằng thệ nguyện để đối trị phiền não, cứu độ chúng sanh, thành tựu sự nghiệp Phật pháp. Ðây là Ðiểm phát xuất Ðại.
            Nhờ điểm phát xuất đại, nên Bồ Tát tu Lục Ðộ Vạn Hạnh, sống với hạnh nguyện tự lợi, lợi tha. Ðây là Hạnh Ðại
            Từ nơi hạnh nguyện lớn mà tăng thêm cho sự giác ngộ, liễu nghĩa được hai món: Vô Ngã Nhân, và Vô Ngã Pháp. Ðây là Trí Ðại
            Tất cả chư Bồ Tát tịnh tâm tu học công hạnh chư Bồ Tát, không khi nào mệt mỏi. Ðây là Tinh Tấn Ðại.
            Tùy thuận theo tâm tính của chúng sanh, để thuyết các Pháp làm cho chúng sanh được lợi ích. Ðây là Phương Tiện Thiện Xảo Ðại.
            Tất cả các công đức không có công đức nào là không tu tập, để rốt ráo chứng đến căn bản Phật trí. Ðây là Chứng Ðại.
            Tất cả bảy đại trên là Pháp Ðại Thừa hay còn gọi là Diệu Pháp trong Kinh Pháp Hoa Ðức Phật ngài muốn trao cho chư Bồ Tát.
            Vô Lượng Nghĩa:
            Bao nhiêu năm, hướng dẫn, dìu dắt đồ chúng tu học, Ngài không bao giờ phân biệt Tiểu Thừa, Ðại Thừa hay tôn phái, tuy nhiên lời dạy của Ðức Phật bao gồm tất cả. Ðợi cho đến hơn 40 năm sau lúc nhân duyên đã thành thục thì Ngài mới quyết định nói Diệu Pháp nầy. Ðây là thời đã đến, nhân duyên thành tựu. Trong pháp hội nầy Ðức Phật vì muốn cho hàng Thanh Văn từ bỏ tâm niệm nhỏ hẹp để nhập vào biển trí của Chư Phật, và cũng là vì hàng Ðại Bồ Tát nên mới nói Pháp Ðại Thừa nầy. Pháp Ðại Thừa nầy là Phật Bản Trí đã chứng nên có đủ diệu dụng, phương tiện, tùy thuận căn cơ của chúng sanh mà diễn bày ra nhiều pháp khác nhau, để hiển bày Vô Lượng Nghĩa, hoặc Nhanh, hoặc Chậm, hoặc Lớn hoặc Nhỏ, hoặc dạy cho những chúng sanh trong nẽo luân hồi, hoặc dạy cho chư Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc dạy cho Chư Bồ Tát, nhưng không vì vậy mà các Pháp biến đổi. Mỗi pháp phương tiện đó có thể thu nhiếp tất cả các pháp vào trong Ðại Thừa Pháp. Vì diệu dụng như vậy nên trong tất cả các Kinh Ðại Thừa chỉ có bộ kinh nầy mang tên là Vô Lượng Nghĩa.
            Bàn thêm về từ ngữ Vô Lượng Nghĩa, căn cứ vào Pháp Hoa Luận của Thế Thân Bồ Tát, kinh nầy có tất cả 17 tên khác nhau. Tên Vô Lượng Nghĩa là tên thứ nhất trong số 17 tên. Pháp Dạy Bồ Tát là tên thứ tư trong số 17 tên, và Phật Thường Hộ Niệm là tên thứ năm trong số 17 tên. Gọi là Vô Lượng Nghĩa là vì hư không, không thể đo lường nên cũng có thế giới nhiều vô lượng. Vì có thế giới nhiều vô lượng, nên cũng có chúng sanh nhiều vô lượng. Vì có chúng sanh nhiều vô lượng nên lòng sở cầu, phiền não của chúng sanh cũng nhiều vô lượng. Vì phiền não của chúng sanh nhiều vô lượng, nên Ðức Phật cũng tùy theo đó mà thuyết pháp, mở bày phương tiện nhiều vô lượng. Nói là vô lượng vì nó không tùy thuộc vào số lượng, tức là nghĩa đã thuyết ra pháp thì không thể đo lường được hết. Bởi vì vô lượng nghĩa nầy từ nơi Phật Trí đã chứng Nhất Pháp Thật Tướng mà diễn ra. Nhất Pháp Thật Tướng nầy là: Không tướng, không phải không tướng. Tuy mượn ngôn ngữ, văn tự để mà chỉ rõ thật tướng, nhưng thật tướng nầy trọn vẹn không có tướng ngôn ngữ văn tự. Ðây chính là thật tướng của kinh nầy. Nói tóm lại, đây là một bộ kinh có thể giảng nói không cùng tận, biến hóa không lường, chỉ có hàng Bồ Tát, hoặc những vị có tâm Bồ Tát mới có khả năng thể nhập vào biển trí tuệ của Như Lai. Ðối với các pháp biến dịch không cùng, những vị Bồ Tát tâm đã hoàn toàn tự tại mới có thể hiểu được vô lượng nghĩa của Ðức Phật muốn chỉ dạy. Hàng Thanh Văn những người có trí tuệ như ngài Xá Lợi Phất thì có thể thể nhập vào biển trí của Ðức Phật, còn không thì vẫn còn bị kẹt Pháp không thể vào cửa Vô Lượng Nghĩa được.
