Cô Bé Cứu Trùn

Ðồng Nguyệt
--o0o--
 
Con đường Cornellius Pass là ranh giới giữa hai quận Aloha và Hillsboro. Trường Brown Middle School nằm trên đường Cornellius Pass bên phía Hillsboro. Sân vận động nằm phía bên hông trường được bao bọc bởi xóm dân trung lưu hiền lành. Nói là sân vận động của trường, nhưng kỳ thật ngoài công việc chính hằng ngày cho các em học sinh tập luyện thân thể, nó còn là nơi cho những người dân sống gần trường có cơ hội giải trí môn thể dục và thể thao. Hằng ngày nếu những người sống gần trường chú ý họ sẻ thấy một cô bé siêng năng đi bộ rất thường. Hôm nay cũng giống như những ngày khác sau khi tới sân vận động, vòng đầu tiên cô bé đi thật chậm từng bước từng bước một, mắt dán chặt dưới mặt đường, thỉnh thoảng lại cúi xuống dùng 2 cây que nhỏ gắp cái gì đó dưới mặt đường bỏ qua sân cỏ rồi lại đứng lên đi tiếp. Có khi mỗi bước chân cô bé cúi xuống một lần hoặc nhiều lần, cũng có khi đi cả thướt tây cô bé chưa cúi xuống mặt đường lần nào. Ðang say sưa với công việc, bổng cô bé nghe tiếng nói từ phía sau lưng mình vọng lại:
- Ê nhỏ, mày đang làm gì đó?
Biết là có người đang muốn hỏi chuyện mình nhưng cô bé vẫn không ngẩng đầu lên, cô cứ tiếp tục làm công việc riêng tư của mình. Nhưng sau đó, cô bé thấy có một bóng người đứng trước mặt và giọng nói lần này lại to hơn.
- Ê nhỏ, tại sao tao hỏi mày không trả lời?
Lúc bất giờ Cô bé mới ngẩng đầu lên, và bắt gặp ánh mắt nghịch ngợm của một đứa bé trai, hơn mình khoảng vài tuổi, ăn mặc bảnh bao, tóc cắt húi cua sát ót, hai tay bỏ vào túi quần, chân đánh nhịp trông oai lắm. Thấy vậy cô bé từ tốn hỏi:
- Anh nói chuyện với em hả?
Tỏ vẻ bực bội, cậu bé nói:
- Không nói chuyện với mày thì nói chuyện với ai? đồ điếc !
Cô bé đính chính:
- Em không có điếc đâu ạ, em cũng không phải là tên Ê Nhỏ.
Biết cô bé chịu nói chuyện, nên cậu bé lân la hỏi chuyện:
- Tao tên Văn, còn mày tên là gì?
- Em tên Thu
Cậu bé chọc ghẹo:
- À tên Thu, Thu giống như thu đủ chín ở trên cây, giống như cá thu bơi lội dưới nước, giống như mùa Thu lá rụng, giống như thu vào mà không có chi ra, giống như thu ...
Cô bé cắt ngang:
- Anh đừng nói vậy, em không phải là thu đủ, không phải mùa thu, không phải cá thu, không phải thu chi gì đâu, mà tên em là Ngọc Thu, anh biết chưa?
Gật gật đầu, Cậu bé tỏ vẻ hài lòng:
- Ừ, thì Ngọc Thu. Tên cũng đẹp đẹp. Ê Ngọc Thu, mày đang làm gì đó?
Nghe cậu bé hỏi, cô bé thật thà trả lời:
- Em đang cứu trùn anh ạ!
Cậu bé trố mắt ngạc nhiên:
- Mày nói sao, cứu trùn à?
Ngọc Thu thật thà nói:
- Dạ thưa phải, em thường đi bộ ở đây, nên trước khi đi em phải cúi xuống gắp những con trùn bò lộn lên trên mặt đường qua bên sân cỏ rồi mới bước đi. Bởi vì nếu không gắp chúng bỏ qua sân cỏ, nhở rủi ro em ham đi bộ không chú ý rồi dẵm phải chúng, thì em lại mang tội sát sanh. Hơn nữa nếu lúc đang đi bộ em biết, em sẽ chú ý đến chúng thì có thể tránh được, nhưng còn những người đi sau em chắc chắn họ không biết, nên họ sẽ không chú ý, họ sẽ dẵm chết những con trùn bé nhỏ này.
- Văn buông lời
- Mày khùng quá? Ðúng là đồ con gái!
Ngọc Thu không hiểu:
- Sao anh bảo em khùng, bộ con gái cứu trùn được còn con trai không làm được công việc này sao chứ. Nếu anh muốn, anh tìm 2 cây que đi rồi em chỉ cho anh cách gắp trùn.
