Khóa Tu Mùa Thu 97
Nhất Tâm
--o0o--
           
Khóa tu thiền quán đầu tiên tại Chùa Dược Sư Seattle, được long trọng khai mạc vào lúc 10 giờ sáng thứ bảy ngày 30 tháng 8 năm 97 dưới sự chứng minh và hướng dẩn của Thượng Tọa Trụ Trì Chùa Dược Sư, Seattle; Thượng Tọa Trụ Trì Chùa Phổ Ðà Canada, Ðại Ðức Trụ Trì Chùa Pháp Hoa Canada, Ðại Ðức Trụ Trì Bồ Ðề Ðạo Tràng, Seattle; và nhị vị Sư Cô trụ xứ tại Seattle, cùng trên 70 phật tử ở khắp mọi nơi tề tựu về tu học. Ðiều khiển khóa tu do một chị huynh trưởng GÐPT và một đạo hữu trong chúng Pháp Hoa của chùa Dược Sư đảm nhận.
            Sau phần khai mạc khóa tu, quí Thượng Tọa đã thay phiên nhau cống hiến đến toàn thể phật tử những bài pháp thoại, những bài pháp đàm thật hữu ích cùng những phương cách tọa thiền, kinh hành, ăn cơm im lặng, tập nghe tiếng chuông chánh niệm, tập thể thao dưỡng sinh Dịch Cân Kinh..v..v...Ðặc biệt nhất là bài pháp thoại của Thượng Tọa Thích Ðồng Trung với đề tài:ỢHạnh Phúc Gia ÐìnhỢ. Chúng tôi xin được tóm lượt như sau:
            Khi độc thân thì cuộc sống của mỗi cá nhân rất giản dị, và gần như ai cũng thích sống một cuộc sống buông thả. Vì sống buông thả nên ít mấy ai nghĩ hạnh phúc gia đình. Khi lập gia đình, con số hai người trở lên thì sự việc trong cuộc sống trở thành phức tạp hơn, vì vậy mà vấn đề được đặt ra là phải nhường nhịn, phải hiểu, phải cảm thông thì mới có thể cùng chung sống trong một gia đình. Mối quan hệ là một lời cam kết khi mới gặp và thương nhau, nhiệt thành để yểm trợ và che chở cho nhau để tạo thành mái ấm gia đình. Hôn nhân(*) đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới yểm trợ và che chở đó. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp phải từ từ lớn mạnh do sự hiểu biết chứ không phải do thử thách, do lòng chung thủy thật sự chứ không do những lời hứa hẹn đầu môi chót lưỡi. Thể chế hôn nhân trong bất cứ truyền thống, tập tục nào cũng tạo căn bản tốt đẹp cho việc phát triển văn hóa của xứ sở đó, và sự liên kết vui vẻ giữa hai cá nhân cùng chung sống để hết cô đơn và sợ hãi. Trong hôn nhân, mái ấm gia đình vợ chồng đem lại sức mạnh tinh thần và can đảm cho nhau, và mỗi người nên hiểu biết và công nhận giá trị của nhau trong việc săn sóc gia đình. Chồng hay vợ không ai làm chủ ai, mà người nầy phải có bổn phận giúp đỡ người kia, và ngược lại, bởi vì hôn nhân là một sự hợp tác bình đẳng, rộng lượng, và bình an. Là đệ tử của Ðức Phật, chúng ta không nên lơ là lời dạy của Ðức Từ Phụ, nếu chúng ta thực sự muốn có một đời sống hạnh phúc trong gia đình thì chúng ta phải nổ lực thực hiện lời dạy của Ðức Phật một cách triệt để. Trong những bài thuyết giảng, Ðức phật đã nhiều lần khuyên bảo cho các hàng môn đệ, và cho những ai muốn tìm hiểu hôn nhân và hạnh phúc gia đình, ngài nói: Nếu một người con trai tìm được một người vợ thích hợp và hiểu biết, và một người con gái tìm được một người chồng thích hợp và hiểu biết, quả thật hai người đều may mắn.
            I- Hạnh Phúc Gia Ðình
            Như vậy cho chúng ta thấy rằng, muốn bảo đảm hạnh phúc gia đình, trong cuộc sống chúng ta không thể nào thiếu chất liệu thương yêu và hiểu biết. Có chất liệu thương yêu, và hiểu biết thì chúng ta mới có thể thương yêu mọi người, đặc biệt là người thương của mình. Mỗi một con người ai cũng có đóa hoa nhân phẩm, khi biết chính mình là bông hoa, nếu chúng ta không tự biết giữ gìn, săn sóc thì những bông hoa đó sẽ tàn héo rất mau chóng. Chúng ta biết rằng, tất cả chúng ta ai cũng có hạt giống tình thương nằm sâu trong tiềm thức. Chúng ta cũng có những hạt giống của giận hờn, khổ đau và phiền não. Theo nguyên lý sinh tồn, hạt giống nào được săn sóc tưới nước bón phân mỗi ngày thì hạt giống đó sẽ tươi tốt, nếu hạt giống nào không được săn sóc thì sẽ từ từ tàn úa chết dần. Trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta không biết săn sóc hạt giống tình thương của hiểu biết, của niềm vui thì hạt giống đó càng ngày càng chết dần. Như vậy trong gia đình sẽ không bao giờ có được những nụ cười thoải mái, không bao giờ nói được những lời thương yêu. Ðã không có những thương yêu để an ủi cho nhau mà ngày nào chúng ta cũng chọc giận nhau, làm cho buồn phiền và cứ liên tục như vậy thì hạt giống đau khổ càng lúc càng lớn mạnh, thì đó là hiện thân của sự đau khổ và giận hờn, và chúng ta sẽ làm đau khổ người mà chúng ta thương. 