Pháp Dạy Bồ Tát
            Pháp mà Ðức Phật nói trong pháp hội Pháp Hoa có khả năng giúp cho những người có căn cơ, hiểu và thực hành pháp nầy, đồng thời pháp nầy với cửa phương tiện nhiều không thể đo lường, nên có thể hướng dẫn một con người từ phàm phu tu tiến đến quả vị Thanh Văn, Duyên Giác. Từ quả vị của Thanh Văn, Duyên Giác tiến đến địa vị Bồ Tát, vì thế gọi là Pháp Dạy Bồ Tát.
            Phật thường hộ niệm.
            Pháp nầy là pháp Phật đã tự chứng, cho nên chỉ có Phật mới biết, những chúng sanh khác không thể hiểu rốt ráo nghĩa của Pháp nầy. Kinh nầy là chí bảo duy nhất vô thượng của Phật, bởi vì từ pháp nầy có thể sanh ra tất cả Chư Phật, và tất cả Chư Phật đều lấy pháp nầy để hóa độ chúng sanh trong mười phương, tất cả chúng sanh đều nhờ pháp nầy mà giác ngộ. Vì thế mà Pháp nầy được Chư Phật hộ niệm.
            6- Tùy Thuận Oai Nghi Thành Tựu
            Kinh Văn:
            Nói kinh nầy xong, Ðức Phật ngồi xếp bằng nhập vào chánh định: Vô Lượng Nghĩa Xứ, thân và tâm của Phật đều không lay động.
            Khi đó trời mưa hoa Mạn Ðà La, hoa Ma Ha Mạn Ðà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa, để rải trên đức Phật cùng hàng đại chúng, khắp cõi Phật sáu điệu vang động.
            Lúc bất giờ, trong chúng hội các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà, Nhân, Phi Nhân và các vị Tiểu Vương cùng Chuyển Luân Thánh Vương, các đại chúng ấy đều được thấy việc chưa từng có, vui mừng chắp tay một lòng nhìn Phật.
Giảng:
            Nói kinh nầy xong Ðức Phật ngồi yên lặng nhập vào chánh định, vì vậy nên đoạn kinh nầy được gọi là Oai Nghi Thành Tựu. Nói về thành tựu thì có ba loại thành tựu: Tam Muội Oai Nghi Thành Tựu, Khí Thế Gian Oai Nghi Thành Tựu, và Chúng Sanh Thế Gian Oai Nghi Thành Tựu.
            A- Tam Muội Oai Nghi Thành Tựu
            Nói kinh nầy xong,
            Suốt hơn bốn mươi năm, Ðức Phật tùy theo căn cơ cao thấp của chúng sanh mà phương tiện nói kinh nghĩa lý hữu hạn. Nhưng nay Ngài thấy căn cơ của chúng đệ tử đã thuần thục do đó Ðức Phật mới quyết định nói kinh Vô Lượng Nghĩa. Vô Lượng Nghĩa nầy không phải vì tùy thuộc chúng sanh mà nói ra Pháp Phương Tiện, mà là từ Nhất Chân Pháp Giới Bình Ðẳng Thật Tướng mà sinh ra. Khi Ðức Phật nói xong Kinh Vô Lượng Nghĩa rồi thì ngài chứng nhập trở lại nơi vô lượng ấy đã là nơi xuất phát ra thật tướng, nơi đó gọi là Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội. Vì thế mà tạm gọi là nói kinh nầy xong.