Văn bỉu môi:
- Ðồ dễ ợt, nhưng Tao không làm công việc này đâu! Con trùn bé tí tẹo, mình dẵm nó chết đâu có sao, cần gì phải tốn thì giờ để cứu nó chứ.
- Anh nói vậy không đúng rồi, dù cho nó có nhỏ tí tẹo như con kiến đi chăng nữa nó cũng là một sinh mạng. Mình muốn sống, nó cũng muốn sống, mình không nên vì thấy nó nhỏ mà chấm dứt mạng sống nó đi tội lắm. Em muốn cứu sống những con trùnnày để chúng nó ráng tu, biết đâu kiếp sau chúng nó sẽ chuyển kiếp làm người giống như em và anh không chừng.
- Mày nói hay quá, ai dạy mày vậy?
- Thầy cố vấn giáo hạnh, bác gia trưởng và các anh chị huynh trưởng của em dạy em đó.
- Những người mày vừa nói là ai, tại sao lại dính líu đến công việc cứu trùn của mày?
Ðược dịp Ngọc Thu ra mặt chị hai:
- Em là một đoàn sinh trong gia đình phật tử, trên em có các anh chị trưởng, bác gia trưởng và thầy cố vấn giáo hạnh. Thầy là người xuất gia đầu cạo trọc, sống ở trong chùa và không có vợ con, thầy hướng dẫn giáo lý hàng tuần cho chúng em, em lên chùa sinh hoạt GÐPT, ở đó em học được nhiều điều hay lắm. Thầy cố vấn giáo hạnh, bác gia trưởng cùng các anh chị huynh trưởng thay phiên nhau dạy em về các đức tính từ bi, hỷ xả ... và đủ thứ hay khác nữa.
Ðang thao thao bất tuyệt Ngọc Thu bị Văn cắt ngang:
- Mày nói cái gì từ bi, hỷ xã ... nhiều quá. Chỉ có một việc cứu trùn thôi mà mày nói nhiều quá, tao không sinh hoạt trong GÐPT tao cũng cứu trùn được mà.
Nói rồi không đợi Ngọc Thu trả lời, Văn tự động tìm 2 que cây cùng Thu gắp những con trùn còn bò lăn trên mặt đường rồi bỏ qua sân cỏ như Ngọc Thu đang làm.
Ngọc Thu cũng không chịu thua:
- Anh cũng gắp trùn được, nhưng anh không hiểu sâu xa về việc làm có tính cách từ bi này.
Ðang mãi mê gắp trùn, nghe Thu nói, Văn ngừng tay:
- Cái gì nữa đây chị hai! Từ Bi là cái gì chứ?
Ngọc Thu hớn hở:
- Anh muốn biết từ bi là gì thì anh theo em gia nhập GÐPT, rồi thì anh sẽ được thầy cố vấn, bác gia trưởng và các anh chị trưởng giảng dạy cho anh.
Tuần lễ sinh hoạt kế tiếp, GÐPT Bảo Quang nhận thêm 3 đoàn sinh mới, một trong ba đoàn sinh mới đó có Văn. Thời gian thấm thoắt qua mau, mới đó mà Văn đã cùng Ngọc Thu sinh hoạt trong GÐPT 10 năm qua. Mười năm vui buồn cùng nhau chia sẻ, nên từ tình bạn, tình đoàn thể, kế đến là tình yêu cũng từ đó lớn dần. Nhưng có một điều tình yêu đã không lớn dần trong cả hai mà nó chỉ đến mỗi một mình Văn. Chàng yêu Ngọc Thu tha thiết, bao nhiêu lần chàng tỏ lời cầu hôn cũng đều bị Ngọc Thu cự tuyệt, bởi vì Ngọc Thu biết rất rỏ nàng chỉ coi Văn như người anh cả trong gia đình, một người anh áo lam không hơn không kém.
Tuy bị từ chối nhiều lần, nhưng Văn vẫn nuôi hy vọng trong tương lai Ngọc Thu sẽ đổi ý và nhận lời cầu hôn của anh. Thế rồi một hôm, Văn nhận được điện thoại, Ngọc Thu hẹn muốn gặp anh tại quán Lam Sơn trong giờ cơm trưa. Chàng đến quán Lam Sơn trước giờ hẹn 10 phút, chàng gọi nước uống và chờ đợi. Thời giờ lúc này sao đi chậm quá, bao nhiêu suy nghĩ chồng chất chàng không biết chuyện gì mà Ngọc Thu muốn gặp chàng gấp như vậy? hay là nàng đổi ý và nhận lời cầu hôn của anh? Nghĩ tới đây Văn cảm thấy thật yêu đời, bất giác chàng nở một nụ cười tươi. Nếu mà số chàng cưới được Ngọc Thu đó là một điều phước đức. Ngọc Thu ngoài sắc đẹp thùy mị trời ban, tánh tình lại đoan trang phúc hậu, nàng lại còn siêng năng tháo vát đảm đang. Ðúng là mẫu người vợ hiền lý tưởng cho tất cả những chàng trai như chàng.
