-
Lời Con Trẻ
-
Tuệ Vũ
-
Cuối Thu 2002
-
(Dựa theo một câu chuyện do nhóm Quán Xưa
-
Chu Văn An 1956-1963 tại Hoa Kỳ đề cập)
-
--o0o--
-
-
-
Gia đình ông Thông qua Mỹ năm 1975, tới năm 2000 thì đứa con
lớn đã trưởng thành, nhưng đứa con nhỏ chỉ mới hơn 5 tuổi.
Thằng nhỏ thật dễ thương tuy cháu có vẻ hơi chậm chạp. Cả nhà
thường gọi cháu là cu Út tà tà vì lúc nào cháu cũng tỏ ra
thảnh thơi thoải mái kể cả lời nói. Chưa bao giờ ông bà Thông
thấy con có thái độ vội vàng dù bị hối thúc.
-
Lời cu Út luôn luôn từ tốn, tỏ ra có suy nghĩ chín chắn, Út
thường quan sát khá kỹ càng trước khi quyết định, bởi vậy lời
phát biểu của Út đôi khi khiến cả nhà sốt ruột, có khi ai cũng
phải ngạc nhiên và khựng lại giây lâu sau lời chú bé nói.
-
Ông Thông còn nhớ rõ, năm ngoái khi cu Út chỉ hơn 4 tuổi, hàng
ngày được gửi tại nhà trẻ khi cha mẹ đi làm, vào một buổi sáng
cuối tuần, ông Thông chở cu Út đi dự sinh nhật bạn của Út. Ông
Thông chợt nhớ là cùng ngày giờ hôm đó, Út có tới 2 đứa bạn
sinh nhật, thằng John và thằng Keith. Sau khi 2 cha con đã
ngồi trong xe ông hỏi Cu Út:
-
- Con muốn tới nhà John hay Keith?
-
Như thường lệ, Út ta suy nghĩ một chút rồi trả lời Bố:
-
- Tới nhà Keith đi Bố.
-
Ông Thông cho xe về hướng nhà đứa bạn mà con ông vừa nói rồi
ông hỏi con trai:
-
- Tại sao con không tới nhà John, John thân với con lắm mà.
-
Vẫn một giọng từ tốn tà tà muôn thuở, Út trả lời:
-
- John có nhiều bạn lắm, nhưng Keith thì rất ít, giờ này nhà
Keith chắc chưa có ai, con đến nhà Keith thì tốt hơn.
-
Ông Thông tuy đang lái xe cũng liếc mắt thật nhanh nhìn thằng
con nhỏ vừa nói câu đó. Ông chợt nghĩ tới lời Khổng Tử Nhân
chi sơ tánh bản thiện, con người mới sanh ra tính nết đều tốt.
Thằng con ông mới 4 tuổi mà có tấm lòng nhân hậu ấy hay sao?
Nét mặt thằng bé vẫn thản nhiên, không hề có chút gì thay đổi,
không hề biết cháu vừa làm cho cha phải sửng sốt xen lẫn lòng
cảm phục.
-
Ông bà Thông cứ cặm cụi đi làm, cả hai đều chịu khó, dù đau
yếu cũng cố đi làm, không dám nghỉ, sợ mất điểm tốt. Vì thế
vấn đề tài chánh trong gia đình luôn luôn dồi dào, nợ nhà cửa,
xe cộ đã trả hết từ lâu.
-
Ông bà Thông không để ý tới một điều, cho tới một ngày kia.
-
Ông vừa đi làm về, chưa bước vào trong nhà thì cu Út bước ra
cửa hỏi bố:
-
- Bố ơi, Bố đi làm mỗi giờ được bao nhiêu?
-
Ông Thông hết sức ngạc nhiên về câu hỏi của thằng con, ông chỉ
khẽ lườm nó một cái, không trả lời rồi bước vào phòng mình.
-
Thằng bé không được bố trả lời, tủi thân chạy về phòng riêng,
úp mặt vào gối, thút thít khóc. Ông bố có lẽ đã nhận ra hành
động vô lý của mình nên bước vào phòng con trai, ôn tồn, âu
yếm bảo:
-
- Con hỏi lương của bố để làm gì? Mỗi giờ bố làm được 20$.
-
Chú bé chùi nhanh nước mắt lên gối, ngồi nhỏm dậy:
-
- Con muốn mượn bố 10$.
-
Ông Thông lại ngạc nhiên một lần nữa:
-
- Con cần tiền để làm gì?
-
Thằng bé không trả lời, chỉ nằm ngửa ra giường, lấy gối che
mặt, nước mắt ứa ra, Út đã không dấu nổi tiếng nấc phát ra từ
cuống họng.
-
Ông bố hiểu tính nết thằng bé, dù có hỏi thêm nó cũng không
nói nên ông rút tiền để lên bàn học của con rồi bước ra ngoài
sau khi nói:
-
- Bố cho con $10, con không cần phải trả lại, chỉ cho biết là
con mua gì thôi.
-
Ngày hôm sau, sau khi đậu xe trong garage, ông Thông chưa bước
vào nhà thì cu Út đã từ trong nhà mở cửa trao cho bố một phong
bì và nói bằng một giọng vui mừng:
-
- Bố cầm 20$ này, ngày mai bố về sớm 1giờ ăn cơm với con, ăn
mà thiếu bố con buồn lắm.
-
Vất vội cái áo đang cầm trong tay, ông Thông ôm choàng lấy
con, ngồi xuống ghế, 2 hàng nước mắt chảy dài trên má. Thằng
bé có lẽ cũng hiểu phần nào về sự xúc động của bố, Út ôm chặt
lấy bố, mắt đỏ hoe.
-
Hai bố con cứ ôm nhau ngồi trên ghế như vậy một hồi lâu, ông
Thông như vừa có một quyết định quan trọng, ông chùi nước mắt,
bằng lời nói thật vui vẻ, ông bảo con:
-
- Từ tháng sau bố sẽ không làm giờ phụ trội nữa.
-
Bằng phản ứng nhanh nhẹn khác với thường lệ, thằng bé hỏi:
-
- Bao giờ thì tới tháng sau hả bố?
-
Ông Thông im lặng, xoa đầu con, nhờ cu Út mà niềm vui qúy báu
vắng bóng từ lâu nay đã trở lại với ông.
|