Nhẫn Nhục Ba La Mật II
Thông Trí
--o0o--
 
- Nhẫn là nhẫn nại.
Nhẫn có ba thứ:
01- Nại Oán Hại Nhẫn: Như có gặp những ai oán ghét, độc, hại mình, thi an nhiên nhẫn nại không ý trả lại.
02- An Thọ Khổ Nhẫn: Như có gặp những nổi khổ bức bách như nước lửa, đao gậy... thì điềm nhiên mà nhẫn chịu không đem lòng tức giận.
03- Ðế Sát Pháp Nhẫn: Quán sát các pháp, thấy thể tánh của chúng là hư huyển vốn không sanh, không diệt, nghĩ vậy nên nhẫn nhịn được.
- Nhục nghĩa là sĩ nhục, nhơ nhuốc, xấu hổ
Như vậy chữ Nhẫn Nhục có nghĩa là nhịn chịu, chịu đựng những điều xấu hổ, nhơ nhuốc.
Nhẫn Nhục cũng còn gọi là Nhẫn Ðộ.
            Nhẫn là an nhẫn, trụ vào pháp. Ðộ là đưa đến bờ bên kia, bờ giác ngộ, Niết Bàn. Cũng kêu là: Nhẫn Ba La Mật, Nhẫn Nhục Ba La Mật, Sàn Ðề Ba La mật, tức là đức Nhẫn trong sáu đức có khả năng đưa chúng ta đến nơi toàn giác.
Chữ Nhẫn Ðộ dịch nghĩa từ chữ Ta Bà. Nghĩa là ở cõi Ta Bà thế Giới là thế giới của ác năm trược nên có rất nhiều phiền muộn, chướng ngại khổ đau, vì thế đối với những ai có tâm tu học phải rất mực kiên nhẫn mới có thể đắc đạo. Vì là một thế giới nhiều phiền lụy, những người sống phải kiên cường vượt qua mọi gian nan nên cũng gọi là: Kham Nhẫn Thế Giới, Ðại Nhẫn Thế Giới.
Một khi chúng ta thực tập được Nhẫn Nhục Ba La Mật thì trong tâm có thể nhẫn chịu được các việc từ bên ngoài đưa vào, làm não hại mà không tức giận. Nhẫn nhục nó bao gồm cả: Thân Nhẫn, Miệng Nhẫn, và Ý Nhẫn. Nghĩa là:
- Ở nơi thân nhẫn, tất cả các sự: Lạnh nóng, đói, khát, già, bệnh, chết,ở nơi thân thì cam chịu đau khổ mà không đối phó bằng cử chỉ hay hành động trả thù.
- Ở nơi miệng không thốt ra những lời hung ác, cho đến những lời chê bai, mắng nhiếc, quở trách, nguyền rủa.
- Ở nơi lòng thì cũng phải dẹp tan những cơn giận, nỗi oán thù, không cho nó vươn lên, vùng dậy
Chúng ta phải tu hạnh Nhẫn Nhục bởi vì nhẫn nhục có thể đối trị:
a- Nhẫn nhục để đối trị với tức giận:
Các quả báo mà chúng ta hiện nay đang đau khổ trong hiện đời nầy và rất có thể ở những đời kiếp sau, và chúng ta phải trả một giá rất đắt đó là do lòng tức giận mà ra. Muốn cho lý trí được sáng suốt, và tình cảm được hăng bằng thì chúng ta phải nên thật hành hạnh nhẫn nhục.
b- Ðối Trị Với Ngoại Cảnh:
Nhẫn nhục không phải tự khắc khổ. Phải biết rằng chuyện đời yêu nên tốt ghét nên xấu đó là chuyện thường tình, do đó mà sự khen chê miệng tiếng trên đời, chúng ta đừng mong là không có. Lẽ tất nhiên chúng ta không mong đợi những sự khen chê, nhưng nếu giả sử sự thật có xảy ra thì chúng ta nên ý thức được rằng tất cả mọi việc khen chê não loạn từ ngoại cảnh, đối với chúng ta là người có thực hành hạnh nhẫn nhục thật không tổn ích. Một khi tâm không bị ngoại cảnh chi phối thì nhẫn nhục trở thành an nhẫn.
c- Nhẫn nhục giúp cho tâm chúng ta rộng rãi.
