NGUYỄN CÔNG TRỨ
UY VIỄN TƯỚNG QUÂN
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
- Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
            Nợ tang bồng vay trả, trả vay
            Chí làm trai Nam Bắc Ðông Tây
            Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
 
A- ÐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) hiệu là Ngộ Trai, tự là Hy Văn, quê quán tại làng Uy Viễn, huyện Nghi xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cụ thân sinh là Nguyễn Công Tấn, và cụ bà Cảnh Thị con quan nội thị Cảnh Bá Nhạc. Buổi thiếu thời dù sống trong cảnh hàn vi, ông luôn cố công trau dồi kinh sử để mong thi đỗ ra làm quan giúp dân giúp nước. Sau nhiều lần thi hỏng, ông cuối cùng đậu Tú Tài năm 1813 và đậu Giải Nguyên năm 1819. Hoạn lộ của ông lắm bước thăng trầm: Ông làm quan ở nhiều tỉnh, nhiều vùng, có khi lên đến Binh Bộ Thượng Thư, nhưng cũng có lắm lần bị gièm pha giáng chức. Ông giúp triêu đình nhà Nguyễn đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa lớn(Lê Duy Lương, Nồng Văn Vân, Phan Bá Vành...) làm Doanh Ðiều Sứ, giúp dân khai khẩn đất hoang(1828). Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 1858 tại chính quán, thọ 81 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu.
Nguyễn Công Trứ để lại nhiều tác phẩm chữ Hán(Câu đối sớ) cũng như chữ Nôm( thơ, hát nói, phú, câu đối, ca trù...) Thơ văn Nguyễn Công Trứ phản ảnh khá trung thực sự biến chuyển tâm lý của một nhà nho cổ điển qua từng giai đoạn đời sống. Phần lớn các tác phẩm hào hùng và ngạo nghễ, biểu lộ một bản lĩnh vững chắc, một chí khí mạnh mẽ, và thái độ cầu tiến, vươn lên. Lúc về già, sáng tác của ông lại tìm về tư tưởng an nhàn, hưởng lạc.
B- TÁC PHẨM CHỌN LỌC
- Than Nghèo
- Ði Thi Tự Vịnh
C- ÐỜi & ÐẠO
Trong lịch sử danh nhân Việt Nam, chưa có ai có cuộc đời nhiều thăng trầm như Uy Viễn Tướng Quân Nguyễn Công Trứ là Bình Tây Ðại Tướng có cả chục vạn quân dưới cờ:
- Lúc Bình Tây cờ đại tướng
Có khi về Phủ Doản Thừa Thiên...
                                    Nguyễn Công Trứ
Và có khi bị giáng xuống làm lính trơn ở Quảng Ngải, với lời phê của vua Thiệu Trị còn được ghi lại trong Ðại Nam thực lục:
- Nguyễn Công Trứ, trước kia phái qua Trấn Tây, lo việc quân lữ, lâu ngày không làm nên công trạng gì, Trẫm đã ngơ cho, lại cho làm Tuần phủ An Giang, gần đây chỉ ngồi yên một chỗ, không quan tâm việc gì. Tuy rằng cái việc thuyền buôn chở đồ gian, vẫn là người khác bịa đặt vu cho, nhưng xét ra việc của viên quan ấy làm đại để mượn công làm tư, cái tính giống như không sao che được.
Rồi, trong suốt hoan lộ, Ông được thăng, bị giáng tới năm lần. Uy Viễn Tướng Quân còn là một thi sĩ nổi tiếng. Những năm cuối, Ông thường lui tới chùa để nghiên cứu Ðạo và Ông đã để lại cho chúng ta những bài thơ, những tư tưởng rất cao của Phật Giáo.
