-
Tinh Tấn Ba La Mật:
-
Thông Nghĩa
-
--o0o--
-
-
Tinh nghĩa là Tinh Thuần làm việc thiện. Tấn nghĩa
là tấn tới, không giải đãi. Ba La Mật là vượt qua bở bên kia.
-
Vậy chữ Tinh Tấn có nghĩa là luôn luôn chuyên tâm
nhất trí, cố gắng không ngừng để đạt tới mục đích toàn thiện,
tốt đẹp sáng sủa, sống đời an vui. Theo nghĩa thông thường
trong thế gian, tinh tấn được hiểu là siêng năng chuyên cần.
Nhưng khi nói đến từ ngữ tinh tấn là phải biết trong đó có cả
nghĩa chuyên cần, và siêng năng để đạt tới mục đích chân chánh
tốt đẹp, mục đích giải thoát.
-
Sau khi tìm hiểu chữ Tinh Tấn là thuần thiện mà cầu tiến, thì
mạnh mẽ quyết thực hành, sách tấn thân tâm, không bao giờ thối
chuyển. Ðối với người tu hành, tinh tấn rất là trọng yếu trong
việc thực tập này.
-
Từ ngữ Tinh Tấn nếu áp dụng trong việc tu tập thì được hiểu là
sự thực tập liên tục không ngừng. Tiêu biểu cụ thể như trong
khoá tu, chúng ta có thể thực tập rất là tinh cần siêng năng,
nhưng sau khóa tu chúng ta có thể tiếp tục được vài tuần lễ,
vài tháng, rồi sau đó bỏ sự thực tập, như vậy là không tinh
tấn. Muốn cho sự tu học của chúng ta có kết quả tốt đẹp, thì
chúng ta phải có sự thực tập, bằng cách chúng ta phải nương
vào Tăng Thân. Tăng Thân là một đoàn thể, một nhóm người cùng
thực tập như chúng ta.
-
Trong cuộc sống hằng ngày, tinh tấn phải được hiểu như thế
nầy: Trong ruộng tâm, trong đất tâm của chúng ta có rất nhiều
hạt giống, giống tốt cũng có và giống xấu cũng có. Vì thế
chúng ta phải:
-
- Thực tập như thế nào để cho mỗi ngày chúng ta đừng tưới tẩm,
đừng tạo điều kiện để cho những hạt giống xấu đã có trong
chúng ta phát triển.
-
- Thực tập như thế nào để cho những hạt giống xấu chưa có thì
đừng làm cho nó phát triển.
-
Hạt giống xấu trong tâm thức được nhắc nhở nhiều đó là: Tham,
Sân, Si. Vì hạt giống xấu tham sân, si một khi phát triển rồi
thì nó sẽ ăn sâu bám rễ và tàng trử trong hạ tầng cơ sở của nó
là tạng thức, cứ thế mà theo ngày tháng hạt giống đó nó sẽ lớn
lên dần. Những hạt giống giận hờn đó, nếu nó có thời gian năm
phút phát triển, thì dưới tâm địa, hay tạng thức của nó có năm
phút để phát triển rất là nguy hiểm. Vì sự nguy hiểm như vậy
cho nên chúng ta phải làm thế nào để cho năng lượng của sự
giận hờn trở về tâm địa càng sớm càng tốt.
-
Ðối với những thiện pháp chúng ta phải:
-
- Thực tập như thế nào trong mỗi ngày để cho những hạt giống
tốt chưa phát triển có cơ hội phát triển.
-
- Thực tập như thế nào để mỗi ngày chúng ta có thể chạm được
và tưới tẩm, săn sóc những hạt giống tốt đã có mặt trong chúng
ta phát triển mạnh thêm lên.
-
Hạt giống tốt trong tâm thức thường được nhắc nhở đó là:
-
- Không tham
-
- Không sân,
-
- Không si,
-
- Nghe kinh, nghe pháp....
-
Khi chúng ta có thể phát hiện những hạt giống tốt như: Không
tham, không sân... mà nếu chúng ta duy trì hạt giống tốt trong
tình trạng như vậy được 10 phút, thì trong tâm địa hay tạng
thức của nó có 10 phút để phát triển theo chiều hướng tốt đẹp,
đó là cái định luật của tâm lý.
