Tịnh Ðộ &
Hành Nghiệp Vãng Sanh
Thông Trí
--o0o—
 
A-   Hoa Khai Kiến phật
Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Ðộ trung
Cửu Phẩm Liên Hoa vi Phụ Mẫu
Hoa khai kiến Phật Ngộ vô sanh
Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ
Trong vũ trụ có vô lượng vô số thế giới. Trong số những thế giới đó có: Thế giới thanh tịnh, thế giới ô uế, thế giới đau khổ, thề giới an vui. Có thế giới mới thành hình, có thế giới sắp tiêu diệt. Có thế giới thiên về tinh thần, có thế giới thiên về vật chất. Theo Ðức Thích Ca ngài nói trong vô lượng vô số thế giới đó cũng có vô lượng vô số cảnh Tịnh Ðộ. Nói đến Tịnh Ðộ thì theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói:
- Phương Ðông có Ðông Phương Tịnh Ðộ(Nước Hoan Hỷ) Giáo chủ ở cõi nầy là Ðức Phật A Súc và Ðức Phật Tu Di Ðảnh.
- Phương Ðông Nam có Ðức Phật Sư Tử Âm và Ðức Phật Sư Tử Tướng.
- Phương Nam Tịnh Ðộ có Dức Phật Hư Không Trụ và Ðức Phật Thường Diệt.
- Phương Tây Nam Tịnh Ðộ có Ðức Phật Ðế Tướng và Ðức Phật Phạm Tướng.
- Phương Tây Tịnh Ðộ có Ðức Phật A Di Ðà và Ðức Phật Ðộ Nhất thiết chúnh sanh Khổ Não
- Phương Tây Bắc Tịnh Ðộ có Phật Ða Ma La Bạt Chiên Ðàn Hương Thần Thông và Ðức Phật Tu Di Tướng
- Phương Bắc Tịnh Ðộ có Phật Vân Tự Tại và Vân Tự Tại Vương.
- Phương Ðông Bắc Tịnh Ðộ có Ðức Phật Hoại Nhất Thiết Thiết Gian Bố Úy.
Ngoài ra còn có cõi Tịnh Ðộ khác như:
- Ðâu Suất Tịnh Ðộ của Ðức Phật Di Lặc. Như vậy khi nói đến Tịnh Ðộ là nói đến các cảnh Tịnh Ðộ như đã nêu ở trên, nhưng tại sao gần như tất cả mọi người chỉ có biết mỗi một cảnh Tịnh Ðộ của Ðức Phật A Di Ðà? Như chúng ta biết Kinh Ðiển do Ðức Phật nói có hai loại: Hữu Vấn Hữu Thuyết, và Vô Vấn Tự Thuyết. Hữu Vấn Hữu Thuyết như trường hợp Kinh Lăng Nghiêm..v..v.. Loại Vô Vấn Tự Thuyết như Kinh A Di Ðà..v..v.. Căn cứ vào kinh điển đề cập đến hạnh nguyện Ðức Phật A Di Ðà ta thấy:
1- Kinh Di Ðà là một bộ kinh nói rõ về quốc độ thanh tịnh và hạnh nguyện của Ðức A Di Ðà. Tất cả các chúng sanh trong cõi đó không có điều khổ não, y báo trang nghiêm, chánh báo sung mãn, chỉ hưởng những điều vui. Từ lầu các cho đến các cỏ cây bông hoa, tất cả đều cấu tạo bằng chất lưu ly pha lê..v..v.. Ngay cả những lúc gió thổi thông reo đều phát ra những pháp âm vi diệu để giáo hóa chúng sanh như đã được diễn tả:
- Thích Ca nguyện độ Ta Bà
Di Ðà nguyện mở cửa nhà Lạc Bang
            Mở ao chín phẩm sen vàng
Xây thành bá bảo độ đàng thất trong
Lưu ly quả đất sáng ngần
Lầu châu các Phật mười phần trang nghiêm
Hoa trời rưới cả ngày đêm
Có cây rất báu có chim rất kỳ
Lạ lùng cái cảnh phương tây
Mười phương cõi Phật sánh tày cũng thua
Phân quang vui vẻ bốn mùa
Nước reo pháp Phật gió khua nhạc trời
Di Ðà có thệ một lời
Mở ra cửa ấy tiếp người vãng sanh
Mười phương ai phát lòng lành
Nhất tâm mà niệm hồng danh của ngài
Hằng ngày cho đến hôm mai
Niệm từ mười tiếng đến vài ba trăm
Khi đi khi đứng khi nằm
Chuyên trì niệm Phật lòng chăm phát nguyền
Ðược sanh về cõi bảo liên
Là nơi Cực Lạc ở miền Tây Phương
Ðến khi thọ mạng vô thường
Thì Ngài phóng ngọn hào quang rước liền
Biết bao phước Ðức nhân duyên
Ðã về Cực Lạc còn phiền não chi
Sự vui trời cũng chẳng bì
Ðêm đêm thong thả ngày thì vui chơi
Sống lâu kiếp kiếp đời đời
Không già không chết không dời đi đâu.
