Sự Quán Tưởng Trong Đạo Phật
Nghiêm Thủy
--o0o--
Thế Tôn lời dạy tinh tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra
- Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn.
- Ta đây bệnh tật phải mang
Thế nào tránh thoát được an mạnh lành.
- Ta đây sự chết sẳn dành
Thế nào tránh thoát tử sanh đến kỳ.
- Ta đây phải chịu phân ly
Nhân vật yêu quý ta đi miệt mài.
- Ta đi với nghiệp của ta
Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình
Theo ta như bóng với hình
Ta tạo họa phước phân minh rõ ràng.
Sinh lão bệnh tử là một định luật tự nhiên không ai tránh khỏi được, và đây cũng là nguyên nhân chính tác động mãnh liệt đã thúc đẩy Thái tử Sddhattha (Sĩ Ðạt Ta) từ bỏ cung vàng điện ngọc, vật chất thế gian để đi tìm cuộc đời an nhiên tịch tịnh. Mặc dù sau khi tu tập, Ngài đã chứng ngộ đạo quả, trở thành bậc Chánh Ðẳng Chánh giác, nhưng vì vẫn còn mang xác thân ngũ uẩn(kinh điển gọi là Ngài thọ hưởng Hữu dư Niết Bàn) nên Ngài vẫn phải chịu sự chi phối của định luật vô thường Sinh Trụ Họai Không này.
            Do vậy trước khi từ giã cõi Ta Bà để nhập Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối, Ðức Phật cũng phải thọ bệnh như tất cả mọi người. Nhưng với Ðức Phật, trước giờ phút mà những người thường như chúng ta lo âu, hốt hoảng thì trái lại Ngài an nhiên, bình tĩnh đến độ không bỏ phí những giây phút còn lại để tiếp độ thêm một người đệ tử sau cùng. Ðó là  Tôn giả Subhadda(Tu Bạt Ðà La). Và dù rằng lúc bấy giờ Ngài đã 80 tuổi, vẫn còn sáng suốt dặn dò Tăng chúng những lời di huấn tối hậu.
- Này Tăng chúng chớ sờn tấc dạ
            Giờ Niết Bàn nay đã đến nơi
            Nay ta vắn tắt mấy lời
            Các ngươi hãy nhớ trọn đời đừng quên
            Vì tạo ác, sanh lên ba cõi
            Dù thú, người chẳng khỏi một phen
            Rã tan, chẳng luận sang hèn
            Hữu sanh, hữu diệt, thế gian thường tình.
            Con người khi ở vào độ tuổi 70- 80 thừơng được xem như ngọn đèn treo trước gió, hay mạng sống như chỉ mành treo chuông. Nhưng thực tế đâu phải đợi đến đó mới nhìn thấy vực thẳm của sự chết gần kề. Trong bộ sách Thanh Tịnh Ðạo có câu:
- Ngay từ lúc một con người vừa tượng hình trong bào thai là nó chỉ còn có nước tiến tới trước, không thể dù một lần quay trở lại (Jà i.v, 494),
Hoặc là:
- Ngày đêm trôi qua
            Mạng sống tàn dần
            Cho đến kết thúc
            Như sông dần khô
            Như trái đã chín
            Ðợi kỳ rơi rụng
            Cũng thế, hữu tình
            Khi đã sinh ra
            Nơm nớp lo sợ
            Cái chết sẽ đến
            Như chiếc bình đất
            Dù lớn dù nhỏ
            Dù nung, không nung
            Ðều phải tan vỡ
            Cũng thế đời người
            Dẫn đến cái chết
            Sương đầu ngọn cỏ
            Tan dưới mặt trời
            Cũng thế đời người
            Mong manh hư ảo... (Jà.i.v.122)
            Vì vậy chúng ta phải hiểu rằng ngay khi có sự hiện hữu trong bào thai có nghĩa là đã thắp ngọn đèn lên và đem treo trước gió rồi. Bằng chứng có những chúng sanh chỉ thành tựu kiếp người trong chừng vài tháng, vài ngày, thậm chí có kẻ vừa lọt lòng mẹ đã không còn tuổi thọ nữa. Vấn đề thọ mạng hay yểu mạng được Ðức Phật dạy rằng:
- Tất cả đều do sự sát sanh, hay không sát sanh mà con người có tuổi thọ khác nhau.