Như chúng ta đã biết nhẫn nhục có nghĩa là chịu đựng, nhưng mà chữ chịu đựng chúng ta đã hiểu lầm, chịu có nghĩa là chấp nhận. Ðựng có nghĩa là có khả năng ôm lấy.
Ví dụ: như cái xe đẩy nó có khả năng tiếp nhận khoảng 10 bao xi măng và nó có thể đựng được 10 bao, nếu ta đặt 10 bao lên chiếc xe đẩy nầy nó có thể chịu được, nhưng nếu chúng ta đặt lên đó 25 bao xi măng thì chắc chắn nó sẽ gãy.
Chúng ta cũng vậy, mỗi người chúng ta có khả năng tiếp nhận và chịu đựng một giới hạn nào đó, nếu quá khả năng đó thì chúng ta sẽ không thể nào chịu nỗi nữa. Cho nên trong dân gia Việt nam có câu:
- Tức nước thì vỡ bờ
Những va chạm xích mích, trong cuộc sống hằng ngày, một người nào đó nói một câu, hoặc làm một hành động không vừa ý chúng ta, lẽ tất nhiên làm cho chúng ta không vui, những oan ức bất công như vậy chắc chắn, không nhiều thì ít, chúng ta cũng có những nổi khổ, niềm đau nếu chúng ta không biết tu tập hạnh nhẫn nhục. Tất cả cũng đều do trái tim của chúng ta nó lớn đến mức nào, và cái khả năng tiếp nhận của trái tim chúng ta nó lớn đến mức độ nào. Có những người cũng cùng nghe nói câu nói đó hoặc bị xữ sự theo cách đó thì họ sẽ giận và buồn khổ vô cùng. Nhưng cũng có những người cũng cùng nghe nói câu nói đó, hoặc bị xữ sự theo cách đó thì họ sẽ không hề giận và có khả năng cười. Trường hợp khi chúng ta tiếp nhận hành động xử sự đó mà chúng ta đau khổ, là vì so trái tim của người có khả năng không giận hờn và trái tim của chúng ta thì cái luợng của trái tim chúng ta bé nhỏ hơn.
Lượng tức là khả năng dung chứa, khả năng ôm lấy bao trùm. Sở dĩ chúng ta đau khổ vì cái lượng của chúng ta nó quá hẹp, vì thế cũng một câu nói đó, cũng một hành động đó, một điều oan ức đó, mà người khác có khả năng chấp nhận không đau khổ, trong khi đó chúng ta không có khả năng chấp nhận và chúng ta đau khổ. Vì thế ta phải thực tập Nhẫn Nhục Ba La Mật tức là khả năng tiếp nhận và chịu đựng. Nếu chúng ta luyện tập thì lượng của chúng ta sẽ lớn lên và chúng ta sẽ không đau khổ. Khi đã không đau khổ, thì cũng những lời nói đó, cũng những hành động cách xữ sự đó ta lại có thể mĩm cười được.
Vì vậy nhẫn nhục không có nghĩa là chịu đựng những lời nói không vừa lòng, những hành động khó chịu để rồi đau khổ. Khi mà chúng ta cố tình chịu đựng, dồn nén những cái đau khổ của chúng ta xuống, thì một ngày nào đó cái lượng chịu đựng của chúng ta không còn có khả năng dung chứa nữa nó sẽ nứt, ta sẽ vỡ. Nếu chúng ta thực tập nhẫn nhục bằng cách cắn răng chịu đựng, thì đừng nghĩ rằng đó là thực tập Nhẫn Nhục Ba La Mật. Tại vì một ngày nào đó những chuyện sẻ xảy ra phải xảy ra. Nghĩa là sau một thời nhịn nhục, chịu đựng đến lúc không còn kiểm soát nổi lý trí, lúc đó sẽ gây ra những tranh cãi, ẩu đả, vì dã chịu hết nổi. quý vị sẽ nứt sẽ bể. Tiêu biểu một trong những chuyện thật:
- Hai người bạn cùng nhau xe phòng, khi mới đến ở thì chị, chị, em em. Nhưng ở một thời gian thì có chuyện. Chuyện xảy ra là chị A bảo chị B ăn ở bầy hầy dơ dáy, không chịu dọn dẹp. Chị B thì lên án chị A người sao mà khó tánh, đụng một chút thì bắt lỗi bắt phải, rầy rà quá chịu không được. Hai chị ban đầu còn nói xa nói gần, nhưng rồi cuối cùng không nhịn được nữa, nên không ai nhường ai và dẫn tới chuyện gây gổ lớn rồi phải xách gói ra đi
Như vậy Nhẫn Nhục là thái độ chịu đựng đó không phải là phương pháp của Phật dạy. Phương pháp của Phật dạy là phải thực tập học hỏi để mở rộng cõi lòng của mình để chúng ta có thể sẳn sàng tha thứ những lỗi lầm của người khác. Khi mà sự hiểu biết của chúng ta lớn thì sự thương yêu của chúng ta cũng lớn và trái tim của ta sẽ trở thành trái tim lớn. Người Việt Nam chúng ta thường nói trong vấn đề giao tiếp, ăn ở rằng:
- Chật bụng chớ không phải là chật nhà.
