Chim Hồ Ðậu &
Chim Phượng Hoàng
Ngọc Liên
--o0o--
 
Trong các loài chim, bé nhất và xấu nhất là Chim Hồ Ðậu, đẹp nhất và quý nhất là chim Phượng Hoàng.
Một hôm, chim Hồ Ðậu đẻ được một ổ trứng dưới lùm cỏ. Ở chiếc hang gần đấy có một tên chuột đồng, ngày ngày lừa lúc chim Hồ Ðậu vắng nhà là chạy đến ăn trứng chim. Hồ Ðậu đẻ được ba trứng, bị chuột đồng ăn mất hai. Hồ Ðậu giận lắm, liền bay đến tố cáo với Phượng Hoàng. Hồ Ðậu đau đớn nói:
- Thưa Phượng Hoàng chúa tể của loài chim! Ngài xem tôi bất hạnh biết chừng nào! Tôi đẻ được ba chiếc trứng thì bị tên chuột đồng ăn mất hai. Thế là tôi đã mất hai người con thân yêu. Tôi xin đến tố cáo với Ngài để Ngài giải nỗi oan ức cho tôi.
Thấy chim Hồ Ðậu nhỏ bằng ngón tay cái đến quấy, Phượng Hoàng bực dọc:
- Hồ Ðậu! ngươi không thấy ta bận rộn suốt ngày đó sao? Một việc cỏn con nhà ngươi cũng tìm đến ta, ta làm sao mà phân xử được? Con cái thì phải trông nom, ngươi không trông được thì ai làm thay cho. Có con thì bản thân mình phải lo lấy chứ!
Thấy Phưong Hoàng không để ý gì đến mình, Hồ Ðậu vội vàng nói:
- Thưa Phương Hoàng, ngài là chúa tể của muôn chim, cho nên tôi mới đến cầu Ngài. Ngài lại coi khinh tôi cho là việc nhỏ. Nhưng việc nhỏ không giải quyết thì có ngày việc nhỏ sẻ trở thành việc lớn, Ngài đừng trách tôi, bảo rằng tôi có lỗi!
Phượng Hoàng không chú ý nghe, chỉ ậm à nói:
- Ừ, ừ, hừ hừ
Sợ Phượng Hoàng không nghe rõ, Hồ Ðậu lại nói:
- Sao lại ừ, ừ, hừ, hừ. Việc nhỏ không giải quyết, có ngày việc nhỏ sẽ thành việc to, khi đó Ngài đừng có trách tôi nhé!
Phượng Hoàng vẫn không chú ý nghe, chỉ ậm à nói:
- Ừ, ừ, hừ hừ
Không còn cách nào khác, Hồ Ðậu đành phải quay về.
Hồ Ðậu về nhà giận dữ tìm cỏ làm một mũi tên rồi đỗ trên một cành cây nhỏ, mặt nhìn trừng trừng chờ tên chuột đồng tham ăn trở lại.
Một lát sau, quả nhiên Chuột đồng tới định ăn trứng chim. Hồ Ðậu giận lắm, dùng mũi tên cỏ bất thình lình lao thẳng vào mắt Chuột đồng. Mũi tên cỏ cắm vào mắt, Chuột đồng đau đớn quá kêu chi chí chui rúc lung tung khắp mọi nơi.
Lúc đó, có một con sư tử đang nằm ngủ bên bờ biển. Chuột đồng mãi chui, rúc ngay vào mũi Sư Tử. Sư Tử giật mình tỉnh dậy, thấy lỗ mũi có con gì chui vào, không rõ đầu đuôi xuôi ngược ra sao liền nhảy ngay xuống biển.
Dưới biển có một con rồng đang ung dung bơi đi bơi lại. Bỗng nhiên thấy Sư Tử nhảy chồm tới, tưởng là Sử Tử vồ mình, Rồng liền uốn khúc bay vọt lên không. Không ngờ lúc Rồng bay lên lại bay qua tổ Phượng Hoàng, chạm vào tổ làm lật nghiêng đi, rơi vỡ mất một chiếc trứng Phượng Hoàng. Phượng Hoàng vô cùng phẫn nộ, tìm Rồng nói:
- Ngươi là Rồng, ta là Phượng, ngươi ở dưới biển, ta ở trên cạn, hai bên không hề xâm phạm lẫn nhau bao giờ. Ngươi biết đấy, loài Phượng Hoàng ta mỗi năm chỉ sanh một trứng, chỉ nuôi một đứa con. Tại sao ngươi từ dưới biển bay lên làm đổ tổ của ta, đánh vỡ trứng của ta?
Rồng nói:
- Phượng Hoàng ơi! bà đừng trách tôi. Hôm nay tôi đang bơi dưới biển, thì bỗng đâu Sư Tử nhảy chồm xuống muốn ăn thịt tôi, tôi mới phải bay lên. Nào ngờ bay lên lại làm đổ tổ và vỡ mất chiếc trứng của bà. Bà muốn hỏi hãy hỏi Sư Tử, tại sao nó nhảy xuống biển định ăn thịt tôi?