-
Ví dụ như chúng ta ngồi nghe pháp, tụng kinh, hay ngồi thiền
thì hạt giống của chánh pháp, thiện căn đó được biểu hiện. Như
ta nghe pháp, tụng kinh, hay ngồi thiền được một giờ, trong
một giờ đồng hồ đó hạt giống chánh pháp nó có cơ hội lớn một
giờ. Nếu là năm phút thì hạt giống đó nó có năm phút để lớn
lên. Ðó là cách tưới tẫm hạt giống tốt. Trong Truyện Kiều cụ
Nguyễn Du có nói:
-
- Thiện căn ở tại lòng ta.
-
Rất có thể cái thiện căn ở tại lòng ta mà cụ Nguyễn Du muốn
nói đó là:
-
- Nhân chi sơ tánh bản thiện?
-
Tuy nhiên chữ lòng ta, chúng tôi muốn nói ở đây là tàng thức,
và chúng ta làm những công việc như là nghe pháp, tụng kinh,
hay ngồi thiền, đó là những việc mà chúng tôi thường nói cho
văn vẻ một chút gọi là tưới hoa. Chúng tôi xin nhấn mạnh: Tưới
hoa chứ không phải tưới rác. Tưới rác thì rác mọc. Tưới hoa
thì hoa mọc đó là việc chắc chắn. Vì vậy chúng ta đừng có tưới
rác trong đời sống chúng ta mà chúng ta chỉ tưới hoa trong đời
sống chúng ta mà thôi. Nếu là:
-
a- Trong gia đình:
-
Ðể bảo đảm hạnh phúc sống chung, chúng ta có thể yêu cầu người
mà chúng ta thương cùng ký một tờ hợp đồng để sống chung.
Trong tờ hợp đồng đó sẽ có những quy định:
-
- Nếu thương và cho nhau hạnh phúc thật sự thì đừng có tưới
rác, mà phải tìm cách tưới hoa mỗi ngày. Nghĩa là: Nếu thương
nhau thì đừng bao giờ có những lời nói chua chát, nặng nhẹ, mà
phải thay vào đó bằng những lời nói chân thành, từ ái.
-
- Những hạt giống xấu ai cũng có cả, vì thế nếu tưới hạt giống
xấu thì cuộc sống của hai người sẽ rất đau khổ. Và hạt giống
đó nó sẻ lớn. Nghĩa là trong mọi người chúng ta ai cũng có
buồn vui, sân hận, đam mê... Nhưng nếu tánh tình của chúng ta
cứ khó chịu, bao nhiêu bực dọc ở ngoài đường, ở sở làm đều gom
lại mang về nhà trút hết lên mình người chúng ta thương, người
mà chúng ta sống chung thì dù là cố ý hay vô tình cũng đều làm
cho người thương của chúng ta đau khổ. Nếu biết kềm chế và
biết dừng lại thì nỗi khổ niềm đau càng ngày càng tăng thêm
lớn thì hậu quả của sự cam kết sống chung sẽ ra sao?
-
- Trong mỗi người ai cũng có hạt giống tốt, nghĩa là mỗi người
chúng ta ai cũng có khả năng kiểm soát được lương tri, làm cho
chúng ta không sân, không si mê... Thay vì bao nhiêu chuyện
lớn khó khăn chướng ngại trong gia đình thì chúng ta cố gắng
làm sao cho nó nhỏ lại, và những chuyện nhỏ làm cho nó mất
luôn. Làm được như vậy chính là chúng ta đã và đang mang những
giọt nước từ ái tưới tẩm những hạt giống tình thương tốt đẹp
cho nhau. Nếu dùng nước từ ái để tưới hạt giống tình thương
tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ hạnh phúc. Nếu người của chúng
ta thương có hạnh phúc thì chúng ta sẽ được hưởng bầu không
khí hạnh phúc của cả gia đình.
-
b- Ngoài Cộng Ðồng
-
Chúng ta biết ngoài cộng đồng, là một tổng hợp của nhiều cá
nhân, nhiều gia đình, và ngay cả với nhiều sắc tộc khác nhau.
