Người Làm Vườn Giỏi
Trúc Giao
--o0o--
 
 
Như thường lệ tăng đoàn của Ðức Phật cứ mỗi buổi sáng đều vào Thành Xá Vệ để hóa duyên cho đến 11:00 thì tăng đoàn lại trở về Tịnh Xá để dùng cơm trưa.  Hôm nay trời mát. Sau bữa cơm trưa trong chánh niệm, các vị Tỳ Kheo ai ai cũng lặng lẽ đi rửa bát, và lo phần việc của mình, sau đó mọi người ngồi ngay ngắn theo thứ tự để tịnh tâm. Sau giờ tịnh tâm là thời pháp thoại. Tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn dưới những tàng cây cổ thụ êm mát có rất nhiều sóc và chim. Những con sóc rất khôn ngoan, có những lúc nó lăng xăng moi đất để chôn giấu những thức ăn mà nó vừa kiếm được để dành cho ngày khác, có những lúc nó ngồi đưa hai bàn tay nhỏ xíu quàu quàu cái miệng nhọn của nó, có những lúc nó cũng biết ngồi nhìn mọi người và lắng nghe tiếng pháp thoại của Ðức Phật. Những con chim cũng thế. Những con chim lớn cũng có, và cũng có những con nhỏ bằng đầu ngón chân cái, đủ màu sắc trông rất dễ thương. Lũ chim hết bay nhảy từ cành cây nầy qua cành cây khác, có lúc thì chúng lại quanh quẩn bên các vị Tỳ Kheo nghe pháp mà không sợ hãi gì cả. Karuna cũng như bao nhiêu thính chúng khác ngồi nghiêm chỉnh trước mặt Ðức Phật với tư thế hoa sen, trong khung cảnh thật trang nghiêm. Không ai nói với ai lời nào, nhưng Chú Karuna biết mọi người đang an trú trong chánh niệm và chờ đợi nghe bài pháp thoại của Ðức Phật.
Ðức Phật ngồi trên một pháp tọa nhỏ màu vàng. Bên trái là Ngài A Nan cầm chiếc khánh vàng nhỏ để thỉnh thoảng Ngài điểm tiếng chuông tỉnh thức nhắc nhở mọi người trở về với chính mình. Ðức Phật ngồi rất ung dung và uy nghiêm, vững vàng như núi Tu Di. Người đưa mắt nhìn đại chúng một cách từ hòa, rồi nhãn quan của người dừng lại nơi Karuna. Bổng nhiên Phật mĩm cười và Ngài nói:
- Hôm nay tôi muốn nói với đại chúng về việc bón phân, và hướng dẫn cách làm thế nào để trở thành một người làm vườn giỏi.
01- Người làm vườn giỏi biết nhận ra cây cảnh quý trong vườn của mình một cách dễ dàng.
            02- Người làm vườn giỏi có thể biết được sự sinh trưởng của mỗi cây,
03- Người làm vườn giỏi biết dùng nước rửa những chiếc lá bị bụi bặm bám vào quá dày.
04- Người làm vườn giỏi có thể biết săn sóc những cây cảnh bị còi cọt,
05- Người làm vườn giỏi có thể biết dùng thuốc để cho những loài sâu bọ không tàn phá những cành lá non
06- Người làm vườn giỏi có thể biết cách cất giữ cây cảnh khi mùa đông đến,
07- Người làm vườn giỏi có thể biết cách cắt tỉa cho cây trở nên đẹp,
08- Người làm vườn giỏi biết đưa những cây cảnh đến những người biết trân quý cây cảnh thưởng thức.
09- Người làm vườn giỏi có thể biết đem những cây cảnh đẹp đó để làm đẹp cho cuộc đời.
10- Người làm vườn giỏi có thể biết giữ gìn những vùng đất cho cây cảnh sanh trưởng tốt đẹp
11- Người làm vườn giỏi có thể biết dùng những loại cây cảnh quý để đại diện tiêu biểu cho bốn mùa.
Ngừng một chút rồi Ðức Phật nói tiếp:
- Nầy đại chúng, là một tu sĩ xuất gia, hay một cư sĩ tại gia có tâm hồn hướng thượng, hướng thiện cũng tương tự như một người làm vườn:
01- Nếu người làm vườn nhận ra cây cảnh quý trong vườn của mình một cách dễ dàng, thì người học Phật cũng phải biết nhận được những yếu tố cấu tạo nên thân tứ đại giả hợp của mình.
