Vài Dòng Cảm Nghĩ
Chúc Tú
--o0o--
 
Như có cái gì thôi thúc, tâm trí mải đắm trong suy nghĩ, trực nhận được tận cõi lòng sâu thẩm của chính mình nên con, xin ghi lại những dòng chữ nầy, và xin trân trọng gởi đến Thầy cùng các bạn đồng học. 
Trong không khí ấm cúng của lớp học Phật Pháp tại chùa Dược Sư, các huynh đệ kín đáo cùng nhau tổ chức ngày kỹ niệm một năm học, vì muốn Thầy ngạc nhiên nên không báo trước, đầy xúc động, thật tự nhiên vui nhộn và thân ái.
            Trước hết Anh Lớp Trưởng thay mặt, nói lời tri ân công đức vô lượng của Thầy đã để hết tâm sức vào việc dạy Phật Pháp cho các Phật Tử chúng con. Tâm nguyện của Thầy mong sao cho chúng con có được số vốn căn bản về Phật học, có cái nhìn đúng chánh kiến.
            Nhớ lại, từ những ngày đầu bỡ ngỡ trong những bài học Tập Sự Xuất Gia Ðại Cương. Thầy dạy cho chúng con có hiểu biết tổng quát về các hệ phái trong đạo Phật, về cung cách của người xuất gia, tổ chức các nghi lễ, từ đó làm con say mê theo dõi, cố gắng học tập kinh điển. Từ nỗi khổ niềm đau mất đi người thân yêu, giúp cho con hiểu sâu sắc lời Phật dạy, về kiếp sống của con người, một cuộc sống quá ngắn ngũi, quá nhỏ bé và hiểu thế nào là vô thường của cuộc đời. Con tự nhủ:
- Ðau khổ đè nặng trên trái tim nhỏ bé của con, vì thế con phải tìm cách thoát ra khỏi nổi đau trầm luân nầy, phải tìm cách tự cứu lấy mình, vì không ai, không một vị thần linh nào có thể giúp và cứu con được ngoài chính bản thân của con.
Từ đó con nhận thức, muốn trở về với chính mình, phải dùng giáo pháp của Phật để gột rửa những phiền não. Nương vào những kinh điển của Phật để tự cứu lấy mình, hành động tự cứu đó Phật Giáo gọi là tu hành. Nhưng tu hành mà không Thầy hướng dẫn, nhiều khi cũng tu sai, cho nên cần phải học. Tu mà không học là tu mù, học mà không tu chỉ là cái đãy đựng sách. Do đó con phát tâm tu hành theo lời Phật dạy, vì thế con cố gắng học hỏi trong kinh sách, nhưng con thấy đôi khi nổi khổ niềm đau thực tập hoài không chuyển hóa nổi, vì thế con biết là con cần phải có Thầy hướng dẫn, chỉ dạy. Ngoài thầy ra con thấy cũng cần phải có bạn thiện tri thức, khuyến khích giúp tinh tấn. Chính những bạn hữu thiện trí thức nầy, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc khai mở cho con rất nhiều về những hiểu biết, nghĩa lý mà chúng ta chưa thông suốt trong lúc tu hành,
Ngoài việc thầy hướng dẫn, các Thiện Tri Thức ra, Con thấy cũng cần phải thực tập thêm các hạnh: Văn nghĩa là nghe, nghe xong rồi phải vận dụng trí óc để suy nghĩ: Tư. Suy nghĩ cho kỷ càng, tinh tấn tu tập: Tu.
Phật đã dạy:
- Hiểu ta rồi hãy theo ta.
Do được biết pháp, suy nghĩ rồi tu, nên khi tu là đã có Lòng Tin ở chân lý, muốn lòng tin được vững chắc không thối chuyển. Trên con đường tu học, tìm hiểu chân lý, có thể sẽ gặp những chướng ngại khó khăn, vì thế nên phải Phát Nguyện. Sau đó theo lời nguyện mà thực Hành. Ðó là ý nghĩa của Tín, Nguyện, và Hành. 
Ðức Phật cũng đã từng dạy:
- Tất cả kết quả đều sinh từ ý muốn, vì ý muốn là nhân, có nhân chắc chắn phải có quả. Cũng có những trường hợp muốn nhưng lại đưa đến kết quả khác, là vì chúng ta muốn mà không có trí tuệ(không có chánh kiến) thì rất nguy hiểm. Bởi vì trong tiến trình ý muốn sẽ đưa đến hành động, khi có chánh kiến thì hành động nào cũng là đạo hết. Bồ Ðề Tâm được phát triển chỉ khi nào ý muốn của chúng ta chính đáng. Ước nguyện có chính đáng, có chí hướng khi đó phiền não, nổi đau khổ dần dần mới tan.