Nghĩa là khi nào mà bụng của ta rộng thì nhà của chúng ta chứa rất nhiều. Còn nếu bụng của ta nhỏ, trong khi cái nhà tuy lớn nhưng không chứa đựng được bao nhiêu. Tâm lượng của chúng sanh thông thường thì nhỏ hẹp, trong khi đó tâm của chư Phật, chư Bồ tát, chư vị tổ sư nó rộng rãi như bài kệ:
- Ðại Viên Mãn Giác,
Ứng tức tây Càn
Tâm bào thái hư
Lượng châu sa giới.
Như vậy chúng ta ca ngợi Ðức Thế Tôn là chúng ta ca ngợi lượng từ bi, đức hiểu biết của ngài. Sỡ dĩ Ðức Thế Tôn có được lượng Từ Bi, bao dung và hiểu biết lớn như vậy là vì ngài có thực tập. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta biết thực tập Nhẫn Nhục Ba La Mật, nếu chúng ta biết thực tập tứ Vô Lượng Tâm đó là: Từ, Bi, Hỷ, Xã thì trái tim chúng ta sẽ lớn lên và có khả năng tiếp nhận được bất cứ một câu nói một hành động, và sự oan ức nào ta cũng có thể cười, ta cũng có thể hạnh phúc và vui vẻ. Trong Kinh có một lần Phật dạy như thế nầy:
Giả dụ nếu có một người nào đó nắm một nắm muối bỏ vào bát nước, và lấy tay khấy lên, thì nầy các vị đệ tử, người ta có thể uống được bát nước đó không? Các đệ Tử thưa:
- Bạch Ðức Thế Tôn, nước đó mặn lắm uống không được
Ðức Thế Tôn hỏi tiếp:
- Nhưng nếu cũng một nắm muối đó đem thả xuống một dòng suối thì thử hỏi những người ở trong vùng lân cận có thể uống được nước đó không?
Các đệ tử thưa:
- Bạch Thế Tôn, có thể uống được. Tại vì nước sông rộng mênh mông chỉ chừng đó muối không đủ làm cho nước trong dòng sông mặn.
Cũng vậy nếu trái tim của chúng ta bé nhỏ thì câu nói đó làm cho chúng ta nổi điên lên, hành động cũng làm cho ta tức suốt đêm, và những niềm oan ức đó cũng làm cho ta mất ăn mất ngủ suốt cả tuần. Nhưng nếu trái tim của chúng ta lớn như dòng sông thì câu nói đó hành động đó, niềm oan ức đó không ăn nhằm gì cả, và ta có thể tiếp tục cười, nói thảnh thơi an lạc như thường. Vì vậy thực tập Nhẫn Nhục Ba La Mật làm thế nào để quán chiếu, để cho chúng ta thấy được sự thật và lòng hiểu biết để cho tâm thương yêu của chúng ta lớn lên và tâm ta sẽ trở thành những dòng sông. Người ta có đổ xuống dưới lòng sông hai ba chục ký lô muối chúng ta vẫn không cảm thấy đau khổ huống hồ là một nắm muối. Có lần lúc La Hầu La 18 tuổi Ðức Thế Tôn có dạy một bài pháp về hạnh nhẫn nhục. Ðức Thế Tôn nói:
Nầy La hầu La, con hãy thực tập để có thể chấp nhận mọi thứ như đất. Vì đất có một khả năng tiếp nhận ôm lấy và chuyển hóa rất là vĩ đại. Dầu người ta có đổ trên đất những nước hoa và những chất liệu ngọt ngào, những chất dơ bẫn như là đàm nước tiểu phân..v..v.. không phải vì vậy mà đất nó sanh tâm tham đắm và giận hờn. Ðất có khả năng tiếp nhận những thứ đó, dầu thơm, dầu thối, dầu dơ, dầu sạch, đất có khả năng ôm