            Nhìn cuộc đời bằng con mắt của một người nghệ thuật, chúng ta thấy tất cả mỗi con người ngoài hàng xóm, trong xã hội, đặc biệt là những người thân trong gia đình, chúng ta sẽ thấy tất cả mọi người ai ai cũng có nụ cười, dáng đi, cách đứng, từng mái tóc buông thả tự nhiên... tất cả đều là những bông hoa, những nét thẩm mỹ tuyệt vời. Những cái mĩm miệng, hoặc cười thành lời của một em bé trông rất hồn nhiên, hạnh phúc và thánh thiện quá. Miệng của chúng ta cũng biết cười, nhưng lại có hai cách cười:
            1- Cười ra nước mắt: Ðây là trạng thái đau khổ cực điểm của những lúc có miệng ăn mà không có miệng nói, hoặc những lúc trong tâm tư bị rối loạn vì chuyện ngoài xã hội, cũng như trong gia đình.
            2- Nụ cười an lạc thật sự: Ðây là dấu hiệu của tự tâm an vui thoải mái.
            Vì sao một em bé cười, nụ cười của em rất là thánh thiện? Bởi vì trong đầu óc non dại của em vô tư quá, em không biết hơn thua, không có chấp trước, đối với em hoàn toàn không có một mảy may phản khán lại những hành động của người đối diện, vì thế mà khi chúng ta vui đùa chọc giỡn em cũng cười, mà ngay khi chúng ta chưởi nó, nó cũng mĩm miệng cười. Ðầu óc của trẻ thơ là như vậy. Nhưng đối với người lớn biết suy tư thì khác. Một tiếng nói không ý tứ là đã có sự phiền lòng, đó là nói những người ngoài hàng xóm láng giềng. Còn trong gia đình, khi không hiểu nhau, một tiếng nói đầu mà không vừa ý là một chuổi liên hệ sự sanh liên tiếp theo sau. Ðến đây chúng tôi nhớ đến một đoạn thơ của một nhà thơ Việt Nam:
            - Ðứng yên bên hàng dậu
            Em mĩm miệng nhiệm mầu
            Lặng nhìn em kinh ngạc
            Vừa thoáng nghe em hát
            Lời ca em thiên thâu,
            Vừa thoáng nghe em hát
            Lời ca em thiên thâu.
            Ðoạn thơ trên nhà thơ đã diễn tả một bông hoa thượt dược mọc, và nở bên hàng dậu, với một vẽ đẹp hồn nhiên thanh thoát, giữa hàng trăm, hàng ngàn khách bộ hành qua lại, nhưng không có một người trông thấy và biết thưởng thức vẽ đẹp thánh thiện đó. Khách qua đường không thấy, hoặc thấy mà không biết thưởng thức vẽ đẹp thánh thiện của bông hoa thược dược đó có rất nhiều lý do, nhưng đại để có hai lý do chính:
            1- Những người bộ hành không có con mắt nghệ thuật.
            2- Những người bộ hành qua lại trên đường chỉ vì phải bận rộn ngược xuôi trong công việc làm ăn nên không biết để ý, và cũng không cần để ý đến những việc mà họ cho là không thực tiễn trong cuộc sống của họ.
            Riêng về nhà thơ khi thấy bông thược dược là có cảm nhận ngay là vì ông ta không những là một người không bon chen trong cuộc đời, mà cũng là một con người có con mắt nghệ thuật.
