CHÙA HÀN SAN TÔ CHÂU,
NHỮNG GIAI THOẠI
VĂN CHƯƠNG & LỊCH SỬ
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
Trong chuyến du lịch Trung Quốc, mùa hè năm ngoái, tôi có dịp thăm chùa Hàn San. Chùa ở một vị trí đặc biệt, phía trước là sông đào Ðại Vận Hà, bờ sông trồng toàn dương liễu, phía sau là một lạch nhỏ, nước trong xanh. Chùa thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Ðông giáp Thượng Hải, Tây giáp Thái Hồ, phía Nam là Hàng Châu và sông Trường Giang ở phía Bắc. Chùa có một lịch sử lâu dài và thăng trầm... Nó được xây vào thời Thiên Giám nhà Lương(502-519) có tên là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp Viện. Hơn 200 năm sau, ngài Hàn San tu ở đây nên đổi là Hàn San tự. Tới đời Tống, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc, Tiết đô sứ Tôn Thừa Hữu xây thêm một cái tháp 7 từng. Ðến cuối đời Nguyên, chùa và tháp đều đổ nát. Vào niên hiệu Hồng Vũ đời Minh, chùa được xây lại. Sau nầy, mấy vua đầu nhà Thanh không chú ý tới đạo Phật. Chùa Hàn San không được bảo trì, nên hư hoại nhiều. Mãi tới năm Quang Tự 32, quan Tuần Vũ Trần Loan Long cho sửa sang lại và năm Tuyên Thống thứ hai, quan đầu tỉnh Trịnh Ðức Toàn tu bổ thêm. Nhưng thời Mao Trạch Ðông, những toán Vệ Binh Ðỏ(1972-1975) đến phá chùa, bắt Tăng đồ hoàn tục. Sau năm 1980 thời Ðặng Tiểu Bình, Chùa Hàn San mới trùng tu đẹp đẽ như bây giờ.
Chúng tôi vào chùa bằng một cổng nhỏ(không có Tam quan như những cổ tự xưa ở Việt Nam) Hai dãy nhà dài, nằm xoay lưng ra cổng. Ba chữ Hàn San Tự lớn khắc sâu vào tường sau của dãy nhà bên trái, nên du khách thấy ngay tên chùa khi mới bước qua cổng. Giữa hai dãy nhà có một lối đi dẫn vào điện thờ Phật Di Lặc, rồi qua một khu vườn nhỏ tới chánh điện. Ở giữa thờ Phật Thích Ca và hai ngài Ca Diếp, A Nan. Hai bên có Thập Bát La Hán(đúc vào niên hiệu Thành Hóa đời Minh). Trên bức tường phía sau treo một thạch bản có bốn chữ Hàn San Thập Ðắc của danh họa đời Thanh La Sính Sở. Phía bên phải treo một chuông đồng do người Nhật đúc đời Minh Trị. Hàn San Tự cũng như hầu hết các chùa Trung Quốc có thờ Tứ Ðại Thiên Vương, đứng ở hai bên cửa, trước khi bước vào chánh điện. Người mê tín tin tưởng vào bốn vị Thần sẽ mang lại Mưa Thuận Gió Hoà(Phong Ðiều Vũ Thuận) cho họ. Ðó cũng là những ước mong, những lời cầu xin Trời Phật của người dân ở những nước lấy nông nghiệp làm căn bản.
Bên ngoài chánh điện, phía tay mặt là Lầu Chuông(Chung lâu). Chuông treo ở một lầu cao, xây gạch, có bốn mái cong. Trước lầu có một phiến đá lớn khắc ba chữ Thính Chung Thạch(Ðá Nghe Chuông). Người hướng dẫn viên du lịch(Tour guide)nhắc lại lịch sử của cái chuông. Ông bảo, xưa kia tiếng chuông chùa vang xa hàng chục dậm, vì chuông được đúc bằng một hợp chất của kim loại như vàng, đồng, thiếc v.. v.. theo một tỷ lệ bí mật, bởi vậy, tiếng ngân như có một huyền lực và nhờ tiếng chuông mầu nhiệm mà chúng ta mới có giai thoại văn chương kỳ thú giữa Thi sĩ Trương Kế cùng thầy trò Sư Cụ Hàn San.