            Ðức Phật ngồi xếp bằng
            Sau khi Ðức Phật nói xong Kinh Vô Lượng Nghĩa, Ngài an trú trong Vô Lượng Nghĩa Xứ Ðịnh, thân và tâm không lay động. Ðiều nầy đối với hàng đệ tử của ngài hiểu đây cũng là cách giáo hóa của Ðức Phật. Sự giáo hóa của Ðức Phật có hai cách:
            - Khẩu giáo hóa: Là lời thuyết pháp vàng ngọc của Ngài nhằm hướng dẫn cho những chúng sanh căn cơ còn thấp kém.
            - Thân giáo hóa: Là cử chỉ, hành động là những bài pháp không lời để hướng dẫn cho hàng đệ tử khi căn cơ đã thuần thục.
            Ðức Phật ngồi xếp bằng mà nhập vào chánh định. Thông thường khi ngồi thiền thì hành giả thường ngồi xếp bằng trong tư thế bán già hoặc kiết già.
            1- Trong thế bán già thì chân trái gác lên chân phải, hoặc ngược lại.      
            2- Thế kiết già thì có hai cách:
            - Hàng Ma Tọa:
            Thế ngồi nầy bàn chân phải đặt lên bắp đùi chân trái phía trong, và bàn chân trái gác lên trên đùi chân phải ở phía ngoài. Pháp ngồi nầy thường dùng trong lúc tu tập, với ý nghĩa là hàng phục vọng tưởng. Những hành giả mới thực hành thường ngồi thế ngồi nầy.
            - Cát Tường Tọa:
            Thế ngồi nầy bàn chân trái gác lên bắp đùi chân phải phía trong, và bàn chân phải gác lên đùi chân trái phía ngoài. Pháp ngồi nầy chư Phật thường ngồi trong lúc thuyết pháp. Chư Trưởng Lão đạo cao đức trọng cũng thường ngồi thế ngồi nầy trong lúc thuyết pháp.
            Vào chánh định: Vô Lượng Nghĩa Xứ, thân và tâm của Phật đều không lay động.
            Nói về Ðịnh hay còn gọi là Chánh Ðịnh, cũng có nghĩa là Tam Muội. Vì tâm an trụ nơi cảnh, tâm cảnh hợp nhau là một nên gọi là Ðịnh. Hành giả thực hành và an trú trong định cho đến khi chứng nơi Chân Như Ðịnh thời không còn có tâm, cảnh để phân biệt được tức là vào Vô Lượng Nghĩa Tam Muội. Ðối với Ðức Phật ngài đã chứng được Tam Muội thời thân cũng thật tướng, tâm cũng thật tướng. Vì thân và tâm đã là thật tướng nên cả hai thân và tâm cũng bất động. Như thế tâm của Ðức Phật thường an trú trong định, và trí của Ðức Phật thường chứng nơi thật tướng, nhưng ở đây nói rằng Ðức Phật vì đại chúng đã nói xong Kinh Vô lượng Nghĩa rồi ngồi xếp bằng nhập vào chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội. Ðây là lời nó của Ngài A Nan căn cứ vào những diễn tiến xảy ra trong hiện trường khi thấy đức Phật nói và cử động, thì nói là Ðức Phật đang thuyết Pháp, cho đến khi không thấy Ðức Phật nói và cũng không cử động, nên mới tạm nói là Ðức phật vào nơi Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội.
            B- Khí Thế Gian Oai Nghi Thành Tựu
            Khí Thế Gian Oai nghi Thành Tựu ở đây có hai loại: Mưa hoa, động đất.
            1- Mưa Hoa:
            Lúc Ðức Phật nhập vào Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội thì trên không mưa xuống bốn loại hoa: Hoa Mạn Ðà La, hoa Ma Ha Mạn Ðà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa.