lấy rồi sau đó có khả năng chuyển hóa tất cả những thứ đó trở thành những chất bổ dưỡng cho tất cả các cây cỏ mà không buồn phiền, con phải tập để con có thể hành xử như đất. Nầy La Hầu La, con hãy học hành xử như nước, vì người ta có đỗ xuống nước những chất liệu thơm tho, hoặc dơ bẩn, nhưng không vì vậy mà nước ghét bỏ giận dữ chán chường. Mà nước có thể chấp nhận, ôm ấp tất cả, và chuyển hóa tất cả. Nầy La Hầu La con, con hãy học xử sự như lửa, dầu người ta có đem cho lửa đốt những cái rất đẹp, hay là những cái rất thơm, hay những thứ rất hôi, lửa cũng không vì vậy mà chê, vì lửa có khả năng tiếp nhận tất cả, ôm lấy, và chuyển hoá đốt sạch tất cả để trở thành tro bụi, trở về đất. Chúng ta cũng vậy, tự học tự tập để có thể hành xử như lửa vì lửa có khả năng tiếp nhận ôm lấy và chuyển hóa tất cả. Nầy La hầu La, con phải thực tập để hành xử như gió, vì bất cứ một mùi thơm, mùi thúi nào đưa ra gió thì gió cũng đều chấp nhận, ôm lấy và chuyển hóa rất mau, vì gió là phong đại.
Cái lượng của bốn yếu tố rất lớn thì trái tim của chúng ta cũng phải lớn như vậy, chúng ta mới không đau khổ. Phương pháp để làm cho trái tim mình rộng lớn hơn gọi là phương pháp thực tập bốn cái tâm rộng lớn: Ðó là Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ và Tâm Xã.
1- Tâm Từ:
            Có nghĩa là khả năng đem lại niềm vui cho người, hạnh phúc cho người. Cái khả năng không phải là thiện chí, vì nhiều khi ta có thiện chí mà không có khả năng, chỉ có thiện chí mà không có khả năng thì càng thương, càng làm cho người kia đau khổ, và vì vậy phải học để có khả năng hiến tặng niềm vui. Muốn có khả năng thì phải tập quán chiếu, phải nhìn vào người kia thấy được khổ đau của người đó, từ hồi còn ấu thơ và cả thời gian lớn lên. Khi thấy được những cái khó khăn và những khổ đau, những cản trở, những vết thương của người đó thì ta mới bắt đầu hiểu và khi đã hiểu rồi thì dầu cho người đó có vụng dại, có nói những điều có thể gây ra đau khổ và đổ vỡ thì ta cũng có thể chấp nhận, vì người đó từ ấu thơ cho đến khi lớn lên đã sống trong hoàn cảnh thiếu tình thương, thiếu hiểu biết, cho nên đau khổ của người đó bị vung vãi ra chung quanh và khi hiểu được như vậy, không những ta không giận mà ta còn thương nữa. Bởi thế những điều người đó làm hoặc nói ta cũng không nên cố chấp, ta chỉ tội nghiệp, và ta có thể thương được. Vậy muốn thực tập từ thì ta phải quán chiếu, nghĩa là nhìn sâu để thấy và để hiểu, khi thấy và hiểu rồi thì ta mới có thể hiến tặng niềm vui và hạnh phúc cho người đó. Người đó có những nhu yếu nào, và không có những nhu yếu nào, khi chúng ta thấy được nhu yếu đích thực của người đó thì mới có thể hiến tặng cái mà người đó cần.
