Núi Nga Mi
Lương Thế Nghĩa
--o0o--
 
Dãy núi Nga Mi là một dãy núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên rất là hùng vĩ và tráng lệ. Trên núi có một tượng Phật rất lớn, chính nhờ vào Tượng Phật và quang cảnh của ngọn núi nên đã là yếu tố rất hấp dẫn du khách.
Muốn đến núi Nga Mi, trước tiên, từ Thành Ðô là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, đáp xe đò chạy độ khoảng 2 giờ 30 phút để đến chợ Lạc Sơn. Tượng Phật to lớn của Lạc Sơn thì nằm ở ngoại ô của thành phố nầy. Tượng Phật nầy được tạc bên bờ sông Miên Giang trên vách Sa Nham Huyền Nhai, là cái vách đá treo lưng chừng bên triền của núi Lăng Vân. Tượng Phật có tên là Lạc Sơn Ðại Phật. Như đã trình bày, lưng tượng Phật tựa vào vách núi và chánh diện của Phật nhìn ra giao điểm của ba con sông Miên Giang, Ðại Ðộ, và Thanh Y, ba con sông nầy chảy nhập vào nơi núi Lăng Vân. Du khách có thể đáp du thuyền từ cảng Lạc Sơn đến phần giữa sông Miên Giang, sau đó 10 phút thì có thể đến được chính diện của tượng Phật. Từ hướng nầy nếu chúng ta ngắm vào toàn tượng Phật, thì đây là vị trí rất tốt nhất để cho chúng ta nhìn hoàn toàn cảnh vật. Tương truyền hồi xưa ở đây thường thường xảy ra những việc đắm thuyền bè qua lại, do đó những vị xuất gia mới tạc tượng Phật vĩ đại ở đây để trấn áp thủy thế, để cho không xảy ra tai nạn nữa. Người khởi xướng công trình vĩ đại nầy, là một vị lão Hoà Thượng tên là Hải Thông, Ngài là người tiên phong phát nguyện đi quyên góp tiền bạc trong quần chúng, nhưng không may sau khi quyên góp thì bọn tham quan tìm cách nầy cách nọ để cướp giựt, họ bắt buộc vị Hòa Thượng đưa tiền bạc ra cho chúng, nhưng lão Hòa Thượng tuyệt nhiên không đưa. Do đó mà công trình vĩ đại nầy không bị ảnh hưởng. Lạc Sơn Ðại Phật được tạc vào đời nhà Ðường nguyên niên, năm 713 AD Tất cả những chuyên viên đục đẽo ngày đêm không nghỉ, để tạc tượng cứ như thế liên tục 90 năm mới hoàn thành tượng Phật nầy. Tượng Phật nầy được tạc dựa theo thế của vách núi, chiều cao của tượng Phật 71m, đầu của Ðức Phật ngang với đỉnh núi, vai của vị Phật rộng đến 24 m, Ðầu cao 14.7m. ngón chân của Phật cũng rất là to lớn. còn lỗ tai và lỗ mũi của Ðức Phật thì cao bằng vài tầng lầu. Thậm chí trên bàn chân của đức Phật vào khoảng 100 người có thể ngồi lên được. Công trình nầy rất là vĩ đại nghĩa là từ xưa đến nay chưa bao giờ có công trình vĩ đại như thế, có hai câu thơ để ca ngợi:
- Sơn thủy nhất tôn Phật
Phật thị nhất tọa sơn
Nghĩa là:
- Núi là một tượng Phật
          Phật là một trái núi
Ðầu tiên tượng Phật nầy xây xong, ở ngoài có xây thêm bảo cát rất cao lớn để che tượng Phật. Nhưng sau nầy binh biến nên Phật cát nầy bị hủy diệt, vì thế mà sau nầy tượng Phật uy nghiêm nầy mới lộ trước mặt mọi người, nên từ xa chúng ta có thể thấy được tượng Phật nầy. Hiện tại, ở hai bên trái và bên phải của vách núi chúng ta vẫn còn thấy những cột trụ mà trước đây là dùng để đặt những cây kèo hoặc là những cây ngang để xây bảo cát che tượng Phật. Xa xa trông thấy tượng Phật khí thế rất là hùng vĩ và trang nghiêm, có thể nói là thế giới đệ nhất đại thạch khách Phật có nghĩa là Tượng Phật mà tạc bằng đá lớn nhất thế giới.