            - Hoa Mạn Ðà La: Là một loại hoa sen màu trắng tinh khiết, mùi rất thơm. Ai thấy màu và ngửi mùi thì rất lấy làm thích ý, nên cũng dịch là Thích Ý Hoa. Loại hoa nầy thường thấy ở các cảnh giới của chư Phật.
            - Hoa Ma Ha Mạn Ðà La: Có nghĩa là Ðại Thích Ý.
            - Hoa Mạn Thù Sa: Là một loại hoa mọc từng chùm nho nhỏ, màu đỏ, sắc trong, rờ tới rất mịn, mùi rất thơm. Ai thấy màu, và ngửi mùi hoa ấy đều thoát khỏi cái nghiệp cang cường, thân tâm trở nên nhu nhuyễn, từ hoà, nên cũng dịch là Nhu Nhuyễn Hoa. Loại hoa nầy thường thấy ở các cảnh giới của chư Phật.
            - Hoa Ma Ha Mạn Thù Sa: Có nghĩa là Ðại Nhu Nhuyễn Hoa.
            Trời mưa hoa là một hiện tượng tốt lành trong Thế gian. Có hoa tất nhiên có quả. Bốn loại hoa ở đây cũng là tiêu biểu cho bốn nhân hạnh: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và Thập Ðịa. Kinh nầy nói hoa rơi để cúng dường Phật, chính là chỉ rõ nhân hạnh Phật Thừa cho nên mới có bốn loại hoa, hay cũng có thể nói bốn đặc tính: Tinh khiết, rất là tinh khiết; mền dịu, và rất là mền dịu tương ưng. Hiểu một cách khác, sự kiện hoa rơi nó không phải là một hiện tượng mà chính yếu mang ý nghĩa tác dụng của Pháp Phật. Việc hoa có rơi hay không điều đó không quan trọng, nhưng nói đến bốn loại hoa là tiêu biểu cho tất cả mọi người trong chúng hội nghe Phật thuyết pháp tâm hồn trở nên tinh khiết, thuần lương, những buồn phiền tự nhiên rơi rụng. Ðây là điều kiện tất yếu để Phật nói Kinh Pháp Hoa, và chúng hội có thể thể nhập vào biển trí Pháp Hoa. Sống trên cuộc đời không bị nhiễm ô mới vào đạo Nhất Thừa, hay nói cách khác Hoa Mạn Ðà La hay tâm nhu nhuyễn của con người xuất hiện thì tất cả những phiền não của mọi người cũng tiêu tan, giúp chúng hội trở về với trạng thái tâm hồn yên lặng đồng với tâm của Phật, khi đó mới có thể tiếp nhận được chân lý của Ðức Thế Tôn phô bày. Hành giả muốn cầu đạo trước tiên phải cầu an tâm, vì đạo chỉ có nơi trong một tâm hồn an ổn. Khi tình cảm thương ghét của con người đã rơi rụng, phiền não không còn, chỉ còn lại một tâm hồn trong trắng, chúng hội mới có thể tiếp nhận niềm vui kỳ diệu, một niềm vui vô tận hoàn toàn thanh tịnh ly trần. Có như thế tâm của chúng hội mới trở thành tâm Cực Lạc, và đạo tràng mới hoàn toàn thanh tịnh. Nhờ đó mà chúng hội cảm thông được với tâm của Phật và thâm nhập vào thế giới kỳ diệu của Pháp Hoa.
            2- Ðộng Ðất:
            Sáu loại chấn động đó là:
            - Ðộng: Có nghĩa là lung lay.
            - Khởi: Có nghĩa là vùng dậy.
            - Dõng: Có nghĩa là phun ra.
            - Chấn: Có nghĩa là vang dội.
            - Hống: Có nghĩa là gào thét.
            - Kích: Có nghĩa là đánh ra.
            Trong sáu loại chấn động đó, ba loại trên là chấn động do sự biến hóa của hình thể. Ba loại dưới là sự biến hóa của âm thanh.
            Tất cả các pháp cũng không ngoài sáu căn, sáu trần và sáu thức. Sáu loại chấn động nầy chúng ta có thể hiểu rằng đây là một sự chuyển động của tâm thức. Ở đây muốn nói rằng sau khi nghe Ðức Phật nói Kinh Ðại Thừa Vô Lượng Nghĩa xong thì mọi người trong chúng hội, trong tâm thức ai ai cũng có biến chuyển. Tùy theo căn cơ từng người mà trong tâm thức có sự chuyển động sai khác nhưng cũng không ngoài sáu loại chuyển động đã đề cập ở trên.