2- Tâm Bi
Bi là khả năng làm vơi đi những nỗi khổ của người kia, chuyển hóa được nổi khổ trong người kia. Muốn lấy đi cái nỗi khổ niềm đau của người kia, thì ta phải có một nhận thức chính xác về bản chất của cái khổ trong lòng người kia, khổ vì những lý do gì, vì những điều kiện nào, vì vậy chúng ta phải tập quán chiếu. Khi có thì giờ, khi có trái tim hiểu biết rộng mở, khi không có thành kiến thì chúng ta có thể nhìn vào người kia và ta thấy được nổi khổ niềm đau của người đó và bản chất của nổi khổ niềm đau đó. Khi biết được rồi thì thấy ta cần phải làm cái gì, và ta không nên làm cái gì, để cho vết thương, nỗi khổ niềm đau của người được tan biến. Còn nếu không có cái hiểu đó, cái Thiền quán đó, thì sẽ không có trí tuệ Ba La Mật, vì vậy những hành động của chúng ta có cái dụng ngược lại, nó làm cho người ta thương đau khổ. Vì vậy nên Bi là lòng xót thương phải luôn luôn có Trí mới có thể thấu đáo mọi sự mọi vật.
3- Tâm Hỷ
Hỷ là niềm vui, trong khi liên hệ tình cảm, thì yếu tố của Hỷ rất quan trọng. Thương nhau, thì phải thương nhau như thế nào để hai người cùng có một niềm vui, thì cái đó mới gọi là tình thương chân thật, còn nếu thương nhau mà ngày nào hai bên cũng khóc cả thì tình thương đó là tình thương đích thực. Vì vậy yếu tố Bi và Hỷ là yếu tố rất quan trọng trong tình thương của chúng ta. Trước hết yếu tố Từ là hiến tặng niềm vui, yếu tố Bi là làm vơi nổi khổ. Yếu tố thứ ba là cái vui do tình thương phát hiện đó là Hỷ
4- Tâm Xã.
Xã như thế nào để không bị vướng mắc, thương yêu như thế nào mà ta được bảo tồn cái tự do của ta, và ta bảo tồn được cái tự do của người chúng ta thương.
Thương mà đánh mất tự do của mình, tự do của người mình thương thì tình thương đó chưa phải là đích thực, chưa phải là chân tình. Khi chúng ta thương với mục đích chiếm hữu thì ta đoạt mất tự do của người ta thương, khi mất tự do thì không còn hạnh phúc nữa. Khi thương ta bị vướng mắc thì ta cũng đánh mất cái tự do của ta, cho nên ta cũng không có hạnh phúc. Vì vậy tình thương là nền tảng của hạnh phúc. Thương như thế nào để cho người mình thương còn không gian để thở, chớ còn thương mà với tính cách chiếm hữu độc tài, thì chẳng khác nào nhốt người mình thương vào địa ngục. Bởi thế:
- Chúng ta phải có cơ hội để nhìn lại bản chất tình thương của chúng ta, đem cái tình thương của ta đặt lên và dùng ánh sáng của chánh niệm quán chiếu, xem thử coi nó có yếu tố từ không. Buổi sáng có hiến tặng được hạnh phúc nào cho người mình thương không, buổi chiều mình có hiến tặng được hạnh phúc nào cho người mình thương không?
- Trong tình thương của chúng ta có yếu tố Bi hay không, có khả năng làm vơi đi nỗi khổ hay không? Buổi sáng mình có làm cho người mình thương vơi bớt đi nỗi khổ không? Buổi chiều có là cho người mình thương bớt khổ đau không?
- Thứ Ba trong tình thương của ta có yếu tố Hỷ không? Buổi sáng có phải nhờ hạnh phúc nầy mà người mình thương hoan hỷ mĩm cười và đi làm với rất nhiều năng lượng và tin tưởng hay không? Nếu có thì ta có yếu tố thứ ba tức là Hỷ. Nếu thương mà buổi sáng khóc, buổi chiều khóc, buổi tối khóc, thì tình thương đó không có yếu tố Hỷ.
- Và cuối cùng nhìn vào trong tình thương của ta có yếu tố Xã hay không. Nghĩa là ta và người thương có tự do hay không, hay là cả hai đều có cảm tưởng bị vậy hãm trong ngục tù đau khổ không thoát ra được không?