Tuy là dòng dõi thế phiệt trâm anh. Nguyễn Công Trứ đã phải chịu một cảnh nghèo xơ xác, vì gia sản bị cuộc nội chiến tàn phá. Sống gần nửa đời người trong cảnh túng thiếu. Bằng những lời lẽ chân thành, Ông vẽ lên một bức tranh nghèo, đầy đủ chi  tiết:
- Kìa ai: bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ
Ðầu hèo mọt tại vẽ sao, trước cửa nhện chặng màn gió
Phên trúc che nửa bếp nửa buồng, ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ
Ðầu giường tre mối duỗi quanh co, góc tường đất giun đùn lỗ chỗ
                                    Nguyễn Công Trứ-Hàn Nho Phong Vị Phú
Năm 1804, lúc đó Nguyễn Công Trứ 26 tuổi, không một chút công danh, nhưng vẫn mong vua biết đến. Nhân lúc vua Gia Long thăm Bắc Hà. Ông trải chiếu nằm đường để dâng lên tập: Thái BìnhThập sách, bàn về kế hoạch bình định xứ sở sau bao nhiêu năm loạn lạc. Vua nhận sách  nhưng chẳng thèm để mắt tới.
Năm Ðinh Mão, lúc đó Nguyễn Công Trứ 30 tuổi, triều đình mở thi Hương. Ông dự thi, nhưng bị rớt. Ðến năm Qúy Dậu 1813, Ông đỗ Sinh Ðồ(Tú Tài). Mãi đến khoa Kỷ Mão 1819, Gia Long thứ 18, Ông đậu Giải Nguyên(cử nhân), trường Nghệ, lúc đó Nguyễn Công Trứ đã 42 tuổi. Năm 43 tuổi mới bắt đầu tham chính, với chức vụ khiêm tốn Hành Tẩu Sử Quan, một chức quan nhỏ, công việc chỉ lo chuyển công văn, giấy tờ. Lương khoảng 20 quan tiền và 16 phương gạo mỗi năm. Thật chưa xứng với tài ông! Nhưng ông vẫn làm việc chuyên cần và tỏ ra hiểu biết nhiều lãnh vực. Vua Minh Mạng nhận ra chân tài. Từ chức Hành Tẩu bé nhỏ, thăng lên Tri Huyện rồi về Lang Trung, lên TƯ NGHIỆP(giáo sư trường Quốc Tử Giám), lên Thừa Thiên Phủ Thừa rồi điều ra Tổng Trấn Bắc Thành Hà Nội. Tại đây Ông được giao luôn mấy việc, vừa làm Binh Bộ Thị Lang, lại coi sóc Tào Binh (cơ quan đại diện của Bộ Hình ở kinh đô). Thế là Nguyễn Công Trứ đã lên chức Thị Lang hàng Chánh Tam Phẩm, vừa coi việc VõÕ lẫn việc Văn, (lương hàng năm 150 quan tiền, 120 phương gạo và 20 quan xuân phục). Nhân bấy giờ có giặc Phan Bá Vành, nên Ông phải trực tiếp dẹp loạn.
Phan Bá Vành, xuất thân là nông dân, có võ nghệ. Thuở nhỏ sống nghèo khổ. Khoảng năm 1821-1822, vùng châu thổ sông Hồng bị nạn đói. Dân Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Dương nổi dậy chống Triều đình do Vành cầm đầu. Trong bộ tham mưu của Vành có: danh sĩ, võ tướng, con cháu các quan cũ nhà Hậu Lê theo giúp rầt đông, lại được dân chúng ủng hộ. Họ thường hát:
            - Trên trời có ông sao rua
            Giữa làng Minh Giám có vua Bá Vành
Cuối năm 1825 Phan Bá Vành chỉ huy đánh đồn Trà Lí, giết trấn thủ Ðặng Ðình Miễn, Nguyễn Trung Ðiền... Quan trấn thủ Nam Ðịnh là Lê Mậu Cúc đem quân xuống đánh nhưng bị thua và tử trận.
Vua Minh Mạng thấy thế giặc lớn bèn sai Tham biện Nghệ An Nguyễn Ðức Nhuận, Hiệp trấn Ðức Thành Nguyễn Hữu Thận cùng Binh Bộ Thi Lang Nguyễn Công Trứ đi đánh giặc.
