-
Thất Ðiên Bát Ðảo
-
Nguyễn Mộng Khôi
-
--o0o--
-
-
Ðạo Phật du nhập đến Giao Châu vào những thế kỷ đầu Tây Lịch.
Ðến đời Nhà Ðinh, Nhà Lê, Nhà Lý, Nhà Trần Phật Giáo trở nên
thịnh hành. Ðặc biệt trong đời Nhà Trần, sau khi đánh bại quân
nhà Nguyên, đem lại hòa bình và thịnh trị về cho dân vua Trần
Nhân Tôn nhường ngôi cho con và xuất gia ở núi Yên Tử. Một ông
Vua như thế, khi xuất gia chắc chắn đã gây nên một tiếng vang
lớn và khiến cho tất cả mọi người trong nước đều hướng về ngọn
núi Yên Tử. Từ đó Ðạo Phật trở thành yếu tố tâm lý liên kết
toàn dân trong mục đích xây dựng và bảo vệ quốc gia. Phong
trào Phật Giáo nhập thế, gọi là Trúc Lâm Yên Tử rất thịnh hành
vào thời kỳ nầy. Tinh thần phật giáo ảnh hưởng khắp nơi, những
danh từ có tánh cách phật học cũng được dân chúng xử dụng
trong đời sống hằng ngày. Vì thế dầu muốn dầu không những từ
ngữ Phật học đã thấm nhuần trong lòng mọi người một cách tự
nhiên, không những trong giới bình dân lao động, mà ngay cả
đến giới trí thức nho học khoa bảng cũng bị ảnh hưởng nền
triết đạo đó, và lưu truyền rộng rãi trong nhân gian như Câu:
Tam Bành Lục Tặc, Thất Ðiên Bát Ðảo là từ ngữ chỉ cho trạng
thái tâm thần không định đến cực độ.
-
Từ ngữ Thất Ðiên Bát Ðảo mới nghe qua chúng ta cứ công nhận đó
là lời nói để chỉ cho những trạng thái tâm hồn hỗn loạn của
con người, mà không cần biết xuất xứ từ đâu. Nhưng suy cho kỹ
thì chúng ta thấy nguyên nguồn xuất phát của nó từ kho tàng
triết đạo Phật Giáo. Theo truyền miệng từ ngữ Thất Ðiên Bát
Ðão có hai cách nói:
-
1- Ðây là lời dạy của chư Tổ đối với hàng môn đồ. Thất Ðiên
Bát Ðảo có nghĩa là: Bảy lần chao đảo hoặc té, tám lần đứng
vững hoặc đứng dậy. Ðây là ý chỉ cho biết, trong cuộc đời, bất
cứ làm một việc gì cũng thế, thường thì có thành công nhưng
cũng có thất bại. Nếu là thất bại thì không vì thế mà nản chí,
mà phải cố gắng vượt qua.
-
2-
Từ ngữ Thất Ðiên Bát Ðảo hay còn gọi là Thất Tình Bát Ðảo.
-
Ở
đây chúng tôi xin được trình bày theo thiển ý của mình về ý
nghĩa của Thất Tình Bát Ðảo. Từ ngữ Thất Tình Bát Ðảo hay Thất
Ðiên Bát Ðảo mới nghe chúng ta có cảm tưởng như là một, nhưng
thật tế đó là hai danh từ Thất Ðiên và Bát Ðảo ghép lại.
-
A- Thất Tình Hay Còn Gọi Là Thất Ðiên.
-
Trước khi nói về Thất Ðiên, chúng ta hãy nên xét
nghiệm về hiện tượng của tâm lý, theo thuật ngữ của Phật Giáo
gọi là Tâm Sở. Thường thì Tâm Sở không thể tách rời Tâm Vương
để hoạt động một mình mà phải nương vào Tâm Vương để tiếp xúc,
tác dụng với trần cảnh, từ đó sẽ tạo thành sự phân biệt vi tế,
nên gọi là Tâm Pháp Tương Ưng. Có tất cả sáu loại Tâm Sở tạo
thành bốn mươi sáu thứ phiền não.
