-
Cảm Giác Nhiệm Màu
-
Nguyên Hiển
-
--o0o--
-
-
Hình như có lần tôi đã bắt gặp trạng thái nhiệm màu của TÂM
KHÔNG khi tôi đang là tù nhân cải tạo trong trại. Xin lược
thuật lại kinh nghiệm này để hiến tặng Ðại Chúng trong khóa tu
học Mùa Hè 1998 tại chùa Dược Sư Seattle, để cùng chia xẻ
những niềm đau nỗi khổ, những hạnh phúc, an lạc của đời tôi.
-
Một buổi mai tháng tư đẹp trời năm 1981, đội tù binh nhà 8 của
tôi đang trồng mía trên ngọn đồi cách 3km về hướng tây của
trại cải tạo Tiên Lãnh thuộc tỉnh Quãng Nam, Ðà Nẵng. Từ trong
trại, hai tên công an mang súng tiểu liên AK đi ra. Khi đến
nơi chúng tôi đang làm việc, một tên dõng dạc gọi lớn: Anh
Nguyễn Văn X về trại làm việc với ban an ninh. Nguyên Hiển tôi
nghe xong thì hồn xiêu phách lạc, vì đã đoán biết từ trước
chuyện gì sẽ xãy ra. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng bình tĩnh, thả
cuốc xuống và riu ríu đi giữa hai tên công an về trại. Trên
đường về trại trong tâm tôi thầm nghĩ, lần này chắc cuộc đời
mình đi đứt 100%. Quả thật là cảnh tượng hải hùng, bởi vì
trước đây các anh Trung Tá Võ Vàng đang lấy củi bị gọi ra và
bắn chết tươi. Anh Trung Tá Ngô Hoàng đội trưởng của anh Vàng
đang cùng anh em nhổ sắn cho trại cũng bị gọi ra bắn tại chỗ.
Ðến Hà Thúc Long, đang cuốc đất cũng bị bắn chết. Mới đây
nhất, người bạn thân cùng khóa 119 võ bị của tôi là Trung Tá
Nguyễn Văn Bình cũng bị bắn chết tức tưởi như thế. Nguyên Hiển
tôi mặc dầu tinh thần bình tĩnh, nhưng chân bước hết muốn nổi,
tuy vậy miệng vẫn thầm niệm: Nam Mô Ðại Từ, Ðại Bi, Cứu Khổ,
Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Có được câu niệm đó là nhờ cách
đây sáu tháng, vợ tôi lên thăm cho tôi biết rằng, nàng đã xin
thầy Huệ Chơn Trụ Trì chùa trong xóm Thuận An, quy y cho tôi
và đặt pháp danh là Nguyên Hiển. Thầy dặn rằng mỗi khi gặp
nguy khốn thì niệm danh hiệu trên sẽ được Phật Quan Thế Âm cứu
độ. Biết vợ tôi đi thăm nuôi, nên thầy gởi cho tôi một lon
gô(guigoz) bột rang năm thứ đậu, Thầy dặn khi nào bị say nắng
thì quậy vài muỗng vào nước nóng uống sẽ khỏi, và thầy còn dặn
thêm: Nói với Nguyên Hiển phải cố gắng cải tạo tốt, và nên giữ
in lặng là vàng, thì sẽ được sớm về. Khổ một nổi là thầy có
hai con liệt sĩ anh hùng cách mạng, nên tôi nghi ngờ về thiện
chí của Thầy và không tin Thầy. Nay ở thế bí mới đem ra dùng,
thực tiễn nhất là câu: Giữ im lặng là vàng.
-
Ði giữa hai tên công an, tôi liên tục niệm hồng danh Ðức Quan
Thế Âm Bồ Tát, nhưng đầu óc cứ nghĩ lan man mọi thứ: Nếu chúng
không bắn mình chết giữa đường thì ra tòa án nhân dân cũng xử
tử hình hoặc chết trong tù? Tội nghiệp vợ con quá! Tôi rùng
mình nhớ lại tiếng la thét của các anh em cùng trại bị bắt
trước tôi hiện đang bị giam và bị tra khảo trong các nhà
cùm(xà lim) gần đó. Rồi nhớ đến còn hai ngày nữa là đúng kỳ
sáu tháng vợ tôi lên thăm. Tôi liên tưởng, khi đó nàng đem
theo một vài đứa con để thăm cha, khi nghe tin tôi bị như thế,
chắc mẹ con nàng khóc dữ lắm.