Nếu thấy bốn yếu tố có khả năng để tạo tình thương đích thực đó không có, thì chúng ta phải biết rằng tình thương nầy là tình thương Bi Lụy, mà trong đó hai chúng ta dìu nhau đi vào cõi khổ, tình thương đó không đáng để cho chúng ta duy trì. Nếu chúng ta thấy có một chút ít Từ, một chút Bi, một chút ít Hỷ, một chút ít Xã, thì ta phải cố gắng thực tập mỗi ngày để cho Từ mỗi ngày lớn hơn một chút, Hỷ lớn hơn một chút, Xã lớn hơn một chút, và như vậy cái tình của ta nó từ từ biến thành chân tình, và cái hạnh phúc của chúng ta càng ngày càng thắm thiết hơn.
Là một người hiểu đạo, biết tu tập, và được hướng dẫn của các Thầy, bạn, chư thiện tri thức, thì phải sáng suốt, phải nhìn, phải phân tích, phải nhận diện, để thấy rõ tình thương là một cái gì cao quý, là một chất liệu cần thiết để duy trì cuộc sống hạnh phúc. Như khi chúng ta mới gặp nhau, hình ảnh đẹp của người con gái giống như Ðinh Hùng diễn tả:
- Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Em là thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn em không nói năng.
Do đã có những ấn tượng đẹp như vậy nên khi cưới nhau, chúng ta về ở với nhau rất hạnh phúc, chúng ta sinh con ra, chúng ta nghĩ rằng ta với con của mình là một, và nếu chúng ta không có đứa con nầy thì chúng ta sẽ không có niềm vui,
Nhưng nếu chúng ta không biết duy trì và nuôi dưỡng tình yêu đó, thì nó sẽ biến thành hận thù. Mình thương con như vậy mà bây giờ đây con của mình đem lại không biết bao nhiêu là khổ đau. Mình thương vợ như vậy mà bây giờ đây vợ trở thành ra niềm đau nỗi khổ của mình. Nếu ngày xưa gặp nhau thơ mộng bao nhiều thì bây giờ khi cưới nhau rồi mới thấy, mới biết:
- Khi cưới em tôi đã biết rằng
Em là thiếu nữ mập như trâu.
Mắt xơ xác quá thành hoang dại
Tôi tức nhìn em hết nói năng.
Khi mà tình thương trở thành hận thù thì chúng ta cũng đừng nên lo lắng nhiều, nếu ta biết phương pháp biến sự hận thù trở thành tình thương trở lại, đó gọi là sự chuyển hóa. Vì vậy nếu chúng ta không còn thương nhau như ngày xưa, vì đã có những vết đen, những cái khổ đau, đã có những cái buồn khổ, nhưng nếu ta học được phương pháp của Phật dạy làm một cuộc chuyển hóa, biến rác thành hoa và khôi phục lại cái hạnh phúc ngày xưa mà chúng ta đã có. Ly dị không phải là con đường duy nhất. Ly dị có thể không có ích lợi gì cả. Vì chúng ta nghĩ khi ly dị là chúng ta sẽ bắt đầu tự do trở lại chư cũ. Ðiều nầy là một ảo tưởng, vì nếu sau khi ly dị, niềm đau, nỗi khổ của ta vẫn y nguyên, và rất có thể còn tăng thêm nữa là khác, và nếu chúng ta gặp người khác, với cái số lượng khổ đau ta đang mang trong trái tim, chúng ta sẽ làm cho người mới nầy đau khổ. Vì trong chúng ta không còn những chất liệu tươi mát của hoa để nuôi chúng ta, để nuôi người khác, mà chất liệu tươi mát của hoa được thay thế bằng rác. Rác đó sẽ làm cho chúng ta đau khổ và sẽ làm cho người mới đó đau khổ, cho nên ly dị hay không ly dị đó không phải là vấn đề, mà vấn đề là chúng ta có thể chuyển hóa chất liệu rác rưới trong chúng ta thành chất liệu tươi mát của hoa trở lại hay không đó là chuyện cần nên biết. Vấn đề chuyển hóa đau khổ thành ra an lạc, chuyển hóa sự hận thù thành ra sự thương yêu hay không đó mới là vấn đề quan trọng.
Chúng ta đã học và chúng ta hiểu rằng, cái hiểu đưa tới sự chấp nhận tha thứ và thương yêu. Nó sẽ làm cho trái tim chúng ta lớn hơn, cái chất liệu hiểu và thương làm cho chúng ta lớn hơn, và khi trái tim của chúng ta lớn rồi thì cũng câu nói vụng về đó, cũng những cái hành xử vụng về đó, cũng những oan ức đó chúng ta có thể chấp nhận sống được. Người kia không hiểu chúng ta, chúng ta không có giận lại, đó là thái độ của người quân tử. Có thể người kia không hiểu nhưng chúng ta không vội lên án, chúng ta cần có thời giờ cho người kia một cơ hội, để tìm hiểu sự thật, chúng ta có thể cho người đó thời gian cần thiết nào để hiểu.