-
I- Ðại Ðịa Pháp
-
Ðại có nghĩa là lớn; Ðịa là chỉ nơi xuất xứ của
Tâm Vương và Tâm Sở. Có tất cả mười thứ:
-
1- Thọ: Có nghĩa là lãnh thọ, theo khoa Tâm Lý Học
gọi đó là tình cảm lãnh thọ. Loại lãnh thọ nầy tùy thuộc vào
ngoại cảnh tốt hay xấu rồi từ đó trong nội tâm khởi lên một
thứ tâm lý có khổ hoặc vui. Nếu là khổ thì gọi là khổ thọ, nếu
là vui thì gọi là lạc thọ.
-
2- Tưởng: Nghĩa là sự tưởng tượng hình ảnh. Sau
khi tiếp xúc với cảnh tượng nào đó rồi thì trong tâm tăng thêm
sự tưởng tượng. Nếu chúng ta nghĩ tưởng đến cảnh giới nào thì
tâm lý đối với cảnh giới đó mà có khái niệm.
-
3- Tư: Có nghĩa là tạo tác từ nơi tư tưởng, vì vậy
nó là nguyên nhân chủ yếu của ba nghiệp: Thân, Miệng, Ý. Tất
cả những hành vi động tác của Tâm và Tâm Sở đều phải chịu cái
Tư của Tâm sở thúc đẩy.
-
4- Xúc: Xúc có nghĩa là tiếp xúc. Ðây là những lúc
các yếu tố: Căn, Cảnh, và Thức hòa hợp nên Tâm Sở theo đó mà
phát sanh. Vì vậy Tâm, và Tâm Sở pháp sanh khởi đều cần phải
nương vào sự tiếp xúc mà sanh ra Tâm Sở tác dụng.
-
5- Dục: Nghĩa là lòng ước muốn. Sự cầu mong nầy có
thiện mà cũng có ác. Một vài tiêu biểu như tham muốn về sắc
thì gọi là sắc dục...
-
6- Huệ: Nghĩa là trí huệ suy xét đối với các tâm
sở mà lựa chọn chánh, tà, thiện, ác.
-
7- Niệm: Có nghĩa là nhớ rõ không quên. Tâm sở đối
với các cảnh giới đã từng tiếp xúc trong quá khứ nhớ mãi không
quên.
-
8- Tác Ý: Có nghĩa là cảnh giác, khi tâm sở tiếp
xúc với cảnh giới nào thì khởi tâm chú ý nhớ nghĩ đến việc đó.
-
9- Thắng giải: Có nghĩa là một sự hiểu biết rõ
ràng không hoài nghi mơ hồ.
-
10- Tam Ma Ðịa: Có nghĩa là trạng thái tập trung
hay còn gọi là Ðịnh.
-
II- Ðại Thiện Ðịa Pháp
-
Ðại Thiện Ðịa Pháp là muốn nói đến tất cả các tánh
thiện của Tâm Sở, tất cả có mười thứ:
-
1- Tín: Có nghĩa là lòng tin, tin có nhân quả,
nghiệp báo, luân hồi..v..v.. Người có lòng tin thì tâm được an
định, thanh tịnh...
-
2- Không Phóng Túng: Nghĩa là lòng luôn luôn nhớ
nghĩ đến tất cả các pháp lành.
-
3- Khinh An: Là tâm an vui
-
4- Xả: Nghĩa là tâm không trú vào những cảnh giới
thiện, ác, mà trong tâm hồn luôn luôn trú trong tự nhiên tịch
tịnh.
-
5- Tàm: Ðối với tự thân có nghĩa là xấu hổ
-
6- Quý: Ðối với mọi người có nghĩa là thẹn thùng.
-
7- Không Tham: Nghĩa là đối với bất cứ việc gì tâm
cũng đều không tham muốn, đắm trước tham cầu.
-
8- Không Sân: Nghĩa là thấu triệt được mọi nguồn
gốc của đau khổ, nên tâm không loạn động sân hận.
-
9- Không Hại: Nghĩa là Tâm không làm hại mình,
hoặc làm cho người khác đau khổ về tinh thần, hoặc thể chất.
-
10- Cần: Có nghĩa là tinh cần, tâm luôn luôn hướng
thượng cầu thiện pháp.
