Các Học Giả Phật Giáo
Tác Giả: D. C. Ahir
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
(Tiếp Theo)
--o0o--
 
 I- NHỮNG VỊ THÁNH TĂNG HỌC GIẢ Hệ SANSCRIT
1- ASVAGHOSHA (Mã Minh)
Khi Phật Giáo truyền bá rộng và càng ngày càng có nhiều người thuộc khuynh hướng quí tộc, ngôn ngữ Pali nhường bước cho Phạn ngữ (Sanscrit). Phong trào Ðại Thừa cung cấp thêm một sức đẩy cho việc sử dụng Phạn ngữ trong hàng tín đồ Phật Giáo. Một nhân vật lớn trong lãnh vực Phạn ngữ là ngài Mã Minh (Asvaghosha). Ngài là một thi sĩ và kịch gia Phạn ngữ lớn sống vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, và đồng thời với vua Ca Nhị Sắc Ca (Kanishka). Ngài là người xứ Saketa (Ayodhya) và tên của mẹ ngài là Suvanaksi. Hai tác phẩm nổi danh của ngài là: 
- Buddha-carita (Phật Sở Hành Tán) và
- Saundarananda (Nanda Người Ðẹp Trai). 
Ở phần cuối của hai tác phẩm nầy, ngài nói rõ:
- Arya Suvarnaksiputrsya Saketakaysya bhikser acarya-bhadant asvaghosaya mahakaver Maha vadinah ktiriyam.
Có nghĩa là:
- Ðại đức khất sĩ và giáo sư Asvaghosha của xứ Saketa, con trai của Suvarnak-shi, nhà thơ lớn, có tài hùng biện và được khắp thế gian biết đến. 
Có thể nhà thơ lớn nầy theo về Phật Giáo là do ngài Phú Na Hiếp (Hiếp Tôn Giả- Parsva), người đã giữ một vai trò quan trọng trong Kỳ Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Tư được tổ chức dưới triều đại vua Ca Nhị Sắc Ca.
            Trong ba tác phẩm tiếng tăm của ngài Mã Minh, nổi tiếng nhất là Buddha-carita (Phật Sở Hành Tán). Ðó là một thiên sử thi diễn tả cuộc đời của Ðức Phật.  Bản dịch Trung Hoa do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào thế kỷ thứ bảy gồm có 28 tác phẩm. Bản dịch Tây Tạng cũng gồm 28 tác phẩm. Tác phẩm bắt đầu với khái niệm về Phật Ðà và sau khi thuật lại cuộc đời Ðức Phật và việc Nhập Ðại Niết Bàn của Ngài, chấm dứt bằng việc đề cập đến Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất và triều đại vua A Dục (Ashoka). Tuy nhiên, trong bản Phạn ngữ chỉ có 12 phẩm (phẩm thứ 2 đến phẩm thứ 13) là trong một bộ, còn hai tác phẩm kia (phẩm 1 và phẩm 4) được tìm thấy riêng rẽ.
            Ba phẩm còn lại (XV-XVII) còn trong văn bản Phạn ngữ ngày nay không được coi như đáng tin cậy. Những phẩm nầy dường như được thêm vào làm kết luận khi được sao lại trong thế kỷ thứ mười chín. Phật Sở Hành Tán, một trường ca cổ nhất bằng Phạn ngữ, và là một tác phẩm thơ diễm lệ về cuộc đời Ðức Phật được lưu hành rộng rãi ở Ấn Ðộ và nhiều quốc gia Phật Giáo khác trong nhiều thế kỷ. Một nhà chiêm bái Trung Hoa là Ngài Nghĩa Tịnh ở Ấn Ðộ từ năm 673-685 nói rằng vào thời gian ngài viếng Ấn Ðộ, Phật Sở Hành Tán được đọc và tụng rộng rãi khắp năm vùng của Ấn Ðộ và những nước vùng Nam Hải.
            Tác phẩm Saudaranada (Người Ðẹp Trai Nan Ðà) được viết ra trong 18 tác phẩm, bản Phạn ngữ vẫn còn đầy đủ về người em trai khác mẹ của Ðức Phật là Nanda. Trong thi phẩm nầy, ngài Mã Minh giải thích câu chuyện của người thanh niên thèm khát tình yêu Nan Ðà, người không thích sống đời sống tâm linh, và ao ước được hội ngộ với người vợ đẹp, Sundari. Khi Ðức Phật cho ông ta thấy những người tiên nữ trên cõi trời, ông dấn thân vào sự hành trì khổ hạnh để được sinh lên cõi trời. Sau khi ngài A Nan dạy Nan Ðà rằng những thú vui ở cõi trời là rỗng không và vô ích, Nan Ðà từ bỏ theo đuổi những niềm vui cõi trời. Cuối cùng, ông nghiêm túc tu tập thiền quán và chứng quả A La Hán. Trong khi thuật lại câu chuyện về ngài Nan Ðà, Mã Minh cũng giải thích dài dòng quan điểm của mình về con đường Giác Ngộ.
            Tác phẩm thứ ba, Sariputraprakarana, là một kịch phẩm quan trọng nhất của ngài Mã Minh. Thật vậy, đây là một tác phẩm cổ nhất của kịch nghệ Ấn Ðộ được tìm ra. Vở kịch sáu hồi nầy nói về sự quy y Phật Giáo của hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, và một số thảo luận về triết lý cũng được đưa vào một cách nghệ thuật.
            Ba tác phẩm khác được cho là của ngài Mã Minh là Vajrasuchi, Gandistotra-gatha và Mahayana-sradhotpada (Ðại Thừa Khởi Tín Luận). Trong ba tác phẩm nầy, tác phẩm đầu tiên, Vajrasuchi (Ðỉnh Kim Cương) là đáng lưu ý nhất về việc nó nhấn mạnh đến nguyên lý bình đẳng, và tấn công mãnh liệt vào hệ thống giai cấp. Làm việc nầy, ngài Mã Minh đã trích dẫn rất nhiều từ văn học Bà la môn. Tác phẩm Gandistotra-gatha, gồm có 29 bài kệ, là một thi phẩm trữ tình đẹp đẽ. Tác phẩm cuối cùng, Ðại Thừa Khởi Tín Luận đề cập đến những giáo lý Ðại Thừa tiền kỳ.
            Chúng ta không nghi ngờ việc Mã Minh đã giữ một vai trò có một không hai trong lịch sử Phật Giáo nói riêng và trong thơ ca Phạn ngữ nói chung. Những tác phẩm của Ngài làm chúng ta chú ý với sự thanh thoát và sức mạnh của ngôn ngữ, sức quyến rũ và tiết điệu của thi ca.