Chuông nầy đã hư và được cất giữ ở điện Ðại Hùng(Ðại Hùng Ðiện), coi như một cổ vật vô giá của quốc gia. Chuông bây giờ là từ đời Vua Càn Long.
Thăm chùa Hàn San, chúng tôi còn có dịp viếng Tàng Kinh Lâu(Lầu chứa kinh). Trên lầu để một Ðại Tạng Kinh, chữ khắc in đời Thanh. Dưới lầu, trên hai vách đều có khắc đá toàn bộ Kinh Kim Cương do chữ viết nổi danh của Trương Xư Liêu đời Tống, nét bút rắn rỏi, độc đáo, thật là một di tích qúy giá, rồi Bi Lang(hành lang để bia) với những tấm bia khắc thi văn của các văn nhân nổi tiếng, trong đó có bài thơ bất hủ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế do thư pháp của học giả Khang Hữu Vi. Cách Hàn San tự không xa là Cô Tô Thành, bây giờ không còn nữa, mà chỉ là vang bóng trong lịch sử. Thuở đó Cô Tô là thủ phủ của Tô Châu, và là kinh đô của vua Hạp Lư đời Xuân Thu Chiến Quốc. Sau nầy nhà Tần gọi Tô Châu là Ngô huyện, thời Ðông Hán gọi là Ngô Quận. Mãi đến 1276 mới có tên Tô Châu. Nhiều du khách Tây Phương bảo đây là Venise của Trung Quốc vì thành phố được xây trên những sông ngòi chằng chịt. Xưa kia có 1000 chiếc cầu, ngày nay còn giữ 168 cái. Phía Tây Nam chùa Hàn San có núi Linh Nham. Núi cao chừng một ngàn bộ, có Linh Nham Sơn Tự. Chỗ này xưa là cung đình của vua Ngô Phù Sai. Lên núi Linh Nham, chúng tôi được nghe người hướng dẫn kể lại mối tình của Tây Thi, Phạm Lãi. Quan Ðại Phu nước Việt là Phạm Lãi, nhân một hôm đi vãn cảnh, gặp Tây Thi, trai tài gái sắc tương ngộ, rồi họ yêu nhau và muốn sống bên nhau đến đầu bạc răng long. Tình yêu đang mặn nồng thì bổng vua Ngô Phù Sai khởi quân đánh nước Việt để báo thù cho ông nội là Hạp Lư. Nước Việt bại trận. Vua Việt là Câu Tiễn phải đầu hàng và bị đưa sang Ngô làm tù binh cùng với quan đại phu Phạm Lãi. Tây Thi vô cùng thương nhớ. Trong ba năm trời vua tôi nước Việt bị hầu hạ vua Ngô cực khổ, từ những việc hèn mọn như chăn ngựa, cắt cỏ, cho tới những việc nhơ bẩn như hốt phân, đổ thùng, cuối cùng Phù Sai trả tự do cho vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi. Về nước tuy được sống yên thân nhưng Câu Tiễn vẫn không quên cái nhục mất nước, cái hèn mọn của kẻ tôi đòi. Ông chiêu binh mãi mã, tích thảo, tồn lương, ròng rã mười năm vất vả, nằm gai nếm mật. Mặt khác ông dùng kế mỹ nhân do Phạm Lãi chủ trương để dọ thám và làm suy yếu nước Ngô. Người đàn bà như thế phải có sắc đẹp và phải thông minh! Tây Thi được giao cho công tác này. Tuy vẫn yêu thương Phạm Lãi như xưa nhưng nàng biết Phạm Lãi tin tưởng nàng, nên đã vì quốc gia đại sự mà giao phó. Tạm chia tay với người yêu, sang nước Ngô làm nhiệm vụ. Phù Sai thấy Tây Thi là một trang tuyệt thế giai nhân, lại tinh thông âm nhạc và biết ca múa nên vô cùng yêu qúi. Nhưng lúc nào nhà Vua cũng