-
Krishnamurti & Thiền Ðịnh
-
Tác Giả: Krishnamurti
-
Dịch Giả: Nguyên Giác, Phan Tấn Hải
-
--o0o--
-
-
Krishnamurti là một nhân vật mang nhiều tính thiền định.
Trọn đời ông như một vở kịch được sắp sẵn để mà chơi. Năm
1909, khi ông mười bốn tuổi, bà Annie Besant, chủ tịch Hội
Thông Thiên Học, một vận động tổng hợp Triết học Tây phương
với giáo lý Phật Giáo và Ấn Ðộ giáo, tuyên bố Krishnamurti
là hóa thân của Maitreya (Ðức Từ-thị hay Phật Di Lặc). Bà
thành lập hội Ngôi Sao để chuẩn bị cho ông - vị giáo chủ
tương lai của thế giới đó - khi lớn lên sẽ giảng dạy một
giáo lý mới cho thời đại mới.
-
Năm 1929, Krishnamurti tuyên bố giải tán hội Ngôi Sao. Bấy
giờ ông tuyên bố "Truth is a pathless land," Chân lý là mảnh
đất không lối ngõ gì cả. Ðiều này có thể gợi nhớ tới ngôn
ngữ Thiền, con đường không đường, cửa không cửa(vô môn
quan). Từ đây, ông đi nhiều nơi trên thế giới để nói về
giảng dạy mới này. Ông nói chuyện về gần như là tất cả mọi
vấn đề của con người. Phương pháp thường dùng nhất là đối
thoại, ông thường đưa ra những câu hỏi, chất vấn, khảo sát
về Tâm (Thoughts and feelings) chỉ thẳng cái tánh không thực
của nó, sự lập đi lập lại giả tạo của nó. Có thể nhớ tới
kinh Phật nói:
-
- Tâm như diễn viên, ý như thằng hề.
-
Ngôn phong của ông mang nhiều tính phủ định(negation), cũng
triệt để như ngôn phong của hệ thống Bát Nhã.
-
Ðức Phật Sống Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, người được dân tộc
Tây Tạng tin tưởng là hóa thân của Ðức Quan Âm, đã so sánh
Krishnamurti với Nagarjuna(Tổ Long Thọ, người hình thành 5
hệ thống giáo lý nhà Phật, trong đó có giáo lý Tánh Không
của Bát Nhã). Năm 1956, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Krishnamurti
gặp nhau tại Madras, Ấn Ðộ. Không có sách nào tường thuật
buổi gặp nhau này một cách chi tiết. Hai hóa thân Phật này,
một Di Lặc và một Quan Âm, đã nói gì với nhau không ai biết,
có đấu phép để phân biệt bạn thù không cũng chẳng ai hay.
Trang 202-203 của sách Krishnamurti A Biography của bà Pupul
Jayakar chỉ ghi vài dòng, trong đó có một chữ "coexperience"
của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma phê bình về cuộc nói chuyện đó. Nói
theo Thiền là đã ấn chứng cùng vào nhà Tổ, đi chung lối chim
bay, thở chung một lỗ mũi với Phật.
-
Bài Krishnamurti Và Thiền Ðịnh này trích dịch từ trong
Krishnamurtis Notebook, sách ông viết lúc gần cuối đời, năm
1961, gồm một số đoạn nói lên quan điểm của ông về Thiền
định. Nếu so sánh quan điểm này về Thiền của Krishnamurti
với pháp Thiền Tào Ðộng, Lâm Tế Tây Tạng, ta thấy rất nhiều
điều giống nhau. Nói rõ hơn là, khác chỉ là ở thủ đoạn khai
ngộ, Pháp bảo nhậm hoàn toàn như nhau. Dưới đây là một số
văn được trích dịch, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến
độc giả:
-
01- Trang 51
-
Thiền định là sự vắng mặt của tất cả những gì gọi là ý thức,
không phải để tiếp nhận, nhưng để làm vắng mặt, để quét
sạch, để trống không tất cả những gì gọi là nỗ lực. Ở đó sẽ
là chỗ cho sự vắng lặng, không phải là chỗ được tạo nên bởi
tư tưởng và các sinh hoạt trí thức, mà là chỗ(cảnh giới) đó
đến qua sự phủ định và phá hoại, khi không còn chút gì của
tư tưởng(niệm) và các dự phóng của nó. Chỉ ở Tánh Không mới
có Sáng Tạo.