            Trên tất cả những thứ đó, Ngài Mã Minh là một nhà lãnh đạo lớn trong thời đại Ngài, dùng hết khả năng văn học của mình trong việc truyền bá Phật Pháp. Ngài không thỏa mãn chỉ ở việc viết sách, nhưng công việc suốt đời của ngài là làm một nhà truyền giáo và thuyết giảng vô ngã. Vì ngài là thi sĩ, kịch gia, nhạc sĩ, học giả và một nhà tranh luận, Ngài đi bộ từ làng nầy qua làng nọ, thị trấn nầy qua thị trấn khác, thành phố nầy đến thành phố kia, chơi nhạc và ca hát để tán dương Ðức Phật. Ngài viết kịch về Phật Ðà và cho trình diễn, chính ngài cũng thủ vai trình diễn khi cần thiết. Những vở kịch của ngài cũng đầy tính chất nhiệt thành của nhà truyền giáo. Trong một vở kịch, khi giải thích những ích lợi trong việc quy y Phật Pháp, ngài Mã Minh nói:
- Trong cơn lạnh thì nương vào lửa, trong sự nóng bức của mùa hè thì nương vào con suối mát, trong sự tối tăm và ảm đạm, thì nương vào Phật Ðà.
Ngài tin vào Ðức A Di Ðà, coi A Di Ðà là hiện thân của thọ lượng không cùng. Bất cứ nơi nào ngài đến, ngài chơi nhạc, diễn kịch và ca hát về Phật Pháp và lấy đó làm vui. Làm thế, ngài Mã Minh đã đưa Phật Giáo vượt ra ngoài phạm vi chùa viện và làm cho nó trở thành một vấn đề của đám đông và của mọi nhà. Quần chúng có ấn tượng mạnh với cuộc đời Ðức Phật được diễn tả một cách đẹp đẽ bằng thi ca. Nói về ngài Mã Minh, S. Levis, một bác học người Pháp, viết:
- Ông đứng ở khởi điểm đầu của mọi trào lưu lớn đã làm mới và biến đổi nước Ấn Ðộ vào khoảng đầu kỷ nguyên Cơ Ðốc. Là một thi sĩ, nhạc sĩ, nhà truyền giáo, nhà đạo đức, một triết gia, nhà soạn kịch, nhà viết truyện. ông là một người phiêu lưu vào mọi lãnh vực nghệ thuật nầy, và tuyệt vời trong mọi lãnh vực. với sự phong phú và đa diện của ông, ông gợi cho chúng ta nhớ đến Milton, Goethe, Kant va Voltaire.
2- NAGARJUNA (Long Thọ)
            Ngài Long Thọ, người sáng lập trường phái triết học Trung Luận, cũng được biết đến là Không Luận, là một trong những thánh tăng học giả Phật Giáo. Ông Watters diễn tả ngài là một trong những điều kỳ diệu và bí ẩn của Phật Giáo hậu kỳ, và Walles Poussin gọi ngài là một nhân vật bí ẩn và kỳ diệu.
            Cũng như trong trường hợp của nhiều nhà bác học Phật Giáo khác, bí ẩn vây quanh cuộc đời của Ngài Long Thọ. Tuy nhiên, điều mà mọi người đồng ý là Ngài sinh ra ở miền Nam Ấn vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, và là bạn và người đồng thời với vua Dẫn Chính (Satavahana, 166-196). Theo một truyền thống khác, Ngài Long Thọ là người miền Nam Câu Thi La (Kosala), ngày nay là Vidarbha.
            Theo truyện ngài Long Thọ được Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch sang tiếng Trung Hoa vào khoảng 405 sau Tây lịch, ngài Long Thọ khi gia nhập Tăng Ðoàn Phật Giáo học những kinh sách có được lúc bấy giờ và hiểu rõ nghĩa lý trong 90 ngày; và vì không thỏa mãn với những sự hiểu biết đó, ngài đi khắp nơi tìm thêm nhữngg kinh sách mới. Kết quả là tìm được kinh Ðại Thừa là Bát Nhã Ba La Mật Ða, từ một vị tăng lớn tuổi trong vùng Hy Mã Lạp Sơn; và cũng tìm được một bản chú giải về kinh nầy với sự giúp đỡ của Vua Rồng (Nagaraja) Vua Rồng đã đưa ngài xuống biển và mở cho ngài Kho Tàng Thất Bảo (Saptaratnakosa).
            Theo Sangharahshita, Tên của ngài do từ chữ Arjuna, một loại cây, và naga, một loại rắn hay rồng theo như sự diễn dịch có tính cách biểu hiện hơn của người Trung Hoa, liên quan đến một huyền thoại (theo các học giả hiện đại) rằng vị thánh nhân nầy được sinh ra dưới một cây Arjuna và ngài viếng thăm vương quốc của loài rồng ở dưới biển, nơi đây vua rồng giao cho ngài bộ Kinh Ðại Bát Nhã, được Ðức Phật giao cho họ cất giữ, không nên được hiểu theo nghĩa đen. Ðiều mà họ nhận và họ giao, ngay cả đến một cuốn sách cũng không có để học và để chứng. Bất cứ điều gì có thể là sự thật trong huyền thoại nầy, kinh Ðại Thừa, Bát Nhã Ba La Mật Ða, trở nên được nhiều người biết sau khi ngài Long Thọ truyền bá những giáo lý của nó.
            Một số lượng lớn tác phẩm được gán cho Ngài Long Thọ, người không nghi ngờ là một thần đồng và một triết gia đa tài. Trong những tác phẩm chính thực là của ngài, tác phẩm quan trọng nhất và vĩ đại nhất là Trung Quán Luận (Madhyama-kasastra), trong đó ngài Long Thọ làm một sự khảo sát phê phán những trường phái Phật Giáo khác, đặc biệt là quan điểm của bộ Nhất Thiết Hữu hay Tông Pháp Hữu Ngã Vô (Sarvastivada). Tác phẩm nầy được viết với một văn pháp sinh động và tao nhã tuyệt luân, gồm có 400 bài kệ, phân làm 27 phẩm, mỗi phẩm nhắm vào một chủ đề đặc biệt.
            Tên của trường phái Trung Luận xuất phát từ con đường trung đạo mà nó chủ trương, đó là, không chấp nhận quan điểm nhị nguyên có và không, thường còn và không thương còn, có ngã và không có ngã..v.v. Tóm lại là, nó chủ trương không có lý  thuyết về tính thực tại, cũng không có lý thuyết về tính không có thực tại của thế giới, nhưng chỉ là tương đối. Trong Trung Quán Luận, Ngài Long Thọ trình bày một cách có hệ thống triết học của trường phái Trung Luận. Triết học nầy dạy rằng Tánh Không là tuyệt đối. Không có sự khác nhau giữa luân hồi (thế giới hiện tượng) và niết bàn hay tánh không (thực tại). Nói một cách khác, các nhà trung quán luận tin rằng tất cả vạn vật đều không có bản thể và không có tính chất cố định, và bản chất là rỗng không. Vì trường phái Trung Luận lấy tánh không làm tư tưởng triết học trung tâm, nó cũng còn được gọi là trường phái Tánh Không.