-
III- Ðại Phiền Não Ðịa Pháp
-
Tâm sở thông đồng với tất cả tâm ô nhiễm, tâm bất
thiện..v..v.. để hình thành những căn bản phiền não nên gọi là
Ðại Phiền Não Ðịa Pháp. Tổng cộng gồm có sáu thứ:
-
1- Si: Gọi cho đủ là si mê, vì si mê nên khởi lên
những vọng tưởng điên đảo, cho nên cũng đồng nghĩa với Vô
Minh, là căn nguyên của luân hồi sanh tử.
-
2- Phóng Dật: Là tâm buông lung không sợ điều ác,
không tu các điều lành.
-
3- Giải Ðãi: Tâm lười mõi không chịu nỗ lực làm
các việc thiện, đối với những việc ác không chịu nỗ lực dứt
bỏ.
-
4- Không Tin: Tâm không tin chân lý, nhân quả,
luân hồi, nghiệp báo.
-
5- Hôn Trầm: Là trạng thái tinh thần suy nhược.
-
6- Trạo Cử: tâm lăng xăng, suy nghĩ hết việc nầy
đến việc khác.
-
IV- Ðại Bất Thiện Ðịa Pháp
-
Tâm dựa vào tất cả các tâm bất thiện mà khởi lên
các trạng thái của các tâm. Gồm có:
-
1- Ðối với tự thân không biết xấu hổ.
-
2- Ðối với mọi người không biết liêm sĩ.
-
V- Tiểu Phiền Não Ðịa Pháp
-
Những loại phiền não nầy nói lên trạng thái của
sáu thức tương ưng với tâm sở vô minh nên gọi là Tiểu Phiền
Não Ðịa Pháp. Tổng cộng có tất cả mười món.
-
1- Phẩn: Là trạng thái tâm lý vì không được như ý
nên bất mãn tức giận.
-
2- Phú: Là trạng thái che đậy những việc tội ác,
tật xấu do chính mình tạo ra.
-
3- San: Tánh keo kiệt, bỏn xẻn.
-
4- Tật: Trạng thái đố kỵ việc tốt, sự thành công
của người khác.
-
5- Não: Là trạng thái hờn giận không nghe lời
khuyên giải của người khác, để rồi tự mình ôm lấy phiền muộn.
-
6- Hại: Là trạng thái tâm lý thường suy nghĩ, hoặc
dùng những phương pháp để bức bách não hại người khác.
-
7- Hận: Là trạng thái nội tâm kết oán sau khi đã
hờn giận.
-
8- Xiểm: Là trạng thái tâm lý nịnh bợ, tâng bốc mà
không cần biết sự việc tốt hay xấu, đúng hay sai.
-
9- Cuồng: Là tâm ngông cuồng không biết phục
thiện.
-
10- Kiêu: Là tâm kiêu ngạo, tự cho mình là hay
hơn, giỏi hơn, có địa vị hơn...
-
VI- Bất Ðịnh Ðịa Pháp
-
Là loại tâm sở có tánh chất không nhất định. Gồm
có tám thứ.
-
1- Tầm: Tâm tìm cầu phân biệt.
-
2- Tư: Tâm dòm ngó quan sát một cách tường tận.
-
3- Thùy Miên: Là ngủ nghỉ. Ðây là trạng thái hôn
trầm đối với cảnh sắc không có sự nhận định rõ ràng.
-
4- Ác Tác: Tâm đối với việc lành, việc dữ đều khởi
lên trạng thái truy cầu hối tiếc.
-
5- Tham: Tâm tham lam, ham muốn.
-
6- Sân: Tâm đối với mọi hoàn cảnh đều khởi lên bực
tức giận hờn.
-
7- Mạn: Tâm cống cao ngã mạn.
-
8- Nghi: Tâm đối với lý sự đều có lòng hoài nghi
không tin tưởng.
-
Chúng ta biết rằng, Tâm Sở tùy theo Tâm Vương mà
phát sanh, do đó chúng ta thấy năm thức Tâm Vương: Mắt, Tai,
Mũi, Lưỡi, Thân luôn luôn tương ưng với mười Ðại Ðịa Pháp,
mười Ðại Thiện Ðịa Pháp, sáu Ðại Phiền Não Ðịa Pháp, hai Ðại
Bất Thiện Ðịa Pháp, và tám Bất Ðịnh Ðịa Pháp; Cộng tất cả là
ba mươi hai tương ưng. Riêng về Tâm Vương thứ sáu là ý thì lại
tương ưng với sáu loại Tâm Sở để tạo thành tất cả là bốn mươi
sáu thứ phiền não như đã trình bày ở trên.