Cảnh Tây Phương Tịnh Ðộ của Ðức Phật A Di Ðà là một trong các cảnh Tịnh Ðộ của mười chư Phật có đầy đủ y báo, chánh báo ..v..v.. có lẽ đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng khiến cho tất cả chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề ai cũng muốn sanh về cõi Tịnh Ðộ nầy.
2- Lý do thứ đến là phương pháp tu tập sanh về thế giới nầy rất là giản dị, chẳng hạn như phương pháp niệm Phật. Phương pháp nầy đi bất kỳ nơi đâu, và trong lúc làm bất kỳ việc gì cũng có thể trì niệm một cách dẽ dàng. Nghĩa là nơi chốn thực hành phương pháp nầy không bị giới hạn.
3- Bên cạnh đó chúng ta còn thấy tùy theo nghiệp lực và nguyện lực của bất kỳ một người nào dầu cho tàn ác đến cách mấy chăng nữa nhưng chỉ cần có một niệm thiện thì phước báu đó cũng đủ dẫn dắt sanh về Cực Lạc và dự trong Cửu Phẩm Liên Hoa. Theo Kinh Thập Lục Quán, Cửu Phẩm Liên Hoa được xếp theo thứ tự:
a- Thượng Phẩm Thượng Sanh
            Những ai khởi lên tâm chí thành, tâm thâm trọng, và phát nguyện Ðại Thừa để tu pháp Niệm Phật khi lâm chung được thấy Tam Thánh Chúng nhiều vô lượng, có trăm ngàn chúng đại Tỳ Kheo và vô số chư thiên cùng cung điện thất bảo hiện ra trước mắt. Tự thân của hành giả ngồi trên đài sen, chỉ trong giây lát vãng sanh về nước Cực Lạc. Về đến ao thất bảo hoa sen nở liền, ngay tức khắc người ấy nghe Pháp Ðại Thừa, tâm trí mở mang, chứng ngay quả Vô Sanh Pháp Nhẫn. Sau đó có thể đi khắp đó đây trong mười phương và được chư Phật thọ ký
b- Thượng Phẩm Trung Sanh
             Những ai nghe pháp đại thừa mà tâm không kinh sợ, tin tưởng tuyệt đối vào lý nhân quả, luôn luôn niệm Phật, làm được những phước thiện gì đều hồi hướng cùng sanh về nước Cực Lạc. Người ấy khi lâm chung, được thấy một nghìn Ðức Hóa Phật của A Di Ðà, Tam Thánh và vô số chư Thánh Chúng đến tiếp dẫn. Tư thân của người ấy ngồi trên sen vàng tía, và chỉ trong một niệm đã đến ao thất bảo, sau đó một ngày một đêm hoa sen mới nở. Nhờ phước báu nên khi hoa sen vừa nở hành giả gặp được hào quang của Chư Hóa Phật và Thánh Chúng nên hành giả mới được huệ nhãn. Cũng nhờ mở đuốc huệ nhãn nên hành giả nhớ lại những phước báu đã làm từ đời kiếp trước, tất cả đều đúng với Ðệ Nhất Nghĩa Ðế. Sau đó bảy ngày kể từ lúc hoa sen nở, người đó mới được thấy Phật, và trải qua một tiểu kiếp mới chứng được quả Vô Sanh Pháp Nhẫn.