-
02- Trang 81
-
Thiền định không với một công thức nào hết, không với một
động cơ và lý luận nào hết, không một nơi để đến và mục đích
nào hết, là một hiện tượng khó tin. Loại Thiền định này
không chỉ là một bùng nổ vĩ đại làm trong sạch tất cả nhưng
cũng còn là sự chết(1). Ở đây không còn cái gì gọi là ngày
mai nữa. Thời gian chấm dứt.
-
03- Trang 82
-
Không có cái ngày mai trong Thiền định, vì không có lý luận
gì được với cái chết. Cái chết của hôm qua và ngày mai không
để lại chút khoảnh khắc gì trong hiện tại, và thời gian luôn
là khoảnh khắc, nhưng sự hủy diệt thời gian này là cái hoàn
toàn mới. Thiền định là như vậy, không phải là những con
toán ngốc nghếch của bộ óc đi tìm sự an toàn. Thiền định là
sự hủy diệt cái an toàn, và có cái đẹp tuyệt diệu trong
Thiền định, không phải là cái đẹp của những gì được tạo dựng
nên bởi con người hay thiên nhiên, nhưng là cái đẹp của cái
vắng lặng. Cái vắng lặng này là cái Không, trong đó và từ đó
tất cả(vạn pháp) lưu xuất và hiện hữu(2).
-
04- Trang 142
-
Thiền định là cửa ngõ đi vào cái không vô tận(3)
-
(Meditation was an opening into immeasurable emptiness).
-
05- Trang 143
-
Thiền định sinh khởi ra cái Ðó(4), nó thuộc về sự trong
sạch(thanh tịnh) bùng vỡ. Sự thanh tịnh của nó không để lại
chút manh mún nào hết, nó ở đó, nó là tất cả và không có gì
là từng hiện hữu. Khi không có gì hết thì là nó. Nó(Thiền
định) là sự thanh tịnh của tất cả các yếu tính. Sự bình an
này là cảnh giới vô tận, vô biên giới, của Tánh Không bất
khả tư nghị.
-
06- Trang 170-171
-
Nơi hàng hiên thoảng mùi thơm(nơi ông ở), khi bình minh chưa
tới và hàng cây vẫn còn vắng lặng, cái gì là bản chất chính
là cái đẹp(LND: Essence dịch là bản chất hay yếu tính, có
nên dùng chữ Tánh của Thiền không?). Nhưng cái yếu tính này
thì không có thể kinh nghiệm. Kinh nghiệm phải chấm dứt,
phải chết đi, vì kinh nghiệm chỉ làm củng cố thêm cái đã
biết. Cái đã biết thì không bao giờ là bản chất, là yếu tính
(LND: nghĩa của chữ yếu tính thường được định nghĩa theo
cách Triết học là, cái gì làm cho nó là nó). Thiền định
không bao giờ là một kinh nghiệm xa hơn; nó không chỉ là sự
chấm dứt kinh nghiệm, mà sự chấm dứt này chỉ là một đáp ứng
tới sự thách thức, lớn hay nhỏ. Nhưng nó(Thiền định) là sự
mở ra cánh cửa của Pháp Tánh(the door to essence), mở ra
cánh cửa của một lò sưởi, trong đó lửa đang đốt cháy hoàn
toàn, không để lại chút tro bụi, không gì còn sót lại nữa.
Chúng ta là những cái sót lại, những kẻ nói vâng của nhiều
ngàn ngày hôm qua, một chuỗi liên tục của trí nhớ không
thôi, của sự lựa chọn và tuyệt vọng. Cái gọi là Ðại Ngã và
Tiểu Ngã là khuôn mẫu của hiện hữu, và hiện hữu là tư tưởng,
và tư tưởng là hiện hữu, với đau khổ không bao giờ chấm dứt.
Trong ngọn lửa của Thiền định, tư tưởng chấm dứt cùng với
cảm xúc, vì không có cái nào đã là tình yêu cả. Không có
Tình yêu thì không có yếu tính; không có Tình yêu thì chỉ có
tro bụi mà trên tro bụi này sự hiện hữu của chúng ta hình
thành. Chỉ ở trong Tánh Không, mới có Tình yêu(5).
