-
Giá Trị
-
Của Tam Bảo
-
Giác Hạnh
-
--o0o--
-
-
Sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, ngoài vấn đề lo sinh kế
nuôi thân, chăm sóc gia đình, tiếp đãi bằng hữu... Chúng ta
phải làm thế nào để chứng tỏ một cư sĩ không chểnh mảng
trong sự tu học đối với Tam Bảo, vì Tam Bảo là kho tàng vô
giá nuôi dưỡng tâm linh của tất cả mọi loài chúng sanh từ
đời nầy qua đời nọ. Trong khi đó tiền, tài danh vọng, những
thứ mà hầu hết mọi người trên thế gian cho là quý giá nhất,
nhưng khi gặp nạn, bệnh tật, chết chóc, khổ đau nó không thể
làm cho chúng ta vui, nếu có thì cũng chỉ trong vài phút
chốc ngắn ngủi mà thôi. Nó cũng không thể giúp chúng ta vượt
qua mọi chông gai để được an lành! Chỉ có chư Phật, giáo
Pháp quý ngài truyền lại, và chư Tăng là những đệ tử của Ðức
Phật, là bậc thầy khả kính đem giáo lý giải thoát của Ðức
Phật truyền đạt đến nhân loại, để hướng dẫn mọi người cùng
tu học đạo giác ngộ mới có thể làm cho chúng ta hết khổ đau
phiền muộn. Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi quý báu, nếu chúng
ta không có thiện duyên thì khó mà gặp gỡ, vì thế chúng ta
phải phát nguyện gìn giữ, niệm Phật, tụng kinh, nghiên cứu
trì giới...để không cô phụ lòng độ sanh của chư Phật, chư
Thầy, Tổ.
-
Các câu Nam Mô A Di Ðà Phật, Nam Mô Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni Phật là những danh hiệu mà ta đọc trước tiên trong
những lúc chúng ta về Chùa lễ Phật, hay khi thắp hương trên
bàn thờ ông bà hoặc bàn thờ Phật trong gia đình. Những danh
hiệu đơn sơ đó đã thấm sâu trong lòng mọi người, vì thế mà mọi
người Phật Tử cũng như không phải Phật Tử(*), mỗi lần đứng
trước một nơi tôn nghiêm thờ phượng là trong tiềm thức nghĩ
ngay đọc những câu nầy. Khi nghe quý Thầy giảng Pháp, dạy giáo
lý ta hiểu thêm ít nhiều về giá trị của những hồng danh đó
cũng như giá trị của ngôi Tam Bảo. Như chúng ta đã biết Ðức
Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, ngôi vương
đế, và bao sự ưu ái khác sẵn dành, để sống khổ hạnh nơi rừng
sâu nước lạ. Sau bao nhiêu năm đi lang thang đây đó quyết một
lòng tìm đạo giải thoát cho chúng sanh. Cao cả quá! Sau khi
đạt đạo ngài thuyết pháp độ sinh suốt bốn mươi chín năm liên
tục. Là một Giác Giả hay Viên Giác, người có nếp sống tỉnh
thức thường trực, ngài luôn đưa đường chỉ lối cho chúng ta.
Phật là bậc hoàn toàn giác ngộ, có sức mạnh gạt bỏ phiền não,
còn chúng sanh thì bị phiền não vây quanh, đang lặn hụp trong
vòng lục đạo...Nhưng Ngài là đấng Từ Phụ vẫn mãi dìu dắt, cứu
vớt khi chúng ta thành kính tưởng nhớ đến. Ðức Phật rất xứng
đáng với những danh hiệu: Như lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri,
Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ..v..v.. Phật ở khắp mọi nơi, trong
mỗi chúng sanh đều có Phật, Phật trong chúng sanh vì thế mỗi
khi chắp tay niệm danh hiệu Phật, ta không những cung kính
Ngài trên trước, mà còn luôn giữ tâm thanh tịnh ấy với tất cả
những người chung quanh chúng ta, và với mọi loài. Kính Phật
ta phải nhớ sự bình đẳng, lời Phật dạy chân thực: Phật là Phật
đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.
-
Kinh điển mà ta đọc tụng hằng ngày, hoặc lời Phật
thuyết ra gọi là Pháp. Bài pháp đầu tiên Phật thuyết cho năm
anh em Kiều Trần Như, sau khi đắc đạo là Tứ Diệu Ðế. Rồi trên
đường hoằng pháp Ngài có thuyết Thập Nhi Nhân Duyên, với giáo
pháp nầy giúp chúng ta thấy rõ, tất cả mọi sự vật đều tạo
thành bởi những cái không phải là nó, mà là do trùng trùng
duyên khởi. Cũng trong giáo lý nầy giúo cho chúng ta có nhận
thức là: Hữu duyên lắm ta mới được gần nhau, có nhau, quán
chiếu nhau để rồi thông cảm, thương yêu nhau. Kinh Hoa Nghiêm
Phật thuyết trong vòng hai mươi mốt ngày, Kinh nầy cao siêu
quá chúng sanh không hiểu nổi nên Ngài phải chuyển hướng nhằm
giúp cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến phật bằng các Kinh A
Hàm, Phương Ðẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn...