thấy mặt nàng buồn vời vợi, nên xây Ngoạn Nguyệt Trì( hồ ngắm trăng), Ngoạn Hoa Trì(Hồ ngắm hoa) để nàng vui, lại sai cất Cầm đài để nàng đánh đàn, Sơ Trang Ðài là chỗ trang điểm và giếng Nguyệt Tĩnh để tắm. Những di tích lịch sử này hãy còn dấu vết trên núi Linh Nham. Ở Ngô tuy có cảnh đẹp, có kẻ hầu người hạ, đời sống vật chất dư thừa mà Tây Thi không thấy vui mà càng nhớ nhà, nhớ nước. Tuy vậy nàng vẫn âm thầm gửi tin tức nước Ngô về cho Việt Vương Câu Tiễn và Phạm Lãi, từ những sinh hoạt hàng ngày của nhà vua cho đến tình hình quân cơ, quốc sự. Nhờ thế mà khi khởi binh, quân Việt đã đánh thắng quân Ngô một cách dễ dàng và mau chóng, khi đại quân nước Việt vào được Cô Tô thành. Vua Phù Sai bị giết Phạm Lãi gặp lại Tây Thi. Họ không ở lại để hưởng giàu sang phú qúi mà lặng lẽ cùng nhau lên một chiếc thuyền nan đi chu du miền Ngũ Hồ...
Phía Nam chùa Hàn San có những vườn hoa nổi tiếng như Thương Lăng Ðình, Chuyết Chính Viên và Lưu Viên. Ðặc biệt khu phía Tây của Lưu Viên là ngọn Giả Sơn, trên núi nhân tạo này có một rừng phong, mỗi độ thu về màu vàng choán cả một góc vườn, rất nên thơ như trong truyện Kiều, Nguyễn Du từng tả:
- Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.
Chùa Hàn San được nổi tiếng nhờ vị trí ở gần những danh lam thắng cảnh, nhưng chùa thật sự được nhiều người trong nước và ngoại quốc biết tới là từ khi sư cụ Hàn San trụ trì; rồi một giai thoại văn chương tuyệt vời giữa sư cụ và thi hào Trương Kế. Người ta không rõ nhà sư sinh và mất năm nào, chỉ biết ngài là vị chân tu, học rộng cùng tu với sư huynh Thập Ðắc và một chú tiểu thông minh, hay chữ. Tuy không rõ tuổi tác, nhưng Sư Cụ Hàn San sống cùng thời với Trương Kế mà Trương Kế làm quan vào niên hiệu Ðại Lịch, Ðường Ðại Tôn(khoảng năm 756). Ông đỗ Tiến Sĩ rồi được phong chức Kiêm Hiệu Viên Ngoại Lang. Tuy chức trọng quyền cao, nhưng tính tình phóng khoáng. Ông thường ngao du sơn thủy để làm thơ và ngâm vịnh. Truyện kể, vào một đêm trăng đầu tháng. Sư cụ trằn trọc mãi không ngủ được, bèn đánh thức chú tiểu rồi hai thày trò đi dạo quanh chùa Hàn San. Xúc cảnh trăng non trên trời, in bóng lung linh dưới hồ nước xanh. Nhà Sư ngâm khẽ:
- Sơ tam sơ tứ nguyệt mung lung
Bán tự ngân câu bán tự cung.
Tản Ðà dịch :
- Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa như móc bạc, nửa ngờ vành cung.
Nhưng sư cụ chỉ làm được hai câu rồi hết tứ luôn. Chú tiểu theo sau, thấy thầy mình lúng túng mãi không nghĩ tiếp được thêm hai câu nữa cho đủ một bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt. Chú thấy thơ của Thầy hay quá mà ngưng ở đây thật đáng tiếc. Bỗng như một tia chớp lóe trong đầu, chú Tiểu xuất thần ngâm to:
- Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không.