            Nhân Duyên Tâm Luận(Pratutysampupada-hrdaya-sastra) cống hiến một trình bày về mười hai mắt xích của giòng hiện hữu hiện tượng giới. Lục Thập Tụng Như Lý Luận (Yuti-saska) và Thất Thập Không Tánh Luận (Suayata-saptati) là những bản tóm tắt ngắn gọn về giáo lý Ðại Thừa. Ðại Trí Ðộ Luận (Mahaprajna-paramita-sastra) là một bản luận lớn về Kinh Ðại Bát Nhã. Một luận quan trọng khác của ngài Long Thọ là Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (Dasabhumi-vibhasa-sastra). Ngài Long Thọ cũng còn viết những bài kệ sùng kính, Catuh-atava, một loại tán ca gồm bốn phần. Và cuối cùng, Suhrllekha (Thơ cho Bạn, bản dịch Trung Hoa là Long Thọ Bồ Tát Khuyến Giới Vương Tụng); trong đó ngài viết như một bức thư cổ vũ về đạo đức và tâm linh cho bạn của ngài là vua Dẫn Chính (Satavahana).
            Những tác phẩm khác của Ngài Long Thọ là Hồi Tránh Luận, Thập Nhị Môn Luận, Quảng Phá Kinh, Bảo Hành Vương Chính Luận, Ðại Thừa Nhị Thập Luận Tụng, Bồ Ðề Tư Lương Luận Tạng..v.v.
            Trung Quán Luận của ngài Long Thọ, văn bản nền tảng của trường phái Trung Luận là đối tượng chú giải của hàng bao nhiêu thế kỷ. Có đến bảy luận do các bậc tôn sư tạo ra, bên cạnh Vô Úy Chú được biết là do chính ngài Long Thọ tự soạn.  Luận nổi tiếng nhất là Minh Cứ Luận (Pranasannapada) do ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti) soạn. Luận nầy vẫn còn bản chữ Phạn; những bản khác cũng còn dưới hình thức những bản dịch Trung Hoa và Tây Tạng. Trong tạng Trung Hoa, ba bản có thể tìm thấy là:
1- Prajnamula của Thanh Mục (Pingala)(Thanh Mục Chú hay Trung Luận),
2- Prajmapradipa của Thanh Biện (Bhavaviveka) (Thanh Biện Chú hay Bát Nhã Ðăng Luận Thích),
3- Mahayana madhyamakadarsana-vyakhay-sastra của An Tuệ (Sthirramati) (An Tuệ Chú hay Ðại Thừa Trung Quán Luận). 
Những tác phẩm còn tồn tại ở Tây Tạng là:
- Prajnapradipa của Bhavaviveka(Thanh Biện),
- Vriti của Buddhapalita (Phật Hộ), và
- Prasannapada của Chandrakiti (Nguyệt Xứng).
            Thơ của Ngài Long Thọ gởi cho vua Dẫn Chính (Satavahana), Suhrllekha (Khuyến Giới Vương Tụng) cũng là một văn bản lưu hành rộng rãi trong giới học giả Trung Hoa và Tây Tạng. Nó được dịch sang tiếng Trung Hoa ba lần, hai lần do Ngài Guanavarman và ngài Sangha-varman vào thế kỷ thứ năm, và một lần do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào thế kỷ thứ bảy. Suhrllekha được dịch sang Tạng ngữ do Ngài Sarvajna-deva. Trong tạng Tây Tạng còn có bốn luận giải về Suhrllekha. Trong số nầy, luận giải nổi danh nhất là Mi-pham được viết vào thế kỷ thứ mười chín. Ở Ấn Ðộ, Srurllekha là cuốn sách tôn giáo lưu hành rộng rãi trong nhiều thế kỷ. Theo Ngài Nghĩa Tịnh, đến Ấn Ðộ từ 673-685, Suhrllekha của ngài Long Thọ lưu hành rộng rãi trong thời gian Ngài ở đây, đến nỗi trẻ con thi đua nhau học thuộc và người lớn thì coi nó như người bạn đời. Lý do sự phổ biến rộng rãi của Suhrlle-kha dường như là ở chỗ nó nhấn mạnh vào con đường sùng kính được Ðức Phật dạy. Một vài thí dụ sau đây rút từ Suhrllekha, một tác phẩm gồm tất cả 123 bài kệ nhắm vào Vua Dẫn Chính:
1- Ðức Phật dạy rằng Sự thận trọng là nền tảng của sự bất diệt;
Tính phóng túng là trạng thái của tử vong. Vì vậy, để tăng trưởng điều lành, Hãy luôn luôn quan tâm và tận tụy.
2- Có bốn hạng người
            - Người đi từ ánh sáng đến ánh sáng,
            - Người đi từ bóng tối đến ánh sáng,
            - Người đi từ ánh sáng đến bóng tối,
            - Người đi từ bóng tối vào ánh sáng.
             Hãy là người trong hạng người thứ nhất.
3- Tự tin, đức hạnh, từ thiện, hiểu biết,
            Tự trọng trong sạch, đứng đắn, và phân biện.
            Ðược Ðức Phật tuyên bố là món báu thứ bảỵ
            Nên biết rằng mọi sở hữu khác không có giá trị cứu cánh.
            4-  Luôn luôn trau giồi lòng nhân từ, sự thân ái,
            Niềm vui và sự thanh thản thích đáng.
            Trau dồi những đức tính nầy không biết mỏi mệt
            Sẽ có niềm vui trong cảnh giới thanh tịnh.
5- Khi sự giải thoát, tùy thuộc vào bạn, được quan tâm,
            Không có một người nào khác sẽ là bạn bè.
            Tu tập thiền quán, bằng sự hiểu biết và đạo đức,
            Và tự đặt mình trong bốn chân lý.
            6- Bằng đạo đức, tâm phân biệt và mở rộng trí tuệ, bạn phải
            Cố gắng đạt đến chỗ an trú tự tại và trong sạch cứu cánh của Niết Bàn
            Không già và chết
            Tự do ngoài đất, lửa, gió, mặt trời, và mặt trăng.
            7-  Cuộc đời nầy là một Ộthế giới khổ đau, và
            Nó chứa đựng, như là nguyên nhân chính, sự khổ đau,
            Tiêu diệt nguyên nhân nầy sẽ đưa đến giải thoát.
            Tám Thánh Ðạo là con đường đưa đến giải thoát.
