Hành Trình Về Phương Tây
(Bài thuyết pháp tại Chùa Dược Sư Giác Thuận ghi)
--o0o--
           
           Là một con người có tâm hồn hướng thượng, hướng thiện, và biết đầu tư trong việc tu học, trong sự nghiệp minh tâm kiến tánh thì không bao giờ ngừng nghỉ, trái lại còn luôn luôn trau giồi tâm tuệ của mình càng ngày càng sáng tỏ rạng rở. Muốn tự nâng cao cảnh giới của chính mình, thì có rất nhiều phương pháp. Nhưng trong bài pháp Hành Trình Về Phương Tây nầy, chúng tôi xin được đề cập đến cách mở rộng tâm lượng, là một trong những phương pháp tự nâng cao cảnh giới của mình để dung thông với đại thể. Trong kinh điển đại thừa, chúng ta thấy các vị Bồ Tát lớn, những vị pháp thân đại sĩ, tức là những người đã minh tâm kiến tánh, nên tâm lượng của các ngài rộng lớn như hư không, bao trùm khắp pháp giới, chính vì thế cái nhìn, lòng thương yêu chúng sanh vạn loại của các Ngài đối với tất cả chúng sanh trong hư không và các pháp giới đều bình đẳng như nhau.
           Được gọi là bình đẳng bởi vì lòng thương yêu của các Ngài đối với tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau, không phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn, nghĩa là tâm của các Ngài không còn trụ trước vào đối tượng, đó là trạng thái Vô Niệm. Vô niệm là bình đẳng còn có niệm là không bình đẳng. Phật trụ vô niệm, cho nên tâm lượng của Phật rộng lớn như chúng ta thường xưng tán:
- Đại viên mãn giác
Ứng tích tây càn
Tâm bào thái hư
Lưỡng châu sa giới
            Như vậy chúng ta ca ngợi Ðức Thế Tôn là chúng ta ca ngợi lượng từ bi, đức hiểu biết của Ngài. Sở dĩ Đức Thế Tôn có được cái lượng Từ Bi, bao dung và hiểu lớn như vậy là vì ngài có thực tập. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta biết thực tập thì tâm lượng của chúng ta sẽ rộng lớn. Và trong kinh Kim Cang có câu:
- Ưng vô sở trụ, sở trụ vô trụ
Vô trụ tức là Phật trụ, mà vô trụ là vô niệm. Đối với chư Phật là vô trụ, nên vô niệm, trong khi đó chúng sanh trong ba giới còn chỗ để trụ, chẳng hạn như:
- Bồ Tát trụ ở cảnh giới lục độ vạn hạnh.
- Duyên Giác trụ ở nhân duyên,
- Thanh Văn trụ ở Tứ đế,
- Ngạ Quỷ ở cảnh giới tham lam,
- Địa Ngục trụ nơi sân hận,
- Súc Sanh trụ ở cảnh si mê.
Tâm của tất cả các chúng sanh trong ba giới đều còn chổ để trụ cho nên dễ dính mắc. Nói cách khác, tâm của chúng ta như thế nào thì cảnh giới của chúng ta như thế đó. Phàm phu chúng ta muốn trụ nơi cảnh giới vô trụ của Phật là điều không thể đạt được, trừ khi chúng ta biết buông xả và thực tập tâm lượng rộng lớn. Tuy nhiên theo quan điểm của trường phái Đại Thừa Tịnh Độ Tôn, chư Tổ Đức có truyền dạy cho chúng ta một phương pháp vô cùng thù thắng và tiện lợi để có thể dự vào cảnh giới vô trụ của các ngài, đó là pháp môn Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành. Đối với các hàng Bồ Tát thực hành và trụ ở Lục Độ, chúng ta đã được nâng cao hơn đẳng cấp của Bồ Tát. Thế nhưng tiếng niệm Phật và nhiếp tâm của chúng ta phải tương ưng. Nghĩa là mỗi một tiếng niệm Phật và nhiếp tâm