Ðược chỉ huy trận đánh Nguyễn Công Trứ án binh bất động để điều nghiên tình hình, quân cơ của giặc. Ông cứ cho Bá Vành chiêu binh mãi mã. Chính điều sơ hở có tính cách chiến lược này của Phan Bá Vành mà Nguyễn Công Trứ cài được nhiều lính triều đình gốc Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Dương vào hàng ngũ giặc để do thám và rỉ tai làm lung lạc tinh thần quân lính của Bá Vành. Khi đã biết rõ cơ cấu tổ chức của giặc(biết người biết ta), Ông ra lệnh đánh và chỉ một trận có cả nội công ngoại kích. Bá Vành bị bắt và bị giết ở Trà Lũ. Giặc tan, Nguyễn Công Trứ được thăng chức Hình Bộ Tham Tri(tương đương với thứ trưởng )
Nhờ kinh nghiệm dẹp giặc Phan Bá Vành này Nguyễn Công Trứ nhận ra cái nguyên nhân của giặc là cái nghèo đói của dân. Muốn chống đói phải cho dân chúng có cơ hội làm ruộng để tự sản xuất lấy lúa gạo mà ăn. Nhưng ruộng đất ở đâu mà cấp phát cho dân? Chỉ có tiền bạc, nhân lực của Triều đình mới có thể khai khẩn đất hoang mà cấp phát. Ông dâng sớ:
- Ðời xưa chia ruộng, lương của để dân có nghề, cho nên dân yên phận làm ăn nơi thôn ấp, không sinh lòng gian vậy. Hiện nay những dân đói nghèo, rong ăn, rong chơi, lúc cùng lại rủ nhau trộm cướp, tệ ấy khó ngăn hết được. Trước kia Thần đã đi qua tỉnh Nam Ðịnh, thấy về phần đất huyện Yên Ðịnh, đất đai hoang phế kể tới hàng ngàn mẫu. Dân muốn khai hoang mà không đủ sức. Nay nếu được cấp phát của công cho thì có thể chiêu tập dân nghèo mà khẩn trị được. Làm như thế Triều đình không tốn bao nhiêu mà cái lợi lâu dài mãi mãi....
Công trình đã thành công, Ông muốn để lại kỷ niệm cho vùng đất này và đặt tên là huyện Tiền Hải(bể bạc), để ghi nhớ vùng biển ngày xưa, vùng này rộng đến 18970 mẫu ruộng. Vùng Kim Sơn (núi vàng) cũng khẩn được 14600 mẫu.
Sự thành công quá lớn lao của Nguyễn Công Trứ đã khiến cho một số quan trong Triều ganh ghét. Một văn quan tên Hoàng Quýnh dâng sớ lên vua:
- Nguyễn Công Trứ đã lợi dụng địa vị mà đề bạt chức Tri huyện cho một viên đội trưởng thân tín tên là Phi Quí Tại. Phi Quí Tại không đỗ khoa gì, nếu cho làm huyện thừa thì các nhà khoa mục phải xấu hổ!
            Thế là vua Minh Mạng giáng Nguyễn Công Trứ 4 cấp, từ hàng Nhị phẩm(hình bộ tham tri) xuống Lục phẩm(lương hàng năm 25 quan tiền, 22 phương gạo và xuân phục 7 quan) và điều về Kinh với chức Tri huyện. Dân chúng huyện Kim Sơn, Tiền Hải thương kính Nguyễn Công Trứ như cha ruột. Ngày tiễn Ông về kinh, họ đứng hai bên đường, người mang con gà, kẻ thúng gạo. Có người không có gì, họ ôm lấy ông mà khóc. Vì Ông mà họ được no đủ!
Làm Tri huyện ở kinh không lâu, tới năm 1832, lúc đó Ông 54 tuổi, lại được thăng làm Lang Trung (dưới chức Thị Lang) rồi lại được cử làm Bố Chánh, coi việc dinh điền, lính tráng....ở Hải Dương rồi ít tháng sau lại được thăng Binh Bộ Hữu Tham Tri, kiêm thư Tổng Ðốc Hải An(gồm tỉnh Hải Dương và Ðông Triều) rồi chính thức Tổng Ðốc Hải An. Ở đây, Nguyễn Công Trứ làm bản đấu về kinh:
- Tại Hải Dương, ruộng hoang kể hàng nghìn mẫu, xem địa thế thì khai khẩn cũng dễ, xin sai mộ lính ở các vệ chia ban mà khẩn thị, khi thành điền thì cấp cho làm ruộng thế nghiệp, theo lệ ruộng tư trưng thuế, còn ngưu canh điền khí thì theo lệ dinh điền năm trước, lấy của công mà cấp phát..... Ðược Triều đình ưng thuận.
