Vu Lan & Văn Học Dân Tộc
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
                                                                                   
- Tháng sáu buôn nhãn bán trâm                       
Tháng bảy Mười rằm xá tội vong nhân.
                            Ca dao
 
Rằm tháng bảy âm lịch là ngày lễ Vu Lan, ngày kỷ niệm Ngài Mục Kiều Liên cầu nguyện cho mẹ thoát khỏi đường ngạ quỷ; và cũng là ngày tết Trung Nguyên(cúng cô hồn) để cầu siêu cho những hương linh không người thờ cúng. Vậy hai ngày lễ nầy khác nhau hay là một? Những sự cầu nguyện nầy có phải là sự mê tín, phản khoa học không?
LỄ VU LAN hay Vu Lan Bồn hội là tên một pháp hội để cứu khổ cho cha mẹ đã mất. Kinh Vu Lan(Ullambana sultra) được đức Phật nói cho ngài Mục Kiền Liên cách nay hơn 25 thế kỷ; và do vị cao tăng Ấn Ðộ là Dharmaksa dịch từ Phạn ngữ sang Hán tự ở thế kỷ thứ ba đời Tây Tấn Trung quốc.
Theo truyền thuyết, đệ tử Phật Thích Ca là Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, Ngài dùng thần thông nhìn xuống các cõi khổ, thấy mẹ là bà Thanh Ðề đang bị treo ngược và ở chung với loài quỷ đói. Ngài thương quá, cầm lòng không được, liền dùng thần thông đem bát cơm đến dâng cho mẹ. Nhưng bà Thanh Ðề vừa thấy cơm, lòng tham bộc phát, nên vừa mới để vào miệng thì hoá thành lửa than hồng, bỏng cháy cả miệng lẫn tay. Mục Kiền Liên thấy cảnh bi ai như vậy, đứng trân người ra, không thốt nên lời, nước mắt dòng dòng, Ngài chào mẹ rồi trở về gặp Phật. Ngài đảnh lễ Phật và bày tỏ đầu đuôi tự sự, mong Phật từ bi chỉ bày phương pháp cứu độ.
Nghe xong đức Phật nói với Ngài Mục Kiền Liên: Mẹ Ông khi còn sống, lòng tham lam, tính ích kỷ gian dối, khinh khi Tam Bảo, đố kỵ các bậc chân tu, gây nhiều tội ác nặng nề, vì thế phúc đức một mình Ông không thể cứu độ được, mà phải nhờ thêm uy lực của chư tăng. Vậy, nhân ngày Rằm tháng Bảy, ngày chư tăng tròn ba tháng an cư thân tâm thanh tịnh, ngày chư Tăng tự tứ, ngày chư Phật mười phương hoan hỉ, Ông nên nhân ngày đó mà thiết lập chay đàn, nhờ công đức của các vị chân tăng đồng tâm nhất niệm mà nguyện cầu thì sẽ cảm hoá lòng mẹ Ông, cảm thông đến mười phương pháp giới chư Phật, như thế mới mong giải thoát được tội khổ. Ðức Phật nói tiếp: mẹ Ông tội căn sâu nặng như tảng đá lớn mà công đức tu hành của Ông chỉ như chiếc thuyền nhỏ, nên phải cần nhiều chiếc thuyền kết lại thành bè mới có thể đưa được tảng đá to nặng kia qua sông ngạ quỷ, thoát vòng trầm luân..
Mục Kiền Liên tuân lời Phật dạy, đem bán hết gia sản của bà Thanh Ðề, tập trung tài lực để lo việc trai tăng. Khi việc cúng dường trai tăng xong, bà Thanh Ðề nhờ công đức đó liền thoát khỏi  cảnh ngã quỷ và được vãng sanh lên Trời.
Từ độ ấy đến nay, mỗi năm đến ngày Rằm Tháng Bảy, người con thảo cháu hiền làm sống lại ý nghiã Vu Lan, rộng mở pháp hội Vu Lan Bồn để nhờ gia lực cầu siêu cho những thân nhân quá vãng từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, trải qua mấy ngàn năm vẫn chưa phai mờ.
Tết Trung Nguyên là lễ để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Ngày xưa ở các chùa thường lấy lá đa cuộn lại như cái bù đài, đem cắm ở những nơi tha ma mộ địa rồi nấu cháo đổ vào đó để mời các vong hồn tới hưởng.