Trong Kinh Nhật Tụng Hằng Ngày, có những câu nguyện, nội dung diễn tả ý nghĩa sự phát tâm của người tu học như sau:
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
            Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
            Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
            Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
            Thầy cũng từng dạy:
- Tâm nguyện của Bồ Tát là muốn cho chúng sanh thoát khỏi bến bờ sanh tử, vì thế mà Bồ Tát vào đời để độ đời.
Do đó con nghĩ, nếu muốn tu Bồ Tát Hạnh, hành Bồ Tát Ðạo mà không biết gì hết, không có khả năng độ mình thì làm sao độ người. Muốn thế thì phải học hỏi, phải tìm đến chùa, có Thầy, có bạn Thiện Hữu Tri Thức để hướng dẫn chúng con.
Từ khi nhận đạo tràng chùa Dược Sư làm mái nhà thân yêu trong đại gia đình nhà Phật, Con được tưới tẩm giáo lý của đức Phật, và đã ngưỡng mộ giáo lý cao cả đó. Thuở ban đầu chỉ là những bóng đen, dần lên là một đóm lửa nhỏ trong đêm tối, những tháng ngày qua Thầy đã soi đường cho con tìm về chánh pháp, nên con quyết chí học đạo. Ở đây Con xin ghi lại vài nét đại cương về những bài học trong suốt một năm qua.
Khởi đầu Thầy đã dạy tổng quát về ý nghĩa thời kinh sớm mai. Thầy dạy:
- Người tu Phật trước hết phải học thông suốt cả chữ, lẫn ý nghĩa trọn thời khóa tụng đễ tụng thuộc lòng vừa xét hiểu ý nghĩa. Kế tiếp là luyện tập cho cái tâm định cho thuần thục.
Kế đến Thầy giảng về Chú Lăng Nghiêm:
- Niệm Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm là để trị bệnh ngũ dục chưa sanh khởi, tiêu trừ các bệnh vọng tưởng điên đão từ ức kiếp, làm tâm hồn được sáng suốt, rỏ bày cái tánh chân như của Như Lai Tạng. Khi đó tâm cảm đến đâu thì thấu suốt đến đó.
Thủ Lăng Nghiêm là tên của một loại Tam Muội, đó là một pháp đứng đầu của 108 pháp tam muội, là một cái tên chung của tất cả pháp đại định. Chú Lăng Nghiêm có công năng giải trừ tai ương, hàng phục thiên ma ngoại đạo.
            Kế đến là Chú Ðại Bi. Thần chú nầy được kết hợp tên của 84 vị Bồ Tát, Tôn Giả, A La Hán, là những hóa thân của đức Quán Thế Âm. Chú nầy có công năng là muốn gì được nấy, bởi vì đức Quán Thế Âm Bồ Tát nguyện như thế. Nếu ai thọ trì chú nầy, thì cho dù người ấy phạm vào những trọng tội thì trọng tội cũng được xóa bỏ. Tuy nhiên khi thọ trì mà phát tâm nghi ngờ, hoặc có tâm không lương thiện thì không có hiệu nghiệm. Ðiểm đặc biệt của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, vì muốn giúp đỡ chúng sanh nên Ngài thị hiện ra ngàn tay trong ngàn tay có ngàn mắt:  
- Thiên xứ hữu cầu, thiên xứ ứng.
            Kế đến là Thập Chú.
01- CHÚ NHƯ Ý BẢO LUÂN VƯƠNG ÐÀ LA NI.
Công dụng của thần chú nầy là rửa sạch những bụi trần phiền não trong tâm, khi bụi lòng đã sạch thì có thể phát khởi được lòng đại bi đồng thể, chuyển được xe pháp luân như ý. Người thọ trì chú nầy nhờ pháp bí mật nó quay lăn trong tự tâm, nên có thể diệt trừ tất cả các nghiệp chướng, phá giải tai nạn khổ ách, được nhiều phước báu trong hiện tại.
02- TIÊU TAI CÁT TƯỜNG THẦN CHÚ.
Theo Kinh Tiêu Tai Cát Tường nói rằng:
- Phật Ta La Vương Như Lai đã nói thần chú Xí Thạnh Quãng Ðại Oai Ðức Ðà La Ni là phương pháp để giải tai nạn cho chúng sanh...
Chữ tiêu tai muốn nói từ nơi tâm sanh ra tai ách cũng từ nơi tâm diệt tai ách, nên gọi là tiêu tai.