            Có nhiều chúng sanh sống suốt cả đời ốm đau bệnh tật, khổ lụy triền miên, muốn chết cũng không sao chết được, mà vẫn phải sống để trả nghiệp quả không giữ giới sát sanh trong quá khứ. Do đó sống hay chết là lẽ tự nhiên:
- Thương tiếc làm chi hoa vẫn rụng
            Chán ghét nào ngăn cỏ phát sinh.
Thế nhưng trong cuộc sống do trăm ngàn thứ ràng buộc mà ta thường ít nghĩ đến sự quán tưởng, chúng ta chỉ giật mình khi đối diện với sự ra đi của những người thân yêu, nhưng rồi lại quên ngay, rồi lại lao vào đời sống để rồi lại hốt hoảng lo sợ khi nhìn thấy cái chết gần kề khi sắp phải xa lìa những điều thương mến. Thực sự nếu mỗi ngày chúng ta dành ra ít thời gian giữ tâm tĩnh lặng để quán tưởng đến những lời dạy của đức Phật về Tứ Niệm Xứ :  
- Quán Thân bất tịnh
            Quán Thọ thị khổ
Quán Tâm vô thường
Quán Pháp vô ngã.
            Quán tưởng đến sự chết, đến hơi thở chẳng thường còn để nhận chân sự vô thường của vạn pháp, có lẽ chúng ta sẽ sống được thanh thản hơn, bớt khổ hơn, dù rằng:
            - Ðời là khổ muôn vàn cảnh khổ
            Bệnh, chết, già, thêm chỗ biệt ly.
            Thân người nào có ra chi
            Phải chi cõi tạm khi đi lúc về.
            Hoặc như bài thơ của Quốc sư Vạn Hạnh đời Lý:
            - Thân như ánh chớp chiều tà
            Cỏ Xuân tươi tốt, Thu qua rụng rời
            Sá chi suy thạnh ở đời
            Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành
            Hay như Nguyễn Công Trứ đã cảm nhận:
            - Mới sinh ra miệng đà khóc chóe
Ðời có vui sao chẳng cười khì.
            Cuộc đời rỏ ràng là vậy nhưng hiểu được nguyên lý sống, chúng ta có thể chuyển khổ đau thành những hạnh phúc ngọt ngào, bằng cách sống bớt ưu tư, không lo lắng, không xây đắp những ảo mộng xa vời như quan niệm của các nhà nho xưa:
- Tri túc, tiện túc. Ðãi túc hà túc.
Nghĩa là:
- Biết đủ là đủ, chờ đủ biết bao giờ đủ
Quán chiếu như vậy, có thể giúp chúng ta tìm được những phút giây hạnh phúc an lạc như một vị Thiền sư nhìn cuộc đời tự tại vô ngại:
            - Sống ngày nay biết ngày nay
            Còn xuân thu cũ ai hay làm gì!
            Chúng ta càng bỏ công sức để xây dựng đời sống vật chất kiên cố cho mình bao nhiêu, cũng chẳng khác nào xây nhà trên cát. Như nàng công chúa trong truyện ngụ ngôn đòi kết những bong bóng nước thành chuỗi để đeo vậy. Bớt ái dục thì bớt phiền não, bớt phiền não thì hạnh phúc càng tăng:
            - Chiến thắng sinh oán thù
            Thất bại sinh đau khổ
            Hạnh phúc thay ! Kẻ Trí sống an vui không màng thắng bại. ( Kinh Pháp Cú)
            Vậy thì biên giới của hạnh phúc và đau khổ nằm ở đâu? Phải chăng không thể lấy vật chất để đo lường được. Nếu chúng ta quán thấy mọi thứ đều không, thì sự mất mát chẳng có nghĩa lý gì ngay cả thân tứ đại mà ta hằng yêu quý. Nghĩ cho cùng, kiếp sống con người là một nỗi cô đơn tuyệt đối, cho dù đến hay đi cũng chỉ có mình với mình ở chặng đường cuối cùng hoàn toàn cô quạnh. Ðã sống trong cuộc đời thì khó ai tránh được những phiền lụy thế gian. Nhưng nếu chúng ta biết dùng sự quán tưởng, biết xử dụng tâm lực sáng suốt, ta có thể chế ngự, hay có thể cởi bỏ được những phiền não ra khỏi đời mình.