Phong tục Việt Nam có nhiền tết như tết Nguyên Ðán, tết Ðoan Ngọ, tết Trung Thu... Và ba cái tết nữa mà ảnh hưởng Phật giáo rõ rệt là tết Thượng Nguyên(rằm tháng giêng), Trung Nguyên(rằm tháng Bảy) và Hạ nguyên( rằm tháng mười), riêng tết Trung Nguyên có thí thực nên gọi là lễ cúng Cô Hồn..
Sự việc cúng cháo thí ở tha ma mộ địa không được Phật dạy trong Vu Lan Bồn, nhưng thực ra nó bắt nguồn từ nhà Phật. Vì; người Phật tử tin rằng những vong linh vô thừa nhận kia có liên quan mật thiết với những người đang sống như chúng ta. Trong kinh Báo Phụ Mẫu Ân còn ghi lại:
- Một hôm Ðức Phật cùng Thánh chúng đi du hóa thì thấy một đống xương khô ở đường, Ðức Phật khóc rồi xụp lạy đống xương ấy.
Tôn Giả A Nan lấy làm ngạc nhiên hỏi Phật:
- Thầy là bậc từ phụ của ba cõi, bốn loại, cớ sao lại lạy đống xương khô vô danh như vậy?
Ðức Phật bảo Tôn Giả A Nan:
- Dưới mắt phàm phu thì đống xương vô thừa nhân kia không có một giá trị nào, nhưng theo tuệ nhãn của Phật thì đống xương khô đó chính là của ông, bà, cha, mẹ, của người thân hoặc chính xương của chúng ta trong vô lượng kiếp theo cái vòng quay của sinh tử luân hồi vô tận.
Vì vậy cầu, cúng cô hồn cũng là cầu cúng cho ông bà cha mẹ chúng ta vậy:
... Bây giờ, Phật lại  lên đường
Cùng hàng đại chúng Nam phương tiến hành
Ðến giữa đường, dành dành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
Thế Tôn bèn vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng
Ðức A Nan tủi lòng ái ngại
Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương ?
Vội vàng xin Phật dạy tường
Thầy là Từ Phụ ba phương, bốn loài
Ai ai cũng kính Thầy dường ấy
Cớ sao Thầy lại lạy xương khô ?
Phật rằng trong các môn đồ
Người là đệ tử đứng đầu dày công
Bởi chưa biết đục trong cho rõ
Nên vì ngươi ta tỏ đuôi đầu
Ðống xương dồn dập bấy lâu
Cho nên trong đó biết bao cốt hài
Chắc cũng có ông bà cha mẹ
Hoặc thân ta hoặc kẻ ta sinh
Luân hồi sinh tử, tử sinh.
Lục thân đời trước thi hài còn đây...
            Vì vậy; lễ Vu Lan và lễ cúng Cô Hồn mang cùng một ý nghĩa và trở thành lễ lớn truyền thống lễ hội của dân tộc với cùng một mục đích là cầu siêu cho thân nhân quá vãng được ân xá những tội lỗi tiền khiên. Nhưng ngày lễ nầy không chỉ trong phạm vi tín ngưỡng mà còn có mặt trong sinh hoạt văn học. Những câu ca dao, những bài thơ nổi tiếng còn được truyền tụng đến ngày nay.
            Những câu ca dao, trong văn chương bình dân đã có mặt rất sớm ở nước ta như câu:
- Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
            Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
            Câu ca dao trên được dân gian ghi nhớ nằm lòng trong cái lịch trình sinh hoạt hàng năm của họ. Dù cho buôn bán bận rộn thế nào thì cũng dành thì giờ cho ngày Rằm tháng Bảy để cầu siêu cho vong nhân(hương linh người quá cố) để được xá tội(ân xá tội lỗi).
Giới trí thức khoa bảng như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm(1491-1585) cũng tin vào uy lực của chư Phật, sức mạnh của cầu nguyện, có khả năng cứu vớt những vong linh đang chịu khổ đau ở địa ngục. Cụ đã sáng tác nhiều bài thơ chữ nôm có tư tưởng Phật Giáo. Bài Trung Nguyên Xá Tội được viết lúc cụ đi thăm chùa Phổ Minh nhân ngày Vu Lan:
- Cớ sao còn có Vu Lan?
Từ Bi ta muốn nhờ công sức
Cứu được bao người chịu khổ đau.