            Từ những suy tư nầy, chúng ta thấy tất cả mọi người chúng ta, trong hàng xóm láng giềng, ngoài xã hội, trong gia đình ai ai cũng có những cái dễ thương đáng quý mến, nhưng không bao giờ ta cảm thấy như vậy, bởi vì tâm của chúng ta còn chấp trước, còn thành kiến nặng nề... nên chúng ta không nhìn thấy cái đẹp của một bông hoa của người trong gia đình. Hoặc chúng ta để quá nhiều thời giờ theo đuổi những viễn ảnh xa vời nào đó, nên chúng ta không có những giây phút nhàn rỗi, thánh thiện để thưởng thức những bông hoa nhân phẩm của những người thân, và của chính mình. Nhận thức được điều nầy, nếu chúng ta kịp thời sửa đổi thì chúng ta sẽ cảm thấy an lạc, không những cho chính mình mà còn là một tăng phẩm mà chúng ta có thể tặng cho người thân của chúng ta bất cứ lúc nào. Cho nên giá trị ở chỗ là chúng ta làm cho chúng ta vui tươi, như một bông hoa tươi mát thì lúc đó những cảm giác buồn phiền, giận hờn, hoảng hốt, thất vọng nó sẽ không có lý do lay chuyển chúng ta. Muốn đạt được trạng thái như vậy, trước tiên nên nhận một vài công thức theo quan điểm của Ðức Phật dạy:
            1- Tập giữ cho tâm hồn yên tịnh:
            Như chúng ta từng thấy và biết, ngoài biển sóng luôn luôn giao động không một giây phút ngừng nghỉ, tất cả những yếu tố làm cho biển giao động là gió. Khác hẳn mặt nước trong hồ, có thể bị giao động ít, hoặc không có. Lý do dễ hiểu là mặt nước trong hồ nhỏ, hơn nữa chung quanh có cây cối cản ngăn nên mặt nước trong hồ ít, hoặc không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự lay động của gió. Trong tâm của chúng ta cũng giống như ngoài đại dương, hoặc trong hồ. Nếu tâm của chúng ta luôn luôn tìm cầu những phù phiếm giả tạo, địa vị, danh vọng trong cuộc đời thì phiền não, đau khổ tùy theo mức độ nhiều hay ít mà phát sanh. Ý thức được điều đó, tập sống cuộc sống biết đủ thì phiền não sẽ ít, hoặc có thể không có. Khi tâm hồn yên tịnh cũng giống như mặt nước yên tịnh, nơi đó sẽ phản chiếu tất cả mọi sự vật một cách trung thực không méo mó, từ đó chúng ta có thể thấy rõ mọi sự việc và chúng ta có thể thông cảm nhau rất dễ dàng. Bằng không, với trạng thái giao động, một tâm hồn bấn lọan thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được người khác, từ việc không hiểu được thì những việc đáng tiếc có thể xảy ra, và dẫn tới những đau khổ cho nhau. Vì vậy khi nghe bất cứ là ai nói điều gì chúng ta phải tập tu hạnh lắng nghe, và giữ cho tâm hồn thật vắng lặng để có thể hiểu được mọi người. Khi tâm hồn vắng lặng như mặt nước hồ thì phản chiếu sự thật nên không có sự sai lầm.   
            2- Tập giữ cho tâm hồn thoải mái.
            Trong gia đình chúng ta thỉnh thoảng không khí rất là ngột ngạt, chúng ta cảm thấy không thoải mái ở trong lòng tại vì chúng ta còn có những chuyện hiểu lầm, buồn giận, lo lắng do đó mà chúng ta không có sự thênh thang phóng khoáng trong tâm hồn. Nguyên nhân dẫn tới những hiểu lầm, buồn phiền, lo lắng... thì có rất nhiều nhưng tựu trung có hai lý do chính:
            a- Trong gia đình đôi khi những đồ đạt thiếu trật tự ngăn nắp, thì đây là một trong những yếu tố làm cho tâm lý rối loạn. Một khi tâm hồn bị rối loạn thì ta sẽ không còn đủ trí sáng suốt, nhẫn nại để nghe người khác nói. Không nghe người khác nói thì dẫn đến chuyện hiểu lầm, và rồi lo lắng phiền muộn một chuổi nhân duyên xảy ra...
            b- Muốn cho không khí gia đình êm ấm tốt đẹp, chúng ta cần phải lưu tâm đến một điều đó là tự do trong tinh thần hiểu biết. Chúng ta hãy thử tìm giải pháp tự do trong hiểu biết qua phương thức trồng cây. Một cây bông mà phát triển tốt là cây bông đó phải được trồng cách nhau một khoảng cách để có đủ khoảng không gian cho cây bông ấy phát triển, thì cây bông ấy mới đẹp. Một bình hoa mà đẹp không phải vì cắm nhiều bông, mà nó đòi hỏi một nghệ thuật của người biết cắm bông. Người biết cắm bông với nghệ thuật, biết sắp xếp vị trí khoảng cách tương đối để cho nó có thể bày tỏ sự rạng rở của nó thì dù cho một vài cành hoa trang điểm, bình hoa đó cũng đủ đẹp.
            Mỗi người chúng ta là một cành hoa, muốn cho đóa hoa nhân phẩm của chúng ta tươi tốt thì chúng ta cũng phải có một lối sống tương đối để cho đóa hoa nhân phẩm của mình ngày càng thêm tươi tốt. Lối sống tương đối mà chúng tôi muốn nói ở đây là chúng ta phải thực hiện một khoảng không gian trong nội tâm, nghĩa là chúng ta phải buông bỏ bớt những tham vọng, những giận hờn, những sợ hãi và bên ngoài, chúng ta phải dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ thì cuộc sống của chính chúng ta và người thân mới có sự thoải mái an lạc.
            3- Tập Tha Thứ Bao Dung.
            Một người có sự tha thứ và bao dung đối với người khác, là người có tâm lượng Từ Bi. Từ Bi là thuật ngữ thường dùng trong Ðạo Phật.