Chữ Cát Tường:
Bởi chỗ tạo nghiệp đời trước, nên nay cảm chịu lấy, nghĩa là các điều thống khổ tập trung nơi cái thân tâm đây, nên nó là tai. Nghiệp chướng đã thanh tịnh rồi, được vui mừng nơi tâm, nên nói là Cát Tường.
Người thọ trì thần chú nầy, tâm phải đủ ba phép quán:
- Lấy Không quán để tiêu tai,
- Dùng phép Giả Quán để huân tập sự Cát Tường,
- Trung Quán. Dùng phép Giả Quán để quy tụ sự Cát Tường. Chữ Giả ở đây muốn nói dù chỉ là một niệm chân thành thì tai cũng tiêu, cát thì đến, đồng thời gọi là pháp giới tánh, đó tức là Trung Quán.
Khi tâm mê, thì cát tức là tai. Khi tâm Ngộ, thì tai tức là Cát. Nghĩa là khi tâm còn hôn mê thì dầu là điều cát Tường cũng thành ra tai hại, Tâm đã ngộ rồi, ví dầu tai hại cũng hóa thành Cát Tường.
03- CÔNG ÐỨC BẢO SƠN THẦN CHÚ
Trong cuốn Viên Nhân Vãng Sanh Tập có dẫn lời của Kinh Ðại Tập nói:
            - Nếu người tụng một biến thần chú nầy, công đức cũng bằng lạy bốn vạn năm ngàn bốn trăm biến Ðại Phật Danh Kinh. Cũng bằng tụng 60 vạn 5 ngàn 4 trăm biến Ðại Tạng Kinh. Vì dầu có tạo tội chứa đầy hơn mười cõi nước, phải đọa vào địa ngục lớn vô gián đi nữa đến khi lâm chung cũng được quyết định vãng sanh về cực lạc thế giới thấy đặng đức Phật A Di Ðà, rồi sanh lên bực thượng của Thượng Phẩm.
04- PHẬT MẨU CHUẨN ÐỀ .
Kinh Chuẩn Ðể có nói:
            - Lúc Ðức Như Lai trụ tại vườn cây của ông Kỳ Ðà và Tu Ðạt được tứ chúng và Bát Bộ đều đông đủ, đức Thế Tôn vì thương tưởng đến chúng sanh bị nghiệp dày phước mỏng trong đời mạt pháp, nên Phật vào định Chuẩn Ðề Tam Muội, rồi thuyết pháp thuật lại thần chú nầy.
Người thọ trì chú nầy đủ chín chục muôn biến, có thể diệt được các tội thập ác ngũ nghịch. Nhẫn đến các nhà thế tục nào bất luận là tịnh hay uế, chỉ cần chí tâm tụng thần chú nầy, liền được tiêu trừ tai nạn bệnh hoạn, và tăng trưởng nhiều phước thọ. Tụng đủ 49 ngày liền được đức Bồ Tát sai hai vị Thánh Giả đến phò hộ người ấy, trong những lúc đi đứng nằm ngồi.
05- CHÚ THÁNH VÔ LƯỢNG THỌ QUYẾT ÐỊNH QUANG MINH VƯƠNG ÐÀ LA NI.
Vì thương xót chúng sanh tuổi thọ quá ngắn ngủi, muốn cho chúnh sinh tăng trưởng thọ mạng và lợi ích lớn nên đức Thế Tôn nói thần chú nầy.
06- DƯỢC SƯ QUÁN ÐẢNH CHÂN NGÔN.
Khi Ðức Phật nhập vào Ðịnh Tam Ma Ðịa, là định dứt trừ hết tội khổ và Ngài phóng hào quang nói thần chú nầy.
            Nếu ai có bệnh chi, chỉ chuyên nhất tâm đọc thần chú nầy 108 biến để chú nguyện vào ly nước sạch rồi uống, thì các bệnh đều dứt liền. Có người nào chuyên trì chú nầy trọn đời thì không đau ốm, sống lâu, đến lúc mạng chung, được vãng sanh về thế giới Tịnh Lưu Ly bên Ðông Phương.
07- QUÁN ÂM LINH CẢM.
Ðức Quán Thế Âm có lòng đại bi thật tha thiết, đức độ sanh lan khắp. Nếu ai tụng chú nầy với tâm thành kính, không nghi ngờ, tâm đại bi mở rộng thì cảm ứng nội tâm của người trì tụng sẽ đến tâm của người khác, và thế giới bên ngoài.
08- CHÚ THẤT PHẬT DIỆT TỘI.
Thần chú nầy là chân ngôn của bảy đức Phật thời quá khứ. Nếu ai thành tâm tụng chú nầy sẽ diệt được tứ trọng tội, ngũ nghịch, và sẽ được vô lượng phước đức.
09- VÃNG SANH THẦN CHÚ.