Không còn cách nào khác, Phượng Hoàng đành phải tìm Sư Tử.
Sư Tử nói:
- Bà Phượng Hoàng sáng suốt ơi! Việc nầy không nên trách tôi. Hôm tôi đang ngủ ở ven biển thì bổng đâu tên chuột đồng chun vào mũi tôi, tôi đau quá mới nhảy xuống biển. Ðó là lỗi của Chuột đồng. Bà muốn hỏi thì hãy đi hỏi nó.
Không còn cách nào khác, Phượng Hoàng đành phải đi hỏi Chuột đồng.
Chuột đồng trả lời thận trọng:
- Thưa Phượng Hoàng cao quý! Ðấy không phải là lỗi tại tôi mà hoàn toàn là lỗi ở Hồ Ðậu. Tôi đang đi trong lùm cỏ thì nó dùng tên cỏ bắn vào mắt tôi. Tôi đau quá, đau không thấy trời thấy đất gì nữa, cứ thấy lỗ là chui vào, nên chui nhầm vào mũi Sư Tử. Ðó là lỗi ở Hồ Ðậu, ngài muốn hỏi thì xin cứ hỏi nó.
Không còn cách nào khác, Phượng Hoàng đành phải đi hỏi Hồ Ðậu.
Hồ Ðậu trang nghiêm trả lời:
- Thưa Phượng Hoàng! Chẳng phải tôi đã nói tất cả với Ngài rồi sao? Ngài xem khinh tôi, cho tôi thân hình nhỏ bé, lông cánh ngắn ngủi, sức lực yếu đuối, hình dáng xấu xí, không làm được trò trống gì, nên không hề chú ý nghe lời tôi. Ngài còn nói việc của tôi là cỏn con như hạt vừng, nào là con mình, mình phải trông nom, không nên đến quấy rầy Ngài. Hôm nay việc của Ngài tại sao lại không nhỏ như hạt vừng, tại sao Ngài lại không tự trông nom lấy con cái mà lại đi khắp nơi tranh cãi với mọi người. Chẳng lẽ Rồng hất đổ tổ của Ngài, đánh vỡ trứng chết con của Ngài mới là chuyện đáng nói, còn chuột ăn trứng của tôi, giết hại hai con tôi thì không phải chuyện đáng nói hay sao. Loại Hồ Ðậu chúng tôi đẻ tất cả được ba trứng trong bụi cỏ, mà ngày ngày chúng tôi còn phải đi kiếm mồi, trứng của Ngài thì ở trên cây cao mà lại có một chiếc, Ngài trông nom con cái chẳng dễ hơn loại Hồ Ðậu chúng tôi hay sao? Tại sao Ngài không trông coi cẩn thận?
Tôi đã chẳng nói với Ngài rằng:
- Việc nhỏ không giải quyết có ngày việc nhỏ sẽ thành việc lớn, lúc đó Ngài đừng có trách tôi! Tại sao hôm nay Ngài lại đến trách tôi?
Nghe Hồ Ðậu nói Phượng Hoàng rất ân hận, đành phải lặng lẽ bay đi.
Lời Bình:
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Hồ Ðậu hết lòng năn nỉ Phượng Hoàng giúp khi con của Hồ Ðậu bị chuột giết, nhưng Hồ Ðậu không được Phượng Hoàng quan tâm bởi lý do:
- Dưới mắt Phượng Hoàng, Hồ Ðậu không có giá trị đáng kể.
- Con của Hồ Ðậu chết chứ không phải con của Phương Hoàng
Ðó là lý do làm cho Phượng Hoàng dững dưng. Sự thật trên cõi đời nầy chúng ta cũng thường gặp rất nhiều lớp người có tâm lượng hẹp hòi tương tự như Phượng Hoàng. Nhất là những người trong hàng vua chúa, quan liêu, trưởng giả trong thời phong kiến ngày xưa và có lẽ ngày nay cũng vẫn có. Nhân phẩm của con người không được tôn trọng, vì thế ai đói, ai khổ, ai chết mặc ai, miễn là mình sung sướng no cơm ấm áo là được. Nhưng họ đâu biết rằng địa vị của họ có là do đám người thường dân nghèo khổ, tay lấm chân bùn mà có, nên trong văn học Việt Nam có câu:
- Nhất tướng công thành vạn cốt khô.
Nghĩa là:
- Vị chủ soái mà thành công là phải hy sinh không biết bao nhiêu sinh mang để có được ngày ca khúc khải hoàn.
Chúng ta biết mọi việc trong đời tất cả đều do sự tương quan tương duyên với nhau mà sinh trưởng hay hoại diệt. Ðạo Phật gọi đó là Nhân Duyên Sanh. Nghĩa là cái nầy có, cái kia có, cái nầy diệt, cái kia cũng diệt, tất cả từ việc lớn đến viêc nhỏ cũng thế. Do đó chúng ta thấy Từ một việc nhỏ đến việc lớn không một ai dám tự hào rằng mình là tất cả, mà không cần nhờ vả một ai. Ai là người có tư tưởng như vậy thì gọi là ngã mạn, sẽ không tồn tại.