Cách thành phố Lạc Sơn 36 km thì có thành phố tên là Nga Mi. tại vì thành phố nầy nằm trên ngọn núi Nga Mi rất là hùng vĩ, có rất nhiều cây cối, nơi đây cũng có nhiều di tích lưu truyền của tôn giáo và văn hóa nên núi Nga Mi đã nổi tiếng trên thế giới. Núi Nga Mi không những là Phật Môn Thánh Ðịa, ngoài ra những sanh thái về thiên nhiên rất là hùng(oai hùng), tú(đẹp), thần (linh thiêng), kỳ(kỳ ảo). Tất cả những sinh vật ở đây đều thay đổi theo mùa, tùy theo địa thế mà nó tạo ra cảnh rất là tráng lệ hùng vĩ thiên nhiên, cũng như mùa đông thì tất cả mọi nơi tuyết trải trắng xóa một vùng, nhưng mà vẫn có chỗ cũng có màu sắc khác nhau. Căn cứ vào sự nghiên cứu của giới chuyên viên, thì sinh thái về thực vật của núi nầy rất là phong phú, mà người ta ghi nhận là có vào khoảng trên 3000 loại, trong đó có những thực vật rất là quý như là ngân hạnh, huỳnh đồng, tử bân, những loại thực vật nầy rất là hiếm có trên thế giới. Ngoài ra người ta có thể tìm thấy tại núi Nga Mi là trên 2000 loại động vật khác nhau như là: Những nhóm khỉ, những loại gấu nhỏ, loại hưu quý, gà rừng rất đẹp, loại ếch giống như cây đờn, loại trùn rất to. Nhưng kỳ trân dị thú nầy rất được mọi người chú ý, do đó núi Nga Mi đã có được cái tên:
- Vương quốc về thực vật, hay còn gọi là phòng triển lãm thiên nhiên 
Ở dưới chân núi Nga Mi có một khách sạn lớn gọi là Hồng Châu Sơn Quán, có nghĩa là khách Sạn Núi Hồng Châu, khách Sạn nầy nằm giữa những bụi trúc, hoa cảnh và cây cối rậm rạp, quang cảnh rất là nên thơ. Biệt thự, và phòng của khách sạn rất rộng. Khách sạn nầy được xem như là một khách sạn xưa nhất của núi Nga Mi. Vẻ đẹp thì cũng như tất cả những khách sạn khác, nhưng đặc biệt ở đây theo tương truyền lúc trước cố Tổng Thống Tưởng Giới Thạch khi ông còn ở Trung Hoa Lục Ðịa cũng đã có những lúc đi du lịch tại núi Nga Mi và ông cũng đã từng ở khách sạn nầy. Nhiều du khách khi nghe nói khách sạn nầy Tổng Thống đã từng ở đây thì họ rất là hân hạnh vì được ở chung với khách sạn của một vị Tỗng Thống nổi tiếng đã từng ở.