            a- Từ là tâm nguyện muốn đem tới an lạc và hạnh phúc cho người khác. Trong phạm vi gia đình là muốn nói người chồng có khả năng và thiện chí đem lại hạnh phúc cho người vợ, và ngược lại. Tuy nhiên hai danh từ khả năng và thiện chí chúng ta cũng phải phân biệt cho rõ ràng. Nói về thiện chí của một người chồng thương vợ hoặc con, mà không hiểu vợ con muốn cái gì thì vô tình làm cho vợ con đau khổ, ngược lại vợ con có thiện chí thương chồng hoặc cha mà không hiểu thì tình thương đó trở thành cái tai nạn. Ai cũng vậy, chồng luôn luôn có thiện chí đối với vợ, vợ luôn luôn có thiện chí đối với chồng, cha mẹ luôn luôn có thiện chí thương con cái, nhưng vì thiếu đi chất liệu hiểu biết nên càng thương thì người được thương càng thêm đau khổ. Cách thương nầy cũng giống như chúng ta tưới hoa. Ở Chùa Dược Sư chúng tôi có mấy chậu bông lan rất đẹp do một Phật Tử mới vừa phát tâm cúng dường để trang trí trước chánh điện cho đẹp. Một hôm quý Phật Tử về Chùa tụng kinh, để ý thấy trong chậu khô ran không có một chút nước thấm rễ, một trong số quý Phật Tử đó thấy thương tình nên đi múc nuớc tưới, vì cô ta nghĩ là tưới nước cho nó sống không thôi nó sẽ chết. Sang ngày hôm sau mấy chậu hoa lan bắt đầu tàn úa và rụng cánh trong vòng ba ngày. Lấy làm lạ tôi mới tìm hiểu và được biết loài hoa lan lúc chưa nở hoa thì tưới nước bao nhiêu cũng không sao, nhưng khi hoa đã nở rồi thì không chịu nước. Nên chỉ cần có chút nước là hoa sẽ rụng, tùy theo mức độ nước nhiều thì hoa rụng càng mau, nước ít thì mức độ hoa rụng chậm hơn một chút, nhưng không có nghĩa là không rụng. Ðó, chúng ta thấy vì thương mà lo cho mấy chậu lan không có nước nó sẽ chết, mà không biết rằng lúc nở nó không cần nước nên cuối cùng hoa rụng. Cũng thế, một người có thiện chí thương vợ, con nhưng không hiểu nên càng thương thì vợ con càng thêm khổ. Trong Ðạo Phật, tình thương được trang trải bằng chất liệu hiểu biết. Sự hiểu biết nầy có năng lực đưa chúng ta từ trạng thái khổ đau đến trạng thái hạnh phúc, từ trạng thái si mê đến trạng thái tỉnh thức. Sự thật khi chúng ta thương mà không hiểu người kia thì chúng ta không khi nào thương và làm cho người kia có hạnh phúc được. Chúng ta cứ tưởng tượng trong một gia đình, chồng không hiểu đươc vợ, vợ không hiểu được chồng, cha mẹ không hiểu con cái, con cái không hiểu được cha mẹ thì sự việc sẽ đi về đâu? Cho nên trong Ðạo Phật có nói đến Bi là tình Thương, Trí là sự thức tỉnh, hiểu biết. Bi mà không có Trí thì làm cho con người càng thêm nhu nhược. Trí mà không Bi thì trí đó trở thành xảo trá điên cuồng. Cho nên theo tinh thần của Ðạo Phật có đề cập đến là Bi, Trí song tu, nghĩa là người tu phải tập thương và tập hiểu biết, rồi dùng tình thương và sự hiểu biết cư xử để sống, và lúc nào hiểu và thương cũng đi đôi với nhau. Bởi vì nếu không thực tập sự hiểu biết thì chắc chắn không thương và làm cho người mình thương có hạnh phúc.
            Khi chúng ta thương người nào thì chúng ta phải nhìn người đó thật sâu sắc để hiểu được những niềm đau, nỗi khổ, những ước mơ, những uất ức, những khó khăn của người đó, chỉ khi nào chúng ta hiểu được thì chúng ta mới thương. Từ đó chúng ta sẽ biết bản thân phải làm cái gì, và không nên làm cái gì để cho người mình thương có hạnh phúc. Nói tóm lại bản chất của sự thương yêu là sự hiểu biết. Biết người ta cần cái gì thì đem đến, và không cần cái gì thì đừng đem tới cho người mình thương cái đó. Ðó là Từ.  
            b- Bi là tâm nguyện, hoặc là thiện chí hay khả năng làm vơi đi khổ đau nơi kẻ khác. Nghĩa là mình thấy được nỗi khổ đó, và có phương pháp chuyển hóa những nổi đau khổ ra khỏi người kia gọi là Bi. Cả hai chữ Từ và Bi là ý nghĩa của câu: Từ năng dữ lạc, Bi năng năng bạt khổ. Bi cũng được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết. Tại vì nếu mình không nhìn sâu, nhìn kỷ thì chúng ta không biết người ta đang đau khổ vì chuyện gì, nếu không thấy sự đau khổ thì làm sao có thể chia sẻ sự đau khổ đó. Cũng giống như một người Bác Sĩ nếu không biết được bệnh trạng của bệnh nhân thì làm sao có thể chữa bệnh. Cho nên Bi cũng được làm bằng chất liệu hiểu biết. Từ và Bi cả hai chất liệu có thể đem lại hạnh phúc, và có khả năng tiêu diệt mọi khổ đau nơi chính mình và người khác. Chúng ta phải thực tập hạnh của Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm, hạnh nguyện của ngài là mỗi một chúng sanh nào có sự đau khổ mà biết kêu đến tên của ngài, cần sự giúp đở thì ngài hiện thân đến giúp. Theo tinh thần hạnh nguyện của Ðức Quán Thế Âm chúng ta phải tập thương yêu người thân, cũng như người không thân mà không nên đòi hỏi một sự đền đáp nào. Nghĩa là chúng ta không nên đặt điều kiện, là tôi giúp cho anh việc đó, anh phải làm trả lại cho tôi việc khác, mà chúng ta phải ý thức rằng tôi đến với anh tại vì tôi thương anh và tôi muốn đem tình thương đến cho anh. Tôi thương chị là vì tôi muốn chia sẽ sự khổ đau của chị chứ không có mưu cầu tham vọng gì cả. Cái đó gọi là Bi.
