-
Pháp Bảo Ðàn Kinh
-
Trúc Giao ghi
-
(tiếp theo kỳ trước)
-
--o0o--
-
-
Kinh Văn:
-
Giữa lúc canh ba thọ giới không ai hay, Ðức Ngũ Tổ
lại truyền phú đốn giáo và y bát, dạy rằng: Ðệ Tử làm Tổ đời
thứ sáu, tự mình phải khéo từ bi cứu thế, quảng độ các chúng
hữu tình, lưu truyền chánh giáo về sau, chớ để mất. Hãy nghe
bài kệ của ta đây:
-
- Có tình gieo giống xuống
-
Sẵn nhân quả liền sanh
-
Không tình cũng không giống
-
Không tánh cũng không sanh.
-
Giảng:
-
Trong đoạn kinh văn nầy, chúng ta thấy sau khi
truyền giới cho Lục Tổ xong, Ðức Ngũ Tổ lại truyền phú đốn
giáo và y bát và dạy: Từ đây về sau con là Tổ thứ sáu, thì tự
mình phải khéo từ bi cứu thế quảng độ các chúng hữu tình.
-
Trước tiên nói về Từ: Là tâm nguyện muốn đem an lạc và hạnh
phúc đến cho người khác. Bi: Là tâm nguyện muốn làm vơi đi đau
khổ của người khác. Ðó là ý nghĩa của câu: Từ năng dữ lạc, Bi
năng bạt khổ. Từ và Bi một khi đã trở nên những nguồn năng
lượng trong ta, sẽ có tác dụng đem tới an lạc và hạnh phúc cho
người khác và ngay cả bản thân của chính mình nữa. Cả hai Từ
và Bi đều là tình thương, nhưng không phải thứ tình thương có
tác dụng chiếm hữu, có tính cách độc tài mà Từ và Bi là những
tâm trạng thương yêu không cần đền trả, và không có điều kiện,
bởi vậy không đem lại lo âu và sầu khổ. Bản chất của Từ Bi là
sự hiểu biết, nghĩa là sự nhận chân được tình trạng khổ đau
của người khác. Như vậy có nghĩa là ta phải tiếp xúc được với
khổ đau của người khác. Những khổ đau nầy có thể là thể xác,
về vật chất, hay về tinh thần, hoặc cả ba thứ hợp lại.
-
Chữ hữu tình Ðức Ngũ Tổ muốn nói ở đây là một trong các loại
chúng sanh. Trong tất cả các loài chúng sanh, tuy có rất
nhiều, nhưng đại loại chia làm hai loại: Vô Tình, và Hữu Tình.
-
1- Vô Tình Chúng Sanh hay còn gọi là Khí Thế Giới, hoặc là Khí
Thế Gian là chỉ cho cảnh giới của các vật vô tình như: Cây,
cỏ, đất, đá..v..v...
-
2- Hữu Tình Chúng Sanh hay còn gọi là Chúng Sanh Giới, hoặc là
Chúng Sanh Thế Gian, là chỉ cho thế giới được hợp lại bởi các
loài hữu tình, tức là cảnh giới của các vật có mạng sống bò,
bay, máy, cựa như:
-
- Các loài sanh bằng trứng
-
- Các loài sanh bằng thai sanh
-
- Các loại sanh ra từ nơi ẩm thấp.
-
-
Các loài do hóa sanh..v..v..
-
Trong các loài chúng sanh, là Vô Tình, hay Hữu Tình, tất cả
đều có Phật Tánh. Tuy nhiên trong hai loại chúng sanh có Phật
Tánh nầy còn có một loại chúng sanh thứ ba, cũng là loại Hữu
Tình Chúng Sanh thuộc loài người. Loại chúng sanh nầy tâm của
họ rất ác, làm việc tội lỗi mà không bao giờ biết hổ thẹn,
không bao giờ biết cải hối, không tin nhân quả, luân hồi,
không gần với thiện hữu tri thức, tuyệt đối không có niềm tin,
không có Phật Tánh. Loại người nầy được Ðức Phật gọi là Nhứt
Xiển Ðề, theo trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn nói:
-
-
Loại người nầy dứt tất cả các căn bổn lành, lòng không dính
dấp với một pháp lành nào cả, cho đến không hề sanh tư tưởng
lành.
-
Những chúng sanh bị vô minh phiền não dẫy đầy, những nghiệp
duyên sâu dày làm chướng ngại thánh đạo, như Nhứt Xiển Ðề,
trong một đoạn khác Kinh Ðại Bát Niết Bàn nói:
-
-
Những kẻ Nhứt Xiển Ðề kia dầu cho có Phật Tánh, nhưng cái Phật
Tánh ấy bị vô lượng tội cấu bao bọc chung quanh, cho nên nó
không xuất hiện ra được, tỷ như con tằm bị bao bởi cái kén.