Người ta thường nói:
-
- Chín người thì đã có tới mười ý kiến khác nhau.
-
Thật sự ngoài cộng đồng mà không có chín người mười ý, thì
không thể nào gọi là cộng đồng, và cũng không thể nào gọi là
cuộc sống trong thế gian được. Người xưa đã từng bảo như vậy
nhưng có lẽ đúng. Là thế gian cho nên mọi sự, mọi vật nó đều
cong theo định kiến của mỗi người, chứ nó không ngay thẳng như
chúng ta thấy, biết. Chính vì cái định kiến nó cong quẹo như
vậy, cho nên từ một trạng thái hợp tác thân thương trở thành
chia rẽ, thù nghịch. Từ một trạng thái cùng chung lý tưởng trở
thành người xa lạ... Ðó cũng chỉ vì cái gọi là lý tưởng, nhiệt
tình phục vụ cho cộng đồng, cho nhân loại. Mới nghe qua dường
như thật, nhưng nếu nhận xét cho sâu sắc thì không phải như
vậy, mà đó chẳng qua rất có thể là do tham vọng cá nhân, mà
theo tinh thần Phật Giáo gọi là bản ngã to quá, ai cũng muốn
làm lãnh tụ. Nếu chúng ta là một thành viên trong một cộng
đồng nào đó, khi làm việc gì chúng ta cũng nên cẩn thận. Cẩn
thận ở đây có thể là để coi người mà chúng ta hợp tác đó, thật
sự có đường hướng rõ rệt để phục vụ cho cộng đồng xã hội, hay
đó chỉ là chiêu bài để làm lợi cho cá nhân, để giỡn chơi cho
vui. Cẩn thận cũng có nghĩa là dò xét coi chính bản thân của
chúng ta, và những việc làm của chúng ta, có bao nhiêu phần
trăm phục vụ cho lý tưởng, có bao nhiêu phần trăm tư lợi cho
gia đình, có bao nhiều phần trăm vì bản ngã và ích kỷ cho cái
tâm tham danh lợi. Là một người có lương tâm phục vụ cho cộng
đồng, nhân loại, khi chúng ta biết có bao nhiêu phần trăm phục
vụ cho lý tưởng, có bao nhiêu phần trăm tư lợi cho gia đình,
có bao nhiều phần trăm vì bản ngã và ích kỷ cho cái tâm tham
danh lợi thì chúng ta sẽ biết là chúng ta phải làm gì.
-
Như vậy chúng ta thấy muốn có được giây phút êm đềm trong gia
đình, và bầu không khí tươi mát trong cộng đồng xã hội, điều
kiện cần có để bảo đảm những điều đó là hai bên, hoặc các phe
hợp tác với nhau phải ngồi xuống ký một hợp đồng sống chung và
làm việc chung trong tinh thần thông cảm và tương trợ. Nếu làm
được như vậy, và duy trì tình thương, thân một cách liên tục
thì gọi là Tinh Tiến Ba La Mật.
-
Nói một cách khác, cho dù là trong gia đình, hay ngoài xã hội,
những hạt giống xấu mà phát hiện rồi thì phải làm cho nó trở
lui lại trong tạng thức, đừng để nó phát sinh nữa. Những hạt
giống tốt phát hiện rồi thì tìm cách giữ càng lâu càng tốt, để
cho dưới tạng thức nó phát triển. Và phải nên tự hứa với nhau,
là đừng nên tưới tẩm những hạt giống hận thù, sân si, ganh tị,
phiền não. Nếu người của chúng ta thương mà nổi sân si, phiền
não, thì chúng ta cũng lãnh đủ, đó là giận cá chém thớt. Chúng
ta phải tự hứa từ nay trở đi phải tưới những hạt giống lành
cho nhau. Ðể cho những hạt giống của sự tự tin, hạt giống của
sự hiểu biết, thương yêu nó phát triển, nó nẩy sanh.
-
Có những người cũng nghi ngờ và thắc mắc:
-
- Việc nói thì ai nói cũng dễ, cũng được, nhưng thật sự trong
lòng chúng ta có quá nhiều nỗi khổ niềm đau, chúng ta có thể,
có khả năng làm nên hạnh phúc cho chúng ta hay không? Hay là
hạnh phúc đó là để cho người khác chớ không phải cho riêng
chúng ta, tại trong lòng chúng ta có đau, có khổ và không ai
hiểu nổi.