Cũng có tên là Bạt Nhất Thế Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà La Ni. Theo Truyện Bất Tư Nghì Thần Lực có chép:
- Với pháp trì chú, người tu thân và miệng phải thường súc miệng cho thật sạch, dâng hương đốt trước tượng phật quì gối chấp tay ngày đêm sáu thời, mỗi thời 21 biến liền diệt được các tội ngũ nghịch, thập ác, và hủy báng chánh pháp. Nếu người thường tụng chú nầy được đức Phật A Di Ðà thường ở trên đỉnh đầu để ủng hộ, không cho kẻ thù tiện bề phá khuấy, hiện đời vẫn được yên ổn, đến hơi thở cuối cùng được tùy ý vãng sanh.
            Tụng đủ 20 vạn biến liền cảm thấy tâm Bồ Ðề nảy mộng.
            Tụng đủ 30 muôn biến liền trước mặt tự thấy Phật.
10- THIỆN THIÊN NỮ CHÚ.
Thần chú nầy do tiên nữ Thiện Thiên nói, ý muốn cho người tu trì được đầy đủ vật dụng để sống, cầu cái chi được cái nấy.
Kế đến Thầy giảng về Bát Nhã Tâm Kinh. Bổn kinh nầy nói về các pháp thuộc sở hữu của tâm. A Lại Da Thức cũng như Như Lai Tạng Tánh. Tâm là nguồn gốc của muôn pháp. Tâm kinh cũng là điểm tinh yếu của bộ Ðại Bộ Bát Nhã, ý nghĩa của kinh rất là cao tột sâu xa, ít người hiểu thấu, đức Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát duy nhất đã xét soi đến tận sự nơi sâu thẳm của tâm kinh một cách tự tại. Ngài đã chứng đắc và có trí tuệ rộng lớn. Trong cảnh giới chứng ngộ đó Ngài muốn chia xẻ đến chúng sanh nên Ngài nói Kinh nầy.
Trong hơn nữa năm qua, Thầy giảng để chúng con nắm vững từ ý nghĩa đến kinh văn. Thầy đã để hết tâm sức vào việc dạy cho chúng con thật rõ về tâm kinh nầy. Trong thời gian học kinh Bát Nhã, cả lớp đều nói khó quá Thầy ơi, cho nên Thầy phải xen vào giảng dạy ba mươi chín thiên Uy Nghi, để giảm bớt sự khô khó trong bài học. Thầy dẫn những thí dụ trong cuộc đời tu học của Thầy vui buồn làm cả lớp cười như pháo nổ.      
Bước sang năm học thứ hai, trong niềm vui, con xin làm một bài thơ kính tặng Thầy.
- Ơn Cha Mẹ ví như trời biển
            Thầy tỗ gương sáng con noi theo
            Thích nhất lúc Thầy đang nói pháp
            Ðồng tâm con nguyện ráng tu hành.
            Trung đạo nguyền đạt tới chân như.
Con nghỉ mãi câu sau cùng không ra, phải nhớ đến chị Diệu Thanh góp ý nên Con có trọn bài thơ: Ơn Thầy Thích Ðồng Trung. Và cùng chị Trúc Sinh hợp ca bài Cánh Hoa Vô Thường của Sư Bà Huyền Tống. Chúng con kính tặng Thầy và tất cả các huynh đệ thân thương trong lớp học bài ca ngắn 'Xúc Tích' về ý nghĩa Vô Thường và lấy đó làm pháp môn tu tập:
- Kìa, cánh hoa hồng trông đẹp quá
            Khiến người sao mãi ngẩn ngơ trông.
            Thoáng qua giây phút rồi ta thấy
            Hoa nở để tàn sắc tức không.
            ------------------------------------------
            ------------------------------------------
            Hảy giữ lòng ta không hề xao động
            Trước những đổi thay của cuộc vô thường.
Ðến đây tôi nhận ra rằng, tu tập phải thực tập để trở thành tập quán, nếu không thì tâm tu sẻ có khuynh hướng hướng về thế tục. Các anh chị có đồng ý với tôi không?
Mời các bạn hãy bước vào lớp học Phật Pháp, tạo điều kiện gieo hạt giống Phật Pháp vào tâm thức cho tâm hồn tìm được niềm yên vui, hạnh phúc giữa dòng đời nhiều đau khổ.
Chúng con thành kính cúi đầu nguyện cầu hồng ân tam bảo gia hộ cho Thầy Pháp Thể khinh an, chúng sanh dị độ, để soi sáng và tiếp dẫn chúng con trên bước đường chánh pháp, chúc các anh chị, và các bạn cùng thăng tiến trên đường vui.
-- o0o --