Bỡi nghiệp duyên của họ chẳng phát sanh được cái Bồ Ðề diệu
nhơn, họ lưu chuyển mãi trong biển sanh tử không bao giờ dứt.
Tỷ như có người bệnh kia, dầu gặp thầy giỏi, thuốc hay, dầu
được kẻ săn sóc trông nom, cũng chẳng hết bệnh, mà dầu chẳng
gặp thầy, gặp thuốc, hay chẳng được người săn sóc, bệnh cũng
chẳng dứt. Kẻ Nhứt Xiển Ðề cũng như vậy. Dầu gặp Thiện Hữu,
Chư Phật, Bồ Tát và nghe được Diệu Pháp, hay dầu không gặp, họ
cũng chẳng hề phát tâm tu hành để cầu thành phật quả.
-
Cũng có những loại Nhứt Xiển Ðề biết tu hạnh Bồ Tát như một
đoạn kinh Ðại Bát Niết Bàn quyển thứ chín, Ðức Phật nói:
-
-
Có hạng Nhứt Xiển Ðề là bậc Bồ Tát vì lòng đại bi, quyết ở
trong chốn luân hồi mà tế độ chúng sanh, chớ không muốn thành
Phật, chẳng vào Niết Bàn.
-
Trong các loài chúng sanh ngỗ nghịch cứng cỏi, muốn độ một
người không phải là chuyện dễ, vì thế một người có tâm nguyện
độ sanh phải hy sinh và trang trải, có đôi khi phải trả một
giá rất đắt bằng máu, bằng nước mắt để hoàn thành tâm nguyện
của mình. Nếu biết mình còn nhiều phàm tâm thì phải cố gắng
khắc phục như trong Kinh Kim Cang có đoạn ngài Tu Bồ Ðề hỏi
Ðức Phật:
-
-
Bạch Thế Tôn! Thật là điều hy hữu, Ðức Như Lai khéo hộ niệm
các vị Bồ Tát, khéo phó chúc các vị Bồ Tát. Bạch Thế Tôn!
Người Thiện Nam, Người Thiện Nữ phát tâm vô thượng chánh đẳng
chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia? Khi
nghe ngài Tu Bồ Ðề hỏi như vậy Ðức Phật ân cần chỉ dạy: Có các
loài sanh bằng trứng, hoặc các loài sanh bằng thai sanh, hoặc
các loại sanh ra từ nơi ẩm thấp, hoặc các loài do hóa sanh,
hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc
không tưởng, hoặc chẳng có tưởng, hoặc chẳng không tưởng. Các
vị Ðại Bồ Tát muốn trụ tâm và hàng phục tâm, thì trước hết
phải độ các loài chúng sanh ấy vào Vô Dư Niết Bàn.
-
Như tất cả mọi người học Phật ai cũng biết, tâm con người
giống như vượn chuyền cây không bao giờ dừng nghỉ, nên thâm ý
của đọan kinh Kim Cang trên muốn nói rằng: Tâm chúng sanh luôn
luôn lúc nào cũng có vọng niệm, nên một niệm tưởng về thế giới
của loài người thì đó là một chúng sanh thai sanh. Khởi niệm
về chim chóc thì đó là một chúng sanh noãn sanh. Khởi niệm về
loài ong bướm thì đó là một chúng sanh hóa sanh. Khởi niệm về
loài cung quăng thì đó là chúng sanh thấp sanh..v..v.. Nghĩa
là mỗi một niệm khởi lên là một loài chúng sanh xuất hiện, và
khởi niệm về loài nào, thì chúng ta là loài đó. Một hành giả
biết được vọng thức bên trong phối hợp với trần cảnh bên ngoài
mà tạo nên chúng sanh, và chúng sanh nầy là giả do vọng tưởng
tạo thành, lúc bấy giờ an trú trong chánh niệm thì tất nhiên
tâm trở nên yên tịnh. Tâm yên tịnh thì tất cả những ảo tưởng
về những chúng sanh đó cũng không còn, cho nên gọi là độ cho
tất cả những chúng sanh đó vào Vô Dư Niết Bàn.