Nguyễn Công Trứ bắt tay vào việc ngay. Ông huy động lính thú(lính biên phòng) ở Quảng Yên, lính cơ(lính gác dinh thự) ở Hải Dương, và lính lệ (lính hầu ở các dinh quan). Nhờ một số quân đông đảo như vậy mà một loạt làng mới xuất hiện, một số đồn điền được hình thành. Ðất đai canh tác được mở rộng. Ở Hải Dương là làng Minh Liễn; ở Quảng Yên, làng Lưu Khê, Vị Dương, An Phong...v..v...
Vua xuống chiếu khen thưởng rồi lại sai đi Tuyên Quang cùng với Tổng đốc Lê Văn Ðức đi dẹp loạn Nồng Văn Vân.
Nồng Văn Vân, người Thượng du, tỉnh Cao Bằng có họ hàng rất nhiều và tập hợp được khá đông dân miền núi. Tỉnh Cao Bằng bị thất thủ đầu tiên rồi Tuyên Quang. Thái Nguyên, Lạng Sơn bị huy hiếp nặng. Quan sở tại chống không nổi phải xin viện binh. Vua Minh Mạng được tin này bèn sai Sơn Hưng Tuyên Tổng Ðốc Lê Văn Ðức là Tam Tuyên Tổng Ðốc quân vụ, Hải An Thự Tổng Ðốc Nguyễn Công Trứ làm Tham Tá đem quân đi tiễu trừ giặc. Ông chỉ là chức Tham Tá(phụ giúp) nên mọi kế hoạch điều quân đều do Tổng Ðốc Lê văn Ðức quyết định. Ngay trận đầu, quân Triều đình thua to vì Nồng văn Vân là một người cầm quân giỏi, lại có địa lợi là núi rừng quen thuộc. Hễ quân Triều đình đánh mạnh thì giặc ẩn núp, hễ quân Triều đình sơ suất thì đột kích mãnh liệt. Nguyễn Công Trứ tâu thật sự bất lợi này về Triều đình nên Ta Quang Tư, Tổng Ðốc Nghệ An, Hà Tĩnh mang đại quân lên tăng viện. Việc quân bây giờ đều do Nguyễn Công Trứ sắp đặt. Ông biết rằng đánh với Vân phải dùng mưu. Nguyễn Công Trứ tâu về kinh:
- Thần lần đầu mới đến đất này, chưa am tường chỗ bằng chỗ hiểm, không giám vội hành động....
Thay vì tấn công giặc Nguyễn Công Trứ cho quân lính nghỉ ngơi, lại tổ chức hát xướng để dân địa phương vui chơi. Quan Tuần phủ Trần Văn Sơn mật tấu về kinh:
- Nguyễn Công Trứ lo ăn lo chơi, say sưa đàn hát, không chịu giao chiến, thậm chí không chịu giúp đỡ các đạo quân bạn diệt giặc.
Nhưng vua Minh Mạng tin ở tài điều binh khiển tướng của Nguyễn Công Trứ nên đã châu phê vào sớ của Tuần phủ Trần văn Sơn:
- Nguyễn Công Trứ tự thử sở hành, tất hữu biệt toán. Quân lữ chi gian, bất khả dỉ phù ngôn giao động tướng tâm, thích y xử trí.
Nghĩa Là:
- Nguyễn Công Trứ làm như vậy chắc là có tính toán riêng. Trong quân không được bàn phiếm làm cho lòng tướng băn khoăn. Cứ để yên như vậy xem.
