Ða Tình Thị Phật Tâm
Thông Trí
--o0o--
 
Lúc còn là điệu, có một dịp tôi theo các sư huynh đi viếng thăm một ngôi chùa cổ: Sắc Tứ Trường Thọ Tự tại Gò Vấp, Gia Ðịnh. Nơi đó tôi thấy một tấm bảng bằng gỗ quý, trên đó có năm chữ: Ða Tình Thị Phật Tâm, được sơn theo kiểu mạ vàng rất đẹp. Lúc đó tôi chưa hiểu nghĩa nên cứ thắc mắc: Tại sao đa tình lại là Phật Tâm? Nhưng lớn lên dần dần tôi mới hiểu: Người có tình thương bao la là người có tâm Phật. Không nói nhưng chắc chắn người đời thường cho rằng đạo Phật là đạo từ bi. Sở dĩ Ðạo Phật được gọi là đạo từ bi là vì căn cứ vào phẩm hạnh và cách hành xử trong cuộc đời của Ðức Phật mà nói. Như nói về cuộc đời của Ðức Phật chúng ta thấy tâm hạnh từ bi của Ngài đã biểu lộ ngay từ thuở lúc ngài mới được chín tuổi:
- Một hôm ngài đang thơ thẩn  một mình ở trong vườn, thì có một con chim thiên nga rơi xuống trước mặt ngài. Con chim có vẻ đau đớn lắm. Nó quằn quại trên mặt đất. Ngài chạy tới ôm nó lên, và thấy có một mũi tên cắm sâu vào cánh của nó. Ngài rút mũi tên ra. Con chim run bắn lên, và máu rĩ ra ướt đỏ cánh chim. Ngài vội lấy ngón tay cái ấn lên trên vết thương cho máu ngưng chảy. Ôm con chim trong tay ngài chạy vào nhà trong đi tìm cô cung nữ Sundari. Ngài nhờ cô ấy đi hái một nắm lá dâu nhai nhỏ và dịt lên vết tương của con chim. Con chim run rẩy hình như nó đang bị lạnh. Ngài cởi chiếc áo lông cừu ra, bọc con chim vào cho chim ấm, và đặt chim gần lò sưởi.
Lúc đó Ðề Bà Ðạt Ða là em chú bác của ngài, hồi đó tám tuổi. Tay còn cầm cung tên và hỏi:
- Tất Ðạt Ða, anh có thấy một con chim trắng rơi xuống đâu đây không?
Ngài chưa kịp trả lời thì Ðề Bà Ðạt Ða đã nhìn thấy con chim để gần lò sưởi. Ðề Bà Ðạt Ða chạy tới định dành lấy con chim. Ngài vội ngăn lại:
- Em không được lấy con chim. Con chim nầy là của ta
Ðề Bà Ðạt Ða không chịu:
- Con chim nầy của ta, chính ta bắn nó rơi xuống
Lúc đó Ngài đứng chận trước mặt Ðề Bà Ðạt Ða cương quyết không cho rờ tới chim, Ngài nói:
- Con chim nầy bị thương. Ta cứu nó. ta che chở nó. Nó cần ta, chứ nó không cần ngươi...