Thông thường thì con người rất là nhẹ dạ, nên khi đọc báo chí, hoặc nghe tin tức thì họ tin liền, từ đó họ ngồi lê đôi mách, và ưa nói xấu thêm ra. Nếu nạn nhân đang được bêu xấu đó là chúng ta, chúng ta sẽ đau khổ vô cùng. Tuy nhiên là con người học Phật, khi nghe thấy những việc như vậy, chúng ta nên tội nghiệp cho những người nhẹ dạ, chúng ta nên khởi tâm từ bi, mà thương người ta. Do đó mà dầu cho bao nhiên người vu khống cũng không quan hệ gì. Nếu chúng ta thực tập quán chiếu Từ Bi thì chúng ta thấy liền. Con người và cuộc đời là như vậy. Con người thường khi thiếu hiểu biết, không có suy xét và quán chiếu độc lập của mình, cho nên khi nghe một chuyện gì đó, thấy một cái gì đó thì vội vàng tin, và cho đó là thật, thì những con người như vậy là nạn nhân của tri giác sai lầm dài dài.
Nếu chúng ta đã hiểu được thấu đáo như vậy thì trái tim của chúng ta trở thành lớn, dầu cho bao nhiêu triệu người vu khống thì chúng ta vẫn không lay chuyển. Sở dĩ chúng ta không giận vì chúng ta có cái sự hiểu biết lớn và niềm thương lớn. Nếu trái tim chúng ta nhỏ, thì chúng ta sẽ đau khổ vô cùng.
Trong tim của chúng ta, trái tim thì nhỏ mà chất liệu hận thù thì quá lớn, trái tim của chúng ta làm sao có thể chứa nổi lượng oán hận nhiều như vậy, vì vậy chúng ta phải thực tập để cho trái tim lớn lên bằng cách quán chiếu, bằng cách hiểu, thì tự nhiên chất liệu của sự oán thù nó tan biến. Những sự kiện mà chúng ta cho là oán thù lúc đó nó cũng tan biến luôn.
Trong chiến tranh tại Việt nam nói riêng, các nơi trên thế giới nói chung, hầu hết những người dân trong các quốc gia chiến tranh đều là nạn nhân của những chính sách không thông minh, vì vậy trong đau khổ chúng ta đã lên án lẫn nhau, và coi nhau là những kẻ thù nghịch, nhưng sự thật chúng ta đều là những nạn nhân của những chính sách không thông minh. Nếu thấy được như vậy, chúng ta không còn hận thù nhau nữa, mà ta hãy phát lòng thương tưởng với nhau, và thấy kẻ thù của ta là vô minh, tham dục, của những chính sách sai lầm đã tạo ra cuộc chiến tranh diệt chủng và làm đau khổ cho dân tộc chúng ta và những dân tộc chung quanh. Nếu chúng ta có hạnh phúc lớn thì chúng ta không còn lưu tâm gì đến những cái oan trái, những lời nói, những hành động phát xuất từ vô minh hận thù, chúng ta không có giận hờn, chúng ta không có đau khổ, chúng ta chỉ tội nghiệp cho người đời mà thôi. Sở dĩ chúng ta cư xử được như vậy vì hạnh phúc của chúng ta quá lớn, trái tim của chúng ta khá rộng, bởi vậy nhẫn Nhục Ba La Mật là một pháp môn rất vi diệu. Cũng những câu nói đó, cũng những lời nói đó hành động buộc tội đó, mà chúng ta tiếp nhận một cách dễ dàng, vì lượng tâm của chúng ta rất lớn.