-
Như chúng ta biết, phiền não thì có rất nhiều,
nhưng một con người bình thường không bao giờ biết hết được
tâm lý, hoặc sự biến chuyển trong tâm thức của chính mình. Nếu
có thì cũng chỉ một phần nhỏ nào đó mà thôi. Từ ngữ Thất Ðiên
mà người đời thường quen miệng nói đó chính là:
-
1- Mừng: Là trạng thái vui mừng. Trạng thái nầy
thuộc về Thọ, là một trong mười Ðại Ðịa Pháp.
-
2- Giận: Là trạng thái giận hờn. Trạng thái nầy
thuộc về Phẩn là một trong mười Tiểu Phiền Não Ðịa Pháp.
-
3- Yêu: Là trạng thái thương yêu. Trạng thái nầy
thuộc về Tham là một trong tám Bất Ðịnh Ðịa pháp.
-
4- Ghét: Là trạng thái ganh ghét. Trạng thái nầy thuộc về Tật
là một trong mười thứ Tiểu Phiền Não Ðịa Pháp.
-
5- Phiền Muộn: Là trạng thái phiền não, bị lụy. Trạng thái nầy
thuộc về Não là một trong mười thứ Tiểu Phiền Não Ðịa Pháp.
-
6- Dục: Là trạng thái tham cầu. Trạng thái nầy
thuộc về Dục là một trong mười thứ Ðại Ðịa Pháp.
-
7- Lạc: Là trạng thái vui mừng. Trạng thái nầy
thuộc về Khinh An là một trong mười Ðại Thiện Ðịa Pháp.
-
Ðó là bảy loại phiền não nằm rãi rác trong các
Thiện Pháp và Bất Thiện Pháp như vừa trình bày như trên. Người
đời không nói là 46 loại phiền não từ sáu loại Tâm Sở mà người
ta chỉ nói là Thất Ðiên hay là bảy loại khùng điên làm đảo lộn
tâm trí con người, và trong đời sống hiện tại. Bởi vì nó xuất
phát từ kinh nghiệm sống trong nhân gian, nên từ đó mọi người
trong nhân gian cứ quen miệng gọi chứ không cần biết xuất xứ.
Nói tóm lại, Thất Ðiên chính là bảy loại phiền não, mà người
đời đã quen miệng gọi là Thất Tình.
-
B- Bát Ðảo hay Bát Ðảo Kiến.
-
Ðảo có nghĩa là việc đúng cho là sai, việc sai cho
là đúng. Ðảo gọi cho đủ là Ðiên Ðảo. Ðiên có nghĩa là ngã
nhào. Ðảo có nghĩa là lộn ngược. Ðiên Ðảo là chỉ cho trạng
thái tâm lý của con người bị xáo trộn ngược ngạo.
-
Trên con đường hoằng pháp lợi sanh của Ðức phật, Ngài luôn
luôn hướng dẫn hàng môn đệ hãy nhìn cuộc đời bằng con mắt quán
chiếu để thấu rõ mọi sự việc, để trở về với chân thường, chân
lạc, chân ngã và chân tịnh. Tuy nhiên vì sự cố chấp, phân biệt
sai lầm của phàm phu và nhị thừa nên bốn Ðức Ba La Mật đó trở
thành tám thứ Ðiên Ðảo
-
I- Bốn Cách Nhìn Của Phàm Phu
-
1-
Vô Thường Thấy Là Thường:
-
Vô thường là không thường, là luôn luôn biến đổi không một
giây phút ngừng nghỉ. Ðó là một sự thật hiển nhiên trước mặt,
được chứng minh bằng kinh nghiệm của những giác quan trong đời
sống hằng ngày. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã thấy biết bao lần
sông núi đổi thay rồi bâng khuâng trong cuộc đời giả tạm, ưu
tư cho kiếp sống tương lai:
-
- Ta còn để lại gì không
-
Kìa non đá lở, nọ sông cát bồi
-
Ra đi từ độ luân hồi
-
U minh nẻo tới, xa xôi đường về.