Như chúng ta thấy, nếu Phuợng Hoàng không có nghĩ mình là đẹp, là trên hết thì có lẽ không có cái họa chết con. Sở dĩ có cái họa chết con là vì Phượng Hoàng chỉ nghỉ đến trên đời nầy chỉ có mình mình thôi. Phải biết rằng con người trên cuộc đời dù lớn, dù nhỏ, dù sang dù hèn tất cả mỗi người đều có cái quyền quý và nhân phẩm của nó. Một khi nhân phẩm bị chà đạp, theo bản năng sinh tồn mỗi cá nhân đều phải vùng lên để tìm lẽ sống.
Chúng ta thấy loại Hồ Ðậu tuy nhỏ thật, nhưng dẫu sao Hồ Ðậu cũng có quyền sống, và có quyền nói lên tiếng nói của mình. Nhưng một khi không được đáp ứng thì sự sân hận cũng bắt đầu trỗi dậy. Ðó là lý do thúc đẩy Hồ Ðậu, biết rằng tài hèn sức yếu những vẫn làm hết sức mình để nói lên sự căm tức của gia đình Hồ Ðậu. Kết quả là Hồ Ðậu đã trả được thù, làm đui mắt anh chuột, và gián tiếp giết chết con của Phượng Hoàng.
Chúng ta thấy nếu lúc Hồ Ðậu gặp hoạn nạn mà Phượng Hoàng tử tế biết lo lắng giúp đỡ Hồ Ðậu, biết nhận cái khổ chết con của Hồ Ðậu là cái đau của mình, có lẽ con của Phượng Hoàng không chết. Từ đây chúng ta có môt bài học:
- Ðừng bao giờ tự mãn, và không nên có thái độ dửng dưng như Bà Phượng Hoàng cao quý, mà hãy dẹp bỏ cái bản ngã cao vời vợi của chính mình, để cùng hòa mình chung sống với mọi người.
- Nếu thấy lợi, đừng nên nghỉ đến quyền lợi cho riêng mình, gia đình, thân bằng quyến thuộc của mình, mà hãy nên tập tinh thần đoàn thể là trên hết.
- Ai cũng có lỗi lầm, nếu tha được thì cứ tha, không nên bươi móc, chỉ trích lên án người mà không cần biết có thực hay không có thực, đúng hay sai, không cần biết sự đau khổ của người khác khi bị lên án, chỉ trích.
Bởi vì chúng ta dững dưng với người, thì có lúc người cũng dững dưng với ta. Chúng ta chỉ biết lo cho thân bằng quyến thuộc của mình, thì người ta cũng biết lo cho thân bằng quyến thuộc của họ. Chúng ta chỉ trích, bươi móc, lên án người như thế nào, thì người chỉ trích, bươi móc, lên án chúng ta cũng như thế.
Chúng ta hãy nghe Hồ Ðậu trả lời Phượng Hoàng:
- Thưa Phượng Hoàng! Chẳng phải tôi đã nói tất cả với Ngài rồi sao? Ngài xem khinh tôi, cho tôi thân hình nhỏ bé, lông cánh ngắn ngủi, sức lực yếu đuối, hình dáng xấu xí, không làm được trò trống gì, nên không hề chú ý nghe lời tôi. Ngài còn nói việc của tôi là cỏn con như hạt vừng, nào là con mình, mình phải trông nom, không nên đến quấy rầy Ngài. Hôm nay việc của Ngài tại sao lại không nhỏ như hạt vừng, tại sao Ngài lại không tự trông nom lấy con cái mà lại đi khắp nơi tranh cãi với mọi người. Chẳng lẽ Rồng hất đổ tổ của Ngài, đánh vỡ trứng chết con của Ngài mới là chuyện đáng nói, còn chuột ăn trứng của tôi, giết hại hai con tôi thì không phải chuyện đáng nói hay sao. Loại Hồ Ðậu chúng tôi đẻ tất cả được ba trứng trong bụi cỏ, mà ngày ngày chúng tôi còn phải đi kiếm mồi, trứng của Ngài thì ở trên cây cao mà lại có một chiếc, Ngài trông nom con cái chẳng dễ hơn loại Hồ Ðậu chúng tôi hay sao? Tại sao Ngài không trông coi cẩn thận?
Tôi đã chẳng nói với Ngài rằng:
- Việc nhỏ không giải quyết có ngày việc nhỏ sẽ thành việc lớn, lúc đó Ngài đừng có trách tôi! Tại sao hôm nay Ngài lại đến trách tôi?
Nghe Hồ Ðậu nói Phượng Hoàng rất ân hận, đành phải lặng lẽ bay đi.
-- o0o --