-
Pháp Phật có khả năng thoa dịu những đau khổ của
kiếp người và không xa rời chúng sanh, chỉ vì bị vô minh che
tối nên chúng ta lãng quên không tu tập để rồi cuối cùng chuốc
lấy phiền lụy trong kiếp người. Nếu chúng ta biết và ý thức
thì chúng ta phải thành tâm nhớ nghĩ lời Phật dạy, nỗ lực công
phu, thì chúng ta sẽ chuyển được nghiệp chướng đau khổ thành
an vui giải thoát. Tu thì sẽ chuyển nghiệp, hiểu như thế thì
thấy pháp Phật không phải là định mệnh, cũng không ai có thể
sửa đổi được định mệnh của mình ngoài chính mình. Thực hành
đi, ta sẽ cảm nhận sự nhiệm mầu của Pháp Phật. Vì Phật biết
căn cơ chúng sanh thường giải đãi biếng trễ, nên ngài thường
ra nhiều phương tiện để khuyến khích chúng sanh ta vững tiến
trên đường tu học. Kinh điển của Phật để lại dạy ta sáng suốt
hướng thiện. Là Phật Tử tại gia ta phải luôn tự nhắc mình:
Luật như Ngọc Ma Ni, Giới như trâu mao mến đuôi, để ngày thêm
tinh tấn. Sống trong thời kỳ mạt Pháp, kiểm điểm quán chiếu,
học hỏi là bổn phận của người con Phật để có đủ khả năng đóng
góp sức mình trong việc phụng sự chánh pháp, và luôn nhớ rằng,
Pháp là phương tiện đưa ta qua biển sanh tử luân hồi, ta không
được vướng mắc vào những phương tiện đó, đồng thời phải ý thức
rằng: Trong nguồn giáo pháp nầy có thực tu mới thực chứng.
-
Làm người đã khó, gặp Phật lại càng khó hơn, thật
diễm phúc cho chúng ta được sống trong lòng Phật pháp. Diễm
phúc hơn nữa, quanh ta còn có những vị tăng già tình nguyện
noi gương Ðức Phật Thích Ca, dấn thân vào đạo, khép mình trong
hai trăm năm mươi giới, hay ba trăm bốn mươi tám giới để làm
những khất sĩ, tạo cơ hội cho chúng ta được gần gũi, chia xẻ
những khổ đau và dạy chúng ta học Phật Pháp. Quý Ngài cho ta
những bài học vô giá, giúp chúng ta tìm lại viên bảo ngọc Phật
Tánh mà ta hời hợt đánh rơi, các Ngài còn là kẻ đồng hành để
đi vào vô ngã, giúp chúng ta bố ma, phá ác, trong tinh thần
hòa hợp, thanh tịnh. Với một tâm hồn thanh tịnh, cầu tiến học
hỏi, chúng ta thấy chư Tăng sẳn sàng gánh vác những nhọc nhằn,
phiền não mà Phật Tử thường vô tình đem đến. Các Ngài không
quản gian lao làm những tàng cây cổ thụ để chúng sanh núp
bóng, khi lửa sân si nóng cháy tâm hồn, luôn mở rộng vòng tay
chào đón những đứa con lạc lõng trở về. Cam lộ kia thầy dành
cho tất cả chúng sanh. Chỉ trong một phần tử nhỏ của Tăng Bảo
ta có thể thấy nơi đó là tài năng của một vị kỷ sư tài, một
bác sĩ giỏi, một bác học lừng danh, một nhà giáo có lương tâm,
một phụ huynh đầy bổn phận, một bằng hữu, hay một luật sư hùng
biện..v..v.. Nếu ta không tìm thấy vị tu sĩ ân đức sâu dày với
những tính chất như trên, trong con người mà chúng ta hằng quy
ngưỡng, thì ta đã biết ngõ nào nên rẻ, bờ bến là đâu, nhưng
việc quý kính Tăng Bảo chúng ta không thể thiếu.
-
Vô thường ở chung quanh ta, hay xảy ra bất cứ lúc
nào. Là một Phật Tử tại gia chúng ta nên tự tạo dựng cho mình
một nguồn nội lực, để ung dung chấp nhận những nghịch cảnh khi
nó đến và đi. Ða số chúng ta đã có chứng kiến, hoặc có khả
năng cảm nhận, kinh nghiệm được nhiều trường hợp của sự sinh
diệt. Hơn hai mươi lăm thế kỷ qua và cho đến tận ngàn sau,
những điều cao đẹp trong Ðạo Phật mãi tồn tại bằng sự nồng ấm
của hằng bao nhiêu con tim hiểu biết. Chúng sanh thật sự có
được cuộc sống an lạc thanh tịnh cũng nhờ sự hiện hữu của Tam
Bảo, vì Phật Pháp dẫn dắt ta từ chỗ tận cùng của khổ đau tới
đỉnh cao an lạc. Nếu chúng ta y vào Tam Vô Lậu Học hành trì,
thường xuyên nuôi dưỡng gương từ bi, tạo không khí lục hòa...
thì sự giải thoát không xa tầm tay với chúng ta. Phật cũng có
dạy: Không có gì hạnh phúc hơn bằng sự yên tĩnh của tâm hồn.
|