Nguồn Gốc Phật Giáo Ðại Thừa
Tác Giả: Daisaku Ikeda
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
--o0o--
 
Tôi đã đề cập trong những dịp trước về sự vươn dậy của Phật Giáo Ðại Thừa, xảy ra vào khoảng năm trăm năm sau khi Ðức Phật nhập diệt. Vì sự khan hiếm những nguồn tài liệu đáng tin cậy có thể cho một hình ảnh rõ ràng hay cụ thể về lý do và cách thức sự ra đời của Phật Giáo Ðại Thừa, vấn đề còn mang đầy sự ước đoán. Ở đây tôi muốn nêu ra và ôn lại những lý thuyết khác nhau về nguồn gốc của Ðại Thừa và cố gắng xác định ý nghĩa sự ra đời của Ðại Thừa trong lịch sử Phật Giáo toàn bộ.
Vấn đề nầy là một vấn đề rất trọng đại, bởi vì theo tôi nghĩ, ít nhất, nếu phong trào Ðại Thừa Phật Giáo không xảy ra, Phật Giáo đã không lan truyền đến các nước phương Ðông như Trung Hoa, Ðại Hàn và Nhật Bản. Nguyên Thủy Phật Giáo(Theravada), như chúng ta thấy, có tính chất tu viện, những thành phần trong đó rút lui khỏi xã hội hằng ngày để có thể giữ những giới luật khắc khe. Loại tổ chức tôn giáo nầy, do tính chất của nó, thiếu tinh thần kết nạp và khó cho những thành viên bình thường trong đời sống xã hội tham dự.
Hơn nữa, người Trung Hoa và Nhật Bản, khác người Ấn Ðộ, có khuynh hướng thực dụng và tinh thần thực tiễn, và tư tưởng Tiểu thừa, với những luận thuyết về tâm học và siêu hình học khô khan, sẽ không hấp dẫn họ nhiều. Ngay dù chúng có được giới thiệu cho những quốc gia nầy, thì cũng chỉ thích hợp cho một thiểu số, và đã mai một từ lâu. Chúng ta thường nói rằng Trung Hoa, Ðại Hàn và Nhật Bản là những quốc gia dành cho Phật Giáo Ðại Thừa. Ðiều nầy có thể dường như quá khẳng định, và trong thực tế chỉ vì Ðại Thừa Phật Giáo, chứ không phải Tiểu Thừa, đã được đưa vào những quốc gia nầy để chúng trở thành những nước Phật Giáo.
Như ở Ấn Ðộ, mặc dù Phật Giáo phát triển mạnh dưới thời vua Ashoka (A Dục) vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, nhưng từ đó về sau, Bà La Môn Giáo dần dần nắm lại sức mạnh, và Phật giáo suy yếu. Ðiều nầy xảy ra bởi vì trong khi Bà La Môn Giáo mở rộng vào xã hội Ấn Ðộ một cách toàn bộ, thì Phật Giáo dần dần có khuynh hướng rút lui và tự cô lập ra khỏi quần chúng. Ðồng thời nó bị bao vây bởi tinh thần bè phái liên tiếp tạo ra những rạn nứt trong giáo hội, từ đó sản sinh ra những bộ phái cô lập.
Nhìn qua lịch sử trong giai đoạn nầy, chúng ta thấy rằng triều đại Mauryan(Khổng Tước), triều đại mà trong đó vua Ashoka(A Dục) là một người nổi bật, đã chấm dứt vào khoảng năm 180 trước tây lịch. Ở miền Tây Ấn Ðộ thì có vương triều Shunga(Huân Ca) được thành lập do một người Bà La Môn Giáo và coi Bà La Môn là Quốc Giáo. Sau đó không lâu, và khoảng giữa thế kỷ thứ nhứt trước Tây lịch, một nhà chinh phục tên là vua Kharavela xuất hiện ở vùng Kalinga(Kiệt Tuấn Già) thuộc miền Ðông Nam Ấn Ðộ là một tín đồ Kỳ Na Giáo thuần thành. Do hậu quả của những sự cố nầy, Phật Giáo mất hết phần lớn sự ủng hộ hoặc bị đàn áp triệt để. Trong giai đoạn nầy, buồn mà nói rằng, sự chia rẽ vẫn tiếp tục, và Phật Giáo đã phân liệt thành mười tám hay hai mươi bộ phái, tiếp tục tranh cãi nhau.