            C- Chúng Sanh Thế Gian Oai Nghi Thành Tựu.
            Sau khi nghe Ðức Phật nói xong diệu pháp, tâm thức của chúng hội cũng được biến chuyển, nên giờ đây không còn thân ngũ ấm phàm phu, mà lúc bấy giờ trở thành thân Như Lai thông suốt tất cả pháp giới. Sau khi chuyển đổi thân tâm cho chúng hội xong Ngài lại tiếp tục biến thế Ta Bà thành Tịnh Ðộ nên Núi Linh Thứu bây giờ không còn bị ngăn cách bởi núi rừng của trần tục chật hẹp, và khoảng không gian giờ đây không còn bị giới hạn chỉ ở cõi Diêm Phù Ðề mà trải dài trong vũ trụ  vô tận, cho nên không còn những ngăn cách giữa thánh phàm và trần tục, giữa Ðức Phật và tất cả pháp giới chúng sanh. Các loại chúng sanh, chư Thiên Long Tám Bộ Chúng, chư vị Tiểu Vương, cũng như chư vị Chuyển Luân Thánh Vương thấy những điều chưa từng thấy như vậy, nên đều yên lặng chờ đợi . 
7- Phật Hiện Thần Thông Thành Tựu
            Kinh Văn:
            Bấy giờ Ðức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chân mày phóng ra luồng hào quang chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi nước ở Phương Ðông, dưới thời chiếu đến Ðịa Ngục A Tỳ, trên suốt thấu trời Sắc Cứu Cánh.
Giảng:
Từ nơi tướng lông trắng giữa chân mày phóng ra luồng hào quang
Hào quang là ánh sáng, là trí tuệ viên dung của Ðức Phật. Ðoạn kinh nầy nói về việc Ðức Phật phóng quang là muốn chỉ cho chúng ta thấy cái chân thật tuyệt đối, đó là cái tri kiến của Phật. Sở dĩ Ðức Phật không dùng ngôn ngữ để diển tả, là vì mọi ngôn ngữ đều ở trong vòng tương đối không thể nói lên pháp tuyệt đối. Theo ngài Thái Hư Ðại Sư nói: Hào quang nơi thân của Ðức Phật phóng ra mỗi chỗ khác nhau, tuy nhiên hào quang nầy từ nơi tướng sáng trắng giữa chân mày, là một trong 32 tướng tốt của Ðức Phật. Trong phạm vi của Kinh Pháp Hoa hai chân mày là tiêu biểu cho hàng Nhị Thừa, hào quang từ giữa phóng ra tức là hiển bày thật nghĩa của Nhất Phật Thừa. Một ý nghĩa khác, hai chân mày là tiêu biểu cho hai thái cực Có và Không, Tốt và Xấu..v..v.. Lông trắng giữa chân mày là tiêu biểu cho Lý Trung Ðạo không kẹt ở giữa hai bên đối đãi. Người biết sống và thực hành theo Lý Trung Ðạo thì không còn kẹt ở hai bên của các tướng đối đãi, do đó trí tuệ viên mãn cũng từ đó phát sanh.
            Chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi nước ở Phương Ðông,
            Thế giới mà chúng ta đang sống đây là một phần nhỏ trong Ðại Thiên Thế Giới. Lý do mà Ðức Phật ngài nói hào quang chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi nước ở Phương Ðông mà không chiếu ở các phương khác là vì Phương Ðông là phương mặt trời mọc, là điểm xuất phát ánh sáng của thế gian. Nếu có lúc chúng ta hiểu Phương Ðông là phương đứng đầu trong tất cả các phương, thì sự tiêu biểu ở đây Ðức Phật muốn chỉ cho mọi người biết trí tuệ cứu cánh của Ngài có thể nhìn thấu suốt tất cả các Pháp, và với trí tuệ đó không có gì trong pháp giới mà ngài không biết. Một ý nghĩa khác, theo Ngài Thái Hư Ðại Sư: Con số một muôn tám ngàn thế giới, theo từ ngữ của người Trung Hoa nói là một vạn tám ngàn Ðại Thiên Thế Giới, hiểu theo tiếng Việt là mười tám ngàn Ðại Thiên Thế Giới. Lấy vạn là chỉ cho vạn đức viên mãn. Lấy bát là muốn nói đến nhân hạnh Bát Chánh Ðạo. Trên con đường tu học hành giả luôn lấy vạn đức viên dung để trang trải cho việc thực hành, lấy tám chánh đạo làm định hướng cho sự tu học,
             Dưới thời chiếu đến Ðịa Ngục A Tỳ, trên suốt thấu trời sắc Cứu Cánh.