-
Trần Tế Xương còn chua xót hơn, trước những chuyển
biến quá nhanh:
-
- Sông kia rày đã nên đồng
-
Bên làm nhà cửa, bên trồng ngô khoai
-
Ðêm nghe tiếng ếch bên tai
-
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
-
Vâng, sông Vị Hoàng bây giờ đã bị lấp, chỗ làm
nhà, nơi trồng trọt. Chỉ trong giấc ngủ, thỉnh thoảng, thi sĩ
giật mình, nghe tiếng ếch nhái, tưởng như tiếng gọi đò của
khách quá giang năm nào, nơi bến sông Vị hồi còn sinh hoạt tấp
nập đêm ngày.
-
Thân và tâm cũng Vô Thường, lúc nào cũng ở trong
tình trạng bất định và diễn biến không ngừng.
-
Thân này mới sống bỗng chết, trước trẻ sau già,
mới mạnh thoạt yếu, mới khoẻ liền đau, trước giàu sang, sau
đói rách v.v...
-
Tâm còn thay đổi nhanh hơn, từng giây, từng phút,
ảnh hưởng ngoại cảnh. Vui đó, buồn đó, ghét đó rồi thương đó.
-
2-
Khổ Thấy Là Vui:
-
Chúng sanh còn đang ngụp lặn trong vòng lục đạo là còn khổ.
Chỉ có những người không ý thức, hoặc tự dối lòng, dối người
mới nói đời là vui sướng. Một người ăn xin, ngủ gầm cầu, xó
chợ cũng khổ. Một ông Thủ Tướng cũng không sướng. Bà đương kim
đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Hillary R. Clinton khi được nữ phóng
viên Barbara Walters hỏi bà đang mong cầu gì? Bà nói ngay mà
không suy nghĩ: Tôi chỉ mong chồng tôi chóng hết nhiệm kỳ thứ
hai nầy để tôi được trở về như một công dân thường. Thi Sĩ Tản
Ðà còn thấy cả nhân thế là bể khổ.
-
-
Khắp nhân thế là nơi khổ ải
-
Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai
-
Giáo lý nhà phật sắp xếp những nổi thống khổ nầy
thành:
-
- Ba Loại Khổ
-
- Sáu Loại Khổ
-
- Tám Loại Khổ
-
a. Ba Loại Khổ:
-
- Khổ Khổ: Nghĩa là hết khổ này đến khổ khác, nào
là nạn đao binh, nào là đói khát, tật bệnh. Cái khổ nầy kéo
thêm cái khổ khác mãi mãi.
-
- Hoại Khổ: Khổ vì hư hoại, người mà mình thương
yêu cứ lần lượt ra đi, vật mà mình ưa thích lần lần hư hoại.
-
- Hành Khổ: Trong lòng bỗng khởi phiền não vì nhận
ra vạn vật ở cõi thế cứ chuyển dời biến đổi mãi.
-
b-
Sáu Loại Khổ: Trong Du Già quyển 44 có ghi sáu mối khổ
-
-
Nhân Khổ: Là nguyên nhân tạo ra sự ác.
-
-
Quả Khổ: Là sự làm ác đưa đến kết quả khổ não.
-
-
Cầu Tài Vị Khổ: Là cái khổ do vì cầu mong tiền tài danh vị.
-
-
Cầu Thủ Hộ Khổ: Là cái khổ cực lo giữ các vật mình có.
-
-
Vô Yểm Túc Khổ: Là vì lòng tham vô đáy, có món này lại muốn
món khác.
-
-
Biến Hoại Khổ: Là khổ vì sợ thanh danh mình hư hoại, mai một.
-
c.
Tám Loại Khổ:
-
-
Sanh khổ,
-
-
Lão khổ,
-
-
Bệnh khổ,
-
-
Tử khổ,
-
-
Người mình thương mà không được gần gũi khổ
-
-
Cầu không được khổ,
-
-
Thường gặp người mình không thích khổ,
-
-
Năm ấm thạnh khổ.
-
Tám thứ khổ nầy được khai thác chi tiết của những cái khổ ở
trên. Ngày nào chúng sanh còn chưa biết tu tập, chưa giác ngộ
là ngày đó còn khổ. Tự mãn có được một đời hạnh phúc là sai
lầm, là điên đảo.