Trong bất cứ tổ chức nào, không có gì đáng sợ hơn những kẻ gây chia rẽ nội bộ, những người có thể gay ra sự đổ vỡ trong tổ chức. Ðiều nầy đặc biệt đúng với những đoàn nhóm được thành lập trên những lý ý thức hệ hay triết lý, bởi vì chủ nghĩa bè phái và sự bất hoà trong nội bộ thường báo hiệu sự sụp đổ những nguyên lý được tổ chức tin giữ. Ðiều nầy xảy ra bởi vì những thành phần của tổ chức mãi mê tranh thủ để nắm giữ ưu thế và chiến đấu với những phe phái đối nghịch, quên lãng đi những nguyên lý ý thức hệ, và hậu quả là không còn tác động có hiệu quả ngay cả trong nội bộ nhóm, và sự phổ biến ra bên ngoài cũng giảm nhiều. Ðiều đặc biệt đáng tiếc là Phật Giáo đã rơi vào cảnh nạn nhân của tinh thần bè phái phát xuất từ sự cố chấp của những người thực hành nó, bởi vì một trong những mục tiêu chính của Phật Giáo là soi chiếu ánh sáng vào bên trong bản tính của con người và giúp y vượt qua tính ích kỷ nằm sâu bên trong con người y.
Phong trào Ðại Thừa nổi lên ở nhiều địa phương ở Ấn Ðộ trong lúc đó có thể, trong một ý nghĩa nào đó, được coi như một cố gắng chỉnh lý tôn giáo và chống lại chủ nghĩa bè phái và xung đột trong Giáo Ðoàn Truyền Thống. Việc đó của Phật Giáo cũng tương đương với Cuộc Cải Tổ ở Châu Âu để phục hồi sức sống của tín ngưỡng. Ðiều Phật Giáo gặp phải mối nguy hiểm về sự đối lập chính trị hoặc sự khủng bố gắt gao đã làm cho những nhà lãnh đạo của Ðại Thừa thêm sức mạnh trong ý thức trách nhiệm của người Phật tử nơi chính mình và trong quyết định tranh đấu cho tín ngưỡng của họ.
Làm thế nào để đương đầu với áp lực chính trị là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với người Phật tử lúc bấy giờ. Và ở đây tôi tin rằng chúng ta có thể phân biệt sự khác biệt tế nhị trong những đường hướng Tiểu Thừa và Ðại Thừa phản ứng lại áp lực đó.
Những người Phật tử Ðại Thừa, như chúng ta thấy, gán cho Thượng Tọa Bộ(Theravada) là Hynayana hay Tiểu Thừa, một cách chắn chắn có ý hướng coi thường. Một lý do cho sự việc nầy như tôi tin tưởng là Thượng Tọa Bộ đã có khuynh hướng giữ vị thế xa cách đối với chính trị. Một cách thẳng thắng, chúng ta phải nói rằng những tín đồ Thượng Tọa Bộ trốn bỏ thực tại và khép mình vào sự ẩn dật của đời sống tu viện. Vì lý do nầy, vị thế chính trị của họ có tính cách mơ hồ và thái độ của họ đối với Bà La Môn Giáo, bấy giờ là tôn giáo quốc gia, ít nhiều có tính cách hòa hoản.
Phật tử của phái Ðại Thừa trái lại, tranh thủ với những người Bà La Môn và tích cực đương đầu với họ. Họ nhận thức Phật Giáo là một tín ngưỡng phải được gieo rắc mạnh mẽ trong toàn bộ xã hội, không phải chỉ để riêng cho những tu sĩ trong các tu viện. Nhiều Kinh và Luận Ðại Thừa đã diễn tả những vị vua lý tưởng và những đường lối ông dùng trong việc cai trị, và ho, không do dự đưa ra những tuyên bố chính trị trên nền tảng lý tưởng Phật Giáo được thể hiện trong Giáo Pháp. Những áp lực chính trị họ gánh chịu càng ngày càng lớn hơn, và đồng thời họ cũng chứng tỏ rằng họ có đủ năng lực và quyết tâm chiến đấu với những áp lực và thách thức của trật tự xã hội hiện hữu. Ở đây, tôi muốn nói, có những khác biệt giữa Ðại Thừa với Tiểu Thừa.
Mặc dù không thoả mãn với thái độ thờ ơ với chính trị của những tín đồ Tiểu Thừa là một trong những tác nhân đưa đến sự khởi dậy của Ðại Thừa, vấn đề về sự liên hệ giữa chính trị và tôn giáo là vấn đề rất phức tạp và không thể giải quyết vội vàng. Chắc chắn những vị thuộc Thượng Tọa Bộ và những bộ phái khác trong Phật Giáo Truyền Thống có những lý do riêng khi giữ sự xa cách với những vấn đề chính trị. Họ xem giữ những giáo lý chính thống như một chức năng quan trọng hành đầu. Có Thể họ lo sợ rằng nếu họ có một lập trường về những vấn đề chính trị, họ có thể phải chịu lấy những sự quấy nhiễu và đàn áp làm tổn hại đến việc thực hiện mục đích của mình.