-
Câu trả lời rằng được, dầu mình có những niềm đau, nổi khổ
trong lòng, mình vẫn có thể có hạnh phúc được, và đức Phật có
cắt nghĩa tại sao. Ðức thế Tôn dạy:
-
- Khi một người cầm một cục đá thả xuống dưới sông, dầu cho
cục đá nó nhỏ, nó cũng vẫn cứ chìm, nhưng nếu có một cục đá
lớn, và người nào đó để trên một chiếc thuyền, thì cục đá đó
không chìm xuống dòng sông vì nhờ chiếc thuyền.
-
Trong tinh thần nầy, ngay cả nếu chúng ta có hai chục ký lô đá
chúng ta để trên chiếc thuyền, thì hai chục ký lô đá đó, vẫn
không chìm vì bao nhiêu sức nặng đều nhờ chiếc thuyền gánh vác
hết. Vì vậy dầu cho chúng ta có nỗi khổ niềm đau, và nếu chúng
ta có một phương pháp để tự hóa giải, thì chúng ta vẫn không
bị đắm chìm trong biển khổ, trái lại chúng ta vẫn có hạnh phúc
như thường. Như trường hợp của Hoàng Hậu Vi Ðề Hy, mẹ của vua
A Xà Thế.
-
Tại Ðại Thành Vương Xá có một vị Thái Tử Tên là: À Xà Thế, vì
nghe theo những lời chỉ dạy của người bạn thiếu thông minh đó
là Ðề Bà Ðạt Ða xúi dục cướp ngôi Vua, nên Thái Tử đã bắt giam
giữ vua cha Tần Bà Sa La, nhốt ở trong nhà ngục tối, đồng thời
ra lệnh cấm hết trong trào thần, không ai được lai vãng.
-
Thấy con mình tàn nhẫn quá, nên bà Quốc Thái Phu
Nhân là bà Vi Ðề Hy tắm gội thân thể rất sạch sẽ, rồi dùng
bánh sữa, mật ong, trộn với bột chín đem xoa bôi trên đầu tóc
thân mình, còn trong các xâu chuỗi ngọc, đều đựng những nước
trái bồ đào, rồi bà lén đem đến dâng cho vua. Vua Tần Bà Ta La
nhờ ăn những thứ bột, sữa và mật, ở trên phần thân của Phu
Nhân và uống nước trái cây trong chuỗi anh lạc, mà kéo dài thọ
mạng.
-
Một hôm nọ vua A Xà Thế hỏi những quân canh cửa rằng:
-
- Phụ vương ta đến nay hãy còn sống hay chết?
-
Lúc bấy giờ những quân canh cửa tâu với vua rằng:
-
- Lịnh Bà Quốc Thái Phu Nhân, dùng những thứ bột chín, bánh
sữa, trộn với mật ong, bôi trên đầu tóc, mình, đựng nước trái
bồ đào trong chuỗi anh lạc, rồi đem dâng cho nhà Vua, nhờ vậy
đến nay nhà Vua vẫn còn sống.
-
Nghe quân canh nói, vua A Xà Thế tức giận:
-
- Mẹ ta thật là người giặc, làm bạn với quân giặc, khiến cho
lão Ác Vương kia, đã nhốt nhiều ngày mà không chết.
-
Vua liền cầm gươm bén thẳng đến muốn giết hại bà mẹ. Trong khi
đó có hai vị quan đại thần, tên là Nguyệt Quang, và Kỳ Bà can
gián nên Vua A Xà Thế không có ý định giết mẹ nữa, nhưng hạ
sắc truyền đem mẹ giam cầm trong chốn thâm cung đóng kín cửa,
không cho ra nữa.