-
3-
Không Có Ngã Mà Cho Là Có Ngã:
-
Có hai sự phân biệt: Nhân Vô ngã và Pháp vô ngã
-
a- Nhân Vô Ngã: Con người có năm uẩn: Sắc, thọ,
tưởng, hành và thức. Do nhân duyên kết hợp với nhau mà có,
nương theo sự giả hợp đó mà gọi là con người. Sự thật khi phân
tích kỹ thì chúng ta thấy không có chi là con người hết. Do đó
gọi là Nhân Vô Ngã
-
b- Pháp Vô Ngã: Muôn vật ở đời có sắc pháp và tâm
pháp tạo duyên kết hợp với nhau mà có. Cái nầy nương cái kia
mà sanh, vật nầy nương vật nọ mà có. Nghĩa là tất cả mọi sự
vật tương đối mà có.
-
Trong Chỉ Quán, quyển 7 viết:
-
-
Vì không có trí tuệ mới nói là ngã, lấy trí tuệ mà xem xét thì
không có ngã. Ngã ở chỗ nào? ở đâu, ở chân hay ở tay, hết thảy
xem xét thấu suốt chẳng thấy cái ngã ở đâu?
-
Tất cả đều do nghiệp lực của chúng sanh, nương theo sự giả hợp
của các duyên mà sinh ra, không có chủ tể.
-
4-
Thân Bất Tịnh Cho Là Thanh Tịnh.
-
Theo Bất Tịnh Quán thì sắc thân nầy, khi sống, lúc chết đều
không tinh sạch. Bởi vì thân này lấy kết nghiệp của quá khứ
làm chủng, lấy tinh cha huyết mẹ làm giống, nên không có cái
giống tinh sạch. Cái giống không tinh sạch nằm trong bụng mẹ
là cái bất tịnh. Khi ra đời thân nầy có chín lỗ thường tuôn
ra: Mũi, rải, phân, nước tiểu..v..v..là tự thân không sạch.
Ðến lúc chết cũng thế. Hãy tưởng tượng thân tướng khi chết.
Xác chương lên rồi bầm tím, bị thối rữa, bị hư hoại, xác chết
máu me bê bết rồi bị ruồi bâu bọ rỉa; và sau cùng, còn trơ
xương vương vải lung tung.
-
Xét cho cùng ta thấy không hề có một Tịnh tướng
nào trong cái thân bất tịnh này.
-
II- Bốn Cách Nhìn Của Hàng Nhị Thừa
-
1-
Vô Thường Ðiên Ðảo
-
Ðối với Niết Bàn là thường thế mà đối với họ thì
cho rằng Niết Bàn là Vô Thường.
-
2-
Vô Lạc Ðiên Ðảo
-
Ðối với Niết Bàn là an lạc thế mà họ cho là không có an lạc,
chỉ có khổ não.
-
3-
Vô Ngã Ðiên Ðảo
-
Ðối với Niết Bàn là chân ngã, thế mà họ cho là không có Ngã.
-
4-
Vô Tịnh Ðiên Ðảo
-
Ðối với Niết Bàn là thanh tịnh, thế mà họ cứ kể cho là không
tịnh.
-
Như trên chúng ta thấy, nói là tám loại Ðiên Ðảo,
nhưng kỳ thật chỉ có bốn loại Ðiên Ðảo nhưng tùy thuộc và
trình độ của mỗi tầng lớp người như phàm phu chấp có, nhị thừa
chấp không vì thế mà trở thành tám thứ Ðiên Ðảo, nhưng dầu sao
tất cả cũng đều không đúng. Trong suốt bốn mươi chín năm
thuyết pháp, trước sau Ðức Phật ngài cũng vẫn duy trì cái lý
tưởng: Sự vĩnh viễn, bất biến và tự chủ làm căn bản để hướng
dẫn nhân sinh đạt đến cái cảnh giới do chính mình mở ra, cảnh
giới ấy chính là Niết Bàn, đó là điểm đặc sắc nhất của Phật.