02- Nếu người làm vườn giỏi biết được sự sinh trưởng của mỗi cây, thì người xuất gia cũng phải thấy được những hành động của thân miệng ý, những hành động nào là đáng làm, và những hành động nào là không đáng làm.
03- Nếu người làm vườn giỏi biết dùng nước rửa những chiếc lá bị bụi bặm bám vào, thì người xuất gia cũng phải biết buông xả, gọt dũa những si mê tham dục, những kiêu ngạo, đố kỵ, giận hờn, những tánh nết, tật xấu cố hữu của mình.
Tiếng Phật vẫn đều đều rất rõ nên tất cả thính chúng ai cũng nghe rất tường tận, ngừng một chút và ngài nói tiếp:
04- Nếu người làm vườn giỏi biết săn sóc những cây còi cọt, thì người xuất gia cũng phải biết hộ trì gìn giữ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mỗi khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc... và biết nhận thức tất cả các pháp trên thế gian như huyển, như hóa, như bọt nước, như sương rơi, như trăng trong nước, như hoa đốm, như mộng, như mơ đừng để cho trần cảnh lung lạc ý chí của mình..
05- Nếu người làm vườn giỏi biết dùng thuốc để cho những loài sâu bọ không tàn phá những cành lá non, thì người xuất gia phải biết giữ tâm cầu học ban đầu của mình, và của người khác, biết đem đạo lý giải thoát hướng dẫn cho nhân loại chúng sanh cùng tu tập giáo lý giải thoát để mọi người cùng tránh được khổ đau dằn vật tâm tư trong cuộc sống hiện tại của mỗi gia đình. Chính mình phải phát nguyện tu hạnh giải thoát, đồng thời cũng phải biết khuyết khích mọi người phát khởi đại nguyện như:
- Sự nghiệp tu Bồ Tát dầu là rộng lớn tôi cũng có thể biết, nguyện sớm thành tựu tâm tự tại để có thể bố thí lớn, hộ trì giới cấm. Vì thương chúng sanh mà thường tu hạnh nhẫn nhục, vì không thối chuyển mà tu hạnh tinh tấn, vì muốn làm cho chúng sanh xa lìa phiền não mà tu trí tuệ.
06- Nếu người làm vườn  giỏi biết cách cất giữ cây cảnh khi mùa đông đến, thì người xuất gia phải biết quý trọng hạnh tu thanh tịnh của mình, đừng để phiền não sân hận quấy nhiễu chi phối.
07- Nếu người làm vườn  giỏi biết cách cắt tỉa cho cây trở nên đẹp, thì người xuất gia phải biết hạn chế các căn tiếp xúc với trần cảnh, biết tránh tất cả những nguyên nhân dẫn tới đam mê dục vọng, những quán rượu, những nơi bài bạc, hút sách, hí trường, lợi danh, tình ái.
08- Nếu người làm vườn  giỏi biết đưa những cây cảnh đến cho những người biết trân quý cây cảnh thưởng thức, thì người xuất gia cũng phải biết phát tâm Bồ Ðề, tận tình hướng dẫn những ai có tâm hồn hướng thượng và hướng thiện để cho họ có thể tu đạo giải thoát. Ở trong chánh pháp không có lòng lười mỏi trong việc hướng dẫn, lúc diễn thuyết thì chí tâm, không khinh không tự cao, tạo điều kiện cho mầm thiện được sanh trưởng.
09- Nếu người làm vườn giỏi biết đem những cây cảnh đẹp đó để làm đẹp cho cuộc đời, thì người xuất gia cũng phải biết đem giáo lý giải thoát truyền bá đó đây để cho mọi loài cùng tu tập, biết săn sóc chu toàn những bệnh tật của hết thảy chúng sanh, trông coi và cung cấp những dữ kiện tu tập cho chúng sanh đa bệnh, mà không nên nói chỗ dở, cũng không nên để ý đến dòng họ thân thế của chúng sanh đó.