của chúng ta phải trải lòng từ bi của mình đến với tất cả chúng sanh trong hư không và lan rộng đến khắp pháp giới. Mỗi tiếng niệm Phật và nhiếp tâm đều vì lợi ích cho chúng sanh, đều mang lòng muốn ban vui cứu khổ đến mọi loại, thì đó chính là sự tương ưng của chúng ta đến với chúng sanh. Với tâm nguyện lợi tha, và nhất niệm gởi đến mọi lòai chúng sanh thì chắc chắn tiếng niệm Phật và sự nhiếp tâm của chúng ta, sẽ có lan rộng đến hư không các pháp giới không nghi ngờ gì cả. Bởi vì trong Kinh Phật thường nói:
- Tướng không rời tâm, tâm không rời tướng
Cái tâm ban đầu chính là Phật tánh của chúng ta, nguyên gốc của nó rộng khắp hư không, trùm khắp pháp giới, nhưng vì một niệm bất giác cho nên chúng ta trở thành con người phàm tục, và vì chúng ta còn nhiều vọng tưởng, phân biệt và chấp trước làm chướng ngại bản năng tự nhiên của mình, cho nên tiếng niệm Phật và sự nhiếp tâm của chúng ta không hòa nhập vào với hư không, Nếu âm ba của tiếng niệm Phật và nhiếp tâm của chúng ta hòa nhập với âm ba của tâm thanh tịnh của chính mình, lan rộng vào hư không, tiến sâu vào khắp các pháp giới khác, thì cho dù chư Phật thuyết pháp ở xa xôi bất luận nơi nào, một khi tâm đã lắng đọng không còn chướng ngại, chúng ta vẫn có thể nghe được âm thanh lời pháp của các Ngài rất rõ ràng. Vì tâm từ bi của các ngài luôn trải rộng đến cõi ta bà này với chúng ta, cũng như chúng sanh ở các pháp giới khác. Đây là sự thật, không hề hư dối. Vậy thì âm ba của Phật có thể rộng khắp, âm ba của phàm phu chúng ta cũng có thể rộng khắp. Cho nên mở rộng tâm lượng trong pháp môn niệm Phật là một phương pháp rất vi diệu, rất đặc biệt, thù thắng có thể khiến phàm phu trong một kiếp được bình đẳng thành Phật.
Tương truyền rằng Tổ Hữu Đức trước khi Ngài khai sơn Tổ Đình Trà Cú, thuộc tĩnh Bình Tuy, lúc đó Ngài tu trong một am tranh tại đầu của một ngôi làng nhỏ thuộc Huyện Hàm Tân. Cả mấy năm liền trời hạn hán, đến độ ruộng đồng khô cháy, người thiếu nước, trâu bò không cỏ để ăn, lòng người sầu khổ ... Mặc dầu am tranh vách lá, nhưng phong cảnh hữu tình, đã vậy vị trí lại ở đầu làng, cho nên già, trẻ, trai, gái trong làng khi đi đồng rẫy, cũng như khi về, mọi người đều ngồi tán gẫu trước khi về làng. Một hôm vị trưởng làng ngồi mới than thở lo cho dân đói khổ, Tổ Hữu Đức thấy vậy mới hỏi:
- Thiệt sự ông lo cho dân làng như vậy sao? Nếu ông mà thiệt lòng lo cho dân làng thì tôi có cách cầu mưa.
Vị trưởng làng nghe tổ nói vội vã trả lời:
- Bộ Ngài thấy tôi giỡn thiệt sao? Nếu thật Ngài có cách cầu mưa con xin thay mặt đồng bào để tạ ơn Ngài.
Nghe vị trưởng làng nói có vẻ thật lòng nên tổ bảo:
- Được rồi, thấy Ông là người lo cho nước cho dân, nên tôi sẳn lòng. Tuy nhiên sự cầu nguyện nầy phải đồng tâm hiệp lực mới thành. Vậy bây giờ ông về thông báo với dân làng, tất cả dân làng, không được thiếu bất cứ một ai, trừ các cụ già cả, những người đau yếu, những kẻ tật nguyền thì thôi không đi được, còn lại tất cả mọi người ngày mai đúng ngọ phải có mặt tại đây để cầu mưa.