Tản Ðà dịch:
- Hồ xanh ai xẻ đôi vùng
Nửa chìm đáy nước nửa lồng chân mây.
Sư cụ nhẩm lại bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt
- Sơ tam sơ tứ, nguyệt mung lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không.
Và khen hay và bảo chú Tiểu lên lầu chuông gióng ba tiếng để tạ ơn Chư Phật.
Cũng tối hôm đó, Thi Sĩ Trương Kế đậu thuyền ở bến Phong Kiều, nhìn sương đêm trắng xóa khắp nơi, mặt trăng mờ ảo đang từ từ lặn. Có ánh lửa thuyền chài xa xa... đối cảnh mà buột miệng làm thơ:
- Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Tản Ðà dịch:
- Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Ngâm xong hai câu, Trương Kế cũng cụt hứng. Nghĩ mãi mà không thêm được câu nào. Ông chập chờn vào giấc ngủ... Bỗng Ông giật mình vì hồi chuông chùa Hàn San, ngoài thành Cô Tô. Nhờ tiếng chuông của Chú Tiểu mà Trương Kế làm xong bài thơ:
- Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Tản Ðà dịch:
- Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
                                    Trương Kế ngâm khẽ bài thơ vừa sáng tác:
- Nguyệt lạc Ô Ðề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối Sầu Miên
            Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
            Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Rồi đặt tên bài thơ là Phong Kiều Dạ Bạc(Ðêm Trăng Ðậu Thuyền Ở Bến Phong Kiều)
Cho đến ngày nay, nhiều học giả thích bài thơ này. Giáo Sư Trần Trọng San dịch:
- Quạ kêu trăng lẩn sương trời
            Buồn hiu giấc ngủ lửa chài Bến Phong
            Ðêm Cô Tô vẳng tiếng chuông
            Chùa Hàn San đến thuyền sông Phong Kiều.
Một thi sĩ Tây Phương, Ông Writter Bynner dịch sang tiếng Anh:
- A night mooring near maple bridge
While I watch the moon go down, a crow caws through the frost
Under the shadows of maple tree a fisherman moves with his torch
And I hear, from beyond Su Chou, from the temple on Cold Mountain
            Ringing for me, here in my boat, the midnight bell
Tuy bài PKDB được nhiều người khen ngợi, nhưng một số không ít, vẫn tìm thấy khuyết điểm của bài thơ. Chỉ cần đọc câu đầu và câu cuối là có sự mâu thuẩn về thời gian rồi:
- Nguyệt Lạc Ô Ðề là mặt trăng bắt đầu lặn và đàn quạ kêu là cảnh gần sáng.
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền là tiếng chuông chùa vọng đến nửa đêm.
Có nghĩa là Trương Kế bắt đầu làm thơ khi trời gần sáng mà lúc làm xong là nửa đêm. Như vậy thì không hợp lý! Nhưng vì lời hay ý đẹp nên vẫn có người bênh vực, họ bảo rằng:
- Sự thực thì nguyệt lạc(trăng lặn) đã là cảnh lúc về sáng. Tác giả đi nằm lúc đó, song cứ mơ màng, đến khi chợt tỉnh và bị cái ảo tưởng của thời gian nên cho là mới nửa đêm. Thực ra thì trăng lặn lúc trời về sáng rồi. Nhà học giả nổi danh đời Tống Âu Dương Tu cũng đồng ý là:
- Nhà thơ, vì mê câu văn hay, đã làm cho ý văn không được thông; đó là ngữ bịnh vậy. Nhưng chúng ta cũng không nên bới lông tìm vết làm gì.