10- Nếu người làm vườn giỏi biết lựa chọn những vùng đất cho cây cảnh sanh trưởng tốt đẹp, thì người xuất gia cũng phải biết nương tựa vào niềm tin Phật, tin Pháp, tin Tăng. Tin là Tứ Thánh Ðế có khả năng làm cho con người thấy rõ thực trạng của cuộc sống. Tin Mười Hai Nhân Duyên là nguồn gốc dẫn con người vào bến bờ sanh tử. Tin Nghiệp Duyên Nhân Quả không từng tha thứ cho bất cứ một ai. Biết xem chư Như Lai bình đẳng không hai. Tu tập niệm Pháp, xem tất cả các Pháp đồng một tánh tướng. Tu tập niệm Tăng, xem tất cả Tăng không có thối chuyển. Tu tập niệm xả để bỏ các phiền não. Tu tập niệm giới để thường nhớ Phật giới. Tu hạnh bố thí thanh tịnh để có ba mươi hai tướng tốt, bố thí các thứ vật cần dùng để được thành tựu đầy đủ tám mươi tùy hảo. Phải biết trang nghiêm trí huệ xuất thế bằng cách nên tu Tứ Niệm Xứ. Biết sự nguy hiểm của tất cả các phiền não nên tu Tứ Chánh Cần. Biết sự nguy hiểm của các ma oán nên tu tập Tín Căn. Biết chấm dứt sự điên đảo nơi tất cả các pháp nên tu Tinh Tấn Căn. Biết nương tựa vào sự tu tập Niệm Căn để nhớ biết các tội lỗi. Nương tựa vào tu tập Ðịnh Căn để tâm thanh tịnh. Nương tựa vào tu tập Huệ Căn, để hiểu được tất cả các pháp. Nương tựa vào sự tu tập Ngũ Lực cho tâm tu không bị phá hoại. Nương tựa vào tu tập Thất Giác chi để chơn thiệt biết tất cả các pháp. Nương tựa vào tu tập Bát Chánh Ðạo, để biết là đạo là phi đạo. Tập thiểu dục tri túc để xa lìa bạn ác. Biết trụ nơi tâm không tham trước trong thân và ngoài thân, chẳng giận thù chúng sanh chẳng nghĩ các kiến chấp, chẳng thấy có ngã sở, thường tu tập lòng muốn cứu độ các chúng sanh.
11- Người làm vườn giỏi biết dùng những loại cây cảnh quý để đại diện tiêu biểu cho bốn mùa thì người xuất gia cũng phải biết nương tựa vào sự hộ niệm của Chư Phật, đức hạnh của các bậc Hòa Thượng, cha mẹ, bạn tốt. Lòng thường nhớ ơn nghĩ đến việc báo đáp ơn ngày trước, lúc nghe những bậc trưởng thượng dạy thì không được sanh lòng chê trách. Nghe pháp rồi hiểu nghĩa cũng chẳng tự cao. Bởi vì những pháp được Chư Tôn Ðức nói ra đều là vì tri túc, vì không dứt giống Tam Bảo, vì được trí túc mạng vô ngại, vì được chân thật thấy pháp tánh, vì phát tâm vô thượng Bồ Ðề, vì hộ trì chân thiện pháp của Như Lai, vì thấy được Phật Pháp, vì hành thánh hạnh, vì được công đức vô biên, vì được phạm âm thanh tịnh, nên người xuất gia phải luôn luôn nương vào kinh nghiệm và đức hạnh của những bậc thầy đi trước.
Một người xuất gia biết thực hành đúng những điều vừa nói thì có thể đạt được thánh quả rất dễ dàng.
Trong thính chúng thì rất đông mà lời dạy của Phật dường như là chỉ có chú Karuna là nguồn cảm hứng duy nhất để cho Phật nói lên những điều nầy. Chú còn nhớ lần đầu tiên chú gặp Ðức Phật tu khổ hạnh trong rừng, lúc chú đang tìm những phân bò về để bón cây trong vườn. Từ đó về sau chú thường lui tới chỗ Ðức Phật tu để hỏi đạo, đồng thời Ðức Phật cũng đã hỏi chú rất nhiều về cuộc sống nơi rừng núi của chú, trong những lúc đó Ðức Phật ngài cũng đã từng hướng dẫn chú về cách thức bón phân cho cây. Chú không hiểu tại sao Ðức Phật xuất thân là ông hoàng thái tử, và điều chắc chắn là trong hoàng cung làm gì có những chuyện làm bẩn thỉu như vậy, thế mà Ðức Phật Người lại biết một cách tường tận giống như một người chuyên nghiệp. Lúc đó chú đã từng thắc mắc, và đức Phật đã ôn tồn dạy bảo:
- Con người cũng giống như là cây cỏ. Con người cần thức ăn để nuôi thân, nước uống để lưu chuyển trong cơ thể, dưỡng khí để thở thì cây cỏ cũng thế. Có điều thức ăn của con người là lúa gạo, trong khi đó thức ăn của cây cỏ là phân vô cơ hoặc hữu cơ, còn dưỡng khí và nước thì người và cây cỏ đều tiêu thụ như nhau.