-
Từ những ý nghĩa của chữ Từ, Bi, và Hữu Tình như thế, nên
chúng ta hiểu, sở dĩ Ðức Ngũ Tổ trang trọng căn dặn: Tự mình
phải khéo từ bi cứu thế, quảng độ các chúng hữu tình là gián
tiếp lưu ý cho Ðức Lục Tổ biết rằng: Trên đường hoằng pháp lợi
sanh còn nhiều gian nan vất vả, hơn nữa chúng sanh thì bản
tánh ngang ngược, cang cường, nên phải luôn luôn kiên nhẫn, an
trú trong chánh niệm, phải phát khởi tâm đại từ, đại bi, đại
hỷ... phải trụ tâm như thế. Bởi vì nếu không có lòng thương,
và đặt mình vào cảnh ngộ đó thì sẽ không thể nào gần gũi những
chúng sanh đó được, không gần gũi thì không thể nào độ họ
được.
-
Ở
đây có người hỏi, Ðức Ngũ Tổ căn dặn Lục Tổ: Tự mình phải khéo
từ bi cứu thế, quảng độ các chúng hữu tình, lưu truyền chánh
giáo về sau, chớ để mất. Như vậy có coi thường Ðức Lục Tổ hay
không?
-
Như tất cả mọi người chúng ta ai cũng biết, qua bao nhiêu
cuộc trắc nghiệm, Ngũ Tổ biết được ngài Huệ Năng đã là Pháp
Khí, vì thế mà Ngũ tổ mới đích thân truyền y bát để làm Lục
Tổ. Nhưng nếu như những điều căn dặn của Ngũ Tổ như trên mà
chúng ta hiểu là Ngũ Tổ muốn nhắn nhủ ngài Huệ Năng phải ráng
cố gắng trụ tâm, và hàng phục tâm, mà cho là Ngũ Tổ coi thường
về sự giác ngộ của ngài Huệ Năng thì không đúng. Riêng cá nhân
chúng tôi thấy, đây là việc thông thường chứ không có gì gọi
là coi thường. Nhớ lại ngay từ đầu, từ một thanh niên Huệ Năng
đến Chùa xin Ngũ Tổ đi tu, nhưng Ngũ Tổ chưa nhận cho xuất
gia, mà chỉ nhận ở Chùa với tư cách như một người làm công
quả. Trong thời gian tám tháng làm công quả, Ðức Ngũ Tổ chưa
hề dạy cho một câu kinh kệ nào, cũng có thể chưa hề dạy cho
một chữ nào. Nhưng khi thấy khả năng của thanh niên Huệ Năng,
Ngũ Tổ mới bắt đầu lưu ý, cho đến khi thanh niên Huệ Năng đã
thõa mãn những cuộc trắc nghiệm của Ngũ Tổ, và được Ngũ Tổ
trao truyền y pháp và ngôi vị Lục Tổ. Cho đến bây giờ đây
chúng ta thấy Ðức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chỉ giữ một vai trò danh
dự ấn chứng cho ngài Huệ Năng, và giảng cho một thời kinh Kim
Cang gọi là lấy lệ cho có tình thầy trò mà thôi, chứ thực tế
thì ngài Huệ Năng đã giác ngộ trước khi gặp thầy. Vì thế mà
những lời Ðức Ngũ Tổ căn dặn, cũng chỉ nói cho có tình nghĩa
thầy luôn luôn lưu tâm đến sự tu tập của đệ tử chứ không có ý
gì gọi là coi thường. Bởi vì nói về sự trụ tâm, với ngài Huệ
Năng thì chúng ta đã biết, khi mới nghe qua Kinh Kim Cang thì
ngài Huệ Năng đã thấy tánh, nghĩa là ngài Huệ Năng đã ngộ từ
trước rồi chứ đâu phải đợi cho đến lúc Ngũ Tổ dặn ngài Huệ
Năng mới trụ tâm và hàng phục tâm mình.
-
Nói về bài kệ mà Ðức Ngũ Tổ trao truyền cho Lục Tổ như:
-
-
Có tình gieo giống xuống
-
Sẵn nhân quả liền sanh
-
Không tình cũng không giống
-
Không tánh cũng không sanh.
-
Chữ tình ở đây chúng ta có thể hiểu hai nghĩa:
-
1- Chỉ cho những người đã có thiện căn, thiện duyên, có chủng
tính về đạo lý, có hạt giống Bồ Ðề. Trong tất cả những người
có đầy đủ phước đức như vậy, một khi họ tìm đến học hỏi thì
nên cố gắng hết sức mình để đem đạo lý mà truyền dạy cho họ,
vì những chúng sanh ấy mà tạo nhiều điều kiện, phương tiện cho
họ tu tập, làm cho những chúng sanh ấy khai ngộ. Mảnh đất tâm
của họ đã có sẳn, nên khi gieo thì chắc chắn sẽ có quả tốt từ
đó mà phát sanh không khó.