Nói về Ðịa Ngục A Tỳ là chỉ cho những sự đau khổ không cùng tận của các sinh loại thuộc về một trong sáu thế giới chúng sanh. Sắc Cứu Cánh là một trong các cõi trời trong cõi Sắc Giới. Cung trời tối cao là lấy cung trời Phi Phi Tưởng Xứ trong cõi Vô Sắc, nhưng là cái không trong cõi định, không có y báo, nên hào quang của Phật không soi đến. Chỉ có Sắc Cứu Cánh có sắc chất, hình dạng nên hào quang của Phật chiếu đến đó là ngừng. 
            Kinh Văn:
            Chúng ở cõi nầy đều thấy cả sáu loài chúng sanh ở cõi kia. Lại thấy các Ðức Phật hiện tại nơi các cõi kia, mà nghe kinh Pháp của các Ðức Phật ấy nói. Cùng thấy nơi các cõi kia, các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, những người tu hành đắc đạo. Lại thấy các vị Ðại Bồ Tát dùng các món nhân duyên, các lòng tín giải, các loại tướng mạo mà tu hành đạo Bồ Tát. Lại thấy Ðức Phật nhập Niết Bàn, lại thấy sau khi các Ðức Phật Nhập Niết Bàn, đem xá lợi Phật mà dựng tháp bằng bảy báu.
            Giảng:
            Sự kiện chúng hội nương theo trí tuệ Phật thì có thể thấy tất cả các cảnh giới, có nghĩa là nương theo lời dạy của Ðức Phật ở trong kinh mà tu tập để biết rõ các cõi, biết rõ nhân và quả của sáu loài chúng sanh luân hồi trong lục đạo, và cũng thấu suốt được nguyên nhân tu hành cùng quả báo của các vị Tỳ Kheo, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát..v..v.. đại loại được chia làm ba phần:
            1- Sinh tử Lưu chuyển:
            Cùng thấy nơi các cõi kia, các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, những người tu hành đắc đạo.
            Nhờ thần lực của phật chuyển hóa thân phàm phu thành Bồ Tát thân và đứng ở cảnh giới Phật quan sát ngược lại, thấy được mọi thay hình đổi dạng của chính mình từ vô thỉ cho đến vị lai, từ loài nầy sanh sang loài khác. Tùy theo từng sinh loài, cuộc sống  dài có, ngắn ngủi có cứ như thế mà tiếp nối sanh tử luân hồi trong sáu đường. Nghiệp nhân gây tạo thì nhiều, nhưng cũng không ngoài ba thứ:
            a- Những chúng sanh gây ác nghiệp: Những chúng sanh nầy như A Tu La, Ðịa Ngục, Ngã Quỷ, Súc Sanh bốn ác thú.
            b- Những chúng sanh tạo thiện nghiệp: Những chúng sanh đó là các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, là sanh loại cõi người, và Chư Thiên ở cõi dục tu hành ngũ giới, thập thiện..v..v..
            c- Những chúng sanh tạo nhân bất động: Những chúng sanh nầy là Chư Thiên ở các cõi trời Sắc Giới và vô Sắc Giới, chuyên tu các thiền định hữu lậu.
            2- Tam Bảo Xuất Hiện:
            Lại thấy các vị Ðại Bồ Tát dùng các món nhân duyên, các lòng tín giải, các loại tướng mạo mà tu hành đạo Bồ Tát.