c- Thượng Phẩm Hạ Sanh
Hạng người nầy cũng vậy, biết tin nhân quả Pháp Ðại Thừa, nhưng chỉ mới phát tâm vô thượng chứ chưa thực hành đúng mức. Tuy nhiên vì nghĩ đến nỗi khổ của mọi người nên hồi hướng cầu nguyện cho chúng sanh, để tất cả đồng sanh về Cực Lạc. Nhờ công đức đó nên khi lâm chung sẽ thấy được năm trăm vị Hóa Phật đón tiếp. Tự thân người đó lên ngồi trên hoa sen, hoa xếp lại, và nương theo hào quang của Chư Hóa Phật đến ao thất bảo một ngày một đêm hoa mới nở. Sau đó bảy ngày mới thấy được Chư Phật, tuy nhiên vì chưa đủ phươc báu nên chưa thấy được tướng tốt. Sau đó ba tuần mới thấy được 32 tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Chư Phật. Lúc bấy giờ người ấy mới đủ phước báu và được hầu Chư Phật, nghe thuyết pháp đại thừa Bách Pháp Môn Luận và được trụ vào Hoan Hỷ Ðịa.
d- Trung Phẩm Thượng Sanh
             Hạng người chăm ăn chay giữ giới, niệm Phật tất cả đều hồi hướng đến chúng sanh đển cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nhờ phước báu đó nên khi lâm chung Chư Phật và Chư Thánh Chúng phóng hào quang tiếp đón. Ngay trong giây phút lâm chung đó, hành giả được nghe chư Phật thuyết giảng về lý Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã. Nghe xong pháp vi diệu, tự thân người đó ngồi trên hoa sen, do nhờ phước lực nên người đó khởi tâm cung kính đảnh lễ mười phương chư phật. Khi đảnh lễ xong, vừa ngước đầu lên thì hoa sen cũng vừa sanh về cõi cực lạc. Tại nơi ao thất bảo hành giả phải đợi cho đến khi hội đủ phước báo hoa sen mới nở. Lúc bấy giờ hành giả chưa được thấy Phật, tuy nhiên nhờ có gió thổi thông reo, chim Bạch Hạc, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng, Tầng Già luôn luôn ca hát lập lại pháp âm vi diệu do Ðức A Di Ðà thuyết, cho nên người ấy được nghe pháp Tứ Ðế và chứng quả A La Hán.
e- Trung Phẩm Trung Sanh:
Hạng người nầy chỉ biết niệm Phật trong thời gian ngắn một ngày một đêm, hoặc tu trì Bát Quan Trai Giới. Người ấy đem công đức Niệm Phật hoặc tu Bát Quan Trai Giới để hồi hướng đến tất cả chúng sanh để cầu sanh về Cực Lạc. Nhờ phước báu đó nên khi lâm chung được thấy Chư Hóa Phật và chư Thánh Chúng. Tự thân người ấy ngồi trên đài sen thất bảo. Hoa sen xếp lại, nương hào quang của Chư Phật đến ao thất bảo. Sau đó bảy ngày đêm hoa sen mới nở. Nhờ khởi tâm cung kính nên người ấy lạy và tán thán chư Phật, nghe pháp Ðại Thừa đắc được sơ quả. Với tâm bất thối chuyển, người ấy trải qua nửa tiểu kiếp mới đắc quả A La hán.