            8- Ðiều gì tôi cần lặp đi lặp lại nhiều lần với bạn để vượt qua sự sợ hãi?
            Mục đích của lời khuyên của tôi chính thật là thế nầy:
            Ðức Phật đã từng nói rằng :Mỗi người cần phải kiểm soát tâm mình.
            Tâm là gốc rễ của ý nghĩa cuộc đời.
            Ngài Long Thọ sống một đời sống rất dài.  Người ta nói rằng ngài có được những năng lực tâm linh siêu phàm và sự hiểu biết về những khoa học và thuốc, và kéo dài tuổi thọ bằng nhiều phương pháp. Ngài đã đi khắp nơi trên đất Ấn, và nhờ nhân cách cao vời của ngài, Phật Giáo được nhiều người biết đến. Mặc dầu ngài có sự gắn bó với tu viện Nalanda, ngài thường chung sống ở Sriparvata, vua Dẫn Chính có xây một ngôi chùa cho ngài tại đây. Sriparvata về sau được gọi là Nagar-junakonda theo tên của ngài.
            Sau Ngài Long Thọ, triết học Trung Luận truyền ra nước ngoài và trở thành nền tảng cho Phật Giáo Ðại thừa tại những nơi đó. Ngay cả ngày nay cũng không thay đổi ở những nước theo truyền thống Ðại Thừa. Ở Ấn Ðộ, ảnh hưởng của Ngài Long Thọ rất lớn đến nỗi trong thực tế, tất cả mọi trường phái Bà la môn đều thấy cần thiết tiếp nhận biện chứng của ngài Long Thọ cho nhu cầu riêng của họ. Gaudapada và những nhà Trung Luận. Hệ thống Avaita của Vedanta trong một ý nghĩa nào đó là một tiếp tục ít nghiêm nhặt và nhiều thỏa hiệp hơn của giáo lý Trung Luận.
3- ARYA DEVA (Thánh Thiên)
            Ngài Thánh Thiên, sinh quán ở Tích Lan, là một hậu duệ xứng đáng và trực tiếp của ngài Long Thọ. Ngài Thánh Thiên cũng có khi được gọi là Kanadeva (Người Một Mắt), và Nilanetra (Người Mắt Xanh).  Người ta nói rằng, nghe tiếng tăm của ngài Long Thọ, ngài từ Tích Lan tìm đến ra mắt ở Nagarjunakonda. Trong lần đầu tiên, theo truyền thống Tây Tạng kể lại, khi đến nơi, Thánh Thiên nhắn với người giữ cửa: ỘXin làm ơn báo tin dùm tôi.Ợ Theo đó, người gác cửa thông báo với ngài Long Thọ về việc Thánh Thiên tìm đến. Ngài Long Thọ đổ đầy nước vào bình bát và sai đệ tử và thị giả đi ra và đưa bình bát trước mặt Thánh Thiên.
            Người đệ tử đưa bình bát như đã được căn dặn, và sau đó trở lại chỗ ngài Long Thọ với một sự hoang mang. Ngài Long Thọ hỏi: 
- Khách viếng nói gì? 
Người đệ tử trả lời một cách khích động:
- Ông ta im lặng và không nói một lời, chỉ thả một cây kim vào trong nước. 
Ngài Long Thọ nói:
- Gã kia là một người thông minh. Biết nguồn gốc của hành động, đó là ưu điểm của một thiên tử (người cõi trời), hiểu sâu những nguyên lý vi tế là ưu điểm của thánh nhân. Trí tuệ toàn vẹn như vậy đáng được cho vào.
            Ðiều nầy làm cho ngài Long Thọ tin tưởng ngay phút đầu, Thánh Thiên về sau trở thành đệ tử lớn của ngài. Giống như Long Thọ, ngài Thánh Thiên cũng là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị về triết lý Trung Luận.
            Catuh Sataka (Tứ Bách Luận) là tác phẩm duy nhất của ngài Thánh Thiên còn tìm được bằng Phạn ngữ, được tìm thấy ở Nepal. Tác phẩm nầy cũng có bản dịch tiếng Tây Tạng. Một luận chú về tác phẩm nầy được Nguyệt Xứng (Chandrakiti) viết vào thế kỷ thứ sáu cũng được dịch ra Tạng ngữ và hiện nay vẫn còn. Một bản cô đọng của Luận nầy là Sata-Shastra hay Bách Luận Tụng. Phần đầu của luận nầy được ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch ra tiếng Trung Hoa vào năm 404.
            Ngài Thánh Thiên là một thần đồng đa diện. Người ta nói rằng ngài là Ộnhà tranh luận phi thường và đã nhiều lần khắc phục đối thủ trong những cuộc tranh luận công cộng.ỢNhư vậy Ngài đã tạo ra nhiều kẻ thù.  Tức giận bởi sự thất bại của một học giả Bà la môn, hiềm thù với Phật Giáo, một trong số đệ tử của ông ta tấn công Ngài Thánh Thiên với một lưỡi gươm khi ngài đang trong thiền định, và ngài đã chết. Việc nầy xảy ra ở Ranganatha, ngoại ô của Kamchipu-ram trong vùng Tamil Nadu, nơi Ngài Thánh Thiên đã ở trong nhiều năm.
4- ASANGA (Vô Trước) và VASUBHANDHU (Thế Thân)
            Hai người anh em sáng chói, Vô Trước và Thế Thân, sống vào thế kỷ thứ tư sau Tây lịch, đã làm phong phú rất nhiều cho Phật Giáo. Vô Trước là anh em của Thế Thân. Cả hai đều sinh ra ở Purushapura (Phú lâu sa phú la), ngày nay là Peshwar ở Parkistan và học ở Kasmir. Cha của họ thuộc vào gia đình quý tộc Kiều Thi La (Kaushica). Mẹ của họ là một người đàn bà rất sùng tín Phật Giáo. Người ta nói rằng trước khi lập gia đình, Prasannashila thường tự nói với mình rằng:
- Ta, sinh ra là một người đàn bà, không thể xiển dương Phật Pháp. Nhưng nếu ta sinh được những người con trai, ta có thể làm cho họ truyền bá Chánh Pháp.Ợ
            Prasannashila được ban cho ba người con trai. Bà đặt tên cho người con đầu là Asanga, có nghĩa là ỘMột người không bị câu thúc bởi một thứ gì.Ợ Người con thứ hai được đặt tên là Vasubandhu có nghĩa là ỘNgười Bà Con của Sự Sung Mãn.Ợ Người thứ ba tên là Vrinchivasta.  Khi còn rất trẻ, hai ngài Vô Trước và Thế Thân đã xuất gia theo Phật Giáo. Ban đầu hai ngài đều tu theo phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvas-tivada) được coi như bộ phái dẫn đầu ở vùng Tây-Bắc Ấn Ðộ thời bấy giờ. Về sau, ngài Vô Trước trở thành đệ tử của ngài Di Lặc (Maitrayana-tha), người trình bày đầu tiên về Du Già hay Duy Thức (Yogacara), một tư tưởng nhấn mạnh vào sự thực hành thiền quán (yoga), coi nó như phương pháp có hiệu năng nhất để đạt đến chân lý tối thượng (Trí Bồ Ðề-Bodhi). Ngài Vô Trước là một vị Thầy xuất sắc nhất của trường phái Duy Thức. Trong thực tế, ngài được coi như người sáng lập trường phái nầy. Ngài viết sách về tư tưởng của trường phái nầy và nỗ lực xiển dương Ðại Thừa. Theo Taranatha, một sử gia Tây Tạng, ngài Vô Trước đã đi khắp nơi trên Ấn Ðộ và đã xây dựng ít nhất là hai mươi ngôi chùa để đào tạo tu sĩ Ðại Thừa.
