Tại Sao Ăn Chay
Hồng Liên
--o0o--
 
Ðức Phật dạy: Chúng sanh sở dĩ trầm luân trong tam giới, ra vào trong sáu nẽo luân hồi là vì ăn nuốt lẫn nhau. Kinh Lăng Nghiêm dạy: Người nào tu hành dẫu có thiền định trí huệ đến đâu mà còn có tâm sát hại thì vẫn bị đọa lạc vào thần đạo, bậc thượng thì làm đại lực quỷ và các loài quỷ soái, bực trung phi hành dạ xoa và các loại quỷ thần, bậc hạ làm địa hành la sát và các loài yêu quái. Người tu hành mà còn có tâm sát hại muốn cầu quả vô thượng bồ đề thì ví như người tự bịt hai tai mình la cho lớn muốn kẻ khác đừng nghe thì không thể được. Chư Tổ dạy:         
- Tất cả chúng sanh vô sát nghiệp
            Thập phương hà xứ động đao binh
            Gia gia hộ hộ đồng tu thiện
            Thiên hạ hà sầu bất thái bình
Nghĩa là:
            - Tất cả chúng sanh không sát nghiệp
            Mười phương thế giới làm gì có nạn chiến tranh
            Mọi nhà đều tu thiện
            Thiên hạ làm gì có sầu buồn vì không thái bình.
Trong pháp hội Ta Kiệt La ở Long Cung, đức Phật đã chỉ cho hàng đại chúng biết sự sai biệt nơi thân thể của mọi loài: Hàng Chư Thiên thì thân thể đẹp đẻ trang nghiêm, hàng Bát Bộ thì sức lực hùng dũng mạnh mẽ, loài Rồng, Cá thì thân hình thô bỉ xấu xa, bọn cua tranh thì thân hình tanh hôi hèn yếu. Sỡ dĩ mọi loài có sự sai khác về hình thể như thế là do lúc sanh tiền nơi thân khẩu ý gây tạo ra các hạnh nghiệp khác nhau, nên chiêu cảm đến hình tướng sai khác của thân sau. Như thế thì, con cua, con cá, hay con vịt, con gà, hôm nay, có thể là cha mẹ, ông bà, anh em, con cái của chúng ta đã quá vãng, thế thì chúng ta nở nào ăn thịt của chúng cho đành. Ðây là đứng về mặt từ bi cứu khổ ban vui mà nói, còn đứng về mặt nhân quả báo ứng, thì gieo nhân nào gặt qủa nấy, ngày nay ăn thịt chúng thì sau nầy chúng ta phải trả nợ bằng máu xương.
            Chúng ta là con Phật, đang sống trong ánh từ quang, muốn tiến trên con đường giải thoát, để trên cầu Phật quả, dưới hóa độ quần sanh, thì phải nghe theo lời Phật dạy, lấy từ bi làm gốc, không bao giờ sát sanh, mà phải phóng sanh, và nên tập ăn chay. Bởi vì ăn chay rất hợp với vệ sinh và cũng đầy đủ chất bổ dưỡng cho thân thể khoẻ mạnh, nên về phương diện bản thân, ăn chay để thanh lọc cơ thể, để tinh thần nhẹ nhàng sảng khoái, tránh mọi bệnh tật rất cần thiết cho người tu học. Về phương diện tâm linh và nhân quả thì ăn chay để nuôi dưỡng tánh từ bi, vì mọi loài ai cũng tham sống sợ chết. Ăn chay để tránh quả báo luân hồi đền mạng lẫn nhau. Ăn chay để tôn trọng tinh thần bình đẳng, vì mọi loài đều có Phật tánh như nhau. 
Vậy ăn chay là gì? Ăn chay là ăn các loài thảo mộc, không ăn thịt các loài hữu tình. Ngày nay, vấn đề ăn chay rất phổ cập lan tràn khắp các nước, một số nhà khoa học, bác học, học giả, thể thao, muốn có sức khỏe dẻo dai, đều ăn chay, mặc dù họ không phải là Phật Tử. Sở dĩ có như thế, là vì trong thực vật có đầy đủ chất bổ và rất tinh khiết, không bị nhiễm uế trược như thịt các loài động vật. Khi ăn thịt các loài động vật, chúng ta đã vô tình đưa các căn bệnh mà các con vật nầy đã mắc phải vào người. Hơn nữa, trong giai đoạn mà các chất phóng xạ nguyên tử đang hoành hành, thế giới đang bó tay trước những chứng bệnh hiểm nghèo do chúng gây ra, thì ăn chay là một vấn đề hữu ích nhất.
            Trước những yết tố nội tại và ngoại tại, chúng ta không thể đặt nhẹ vấn đề ăn chay, mà phải xem nó như một điều kiện cần yếu, không thể thiếu được cho những ai muốn trang bị cho mình hành trang trên con đường tìm đến quả vô thượng bồ đề.
            Vì lòng đại bi bình đẳng thương yêu vạn loại quần sanh, muốn cứu khổ ban vui cho nhân loại, Ðức Phật dạy: Nếu người nào còn ăn thịt chúng sanh thì đã đoạn hẳn Phật tánh, không phải là đệ tử Phật. Nhưng chúng ta từ vô lượng kiếp đã quen với thức ăn tanh tưởi có máu thịt của chúng sanh, nên nay muốn ăn chay để theo đúng lời Phật dạy không phải dễ dàng, mà phải phát tâm dũng bước, lập nguyện kiên cường. Nguyện trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sanh, dù có tan xương nát thịt không bao giờ thối thất tâm bồ đề, mà ăn thịt chúng sanh. Chúng ta hãy nghe lời phát nguyện tha thiết, kiên cường của người quyết tâm theo Phật:
            - Một lòng quyết chí đến Tây Phương,
            Muôn sự chẳng màng, vạn sự buông.
            Niệm niệm khắc ghi lời Phật dạy,
            Quay về Tam Bảo con nguyện nương
            Bể khổ nghìn trùng con muốn vượt,
            Con thuyền đại nguyện chí mười phương.
            Muốn độ hữu tình về bến giác,
            Xá gì cá thịt với chao tương.
            Thành tâm con nguyện mười phương Phật,
            Gia hộ cho con phỉ ước nguyền.
            Bể cạn non mòn lòng chẳng đổi,
            Dù cho nát thịt với tan xương
            
            Seattle 10/19/98
            (9-8-Mậu Dần)
-- o0o --