f- Trung Phẩm Hạ Sanh:
            Hạng người nầy chưa bao giờ biết được Phật Pháp, và cũng chưa bao giờ nghe pháp Ðại Thừa, tuy nhiên nhờ có lòng nhẫn tu, hiếu đạo với cha mẹ, cho nên giờ phút sắp lâm chung được gặp thiện tri thức chỉ bảo, nên người ấy khởi tâm niệm sanh về Cực Lạc, đồng thời người ấy chú tâm nghe vị thiện tri thức kia tán dương về nước Cực Lạc và hạnh nguyện sâu rộng của Ðức Phật A Di Ðà. Nghe vừa xong thì mạng cũng vừa lâm chung. Nhờ phước lực đó nên trong khoảng thời gian bằng co duỗi bàn tay người ấy được sanh về Cực Lạc. Hạng người nầy sanh về Tây Phương Cực Lạc nhờ nơi ý và nguyện lực, cho nên chưa được thấy Phật và những cảnh đẹp ở chung quanh ao thất bảo, bảy ngày sau, tính từ lúc lâm chung người ấy mới được thấy và nghe Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát và Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát nói pháp, nghe và thọ trì người ấy đắc được sơ quả. Sau đo một tiểu kiếp mới đắc được quả A La hán
 g- Hạ Phẩm Thượng Sanh
             Hạng nguời nầy không tin Phật, không tin nhân quả, và tạo nhiều thứ nghiệp quả. Tuy nhiên trong tâm niệm có nhân bố thí. Nhờ ý niệm đó nên khi sắp lâm chung gặp được chư thiện tri thức hướng dẫn nói lên Kinh Ðiển Ðại Thừa và dạy niệm Phật. Nhờ công đức đó nên diệt được trọng tội từ năm mươi ức kiếp. Giây phút lâm chung được thấy Chư Hóa Phật, thấy hóa thân của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, và Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát đến rước. Tự thân người ấy nương theo hào quang của các Hóa Phật và Bồ Tát bay về ao thất bảo. Sau đó bốn mươi chín ngày hoa sen mới nở và được nghe Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát thuyết pháp đại thừa. Nghe vi diệu pháp liền phát khởi tâm vô thượng đạo. Nhờ công đức nghe pháp, nhờ gắng công tu tập, nên mười tiểu kiếp sau mới đắc chứng trên bực sơ địa
h- Hạ Phẩm Trung Sanh
Hạng người nầy phá trai phạm giới, trộm cắp của thường trụ, hạng người nầy lúc sắp lâm chung, những hình tướng độc ác của địa ngục hiện ra như thấy có lửa dữ trong địa ngục bốc lên. Trong lửa dữ đó vang vọng những tiếng kêu thảm thiết. Tuy nhiên nhờ có niệm từ nên cũng chính trong giây phút đó được gặp thiện tri thức khuyến tu và tán dương công đức của Ðức Phật A Di Ðà. Nhờ phước đức nầy nên dứt được tội sanh tử tám mươi ức kiếp, các tướng ác nơi hỏa ngục kia trở thành gió mát thanh lương, thổi đưa các thứ hoa đẹp đến bên cạnh người lâm chung. Trên hoa có các Ðức Hóa Phật, Bồ Tát đón người sắp lâm chung về Cực Lạc. Vì nghiệp lực còn quá nặng nên khi về đến Cực Lạc phải ở trong bào thai(hoasen) sáu tiểu kiếp hoa mới nở, sau đó nghe chư thánh chúng giảng kinh Ðại Thừa và phát khởi tâm Bồ Ðề.
i- Hạ Phẩm Hạ Sanh:
Hạng người nầy dầu lỡ gây tạo tội ác ngũ nghịch, thập ác..v..v.. tuy nhiên sau đó cũng có hối lỗi, cho nên  trong giây phút lâm chung mặc dầu thấy những cảnh khổ nơi A Tỳ Ðịa Ngục, nhưng nhờ phước báu nên gặp được chư thiện tri thức khuyên nhắc niệm Phật. Người ấy chỉ niệm đến mười niệm thì dứt được sanh tử từ tám mươi ức kiếp, sau đó chính người ấy thấy hoa sen vàng tươi đẹp hiện ra trước mắt. Tự thân người ấy nương ngồi trên hoa sen sanh về cực lạc. Sau đó mười hai tiểu kiếp hoa mới nở, được thấy Ðức Quán Thế Âm và Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát nói pháp.