-
Nguyên nhân có liên quan đến việc tôi bị bắt đó là vào những
ngày đầu của năm 1980, tin tức trong và ngoài trại không có gì
sáng sủa. Nghĩa là ngoài trại thì không biết những gì đã xảy
ra trong trại, và trong trại thì không biết tin tức ở bên
ngoài ra sao? Suốt cả mấy năm như vậy, không có người tù binh
nào được về nên tinh thần anh em xuống thật thấp. Cũng may lúc
đó có anh Trần Quang Trân, nguyên là sĩ quan an ninh của Việt
Nam Cộng Hòa, phục vụ tại quận Phú Lộc, Thừa Thiên. Trong thời
gian phục vụ ngành an ninh, anh được đi Nhật học sáu tháng về
cách theo dõi đài địch và rất khá Anh Văn. Khi vào trại anh
lãnh phần vụ sửa radio cho công an. Trong lúc làm việc, anh đã
lượm các đồ phế thải ở các hố rác về lén ráp thành một cái
radio dưới tấm ván anh nằm, nhờ vậy mà ban đêm anh nghe được
tin từ các đài phát thanh ở bên ngoài cũng như các đài phát
thanh ngoại quốc. Thấy tinh thần anh em trong trại càng ngày
càng xuống thấp, nên anh Trân đã loan tin đến một số anh em,
trong đó có tôi. Từ đó chúng tôi và một số anh em khác cũng
loan những tin tức có lợi cho các anh em trong trại hoặc các
trại phụ thuộc để nâng cao tinh thần tù binh, nhờ vậy mà tinh
thần của anh em từ từ phục hồi, và từ đó cũng giảm bớt những
bệnh tật như bệnh bao tử, suy nhược cơ thể..v..v...Sự việc nầy
không bao lâu thì bị một số người vì muốn yên thân, bằng cách
lấy lòng đám công an, nên đã cam đành bán rẽ lương tâm, tình
nguyện làm antenne cho bọn công an trại. Họ điểm chỉ, và gán
cho cái tên: Tổ chức gián điệp âm mưu giết công an, phá trại
lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, nên anh Trân bị bắt. Sau sáu
tháng điều tra công an đã bắt 40 người. Khi toà án nhân dân
xét xử thì anh Trân bị kết án tử hình, bốn người khác bị kết
án chung thân, số còn lại thì bị kết án 20 năm tù. Cuối phiên
xữ tên chánh án hỏi anh Trân có ý kiến gì, thì lúc đó anh Trân
chỉ còn là bộ xương, nhưng hai con mắt sáng ngời đã dõng dạc
nói: Tôi chỉ tiếc là tôi không còn được phục vụ tổ quốc và dân
tộc tôi. Bọn bây hoàn toàn sai trái đã và đang làm hại tổ quốc
và dân tộc tôi. Ðả đảo Hồ Chí Minh bán nước! Chúng không bắn
liền mà giam vào xà lim, hành hạ anh đến một năm sau (1982)
đem xử một lần nữa. Một lần nữa anh lại giữ đúng lời khai và
lời tuyên bố của anh như cách đây một năm anh đã từng nói.
Thấy không lay chuyển được anh, nên hai tên công an liền đè
anh xuống dùng dao cạy răng rồi nhét vào miệng hai trái chanh,
sau đó chúng xách anh ra ngọn đồi trước trại và bắn chết. Anh
chết năm 30 tuổi để lại vợ và hai con.
-
Cuộc sống của thân phận người tù đã khổ, nay gặp thêm đám
người bán rẻ lương tâm nầy nên tình trạng trở thành bi đát
hơn. Có điều là những người này cũng không khá hơn ai, nghĩa
là có người thì cũng chết ngay trong trại, có người về nhà ít
tháng rồi cũng chết.