            Những tác phẩm quan trọng nhất của ngài Vô Trước là: Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Nhiếp Ðại Thừa Kinh Luận, Ðại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Ðại Thừa A Tỳ Ðạt Ma Tập Luận, Kim Cương Bát Nhã Kinh Luận, Thuận Trung Luận. Những tác phẩm nầy còn lại đến nay trong tạng Kinh Trung Hoa và Tây Tạng.
            Ngài Thế Thân, em của Vô Trước, theo một chương trình đặc biệt về A tỳ Ðà (Abhidharma) ở Kasmir, và ở trong bộ phái Nhất Thiết Hữu (Sarvastivada) trong một thời gian dài. Tác phẩm quan trọng nhất của ngài viết ra trong thời gian ngài còn là một nhà Nhất Thiết Hữu, bộ A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá (Abhidharma Kosa) thật sự là một cuốn bách khoa tự điển về giáo lý và triết học Phật Giáo. Tác phẩm lớn nầy ngày nay không còn nguyên bản Phạn ngữ. Tuy nhiên, một bản luận viết bằng Phạn ngữ do Yasomitra tên là Abhidharma-Vyakhya (A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá Thích Luận) vẫn còn đến ngày nay. Bản dịch Trung Hoa và Tây Tạng của bản nầy cũng còn.
            Yasomitra khi chú giải về Abhidhamma-kosa nói:
- ỘVới những chứng ngộ tâm linh, ngài Thế Thân được biết đến như là vị Phật thứ hai trong những người đương thời.Ợ
            Sau khi chuyển qua Ðại Thừa, ngài Thế Thân viết Parmartha-sartha-saptati (Thất Thập Chân Thật Luận), để kích bác triết học của luận sư phái Số Luận (Sankhya) là Vindhyavasi, sống cùng thời với ngài.  Ngài cũng còn viết những luận sớ về Kinh Pháp Hoa (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Ðề Xá), Kinh Ðại Bát Niết Bàn (Niết Bàn Kinh Bản Hữu Kim Vô Kệ Luận), Kinh Kim Cương (Kim Cương Bát Nhã Luận). Ba tác phẩm quan trọng nhất của ngài Thế Thân về triết học Duy Thức là:  Duy Thức Tam Thập Tụng (Vijnaptimatratashidhi), Nhị Thập Tụng Luận (Vimsatka), Nhiếp Ðại Thừa Luận (Mahayana Pancha Skandhaka).  Một số tác phẩm Phật Giáo khác cũng được gán cho ngài. Trong khi ngài Vô Trước gọi học phái của mình là Yogacara (Du Già) thì Thế Thân gọi là Vijnanavada (Duy Thức), vì theo nó không có cái gì ngoài thức là thực tại cứu cánh. Ngài Chân Ðế (Parmartha), trong truyện về đời ngài Thế Thân, nói:
- ỘÝ nghĩa được chuyên chở trong những luận của ngài là khéo léo và tuyệt vời; không có ai khi nghe hoặc thấy mà không tin tưởng và theo. Vì vậy tất cả mọi người khi học hỏi về Ðại Thừa hay Tiểu Thừa ở Ấn Ðộ và trong tất cả những nước ở biên thùy dùng những tác phẩm của ngài Thế Thân làm sách học.Ợ
            Bên cạnh những thành tựu về văn học và tâm linh, ngài Thế Thân còn là một nhà chính trị có khả năng. Vào năm 320 sau Tây lịch, Chandargupta của vùng Bihar xây dựng vương triều Cấp Ða (Gupda).  Khi ông chết vào năm 330, Chandragupta được kế thừa bởi người con trai của ông tên là Samudragupta, cai trị cho đến năm 380. Mặc dù là một người theo Ấn Ðộ Giáo, Samudragupata đã tôn ngài Thế Thân là quân sư. Sau khi vua nầy qua đời, đến đời vua kế tiếp là Chandragupta đệ Nhị và lấy vương hiệu là Vikramaditya, có nghĩa là Mặt Trời Dũng Cảm, ngài cũng tiếp tục làm quân sư cho vua nầy. Sự gắn bó giữa ngài Thế Thân với vương triều nầy dường như là để đưa những vua Cấp Ða gần gũi với Phật Giáo hơn. Người ta nói rằng khi Vua Vikramaditya thưởng ngài ba mươi vạn tiền vàng về tác phẩm Paramartha-Saptati (Thất Thập Chân Thất Luận), ngài Thế Thân đã dùng số tiền đó để xây ba ngôi chùa Phật Giáo: một ngôi dành cho tăng sĩ phái Nhất Thiết Hữu Bộ, một ngôi cho các tăng  sĩ Ðại Thừa và một ngôi cho Ni Ðoàn. Ngài Thế Thân cũng đã xây ngôi chùa ở Ayodya, nơi ngài qua đời lúc tám mươi tuổi.
5- DINNAGA hay DIGNAGA (Trần Na hay Ðại Vực Long)
            Một nhà trí thức Phật Giáo lớn của đầu thế kỷ thứ năm sau Tây Lịch là ngài Trần Na. Ngài là người sáng lập ra luận lý Phật Giáo, và thường được đề cập đến như là Cha đẻ của Nhân Minh Học.