Ðúng như vua dự đoán. Việc quân triều đình án binh bất động, làm cho Nồng văn Vân kiêu căng, vì Vân cho rằng sự thua trận làm cho binh Triều Ðình sợ hải. Chính vì sự kiêu căng của Vân và việc tổ chức hát xướng hàng đêm mới có thì giờ gài từng đội quân nhỏ của Triều Ðình vào dân bản xứ để dò la rồi ém quân chờ lệnh. Nhờ vậy mà những chỗ đóng quân, những nơi phòng thủ của Nồng Văn Vân như núi Pu Ðôn, rừng Thẩm Bát, Bế Linh, Vân Trung... không còn bí mật nữa. Sau gần một năm điều nghiên chiến trận, tháng Chạp năm Quí Tị (1833) đạo quân của Tạ Quang Tự giải vây tỉnh Lạng Sơn và lấy lại được thành Cao Bằng, đồng thời quân của Nguyễn Công Trứ và Lê văn Ðức tiến vào sào huyệt Vân Trung của giặc, nhưng Vân đã chạy thoát tới rừng Thẩm Bát. Nguyễn Công Trứ  không cho quân sĩ tiến sâu vì biết địa thế hiểm trở, đường đi chập chùng nhiều ngã. Ông sai bao vây bốn mặt, đến mùa Hạ, rừng lá khô rồi phóng hỏa. Trận hỏa công mùa Hạ năm Ất Mùi 1835 đã đốt chết Nồng văn Vân và đồng đảng ở rừng Thẩm Bát.
Ðánh thắng Nồng Văn Vân, Nguyễn Công Trứ mới thực sự được vua Minh Mạng công nhận là con người văn võ toàn tài. Nhà vua thăng Ông chức Binh Bộ Thượng Thư mà vẫn kiêm nhiệm Tổng Ðốc Hải An để dẹp giặc ở Tràng Sơn. Là một trong tứ trụ triều đình, thỉnh thoảng được hầu rượu nhà vua ngay giữa điện Càn Thành. Cả giòng họ và bạn bè chưa có ai được như Ông! Nhưng niềm vui không bao lâu Nguyễn Công Trứ lại bị giáng 4 cấp vì để xổng một trọng tù và thuyên chuyển về kinh lúc này Ông đã 60 tuổi. Cái chức Thượng Thư mà Nguyễn Công Trứ được giữ không đầy ba năm liền đi xuống làm Binh Bộ Tham Tri. Mặc dầu bị giáng, nhưng con người đa tài Nguyễn Công Trứ vẫn được dùng triệt để. Chỉ trong vòng một năm ông phải làm việc ở Bộ Binh rồi chạy sang Ðô Sát Viện, Tả Ðô Ngự Sử, rồi lại ra Hà nội làm Chủ Khảo kỳ thi Hương. Tuy công việc đa đoan, nhưng Ông đã hoàn tất mỹ mãn. Năm Minh Mạng thứ 21(1840) nhà vua lại cần đến Ông:
- Khanh là Nho Tướng. Việc quân vốn đã quen. Cần phải xem xét cơ hội nên làm, để sớm lập công lớn, cho xứng với trách nhiệm. Ta ủy cho. Thế là Uy Viễn Tướng Quân được đưa sang Trấn Tây( Căm Bốt bây giờ) để bình định:
            - Lúc Bình Tây cờ Ðại Tướng
            Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên...
Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ đổi Chân Lạp(Căm Bốt) ra làm Trấn Tây Thành thuộc Việt Nam, chia ra làm 32 phủ và 2 huyện. Ðặt một Tướng Quân, một Tham Tán Ðại Thần, một Ðề Ðốc, một Hiệp Tán và bốn Chánh Phó Lãnh Binh để coi việc dân. Phải công nhận, dưới triều vua Minh Mạng, nước ta có một lãnh thổ rộng nhất trong lịch sử(kể từ Tự Chủ Thời Ðại Ngô Quyền, Tiền Ngô Vương tới ngày nay). Những năm đầu, đất Trấn Tây yên ổn, dân địa phương chăm chỉ làm ăn, Triều đình bội thu thuế khóa, từ miền đất mới này. Nhưng đến đời Thiệu Trị, dân Chân Lạp bắt đầu nổi loạn, phần vì được quân Xiêm giúp đỡ và xúi giục, phần vì quan lại Việt Nam tham nhũng, làm nhiều điều trái lẽ, như bắt Ngọc Vân Công Chúa (Angmey) đang làm vua Chân Lạp về Gia Ðịnh(và nhất là người Pháp can thiệp, muốn Triều đình trả lại đất này cho Chân Lạp). Trương Minh Giảng và Nguyễn Công Trứ chống không nổi, phải rút về An Giang. Nguyễn Công Trứ bị giáng xuống Binh Bộ Lang Trung, ít lâu sau lại được thăng Tuần Phủ An Giang vì có công giết được tướng giặc là Phiên Tăng, rồi được đề bạt Binh Bộ Tham Tri. Nhưng tới năm Thiệu Trị thứ tư 1844, Ông bị Nguyễn Công Nhàn vu cáo: chở thuyền gian, buôn hàng lậu. Nguyễn Công Trứ bị cách hết chức tước, phát làm lính biên phòng ở Quảng Ngãi.
