Bước Chân Kỳ Diệu
SC. Thich Nữ Giác Ðăng ghi
--o0o--
 
Ðức Phật đạy có năm điều lợi ích của việc đi kinh hành:
01- Người thường thực tập kinh hành có một sức chịu đựng bền bỉ để đi đường xa.
02- Người đi kinh hành sẽ có sự chịu đựng bền bỉ trong khi thiền hành.
03- Sự quân bình giữa đi và ngồi giúp có sức khỏe tốt.
04- Thiền hành cũng giúp cho chúng ta được tiêu hoá dễ dàng.
05- Kinh hành tạo nên một sự định tâm bền vững.
Trong những khóa tu cũng như vào những ngày Quán Niệm, chúng ta thường ngồi Thiền và kinh hành xen kẻ nhau, cứ mỗi mười phút thiền toạ thì chúng ta lại có mười phút thiền hành. Thực ra thường thì tiêu chuẩn ngồi thiền là một giờ, có chỗ thì hai giờ. Tuy nhiên chúng ta ở đây mới sơ cơ học đạo chúng ta chỉ thực tập mỗi mười phút thiền tọa, và đi kinh hành.
            Trong sinh hoạt hằng ngày, thiền hành và kinh hành đóng một vai trò hỗ trợ hết sức đắc lực. Mặc dầu thời gian ngồi ngắn ngủi mười phút rồi đi kinh hành nhưng đó là điều kiện tốt giúp chúng ta tập trung tâm ý một cách dễ dàng. Chánh niệm được khai triển trong lúc kinh hành rất có lợi cho chúng ta, vì trong lúc làm việc hằng ngày chúng ta thường đi tới đi lui, từ nơi nầy sang nơi khác. Cho nên Kinh Hành là cơ hội tốt để chúng ta luyện tâm.
            Nếu có lúc chúng ta biết thực tập thiền quán là phương pháp giúp cho ta duy trì tỉnh thức thì thiền hành là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho chúng ta trên phương diện thức tỉnh. Chánh niệm được quân bình, và chính xác thì sẽ giúp cho sự tập trung tâm ý của chúng ta được lâu dài. Nếu chúng ta chịu khó quán sát một cách sâu xa các khía cạnh của thân và tâm trong khi thiền hành, thì chúng ta sẽ tìm thấy sự thoải mái, dễ chịu, an bình trong khi thiền hành.
            Thiền hành khác với đi bộ thông thường ở chỗ thiền hành bao gồm sự chú tâm vào tiến trình đi. Có hai cách đi nhanh hoặc chậm:
- Ði Nhanh: Chúng ta phải ghi nhận mỗi bước chân phải thì chúng ta biết chúng đang bước chân phải, khi bước chân trái thì chúng ta biết chúng ta đang bước chân trái.
- Ði Chậm: Chúng ta cũng phải tỉnh thức theo dõi cảm giác đang diễn tiến nơi chân. Nghĩa là chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức biết khi nào chúng ta dở chân lên, bước chân đi, và lúc đặt chân xuống.
Tuy nhiên dù là nhanh hay chậm, chúng ta đều cố gắng chú tâm vào cảm giác đang diễn tiến khi đi, và chỉ chú tâm vào những cảm giác nầy thôi.
Hãy ghi nhận tiến trình xảy ra khi chúng ta hoặc những người bạn đồng tu của chúng ta dừng lại để xá Phật hoặc Bồ Tát, rồi lúc chúng ta tiếp tục bước trở lại. Ðừng nhìn theo chân mình hoặc chân bạn, mà chúng ta chỉ theo dõi những cảm giác bên trong chân của chúng ta. Việc chính của chúng ta là chú tâm vào cảm giác và theo dõi cảm giác biến chuyển trong ta. Thực hành đều đặn như vậy chúng ta sẽ khám phá ra những sự kỳ lạ và lý thú trong nội tâm như:
- Cảm giác an lạc thỏa mái, tinh thần sảng khoái, và niềm tự tin...
Ðồng thời cũng có thể nhìn thấy được những yếu tố thuần tịnh về vật chất như:
- Nặng, nhẹ, nóng, lạnh..v..v...