            Những chúng sanh vì nhờ vào Phật quang, hay nhờ y theo lời Phật dạy mà hành trì nên thấy được các Ðức Phật, thân nghe được Ðức Phật thuyết pháp, và chính thân thấy được chư vị Thanh Văn, bốn chúng tu hành đắc đạo, đồng thời cũng thấy được chư vị Bồ Tát nhờ nhân duyên mà phát đại hạnh, nhờ tín giải mà đăng lên Trụ, Ðịa..v..v.. Tất cả những diễn biến đó, qua tuệ giác của Phật nên thấy như thật và siêu thời gian, thấu suốt từ vô thỉ đến vị lại, chứ không phải là cái thấy hạn hẹp theo nghiệp lực của mỗi loài trước khi dự hội.
            Trong trí tuệ siêu vượt đó cũng thấy hạnh nguyện và sự tu tập của chư Bồ Tát tu Sáu Ba La Mật. Mở đầu cho sự tu tập là bố thí, tạo điều kiện cho những chúng sanh khác phát triển sự tu tập, để có thể tiếp nối con đường hành đạo, nên sẳn sàng nâng đỡ những người có tâm nguyện cầu tiến, làm lợi ích cho nhân quần xã hội. Bố thí ở mức độ cao và ý thức hơn gọi là cúng dường. Hành giả cúng Phật và Tăng là hai mẫu người xứng đáng cúng dường nhất. Ðức Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn, là bậc thầy hướng dẫn cao cả của sáu loài chúng sanh, nên sự hiện hữu của Ngài rất cần thiết cho cuộc đời. Tuy Ðức Phật nhập Niết Bàn nhưng Chư Tăng là người thừa kế của Ngài mang tâm hồn thoát tục, hy sinh cuộc đời để theo đuổi mục tiêu cao cả. Bố thí không những là giúp cho mọi người cùng tu với mình, mà bố thí còn có mục đích không kém phần quan trọng đó là đoạn trừ xan tham. Vì chính hạt nhân tham lam dẫn chúng ta vào con đường sanh tử khổ đau. Bố thí ngoài hai mục đích trên, còn là một hành động cụ thể quyết tâm cầu đạo Vô Thượng, và chỉ có tinh thần cầu đạo như vậy mới thật sự thực hành Bồ Tát Ðạo, mới có tâm đại bi chan hòa tình thương cho chúng sanh một cách tuyệt đối được. Bồ Tát thực hành Ba La Mật theo sự tiến triển của tâm lý, có thể chia làm bốn giai đoạn:
            1- Bồ Tát mới phát tâm khởi đầu bằng lòng thương người, nên cho những đồ vật dư thừa mà mình không dùng đến, ở trường hợp nầy sự bố thí còn có giới hạn.
            2- Khi tâm đã hơi thuần thục, hành giả có thể bố thí những vật mình đang dùng, vì nghĩ rằng người khác dùng có lợi hơn mình nên sẳn sàng cho.
            3- Càng bố thí tâm càng nở hoa, trút bớt gánh nặng ở Ta Bà và thấy gần chư Phật hơn, nên nhàm chán thế giới nầy và hướng về đạo nhất thừa.
            4- Bố thí ở giai đoạn một và giai đoạn hai còn bình thường, đến giai đoạn ba thì tâm càng gần gủi với chư Phật hơn. Cao hơn nữa có thể bố thí cả vợ con, thân mạng cũng chỉ vì cầu đạo giải thoát. Bố thí như vậy mới trông qua dường như có vẻ tàn nhẫn và không tưởng, nhưng kỳ thật lúc đó người thân được bố thí có được phước báu rất cao.