B- Hiện Tượng Lúc Lâm Chung
Căn cứ kinh điển nói về sự lâm chung và Cửu Phẩm Liên Hoa cho chúng ta biết, hành giả nhờ sự tu tập, hoặc có niệm nhân từ mà đới nghiệp vãng sanh, phẩm bực cao hay thấp là do sự thành tâm của mỗi người mà đạt được kết quả khác nhau. Theo biện chứng đới nghiệp vãng sanh, giây phút quan trọng nhất của đời người là giây phút lâm chung. Sự biểu hiện trên người hoặc trên nét mặt, cũng như những hành động của người lâm chung, mà thân nhân hiện đời có thể đoán người sắp lâm chung đó sẽ sanh về đâu. Những hình tướng đó như sau:
1-     Phước báo sanh về cõi trời ta sẽ thấy
01-   Khởi lòng thương mến mọi người
02-   Phát khởi thiện niệm
03-   Lòng thương vui vẻ
04-   Chánh niệm rõ ràng
05- Không có điều hôi hám
                  06- Sống mũi không xiêu vẹo
                  07- Lòng không giận dữ
                  08- Của cải bà con lòng không lưu luyến
                  09- Mặt trong sáng
                  10- Ngước mắt lên mĩm cười, và nghĩ tưởng đến thiên cung
2-     Nghiệp Duyên Sanh Vào Nhân Ðạo Ta Sẽ Thấy:
01-   Ðến lúc chết hay khởi niệm lành
02-   Thân không đau khổ
03-   Nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ
04-   Con trai con gái sanh lòng thương xót và gần gũi
05-   Ðối với việc lành hay việc dữ lòng không lầm lẫn
06-   Tâm tánh chánh trực không dua nịnh
07-   Rõ biết bà con bạn bè
08-   Thấy bà con chăm sóc sanh lòng vui mừng
09-   Di chúc việc nhà
10- Sinh lòng thanh tịnh, thỉnh Phật Pháp Tăng đến để đối diện quy y
3- Nghiệp Duyên Ðọa Vào Bàng Sanh Ta Sẽ Thấy
            01- Yêu mến vợ con một cách tha thiết
02- Ngón tay và ngón chân co quắp
03- Khắp mình mẩy toát mồ hôi
04- Tiếng nói khò khè
05- Miệng thường ngậm đồ ăn
4-     Nghiệp Duyên Ðọa Vào Ngã Quỷ Ta Sẽ Thấy
01-   Ưa liếm môi miệng
02-   Thân nóng như lửa
03-   Thường lo đói khát và hay nói đến ăn uống
04-   Mắt thường trừng lên mà không nhắm
05-   Hai mắt khô như chim gỗ
06-   Ðầu gối bên phải lạnh trước
07- Tay bên phải thường nắm lại, điều nầy biểu hiện cho sự bỏn xẻn
5-     Nghiệp Duyên Sanh vào Ðịa ngục Ta Sẽ Thấy
01- Gặp con trai, con gái của mình bà con quyến thuộc đều nhìn kẻ sắp
chết bằng con mắt ghét bỏ
02- Người sắp chết đưa hai tay rờ mó trên giữa hư không
03- Thiện tri thức dầu có chỉ bảo nhưng người sắp lâm chung ấy không
chịu nghe theo.
04- Người sắp chết ấy kêu gào than khóc.
