Ði Trên Con Ðường Vui
Trí Toàn ghi
--o0o--
 
Có một dịp nào đó, tôi có nghe một bản nhạc. Bản nhạc thì hơi dài nhưng ở đây muốn giới thiệu đại chúng hai câu thôi:
- Nẻo đường muôn vạn lối
Thương nhau vì lời, mến nhau qua nụ cười...
Theo tinh thần hai câu ca nầy thì chúng ta nói như thế nào để cho mọi người thương, và chúng ta phải cười như thế nào để cho mọi người mến... Học cách nói và cách cười được thì chúng ta sẽ đi trên con đườn vui thoải mái lắm.
Sự có mặt trong cuộc đời nầy bởi hai nguyên nhân:
01- Ðối với sự có mặt của chư Phật, chư Bồ Tát, chư thánh hiền trong cõi đời nầy là do hạnh nguyện của các Ngài trở lại cõi đời nầy để hoá độ chúng sanh, hoặc hoàn thành những tâm nguyện của càc Ngài còn chưa hoàn thành.
02- Ðối với sự có mặt của con người phàm phu, là do tác động nghiệp trong quá khứ, nên chúng ta sanh trở lại trong cõi đời nầy với thân và tâm như bây giờ.
Nghĩa là đời sống hiện tại của chúng ta là kết quả của những nguyên nhân trước đây trong những đời quá khứ. Có thể là chúng ta trở lại cõi đời nầy để:
- Hưởng phước
- Trả nghiệp
Dầu cho là Phước hay Nghiệp, thân tâm nầy đến lượt lại trở về đối diện với đối tượng tham ái và dính mắc. Tham ái và dính mắc tạo nên nghiệp. Nghiệp là điều kiện hay nguyên nhân để tái sinh lần nữa. Thế rồi, lại tham ái dính mắc vào thân tâm rồi lại tái sanh. Cứ thế chúng ta bị quay tròn mãi mãi.
Mê muội, tham ái và dính mắc là phiền não. Như vậy phiền não chịu trách nhiệm về hành động như Hạnh phúc hay đau khổ trên thế gian nầy.
Do vô minh và tham ái, con người tạo nghiệp rồi nhận quả. Nếu không có vô minh thì vòng luân hồi nầy cũng không có. Chúng ta đau khổ trước kia từ sự si mê, không biết, không thấy rõ. Trên sự si mê nầy là tà kiến, ảo tưởng thấy sai sự thật. Nếu không siêng năng tu tập chúng ta không thấy được chân tướng của sự vật là vô thường, khổ và vô ngã.
Bản chất của thân và tâm chỉ là hiện tượng sanh diệt từ sát na nầy đến sát na nọ, nhưng vì si mê nên chúng ta không thấy được chân tướng của sự vật là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta cũng không biết rằng sự sinh diệt áp chế khiến cho chúng ta phải đau khổ. Chúng ta không thấy rõ rằng chẳng có ai kiểm soát, điều khiển tiến trình nầy. Chẳng ai ở đằng sau nó. Nếu chúng ta hiểu một cách sâu xa ba đặc tính của thân và tâm, chúng ta sẽ không tham ái hay dính mắc.
Bởi vì si mê, chúng ta thêm ảo tưởng vào thực tế:
- Chúng ta lại cho rằng thân và tâm là trường tồn, không thay đổi.
- Chúng ta sung sướng, vui vẻ khi có thân tâm nầy, và chúng ta lại cho rằng có một tự ngã, hay tôi vĩnh viễn chịu trách nhiệm tiến trình thân tâm.
Hai loại si mê nầy, không thấy rõ hay thấy sai là nguyên nhân  phát sanh tham ái và dính mắc. Dính mắc chỉ là một hình thức kiên cố  hơn của tham ái chẳng hạn như:
- Sự ham thích sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi đụng chạm vừa lòng và sự suy nghĩ thích thú khiến ta tham luyến vào những đối tượng mới đến với chúng ta.