-
Tâm trạng của một người mẹ thấy con tàn nhẫn như vậy nên bà
buồn khổ vô cùng. Vì sự đau khổ như vậy, nên bà vái lạy cầu
Phật chỉ dạy cho bà phương pháp để cho bà vơi bớt phiền muộn
-
Trong lúc đó, đức Phật ở trên núi Kỳ Xà Quật, biết được tâm
niệm của bà Vi Ðề Hy đang trông cầu, nên Ðức Phật liền dạy
ngài Ðại Mục Kiền Liên, cùng ngài A Nan, từ trên hư không mà
đi đến; còn Ðức Phật thì từ núi Kỳ Xà Quật mà ẩn mất, rồi hiện
thân ra trong cung vua, trong lúc đó bà Vi Ðề Hy, lạy Phật vừa
ngước đầu lên, liền thấy đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật,
thân Phật sắc vàng đỏ thắm, ngồi trên tòa hoa sen đủ trăm thứ
báu. Ngài Mục Liên hầu bên tả, ngài A Nan hầu bên hữu, những
vị Ðế Thích, Phạm Vương, các cung trời và bốn vị Thiên Vương
hộ thế, đều ở trên hư không, rưới khắp những thứ bông thơm
trên cõi trời, đem để cúng dâng Ðức Phật. Ðương khi đó bà Vi
Ðề Hy, vì được thấy đức Phật Thế Tôn, bà đảnh lễ Ðức Phật mà
thưa rằng:
-
- Bạch Ðức Thế Tôn, không biết đời trước con có tội gì? mà đời
nay sanh đứa con dữ như thế? Còn Ðức Thế Tôn có nhơn duyên làm
sao, lại cùng với ông Ðề Bà Ðạt Ða làm người quyến thuộc với
Phật?
-
Cúi xin Ðức Thế Tôn, vì chúng con rộng giảng, nói chỗ nào
không có những điều đau khổ lo buồn, cho con cầu xin về cõi đó
chớ con không muốn ở cõi Diêm Phù Ðề này là đời đầy trược ác
vậy. Ở trong cõi ngũ trược ác-thế như vậy, nào là địa ngục,
nào là ngã quỷ, nào là súc sanh phần nhiều chứa nhóm những
việc dữ; chúng con mong cầu qua đời sau, không nghe những
tiếng dữ, không thấy các người dữ. Hôm nay con xin hướng về
Ðức Thế Tôn, năm vóc lạy sát đất, cầu xin Thế Tôn từ bi chỉ
giáo.
-
Ðang lúc bà Vi Ðề Hy nguyện cầu như vậy, thì Ðức
Phật liền phóng ra hào quang sắc vàng, soi khắp không lường
thế giới trong mười phương, những cõi nước thanh tịnh nhiệm
mầu của chư Phật khắp mười phương, cũng điều hiện rõ ràng. Tất
cả các cõi nước ở trong mười phương, đều hiện ra trong đó. Như
thế, vô lượng quốc độ của chư Phật cũng như vậy, rất thanh
tịnh trang nghiêm và rực rỡ, khiến cho bà Vi Ðề Hy thấy hết.
-
Lúc bấy giờ, bà Vi Ðề Hy thưa với Phật rằng:
-
- Bạch Ðức Thế Tôn! Những cõi nước của chư Phật như thế, tuy
là trang nghiêm thanh tịnh, đều có hào quang sáng suốt; nhưng
nay chúng con muốn cầu sanh về chỗ pháp hội của đức Phật A Di
Ðà ở thế giới Cực Lạc. Cúi xin Ðức Thế Tôn, dạy cho con cách
Quán tưởng, Ðức Phật A Di Ðà và dạy cho con pháp Thiền định.
-
Sau khi được Ðức Phật chỉ dạy phương pháp quán tưởng bà Vi Ðề
Hy sống an lành tự tại trong ngục tối. Ngay khi đứa con thân
yêu của bà là Vua A Xà Thế đã ý thức được tội giết cha, bỏ
ngục mẹ là tội rất nặng, đáng đọa địa ngục, đến ngục thất để
cung thỉnh bà ra, nhưng bà rất vui vẻ không phiền muộn, và trả
lời một cách thanh thản nhẹ nhàng:
-
- Dương gian là cảnh, Tịnh Ðộ là quê
-
Sống thời ta ở, chết ta về.
-
Như thế bà không ra khỏi ngục...