Tâm tư còn đang chìm trong dòng suy tư, chợt nghe tiếng nói khe khẻ bên cạnh:
- Anh Văn, anh chờ em có lâu không?
Nghe tiếng nói của Ngọc Thu, Văn mới trở về thực tại:
- Ủa, Ngọc Thu em, em đến lúc nào mà anh không hay biết gì hết?
Trong tươi cười Ngọc Thu trả lời:
- Dạ thưa anh, em cũng vừa mới đến chút xíu thôi, thấy anh trầm tư giống như một vị Thiền Sư đang tĩnh tọa em thích lắm, em ước sao anh cứ thường trầm tư tĩnh tọa như thế nầy thì cuộc đời hạnh phúc biết bao.
Thấy Ngọc Thu tươi cười, Văn cũng vui lây:
- Thôi được rồi, nếu em muốn anh trầm tư thì anh sẽ tiếp tục thực hành nhiều hơn nữa cho em vui. Vậy được chưa? Ừ mà nầy, hôm nay em hẹn anh ra dây có việc gì không?
Nghe Văn hỏi, Ngọc Thu nghiêm nghị trả lời:
- Dạ thưa anh, em hẹn anh ra đây tất nhiên là có chuyện em muốn trình bày với anh.
Văn tỏ vẻ nôn nóng:
- Ngọc thu em, việc gì em nói lẹ đi, anh nóng lòng muốn nghe.
- Anh Văn, thật ra mục đích hôm nay em muốn trình bày với anh không ngoài câu chuyện anh cầu hôn với em.
Ngừng một chút, Ngọc Thu nói tiếp:
Anh Văn, như anh đã biết tình cảm của anh dành cho em rất nhiều, em cũng biết như thế. Nhưng anh ạ, có lẽ cuộc đời nầy em sẽ không bao giờ lấy chồng bởi vì em đã hiểu được một điều:
- Nhân sinh tợ điểu đồng lâm túc. Ðại hạn đáo thời các tự quy
Nghĩa là:
Chúng ta sanh vào cõi đời nầy cũng giống như chim cùng chung tổ. Một khi sanh tử đến rồi thì ai cũng phải chịu chi phối bởi nghiệp lực của mình, giống như chim đến sáng thời mỗi con bay về mỗi phương trời.
Anh Văn ạ, chồng vợ thì chỉ có một đời, nhưng đau khổ, sanh tử triền miên thì lại vô lượng kiếp. Vì thế em muốn nói với anh, những cảm tình xưa nay thay vì anh chỉ dành cho mình em, thì bây giờ đây anh hãy chuyển nó đến cho chúng sanh vạn loại, như vậy có hay hơn không? Thay vì anh chỉ săn sóc lo cho mình em, thì bây giờ anh có thể săn sóc lo cho chúng sanh vạn loại. Tình cảm ấy mọi người đang cần, nhất là tuổi trẻ trong xã hội nầy, các đàn em của chúng ta đang cần những con tim nhiệt tình, tha thiết và phụng sự cho đạo pháp, chúng sanh và dân tộc. Anh làm được như vậy, thì trong số các đàn em, chúng sanh ấy có em
Tiếng nói của Ngọc Thu êm đềm quá, thanh cao quá. Lời nói ấy như dòng suối mát chan hòa cả cõi lòng của Văn, và cũng trong lời nói ấy có khả năng dập tắt ngọn lửa lòng và niềm hy vọng của Văn từ bấy lâu nay. Văn ngồi im lặng nghe và theo dõi hơi thở của mình. Hơn bao giờ hết, Văn cảm thấy tâm hồn mình thật yên tịnh, bao nhiêu phiền não lo âu của ngày xưa giờ đây không còn nữa, Văn mĩm cười và cầm lấy tay Ngọc Thu:
- Ngọc Thu em, thành thật cảm ơn em. Những lời vừa rồi của em, đã cho anh một nguồn năng lực và một sức sống mới. Anh đã thấy được điều đó rồi. Em ạ, từ khi quen biết em, anh cứ ngỡ em là một người con gái thuần đạo, và là một người con gái hiền lương hiểu đạo thương đời. Nhưng hôm nay anh mới biết, những gì anh biết về em, chỉ là phần nhỏ trong muôn một của tư tưởng sâu thẳm của em. Vì thế hôm nay anh cũng muốn nói hết nỗi lòng của anh cho em rõ là anh rất quý em, và sẽ thực hành những gì em đã nói với anh.