-
07- Trang 175
-
Trong khi ông đang đi bộ. Vừa khi con đường rẽ về phía đông,
cái Ðó (otherness) hiện đến. Nó đến chan hòa đổ xuống những
làn sóng lớn dày đặc của sự linh thánh vô biên. Như dường
các tầng trời mở ra cho cái không Gọi Tên Ðược hiện đến từ
cái vô lượng vô biên đó; Nó đã sống ở đó suốt ngày, tôi(ông
khiêm tốn dùng chữ One, ngôi thứ ba) đột nhiên nhận ra và
chỉ bây giờ, đang đi bộ một mình trong khi những người bạn
khác đã vào ngã quẹo khác, tôi nhận ra sự kiện đó. Và cái gì
làm cho sự kiện này khác thường chính là cái đang xảy ra; nó
là đỉnh cao của cái trước giờ vẫn đang diễn tiến và không
phải là một sự kiện riêng biệt(6). Có ánh sáng, không phải
ánh sáng mặt trời hay đèn nến gì của con người, các loại ánh
sáng này chỉ tạo nên bóng (shadows) thôi. Nhưng có ánh sáng
không tạo nên bóng và nó là ánh sáng.
-
08- Trang 148
-
Ðang đi bộ và nói chuyện, Thiền định vẫn đang tiếp tục trong
những lời và vẻ đẹp của đêm. Nó vẫn đang tiếp diễn ở một
chiều sâu rộng lớn, trôi chảy bên ngoài và cả bên
trong(Tâm). Nó đang bùng nổ và tỏa rộng ra.
-
09- Trang 212
-
Thiền định là lang thang xuyên qua thế giới của tri thức và
xa lìa khỏi nó để thâm nhập vào cái chưa từng được biết, cái
không biết (the unknown).
-
10- Trang 217
-
Thiền định là sự phủ định thuần túy nhất. Sự phủ định này
không là kết quả của mọi phản ứng. Ðể từ chối, và duy trì ở
trong sự từ chối này của phủ định đó là hành động không với
một động cơ, cũng là Tình yêu vậy.
-
11- Trang 219
-
Thiền định không phải là con đường của một nỗ lực nào hết.
Tất cả nỗ lực chỉ đưa tới mâu thuẫn, đối kháng. Nỗ lực và
chọn lựa luôn luôn là nguyên nhân của mâu thuẫn, sẽ làm cho
Thiền định trở thành một chạy trốn thực tại, trốn cái đang
làm. Thiền định chân chính sẽ đưa tới cái Ðó, làm vắng lặng
hoàn toàn một bộ óc vốn đã yên tĩnh. Bộ óc chỉ đơn giản là
một hành lang cho cái vô lượng vô biên đó, cũng hệt như dòng
sông rộng và sâu giữa 2 bờ dốc, cái Khác kỳ lạ này chuyển
động với không một phương hướng và thời gian.
-
12- Cũng trang 219
-
Thiền định là ngọn lửa đốt cháy sạch tất cả thời gian và
khoảng cách, tất cả thành tựu và kinh nghiệm. Chỉ có cái
Chơn Không vô lượng vô biên nhưng trong đây chính là chuyển
động, là Sáng Tạo.
-
13- Trang 222
-
Thiền định tiếp tục(trong cơ thể ông) với sự vắng lặng đó,
và vắng lặng đó chính là Tình yêu. Nó không phải là yêu một
vật gì hay người nào, một hình ảnh hay biểu tượng nào, chữ
hay tranh. Nó đơn giản là tình yêu, với không một cảm xúc
(feeling). Nó tự hoàn toàn trong chính nó, trần truồng, dầy
đặc, không một nguyên nhân và phương hướng.
-
14- Cùng trang 222
-
Trong Thiền định không có sự lập lại, không có sự tiếp nối
của thói quen; chỉ có cái chết của tất cả mọi cái đã biết và
có những trận mưa hoa của cái bất khả tri(unknown).
-
-
Ghi Chú:
-
1- Có thể gợi nhớ tới một câu trong Thiền:
-
- Ðại tử nhất phiên,
-
Nghĩa là:
-
- Một phen chết lớn.