            Ngài Trần Na ra đời vào khoảng năm 450 ở Simhavaktra, vùng ngoại ô của Kanchipuram, thuộc miền Nam Ấn Ðộ. Khi học xong thế học, khi đó Trần Na còn rất trẻ, ngài xuất gia theo học ở Ðộc Tử Bộ (Vatsiputriya) thuộc Tiểu Thừa Phật Giáo. Người ta kể rằng, một ngày kia, ngài Nagadatta, thầy của Trần Na bảo ngài Ộquán sát về nguyên lý Ngã theo quan điểm của Ðộc Tử Bộ là không thể diễn tả được và không đồng với các uẩn, cũng không khác với các uẩn.Ợ Khi ngài Trần Na bày tỏ mối hoài nghi về sự hiện hữu của Ngã, ngài bị thầy đuổi khỏi môn phái.  Sau khi gặp một số thất bại tương tự và không thấy thỏa mãn, cuối cùng Trần Na tìm đến ngài Thế Thân. Dưới sự dạy dỗ của ngài Thế Thân, Trần Na học hỏi tất cả các môn triết học Phật Giáo và trở thành thông thái về mọi kinh điển Phật Giáo. Sau đó, ngài bắt đầu con đường văn học.
            Ngài Trần Na đi khắp nơi trên nước Ấn Ðộ để tranh luận với các nhà học giả. Ở Nalanda, ngài thắng một nhà luận lý học Bà la môn tên là Sadujaya trong một cuộc tranh luận về tôn giáo. Ở Orissa, ngài Trần Na được kể lại là cải giáo được viên quản lý ngân khố hoàng gia tên là Bhadrapalita, ông nầy đã xây dựng một ngôi chùa để tỏ lòng tôn kính đối với ngài Trần Na. Thường ngài Trần Na ở tại ngôi chùa nầy, trên núi Bhorasila ở Orissa. Ngài cũng thường ở tại chùa Accra ở Maharashtra.
            Ngài Trần Na viết khoảng một trăm tác phẩm về luận lý, phần lớn đều được giữ đến nay dưới những bản dịch Trung Hoa và Tây Tạng.  Những tác phẩm quan trọng của ngài là:
- Pramanasamuccaya(Tập Lượng Luận),
- Alambana-pariksha,
- Nyayamukha,
- Hastavala-prakarna,
- Arya Praijnaparmita-vivarana và
- Ahhidharmkosa-Marma-Pradipa (Câu Xá Luận Chú Yếu Nghĩa Ðăng), một luận giải về A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá của ngài Thế Thân.
            Trước Thế Thân, tất cả các trường phái luận lý Ấn Ðộ đều theo luận lý của trường phái Nhân Minh duy thực. Ngài Thế Thân lần đầu tiên Ộđem những tư tưởng mới vào trong môn luận lý nầy, và về sau trở thành một loại luận lý Phật Giáo.ỢDalsukh Malvania nói ỘTrước Thế Thân, ngay cả luận lý Phật Giáo cũng liên quan đến nghệ thuật tranh luận hơn là những khí cụ của nghệ thuật nầy. Thế Thân là người đầu tiên lưu tâm đến những vấn đề pramana, khí cụ để tranh luận và là nguồn hiểu biết có giá trị, và với điều nầy, ngài đã viết ra Pramanasa-mucchayaỢ Ngài Thế Thân được coi là người sáng lập luận lý Phật Giáo.
6- DHARMAKIRTI(Pháp Xứng)
            Ngài Pháp Xứng, sống vào thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch, là một nhà luận lý lớn khác của Phật Giáo. Ngài là con trai của Korunanda ở Tirumalaya thuộc miền Nam Ấn Ðộ. Khi còn thiếu thời, Pháp Xứng học kinh điển Phệ Ðà. Về sau ngài học triết học Phật Giáo ở Nalanda. Khi ở Nalanda, ngài Pháp Xứng gia nhập Tăng Ðoàn Phật Giáo, và là đệ tử của ngài Dhamma-pala lúc bấy giờ là Tu viện trưởng tu viện Nalanda.  Ngài học luận lý với ngài Isvarsena, một đệ tử trực tiếp của Trần Na, và học thông Pramanaca-muccaya của Trần Na. Thời điểm cuộc đời ngài Pháp Xứng không được rõ ràng.  Một số học giả cho rằng ngài sống vào khoảng từ 620-690.
            Ngài Pháp Xứng đã viết bảy tác phẩm quan trọng. Ðó là: 
1- Pramanavartika,
2- Pramanavinischaya,
3- Nyayabindu,
4- Hetebindu,
5- Vadayaya,
6- Sambandhapariksha, và
7- Santanantarasiddhi. 
Như trong những trường hợp khác, tất cả những tác phẩm của ngài Pháp Xứng đã mất ở Ấn Ðộ. Trong một thời gian dài ở Ấn Ðộ cận đại, không một tác phẩm nào của ngài Pháp Xứng được biết đến, ngoại trừ Nyayabindu, được Peterson xuất bản vào năm 1889. Chúng ta cám ơn những học giả Tây Tạng đã gìn giữ những tác phẩm của ngài, một số còn dưới hình thức Phạn ngữ đầu tiên và tất cả đều được dịch sang tiếng Tây Tạng. Trong thời cận đại, công lớn dành cho ông Mahapandit Rahul Sankri-tyayan, người đã làm nhiều cuộc du hành nguy hiểm vào Tây Tạng và mang về Ấn Ðộ một số bản viết tay những tác phẩm Phạn ngữ của ngài Pháp Xứng và một số luận giải về chúng. Rahul Sankritya-yana cũng đã sang định tác phẩm vĩ đại của ngài Pháp Xứng là Prama-navartika với ba bản chú giải, cũng như tác phẩm Vadanyaya. Giáo sư F. Th Stcherbatsky, một nhà Ðông Phương học Nga Xô, trong tác phẩm lớn của ông, Luận Lý Phật Giáo (1930) làm cho giới học giả Tây Phương lưu ý đến tên tuổi và danh tiếng của ngài Pháp Xứng.
            Tất cả tác phẩm của ngài Pháp Xứng một cách tổng quát liên quan đến vấn đề lý thuyết tri thức của Phật Giáo. Ngài Pháp Xứng là một tư tưởng gia và nhà luận lý tinh tế, và những tác phẩm của ngài đánh dấu đỉnh cao nhất về trí thức luận của Phật Giáo hậu kỳ.