-
Trở lại thân phận của tôi, khi tôi bước vào phòng an ninh thì
có ba tên công an ngồi sẵn và tập hồ sơ chúng để giữa bàn. Ðợi
tôi đứng yên xong thì chúng vô đề ngay:
-
-
Vụ việc đã rõ như ban ngày, và tất cả đều được ghi trên giấy
trắng mực đen, vậy mà bấy lâu nay ban công an đã kêu gọi tự
giác, anh vẫn không chịu nhận. Anh là loại đại ngoan cố.
-
Nghe bọn công an nói thế trong tâm tôi thoáng hiện ý nghĩ:
-
-
Nếu không khai thì sẽ bị giam cầm, đánh đập rất đau đớn nhưng
còn có một lối nhỏ sống sót để về với vợ con. Nếu khai thì thế
nào cũng đưa ra tòa án nhân dân, và chắc chắn bị chúng kết án
tử hình: Tử hình tên phản động. Nghĩ đến đây tôi cảm thấy ớn
xương sống, và cũng trong lúc đó tôi liền nhớ đến hồng danh
Ðức Bồ Tát, nên tôi liền tâm niệm Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan
Thế Âm Bồ Tát, xin ngài phù hộ cho con có đủ nghị lực để kiên
quyết không khai gì cả. Một cảm giác an bình tự nhiên xuất
hiện trong tôi, tôi thở ra nhè nhẹ thật sảng khoái và tôi thở
vào cũng thấy sảng khoái bình thản.
-
Chúng hỏi tôi từng câu một, tôi đều trả lời một cách bình tỉnh
là tôi không hề biết gì các chuyện đó cả, chắc là có tư thù tư
oán gì đây. Chúng mở hồ sơ đưa ra 4 tờ tố cáo tôi (giả), có
dấu mực xóa tên người tố cáo ở phía dưới. Tôi cũng nói là
không biết và xin được đối chất. Cả ba tên cùng xô ghế đứng
dậy đấm đá tôi túi bụi. Tôi cảm thấy đau đớn vô cùng, và tôi
đã ngất xĩu. Khi tôi tỉnh dậy, một cảm giác lạnh lạnh, nhìn kỹ
mới biết mình đang nằm trên vũng nước. Cảm giác cho biết, sau
một trận đòn, mình đã bị đánh sặc máu mồm và chảy máu mắt. Tôi
định thần nhìn kỹ lúc bây giờ chỉ còn một tên thôi, nó nhỏ nhẹ
nói với tôi:
-
-
Không còn cách nào khác để sống, anh nên khai đi để được khoan
hồng về với chị và các cháu. Còn ngược lại thì như anh đã biết
kỷ luật của cách mạng rồi đó.
-
Lúc đó, với giọng cảm động tôi nói:
-
-
Xin ông thương xót chứ tôi không biết gì cả.