            Ðó là thời kỳ thơ ấu, nhưng đến tuổi Thái Tử Tất Ðạt Ða trưởng thành, ánh sáng chân lý của cuộc đời càng rọi rõ sự vật cho Ngài. Bẩm tánh trầm tư mặc tưởng và lòng thương người, thương vật từ thuở thiếu thời không để yên cho Ngài một mình an hưởng những lạc thú tạm bợ của đời vương giả. Chính bản thân được yên vui hạnh phúc, nhưng Ngài hằng nghĩ đến thực chất của đời sống và biết rằng nhân loại đang đau khổ bên ngoài cung điện, vì thế mặc dầu sống trong nhung lụa mà Ngài đã nhận định được đời là đau khổ. Cũng nhờ sự nhận thức đó mà rồi một ngày tốt trời kia, Thái Tử ra khỏi cửa hoàng cung để nhìn xem thế gian bên ngoài và trực tiếp tiếp xúc với sự thật phũ phàng của đời sống. Chính mắt thái tử đã nhận thấy một cụ già chân mỏi gối dùn, một người bệnh hoạn đau khổ, một thây ma hôi thúi, và một đạo sĩ trang nghiêm khả kính. Ba cảnh già, bệnh và chết, hùng hồn chứng minh cho Thái Tử thấy về đời sống đau khổ của nhân loại. Hình ảnh thong dong từ tốn của một tu sĩ khoan thai thoát tục làm cho Ngài thấy được con đường giải thoát, con đường an vui thật sự, cũng từ đó đời sống vương giả không còn thích hợp với Ngài nữa. Ðối với một tâm hồn trầm tư mặc tưởng như Thái Tử Tất Ðạt Ða, cung điện nguy nga không còn là nơi thích đáng. Cả đến bà vợ trẻ đẹp và người con sơ sinh dễ mến cũng không làm sờn lòng chí quyết định từ bỏ thế gian. Ngài cương quyết ra đi với nguyện vọng duy nhất là góp một phần vô cùng quan trọng và hữu ích trong sứ mệnh thoa dịu niềm đau cho kiếp người hơn là ở lại gia đình làm phận sự của một người chồng, người cha, hoặc địa vị của ông Vua quyền cao tước trọng. Suy nghĩ như thế Ngài truyền lịnh cho Xa Nặc, người đánh xe thường ngày cho Ngài, thắng ngựa Kiền Trắc và thẳng đến điện Công Chúa. Ngài khẽ hé cửa nhìn vợ và con lần cuối với tấm lòng từ ái nhưng bình thản, không chao động, không trìu mến. Tình thương đối với vợ, với con thật mặn nồng sâu sắc. Nhưng đối với nhân loại trầm luân đau khổ, lòng trắc ẩn của ngài lại càng sâu thẳm hơn. Ra đi không phải vì kém tình thương vợ, thương con, mà vì tình thương của Ngài mở rộng, bao la trùm tất cả nhân loại và chúng sanh.
Ðến khi đắc đạo, bắt đầu chuyển Pháp luân thì cũng chính là lúc Ngài dạy cho nhân thế biết, muốn có một cuộc sống hạnh phúc lâu dài, thì phải phát triển, và hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của sự thương yêu, và phải xét kỹ về bản chất của từng loại thương yêu. Ngài cũng xác định rõ ràng: Cuộc đời rất cần sự thương yêu, nhưng không phải thứ thương yêu dựa trên căn bản của dục vọng, của đam mê và vướng mắc, của phân biệt và kỳ thị. Chỉ có một thứ tình thương duy nhất mà mọi người đang khao khát đó là lòng từ bi. Từ là thứ tình thương có thể đem đến sự an vui cho người khác. Bi là thứ tình thương không có điều kiện, có thể làm vơi đi những đau khổ của người khác. Từ và Bi là thứ tình thương không có điều kiện, không bắc buộc và không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào. Loại tình thương nầy không giống như tình thương yêu thiên về xác thịt như vợ mến chồng, chồng mến vợ, cũng không phải sự luyến ái Cha mẹ thương yêu triều mến con, con trìu mến cha mẹ. Bởi vì tình dục và luyến ái là cội nguồn của bao điều phiền não. Sở dĩ người đời thường nói tới tình thương giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng và vợ, giữa những người trong cùng họ hàng, cùng thân tộc, cùng giai cấp hoặc cùng quốc gia. Vì tình thương ấy dựa vào ý niệm tôi, và của tôi, cho nên bản chất của nó còn vướng mắc và phân biệt. Người ta chỉ muốn thương cha của mình, thương chồng của mình, thương vợ của mình, thương con của mình, thương cháu của mình, thương họ hàng của mình, thương đất nước của mình nên còn vướng mắc và phân biệt. Vướng mắc cho nên lo lắng về những bất trắc có thể xảy ra dù chúng chưa xảy đến. Phân biệt cho nên có thái độ kỳ thị, hờ hững và ghét bỏ đối với những người mình không thương. Vướng mắc và phân biệt đều là những nguyên nhân đau khổ, đau khổ cho mình và cho người. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cần tình thương yêu gia đình, nhưng bên cạnh tình thương yêu gia đình, chúng ta còn có thể thương yêu mọi chúng sanh vạn loại hữu tình, có thể vượt khỏi phạm vi gia đình, và biên giới hữu hạn để có thể thương yêu và chăm sóc cho tất cả đồng bào, đồng loại khác trong một làng, một quốc gia... như là thương yêu và chăm sóc cho chính con của mình. Nếu chúng ta làm được như vậy thì tình thương hạn hẹp trở thành tình thương rộng lớn, và đột nhiên tất cả mọi người khắp nơi trong các xóm các làng, trong một nước đều trở thành thân thuộc của chúng ta. Ðó đích thực là tâm từ bi. Ðây không phải là một điều quá lý tưởng, mà là một điều con người khi biết hiểu và thương thì có thể làm được, nhất là con người có tâm lượng từ bi và trong tay có những phương tiện đầy đủ. Nếu chúng ta phát được những nguyện lớn thì chúng ta chắc chắn làm được điều nầy. Theo tinh thần đức Phật dạy, không có gì ngăn cản chúng ta thương yêu những người khác trong các xóm làng khác, khắp mọi nơi như thân thuộc của chúng ta, dù những người nầy không nằm trong làng xóm của chúng ta. Thành thật mà nói tình luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự tự nhiên. Thế gian không tồn tại được nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luyến ái nầy luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, nên không sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ bao la. Do đó tâm từ không đồng nghĩa với tình thương ích kỷ. Như thế nếu còn phân biệt anh bắc, tôi Nam, chị đông, em tây thì không thể nào thương được ngừời bà con hàng xóm láng giềng. Nghĩa là tình thương phải bao la không phải là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, cũng không phải tình thương trong tình huynh đệ, mà là bao trùm khắp cả chúng sanh, không từ bỏ một sinh linh nào, trong đó có cây cỏ, cầm thú, những người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và ban bố tình thương của chúng ta. Khi đã thực tập được tình thương yêu mọi loài, mọi người như những người thân thuộc của chính mình được rồi thì có thể loại bỏ được những tình thương yêu hạn hẹp như:
- Tình đồng chí:
Tức là muốn nói đến những người có chung với mình một lập trường, một chí hướng, dù là chí hướng đó tự lợi hay lợi tha cũng thế. Bởi vì tình đồng chí chỉ biết những người cùng một chí hướng, một chủ nghĩa hay một đảng phái.
- Tình Ðồng Chủng:
Là những người cùng chung một quốc gia, một màu da, một truyền thống ngôn ngữ tập quán. Ðôi khi vì tình đồng chủng con người có thể nhẫn tâm tàn sát những người vô tội vì những người nầy không cùng một chủng loại với mình. Người da trắng có cảm tình riêng với người da trắng, người da đen có cảm tình riêng với người da đen, và người da vàng có cảm tình riêng với người da vàng ... Lắm lúc để chứng minh rằng dân tộc mình thông minh hơn dân tộc khác, nên con người không ngần ngại dùng những phương tiện tàn ác như gây chiến tranh, dội bom nhả đạn, tiêu hũy hằng triệu sanh linh. Cùng một quốc gia cũng có những tâm trạng hẹp hòi hợp lại từng nhóm để gây nên cái mà chúng gọi là tình huynh đệ giữa những người cùng một giai cấp xã hội, một thứ tình thương chỉ nằm vỏn vẹn trong một phạm vi nhỏ hẹp cũa một nhóm người có quyền thế để đàn áp một hạng người khác.