            Từ(**) và Bi một khi đã trở thành năng lượng trong ta sẽ có tác dụng đem tới an lạc và hạnh phúc cho kẻ khác và cho cả bản thân của ta nữa. Mỗi chúng ta đều có sẳn trong ruộng tâm những hạt giống của Từ Bi, và chúng ta có thể làm cho nẩy mầm và phát triển thành những nguồn năng lượng tốt đẹp và nhiệm mầu. Từ và Bi đều là tình thương, nhưng không phải thứ tình thương có tác dụng chiếm hữu, có tính cách độc tài và thường gây ra khổ đau cho mình và cho người mình thương yêu. Từ và Bi là những tâm trạng thương yêu không cần đền trả và không có điều kiện, tinh thần của tha thứ và bao dung. Vì thế trong trường hợp thương người mà không đem lại hạnh phúc và an lạc thì phải nhìn kỷ coi trong đó có bao nhiêu phần trăm Từ, có bao nhiêu phần trăm Bi, và bao nhiêu phần trăm độc tài ích kỷ và chiếm hữu. Ðiều nầy mỗi người chúng ta có thể làm được, bằng cách chúng ta có thể ngồi lại, cả hai cùng giúp cho nhau để nhìn vào bản chất của tình thương của chúng ta, để chúng ta có thể thấy rõ mọi sự việc, và để chúng ta có thể tha thứ và thương nhau được như lời Phật dạy.
            II- Hạnh Phúc Gia Ðình Là Quyết Ðịnh Vận Mệnh Tương Lai Của Cha và Mẹ Việt Nam.
            Ở đây chúng tôi muốn giới hạn trong phạm vi gia đình của tất cả những người Việt đang tỵ nạn tại Hải Ngoại nói chung, và tại Hoa Kỳ nói riêng. Trong một xã hội đầy dẫy vật chất như các xã hội Tây Phương, đã chi phối rất lớn đến cuộc sống gia đình, vì để đáp ứng với nhu cầu trong gia đình, ngoài xã hội cho nên nhiều gia đình đã dành rất nhiều thì giờ cho việc đầu tư về khía cạnh nầy, nên đã bất chấp cả thời gian, và tiêu rất nhiều thời gian trong hảng xưởng, cũng từ đó cuộc sống trong gia đình càng lúc càng phai mờ dần. Lý do dễ hiểu mà trong xã hội nầy không một ai là không biết, đó là sự sinh hoạt giờ giấc khác nhau. Có đôi khi chồng làm ban đêm vợ làm ban ngày, vì thế khi vợ đi  ngủ thì chồng đi làm, hoặc ngược lại, cho nên sự liện hệ gia đình dễ dàng dẫn tới những hiểu lầm đáng tiếc. Như trong một gia đình hai vợ chồng và hai người con, người nào cũng chất chứa rất nhiều khổ đau, bực tức nhưng không có thì giờ gặp gở, lắng nghe những ý kiến xây dựng cho nhau. Không lắng nghe những ý kiến xây dựng thì không thể giải tỏa cho nhau được. Không giải tỏa được khổ đau thì không tìm thấy được an lạc hạnh phúc. Như vậy muốn có hạnh phúc trước tiên mình phải hiểu người khác, và người khác cũng hiểu mình. Khi được ngươi ta hiểu mình và mình hiểu người ta là chúng ta bắt đầu có hạnh phúc. Khi nào còn không hiểu được nhau thì đau khổ vẫn còn. Nếu chúng ta chất chứa hờn giận, đau khổ lâu, có ngày thì sẽ trở thành tâm bệnh. Trạng thái phiền não chất chồng tại vì mình không lắng nghe người khác, mà chính người khác cũng không lắng nghe mình được. Sở dĩ người kia không nghe được mình, rất có thể tại vì mình chưa biết nói. Khi mở miệng ra một cái là trách móc, lý luận, lên án ..v..v.. Vì thế mà khi nghe mình mở miệng nói là họ quay lưng đi chỗ khác, bởi vì họ biết lời nói của mình không có hàm dưỡng sự nhịn nhục, không phải là ái ngữ ..v..v.. Muốn cho mọi người nghe lời nói của mình, chúng ta phải học nói lời nói ái ngữ, nghĩa là chúng ta không nên lý luận, vì càng lý luận, trách móc thì sự ngăn cách càng thêm sâu đậm hơn. Vì vậy mà lý luận và trách móc tuyệt đối không nên dùng trong lúc giải bày tâm sự. Trong xã hội Tây Phương nầy, nhiều gia đình muốn có hạnh phúc bằng cách tìm đến những vị chuyên môn về khoa trị liệu về tâm lý. Nhiệm vụ chính của người người trị liệu đó là không được lên án, phê phán, mà chỉ ngồi im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng chỉ giúp ý kiến nếu cần. Ðối với người con Phật chúng ta nếu hiểu, và thực tập theo hạnh nguyện của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát thì chúng ta không cần đến các nhà tâm lý trị liệu, mà chỉ cần tôn trọng những điều cam kết trong gia đình là học theo hạnh lắng nghe của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát là cái hạnh đem niềm vui cho mọi người bớt khổ, tập làm trái tim biết nghe và biết hiểu, tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn, không thành kiến, không phản xét, không phản ứng. Tập ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu những điều đang nghe, và những điều không nói. Sự thật, nếu những ai không phải là Phật Tử cũng có thể tập như vậy, vì đây là một gia tài Văn Hóa của Ðạo Phật, là một đóa hoa của nhân loại không riêng cho một ai, mà tất cả mọi người trong thế gian đều có quyền thưởng thức.   