Trên đường sung quân đi Quảng Ngãi, không có ngựa xe, Ông mặc cái áo cộc màu chàm, chiếc nón dấu, ruột tượng quàng trên vai và chiếc dao kè kè bên hông. Ði đến đâu Ông tìm vào nhà một số quan lại xin ghé ngủ nhờ. Nhiều vị quan phủ, quan huyện nhìn ra Ông thì đích thân tiếp rước như thời Ông còn làm Thượng Thư, Tổng đốc. Nhưng có một số quan chức giả bộ không biết người lính già lang thang kia là ai, Ông chỉ mỉm cười chớ không buồn bực.
Tới nơi, Ông thản nhiên vào trình diện quan Tổng Ðốc Quảng Ngãi. Quan Ðầu tỉnh tiếp đãi Ông tử tế vì trước kia đã có lần chịu ơn Ông. Lúc ấy Nguyễn Công Trứ vừa 65 tuổi. Cái lối sống, lúc làm Ðại tướng không lấy làm vinh, khi làm lính không lấy làm nhục càng khiến Quan Ðầu tỉnh kính phục. Ông tâu vua, xin cho Nguyễn Công Trứ được miễn mặc quần áo lính và sai phái như một binh sĩ. Vua cho xét lại vụ án buôn lậu ở  An Giang. Quan Án Sát Trần Ngọc Ðao được lệnh điều tra đầy đủ chi tiết, khi trở về kinh, Trần Ngọc Ðao tâu trình lại với vua:
- Nguyễn Công Nhàn là thủ phạm tội vu cáo.
Nhàn bị trị tội nặng và Nguyễn Công Trứ lại được bổ nhiệm chức Chủ Sự ở Bộ Hình rồi lại Án Sát Quảng Ngãi, kế đến Thự Phủ Thừa Thiên. Cuối đời vua Thiệu Trị(1847)Ông được thăng Thự Phủ Doãn (chức quan đứng đầu ở ngay trong kinh). Sau khi Vua Thiệu Trị mất, Vua Tự Ðức kế vị. Nguyễn Công Trứ xin về nghỉ. Năm ấy ông đúng 70 tuổi. Nhà Vua chấp thuận và ban cho một ân huệ: được thực thụ Hàm Thừa Thiên Phủ Doãn nghĩa là quan hưu xếp vào hàng Tam Phẩm lương hàng năm 150 quan, 120 phương gạo và 20 quan tiền xuân phục.
Thế là, sau gần ba mươi năm tham chánh, năm lần thăng giáng. Ông đã  trả xong:          
- Nợ tang bồng trăng trắng vỗ tay reo.
Nhưng sự nghiệp sáng chói của Nguyễn Công Trứ không phải chỉ ở hoạn lộ mà còn trên văn học. Ông đã để lại cho chúng ta hơn trăm bài đủ các loại: Tứ tuyệt, Thất ngôn bát cú, Lục bát, Phú, Câu đối, Tuồng và nhất là Hát nói v...v..ông rất sở trường về loại này, vì qui luật của Hát nói không chặt chẻ lắm và phù hợp với tính tình phóng khoáng của ông.
Ông viết từ lúc còn trẻ, thời hàn bi, trên bước thăng trầm của công danh và ở cuối cuộc đời Ông đã để lại những vần thơ có tư tưởng Phật Giáo thật thâm sâu. Mấy ai hiểu được kinh Kim Cang như Ông:
- Thiên thượng, thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong, lớn cũng không ngoài.