- Tình Ðồng Hương:
Là những người chung một xứ sở. Ðôi khi vì tình đồng hương mà con người có thể bênh vực bao che lỗi lầm một cách mù quáng.
- Tình Ðồng Một Tôn Giáo:
Là sự hiểu biết hẹp hòi, cái gọi là tình đồng đạo, thứ tình nầy đã có biết bao nhiêu đầu người đã rơi, bao nhiêu vĩ nhân đã bị tù tội, bạc đãi. Bởi vì tình đồng đạo, sự hiểu biết hẹp hòi, mà không biết bao nhiêu người đã phải bị thiêu sống một cách tàn nhẫn chỉ vì cái tội thành thật nói lên ý tưởng của mình. Bao nhiêu hành động ác độc, bao nhiêu chiến tranh tàn khốc đã làm hoen ố lịch sử nhân loại cũng vì sự hẹp hòi của tình đồng đạo. Cho đến thế kỷ thứ 21 nầy, vậy mà nhân loại còn chứng kiến những vụ xô xát, chửi bới bôi nhọ lẫn nhau mà nguyên nhân chỉ vì người theo tôn giáo nầy không ép buộc được những người khác tư tưởng như mình, người chủ trương giáo hội nọ, không ép buộc được những người theo giáo hội kia, hoặc không theo giáo hội nào đứng chung lập trường theo kiểu giáo hội của mình muốn. Con người ghen ghét nhau, thù hận nhau, chém giết nhau, chửi bới, bôi bát nhau chỉ vì không sống chung với nhau dưới một nhãn hiệu. Thật sự mà nói, nếu vì không đồng lập trường, tín ngưỡng mà những người khác tôn giáo, khác giáo hội không thể coi nhau là anh chị em trong một đại gia đình, thì sứ mạng của tất cả cảc vị giáo chủ, các vị lãnh đạo tinh thần trên thế giới nầy phải nhận lãnh một phần lớn trách nhiệm nếu không muốn nói họ đã thảm bại một cách chua cay.
Sự đoàn kết và an ổn của mọi gia đình, đoàn thể, giáo hội, quốc gia không phải được tạo nên bởi sự tham sân đố kỵ, và cách hành xử bốc đồng của chính bản thân mình, để rồi đem vung vải bừa bãi lên mình người khác. Phải có ý thức, phải biết rằng sự gắn bó tình gia đình, tình đời, tình đạo, tình quê hương xứ sở, nếp sống hoà bình và thịnh vượng lâu dài của một mái ấm gia đình, một đoàn thể, một giáo hội, một quốc gia chỉ có thể được xây dựng trên sự hòa hiếu giữa các con tim biết thương yêu và hiểu biết, cùng hướng về một mục đích hòa bình an lạc chung. Nếu một con người thực sự muốn cho người khác quý trọng tư cách, thì chính bản thân mình cũng phải giữ gìn làm sao cho tâm ý nhu hòa, và cũng biết tỉnh thức để những người trai trẻ các xứ, và những người chung quanh không vì mình mà tạo nghiệp nhân xấu xa. Chính sách ngoại giao để kết hợp với một người khác tư tưởng đứng chung vào hàng ngũ của mình phải thực sự đi theo con đường tâm từ bi thì chúng ta mới có thể làm được chuyện nầy.
Phải biết rằng tình thương có đam mê và vướng mắc thường có tác dụng gây khổ đau và thất vọng, trong khi thương theo tinh thần đạo lý từ bi, thì chỉ đem lại an vui hạnh phúc mà thôi. Tuy nhiên, đôi khi thương yêu theo đạo lý từ bi tuy không ích kỷ và không vụ lợi nhưng cũng vẫn đem lại khổ đau và thất vọng như thường. Chẳng hạn như chúng ta tuy thương yêu nhưng mỗi khi thấy mọi người chịu đau khổ vì những thiên tai như bão tố, lụt lội, dịch lệ... thì chúng ta vẫn cảm thấy khổ đau và thất vọng. Chúng ta phải nghĩ và phải xử trí như thế nào mỗi khi thấy người khác đau khổ vì bệnh hoạn, chết chóc.