Ngừng một chút, Văn nói tiếp:
- Ngọc Thu em, bình thường thì anh với em cùng học tập, cũng thầy cố vấn dạy, cũng các anh chị trưởng hướng dẫn như nhau, nhưng cơ duyên nào mà em có được số kiến thức dồi dào và phóng khoáng như vậy?
Nghe Văn Hỏi, Ngọc Thu thành thật trả lời:
- Thành thật cảm ơn anh đã quá lời khen tặng. Riêng em thì không dám nhận chữ kiến thức dồi dào và phóng khoáng đâu. Nhưng nếu anh muốn biết về những hiểu biết đó từ đâu mà có thì em cũng không dám giấu anh.
Ngừng một chút Ngọc Thu nói tiếp:
- Cách đây năm năm, trong một dịp đi lễ Chùa, em thấy có tấm bảng đề: Ða Tình thị Phật tâm. Lúc đó em không hiểu gì hết, nên em tìm phương trượng trụ trì bày tỏ những thắc mắc của mình, và được Hòa Thượng Trụ Trì giải thích câu: Ða Tình Thị Phật Tâm, tức là: Tình thương nhiều là tâm của Phật. Bởi vì nếu một người Phật Tử mà không có tình thì làm sao gần gũi mọi người, nếu không có yêu thì làm sao giúp đỡ nhân loại. Mà một người Phật Tử muốn tu Bồ Tát Ðạo thì không thể thiếu tình, cũng không thể thiếu yêu. Tình yêu như thế mới thực sự vượt thoát mọi ngôn ngữ của thường tình. Em hiểu được nguyên lý đó và âm hưởng của câu nói đó luôn luôn ngự trị trong tâm hồn như một vị thầy hướng dẫn cho em trên bước đường tu tập.  
Ðôi bạn lam lại tiếp tục câu chuyện. Bao nhiêu tâm sự, Ngọc Thu nhất nhất kể lại hết cho Văn nghe không dấu diếm điều gì cả. Và cuối cùng Ngọc Thu kết luận:
- Anh Văn, hôm nay có buổi hẹn với anh ở đây là vì em muốn tâm sự với anh lần cuối, vì mai nầy em cùng gia đình sẽ đến Hawaii để sinh sống nên em sẽ không còn có cơ hội gặp anh nữa.
Nghe Ngọc Thu nói Văn thảng thốt:
- Em nói sao? Em cùng hai bác đến Hawaii để sinh sống thiệt à?
Rồi Văn nói như trách móc:
- Em bí mật quá cho đến giờ phút chót mới cho anh hay. Vậy Thầy cố vấn giáo hạnh, Bác Gia Trưởng và các em trong đoàn sinh biết việc nầy chưa?
Ngọc Thu tỏ vẻ buồn rầu nói:
- Em đã có thưa qua Thầy cố vấn, và Bác Gia Trưởng rồi, còn các đoàn sinh thì em chưa nói và sẽ không nói vì sợ càc em lưu luyến nên định bụng đến nơi định cư yên ổn rồi thì em sẽ viết thơ tạ lỗi với các em. Còn lý do mà em hẹn với anh thì anh đã biết tại sao rồi.
Văn nói với giọng thật cương nghị:
- Ngọc Thu em, ý em anh cũng đã rõ, thôi thì chúc em nơi phương trời xa lạ đó luôn luôn bình an, có duyên sẽ gặp lại.
Lần cuối gặp Ngọc Thu trong quán Lam Sơn rồi mỗi người chia tay mỗi đường. Văn sau đó không lâu cũng đi theo việc làm nên đã đổi về miền đông Hoa Kỳ sinh sống.
Mười năm sau, Văn và Ngọc Thu gặp lại nhau trong vai trò ban quản trại của một trại huấn luyện Lộc Uyển và A Dục do GÐPT tổ chức tại miền đông Hoa Kỳ. Ðôi bạn lam gặp nhau, cả hai mừng mừng tủi tủi và một điều đặc biệt là cả Văn và Ngọc Thu đều chưa có ai lập gia đình. Hơn nữa với thời gian dài 10 năm thực tập họ đã biết sống một cuộc đời phụng sự cho nhân loại, nên bây giờ đây gặp lại nhau thì họ cũng tiếp tục sống trong tình lam hiền hòa và bất diệt.
-- o0o --