Theo quan điểm của Ðại Thừa nói rằng cảnh giới Niết Bàn có đủ
bốn tính:
-
1- Thường Ðức: Là muốn nói cái thể Niết Bàn là
thường, không sanh, không diệt, không biến đổi, và tùy duyên
hóa dụng luôn luôn không dứt cho nên gọi là thường.
-
2- Lạc Ðức: Là muốn nói cái thể Niết Bàn là tịch diệt, yên
tịnh, tự tại, thích hợp với tâm mình nên cũng kêu là lạc.
-
3-
Ngã Ðức: Có hai lối giải thích:
-
-
Một là nói cái thể tự nó là thật, nên gọi là ngã.
-
-
Hai là nói cái dụng tự nó tự tại nên kêu là ngã.
-
4- Tịnh Ðức: Là nói đến cái thể Niết Bàn, giải
thoát hết thảy mọi chất cấu nhiễm, thường tùy theo nơi nơi,
chỗ chỗ mà hoá duyên không chướng ngại, nên gọi là tịnh.
-
Chúng sanh vì không nhận chân được lý sâu xa, nên tâm trạng
thường vui mừng, sung sướng khi nghe những lời nói vừa tai,
thích người khác nịnh bợ ton hót. Sự việc dầu cho thật hay
không thật cũng đều vui mừng. Trái lại khi không được như ý,
thì trong tâm phát xuất một thứ tâm lý bất mãn tức giận. Tùy
theo mức độ giận nhiều hay ít. Nhưng dù nhiều hay ít, đối với
tâm niệm của phàm phu, một khi mà khởi lên trong tư tưởng, là
sự trưởng dưỡng nơi tâm trí cái hình tướng qua sự gặp gỡ bằng
lục căn, rồi sau đó dẫn đến hành động thì bất cứ việc gì cũng
dám làm. Tưởng chính là tướng được phán đoán bằng nội tâm, rồi
mê chấp vào đó, cũng từ đó chúng sanh thấy ảo ảnh là thực có,
tâm hư vọng thường hay suy nghĩ sai trái, dẫn dắt chúng sanh
vào ngũ dục: Tài, Sắc, danh, thực, thùy. Trong Bồ Ðề Tâm Luận
nói:
-
-
Vọng tâm mà nổi lên thì dầu có nhận biết lẽ phải cũng không
làm theo. Vọng tâm mà dừng lại thì tâm lại trở về tính yên
lặng vốn có của nó.
-
Luận Ðại Thừa Khởi Tín nói:
-
-
Hết thảy chúng sanh đều có vọng tâm, luôn luôn phân biệt. Từ
đó sanh ra vô vàn mê hoặc, để tạo nên vô vàn vọng nghiệp rồi
phải trả nợ những quả khổ sau nầy.
-
Vì còn trong bến mê, bể khổ nên chúng sanh không thấy cái thân
phù thế nhỏ bé như bọt nước của đại dương như cánh bèo nơi
biển rộng:
-
- Nghĩ thân phù thế mà đau
-
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.
-
Cung Oán Ngâm Khúc- Nguyễn Gia Thiều
-
Nếu tất cả mọi người ai ai cũng ý thức được sự sống trong cuộc
đời là phù du giả tạo, tất cả đều là mộng tưởng điên đảo, cùng
nhau lắng lòng tìm hiểu con người thật của mình, cùng nhau tìm
về với chân Thường, chân Lạc, chân Ngã, và chân Tịnh thì chính
quý vị đã đoạn trừ những nguyên nhân tạo nên những khủng hoảng
điên đảo, tự hướng dẫn đời mình đi vào con đường Chân, Thiện
và Mỹ. Vì bốn đức nầy bắt nguồn từ Niết Bàn, là cảnh giới lý
tưởng tốt đẹp không xa lìa bản tâm của Phật. Cũng vì thế bốn
đức nầy còn gọi là Bốn Ðức Ba La Mật là nơi rốt cuộc của bốn
đức pháp thân Phật. Thực hành và thể nhập vào cảnh giới của
bốn đức nầy rồi thì tâm hồn quý vị sẽ không còn vướng vào vòng
điên đảo nữa. Cho dù quý vị ở đâu, trong cảnh ngộ như thế nào
đi nữa, hoặc ít nhất trong cuộc sống hiện tại, quý vị cũng sẽ
cảm thấy an nhàn tự tại.
|