-
Thấy không dụ dỗ tôi được, hắn đem tôi trở về nhà cùm giam
lại. Trên bệ xi măng nằm trần truồng, hai tay còng quá đầu,
hai chân đút vào khoan sắt bên dưới, nằm theo kiểu chúa Jesus
chịu tội trên cây thánh giá. Tuy nhiên tôi còn khá hơn chúa
Jesus là vì tôi được nằm và không bị đóng đinh. Tôi nằm trong
bóng tối với nổi đau thể xác, và nổi khổ cũng như lo âu về
tinh thần. Mỗi ngày chỉ ăn một buổi trưa, tên công an trực mở
khóa cửa và đứng đợi ở ngoài, một tù hình sự tay xách thùng
nước, tay kia cầm một cái ca U.S. đựng thức ăn gồm một ít nước
canh rau muống trộn với cơm. Bước vào, người tù hình sự dội cả
thùng nước lên người tôi cho sạch hết đồ phóng uế, sau đó mới
mở còng tay đở tôi ngồi dậy ăn. Tôi chỉ húp ba cái là hết
sạch, tuy nhiên tôi cũng chẳng thấy đói, chẳng thấy thèm khát
gì cả. Ba ngày đầu tôi đều bị dắt lên phòng an ninh tra tấn,
và hỏi cung ba lần. Mặc dầu thân thể tôi đã bị những đòn roi
tơi tả, và cái đau của hình phạt, nhưng dường như tôi chịu
đựng quen, hay do lòng quyết tâm và cầu nguyện nên tôi không
còn cảm thấy ghê gớm như lúc đầu. Tôi liên tục niệm Phật và
xin phù hộ cho tôi được bình an, và kiên quyết giữ trọn vẹn
những bí mật, không tiết lộ cho dù bị tra khảo đánh đập. Mỗi
lần chúng tra khảo, thấy mất thì giờ mà không khai thác được
gì, vã lại thân thể tôi bây giờ như đống giẻ rách và quá hôi
hám, đánh thêm thì mỏi tay, nên từ đó chúng không gọi tôi lên
lấy cung nữa. Bốn ngày sau đó, tôi nằm như con cá phơi khô
trong nhà cùm tối om và hôi thối. Trong khi đó tôi nghĩ rằng
sự sống của mình không bảo đảm, may ra thì mình được kết án 20
năm tù, nhưng như thế sớm muộn gì rồi cũng sẽ chết trong tù.
Và rồi một ý nghĩ chợt hiện đến: Ðã lỡ rồi, thôi bỏ hết, ngoài
sức mình rồi, chỉ còn cách trao sinh mạng và hạnh phúc gia
đình lại cho Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhưng lạ lùng làm sao,
khi tôi nghĩ đến đó cảm thấy trong tôi bình thản vô cùng, cũng
từ đó các vết đánh, các vết bầm trên da thịt bớt nhức nhối,
dưới lưng tôi cũng bớt ngứa, nổi thương nhớ vợ con, nổi buồn
khổ..v..v.. kể cả niềm ước mơ được sống cũng tiêu tan đâu mất.
Tôi nằm yên và tưởng đến khung trời màu xanh trước trại, nơi
mà mấy năm nay cứ mỗi buổi sáng và buổi chiều cả trại ngồi tập
hợp điểm danh, mà miệng liên tục niệm nam mô đại từ đại bi cứu
khổ chứ nạn Quán Thế Âm Bồ Tát. Rồi tôi thiếp dần đi trong
trạng thái không thức không ngũ, tôi thấy thể xác lẫn tinh
thần nhẹ lâng lâng, vô cùng sảng khoái. Rồi tôi thấy hình bóng
Quán Thế Âm Bồ Tát miệng mĩm cười, tay bắt ấn chập chờn trên
các đám mây trắng lơ lững bay trong khung trời xanh của sân
trại. Hằng ngày cảm giác đó chỉ bị thức tỉnh một lần bởi bữa
ăn trưa, ngoài ra tôi cứ nằm thiêm thiếp như thế và thụ hưởng
cảm giác xuất hồn tuyệt vời đó. Vào ngày thứ bảy tôi được lệnh
phóng thích về trại. Nghe được tin đó tôi cũng chẳng cảm thấy
mừng vui. Người tù hình sự mở còng giúp tôi bận lại quần áo và
dìu tôi ra cửa. Tôi vịn hàng rào kẻm gai lần từng bước về nhà
tám của đội tôi. Bên kia hàng rào anh em tù hình sự vỗ tay
hoan hô rầm cả trại, còn anh em tù binh bạn bè bên nầy thì sợ
gần tôi rồi bọn antenne thêu dệt và báo cáo, nên họ chỉ lấy
mắt nhìn tôi mà thôi.
-
Sau này khi được phóng thích về với gia đình và cho đến khi
qua Mỹ tôi cố tạo cơ hội để tìm lại cảm giác đó nhưng không hề
có được. Có lẽ con người tôi lúc này đầy dẫy những tham dục
không còn thanh khiết và vô tư như lúc đó chăng?
-
Seattle 9/27/98
-
Nguyên Hiển
-
|