Nếu chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn, chúng ta sẽ dính mắc vào chúng và không muốn mất chúng. Ðều nầy tạo nên nghiệp khiến ta bị luân hồi trong vòng sanh tử.
Như vậy: Phiền não, Nghiệp và Quả là ba yếu tố của vòng luân hồi. Ðó là luân hồi trong tam giới, không có điểm khởi đầu, và nếu chúng ta không biết tu tập, không biết đâu là thiện, đâu là ác thì cuộc đời của chúng ta cứ tiếp tục lang thang từ kiếp nầy qua kiếp khác và sẽ  không bao giờ có điểm chấm dứt.
Vậy thì chúng ta phải tu tập như thế nào?
Căn bản đầu tiên, như Phật Tử tại gia giữ năm giới, và hôm nay quý vị phát tâm giử giới Thập Thiện, đó là phương cách trực tiếp tu tập trong đó sẽ hướng dẫn chúng ta đi đến việc thành tựu Giới, Ðịnh, Huệ:
A- Giới
- Lời nói chân thật đó là chánh ngữ.
- Hành động chân chánh đó là Chánh Nghiệp
- Cuộc sống lương thiện đó là Chánh Mạng.
a- Chánh Ngữ:
Lời nói chân thật, lời nói hoàn hảo đầy đủ. Chánh ngữ còn mang các đặc tính khác: Ðem đến sự hòa hợp, êm dịu, vui vẻ, không khiến cho người nghe khó chịu, đem lại lợi ích mà không nhảm nhí vô bổ. Thực hành chánh ngữ, chúng ta sẽ thoát khỏi bốn tà ngữ: Nói Láo, nói đâm thọc, nói hung dữ, nói lời vô ích.
b- Chánh Nghiệp:
Bao gồm việc thu thúc hay giữ gìn giới luật. chúng ta phải tránh ba loại hành động không lương thiện là: Sát sanh, trộm cắp và tà hạnh.
c- Chánh Mạng:
Bao gồm sự nuôi mạng chơn chánh hợp pháp, không bị chê  trách. Tránh xa các tà mạng: Không buôn bán rượu, không bán thuốc độc, không buôn bán vũ khí, không buôn bán người.
Loại bỏ được tất cả các pháp không lương thiện trong ba lãnh vực trên thì ta sẽ tránh được các phiền não thô tướng, phiền não là kẻ thù của chúng ta. Tham Ái và Vướng Mắc hay còn gọi là Phiền Não phải được xem là kẻ thù nguy hiểm và được nhận diện ra ngay như vậy. Thoát khỏi kẻ thù là thoát nguy hiểm.
B- Ðịnh
Bao gồm cả: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Ðịnh. Quý vi sẽ quen thuộc với những từ ngữ nầy nếu quý vị theo lời chỉ dẫn tu tập.
a- Chánh Tinh Tấn:
Khi chúng ta cố gắng chú tâm vào việc theo dõi hơi thở, đó gọi là chánh tinh tấn. Chánh Tinh Tấn có năng lực gạt các loại phiền não sang một bên.
b- Chánh Niệm:
Khi Chánh Tinh Tấn được đẩy mạnh thì Chánh Niệm sẽ hoạt động hữu hiệu để quán sát đối tượng. Chánh Niệm lại hoạt động như một người bảo vệ.
c- Chánh Ðịnh
Tinh Tấn gạt phiền não ra khỏi nhà và chánh niệm đóng cửa không cho chúng vào. Bây giờ tâm có thể tập trung sâu xa hơn từ sát na nầy đến sát na khác. Tâm nằm trong đề mục, tập trung, không tản mạn an tịnh. Ðó là Chánh Ðịnh.
Khi ba yếu tố nầy hiện diện thì tâm phiền não và tâm không lương thiện từ từ chào tạm biệt.