Núi Nga Mi cao khoảng chừng 3099 m, và trong cả Trung Quốc có 5 dãy núi nổi tiếng về Phật Giáo thì Nga Mi là một dãy núi rất cao và rất đẹp nổi tiếng nhất trong năm dãy núi thịnh hành Phật Giáo Trung Quốc, cho nên trong nhân gian có truyền tụng và cổ nhân có nói rằng:
- Cao xuất Ngũ Nhạc
Tú giáp cửu châu
Nghĩa là:
- Ngọn núi nầy cao hơn năm ngọn núi khác
Vẻ đẹp cả toàn quốc nó là đẹp nhất
Việc khai thác ngọn núi nầy bắt đầu từ thời nhà Ðông Hán, cách đây vào khoảng 2000 năm, trên núi cũng đã có chùa rồi. Lúc đầu thì nơi đây có cả Ðạo Giáo và Phật Giáo, tuy nhiên cho đến đời nhà Ðường trở đi thì thế lực của Ðạo Giáo suy tàn, trong khi đó Phật Giáo rất thịnh hành. Cũng từ đó trở đi trong những ngôi Chùa, tiếng chuông sáng chiều đều vang tại núi Nga Mi nầy. Phật Giáo đã trở thành một tôn giáo duy nhất chỉ đạo núi Nga Mi. Tiếng tăm của Phật Giáo tại núi Nga Mi cũng từ đó vang lừng trong bốn phương thiên hạ.
Tương Truyền về đời Ðông Hán có một người thợ săn tên là Phổ Công, có một ngày ông theo đuổi để săn một con nai, nhưng khi theo đến đỉnh Nga Mi Sơn thì bổng nhiên con nai thần biến mất. Ông Phổ Công đem việc kỳ lạ nầy trình bày với  Hoà Thượng Bảo Chưởng. Hoà Thượng Bảo Chưởng bấm tay và biết rằng đó là hiện thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Từ đó ông thợ săn Phổ Công mới phát tâm xuất gia trên đỉnh núi Nga Mi, và tôn thờ Phổ Hiền Bồ Tát, bắt đầu từ đó là nơi khởi thủy thờ phượng Phổ Hiền Bồ Tát, cũng từ đó trong nhân gian được truyền tụng núi Nga Mi là đạo tràng của Ðức Phổ Hiền Bồ Tát. Phổ Hiền Bồ Tát là một trong Hoa Nghiêm Tam Thánh. Căn cứ theo kinh Phật thì Phổ Hiền Bồ Tát là con của vị Vua Chuyển Luân Thánh Vương, Phổ Hiền Bồ Tát cùng Văn Thù Bồ Tát cả hai cùng phù tá Phật Thích Ca Như Lai để truyền giáo. Phổ Hiền Bồ Tát thì đứng ở bên phải của Phật Thích Ca và lo về Hạnh Nguyện Quảng Ðại, đại biểu cho chư Phật về Ðức và Hạnh.
Thời kỳ thịnh hành nhất của núi Nga Mi, trên núi có tất cả là 170 ngôi Chùa, thời thế đổi thay qua các triều đại, cộng thêm binh lửa tàn phá, hiện giờ chúng ta còn có thể thấy được là khoảng 30 ngôi chùa. Những ngôi chùa nầy rất là lâu đời, nên những di vật để lại trong những ngôi Chùa nầy được chính phủ Trung Quốc coi như là của quý của quốc gia vì thế được chính phủ bảo vệ rất kỹ. Như đã trình bày, trên núi Nga Mi có rất nhiều Chùa lịch sử, nhưng trong số những ngôi chùa đó có 10 cảnh chùa thuận lợi để cho du khách thăm viếng. Ở đây, trong trang báo có hạn, chúng tôi xin được giới thiệu đến chư độc giả một vài ngôi chùa tiêu biểu như:
a-     Chùa Báo Quốc
Nếu chúng ta tới Nga Mi thì chúng ta sẽ tới Chùa Báo Quốc trước. Chùa Báo Quốc là một ngôi Chùa lớn nhất trên núi Nga Mi nầy, trong chùa nầy thờ Phật, Ðạo, và Nho. Ngôi chùa nầy nổi tiếng nhất là vì có thờ những tượng Phật, những vị sáng lập ra Ðạo Giáo và Nho Giáo. Ngoài những tượng thường, trong Chùa còn có tượng Phật bằng sành cao 2 thước 34. tượng Phật rất là trong sáng và trang nghiêm. Ðây là tượng Phật vào thời nhà Minh, là tượng Phật vô giá chi bảo.