Vì trên đời này không ai có Tri kiến như Phật. Chúng sanh chỉ chấp vào hình tướng bên ngoài để thấy cái lớn, cái nhỏ. Với Tri kiến của Phật thì dù vật lớn như Ðại Ðịa, vật nhỏ như đầu sợi lông đều là giả tướng do duyên hợp mà có, đã là giả thì không còn hơn, thua, lớn nhỏ nữa.
Thuật dụng chữ của Ông cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong kinh sách Phật. Từ ngữ Tám Vạn Tư(bát vạn tứ thiên) được nhắc tới nhiều lần trong thơ Ông:
- Hay tám vạn tư mặc kệ
Chẳng quân thần phụ tử đếch ra người
Tuy uyên thâm giáo lý, Nguyễn Công Trứ chỉ là một Phật tử tại gia. Thỉnh thoảng cỡi bò vàng đi chùa với vài cô nàng hầu(một đôi dì)theo sau:
- Ðạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
             Kìa núi nọ phau phau mây trắng
            Tay kiếm cung mà nên dạng Từ bi
            Gót tiên đủng đỉnh một đôi dì
            Bụt cũng cười ông ngất ngưởng.
Không xuất gia, nhưng hạnh nhẫn nhục của Ông thực đáng ca ngợi. Năm lần thăng biếm mà không oán vua, không ghét kẻ đã vu oan cho mình. Cao Bá Quát chỉ một lần bị giáng là phẩn trí, theo Lê Duy Cự làm loạn, chống lại Triều đình. Hạnh tri túc cũng đáng làm gương cho hậu thế. Ðáng lẽ sống sung mãn như những vị Thượng Thư, Tổng Ðốc khác, Ông bảo:
- Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc
Nghĩa Là:
- Biết đủ là đủ đợi đủ chẳng bao giờ tới
Có lẽ Ông được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, nên thơ của Ông bàng bạc có dấu vết của Tam Ấn nhà Phật là Khổ, Vô Thường, Vô Ngã. Trước cảnh Vô Thường của kiếp người Ông viết:
- Ôi nhân sinh là thế ấy
            Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao ...
                                    (Vịnh Nhân sinh quan)
            Ông cũng phủ nhận luôn cái Ngã của mình. Sở dĩ có chút công danh là do bởi trời che, đất chở và giang san hun đúc:
            - Thiên phú ngô, địa tải ngô
            Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý
            Dã thị giang san chung tú khí
            Quả nhiên đài các xuất danh công
Dấu ấn thứ ba là Khổ được Ông nói tới rất nhiều lúc chưa có công danh, sự nghiệp thì Khổ vì nghèo hổ thẹn vì nợ nần nhiều quá:
- Quân tử  lúc cùng thêm thẹn mặt.
Nhưng có công danh rồi vẫn bị chèn ép. Mấy ai hiểu mặt trái của danh vọng, mặt trái của nụ cười là Khổ Ðau và nước mắt:
- Trên đường danh lợi, vinh liền nhục
            Trong cuộc trần ai khóc lộn cười.
Cuối cuộc đời, ngồi nghĩ lại, Ông thấy, gần ba mươi năm làm quan đâu có được hưởng thụ bao nhiêu!
- Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào?
            Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín.
Mà chỉ gặp những chuyện điên ruột, ứa gan:
            - Nghe như chọc ruột, tai làm điếc
             Giận dẫu căm gan, miệng mỉm cười.
Nguyễn Công Trứ, một con người uyên thâm Ðạo Phật, biết đời là bể khổ, một con người sinh trong danh gia vọng tộc: thân phụ và nhạc phụ đều làm quan và biết rằng: Trên con đường danh lợi, vinh ít nhục nhiều, nhưng tại sao Ông lại hăm hở ra tài kinh tế hoặc quyết ra tay buồm lái với cuồng phong?