C- Huệ
Chúng ta biết rằng cuộc đời là vô thường, cho nên từ sát na nầy sang sát na khác, tâm và cuộc sống của chúng ta có thể là trở nên bi đát, nếu chúng ta chạy theo tham ái, đắm trước vào nghiệp bài bạc, hút sách... Và tâm của chúng ta sẽ trở nên trong sáng và an tịnh khi biết đầu tư vào sự nghiệp tu học, trưởng dưỡng đời sống tâm linh. Nhờ có định hướng như thế nên chúng ta luôn luôn tinh tấn ở chính mình, chúng ta sẽ thấy trong một phút chúng ta có sáu mươi lần tâm thoát khỏi sự không lương thiện. Trong hai phút chúng ta sẽ có hai trăm hai mươi lần. Như vậy chúng ta hãy nghĩ xem bao nhiêu lần an tịnh chúng ta sẽ có được trong một phút, một giờ  hay trong một ngày... Bởi vậy chúng ta hãy tinh tấn từng phút từng giây. Và điều nầy chúng tôi cũng đã thường nhắc nhở đại chúng là trong những ngày Quán Niệm tuy thời gian có ngắn ngủi, nhưng với sự tinh tấn không ngừng trong thời gian thực tập, chúng ta cũng sẽ có được kết quả rất khả quan như ý muốn.
Như vậy trong mỗi giây đó nếu chúng ta để tâm hướng vào:
- Một đề mục một cách chính xác, tâm sẽ thấy đề mục rõ ràng và trí tuệ sẽ phát sinh. Trí tuệ thấy rõ hay biết rõ các hiện tượng đúng theo chân tướng của nó tạo nên chánh kiến, thấy rõ bộ máy nhân duyên, nhân quả tương quan, nối hiện tượng thân và tâm vào với nhau.
- Nếu tâm rơi trên vô thường, tâm sẽ thấy rõ ràng và hiểu vô thường là thế nào. Như vậy Chánh Tư Duy và Chánh Kiến liên kết với nhau.
Chánh kiến nầy kết quả từ Chánh Tư Duy có năng lực hủy diệt hạt giống tâm không lương thiện. Hạt giống tâm không lương thiện là những phiền não cực kỳ vi tế và tiềm ẩn bên trong. Chúng chỉ bị hủy diệt khi trí tuệ có mặt, và trí tuệ chỉ phát sinh do sự thực hành, không phải do tưởng tượng.
Vì thế mà lý do tại sao đức Phật bảo đệ tử của Ngài phải luôn luôn thực tập đừng để tâm tư tán loạn. Ngài còn ân cần nhắc nhở: Muốn cho tâm tư không vọng động phải thực hành Tám Con Ðường Chân Chánh. Tám Con Ðường Chân Chánh là con đường thẳng dẫn đến sự an vui, ai thực hành tám chánh đạo thì ngườiđó đã và đang đi trên con đườn vui.
Những lời nói, hành động và việc làm không lương thiện sẽ bị Giới, Ðịnh, Huệ trong Tám Chánh Ðạo chế ngự. Ði thẳng trên con đường nầy, chúng ta sẽ vượt qua mọi pháp không lương thiện và thoát khỏi mọi hiểm nguy, và cuối cùng sẽ dẫn đến thành trì châu báu.
Thành trì châu báu ở đây cũng có thể hiểu là niềm an lạc tự tại, sự giải thoát khỏi những phiền lụy khổ đau của kiếp người. Cũng có thể hiểu nghĩa là Niết Bàn. Niết Bàn là nơi không còn một chút nguy hiểm, sợ hãi, già và chết được chế ngự, gánh nặng đau khổ được bỏ xuống. Một người đạt được Niết Bàn sẽ được bảo vệ hoàn toàn. Bởi thế được gọi là người Vô Úy, người thoát khỏi mọi sự sợ hãi, mọi nguy hiểm. Nơi đây chúng ta:
- Không bị hối hận dày vò,
- Không bị các bậc thiện trí thức chê trách,
- Không bị luật pháp trừng phạt,
- Và không bị tái sanh vào các cảnh khổ.