                                    Ðinh Gia Khánh dịch
Nguyên Bản chữ hán:
- Thị hà xá tội hữu hương thần
Ngã kim dục trượng Từ Bi lực
Cứu đắc vô cô đồ thán nhân.
Từ trước tới nay, đã có nhiều bài thơ viết về ngày lễ Vu Lan, nhưng có lẽ bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh(VTTLCS) của Thi Hào Nguyễn Du là diễn tả được ý nghĩa của lễ Vu Lan trong tinh thần văn học dân tộc là bởi từ cách dùng chữ, cách diễn đạt tư tưởng rất phù hợp với phong tục nhân gian và giáo lý nhà Phật. Thời trước các nhà chùa thường dùng áng văn nầy để tụng niệm vào ngày Rằm tháng Bảy, vì vậy nếu không biết rõ tông tích tác giả, người ta dễ sai lầm cho là do một vị cao tăng uyên bác nào viết:
- Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng
Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.
Bài VTTLCS gồm 184 câu, thơ song thất lục bát. Tác giả gọi là Thập Loại là để chỉ số nhiều, chứ không phải đủ mười loại; và chúng sinh trong bài chỉ nói về con người. Những cái chết thật đáng thương của những con người đó: Kẻ tranh bá đồ vương bị thua mà chết. Phu nhân quyền quí của các công hầu khanh tướng gặp phen sa cơ phải tự vận. Người làm chính trị lỡ vận bị giết. Những danh tướng nhất tướng công thành vạn cốt khô cuối cùng bị chết. Những hạng tham lam làm giầu buôn bán dọc sông ngang biển, chẳng quản đường xa. Những chiến sĩ vô danh tử trận. Gái lỡ làng buôn nguyệt bán hoa. Kẻ ăn mày. Người mắc vòng lao lý. Ðứa sơ sinh yểu tử. Những vong linh nầy dưới tuệ giác của Phật đều có liên hệ mật thiết với chúng ta. Ngài đã dạy cho các khất sĩ:
- Nầy các Tỳ Kheo, các thầy không dễ gì tìm được một chúng sanh chưa từng là mẹ, là cha, là anh, là chị, là con trai, con gái của các thầy trong bước đường dài của tái sanh.
Chính vì hiểu được giáo lý nầy mà cụ Nguyễn Du khi viết VTTLCS đã ngậm ngùi cho thập loại vì biết thập loại đó là thân nhân ruột thịt của Cụ trong nhiều tiền kiếp xa xưa.
Dưới ngòi bút tài tình, Cụ đã mở đầu bài văn bằng cảnh một buổi chiều mùa Thu, tháng Bảy, có sương màu trắng đục đang rơi lác đác trên ngọn bạch dương bên con đường đê dẫn tới bãi tha ma, có khí thiêng phản phất đâu đây. Cụ trạnh lòng nghĩ tới những chúng sanh quá vãng:
- Trời tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi mây lạnh ngắt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng
Ðường bạch dương bóng chiều man mác
Dịp đường lê lác đác sương sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khí thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh.
Hồn dơn phách chiếc lênh đênh quê người...
Và, sau đó từng loại chúng sinh được Cụ nhắc tới những người tranh bá đồ vương, khi còn tại thế, nuôi mộng cao khí lớn, tính khí kiêu mạn:
- Chí những lăm cướp gánh non sông
Nói chi đang thuở thị hùng
Tưởng khi thất thế vân cùng mà đau.
Ðến khi thất thế vận cùng:
- Bỗng đâu phút tro bay ngói lở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Cả giàu sang, nặng oán thù
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời
Có những phu nhân kiều diễm kiêu sa:
... màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Mà không hiểu lý vô thường nên đã quá lo lắng trước những biến cố của cuộc đời:
- Một phen thay đổi sơn hà
Tấm thân chiếc lá biết là làm sao!
Gió mưa sấm sét đùng đùng
            Phơi thây trăm họ nên công một người,
            Mà gặp cảnh sa cơ mạt vận, thì cũng chết, cũng hành trình đơn độc, vô định:
            - Bơ vơ góc bể chân trời
            Bó thân da ngựa biết vùi nơi nao ?
            Những loại cô hồn nầy thật đáng thương:
            - Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
            Khí âm huyền mờ mịt trước sau
            Năm năm xương trắng dãi dầu
            Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường!