Nếu chúng ta còn đau khổ nhiều không phải vì người kia không biết điều, mà vì cái lượng của trái tim của chúng ta chưa lớn. Khi tạo cho nhau những đau khổ là đã tự dìu nhau xuống địa ngục và không biết cách dìu nhau đi lên và cũng không buông ra được. Khi chúng ta lâm vào tình trạng đó thì chúng ta biết rằng, sở dĩ chúng ta tiếp tục đau khổ và làm khổ với nhau như vậy là vì cả hai phía chưa có phía nào có trái tim đủ lớn để có thể ôm lấy người kia. Người kia sở dĩ đau khổ và tiếp tục làm cho chúng ta đau khổ, vì người kia không có nẻo thoát, người đó có đau khổ quá nhiều và người đó không có phương pháp để chuyển hóa những đau khổ, cho nên người đó vung vãi những đau khổ lên chúng ta. Chúng ta có niềm đau nỗi khổ trong lòng, chúng ta chưa biết cách chuyển hóa, trái tim ta còn nhỏ cho nên ta vung vãi những đau khổ lên người đó, và như vậy chúng ta chỉ muốn trừng phạt nhau mà thôi, chúng ta chỉ muốn trách cứ nhau. Có người nghĩ rằng trách cứ nhau, làm cho người khác đau khổ là chúng ta bớt khổ, đó là ý nghĩ hết sức sai lầm, và đừng bao giờ làm như vậy.
Phải biết rằng vì chúng ta thiếu thực tập, cho nên những niềm đau nỗi khổ trong chúng ta, chúng ta không chuyển hóa được, vì vậy chúng ta làm khổ cho người chúng ta thương. Cũng vậy, những niềm khổ đau ở trong người chúng ta thương, người đó không có khả năng chuyển hoá, không đủ hiểu biết, không đủ thương yêu, nên tự làm khổ cho bản thân và làm khổ cho chúng ta. Nếu gặp hoàn cảnh như vậy, thì con đường thoát duy nhất là phải quán chiếu để biết rằng người đó khổ như vậy, bởi vì từ thời ấu thơ cho đến khi lớn lên chưa được dạy dổ phương pháp tạo tác tình thương và tạo tác sự hiểu biết, cho nên chúng ta có đòi hỏi cách mấy người đó cũng không thay đổi được. Thà rằng chính mình chấp nhận người ấy. Chúng ta có những cái khổ, và có những điều kiện chuyển hóa cái khổ, thì chúng ta sẽ bắt đầu thực tập và trái tim của mình rộng ra, ngay lúc đó chúng ta chấp nhận người đó là mình bớt khổ đi rất nhiều. Giờ phút chúng ta chấp nhận người đó chính chúng ta đã bớt khổ rồi.
Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn thấy được tình trạng đau khổ của chúng ta, và người chúng ta thương thì chúng ta phải nghĩ ngay đến phương pháp chỉ quán để quán chiếu tại sao chúng ta như vậy. Chỉ tức là làm ngưng lại, làm cho êm dịu lại, tập trung tâm ý lại, và khi chúng ta ngưng được lại rồi, làm êm dịu được rồi thì chúng ta bắt đầu nhìn sâu vào cái đó gọi là quán. Và cái thấy đó, cái quán sát đó nó giúp chúng ta thoát ra khỏi những đau khổ. Làm được như vậy là chúng ta đã có một phương pháp thích hợp, chúng ta sẽ biết tạo ra hoàn cảnh, trong đó có điều kiện giúp chúng ta tu tập chuyển hóa thân và tâm của chúng ta. Khi chúng ta hiểu được rồi thì chúng ta chấp nhận được chúng ta, chúng ta chấp nhận được người kia, và tự nhiên hòa bình an lạc cũng bắt đầu có, với những cố gắng hằng ngày thì ta sẽ đạt tới sự chuyển hóa đó.
Như vậy pháp môn chỉ và quán là Thiền Ba La Mật mà cũng là Nhẫn Nhục Ba La Mật. Nếu chúng ta thực hiện được Thiền Ba La Mật thì chúng ta cũng có thể thực hiện được Nhẫn Nhục Ba La Mật một cách rất dễ dàng. Thấy được các nguyên nhân dẫn tới đau khổ thì chúng ta hiểu được. Khi chúng ta đã hiểu được người mà chúng ta thương thì chúng ta chấp nhận được. Khi chúng ta đã chấp nhận được những tánh tốt cũng như những tánh hư tật xấu của người chúng ta thương thì chúng ta sẽ hết khổ.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Phật Học Phổ Thông
- Tu Tâm
- Dưỡng Tánh
- Tự Ðiển Phật Học
-- o0o --