            Trước hết chúng ta nên biết rằng những đau khổ do thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc đem lại, nó nặng nề và to lớn gấp muôn vạn lần những khổ đau mà lòng từ bi làm phát khởi trong lòng ta. Chúng ta phải phân biệt hai loại khổ đau:
            - Một loại đau khổ hoàn toàn chỉ có công dụng tàn phá cơ thể và tâm hồn người.
- Một loại khổ đau nuôi dưỡng được lòng từ bi, ý thức trách nhiệm và đưa tới ý chí hành động diệt khổ.
Thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc vì được nuôi dưỡng trong tham đắm, giận hờn đố kỵ, và si mê nên chỉ có thể đem lại những phiền não khổ đau làm tàn phá con người, trong khi từ bi chỉ nuôi dưỡng xót thương làm chất liệu hành động cứu khổ, tình thương đó rất cần cho con người. Ðó là một niềm đau có ích. Không biết thương xót thì không thể là con người, vì vậy những khổ đau do lòng xót thương đem lại là những đau khổ cần thiết và ích lợi lớn. Ðiều nầy rất là thực tế và lợi ích để có thể là hành trang cần thiết trong việc thoa dịu những tâm hồn còn đầy dẫy vô minh dục vọng.
            Trong đạo lý giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết, thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Vợ chồng không hiểu biết nhau thì không thể thương yêu nhau ..... Muốn cho người nào hạnh phúc thì mình phải tìm hiểu cho được những ước vọng và những khổ đau của chính người ấy. Hiểu được rồi thì mình mới làm mọi cách để cho người ấy bớt khổ đau và có hạnh phúc. Như vậy mới gọi là tình thương chân thật. Còn nếu mình chỉ muốn người kia làm theo ý mình và không biết gì đến những khó khăn và những nhu cầu chân thực của người ấy thì đó không phải là tình thương. Ðó là ước muốn chiếm hữu hoặc thỏa mãn ý nguyện của mình, cho dù là ý nguyện muốn người kia sung sướng. Nếu chúng ta thật sự thấu hiểu những khó khăn và những ước vọng của từng hoàn cảnh thì chúng ta sẽ thực sự thương yêu họ. Mọi người ai cũng có những đau khổ và những ước vọng riêng tư. Nếu chúng ta thực sự thấu hiểu những đau khổ và những ước vọng của họ, chúng ta có thể làm cho họ sung sướng, thì từ đó mặc dù ta không có điều kiện nào cả nhưng họ sẽ suốt đời trung thành với ta. Và khi mọi người được sung sướng và an lạc thì chính chúng ta cũng sẽ được sung sướng và an lạc. Ðó là ý nghĩa thương yêu trong đạo lý tỉnh thức.
Sanh ra là con người, sống như một con người, Ðức Phật thành đạt trạng thái tối thượng của sự toàn thiện, đạo quả Phật do sức kiên trì nổ lực cá nhân. Nhưng Ngài không dành giữ sự liễu ngộ siêu phàm cho riêng mình mà công bố trước thế gian rằng: Tất cả mọi con người ai cũng có thể thành tựu như Ngài. Không khi nào tự hào rằng chỉ có Ngài là người duy nhất đắc quả Phật, vì đạo Phật không phải là đạo đặc biệt dành cho một cá nhân tốt phước nào đã được chọn lựa trước. Thay vì đặt trên con người một vị thần linh vạn năng vô hình và cho con người chỉ biết khép nép rụt rè. Chính bản thân của Ðức Phật chứng minh rằng con người có thể thành đạt trí tuệ cao siêu và đạo quả tối thượng do sự cố gắng của chính mình. Và như vậy, đức Phật nâng cao phẩm giá con người. Ngài dạy rằng muốn thoát khỏi vòng trầm luân phiền não, chính ta phải tự mình gia công cố gắng chớ không phải phục tùng, tùy thuộc nơi thần linh, hay một nhân vật nào trung gian giữa ta và vị thần ấy.