-
2- Chỉ cho những bậc thượng căn thượng trí, hoặc Bồ Tát vì tâm
nguyện vào đời để độ đời, những người nầy chỉ cần một câu
kinh, một bài kệ tức khắc liền giác ngộ.
-
Không tình ở đây chúng ta cũng có thể hiểu hai nghĩa:
-
1- Chỉ cho những chúng sanh không có đủ phước đức nhân duyên,
mà lại không tha thiết gì về đạo học. Những chúng sanh nầy
muốn cho họ học đạo lý thật không phải là chuyện dễ.
-
2- Chỉ cho những bậc trung căn trung trí, hoặc hạ căn hạ trí,
những hạng người nầy thì không linh lợi như bậc thượng căn
thượng trí, nên cũng không dễ gì ngộ đạo đắc pháp, nhưng tinh
cần, tích cực tu học thì cũng sẽ đạt được kết quả như ý muốn.
-
Như vậy, Theo tinh thần trong bài kệ, mới đọc qua chúng ta cảm
thấy như có sự mâu thuẫn, như nói: Ðem giống Phật gieo vào
lòng những chúng Hữu Tình, có nhân tất có quả, có giống Phật
tất nhiên phải có Diệu Quả Bồ Ðề. Ðối với hạng Vô Tình thì
không gieo giống được, nếu không có chủng tánh thì diệu quả
không làm sao sanh được. Như thế thì chẳng khác nào, một ông
lương y đại tài chuyên lo cứu nhân độ thế, mà chỉ nhận trị
những chứng bệnh dễ điều trị, còn những chứng hiểm nghèo thì
không nhận, bảo là khó trị. Ðể hiểu trọn vẹn ý của Ngũ Tổ
chúng ta phải hiểu rằng: Hữu Tình đây là chỉ cho lớp người
thượng căn thượng trí, chư Bồ Tát tái sanh, những vị nầy khi
nghe một câu kinh tiếng kệ, hoặc một nhân duyên nào đó thì tức
khắc ngộ đạo. Còn những người gọi là Không Tình là chỉ cho lớp
người Trung Căn hay Hạ Căn, những người nầy, thì cần phải tu
học nhiều và thực tập nhiều mới giác ngộ. Ở đây ý của Ngũ Tổ
muốn dặn, nếu gặp những chúng sanh thông minh lanh lợi thì
cũng không nên mừng, nhưng nếu gặp một chúng sanh căn cơ thấp
kém cần phải hướng dẫn giáo dục, mất nhiều thời gian để giáo
hóa thì cũng đừng nên buồn, mà phải nỗ lực kiên nhẫn nhiều hơn
nữa, phải xử dụng tâm từ bi thương xót mọi loại, độ hết tất cả
chúng sanh không bỏ một chúng sanh nào.
-
Xa hơn nữa, chúng ta phải hiểu rằng đây là cái diệu dụng mà
Ðức Ngũ Tổ ngài muốn truyền trao cho Lục Tổ phương tiện hoá
độ: Phương tiện lực, và phương tiện trí lực. Về phương tiện
trí lực là để cho có sự hiểu biết, suy luận. Còn về phần
phương tiện lực thì thiên biến vạn hóa, tùy theo căn cơ, hoàn
cảnh từng người một mà tạo cho họ có phương tiện thích nghi
sai khác để tu hành, nhưng những sự khác biệt nầy không chống
trái nhau. Phương tiện dù thuận hay nghịch, tốt hay xấu đều
đưa hành giả đến giải thoát như Ngũ Tổ đã dạy: Khéo từ bi cứu
thế, quảng độ các chúng hữu tình. Hiểu được phương tiện lực
rồi thì mới thấy được thâm ý của Ngũ Tổ muốn truyền trao cho
Lục Tổ. Quả thật về sau trên con đường truyền đạo của Lục Tổ
ngài vẫn luôn luôn giữ: Vô biên chúng sanh của tự tâm thì thề
nguyền hóa độ. Vô tận phiền não của tự tâm thì thệ nguyện đoạn
trừ. Vô lượng pháp môn của tự tâm thì thệ nguyện tu học. Vô
thượng Phật Ðạo của tự tâm thì thệ nguyện viên thành.
-
Kinh Văn:
-
Ðức Ngũ Tổ lại bảo rằng:
-
-
Xưa Ðức Ðạt Ma Tổ Sư mới qua Trung Quốc, chưa biết chỗ nào
đáng tin, nên truyền y nầy để làm tín thể, đời đời vâng theo
phép tắc chánh đại quang minh, lấy tâm truyền tâm, để cho ai
nấy cũng đều được tự ngộ, tự giải.