            Những người trong pháp hội của Ðức Phật Thích Ca, đã từng trồng căn lành với ngài, đã từng là quyến thuộc của ngài, cũng đã từng bị bố thí mà ngày nay mới hiện diện trong Pháp hội nầy. Những việc bố thí bất tư nghì như vậy chỉ có Ðức Phật mới biết chính xác. Mọi suy tư phàm phu, bình thường không bằng Phật huệ chỉ là việc làm từ thiện xã hội mà thôi. Bên cạnh các Pháp như bố thí, chư vị Thanh Văn, Bồ Tát còn phải thực hành trì giới, tinh tấn..v..v.. Trong ánh từ quang Ðức Phật hiện rõ hình ảnh vô số Bồ Tát nhận hộ niệm của chư Phật, hoạt động khắp pháp giới dưới nhiều dạng khác nhau. Hình ảnh các vị Bồ Tát tu sáu pháp Ba La Mật để hồi hướng Phật đạo đều hiện rõ trong ánh quang của Ðức Phật. Chúng ta vì còn thân phàm phu, vả lại cũng không sanh nhằm vào thời kỳ Phật trụ thế, nên nhãn quan của chúng ta không được thấy, hoặc không thể thấy cảnh tượng nhiệm mầu ấy. Tuy nhiên qua kinh điển, chúng ta nhận được tinh thần cầu đạo vô tận của chư Bồ Tát, trải qua vô lượng kiếp xả thân hành sáu pháp Ba La Mật, từ đó chúng ta cũng có sự liên hệ với chư Bồ Tát bằng độ cảm của mình mỗi ngày một mảnh liệt sâu sắc hơn, và trí tuệ chúng ta cũng phát huy theo. Cho nên dù không có Phật, không có ánh quang chư Phật, chư vị Bồ Tát vẫn thường trú hiện hữu bên cạnh ta, ngay trong tâm chúng ta, ngay trong pháp giới tánh nầy.
            3- Phật Hóa Lưu Hành
            Lại thấy Ðức Phật nhập Niết Bàn, lại thấy sau khi các Ðức Phật Nhập Niết Bàn, đem xá lợi Phật mà dựng tháp bằng bảy báu.
            Qua những hiện tượng diễn tiến khi Ðức Phật Thích Ca nhập Vô lượng Nghĩa Xứ trên non Linh Thứu và sự kiện Ngài thành đạo ở Bồ Ðề Ðạo Tràng, chúng ta thấy hai hiện tượng nầy là một không khác để diễn tả Tam Minh của Ðức Phật. Theo tinh thần Ðại Thừa mô tả Ðức Phật vào định thâm nhập chân lý bằng hình ảnh hoa Mạn Ðà La, Mạn Thù Sa rơi rụng, Ngài vẫn ngồi yên lặng đến mức quên thân mình và sống trong niềm vui tâm linh cao độ không còn lệ thuộc vào cuộc sống, và đó là lối tham thiền của Thái Tử Tất Ðạt Ða đã từng phát nguyện ở Bồ Ðề Ðạo Tràng: Ta không thành đạo quyết không rời khỏi nơi nầy. Ngài trải qua những cảnh giới thiền định, từ giai đoạn thấp nhất đến cảnh giới cao nhất và cuối cùng thành đạo. Sự kiện Ðức Phạm Thiên đến cung thỉnh Phật trụ thế để thuyết Pháp lợi sanh, dưới kiến giải của người Phật Tử Ðại Thừa chúng ta có thể hiểu, Phạm Thiên ở đây chúng ta có thể hiểu là tiếng nói đại bi được khơi dậy từ một con người đã giác ngộ, thôi thúc Ðức Phật phải từ bỏ cuộc sống lý tưởng, trở lại cuộc sống thực tế để hóa độ chúng sanh. Khi công cuộc hóa độ viên mãn thì ngài thị hiện Niết Bàn. Tất cả những hình ảnh đó, nhờ nương vào ánh hào quang của Phật, nên toàn chúng hội được thấy tất cả.
            Nói tóm lại, mọi diễn biến ở trong mười phương hiện ra trong ánh quang của Ðức Phật nhằm hộ trợ tâm Bồ Ðề của hành giả phát triển, và chỉ có Kinh Pháp Hoa mới có những hiện tượng kỳ đặc như vậy. Cảnh giới kỳ diệu như thấy tất cả chúng sanh, chư Bồ Tát tu tập, chư Phật xuất thế, cho đến giáo hóa viên mãn lưu xá lợi cho đời phụng thờ như trong Kinh Pháp Hoa là bài Pháp sống động của Ðức Phật. Ðức Phật ngồi yên lặng nhưng mọi người đều có cảm nhận, hiểu biết và cùng tiến bước đến Vô Thượng Bồ Ðề. Tất cả những sự nhiệm mầu hiện lên trong ánh từ quang của Ðức Phật, được coi là quá trình của một đời giáo hóa viên mãn của Ngài.
-- o0o --