b-    Chùa Phục Hổ
Bên cạnh Chùa Báo Quốc là Chùa Phục Hổ, tương truyền trước đây trên núi Nga Mi có rất nhiều cọp, nhưng kể từ khi ngôi Chùa nầy xây lên thì các con cọp không dám đến. Trong chùa có tượng Phật đúc bằng đồng tím hồi đời nhà Minh, kỹ thuật rất là sắc sảo, ngoài ra trong chùa có 4000 tượng Phật nhỏ điêu khắc rất đẹp. Bên cạnh các tượng Phật quý giá còn có khắc toàn bộ kinh văn Hoa Nghiêm trong Chùa nầy. Chung quanh Chùa nầy đều có những cây cổ thụ cao lớn, những cây tùng cây bách hơn 200 cây. Ðặt biệt ngôi chùa nầy nằm giữa cây cối rậm rạp nhưng trên nóc chùa quanh năm không bị lá cây dính vào, thành ra đuợc Vua Khang Hy đời nhà Thanh tặng thưởng cái biệt hiệu là: Ly Hậu Hiên có nghĩa là Mái Chùa Không Dính Bụi Bặm. Nguyên Nhân không dính bụi là nhờ một cây bách cả ngàn năm, có những tàng cây rậm rạp che cả ngôi chùa nầy. Những chiếc lá của cây Bách có thể che được ánh nắng mặt trời và giảm khí lạnh, và cũng nhờ tàng cây bách quá to lớn, tất cả các lá và bụi đều bị cản lại nên không bay đến nóc chùa. Tương truyền trong số 200 cây bách ở đây, bổng nhiên một hôm có một cây bách rơi lá xuống trên nóc chùa nầy nên bị trời phạt. Sau một đêm mưa lớn sấm sét, thì cây bách già nầy bị sét đánh nên nhánh, lá, và thân cây đều cháy thành tro bụi. Từ đó về sau ngôi chùa nầy không bị một hạt bụi và chiếc lá nào rụng lên trên đó.
c-     Thuần Dương Ðiện
Một nơi khác nổi tiếng trên núi Nga Mi là Thuần Dương Ðiện, điện nầy nằm kế bên Chùa Phục Hổ, trong mấy chục ngôi chùa trên núi Nga Mi thì Thuần Dương Ðiện là nơi có lịch sử đặc biệt. Ngôi Bảo Ðiện nầy có từ đời Nhà Thanh, Thuần Dương Ðiện là đạo tràng của Ðạo Giáo, nhưng lúc đó những Ðạo Sĩ thường đi đó đây để vân du, các điện không người nên trở thành hoang phế, thấy thế các tăng sĩ Phật Giáo mới phát tâm sửa sang và duy trì ngôi Bảo Ðiện cho đến ngày nay như chúng ta đã biết. Ðể tránh những ngộ nhận của người đời sau, nên mặc dầu bên trong tôn thờ theo Phật nhưng vẫn gọi nơi nầy là Thuần Dương Ðiện. Trước ngôi Chùa Thuần Dương có một khe nước, và một tảng đá lớn hình dáng như một chiếc ghe bằng cây, theo những người Phật Tử địa phương thường gọi là Phổ Hiền Thuyền, nghĩa là Thuyền của Ðức Phổ Hiền Bồ Tát. Về chiếc thuyền nầy, theo tương truyền vào đời Nhà Ðường có một vị Hoà Thượng tên là Giám Chân ngài phát nguyện đi về hướng Ðông đến xứ Phù Tang truyền giáo, Ngài đã dùng các loại cây trên năm dãy núi nổi tiếng bên Trung Quốc, và dùng những cây trúc trên núi Nga Mi nầy tạo thành một chiếc ghe bằng cây rất là kiên cố để chở các kinh Phật qua Nhật Bổn. Sau thời gian truyền đạo, khi hoàn thành nhiệm vụ truyền bá Phật Pháp tại Nhật Bổn, Hoà Thượng Giám Chân trở lại nơi nầy tu tập, Ngài cảm thấy sự truyền giáo thành công là nhờ chiếc ghe cây nầy, thành ra Ngài mới đem chiếc ghe cây nầy đặt trước khe nước tại Thuần Dương Ðiện. Nhưng về sau thấy có người tiểu tâm muốn phá hoại nên ngài mới biến chiếc ghe nầy thành đá. Bây giờ trên chiếc ghe bằng đá đó còn bốn chữ:
- Tạng Chung Ư Thử.