            Người sống có quán tưởng là người biết nhìn xa, là người sống có chuẩn bị, chắc chắn sẽ không bị hụt hẫng, đau khổ, khi gặp những điều bất trắc xảy ra. Ngay bây giờ dù đang ở trong cảnh giàu sang sung sướng, hãy luôn quán nghĩ đến những cảnh đời bất hạnh, thiếu thốn, chúng ta sẽ dễ dàng thích nghi hơn trong mọi tình huống. Quán về sự chết trong bộ Thanh Tịnh Ðạo có viết:
- Chết có hai loại, nghiã là chết đúng thời hạn và chết phi thời. Chết đúng thời hạn xảy đến do hết phước đức, hết thọ mạng hay cả hai phước và thọ. Chết phi thời là chết xảy ra do nghiệp đến làm gián đoạn sinh nghiệp.
            Như vậy chúng ta phải sống thế nào để chọn lấy cái chết đúng thời hạn, không nên để chết vì phải trả nghiệp trong quá khứ. Muốn được như vậy phải thực hành một điều đơn giản mà đức Phật thường dạy: 
- Tránh tất cả các việc ác
            Làm tất cả các việc lành
            Giữ tâm ý trong sạch.
            Theo đạo Phật, để có một đời sống an lành cho chính mình thì phải tạo những Thiện Nghiệp, và loại trừ những Ác Nghiệp ngay cả trong tư tưởng cũng không để cho ác ý dấy lên. Trong Nho giáo cũng khuyên con người nên tích lũy phước đức, cũng là những thiện nghiệp để dành, chẳng những cho mình mà còn cho các đời con cháu về sau. Ðó là Nhân sinh quan lưu ấm:
- Tích kim dĩ vị tử tôn, tử tôn vị tất năng thụ
Tích thư dĩ vị tử tôn, tử tôn vị tất năng độc.
Bất như tích âm đức, ư minh minh chi trung, trường cửu chi kế.
Minh Tâm Bửu Giám
Nghĩa là:
            - Ðể vàng bạc cho con cháu, chưa chắc con cháu đã giữ được.
Ðể sách cho con cháu, chưa chắc con cháu đã học.
Không bằng để lại âm đức, tuy không thấy nhưng lại là kế lâu dài.
            Cho dù sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta không biết chắc sẽ đi về đâu, nhưng hy vọng quả lành sẽ đến nếu trong khi còn sống chúng ta không tạo ác nghiệp. Chúng ta phải luôn luôn giữ giới thanh tịnh để có được một cuộc đời an vui, hạnh phúc như các vị giới sư thường dạy:
            - Các chúng sanh được sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới, các chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới. Các chúng sanh được giải thoát nhập Niết Bàn cũng nhờ giữ giới. Bởi các cớ ấy nên chư thiện tín phải ráng thọ trì giới luật cho được trong sạch, đừng để lấm nhơ.
            Nói tóm lại, Ðức Phật dạy chúng ta về sự quán tưởng đem lại rất nhiều điều lợi lạc. Với những ai chuyên về pháp hành thiền đều phải chọn những đề mục để quán tưởng cho đến khi an định. Riêng chúng ta dùng pháp quán tưởng về vô thường, khổ não, vô ngã để dễ dàng kết tụ những nghiệp lành, đem Tâm Từ vô lượng rải khắp muôn loại chúng sanh:
            - Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng có oan trái lẫn nhau. Hãy cho được an vui. Ðừng có làm hại lẫn nhau. Ðừng có hẹp lượng. Hãy cho được sống lâu. Ðừng có bệnh hoạn. Hãy cho được thành tựu đầy đủ. Hãy giữ mình cho được an vui. Tất cả chúng sanh đến khổ rồi, xin đừng cho có khổ. Ðến sự kinh sợ rồi, xin đừng kinh sợ. Ðến sự thương tiếc rồi, xin đừng cho thương tiếc.
                                                                                               
Chicago, 10 tháng 3 năm 2000
Nghiêm Thủy
-- o0o --