            Ðể hỗ trợ cho việc duy trì chánh niệm một cách chính xác, trong lúc thiền hành hoặc kinh hành, chúng ta có thể chia động tác của mỗi bước đi ra làm ba chuyển động:
            - Nhắc chân lên
            - Bước chân đi,
            - Ðặt chân xuống.
            Cứ mỗi khi chuyển động chân thì chúng ta niệm thầm sự khởi đầu của mỗi chuyển động nhỏ nầy đồng thời theo dõi các cảm giác và diễn biến trong mỗi chuyển động nhỏ đó.
Một chuyển động nhỏ nhưng quan trọng là chúng ta nên bắt đầu ghi nhận những chuyển động như:
            - Nhắc chân lên: Ngay tức khắc chúng ta ghi nhận ngay lúc bước nhắc chân lên.
            - Bước chân đi: Ngay tức khắc chúng ta ghi nhận ngay lúc chúng ta bước chân đi.
            - Ðặt chân xuống: Ngay tức khắc chúng ta ghi nhận lúc chúng ta bắt đầu hạ chân thấp xuống.
            Nói về việc Nhắc Chân Lên, khi hành thiền trước tiên chúng ta phải chấp nhận một vài quy định, chẳng hạn như chúng biết đây là phương pháp điều phục tâm, và huân tập sức mạnh của nội tại. Vì thế chúng ta phải chuyên tâm, chúng ta mới hiểu rõ bản chất thật sự của tiến trình lúc nhắc chân lên, bắt đầu bước và tiếp tục là tiến trình khác gồm có nhiều cảm giác trong đó. Sự ghi nhận lúc nhắc chân lên phải hướng tâm vào đề mục một cách chính xác.
Tâm con người thường giống như con vượn chuyền cây, ngựa rông ngoài đồng nội, vì thế khi tâm được hướng vào đề mục một cách chính xác thì đó là sợi dây trói cái tâm buông lung của chúng ta lại, lúc đó chánh niệm sẽ tự ổn định trên đề mục quan sát.
Khi tâm hướng vào mục tiêu, hay Chánh Tư Duy và Chánh Niệm có mặt, thì sự định tâm mới phát triển. Ðịnh tâm là tập trung vào một điểm. Tính chất của định tâm là giữ tâm khỏi bị tán loạn và tản mát.
            Quan sát cho kỹ thì những tiến trình của những chuyển động bước chân của chúng ta giống như một đàn kiến nối đuôi nhau bò trên tường. Từ đằng xa chúng ta chỉ thấy giống nhu sợi dây bất động nằm trên tường nhưng đến gần hơn, ta sẽ thấy sợi dây nhúc nhích và chuyển động. Ðến gần hơn nữa chúng ta sẽ thấy sợi dây là những con kiến riêng rẽ bò theo nhau thành một đường dài.
            Từ đó chúng ta thấy ý niệm về một sợi dây của chúng ta chỉ là ảo, tưởng. Bây giờ chúng ta thấy rõ từng con kiến một, chúng nối đuôi nhau bò.
Cũng vậy khi nhìn kỹ tiến trình Nhắc Chân Lên, Bước Chân Ði, Ðặt Chân Xuống thì các yếu tố hay các đặc tính của tâm sẽ tiến gần hơn đến đối tượng được quan sát. Sự quán chiến càng gần bao nhiêu thì bản chất thật sự của tiến trình càng được nhận rõ bấy nhiêu.
            Khi sự quán chiếu Trí Tuệ do Thiền mà sanh ra phát khởi càng mạnh thì những khía cạnh đặc biệt của chân lý dần dần và tuần tự xuất hiện. Sự xuất hiện tuần tự của trí tuệ nầy gọi là tuệ giác.
            Tuệ giác đầu tiên là người thực thiền như chúng ta bắt đầu hiểu được về tiến trình của bước chân đi là một tổng hợp của hai hiện tượng thân và tâm xảy ra cùng một lúc với nhau.
            Sự chuyển động của thân là hiện tượng vật chất, và sự nhận biết là tiến trình của tâm là hiện tượng tinh thần. Cả hai liên kết nhau nhưng tính chất thì hoàn toàn khác biệt. Lúc đó chúng ta bắt đầu thấy toàn thể các hiện tượng của tâm, và tất cả các cảm giác diễn biến trên thân.