Nghĩa là:
- Chiếc Ghe Chuyên Chở Kinh Sách.
Từ câu chuyện đó, đã khiến cho du khách mỗi lần đọc bốn chữ nầy thì nhớ đến lý do tại sao có chiếc ghe nầy tại đây.
Ngoài những nơi Chùa tháp, Núi Nga Mi còn có những đàn khỉ có tánh linh như con người và đây cũng là điểm đặc sắc của núi Nga Mi. Những loài khỉ có tánh linh nầy thường có mặt tại các nơi như là Cửu Lão Ðộng, Tiên Phong Tự, Ngộ Tiên Tự, cho đến Tẩy Tượng Trì là Hồ Rửa Voi, những nơi đây chính là nơi các đàn khỉ đến đây để tiếp xúc với con người. Theo sự nghiên cứu của các chuyên viên thì trên núi Nga Mi nầy có bốn nhóm khỉ, tánh nết và tập quán của những nhóm khỉ nầy không giống nhau. Như tại Tẩy Tượng Trì, tại Ngộ Tiên Tự, thì những loài khỉ ở hai chỗ nầy đối với con người rất là thân thiện, và thuần thục. Thường thường nó ưa tập trung trước miễu để xin thức ăn của du khách. Nó ưa xoè tay ra xin thức ăn, hoặc chấp tay lại để van vái giống như con người vái Phật và cúng Phật, vì thế mà các du khách rất thích thú. Tại những chỗ khác như Cửu Lão Ðộng, Hoa Nghiêm Ðỉnh thì những nơi đó, những con khỉ lại rất là nghịch ngợm, nó ưa chọc ghẹo du khách. Chúng thường bất chợt chọc ghẹo du khách làm cho du khách sợ hãi la lên và chạy trốn. Có lần, một người du khách vì không chịu được lối chọc ghẹo của mấy con khỉ, nên đã nổi giận đánh chết một con, cho nên cả đám bao vây tấn công người đã đánh chết đồng bọn của chúng. Sau đó nhờ một vị Hoà Thượng kêu ra chỗ khác cho nên mới tránh sự xung đột giữa khỉ và con người. Cũng vì lý do đó nên chính quyền đã ra lệnh, khi thấy con khỉ nào phá phách nhiều phải bắt nó đi nơi khác. Bây giờ tình trạng khá hơn trước, vì trong Chùa đã treo những tấm bảng nhắn nhủ với du khách là đừng chọc giận chúng thì thế nào cũng dễ cảm hóa nó.
Tại nơi Tẩy Tượng Trì, ngoài những đám khỉ, chùa nầy cũng nổi tiếng nhất về kỹ thuật điêu khắc của một tượng Voi Trắng rất lớn ở bên cạnh Chùa. Tương truyền con voi có sáu ngà nầy đó là do Phổ Hiền Bồ Tát cởi nó, con voi nầy là hóa thân của Thiên Vương Ðại Thánh, có một lần Phổ Hiền Bồ Tát đi qua cái đèo Cửu Lãnh, nghe nói trên đèo nầy có một con quỷ La Sát chuyên môn ăn thịt người, thành ra Phổ Hiền Bồ Tát mới mệnh lệnh con voi trắng biến thành Thần Bát Kim Cương, để giao chiến với quỷ La Sát. Sau khi chiến đấu một hồi, Thần Bát Kim Cương thâu phục được con quỷ La Sát, Phổ Hiền Bồ Tát mới khuyên con quỷ La Sát đó cải tà quy chánh. Sau khi con quỷ La Sát từ bỏ ác nghiệp mà theo con đường tu tập thiện nghiệp, tức thì gương mặt của nó trở nên hiền từ. Trở lại Thần Bát Kim Cương sau một cuộc chiến giữa quỷ La sát thì con voi mới bị mồ hôi dơ quá thành ra Phổ Hiền Bồ Tát mới đưa con voi trắng sáu ngà đến bên khe suối nước để tắm rửa cho voi. Câu chuyện đó đến đời nhà Thanh có một vị Ðại Sư tên là Hành Năng đến đây tu, và ngài mới tạc tượng voi bằng đá, và cũng chính Hoà Thượng Hành Năng nầy đổi tên suối rửa tay chân thành Tẩy Tượng Trì.