            Có những người suốt cuộc đời chỉ ham làm giàu, làm việc quên ăn bỏ ngủ, sống tha hương để lo kiếm tiền, đến khi chết  không có lấy một người thân bên cạnh:
            ... tính đường trí phú
            Làm tội mình nhịn ngủ, bớt ăn
            Ruột rà không kẻ chí thân
            Dẫu làm nên nữa dành phần về ai ?
            Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
            Của phù vân dẫu có như không
            Sống thời tiền chảy bạc ròng
            Thác không đem được một đồng nào đi.
            Ðám tang nơi quê người, được chôn cất vội vàng lúc đêm khuya, có bó đóm leo lét đẫn tới nghĩa địa là cánh đồng chiêm nước trũng:
            - Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm
            Ngẫn ngơ nội rộc đồng chiêm
            Tàn hương giọt nước biết tìm về đâu !
            Những hạng chết về lợi đã nhiều, mà chết về danh cũng lắm. Say sưa với mộng công danh, bỏ làng mạc quê hương lên thành thị theo đòi nghiên bút để mong có cơ hội tiến thân
            ... muốn cầu chữ quý
            Dấn thân vào thành thị lân la
            Mấy thu lià cửa lià nhà
            Văn chương đã chắc đâu mà trí thân,
            Ðến khi thời tiết thay đổi mưa nắng bất thường, lâm trọng bịnh không có vợ con bên cạnh để thuốc thang săn sóc nên bị chết. Chung quanh chỉ có người dưng, thiên hạ, họ chôn dùm một cách vội vàng cẩu thả, cho xong chuyện:
            - Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng
            Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng
            Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
            Anh em thiên hạ, láng giềng người dưng
            Và rồi:
            - Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
            Cô hồn nhờ gửi tha hương
            Gió trăng hiu hắt, khói hương lạnh lùng
            Những thương gia dọc ngang sông biển, gặp lúc không thuận buồm suôi gió, thuyền đắm, thân xác làm mồi cho tôm cá:
            - Cánh buồm dơi chạy xế gió đông
            Gặp cơn giông tố giữa giòng
            Ðem thân vùi lấp vào lòng kình nghê
            Hoặc những kẻ buôn đường bán chợ, lúc nắng khi mưa thình lình bị cảm hàn mà chết:
            ... đi về buôn bán
            Ðòn gánh tre chín rạn hai vai
            Gặp cơn nắng gắt mưa rơi
Hồn  đường phách xá biết là về đâu
            Ngoài những hạng tham danh lợi, phú quí mà chết, còn có những người vì nghiệp cũ còn nặng, nên phải trả nợ; Ðó là:
            - Những binh lính, khi còn sống thì vất vả, lúc chết thành cô hồn vất vưởng đó đây:
            ... mắc  vào khóa lính
            Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan
            Nước bầu cơm ống gian nan
            Dãi dầu muôn dặm lầm than một đời
            Trong chiến trận mạng người như rác
            Thân đã đành đạn lạc tên rơi
            Lập lòe ngọn lửa ma trơi
            Tiếng vang văng vẳng tối trời càng thương
            Những cô gái buôn nguyệt bán hoa, lúc sống thì nhiều phiền não, nhiều tuỉ nhục, đến khi chết không chồng con cúng giỗ phải nhờ vào hớp cháo lá đa của ngày Rằm tháng Bảy:
            ... lỡ làng một kiếp
            Liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa
            Ngẫn ngơ khi trở về già
            Ai chồng con tá biết là cậy ai
            Sống đã chịu một đời phiền não
            Thác lại nhờ hớp cháo lá đa.
            Và, bao nhiêu loại âm hồn đau khổ khác: kẻ ăn mày nằm gầm cầu gối đất. Người tù rạc, khi chết chỉ có manh chiếu rách bó xác. Những đứa trẻ vừa mở mắt chào đời đã thành người thiên cổ, còn có những cái chết thật thương tâm: bị thuyền chìm, lũ cuốn, chết cháy, té cây, nhảy giếng, cá dữ ăn thịt, ác thú phanh thây, hoặc đẻ non thiếu tháng, sinh bệnh mà chết.. v.. v...:
            - Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
            Rõi tháng ngày hành khất ngược xuôi
            Thương thay cũng một kiếp người
            Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quan
            Cũng có kẻ mắc đoàn tù rạc
            Gữi thân vào chiếu rách một manh
            Nắm xương chôn rấp góc thành
            Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi
            Lại như đùa tiểu nhi tấm bé
            Mới sinh đà lìa mẹ lìa cha
            Lấy ai bồng bế vào ra
            Ư ư tiếng khóc, xót xa nỗi lòng
            Cũng có người đắm sông chìm suối
            Cũng có người sẩy cỗi sa chân
            Có người leo giếng đứt dây
            Kẻ trôi nước lũ người lây lửa thành
            Người thì lâm răng khái ngà voi
            Có người có đẻ không nuôi
            Kẻ vì tiểu sản mệnh người lâm nguy.