            Ngài Pháp Xứng có thể được nói là đã làm xong công việc khởi sự từ ngài Trần Na. Ngài đã củng cố và giải thích lại một số lý thuyết của Trần Na và phổ biến một sức mạnh mới cho luận lý Phật Giáo. Sức mạnh của những lý luận của ngài Pháp Xứng lớn lao đến nỗi nhiều tư tưởng truyền thống của những trường phái tư tưởng khác phải được xét lại. Về ảnh hưởng của ngài Pháp Xứng, Dalsukh Malvania nói rằng ngài Ộcó trách nhiệm trong việc phát triển luận lý học trong hình thức và tầm vóc thích đáng của nó. Ðiều nầy có thể đoán được dễ dàng khi chúng ta thấy những tác giả hậu Pháp Xứng xét lại những tư tưởng truyền thống của nhiều trường phái. Không có một tác phẩm triết lý quan trọng được viết ra vào thời trung cổ ở Ấn Ðộ mà không phê bình hay chấp nhận những lý thuyết của Pháp Xứng. Ảnh hưởng của ngài trên những tác giả triết lý hay luận lý Ấn Ðộ là như vậy, không một tác giả quan trọng nào vào thời đó mà quên đề cập đến ngài.Ợ
            Ngoài việc là một nhà luận lý và triết gia lớn của Phật Giáo, ngài Pháp Xứng còn là một nhà truyền giáo lớn. Ngài du hành khắp nơi trên Ấn Ðộ và cố gắng thiết lập lại, qua triết học, sự vinh quang của Phật Giáo đang có những dấu hiệu xuống dốc. Ngài Pháp Xứng chống lại hệ thống triết học Phệ Ðà và không thừa nhận nguồn gốc linh thiêng và thẩm quyền không thể sai lầm của các kinh Phệ Ðà. Ngài cũng kịch liệt phê bình hệ thống giai cấp và những nghi thức của Ấn Ðộ Giáo.  Trong một lời tuyên bố nhấn mạnh, ngài nói:
- ỘChấp nhận thẩm quyền của các kinh Phệ Ðà và có một người là đấng sáng tạo, ước muốn đạt được đức hạnh bằng lễ tắm, lòng kiêu căng giai cấp, và sự hành thể xác để chuộc tội: đó là năm hành động ngu xuẩn.Ợ
            Ngài Pháp Xứng tịch trong một ngôi chuà ở Kakinga do ngài dựng.
II- NHỮNG VỊ THÁNH TĂNG HỌC GIẢ Hệ Phạn Ngữ
Những vị Thánh Tăng bác học khác trong lãnh vực Phạn ngữ là:
01- Dharmatrata (thế kỷ thứ nhứt), đã soạn một tập hợp tuyển 375 bài kệ, tương ứng với những câu kệ trong Dhammapada (Pháp Cú), Udana (tám mươi lời dạy của Ðức Phật), Suttamipata (những lời dạy về giới luật và nghi lễ của Ðức Phật) và một số tác phẩm khác trong hệ Pali. Những phần rời rạc bằng tiếng Phạn của tác phẩm nầy được tìm thấy ở Trung Á. Toàn bộ bản dịch ra Tạng ngữ vẫn còn.
02 & 03- Parsva (Hiếp Tôn Giả), cố vấn tinh thần của vua Kanishka (Ca Nhị Sắc Ca). 
Trong thời gian ngài tại thế, vua Ca Nhị Sắc Ca triệu tập Kỳ Kết Tập Lần Thứ Tư do ngài Vasumitra (Thế Hữu) chủ trì. Trong các luận sớ được san định trong Kỳ Kết Tập nầy gồm có Mahavibhasa (Ðại Tỳ Bà Sa) do hai ngài Hiếp Tôn Giả và Thế Hữu soạn.
04- Một vị Thánh Tăng bác học nổi tiếng khác trong thời gian nầy là ngài Katyayana (Ca Chiên Diên) ở Tamsavana. Tác phẩm Abhidhar-majnana-prasthana Sastra (Phát Trí Luận). 
05- Kumaralata (Lưu Ma La Ða), một vị sống đồng thời với ngài Asvaghosha(Mã Minh), tác phẩm của ngài, Kalpananamaditika, mà những mẫu rời được tìm thấy ở Turfan, là sưu tập những chuyện tích về đạo theo kiểu cách những chuyện Jakata và Avadana. 
06- Matrceta là một thi sĩ và là người đồng thời với ngài Mã Minh.  Người ta nói rằng ngài cũng được vua Kanishka (Ca Nhị Sắc Ca) mời vào triều đình, và ngài trả lời với một là thơ được gọi là ỘMaharaja Kanika-lekha.Ợ Lá thơ với 85 câu thơ nầy, ngày nay chỉ còn tìm thấy ở bản Tạng ngữ, động viên nhà vua sống đời sống đạo đức theo tinh thần đức Phật. Những tác phẩm khác của ngài là Catuh-Sataka Atotra, ỘTán Ca Bốn Trăm KệỢ và Satapanca-sataka, ỘTán Ca Một Trăm Năm Mươi Kệ.Ợ Những phần rời rạc của hai tác phẩm nầy còn tìm thấy trên những bản viết tay ở Trung Á. Ngài Nghĩa Tịnh có dịch sang tiếng Trung Hoa bản tán ca Một Trăm Năm Mươi Kệ vào thế kỷ thứ bảy. Theo ngài, cả hai tác phẩm nầy rất được phổ biến tại Ấn Ðộ trong thời gian ngài đến đây. Ngài nói: ỘÐó là những thi phẩm với ngôn ngữ đơn giản không mầu mè nhưng đẹp đẽ, và chúng tác động vào đức tin bằng tư tưởng tôn giáo hơn là với hình thức. Thật là thú vị khi nghe chúng được chúng tăng hòa tụng.Ợ Những bản Tạng ngữ của hai thi phẩm nầy vẫn còn. 
07- Aryacandra, cũng là người đồng thời, soạn tác phẩm Maitreya-karana, ỘTiên Tri Về Ðức Từ ThịỢ hay Maitreyasamiti, ỘGặp Gỡ Ðức Từ Thị.Ợ Bên cạnh bản thảo không toàn vẹn, còn có các bản dịch tiếng Trung Hoa và Tây Tạng. 
08- Aryasura (thế kỷ thứ tư), là một thi sĩ sáng chói đã soạn Jatakamala hay ỘTràng Hoa JatakaỢ, bằng một thứ ngôn ngữ hoa mỹ và tao nhã. Jatakamala gồm có 34 truyện Jataka, những chuyện tiền thân của Ðức Phật, nhấn mạnh vào những hạnh ba la mật của Bồ Tát. 
09- Maitreyanatha hay Maitreya (Di Lặc), thầy của ngài Vô Trước, được một số học giả cho là người đã thực sự thiết lập nên Duy Thức Học. Một số tác phẩm được coi là của Vô Trước thật sự là do ngài Di Lặc tạo. 
10- Sanghabhadra ở Kasmir là người đồng thời với ngài Thế Thân.  Ngài soạn luận Abhidharmakasha-sastra 25,000 kệ, gồm 800,000 chữ để đánh đổ ngài Thế Thân. Người ta nói rằng về cuối đời, ngài thay đổi quan điểm, và khi hấp hối, viết một lá thơ cho ngài Thế Thân để xin lỗi. Vì vậy, về sau ngài Thế Thân đổi tên của luận và gọi là Nyayanusara-Sastra.