Như chúng ta đã biết phiền não tư tưởng là lọai phiền não nằm trong tâm và đàn áp tâm ta. Phiền não nầy nếu có dịp sẽ chuyển sang hành động và lời nói bất thiện. Trong trường hợp chúng ta còn đang tu tập, còn chưa đạt được trạng thái an nhiên của hương vị Niết Bàn, nhưng ít nhất chúng ta cũng có được chút ít khả năng trí tuệnội quán, do đó chúng ta cũng được bảo vệ, tránh khỏi mọi điều sợ hãi, không còn bị các phiền não tư tưởng chi phối.
Trí tuệ nội quán khởi sinh do chánh niệm và chánh định có năng lực chế ngự các phiền não vi tế ngủ ngầm.
Như đã trình bày ở trên, chúng ta vào cõi đời nầy bằng nhiều hạnh nghiệp khác nhau. Nghiệp ác đem lại kết quả ác và khiến ta luân lưu trong vòng Tam Giới. Nghiệp thiện mang lại kết quả hạnh phúc, tuy nhiên cũng thúc đẩy ta luân lưu trong vòng sanh tử luân hồi. Tuy nhiên khi chúng ta biết tu tập thì nghiệp trường tồn không còn phát sanh nữa. Ðơn thuần quán sát những gì đến và đi là thiện nghiệp và nó không khiến ta tiếp tục ở trong vòng luân hồi. Trong ý nghĩa tinh túy, thì việc hành thiền không tạo ra quả. Khi chánh niệm đủ chính xác, sẽ có khả năng ngăn cản tham ái phát sinh, do đó cũng ngăn cản sự phát sinh chuỗi hậu quả tiếp theo liên quan đến sự sanh tồn là nghiệp, sanh già đau và chết, và chúng ta không cần phải lo lắng phải trả quả của các nghiệp bất thiện vì chúng ta đã tránh xa các hành động ác. Có được như thế là nhờ công năng của giữ Giới. Giới bảo vệ chúng ta khỏi đau khổ trong tương lai.
Nói tóm lại, do vì vô minh nên dẫn đến tham ái, dính mắc và nắm giữ vào sự sinh tồn và tà kiến của bản ngã. Tu tập giáo pháp của Phật, nhất là những vị phát tâm thọ giới thập thiện chúng ta sẽ phá hủy nguyên nhân của vô minh. Một khi vô minh vắng mặt cho dầu trong một sát na, lúc đó sẽ có giải thoát, vòng luân hồi sẽ bị phá tan. Khi hậu quả được quán sát thì nguyên nhân sẽ bị tiêu diệt. Ðó không phải là sự hủy diệt trong nghĩa tích cực, mà nghĩa là sự vắng bóng của luật trường tồn. Chánh Niệm hủy diệt phiền não, nguyên nhân đem đến một thân tâm tương tự trong tương lai. Ðiều nầy có nghĩa là khi có Chánh Niệm, Chánh Ðịnh và có sự  hướng tâm đúng đắn để quan sát các đối tượng ngay khi chúng phát sinh tại sáu cửa giác quan, thì vào lúc ấy phiền não không thể xâm nhập vào được. Bởi vì phiền não là nguyên nhân của nghiệp và tái sanh, nên khi phiền não không thể chỗi dậy được thì chuỗi nối tiếp sinh tồn trong tam giới bị đoạn tuyệt. Sẽ không có hậu quả trong tương lai nếu không có nhân trong hiện tại.
Như vậy bất cứ mỗi một lúc nào đó, trong lúc giữ tâm chánh niệm, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi vô minh, thoát khỏi các hiểm nguy của phiền não, thoát khỏi các động tác của các ác nghiệp dẫn đến đau khổ trong tương lai, và vui hưởng sự an toàn bảo đảm. Và lúc đó là kết quả của những ngày tháng mà chúng ta thực tập. Có thực tập đi trên con đường vui thì mới dẫn đến một nơi an vui.
-- o0o --