Dù Cho Âu Dương Tu không quan tâm đến ngữ bịnh của Trương Kế thì một số học giả Nhật Bản vẫn thắc mắc về thời gian của hai bài thơ. Sư Cụ Hàn San làm thơ khi trăng mồng ba, mồng bốn( Sơ tam, sơ tứ) mới mọc. Khoảng nửa đêm, chú Tiểu gióng ba tiếng chuông. Như vậy, nếu hiểu chữ Ô Ðề là Quạ Kêu( về sáng) thì mất hết cái hay của cả hai bài thơ. Nhưng nếu không hay thì tại sao nó tồn tại được cho tới ngày nay? Hơn hai mươi thế kỷ mà vẫn được nhiều người nhắc tới. Chắc chắn nó phải có một giá trị vượt thời gian? Vì vậy một đoàn khảo cổ và một số giáo sư người Nhật đã tới Tô Châu để nghiên cứu. Họ tìm đọc những sách vở trong thư viện. Họ duyệt lãm nhiều nơi. Phái đoàn đã làm việc vất vả gần một năm, và cuối cùng họ giải nghi về thời gian của hai bài thơ vì họ đã tìm được Ðịa Danh của một làng đánh cá xưa có tên là Ô Ðề Thôn, và một ngọn núi cổ có tên Sầu Miên Sơn. Thời gian của hơn ngàn năm đã thay đổi tên làng, tên núi. Vì vậy chúng ta không còn thấy sự mâu thuẫn về thời gian của bài PKDB nữa, vì Ô Ðề không là Tiếng Quạ kêu buổi sáng mà là tên Làng Ô Ðề. Vì vậy, bài này là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy tuyệt vời:
- Một lữ khách ngồi trên thuyền, ngắm trăng. Trăng từ từ lặn ở làng Ô Ðề. Có hàng cây phong bên sông. Có ánh lửa chài chập chờn in hình vào sườn núi Sầu Miên. Sương lạnh giăng đầy trời. Khách bỗng sực tỉnh khi tiếng chuông chùa Hàn San ngoài thành Cô Tô vọng lại.
Trong chuyến du lịch này, chúng tôi có dịp thăm nhiều nơi. Từ Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ, vắt ngang 6 tỉnh Trung Quốc dài bằng bán kính Ðịa Cầu. Từ Cấm Thành lớn rộng có 9000 phòng ốc. Cung Ðiện Mùa Hạ tráng lệ mà Từ Hi Thái Hậu đã lấy hết Ngân sách của Bộ Hải Quân để xây nhà nghỉ mát ở Bắc Kinh. Cố Ðô Trường An của 11 triều vua có Tần Thủy Hoàng tàn ngược; Ðường Minh Hoàng đa tình; Dương Qúi Phi yêu kiều; chùa Từ Ân cổ kính, nơi Trần Huyền Trang ngồi dịch kinh Bát Nhã. Rồi Hàng Châu thơ mộng, chỗ Tô Ðông Pha làm thơ trên Tây Hồ và sông Tiền Ðường, chỗ Thúy Kiều trầm mình. Quảng Châu hào khí của 72 Liệt Sĩ, trong đó có Phạm Hồng Thái được chôn ở Hoàng Hoa Cương mà ngay cổng vào nghĩa trang trên hai trụ có bốn chữ Hào khí Trường Tồn; và Quảng Châu còn có mộ Triệu Văn Vương(cháu Triệu Ðà, con của Trọng Thủy và một người vợ, trước khi lấy Mỵ Châu con gái An Dương Vương) Vũ Hán có lầu Hoàng Hạc với bài thơ bất hủ Hoàng Hạc Lâu v...v...
Còn nhiều địa danh nổi tiếng khác. Nhưng riêng tôi, Tô Châu đã gợi cho niềm hứng cảm để viết. Có thể vì Tô Châu có nhiều danh lam thắng cảnh, có chuyện tình Tây Thi Phạm Lãi. Có huyền thoại văn chương giữa Sư Cụ Hàn San và Trương kế... Vì vậy tôi đã bắt đầu viết bài này khi ở trên phi cơ từ lúc rời Hoa Lục để trở về Hoa Kỳ.
-- o0o --