-
Từ xưa Phật Phật chỉ truyền bổn thể, Sư Sư mật phú bổn tâm, y
nầy là của báu truyền cho đệ tử, tới đời đệ tử làm Lục Tổ thì
không nên truyền nữa, vì y nầy thường bị tranh chấp, nếu tiếp
tục truyền y nầy thì thân mạng của vị Ðại Sư lãnh thọ, phải
gặp nhiều chướng ngại, nguy hiểm như sợi tơ treo. Vậy đệ tử
phải đi mau, sợ có hạng tiểu nhân ganh ghét phá hoại.
-
Ðại Sư Huệ Năng bạch:
-
-
Bạch Thầy! Con nên đi về xứ nào?
-
Ðức Ngũ Tổ nói:
-
- Gặp ấp hoài thì ở, gặp ấp hội thì ẩn.
-
Giảng:
-
Ðoạn nầy Ðức Ngũ Tổ nói cho Ðức Lục Tổ biết về lý do truyền
thừa y bát. Tại Ấn Ðộ, sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn, thì
giáo phái được chia thành hai tôn phái đó là Thượng Tọa Bộ, và
Ðại Chúng Bộ. Về sau Thượng Tọa Bộ lại phân phái thành 11 bộ
phái, và Ðại Chúng Bộ lại phân thành 9 trường phái khác nhau.
Như vậy tổng cộng trước và sau thành 20 bộ phái. Tuy là các bộ
phái có các lập trường khác nhau nhưng giáo lý cũng không
ngoài những điều của Ðức Phật đã chỉ dạy. Dầu cho bộ phái nào
đi nữa, Chư Tổ, Chư Thánh Ðệ Tử của Ðức Phật vẫn thay nhau
hoằng dương chánh pháp, và Chánh Pháp Nhãn Tạng vẫn được lưu
truyền từ Ðệ Nhất Tổ Ca Diếp cho đến Tổ thứ 28 là ngài Bồ Ðề
Ðạt Ma. Vâng lời giáo huấn của Thầy là Tổ Bát Nhã Ða La, sáu
mươi năm sau Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma mới truyền đạo sang Trung Hoa.
Trước khi Thiền Tôn xuất hiện, tại Trung hoa cũng đã có rất
nhiều tôn phái Phật Giáo Ðại Thừa khác truyền vào rất sớm, nên
nhân dân Trung Hoa cũng đã biết Ðạo Phật từ đó. Ðến khi ngài
Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang, Phật Giáo Thiền Tôn mới bắt đầu
chớm nở, và lưu truyền khắp nơi. Trong những ngày đầu phôi
thai, tín đồ của Thiền Tôn rất hiếm hoi, vì thế rất ít người
biết đến Thiền Tôn, và chưa hiểu đạo Thiền là gì? Trên con
đường hoằng pháp tại Trung Quốc, ngài Bồ Ðề Ðạt Ma cũng đã gặp
rất nhiều khó khăn, một phần vì cơ bản của Thiền Tôn quá mới
lạ đối với sự hiểu biết Phật Pháp của nhân dân Trung Hoa lúc
bấy giờ. Một phần vì có sự cách biệt giữa người Ấn và Hoa nên
khi Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Ðệ Nhị
Tổ Huệ Khả, ngài mới quyết định dùng y bát để làm tín vật.
Chúng ta hãy nghe Ðức Ðạt Ma Tổ Sư đã từng dạy Ðệ Nhi Tổ Huệ
Khả như sau:
-
-
Trong truyền tâm ấn khế hợp chỗ tâm chứng, ngoài trao cà sa
làm tông chỉ. Ðời sau có nhiều người cạnh tranh và nghi ngờ,
họ nói: Ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà
được Pháp, lấy cái gì để mà chứng minh? Người gìn giữ Pháp Y
nầy, nếu gặp tai nạn ngươi đem ra làm biểu tín, thì sự giáo
hoá không bị trở ngại.
-
Với ý nghĩa và mục đích như thế, nên về hình thức cứ thế mà
đời đời lưu truyền, còn về Pháp thì từ xưa Chư Phật với Phật
thì truyền bản thể. Bản thể tức là Pháp. Tổ với Tổ thì tâm
truyền tâm, từ vị Tổ Sư nầy đến vị Tổ Sư khác chứ không dùng
đến văn tự, cứ thế mà tự lý giải, tự tu tập, tự ngộ, tự giải
thoát.