-
Qua câu chuyện nầy chúng ta thấy: Còn đau khổ nào hơn khi thấy
chồng chết, con bất hiếu, nhưng bà Vi Ðề Hy sở dĩ vẫn sống
cuộc đời an nhiên tự tại, không phiền muộn như không có chuyện
gì xảy ra trong cuộc đời của bà, đó là nhờ bà đã có pháp quán
nhiệm mầu để chuyên chở nổi khổ niềm đau, nên bà không bi lụy
vì chuyện đời khổ não.
-
Ðó là thông điệp rất mầu nhiệm, rất lạc quan của Ðạo Phật. Ðó
cũng là giáo lý đới nghiệp vãng sanh. Tức là chúng ta có thể
mang nghiệp mà chúng ta vẫn có thể vãng sanh về Tịnh Ðộ như
thường. Ðới là mang, nghiệp là những hành động tạo tác nghiệp,
là mang nghiệp theo để được vãng sanh, chứ không cần phải hết
nghiệp trăm phần trăm mới được vãng sanh.
-
Từ cái chân lý nầy, chúng ta tuy rằng trong cuộc sống hiện tại
vẫn có những niềm đau nỗi khổ trong lòng, nhưng chúng ta vẫn
có khả năng có hạnh phúc. Vấn đề là làm sao kiếm được chiếc
thuyền, chiếc thuyền chúng tôi muốn nói ở đây đó là Tăng Thân,
và sự thực tập năm giới căn bản của người Phật Tử nhập môn.
Chỉ cần chừng đó thôi, và nếu chúng ta tiếp nhận năm giới, và
thực tập đúng theo năm giới đó, và mình thực tập trong khung
cảnh của Tăng Thân thì chắc chắn chiếc thuyền của mình có thể
chuyên chở được tất cả những khổ đau của mình đi sang bờ giác
ngộ giải thoát. Vì năm giới là chánh pháp.
-
Chánh pháp ở đây không phải chánh pháp là những lời dạy của
Ðức Phật được kết tập trong các cuốn kinh, mà chánh pháp ở đây
là bản chất của năm giới. Sống đúng với bản chất của năm giới
tức là chúng ta mang trong tim chúng ta những chất liệu Phật,
Pháp, và Tăng. Vì chúng ta sống theo đúng năm giới là làm cho
Phật luôn luôn có mặt trong thân và trong tâm. Làm theo đúng
năm giới, là làm cho Pháp có mặt đích thực, làm theo đúng năm
giới tức là làm cho Tăng có mặt đích thực trong mỗi giây phút
của sự sống. Có Phật, có Pháp, có Tăng là sự có mặt của ba
ngôi báu. Và như vậy chúng ta không thể nào chìm xuống lòng
biển của khổ đau. Nếu chúng ta đã tiếp nhận năm giới, và sống
đúng với tinh thần của năm giới thì có Phật có Pháp và có Tăng
một cách cụ thể. Như vậy Phật, Pháp, và Tăng mà chúng ta đã
quy y không phải là những ý niệm mơ hồ, trừu tượng mà là một
chất liệu rất thực tiễn. Ðó là Chánh Niệm, đó là Ðịnh, đó là
Tuệ. Chúng ta thấy chư Phật và các vị Bồ Tát, được làm bằng
những chất liệu của Giới, của Ðịnh và của Tuệ cho nên các Ngài
an lạc tự tại, trong khi chúng sanh đau khổ vì được làm bằng
chất liệu của tham dục, của giận hờn, và của si mê. Nếu chúng
ta cũng được làm bằng chất liệu của Giới, của Ðịnh, và của
Tuệ, thì khi chúng ta tiếp nhận năm giới và sống theo tinh
thần của năm giới là chúng ta đã mang Giới, Ðịnh, Tuệ vào
người, và mang Phật, Pháp, Tăng vào trong thân, thì nhất định
đó là chiếc thuyền giữ cho chúng ta không bị chìm đắm trong bể
khổ phiền muộn.
-
Chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta ai cũng có tập khí, tức
là cái thói quen tật xấu, năng lượng nầy có thể được trao
truyền từ đời ông bà, cha mẹ, và những tập khí đó, một khi
chúng ta biết, nói hoặc làm việc đó, chúng ta sẽ tạo ra đổ vỡ
trong chúng ta và người chúng ta thương. Chúng ta biết chắc
như vậy, nhưng vẫn nói vẫn làm, và vẫn tạo ra sự đổ vỡ, là vì
năng lượng của thói quen tập khí đó trong chúng ta quá mạnh.