            Theo sự thống kê trong Xã Hội Hoa Kỳ mới đây cho biết, những người con trong gia đình mà hư là do cuộc sống của cha mẹ không có hạnh phúc. Trong cuộc đời không có món quà nào quý giá mà cha mẹ có thể cho con cái bằng món quà hạnh phúc của cha mẹ. Khi mẹ biết làm cho người cha nở nụ cười trên môi, thì con cái trong gia đình cũng được hưởng cái không khí thân thương đó. Khi nào con cái thấy cha săn sóc bảo bọc mẹ bởi sự dịu ngọt thì con cái cũng học được những cử chỉ triều mến đó mặt dầu cha không dạy gì cả. Cha mẹ sống trong hạnh phúc thì con cái cũng được tưới mát trong suối ngọt tình thương, từ đó con cái sẽ âm thầm học được những hạnh phúc của cha mẹ, và khi lớn lên những người con hạnh phúc nầy biết làm hạnh phúc cho người bạn đường trăm năm của mình. Còn nếu cha mẹ cứ gây gổ, cãi vả nhau cả ngày thì những vết đau khổ đó sẽ hằn sâu trong lòng của con cái, đến khi lớn lên, những người con bất hạnh nầy sẽ làm khổ những người bạn đường trăm năm của họ. Vì vậy cha mẹ làm khổ cho nhau, tức là cha mẹ đã làm khổ cho con mình. Không có sự nghiệp nào quan trọng hơn là cha mẹ cho con cái tình thương, tại vì con cái bây giờ sẽ là người cha hoặc mẹ, và sẽ mang những hình ảnh của người cha và mẹ hiện tại vào tương lai, vì vậy dù cho việc gì có quan trọng đến đâu đi nữa cũng phải bỏ bớt, và phải dành thì giờ cho con cái. Những người con nầy sẽ là những người đại diện cho thế hệ tương lai, nên những đứa con nầy cha mẹ phải đào tạo cho nó có ý thức giá trị của con người toàn vẹn. Vì thế mà cha mẹ dù cho bận rộn đến đâu cũng phải sắp xếp thì giờ để nghe các con bày tỏ ý chí của chúng, hướng dẫn, và yễm trợ cho con cái mình có đức tự tin, điều đó là việc làm hết sức quan trọng. Nên nhớ rằng con cái là sự nghiệp của đời mình, tất cả những chức tước quyền vị, những thứ khác không phải là sự nghiệp chính thức mà đó chỉ là phương tiện. Ý thức được con cái chính là sự nghiệp, thì cha mẹ phải đầu tư vào chỗ đó, phải biết thương, nếu không biết thì phải học thương. Nếu quý vị là những người cha mẹ Việt Nam mà mất con thì quý vị sẽ không còn gì cả. Tại vì nó là con của của một gia đình Việt Nam là người cha hoặc mẹ tương lai của Việt Nam. Nếu một người cha và mẹ không chu toàn được trách nhiệm của mình mà nói về tương lai của dân tộc thì điều không thể có được.
            Trong một gia đình thiếu sự hiểu biết và thương yêu, cuối cùng con cái, cha mẹ, mỗi người tự tìm một lối sống trong xã hội nầy. Khi thoát ly gia đình, việc phải tới, một cậu thanh niên hay một cô thiếu nữ phải lập gia đình với người ngoại quốc, và tương lai sẽ sanh cho cha mẹ một cháu bé lai mà đó là kết quả của sự thiếu hiểu biết và không có hạnh phúc trong gia đình thì tương lai cha và Mẹ Việt Nam sẽ ra sao? Ðây không phải vấn đề kỳ thị, mà muốn nói đến mẹ Việt Nam(***). Chúng tôi nói mẹ Việt Nam là muốn nói đến những người mẹ đã sanh ra những đứa con Việt Nam như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trải..v..v... Mẹ Việt Nam có thể sanh ra những vị Bồ Tát, những bậc Thánh Hiền. Mẹ Việt Nam cũng có thể sanh ra những đạo tặc, những kẻ bán nước cầu vinh. Những cô gái sắp lấy chồng ngoại quốc, chỉ trong vòng vài ba năm sau sẽ sanh ra một con Việt Nam lai, và những đứa bé trai hoặc bé gái nầy trong vòng 18-20 năm sau sẽ sanh ra những đứa con Việt Nam lai khác, những đứa bé con lai nầy có thể sẽ không nói được tiếng Việt, và có thể không biết được nước Việt Nam đang nằm ở chổ nào trên bản đồ thế giới.