Những lời dạy của Phật trước đây đã giúp chú rất nhiều trong cuộc sống nông nghiệp của chú, vì thế đối với chú, thành thật mà nói, lúc đó chú cảm thấy Ðức Phật vĩ đại quá, cũng vì thế nên sự thân thiện của chú với Ðức Phật càng gần hơn. Cho đến bây giờ chú lại được nghe Ðức Phật giảng lại cho đại chúng cùng nghe, chú cũng chưa hiểu nhiều về những từ có tính cách chuyên môn như: Bát Chánh Ðạo, Thập Nhị Nhân Duyên ..v..v.. Tuy nhiên có một điều là chú đã hiểu được tổng quát những điều Ðức Phật dạy. Chú định bụng sẽ nhờ chú Rahula giảng giải, vì dầu sao đi nữa chú Rahula cũng theo Ðức Phật trước chú, hơn nữa tuổi đời cũng lớn hơn chú nhưng cũng không đến độ cách biệt nhiều như những vị trưởng lão khác, cũng vì thế mà chú đã cùng với chú Rahula thường thực tập ngồi thiền chung, và lẽ dĩ nhiên số kiến thức hiện tại mà chú có một phần được Y Chỉ Sư là thầy Sariputta chỉ dạy, một phần chú cũng nhờ chú Rahula chỉ bảo. Karuna còn đang suy nghĩ, bổng nhiên chú thấy Ðức Phật ra dấu cho chú đến gần ngài. Karuna vâng lời đến đứng chấp tay bên Ðức Phật. Phật tươi cười giới thiệu chú với đại chúng, Ngài nói:
- Sáu năm trước đây, tôi có cơ duyên gặp chú Karuna trong rừng khổ hạnh, lúc đó tôi được biết chú Karuna là một chú bé rất siêng năng săn sóc vườn tược, chú cũng rất giỏi về nghệ thuật dùng phân để bón cây, hồi đó chú mới mười bốn tuổi. Những điều mà tôi biết về nghệ thuật của người làm vườn giỏi đều nhờ hình ảnh sống động của chú giúp cho sự suy tư của tôi phong phú rất nhiều. Tôi biết Karuna là một em bé làm vườn giỏi, và tôi tin tưởng rằng vị tu sĩ trẻ Karuna ngày hôm nay sẽ là một vị đại đức, thượng tọa, hoà thượng gương mẫu để làm nơi nương tựa cho chúng sanh sau nầy.
Trong đại chúng có một vài vị đã biết Karuna như thầy Sariputta, thầy Maudgalyayana, thầy Purana, và Rahula còn phần đông đại chúng thì chưa biết, nên khi họ nghe Ðức Phật giới thiệu chú Karuna, mọi người ai cũng nhìn và chấp tay chào chú. Mặc dầu chú cảm thấy lúng túng nhưng chú cũng chấp tay chào lại mọi người. Sau những lời tóm tắt ngắn gọn để cho đại chúng nhớ những gì người đã dạy trong buổi trưa hôm nay, Ðức Phật chấm dứt buổi thuyết pháp bằng tứ hoằng thệ nguyện. Ðức Phật xướng trước, toàn thể đại chúng tiếp theo lời Phật cùng đọc, sau đó chúng hội đảnh lễ Phật trước khi rời khỏi hội trường để trở lại công việc phận sự riêng của mỗi người. Chú Karuna cũng thế, sau khi lễ Phật xong chú đi tìm một nơi yên tịnh để suy tư những lời Phật vừa giảng dạy.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Ðường Xưa Mây Trắng
- Kinh Ðại Bảo Tích
- Kinh Trường A Hàm
- Kinh Trung Hàm
- Phật Thánh Chúng
-- o0o --