            Là một người thấu hiểu giáo lý nhà Phật, nên cụ Nguyễn Du tin tưởng vào việc lập trai đàn để nhờ oai lực chư Phật mà cầu siêu cho các cô hồn, những cô hồn nầy, trong nhiều kiếp luân hồi có cả cha mẹ cùng quyến thuộc của cụ trong đó:
            ... Ðàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
            Bóng hào quang cứu khổ độ u
            Khắp trong Tứ Ðại Bộ Chu
            Não phiền trút sạch oán thù rửa trong.
            Những người đã thấu hiểu giáo lý nhà Phật đều tin sự cầu nguyện đem lại lợi lạc cho hương linh người quá cố. Nhưng có những kẻ theo Duy Vật chủ nghĩa(Materialism) không tin vào sức mạnh của tâm linh. Họ bảo sự cầu nguyện là mê tín, là phản khoa học... và là sản phẩm tưởng tượng của bọn buôn Thần bán Thánh.
            Nhưng sức mạnh của tâm linh, uy lực của sự cầu nguyện từ xưa đã được nhiền tôn giáo Ðông Phương tín thực dựa vào những thực cảm của tâm linh. Người Tây phuơng mới chập chững bước vào lãnh vưc nầy, nhưng họ đã chứng minh được sức mạnh của tinh thần là thật, nếu được thực tập đúng cách: Bác Sĩ Harold Koenig đã viết trong tạp chí chuyên nghiên cứu về lão khoa(Journal of geronrtology):
- Với người cao niên, sự cầu nguyện lợi ích cho thân và tâm.(For seniors, prayer is good for body and soul).
Sau 6 năm theo dõi sức khỏe của 4000 người cao niên, Ông ghi nhận, những người thường cầu kinh thì sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn những người không bao giờ cầu nguyện:
- Giáo sư Josefph Banks Khine phụ trách môn Psychokinesis ở Ðại học Duke tiểu bang North Carolina. Psychokinesis là cái năng lực tác động vào vật thể bằng viễn cảm mà không cần thân lực (Psychokinesis is the ability of affect object at a distance by means other than known physical forces).
Trong một lần thực tập trước sự chứng kiến của các sinh viên và một nhóm phóng viên, Rhine đã tập trung tư tưởng và dùng ý chí để di chuyển một con xúc xắc hình khối bằng nhựa từ chỗ nầy đến chỗ khác.
Uri Geller(gốc Do Thái) với ý muốn của mình, Uri làm cho các muỗng, dĩa bằng kim loại bị bẻ cong và một lần khác làm cho đồng hồ Big Ben, trên gác chuông Toà Nghị Viện ở Luân Ðôn đứng lại. Còn rất nhiều chuyện tương tự, chứng tỏ sức mạnh của Tâm.
Như vậy, chuyện Mục Liên, Thanh Ðề không có gì là hoang đường huyền bí nữa. Ðó là do lòng hiếu thảo chí thành của người con và công đức trì trai, giữ giới thanh tịnh trong ba tháng hạ, thúc liễm tu hành của chư Tăng thành tâm chú nguyện, nên có sức mạnh cảm thông và kích thích đến tâm hồn người đau khổ, làm cho họ thức tỉnh cơn mê, xoáy chuyển tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện. Nhờ sự chuyển huớng của cái tâm nầy, mà họ thoát khỏi hình phạt đau khổ mà trước kia chính cũng do cái tâm ấy tạo ra. Trong kinh có nói: Tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp.
Sự tích Vu Lan báo hiếu khởi đầu bằng hình ảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ trở thành hình ảnh mô phạm đầy tính giáo dục nhân văn dân tộc, hướng tới sự giải thoát mà đời đời cần phải lưu truyền.
 
Sách Tham Khảo:
- Phật học Phổ Thông
- Nghi thức Tụng Niệm Hàng Ngày
- Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
- The Power of Mind
-- o0o --