            Nói tóm lại, hạnh phúc gia đình là điểm then chốt rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển nền Văn Hóa Việt Nam và cũng là nền đạo học lâu đời của người dân Việt. Quý vị sống đúng theo tinh thần thương yêu, hiểu biết theo quan điểm của Ðạo Phật, là chính quý vị đã đưa quý vị trở về sự thật của gia đình có hạnh phúc, và con trai, con gái của quý vị là cha và mẹ Việt Nam tương lai, sẽ đóng một vai trò rất lớn trong những kỷ nguyên mới sắp đến. Quý vị hãy cố gắng vận dụng hết khả năng mình để đầu tư vào giáo dục, hướng dẫn con cái của quý vị trở về xây dựng quê hương để cứu hàng triệu cha mẹ Việt Nam đang thiếu ăn, thiếu mặc, thất học, thiếu tình thương thiếu lý tưởng như hoàn cảnh hiện nay.
            Kế tiếp chương là Pháp Ðàm với đề tàiỢchuyển hóa nội kếtỢdo toàn thể chư tăng ni hướng dẫn đã diễn ra thật sôi nổi trong không khí thân tình cởi mở. Quí phật tử đã bày tỏ hết tâm sự của mình, và mong muốn làm thế nào để có thể cứu vãn một gia đình đang trên đà đỗ vỡ. Sau khi thảo luận sôi nổi, chúng tôi nhận thấy phương cách chuyển hóa nội kết có khả năng không những đem an lạc, hạnh phúc đến cá nhân, gia đình mà còn có thể cho xã hội. Trong buổi pháp đàm chuyển hóa nội kết đó, mọi người đã gỡ rối cho một gia đình, để cho cha con có thể gặp nhau, trao cho nhau những yêu thương tròn đầy...còn nhiều và còn nhiều nữa, những ý kiến thân tình xây dựng phát ra từ những người con Phật trong những ngày thực tập thiền quán thật hữu ích và thiết thực.
            Toàn thể đại chúng đã gặp nhau trong đêm thiền trà tại chánh điện Chùa Dược Sư. Những bài thơ thật hay do đạo hữu Nhật Hoa Quang cảm tác và tự ngâm khiến cho đại chúng tham dự đêm thiền trà thật hoan hỷ. Nhiều bài hát khác của Chư Tăng Ni và Phật Tử cùng chia xẻ khiến cho đêm thiền trà đã đầm ấm, thân tình lại càng đầm ấm thân tình hơn lên. Bài hát:ỢBa Chuyến Xe Trong Cuộc ÐờiỢ do Thượng Tọa Trụ Trì Chùa Phổ Ðà hát cùng sự diển giải của Thượng Tọa Trụ Trì Chùa Dược Sư đã khiến cho phật tử thật xúc động. Ý nghĩa của bài hát muốn nói đến lần vào đời dưới hình thức của một đứa trẻ như là một chuyến xe đầu tiên, kế đến là chuyến xe thứ hai là chuyến xe hoa nên duyên vợ chồng(nếu là người không đi ngược dòng). Chuyến xe cuối cùng là chuyến xe tang để ra đi về nghĩa địa, mọi người đều phải ra đi, đâu có ai tránh khỏi trong cuộc đời.
            Trưa ngày cuối cùng của khóa tu và cũng là ngày lễ kỷ niệm 6 năm viên tịch của Ðại Lão Hoà Thượng Thượng Hưng Hạ Từ, toàn thể Phật Tử tham dự khóa tu ngày hôm đó mỗi người một nén hương dâng lên bàn Tổ. Ðược biết rằng: Ðại Lão Hoà Thượng, Thượng Hưng Hạ Từ, thế danh Bùi Vạn An, sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Hợi (1911) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thân phụ là cụ Bùi Thế Vĩ, pháp danh Như Chơn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Biểu, pháp danh Thị Bửu. Từ nhỏ ngài được song thân giáo dục trong tinh thần từ bi và chan chứa đức hỷ xã của Phật, nên ngài sớm mộ cửa thiền. Duyên lành đã đến, ngày 8 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1918) khi vừa 8 tuổi, Ngài được song thân cho phép xuất gia đầu sư với hoà thượng Thích Hòa Phước trụ trì chùa Thiên Long, được bổn sư ban cho pháp danh Thị Lạc, thuộc đời 42 dòng Lâm Tế Chánh Tông xuất phát từ ngài Minh Hoàng Tử Dung tại Chùa Ấn Tôn ngày xưa, bây giờ là Chùa Từ Ðàm Huế. Nhờ túc duyên, ngài rất thông minh đỉnh đạc, dù còn nhỏ từ 2 thời công phu, 4 quyển luật Tỳ Ni cho đến các bộ kinh Ðịa Tạng, Thủy Sám, ngài đều thuộc lòng. Ngoài sự dạy dỗ của Bổn sư, ngài còn đươc tham học giáo điển với các vị cao tăng như Hoà Thương Từ Pháp chùa Thiên Tôn.