Chúng ta lại thấy rõ ràng nữa rằng tâm là nhân và thân là quả. Hoặc thân là nhân và tâm là quả, điều nầy chúng ta có xét ở hai phương diện.
            Yếu tố nội tại: Như khi chúng ta có ý định nhắc chân lên thì lúc bấy giờ thân mới chuyển động......
            Yếu tố ngọai tại: Như khi chúng ta cảm thấy lạnh, thì tâm muốn tìm đến chỗ nào, ấm.
            Tuệ giác hiểu biết về nhân quả có muôn hình vạn trạng, và khi tuệ giác nầy phát khởi thì cái nhìn của chúng ta về cuộc đời sẽ trở nên đơn giản hơn trước nhiều.
Tuệ Giác thứ hai là Tuệ Giác hiểu biết về cuộc sống của chúng ta không có gì hơn là một chuỗi dài nhân quả của thân và tâm.
Khi định tâm phát triển, chúng ta sẽ thấy rõ và sâu hơn những hiện tượng trong tiến trình của bước chân đi là vô thường, vô ngã, sinh ra rồi diệt đi theo một tốc độ nhanh chóng không lường được. Ðây là tuệ giác thứ ba mà chúng ta có được nhờ sự tập trung ý chí cao.
Ở tầng mức nầy chúng ta được trực tiếp rõ ràng bản chất thực sự của thân và tâm. Nếu nói về bản thân của chính mình thì hiện tượng sinh diệt là một tiến trình tự nhiên diễn ra theo luật nhân quả mà không có yếu tố bên ngoài xen vào.
Chúng ta thấy các hiện tượng có vẻ liên tục, chẳng qua là một ảo tưởng. Sự liên tục của hiện tượng thật ra chỉ là một chuỗi dài các tiến trình sinh diệt nối tiếp nhau như một cuốn phim chiếu trên màn ảnh. Chúng ta thấy hình ảnh chuyển động liên tục giống như thật, nhưng nếu quay chậm lại chúng ta sẽ thấy rõ từng diễn biến một, sẽ thấy các hình ảnh rời rạc, đứt đoạn nối tiếp nhau chạy qua ống kính.
Khi chúng ta thật có chánh niệm trong mỗi tiến trình của bước đi, nghĩa là tâm dính chặt vào chuyển động một cách chánh niệm, thấy rõ bản chất thật sự của những gì xảy ra lúc đó, đạo giải thoát sẽ rộng mở.
Vào mỗi giây phút chánh niệm mạnh mẻ, năm trong tám chi đạo sẽ có mặt. Ðó là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh, Chánh Hướng Tâm, và khi bắt đầu có trí tuệ, thấy rõ bản chất thật sự của hiện tượng thì chánh kiến phát khởi. Vào lúc năm yếu tố của Bát Chánh Ðạo có mặt, tâm hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não và lúc đó nếu chúng ta xử dụng tâm trong sạch ấy để quán chiếu vào bản chất tự nhiên của các hiện tượng thì chúng ta sẽ thoát khỏi mọi ảo tưởng hay mê lầm về cái ta.
Chúng ta chỉ còn thấy một hiện tượng đến và đi đơn thuần. khi ta đã có tuệ giác thấy được hiện tượng nhân quả, thấy được sự tương quan của danh sắc, chúng ta sẽ không còn có quan niệm sai lầm vể bản chất của các hiện tượng. Khi thấy rõ rằng mọi đối tượng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, chúng ta sẽ không còn có ảo tưởng về sự trường tồn bất biến, không còn ảo tưởng về sự liên tục.
Khi hiểu rõ vô thường và sự bất toại nguyện ẩn tàng trong đó thì ta không còn ảo tưởng sai lầm rằng thân và tâm của chúng ta không đau khổ.
Sự thấy rõ trực tiếp đặc tính vô ngã giúp chúng ta thoát khỏi cống cao ngã mạn, và không còn có sự hiểu biết sai lầm rằng chúng ta có một cái ngã. Khi thận trọng quan sát tiến trình bước chân chúng ta thấy thân và tâm là bản chất của đau khổ và bất toại nguyện, thì ta thoát khỏi ba trạng thái:
- Tâm Ngã Mạn
- Tà Kiến,
- Tham Ái
Ba trạng thái nầy thường được gọi là pháp trường tồn, vì chúng có khả năng giữ chúng ta trong cảnh luân hồi, trong vòng tham ái và khổ đau do nguyên nhân là không hiểu biết về chân đế hay sự thật tuyệt đối.