Sau khi rời khỏi Tẩy Tượng Trì, du khách sẽ đi ngang qua Lôi Ðộng Bình, và sẽ đến Tiếp Dẫn Ðiện. Từ đó mới ngồi xe treo lên đỉnh núi Nga Mi. Trên đỉnh núi chánh Nga Mi có ngôi Chùa Hoa Nghiêm, đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất trên Núi Nga Mi, trên đỉnh núi nầy có bốn kỳ quan rất là hấp dẫn đối với du khách, đó là:
1- Nhật Xuất: Là cảnh mặt trời lên
          2- Vân Hải: Vì trên đỉnh núi cao luôn luôn có mây phủ, cho nên khi nhìn xuống thì không thấy gì cả ngoài biển mây, vì thế có tên là Hải Vân, có nghĩa là Biển Mây.
3- Phật Quang: Là ánh sáng của Phật. Thường thường vào giữa những buổi trưa, trời quang đãng, những du khách đến đây, bên Xá Thân Nhai thì có thể thấy được cái khí thế hùng vĩ của quang cảnh núi đồi thiên nhiên rất là tú lệ. Nơi đây nếu là người có duyên thì sẽ thấy những cái vòng có năm mầu sắc trôi nổi ở trên biển mây, những mầu sắc nầy trông như những miếng kiếng, lúc đó bóng của những người du khách có thiện duyên thì sẽ được những cái vòng mầu sắc nầy quyện vào, tức thì tạo cho con người may mắn đó có cảm nghỉ rằng mình đang ở trong sự che chở của chư Phật và ánh sáng của Phật đang chiếu xuống người mình. Những người có được những hiện tượng đó thì họ sẽ cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu, và may mắn.
4- Thần Ðăng: Là Ðóm Lửa Thần, lúc chiều tối đứng trên Xá Thân Nhai sẽ thấy những tia lửa chớp chớp, từ bốn phía bay tới. Những tia lửa nầy bay vào những tảng đá thì bổng nhiên tiêu tan mất hết cho nên người thường gọi là Thần Ðăng. Tương truyền, những đóm lửa nầy là kết quả của sự giao chiến của chư tiên và chư thần nên mới có những hiện tượng lạ như vậy.
Kết Luận
Trên Núi Nga Mi, có rất nhiều ngôi chùa lịch sử, và những cảnh rất là thần kỳ mỹ lệ cho chúng ta thưởng thức, nếu chúng ta đến đó vào những mùa nắng ấm. Ðó là chưa kể thập cảnh rất đẹp trên núi Nga Mi, Bốn Kỳ Quan ở trên đỉnh Núi Xá Thân Nhai. Quang cảnh thiên nhiên, thực và động vật, cũng như những truyền kỳ, huyền bí về núi Nga Mi luôn luôn làm cho du khách có duyên, một lần đến ngọn núi nầy là trong tâm hồn luôn luôn nhớ mãi đến di tích lịch sử nầy, và cũng là thánh địa tiêu biểu nơi thị hiện của Ðức Phổ Hiền Bồ Tát.
-- o0o --