-
Ðến đây Ðức Ngũ Tổ ngài dạy:
-
-
Y và Bát nầy là của báu truyền cho đệ tử, tới đời đệ tử làm
Lục Tổ thì không nên truyền nữa, vì y nầy thường bị tranh
chấp, nếu tiếp tục truyền y nầy thì thân mạng của vị Ðại Sư
lãnh thọ, phải gặp nhiều chướng ngại, nguy hiểm như sợi tơ
treo.
-
Quả thật như vậy, chúng ta cũng không cần phải nói đâu cho xa,
chính hoàn cảnh hiện tại giữa Ngũ Tổ, Lục Tổ Huệ Năng và mấy
trăm người đệ tử đang theo tu học với Ngũ Tổ cũng đủ biết.
Một khi họ biết là ngôi vị Tổ Sư của Ðông Sơn Pháp Môn được
trao truyền cho một vị cư sĩ, tuổi còn quá trẻ, ở Chùa không
quá 8 tháng, mà lại là người ngoại quốc thì làm thế nào để cho
mấy trăm người đệ tử kia khẩu phục tâm phục? Tâm và miệng
không phục thì mấy trăm người đệ tử của Ngũ Tổ chắc chắn họ sẽ
không để cho anh chàng thanh niên ngọai quốc nầy yên thân! Ðức
Ngũ Tổ ngài cũng đã thấy, càng về sau Ðông Sơn Pháp Môn, tức
là tiền thân của Thiền Tôn sau nầy càng ngày càng phát triển,
số người tu học càng lúc càng đông, trong khi đó truyền phú y
bát chỉ cho một người thì đây là đầu mối của sự tranh giành.
Nếu tiếp tục truyền thừa thì sẽ có nguy hiểm đến tánh mạng của
vị Ðại Sư, người được thừa kế ngôi vị Tổ Sư, vì thế mà Ngũ Tổ
bảo Ðức Lục Tổ không nên tiếp tục truyền nữa. Ðến đây chúng ta
thấy lời của Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma 200 năm trước đó đã tiên đoán
là đúng:
-
-
Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát nầy dừng lại không
truyền, vì lúc đó Phật Pháp rất thịnh hành. Chính khi ấy,
người biết đạo thật nhiều, nhưng người hành đạo quá ít, người
nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít.
-
Lời Ngũ Tổ đã dạy, và hoàn cảnh tâm lý của người tu đạo giải
thoát hiện tại như thế, nên cũng từ đó y bát không còn truyền
thừa nữa. Y bát không còn truyền thừa nhưng Phật Pháp vẫn được
hoằng dương khắp nơi từ vi Tổ Sư nầy truyền thừa qua vị Tổ Sư
khác bằng phương thức tâm truyền tâm.
-
Nói những lời tâm huyết xong, Ngũ Tổ bảo Ðại Sư Huệ Năng:
-
-
Vậy đệ tử phải đi mau, sợ có hạng tiểu nhân ganh ghét phá
hoại.
-
Không ai biết con bằng cha mẹ, không có ai biết đệ tử bằng
thầy, sự việc Ðức Ngũ Tổ dạy phải đi gấp như vậy chứng tỏ là
Ngài đã thấy biết được tâm địa của mỗi người trong hàng đệ tử
của ngài. Vì thế mà Ðức Ngũ Tổ bảo Lục Tổ phải đi gấp, không
thôi sẽ bị hại. Khi nghe Ngũ Tổ nói, Lục Tổ kính cẩn thưa:
-
-
Bạch Thầy! Con nên đi về xứ nào?
-
Câu hỏi nầy có người cho rằng Ðức Lục Tổ không
biết mình nên đi về đâu, và vận mệnh của mình, cũng như việc
hoằng dương Phật Pháp ngày mai ra sao, nên phải nhờ Ðức Ngũ Tổ
định đoạt cho mình. Thật sự nếu hiểu như vậy thì không đúng,
phải biết rằng nhất cử nhất động gì của Lục Tổ, Ngũ Tổ đều
biết, và cũng như thế, những suy tư của Ngũ Tổ, thì Ðức Lục Tổ
cũng đều đọc được hết, như chúng ta thấy mẫu chuyện đối thoại
của giữa Ngũ Tổ và Thanh Niên Huệ Năng:
-
Ðức Ngũ Tổ lén một mình đi xuống chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng
làm việc, nói rằng: Người cầu đạo phải khổ như vậy ư? Rồi Tổ
hỏi:
-
-
Gạo đã trắng chưa
-
Ðại Sư Huệ Năng bạch:
-
-
Bạch Hòa Thượng, gạo trắng đã lâu, nhưng còn thiếu cái sàng.