Sau khi đã nói, đã làm, đã gây ra sự đổ vỡ thì chúng ta hối
hận, chúng ta có thể hứa rằng kỳ sau không làm ra những việc
như vậy. Chúng ta rất thành thật chứ không phải lừa dối, vậy
mà khi sự việc xẩy ra, tập khí vẫn tiếp diễn, và vẫn gây ra sự
đổ vỡ. Cho nên mục đích tu tập là phải đối diện, và phải
chuyển hóa được cái tập khí, thói quen đó.
-
Ngồi Thiền một ngày vài ba tiếng đồng hồ, hay nhiều hơn nữa
đôi khi không đủ để chuyển hóa tập khí đó, mà chúng ta phải
biết đi chánh niệm, đứng chánh niệm, làm việc chánh niệm.
Trong khi làm bếp, trong khi tưới rau, trong khi đứng đợi xe,
chúng ta phải thực tập thiền hành, thực tập hơi thở chánh niệm
để cho chánh niệm có mặt trong những giây phút đó. Thay vì nói
chuyện, trong khi nấu ăn thì ta thở và theo dõi hơi thở. Trong
khi lái xe thay vì ta nói chuyện, thì cả hai người đều thở và
theo dõi chính mình để nuôi chánh niệm ở trong lòng. Chánh
niệm là khả năng có thể biết những gì đang xẩy ra trong giây
phút hiện tại. Chánh niệm là khả năng làm cho thân tâm mình
hợp nhất trong giây phút hiện tại. Vậy thì thực tập chánh niệm
trong khi sửa soạn ăn sáng, trong khi rửa bát... dùng những
thời gian đó để thực tập, và vì vậy để mỗi khi tập khí ló đầu
ra là ta có thể nhận diện được.
-
Ðức Thế Tôn ngày xưa Ngài cũng thực tập chánh niệm như vậy. Ma
Vương thỉnh thoảng xuất hiện. Ma Vương là tập khí còn xót lại.
Mỗi khi cái giận, cái buồn, cái tập khí nó ló đầu ra thì Ngài
dùng tuệ giác nhận diện được ngay. Ðây là pháp môn rất mầu
nhiệm, chúng ta không cần đánh đuổi, chúng ta không cần đàn
áp, mà chỉ cần nhận diện là đủ. Chúng ta hãy nên thực tập điều
nầy. Ðây không phải là một cuộc đánh trận giữa cái thiện và
cái ác. Trong Ðạo Phật có một cái hay là, Thiện và ác cũng là
chúng ta, cái giận cũng là chúng ta, mà cái chánh niệm cũng là
chúng ta. Chánh niệm như ánh sáng, giận hờn như bóng tối. Thay
vì ánh sáng đánh bóng tối thì ánh sáng ôm lấy bóng tối, và
chuyển bóng tối thành ánh sáng. Cũng như khi ta dùng máy phát
nhiệt để phóng luồng không khí ấm ra, những luồng không khí ấm
đến ôm luồng không khí lạnh, và chuyển lạnh làm cho trở thành
ấm. Cũng vậy, chúng ta không cần đánh nhau giữa thiện và ác,
mà chúng ta chỉ cần năng lượng của chánh niệm để nhận diện.