Vâng, Ðạo Phật không phải là Ðạo Yếm Thế, Vua Trần Nhân Tôn, Nguyễn Trải, Nguyễn Công Trứ... đều là những Phật Tử Nhập Thế. Trước hiểm họa bị diệt vong của dân tộc. Vua Trần Nhân Tôn(1279-1293) đã hai lần chỉ huy đánh tan quân xâm lăng Mông Cổ, một đạo quân hùng mạnh nhất và khát máu nhất thời bấy giờ. Giặc tan, Ngài đi tu và trở thành Ðệ Nhất Tổ Trúc Lâm
Nguyễn Trãi (1380-1442), đỗ Tiến sĩ( Thái học sinh) năm 21 tuổi. Khi quân Minh cai trị, dân Việt vô cùng khổ sở và có nguy cơ bị đồng hóa. Ông vào Lam Sơn, giúp vua Lê Lợi. Với tài kiêm văn võ, sau mười năm đánh giặc cứu nước. Quân Minh đại bại phải chạy về Tàu. Lúc đó Ông làm tới Tể Tứớng, nhưng không ở địa vị mà xin về trí sĩ ở Côn Sơn huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương để dạy học, viết sách và làm thơ. Bài Côn Sơn Ca, gói ghém tư tưởng ở giai đoạn cuối đời của Ông:
- Sống chay tịnh, sống tri túc, không ham muôn chung nghìn quí, vì biết đời là bể dâu là Vô Thường:
            - Sao không về, phắt đi nào
            Ðời người vất vưởng xiết bao cái lầm
            Cơm rau nước lã yên thân
            Muôn chung nghìn quí có cần quyền chi
            .....
            - Trăm năm trong cuộc bể dâu
            Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào
            Khóc cười mừng rỡ xôn xao
            Ðang tươi bỗng héo biết bao nhiêu lần...
                                    Ðồ Nam Tứ Nguyễn Trọng Thuật dịch nôm
Vua Trần Nhân Tôn, Tể tướng Nguyễn Tẵi là tấm gương lớn cho Nguyễn Công Trứ, vì vậy Ông phải Tham Chính, để thực hành Thái Bình Thập Sách của Ông. Hơn ai hết, Ông biết cái khổ là loạn lạc, vì Ông sinh ra trong thời kỳ nhiễu nhương nhất trong lịch sử Việt Nam. Vua Quang Trung vào Nam diệt chúa Nguyễn, ra Bắc diệt chúa Trịnh rồi đại phá quân Xiêm, quân Thanh. Vua Gia Long tuy đã thống nhất đất nước(1802) nhưng dân còn quá nghèo, nước còn chưa yên. Lòng dân chưa phục nhà Nguyễn, mầm nội loạn chỉ chờ cơ hội là bùng nổ. Ông lăn xả vào hoạn lộ để chỉ hy vọng thực hành ý nguyện Dân No Nước Mạnh. Vì vậy Ông: hăm hở ra tài kinh tế. Làm cho dân no, Ông đã giúp dân khai phá được hơn ba chục ngàn mẫu ruộng ở Kim Sơn, Tiền Hải, Hải Dương; và muốn nước mạnh thì chủ quyền quốc gia phải thâu về một mối. Ông không thể để Phan Bá Vành làm vua ở làng Minh Giám, không cho phép Nông Văn Vân lập một nước tự trị ở Cao Bằng rồi hàng chục trận giặc nhỏ đều bị dẹp tan.
Nước đã mạnh, dân đã no Ông xin về hưu( năm Tự Ðức Nguyên niên 1848). Về quê Ông sống như một Phật tử tại gia không tên tuổi. Thơ Ông còn ghi lại:
            - Tri ngã giả, bất tri ngã giả,
            Người có biết ta hay thì chớ
            Chẳng biết ta, ta vẫn là ta ...
Nhưng là một Phật tử có tâm thảnh thơi tự tại. Ðời không bị trói buộc là đời thần tiên và tâm ta mà ăn lạc thì cõi trời cũng thanh tịnh
- Ngang tàng lạc ngã tịnh thiên...
Như vậy bảo Nguyễn Công Trứ là môt Nho Tướng chưa đủ, mà phải nói thêm: NGUYỄN CÔNG TRỨ là một Chính Trị Gia Lỗi Lạc một Nhà Kinh Tế Tài Ba và một Phật Tử quyền biến Nhập Thế.
 
Sách tham khảo:
- Nguyễn Công Trứ: Vũ Gia
- Việt Nam sử lược: Trần Trọng Kim
- Việt Nam Văn Học Sử Yếu: Dương Quảng Hàm
- Danh Nhân Tự Ðiển: Nguyễn Vân Thanh.
-- o0o --