Chúng ta cần nhớ lại rằng chính Ðức Thích Ca Mâu Ni sinh ra trong giòng Kshatriya(Sát Ðế Lợi) tức là giai cấp lãnh đạo, là con trưởng của vua bộ tộc Shakya(Thích Ca) và là người đương nhiên sẽ nối ngôi vua. Tuy vậy, Ngài đã chọn con đường từ bỏ mọi quyền lợi, dấn thân vào xã hội làm một người khất sĩ lang thang để tìm kiếm một mục tiêu cao cả hơn. Ngài đã chủ tâm từ bỏ đời sống chính trị để có thể trở nên một người lãnh đạo tinh thần và nắm vững những chân lý toàn bộ về đời sống con người. Ðó là lập trường của Ngài, là công việc Ngài chọn cho mình, một việc liên hệ đến vận mạng của toàn thể nhân loại.
Tôi có thể bị hiểu lầm và xin làm sáng tỏ một vấn đề. Mặc dù tôi tin rằng chính trị và tôn giáo về nền tảng hiện diện trên hai bình diện hoàn toàn khác nhau, tôi không nói rằng vì lý do đó, việc một con người tôn giáo lánh xa những vấn đề xã hội và chính trị là chính đáng hoặc có thể chấp nhận. Sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni giác ngộ dưới  gốc Bồ Ðề, Ngài đã không ở lại đó một mình, vui hưởng những chân lý Ngài vừa tìm thấy. Thay vì vậy, Ngài đã đứng lên làm một cuộc hành trình đi giảng dạy và truyền bá Giáo Pháp để có thể chia xẻ sự giác ngộ và trí tuệ của Ngài với mọi người, nam cũng như nữ, ở mọi nơi.
Khuynh hướng trong những vị Thượng Tọa và những bộ phái Phật Giáo đầu tiên hoàn toàn khác với điều đó. Các Tăng Sĩ của những bộ phái nầy, thật sự đã tránh xa mọi sức mạnh và quyền lực thế tục, dần dần khép kín mình trong rừng, núi, dấng thân trong việc nghiên cứu học tập các luận giải về Abhidharma(A Tỳ Ðàm). Làm như vậy, họ tỏ ra chỉ tìm kiếm sự tiến bộ tâm linh cho chính mình, không làm một việc gì để giúp đở sự tiến bộ của người khác bằng cách dạy dỗ và hướng dẫn họ.
Ở chỗ nầy, những tín đồ Ðại Thừa cũng lại khác với những tín đồ của các bộ phái xưa kia, nhấn mạnh không những chỉ vào sự tu tập và giải thoát cho chính bản thân mà đồng thời còn gieo rắc giáo pháp sâu rộng trong đám đông quần chúng đang chìm ngập trong thống khổ và mê mờ. Họ khẳng định rằng đó chính là theo đúng tinh thần của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Mục đích của Phật Tử Tiểu Thừa là đạt quả vị A La Hán, trong khi mục tiêu của người Phật Tử Ðại Thừa là đạt đến quả vị Bồ Tát, người đã giác ngộ nguyện giúp đỡ kẻ khác được giải thoát.
Ðọc các Kinh điển Ðại Thừa, người ta luôn luôn có ấn tượng về mức độ chúng đề ra để đối diện xã hội. Chúng ta sẽ có dịp khảo sát đầy đủ hơn về điểm nầy khi chúng ta thảo luận về Kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti), trọng tâm vây quanh một người cư sĩ Phật Giáo tên Duy Ma Cật và diễn vai trò tích cực của ông trong thời đại ông sống. Vì lý do nầy, các học giả đã phải giả thuyết rằng, trong khi Phật Giáo Tiểu Thừa quy hướng và cộng đồng tu viện, Phật giáo Ðại Thừa là một phong trào triển nở từ những tín đồ tại gia thời bấy giờ.