Khi nhận diện được rồi thì chúng ta sẽ chuyển hóa được, cũng
như ánh sáng mặt trời đâu có đánh lộn với cây cỏ. Ánh sáng mặt
trời ôm lấy cây cỏ và tự nhiên màu xanh phát hiện trong lòng
cây cỏ. Chánh niệm rất là mầu nhiệm. Chánh niệm là năng lượng
của Phật và Bồ Tát có ở trong ta. Mỗi khi chúng ta ăn cơm
trong chánh niệm, uống nước trong chánh niệm, rửa bát trong
chánh niệm, thì chúng ta làm cho Phật và Bồ Tát đích thực có
mặt trong ta. Phật không phải là trừu tượng, đích thực Phật là
Chánh Niệm. Chánh niệm là chất liệu làm nên vị Phật và chúng
ta biết rằng chúng ta có chất liệu chánh niệm. Nếu chúng ta
uống nước và chúng ta biết rằng chúng ta đang uống nước tức là
có chánh niệm. Chánh niệm nầy là chánh niệm về uống. Khi ta
thở ta có chánh niệm thì đó là chánh niệm về hơi thở. Khi đi
mà ta có chánh niệm thì đó là Chánh niệm về đi. Khi có tâm
chánh niệm tức là có Phật hiện hữu với mình. Vì vậy chánh niệm
là năng lượng bảo vệ chúng ta. Muốn Phật bảo vệ thì ta phải
thực tập chánh niệm, mà hơi thở là một phương tiện rất là mầu
nhiệm để nuôi dưỡng chánh niệm.
-
Khi có nỗi khổ, chúng ta không nên giữ niềm đau nỗi khổ cho
chính mình, mà chúng ta phải có bổn phận nên cho người thân
của chúng ta biết là chúng ta đang khổ để cho người thân chúng
ta làm một cái gì cho chúng ta bớt khổ. Sư việc cho người thân
của chúng ta biết là chúng ta đang khổ có tác dụng:
-
- Trước hết là người thân của chúng ta ngưng lại không nói, và
không làm những điều đã làm cho chúng ta khổ.
-
- Thứ hai là hy vọng người thân của chúng ta có thể thay đổi
để đừng bao giờ nói như vậy, làm như vậy.
-
- Thứ ba là hy vọng hai người tha thứ cho nhau, để ngồi lại
với nhau, nói cho nhau những cái khó khăn đang gặp để cùng
nhau chuyển hoá.
-
Chúng ta cứ trách móc nhau, đổ lỗi cho nhau thì không đi tới
đâu, do đó mà việc chúng ta không giữ niềm đau nỗi khổ cho
chính mình, mà chúng ta phải trực tiếp cho người thân của
chúng ta biết là chúng ta đang khổ. Có thể nói đó là tín hiệu
đầu tiên chúng ta gởi đến cho người thân của chúng ta, những
tín hiệu nầy chứng tỏ rằng chúng ta có ước mong, cái ước mong
trước hết là mong muốn người thân của chúng ta không còn nói
và làm những điều tệ, hại đó nữa. Người thân của chúng ta hiểu
được rằng chúng ta đang khổ và chúng ta mong ước một cơ hội để
hai người ngồi chung với nhau lại, để nói ra được những nổi
khổ niềm đau trong lòng. Ðể cho hai bên hiểu nhau và tiếp tục
cuộc sống cho nhau. Nếu cả hai thực hiện được như vậy, có
nghĩa là cả hai đã vượt qua mọi khó khăn do thành kiến, do
ngoại cảnh, do nhiều thứ lý do để cùng nhau tiếp tục thương
yêu và chung sống, đó chính là Tinh Tấn Ba La Mật
-
Nói một cách ngắn gọn cho cả hai môi trường, ngoài cộng đồng
và nếp sống trong gia đình. Ngoài cộng đồng khi đã biết ngồi
lại với nhau để giải toả những khó khăn trong vấn đề hợp tác,
thì nó cũng tương tự như nếp sống trong gia đình. Khi chúng ta
biết chúng ta đang khổ thì phải lập tức làm một cái gì cho
người thân của chúng ta biết là chúng ta đang khổ. Khi người
thân của chúng ta hiểu được rằng chúng ta đang khổ và ngồi
chung với nhau lại, để giải toả những khó khăn, những nổi khổ
niềm đau trong lòng, để cho hai bên hiểu nhau và vượt qua mọi
chướng ngại, khó khăn tiếp tục sống, và cho nhau cuộc sống
hạnh phúc thì đó gọi là Tinh Tấn Ba La Mật.
-
Nói tóm lại Tinh Tấn Ba La Mật có cái công năng và diệu dụng
như vậy, cho nên chúng ta phải luôn luôn chuyên tâm nhất trí,
cố gắng không ngừng để đạt tới mục đích toàn thiện, tốt đẹp
sáng sủa, sống đời an vui. Quý vị cứ thực tập rồi sẽ thấy.
|