-
Ngũ Tổ không nói gì cả, lấy tích trượng gõ vào cối ba lần rồi
xây lưng đi. Huệ Năng lãnh hội được tôn ý của Tổ, khi trống
điểm canh ba thì đi ngã hậu vào tổ đường.
-
Qua sự lãnh hội như trên chúng ta thấy trí tuệ của Lục Tổ có
thừa, nên việc quyết định tương lai trong việc hoằng dương
Phật Pháp, không thể nào ngài không biết. Nhưng ngài phải hỏi
Ngũ Tổ là vì ngài muốn lúc nào cũng là học trò ngoan, luôn
luôn tôn trọng và làm theo ý của Thầy:
-
- Gặp ấp hoài thì ở, gặp ấp hội thì ẩn.
-
Khi nghe Ngũ Tổ dạy như thế thì Lục Tổ không hề có
một ý kiến nghịch lại. Ðiều nầy chúng ta phải hiểu rằng Tâm
của hai vị Thiền Sư đã tương thông thì ai quyết định cũng như
thế, tuy nhiên trong trường hợp nầy Ngũ Tổ quyết định thì hay
hơn, vì nếu Ðức Lục Tổ quyết định sẽ mang tội phạm thượng, bất
kính đối với thầy. Hiểu như thế thì mới thấy được sự cư xử
kính nhường của hai vị Thiền Sư.
-
Kinh Văn:
-
Trong lúc canh ba, lãnh thọ y bát rồi, Ðại Sư Huệ Năng thưa:
-
-
Bạch Thầy! Con vốn là người Nam Trung, không biết đường đi làm
sao ra được bến đò?
-
Ðức Ngũ Tổ bảo:
-
-
Con không cần phải lo, Thầy sẽ đưa con đi.
-
Ðức Ngũ Tổ đưa Ðại Sư Huệ Năng đến trạm Cửu Giang. Ðức Ngũ Tổ
bảo Ðại Sư Huệ Năng lên thuyền, Ðức Ngũ Tổ cầm chèo tự chèo,
Ðại Sư Huệ Năng thưa:
-
-
Thỉnh Thầy ngồi, nên để cho con chèo.
-
Ðức Ngũ Tổ nói:
-
- Ðáng lẽ ta độ đệ tử
-
Ðại Sư Huệ Năng bạch:
-
- Bạch Thầy! Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ
lấy mình; Tiếng độ tuy một nhưng chỗ xử dụng khác nhau. Con là
người sanh nơi biên địa, tiếng nói không rành, nhờ Thầy truyền
pháp, nay được tỏ ngộ rồi, thì phải lấy tự tánh tự độ.
-
Ðức Ngũ Tổ nói:
-
- Như thế! như thế! Phật Pháp sau nầy do đệ tử giữ
gìn hoằng hóa thịnh hành. Con đi rồi ba năm sau ta sẽ tịch,
hãy cố gắng đi mau qua hướng Nam, không nên thuyết pháp sớm,
vì e sẽ có Pháp nạn.
-
Giảng:
-
Ðọc qua đoạn kinh văn trên chúng ta thấy Ðức Lục Tổ Huệ Năng
sinh và trưởng thành tại Việt Nam, đến tìm thầy học đạo tại
huyện Huỳnh Mai là phần đất của Trung Hoa, một nơi xa lạ như
vậy, hơn nữa mới trong khoảng thời gian 8 tháng, chỉ làm công
quả trong Chùa, lẽ tất nhiên không biết đường và phải hỏi Ngũ
Tổ là việc bình thường. Nơi đây chúng ta cũng thấy, trong nhân
duyên Phật Pháp, đôi khi trò đi tìm thầy học đạo, cũng có lúc
Thầy phải tìm trò để truyền đạo. Trường hợp như Ðệ Tứ Tổ phải
ráng chờ đợi Ngũ Tổ, và bây giờ Ðệ Ngũ Tổ lại phải vì Lục Tổ
mà đêm khuya phải lặn lội đưa học trò ra bến đò để đi tỵ nạn,
quả thật là cảm động:
-
-
Con không cần phải lo, Thầy sẽ đưa con đi.
-
Khi Ðức Ngũ Tổ đưa Lục Tổ đến trạm Cửu Giang, rồi bảo lên
thuyền, ngài cầm chèo tự chèo, thì Lục Tổ thưa:
-
- Thỉnh Thầy ngồi, nên để cho con chèo.