Ðối với tôi điều nầy dường như đủ đáng tin cậy, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta nên nhìn Phật Giáo Ðại Thừa như là một phong trào chỉ cho người tại gia khởi xướng. Chúng ta cần nhớ rằng ở Ấn Ðộ thời bấy giờ có tập quán rất trọng Tăng, và không chắc rằng giới tại gia hoàn toàn tự hành động mà không có sự đồng ý hay tiếp tay của những thành phần trong cộng đồng tu viện. Hơn nữa, Phật Giáo Ðại Thừa đã cho thấy sự cao cả và phức tạp trong giáo lý của nó, chứng tỏ rằng nó phải có sự nhúng tay của những nhà thần học và triết gia chuyên nghiệp. Theo sự suy đoán cá nhân, thì một số thành viên đặc biệt xuất sắc và giác ngộ trong cộng đồng tu viện, không thỏa mãn với thái độ và những cách hành trì Phật Giáo Tiểu Thừa, kết hợp với những người cầm đầu hăng say và sáng tạo của cộng đồng cư sĩ trong một cuộc hợp tác phiêu lưu để thực hiện những sự cải tổ.
Nơi vị Tăng thi sĩ Mã Minh(Ashvaghosha) và triết gia Long Thọ (Nagarjuna), chúng ta có thể thấy những điển hình của những tu sĩ xuất chúng khởi đầu là những tu sĩ Tiểu Thừa và về sau chuyển qua Ðại Thừa. Ngài Mã Minh sống và viết trong thế kỷ thứ nhứt hay thứ hai sau Tây Lịch, thọ giới xuất gia và tu học với bộ phái Thuyết Nhứt Thiết Hữu (Sarvastivada), một bộ phái quan trọng của Tiểu Thừa, nhưng về sau trở thành môn đồ Ðại Thừa. Tương tự, Ngài Long Thọ, sống vào thế kỷ thứ  hai hoặc thứ ba sau Tây lịch, và Ngài Thế Thân(Vasubandhu) sống vào thế kỷ thứ năm, cả hai đều bắt đầu sự nghiệp tu hành như là những tu sĩ Tiểu Thừa và sau chuyển sang Ðại Thừa. Tuy nhiên, những người nầy thuộc vào thời kỳ mà phong trào Phật Giáo Ðại Thừa đang phát triển và đang hệ thống hoá khối giáo lý lớn lao của nó.
Trong thời kỳ khỏi đầu, chúng ta có thể không nghi ngờ rằng những tín đồ tại gia, hay ít ra những nhân vật xuất chúng trong giới tại gia như Duy Ma Cật(Vimalakirti) đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển của Ðại Thừa.
Các học giả đã giả thuyết rằng có thể có một số liên hệ giữ sự phát khởi của Ðại Thừa và sự thiết tha xây dựng tháp, việc làm rất được phổ biến trong giới cư sĩ thời bấy giờ. Từ khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch đến thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, khi nước Ấn Ðộ ở vào giai đoạn phát triển về những hoạt động thương mại, các tín đồ Phật Giáo tại gia giàu có thói quen xây dựng những tháp hay những núi đất ghi nhớ sự nhập diệt của Ðức Phật, và điều nầy được coi như một biểu lộ của đức tin nơi họ.
Sau khi Ðức Phật qua đời, khuynh hướng sùng bái Ngài ngày càng gia tăng, nhất là trong giới Phật tử tại gia, như được thấy trong việc gán cho Ngài ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp. Phản ảnh khuynh hướng nầy, các tháp mọc lên khắp nơi trên toàn xứ Ấn Ðộ, đôi khi cất giữ xá lợi của Ðức Phật hay những vị Thánh Tăng, và những cuộc lễ bái được tổ chức quanh những nơi nầy. Những nghi lễ nầy khác với những nghi lễ truyền thống của các vị Thượng Tọa và những bộ phái bắt nguồn từ Thượng Tọa Bộ, vì vậy chúng được coi là biểu lộ của phong trào Ðại Thừa trong buổi đầu. Có thể những tháp nầy dần dần có luôn những chỗ ở cho các vị Tăng chăm sóc ngôi tháp và những vị Tăng nầy xây dựng bước đầu cho Giáo Ðoàn Ðại Thừa.
Như chúng ta có thể thấy ở trên, có rất nhiều nguyên nhân giao thoa nhau trong thời đại có đưa đến sự khỏi dậy của phong trào Phật Giáo Ðại Thừa. Nhưng chúng ta làm việc với những sự việc xảy ra hai ngàn hay hơn hai ngàn năm về trước, với một số tài liệu tối thiểu còn lại. Và với mức độ hiểu biết đó, chúng ta không thể có hy vọng xác định những nhân tố nào là nhân tố quyết định và chúng liên hệ với nhau như thế nào. Ðiều mà chúng ta không thể quên là phong trào Ðại Thừa đã khởi lên trong thời kỳ đó là điều không thể chối cãi, và đã ra đời từ lâu làm lu mờ Tiểu Thừa về phương diện tỏa rộng vào quần chúng và trong sự gieo rắc ảnh hưởng.
-- o0o --