Thường thực tập và thận trọng chú tâm trong việc kinh hành và thiền hành sẽ phá vỡ được pháp trường tồn nầy và đưa chúng ta đến gần giải thoát.
Như vậy chỉ trong một cái dở chân thôi, chúng ta đã thấy được biết bao nhiêu điều kỳ diệu, vì thế Ðức Phật đạy có năm điều lợi ích của việc đi kinh hành:
01- Người thường thực tập kinh hành có một sức chịu đựng bền bỉ để đi đường xa.
Ðây là điều quan trọng vào thời kỳ của Ðức Phật vì thời bấy giờ, Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, muốn di chuyển từ địa phương nầy đến địa phương khác chỉ có mỗi một phương tiện là đi bộ. Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại với đầy đủ tiện nghi, chúng ta không còn đi bộ như Ðức Phật và các Thánh Chúng ngày xưa. Tuy nhiên chúng ta có thể nghĩ đến những lợi ích một cách đơn giản là nó giúp chúng ta có sức mạnh về thể chất.
02- Người đi kinh hành sẽ có sự chịu đựng bền bỉ trong khi thiền hành.
           Bởi vì trong khi đi kinh hành chúng ta phải cố gắng gấp đôi sự tinh tấn của mình, vì ngoài việc cố gắng thể chất để dở chân lên, chúng ta còn cần có nổ lực tinh thần để chánh niệm vào sự chuyển động.
Nếu sự tinh tấn gấp đôi nầy được duy trì trong suốt chuyển động, nhắc chân lên, bước chân đi, và để chân xuống, thì sức mạnh và sự bền bỉ của tâm tinh tấn sẽ được tăng cường, và đây là điều quan trọng vì tâm tinh tấn là yếu tố chủ yếu trong pháp hành thiền minh sát.
03- Sự quân bình giữa đi và ngồi giúp có sức khỏe tốt.
Sức khỏe tốt làm cho chúng ta tiến nhanh trong việc hành thiền. Ngồi quá nhiều cơ thể đau và mệt mỏi. Sự thay đổi tư thế và chuyển động trong khi đi sẽ giúp bắp thịt và kích thích máu lưu thông trong cơ thể và giúp ngăn ngừa bệnh tật.
04- Thiền hành cũng giúp cho chúng ta được tiêu hoá dễ dàng.
Việc tiêu hóa khó khăn sẽ đem lại nhiều bực dọc khó chịu và có thể khiến cho chúng ta bần thần uể oải thiếu sự thoải mái, và đây là một trở ngại trong việc hành thiền.
Kinh hành giúp cho sự bài tiết được dễ dàng, giảm thiểu dã dượi buồn ngủ. Sau khi ăn và trước khi ngồi, nếu đi kinh hành một cách chánh niệm thì sẽ tránh được uể oải buồn ngủ và gia tăng đức tinh tấn, một đức tính quan trọng trong việc hành thiền. Ðó là lý do ngày xưa khi Ðức Phật còn tại thế, thường thường sau khi ăn Ngài đi kinh hành
Ði kinh hành ngay trong khi thức dậy vào buổi sáng cũng là một cách thiết lập chánh niệm, tránh ngủ gục ngay trong giờ ngồi thiền đầu tiên trong ngày.
05- Kinh hành tạo nên một sự định tâm bền vững.
Khi chú ý tập  trung vào mỗi tác động lúc đi kinh hành thì sự định tâm sẽ trở nên liên tục, mỗi bước đi tạo nên một căn bản vững chắc cho việc ngồi thiền tiếp theo, và giúp cho tâm trụ trên đề mục từng thời khắc một cuối cùng sẽ nhận chân được thực tướng của mọi vật ở tầng mức cao thâm nhất.
Nếu đi kinh hành đều đặn và tinh tấn thì lúc ngồi, Chánh Niệm, và Chánh Ðịnh mạnh mẽ sẽ tự động tới.
-- o0o --