-
Ðức Ngũ Tổ nói:
-
- Ðáng lẽ ta độ đệ tử
-
Ðại Sư Huệ Năng bạch:
-
- Bạch Thầy! Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ
lấy mình; Tiếng độ tuy một nhưng chỗ xử dụng khác nhau. Con là
người sanh nơi biên địa, tiếng nói không rành, nhờ Thầy truyền
pháp, nay được tỏ ngộ rồi, thì phải lấy tự tánh tự độ.
-
Qua đoạn kinh văn trên chúng ta hiểu gì trong sự đối đáp đó?
Chữ Ðộ theo chữ Hán có nghĩa là đưa, mà cũng có nghĩa là cứu
độ. Ðoạn nầy mới nghe qua chúng ta tưởng như Ðức Lục Tổ Huệ
Năng chơi chữ, nhưng kỳ thật không phải mà còn có một ý nghĩa
rất sâu xa. Minh định rằng, đây không phải là lúc đùa giỡn để
chơi chữ, mà là giây phút rất nghiêm trọng, và ngôn ngữ được
xử dụng trong lúc nầy là ngôn ngữ bí mật của hai vị Thiền Sư.
Lục Tổ Huệ Năng đã hiểu mật ý của Ngũ Tổ, và muốn nói với Ngũ
Tổ rằng: Thầy muốn đưa con về Việt Nam là muốn cứu thoát con
khỏi bị hại ở đất Huỳnh Mai, vì con là giống mọi rợ, nói
tiếng Trung Quốc không rành, lại được Thầy truyền phú cho ngôi
vị Tổ Sư. Dù con không nói rành tiếng Trung Quốc, nhưng con
cũng hiểu được ý của Thầy, khi Thầy muốn đưa con đi với mục
đích muốn cứu thoát con, con đã hiểu ý thầy rồi thì con phải
tự săn sóc, cứu thoát lấy mình và trở về Việt Nam. Tất cả
những mật ý trên là chỉ muốn nói một điều duy nhất: Ðức Lục Tổ
hiểu lý do tại sao Ngũ Tổ đưa trả mình về Việt Nam, vì rất
nguy hiểm cho tính mệnh của một người thanh niên tuổi còn quá
trẻ, lại là người Man Di Mọi Rợ như Ngài, lên làm Tổ Sư thống
lãnh môn đồ của Ðông Sơn Pháp Môn, một trường phái nổi tiếng
nhất bên trung Quốc thời kỳ đó. Tinh thần chữ Ðộ phải được
hiểu như thế thì chúng ta sẽ không thấy cái khôn vặt chơi chữ
của Ðức Lục Tổ Huệ Năng trong giây phút từ biệt Thầy.
-
Sau khi nghe những lời của Ðức Lục Tổ trình bày,
Ðức Ngũ Tổ biết đệ tử đã hiểu trọn vẹn ý của mình vì thế mà
Ngũ Tổ nói:
-
- Như thế! như thế! Phật Pháp sau nầy do đệ tử giữ
gìn hoằng hóa thịnh hành.
-
Những lời dạy của Ðức Ngũ Tổ thật là bùi ngùi cảm
động, nhất là nói:
-
- Con đi rồi ba năm sau ta sẽ tịch, hãy cố gắng đi
mau qua hướng Nam, không nên thuyết pháp sớm, vì e sẽ có Pháp
nạn.
-
Trong hoàn cảnh hiện tại sanh ly, nhưng ba năm sau sẽ là tử
biệt. Tâm lý Ðức Lục Tổ là buồn hay là vui? Chúng ta không
thấy Ðức Lục Tổ nói gì, nhưng căn cứ vào lời Ngài dạy cho môn
đệ:
-
-
Nếu khóc cho tôi thì thế là không biết chỗ tôi đi, nhưng tôi
đã biết chỗ tôi đi, nếu không, tôi đã không báo trước cho các
ông! Các ông phải biết Pháp Tánh vốn không sanh diệt, đến đi.
-
Như thế, chắc chắn Ngài biết chỗ đến của Ngũ Tổ. Ấn tượng sâu
sắc lúc chia tay tại bến đò Cửu Giang để mở màn cho cuộc tỵ
nạn suốt 16 năm ròng rã, và mặc dầu không biết bao nhiêu cam
go thử thách, ngay cả nguy hiểm đến mạng sống. Ðức Lục Tổ vẫn
bền gan kiên chí hoàn thành tâm nguyện của Ân Sư, để sau nầy
đến khi hệ thống Ðạo Lý Ðốn Ngộ Bát Nhã của Ðức Lục Tổ xuất
hiện, và được Thiền Sư Thần Hội đệ tử của ngài truyền bá, tức
khắc đã đẩy lùi tất cả những trường phái Thiền Tôn khác đi vào
trong bóng tối của lịch sử.
|