05- Ði đại tiện và tiểu tiện mà người sắp chết vẫn không hay biết gì
06- Nhắm nghiền hai mắt
07- Thường hay che mặt hoặc úp mặt
08- Nằm nghiêng mà ăn uống
09- Gót chân, đầu gối luôn luôn run
10- Sống mũi xiêu vẹo
11- Mình mẩy miệng mồn luôn luôn hôi hám
12- Mắt bên trái hay động đậy
13- Hai mắt đỏ ngầu
14- Úp mặt mà nằm
15- Thân hình co rút và tay bên trái chắn xuống đất mà nằm
Nếu những thân bằng quyến thuộc của người lâm chung thấy một trong các trường hợp theo như trong Kinh Thủ Hộ Quốc Giới diễn tả thì phải tự đặt mình trong vai trò của một vị Ðại Thiện Tri Thức nhắc nhở ca ngợi cảnh giới lạc bang cho người sắp lâm chung nghe. Có được như vậy chúng ta biết người lâm chung có thể được dự vào ít nhất trong ba phẩm cuối cùng của chín phẩm liên hoa.
Tuy nhiên muốn biết sanh về nơi đâu, phải chính tự mình nỗ lực tu tập tạo điều phúc thiện, thì chắc chắn giây phút cuối cùng của cuộc đời ta sẽ có được từ một đến mười niệm mà tâm không loạn động.
C- Kết Luận
Nhìn chung chúng ta thấy hạnh nguyện của Ðức Phật A Di Ðà quả thật vĩ đại và bao gồm một ý nghĩa sâu xa. Vĩ đại ở chỗ dù cho con người đại gian ác đến đâu, nhưng một khi có tâm hối cải và huớng thiện, thì Ngài cũng không bao giờ từ bỏ, như chúng ta đã thấy ở trong Cửu Phẩm Liên Hoa.
Sâu xa ở chỗ, trong Kinh A Di Ðà có đoạn Ngài nói chỉ cần mười niệm mà tâm không xen một tạp niệm, thì ngài sẽ rước về Tây Phương Cực Lạc như trong Kinh có đoạn:
- Nầy ông Xá Lợi Phất, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đến danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà tức thì trì niệm từ một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày mà tâm người ấy không bị loạn động, thì người ấy trong phút lâm chung được thấy Ðức Phật A Di Ðà và chư Thánh Chúng. Người lâm chung ấy, tâm không điên đảo, tức thì vãng sanh về nước cực lạc. Có lúc Ngài lại nói:
- Không thể dùng một chút phước đức nhân duyên để cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc. Mới nghe qua chúng ta cứ lầm tưởng Ðức Phật A Di Ðà Ngài mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất, tuy nhiên nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy ý nghĩa sâu xa đó. Sâu xa vi diệu vì Ngài biết tâm niệm của chúng sanh lười mỏi thích vui chơi, chuộng giả dối cho nên chúng ta không lạ gì khi nghe Ngài nói như thế. Như nói một người ăn cơm ba chén mới đủ no, thì chúng ta không thể nói người ấy chỉ cần ăn chén cơn thứ ba là đũ no mà chúng ta phải tính người ấy ăn chén thứ nhất, chén thứ nhì, và chén thứ ba mới đủ. Cũng vậy, nếu nói từ một niệm đến mười niệm không loạn động mà chúng ta không cần tập ở những năm tháng tu tập trước đó là điều không thể có được. Ðễ có kết quả tốt chúng ta phải gắng công tu tập từ năm nầy đến năm nọ, cho đến mỗi niệm phải liên tục để huân tập chủng tử trong tâm trước, để tạo cho niệm cuối cùng được bền vững. Ý nghĩa sâu xa vi diệu là như vậy. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi nghe câu:
- Nhứt cú Di Ðà vô biệt niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương
Nghĩa Là:
- Một câu niệm Di Ðà mà không xen tạp một niệm nào khác,
Tức thì trong khoảng thời gian như khảy móng tay liền được sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Tài Liệu Tham Khảo:
- Niệm Phật Thập Yếu
- Nhị Khóa hiệp Giải
- Kinh Di Ðà Sớ Sao
- Liễu Sanh Thoát Tử
- Kinh Pháp Hoa
-- o0o --