            11 & 12- Buddhapalita (Phật Hộ) và Bhavavi-veka (Thanh Biên), sống vào thế kỷ thứ năm, là hai nhà diễn giải về tư tưởng Tánh Không của ngài Long Thọ. Tuy nhiên, hai ngài đứng trên hai lập trường khác nhau và xây dựng hai trường phái khác nhau là Prasanghika (Cụ Duyên) và Svatantra (Y Tự Khởi). Trong khi ngài Phật Hộ cố gắng khai triển phương pháp lý luận dựa trên những mâu thuẫn của đối phương, ngài Thanh Biện tìm cách chứng minh sự hợp lý của giáo lý Trung Luận bằng những lý luận độc lập.  Cả hai ngài đã viết những luận hiện còn tìm thấy ở những bản dịch Tạng ngữ. 
13- Chandrakirti (Nguyệt Xứng), sống vào thế kỷ thứ sáu, được coi là đại biểu cho trường phái Prasanghika (Cụ Duyên). Theo Taranatha, ngài sinh ở Nam Ấn, gia nhập Tăng Già khi còn rất trẻ và học những tác phẩm của ngài Long Thọ dưới sự hướng dẫn của ngài Kamalbuddhi, học trò của Phật Hộ và Thanh Biện. Ngài Nguyệt Xứng về sau trở thành một Giáo sư ở Nalanda và viết nhiều tác phẩm về triết học Trung Quán.  Luận Prasannapada (Minh Cú Luận) chú giải Trung Luận là một tác phẩm tuyệt vời nhất trong những tác phẩm của ngài. Một tác phẩm đáng chú ý khác của ngài là sách chú giải về Catuh Sataka (Tứ Bách Luận) của ngài Thánh Thiên (Arya Deva). Tác phẩm quan trọng đầu tiên của ngài là Madhyama-kavatara (Nhập Trung Luận) vẫn còn bản Tạng ngữ Tanjur. 
14- Chandragomin (Nguyệt Cung), một người đồng thời với ngài Nguyệt Xứng, nổi tiếng là một nhà văn phạm, triết gia và thi sĩ. Người ta nói rằng ngài đã tạo nhiều tán ca và những tác phẩm khác. Về những thi phẩm, chỉ còn một tác phẩm tôn giáo dưới hình thức một lá thơ viết cho học trò, Sisyalekha-Dharma-Kavya, là hiện còn. 
15- Divakaramitra, thầy của Rajyasri, ẩn tu trong rừng Vindhya. 
16 đến 22- Bảy vị Thánh Tăng hiền triết mà nhà chiêm bái Trung Hoa đã học hỏi khi lưu tại Ấn Ðộ từ năm 630-643. Sau khi lưu tại Kasmir hai năm, ngài Huyền Trang đi đến Patti thuộc quận Amrisar, Punjab, và lưu tại đây 14 tháng từ tháng Giêng 634 đến tháng Ba năm 635 và học A Tỳ Ðàm với Luận Sư Vinitapraba. Ở Jalandhar, nhà chiêm bái lưu lại 14 tháng và học thêm về A Tỳ Ðàm với ngài Chandravar-ma, một học giả Phật Giáo nổi danh ở chùa Nagar-dhana. Ngài lưu lại 4 tháng rưỡi tại Sugh ở Haryana và học với Jayagupta, một học giả Phật Giáo nổi danh khác lúc đó. Những học giả ưu tú khác mà ngài Huyền Trang học hỏi Giáo Pháp trước khi đến Ðại Học Nalanda là: Mitrasena ở Matipura; Viryasena ở chùa Bhadra tại Kanauj; và Tathagatagupta và Ksantisimha ở Monghyr.
            23 đến 30- Tám vị giáo sư sáng chói ở đại học Nalanda như ngài Huyền Trang nói về họ: Dharmapala (Hộ Pháp) và Chandrapala làm cho kích động với những lời dạy để lại của các ngài; Guanamati (Ðức Tuệ) và Sthirmati (An Huệ), những suối nguồn của những lời dạy siêu việt của các ngài vẫn còn truyền rộng ở ngoại quốc cho đến ngày nay; Prabhamitra với những bài giảng sáng sủa; Jimamitra với biện tài cao vời; gương mẫu và tiếng tăm của Tnanachandra phản ảnh việc làm sáng chói của ngài, và Silabhadra. Những nhân vật rạng rỡ nầy được mọi người biết đến. Mỗi vị đều tạo hàng tấn luận sớ và đều được phổ biến rộng rãi. 
31 & 32- Prajna-deva và Jnana-pribha ở chùa Bồ Ðề Ðạo Tràng mà ngài Huyền Trang có trao đổi thơ từ sau khi ngài về đến Trung Hoa. 
33- Cuối cùng là ngài Santideva (Tịch Thiên), sống vào thế kỷ thứ bảy, là một thi sĩ và tư tưởng gia Trung Luận lỗi lạc. Theo Taranatha, ngài sinh ở Saurashtra (Gujarat) và là con của vua. Ðiều nầy được xác minh với một tập tiểu sử vào thế kỷ thứ mười bốn về ngài Santideva tìm thấy ở Nepal. Trong bản thảo nầy, tên cha ngài được đề cập là Raja Manju-varma. Ngài cũng còn được gọi là ỘBhusukaỢ vì ngài rất thành thạo về thiền định gọi là ỘBhusuka.Ợ Ba tác phẩm quan trọng được coi là của ngài gồm có: 
- Sikka-Samuccaya (Tập Học Luận),
- Sutra-Samuccya (Kinh Học Luận) và
- Bodhicaryavatara (Nhập Bồ Ðề Hành Luận). 
Sikka-Samuccaya, một tác phẩm gồm có 27 bài kệ, với một chú giải cô đọng, là một bản tóm tắt những tư tưởng đạo đức và tâm linh về Ðại Thừa. Trong Bodhicaryavatara, Santideva đưa lý tưởng Bồ Tát lên những chiều cao mới. Ngài Ộcầu nguyện chư Phật chiếu ngọn đèn tôn giáo đến tất cả chúng sanh đang sống trong vô minh; ngài cầu xin chư vị Bồ Tát trì hoãn nhập Niết Bàn để giải thoát tất cả chúng sanh,Ợ và cuối cùng hiến dâng chính mình cho tất cả chúng sanh:
- Tôi muốn là người bảo vệ cho những ai cần bảo vệ,
            Người dẫn đường cho những ai lạc bước trong sa mạc,
            Một con thuyền, một bến đậu và một chiếc cầu
            Cho những người đi tìm Bờ Bến
            Một ngọn đèn cho những ai cần đèn,
            Một chiếc xe cho những người cần xe,
            Một nô lệ cho tất cả chúng sanh cần nô lệ.
-- o0o --