-
Ở đây, hai ý không hoàn toàn trùng nhau. Ðoạn này của
Krishnamurti còn gợi nhớ tới bài kệ trong Kinh Ðại Bát Niết
Bàn:
-
- Sinh diệt dĩ diệt, tịch diệt vi lạc.
-
Tạm dịch là:
-
- Tất cả những gì gọi là sinh với diệt đều tiêu ma cả rồi,
chỉ có cái Tánh Không Vắng Lặng này mới là niềm vui thật
thôi.
-
2- Ðiều này lại gợi nhớ tới chủ trương Chơn Không Diệu Hữu
của Kinh Pháp Hoa. Trong cái Không chơn thật và tuyệt đối đó
mới lưu xuất và hiện hữu cái Có kỳ diệu.
-
3- Ngôn ngữ của Bát Nhã lại xuất hiện ở đây.
-
4- Chữ cái Ðó tạm dịch từ chữ The Otherness. Chữ này trong
sách không được định nghĩa rõ ràng. Krishnamurti không có
thói quen định nghĩa điều gì cả. Nếu dịch là cái Khác sợ
không đúng theo văn mạch. Thấy được cái Ðó phải chăng là
Thấy Tánh theo ngôn ngữ của Thiền? Xin ghi một phần nguyên
văn cho độc giả ghi nhận, chú ý có một chữ is ở thì hiện tại
trong toàn văn ở thì quá khứ: "Meditation yeilded to the
otherness; It was of shattering purity. Its purity left no
residue; it was there, that is all and nothing existed."
-
5- Ðoạn này tương hợp với một đoạn kệ trong Kinh Lăng Già:
-
- Viễn ly đoạn thường, thế gian hằng như mộng, tri bất đắc
hữu vô, nhi hưng đại bi tâm.
-
6-
Cái trước giờ vẫn đang diễn tiến (what had been going on),
không hiểu ý Krishnamurti ám chỉ điều gì. Trong văn mạch có
thể hiểu theo 2 cách. Chữ cái Ðó (cái Khác - otherness) ở
đây có thể dịch, mượn chữ nhà chùa, là Tánh, một cách tương
hợp. Ở đây, Krishnamurti nhìn Thấy Tánh hiển hiện trước mắt.
Nghĩa thứ nhất của cái-trước-giờ-vẫn-đangđiễn-tiến có thể
là, ám chỉ cái Tánh đó trước giờ vẫn bất sinh bất diệt bất
tăng bất giảm... Nghĩa thứ nhì có thể có là, ông ám chỉ cái
trong sách, ông gọi là process. Cái process này bắt đầu với
ông từ năm hai mươi tám tuổi (năm 1922), năm ông chuyển
hướng giáo lý phủ định tất cả. Có thể nói theo nhà chùa,
giai đoạn này của ông là chuyển từ Như Lai Thiền sang Tổ Sư
Thiền. Từ đó, ông chịu những cơn đau liên tục ở đầu và xương
sống. Theo ông (?) đó là do pháp môn Không có gì để tu hết,
nói theo Thiền là pháp bổn như vô pháp, nói theo ông là ở
với cái Tánh Không Thường Tịch (nguyên văn là stillness and
emptiness). Cuốn Krishnamurtís Notebook này được viết năm
1961, tức bốn mươi năm sau lần Ðại Tử Nhất Phiên đó, nhưng
cơn đau do process vẫn liên tục. Theo giải thích của bà
Pupul Jayakar, tác giả quyển Krishnamurti A Biography, cơn
đau do process đó là sự tỉnh thức và đi lên của luồng hỏa
hầu trong người Krishnamurti. Bà Pupul Jayakar là bạn thân
của Krishnamurti, là phó chủ tịch Krishnamurti Foundation,
một triết gia lớn của Ấn Ðộ. Tuy nhiên, chúng ta không hề
nghe Krishnamurti hay một Thiền Sư nào hở môi nói về con rắn
đen hay đỏ gì hết. Còn chuyện nghe gì bên tai, thấy gì trước
mắt hay đau gì do process đó thì cũng chẳng thấy ai bận tâm.
Bởi vì hình như là khi đau quá, thì các Thiền sư vẫn phải đi
Bác Sĩ khám bệnh.
-