Trong thế gian chấp ngã, lấy mình làm trung tâm của vũ trụ và chạy theo quyền thế, Ðức Phật dạy chúng ta lý tưởng cao quý của sự phục vụ bất cầu lợi. Ngài chống đối tệ đoan phân chia giai cấp trong xã hội, chỉ làm trở ngại mức độ tiến hoá của loài người, và luôn luôn bênh vực công lý, khuyên dạy bình đẳng giữa người và người. Ngài tuyên bố rằng cánh cửa đưa vào sự thành công và thạnh vượng phải rộng mở cho tất cả mọi người, ai cũng như ai, dầu cao thấp, sang hèn, đạo đức hay tội lỗi, nếu người ấy cố công cải thiện nếp sống, huớng về con đường trong sạch. Ngài nâng đỡ hoàn cảnh của người phụ nữ, lúc bấy  giờ bị xã hội khinh thường không những bằng cách nâng cao phẩm giá của người đàn bà lên đúng tầm quan trọng mà còn sáng lập giáo hội đầu tiên trong lịch sử cho hàng phụ nữ. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ngài đứng lên đánh đổ chế độ mua bán người làm nô lệ. Ngài bãi bỏ phong tục đem những con vật xấu số ra giết để cúng tế thần linh và nới rộng tâm từ, bao trùm cả muôn loài.
Vì thế chữ tình theo tinh thần của câu: Ða Tình Thị Phật Tâm là thứ tình thương yêu êm dịu nó vượt hẳn trên các thứ tình hẹp hòi, ích kỷ. Phạm vi chữ tình nầy là một thứ tình thương không bờ bến, không biên cương, không hạn định, không điều kiện. Không có một loại kỳ thị nào. Tình thương nầy phải xem tất cả chúng sanh là bạn hữu khắp nơi trên thế gian như anh em một nhà, mà theo thuật ngữ của người Trung Hoa thường nói:
- Tứ hải giai huynh đệ
Nghĩa là:
- Mọi người trên thế giới đều là anh em một nhà
Như vậy tinh thần từ bi người được thương không phải chỉ là cha mẹ ta, vợ ta, con ta, huyết thống ta, giai cấp ta, quốc gia ta. Kẻ được thương là tất cả mọi người và mọi loài. Trong từ bi không có phân biệt ta và không ta, của ta và không của ta. Thiếu tinh thần Từ Bi cuộc đời sẽ khô khan, khổ đau và buồn chán. Có Từ Bi cuộc đời sẽ an lạc, hạnh phúc và vui tươi. Loại tình nầy tựa hồ như ánh mặt trời bao trùm vạn vật, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú vật. Trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, chúng ta chỉ thấy một con người có loại tình cao thượng đó là Ðức Phật. Ngài luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sanh, và chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không khi nào nhìn cái xấu xa hư hỏng của một ai. Vì thế Ngài đối xử với những người ganh tỵ, oán ghét Ngài và những người âm mưu ám hại Ngài cũng giống như những người quý trọng tôn kính ngài không khác. Ðể chứng minh điều đó chúng ta thấy tình thương của đức Phật đối với Rahula không có chút gì khác với Ðề Bà Ðạt Ða, tình thương bao la rộng rãi đồng đều đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, những người không quen biết, và những người có ác cảm với Ngài. Trong chiều hướng tu tập đạo giải thoát, nếu cá nhân chúng ta thực hiện được tâm từ đến mức độ tột cùng như thế sẽ thấy mình hòa đồng với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt giữa mình và người, cái gọi là ta hay tự ngã lần lần mở rộng lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẻ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Ðức Phật & Phật Pháp
- Ðường Xưa Mây Trắng
- An Trú Trong Hiện Tại
-- o0o --