         Năm 1931 (20 tuổi)ngài thọ tam đàng cụ túc tại đại giới đàn chùa Linh Sơn do Ðại Lão Hoà Thượng Thích Hoằng Hóa là đầu đàn thí giới, và được phú pháp hiệu Hưng Từ. Sau khi thụ giới cụ túc xong, ngài tiếp tục học khoa Du Già Mật Tông với Hòa Thượng Linh Quang và được Hoà Thượng truyền trao Pháp ấn.
            Năm 23 tuổi (1934) ngài được chư tôn túc trong hội Ðịa Tạng Phổ lúc bấy giờ giới thiệu và gởi học Tam Tạng giáo điển tại Phật học Ðường Tây Thiên huế 3 năm (1934-1937). Nhờ tâm cầu học vững bền, chẳng những ngài uyên thâm kinh điển mà còn thấu triệt lý tánh diệu dụng của khoa Du Già Chẩn Tế .
            Năm 1937, ngài vận động Tăng tín đồ mở các tăng học đường tại các chùa Cổ Lâm, Liên Trì(Tuy An), Thiên Từ(Ninh Hòa) để đào tạo tăng tài. Ðặc biệt tại chùa Cổ Lâm có nhiều vị đến nghe giảng kinh Pháp Hoa như: Hoà Thượng Quảng Ðức, ngài Vỉnh Thọ, Nhơn Thị, Nhơn Duệ...do Ngài làm chủ giảng. Năm 1939, vì ảnh hưởng chiến tranh nên các tăng học đường này tạm thời đóng cửa, nhưng ngài luôn tìm mọi cách tổ chức các lớp tu học, giảng kinh luật dưới hình thức an cư kiết hạ, mở đại giới đàn ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Tuy để đào tạo các bậc cao tăng hửu ích cho đạo sau này như các Hoà Thượng Ấn Tông, Viên Quang, Ðồng Huy...và giảng dạy khoa Du Già Chẩn Tế cho chư tăng ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận...
            Ngoài việc giảng dạy, đào tạo tăng ni, Ngài còn đem hết sức mình khai sơn và trùng tu rất nhiều ngôi chùa để có nơi tu học cho tăng ni và sớm hôm lễ bái của Phật tử gần xa như: Chùa Thiên Long ở Phú Yên(1938) Tổ Ðình Minh Sơn(1957), Linh Ðài và Thiên Tứ ở Ninh Hòa (1959). Ðồng thời khai sơn Linh Sơn Tự ở Lạc Tánh, Tánh Linh (1961) và chùa Pháp Hội ở Hàm Tân, Bình Tuy(1967) .
            Suốt cuộc đời tu học và hành đạo, Ngài không từ nan bất cứ nhiệm vụ nào khi được chư tăng và giáo hội giao phó cũng như Phật tử khi cần đến. Năm 1955, Ngài đảm nhận trị sự trưởng giáo hội Tăng Già tỉnh Khánh Hoà liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Năm 1963-1964, ngài lãnh đạo phong trào tranh đấu bảo vệ Phật Giáo và Dân Tộc tỉnh Bình Tuy(Hàm Tân). Năm 1964-1978, Ngài được hội đồng Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất suy tôn vào hội đồng trưởng lảo viện tăng thống. Từ năm 1982 cho đến ngày viên tịch, Ngài được suy tôn cố vấn chứng minh kiêm Ủy Viên Tăng Sự Ban Trị Sự tỉnh hội Phật Giáo Thuận Hải(sau năm 1975).
            Ngài đã dịch bộ kinh Thập Lục Quán, và trước tác quyển lịch sử Tổ Hữu Ðức(Tổ Linh Sơn Trường Thọ núi Trà Cú ) và chư hậu Tổ. Cuộc đời tu hành và hóa đạo của ngài là tấm gương hy sinh tận tụy, không từ nan bất cứ một việc gì dù nhỏ, đem hết sức mình để giáo dục, đào tạo tăng ni, tiếp dẫn hậu lai, hoằng truyền chánh pháp. Dù tuổi già sức yếu, nhưng ngài vẫn tinh tấn tu hành không một phút giây trể nãi, và phục vụ chúng sinh đến giây phút cuối cùng. Ngày mùng 2 tháng 8 năm Tân Mùi (1991) Hoà Thượng an nhiên thị tịch, hưởng thọ 80 tuổi, với 60 pháp lạp. Bảo tháp của Ngài tọa lạc trong khuôn viên chùa Pháp Hội huyện Hàm Tân tỉnh Bình Tuy(trích trong cuốnỢ Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam).
            Ba ngày thực hành, tập ăn, tập cười, tập nói, tập lắng nghe, ăn chay, nằm đất...Tuy rằng phương tiện thiếu thốn bởi vì ngôi chùa quá nhỏ so với số người tham dự khóa tu, nhưng trên nét mặt mọi người phật tử đều hân hoan, an lạc và hạnh phúc. Ước mong rằng Thượng tọa sẽ thường xuyên mở nhiều khóa tu học như vậy để quí phật tử có cơ hội về học hỏi giáo pháp của Như Lai và thực tập thiền quán ngỏ hầu có thể sống một cuộc sống an lạc ngay trong cõi ta Bà nhiều đau khổ nầy
 
             (*) - Hạnh Phúc Lứa Ðôi
             (**)- Con Ðường Chuyển Hóa
             (***)- Hòa Thượng Nhất Hạnh
-- o0o --