Nghe tin cầu mưa dân làng ai cũng vui mừng, đúng ngọ Tổ thắp và đưa cho mỗi người một nén nhang, bảo cầm và niệm Phật cho thật lớn đi theo Ngài. Mọi người nghe và đi theo Ngài, đi được độ chừng gần tàn một cây nhang, Ngài bảo thôi ngưng và mọi người phải đi mau về kẻo trời mưa ướt mình. Nghe Ngài bảo như vậy, nhưng mọi người không tin, vì thấy trên bầu trời trong veo không một đám mây, thì mưa làm sao được, tuy nhiên mọi người cũng đã mỏi chân nên ai nấy cũng quay trở về. Quả thật mọi người về được nửa đường thì mây đen kéo đến vần vũ, và tiếp đó là mưa xuống xối xả. Sau đó ông trưởng làng đến am để cảm tạ Ngài, nhưng không thấy bóng dáng của Ngài, và từ đó người ta cũng không biết Ngài đi đâu. Mãi cho đến năm sáu năm sau, trong dịp tình cờ dân làng đi bẻ măng trên núi Trà Cú người ta mới gặp Ngài ẩn mình trong hang. Hang đó bây giờ vẫn còn, và được dân chúng gọi là Hang Tổ, hiện vẫn còn tại Linh Sơn Trường Thọ Tự, Núi Trà Cú, thuộc Hàm Tân, Tỉnh Bình Tuy.
Như vậy chúng ta thấy, người thật sự biết niệm Phật, sự lợi ích, niềm an lạc mà họ đạt được, phàm phu chúng ta không thể nào hiểu thấu, họ cũng không thể giải thích rõ cho chúng ta, vì có giải thích chúng ta cũng không hiểu, giống như ai ăn nấy no, ai uống thì tự người đó biết nóng hay lạnh, mùi vị ngọt đắng ra sao. Nguyên tắc giáo hóa chúng sanh của chư Phật cũng thế, những điều chúng sanh có thể hiểu được các Ngài mới nói, nếu không hiểu, tuyệt đối không nói. Tóm lại công phu niệm Phật có kết quả hay không, chúng ta có thể thấy, biết qua cảnh giới của tâm lượng và sắc tướng của người đó. Một khi công phu niệm Phật đắc lực rồi, chắc chắn trên gương mặt của quý vị luôn tỏa ra niềm vui an lạc, tự tại, trong đạo Phật gọi là pháp hỷ sung mãn.
Qua những ghi chép trong kinh sách, chúng ta thường nghe nói đến vào thời Đức Phật còn tại thế, những người tu hành đều chứng quả A La Hán dự vào hàng Thánh là những vị đã đạt đến mức chánh định, thân tâm an ổn không còn thối chuyển. Tất cả những thành quả đó đều do công phu thiền định tinh cần nên tâm không ô nhiễm đến thế sự, chuyện buồn lo, thân xa lìa cảnh vui khổ, được thua của thế gian, những vị ấy đều chứng nhập vào cảnh giới Tam Ma Địa tức là cảnh giới không còn sanh diệt. Và trong kinh cũng khích lệ rằng, phàm phu như chúng ta nếu còn vô minh chưa dứt đoạn, nhưng muốn chứng vào cảnh giới này cũng được, nhưng phải nương theo pháp môn niệm Phật để cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ, chỉ cần sanh về thế giới Tây Phương Cực lạc, thì chúng ta sẽ chứng được cảnh Tam ma địa, tức là cảnh bất sanh bất diệt này.
Thành quả được sanh về Tây Phương Cực Lạc và sự chứng đắc này thật ra không phải hoàn toàn do ở công phu của chính chúng ta, mà do một phần oai lực của đức Phật A Di Đà hỗ trợ, cho nên pháp môn Niệm Phật hay còn gọi là Pháp Môn Tịnh Độ được gọi là: Pháp Môn Nhị Lực. Nói một cách rõ hơn, tự lực là chính bản thân của chúng ta phải dõng mãnh dấn thân theo ba tiêu điểm:
- Tín
- Nguyện
- Hành
Và phát khởi năng lực của chính mình, y theo lời dạy của Phật mà niệm Phật để có thể hàng phục những nghiệp chướng, những tập khí lâu đời. Một khi công phu niệm Phật hợp nhất, nhờ sức gia trì của Phật A Di Đà sanh về thế giới Cực Lạc, vào được cảnh giới Phương Tây gọi là tha lực. Pháp Môn Nhị Lực này là một pháp môn duy nhất được chư Phật đề cập trong Tịnh Độ Tông. Ngoài sự chứng nhập vào cảnh Tam Ma Địa còn đạt nhất thiết Đà La Ni. Đà La Ni là tiếng Phạn, người Trung Hoa dịch là Tổng Trì. Tổng là hợp tất cả các pháp, Trì là giữ, làm theo tất cả giáo lý của Phật. Nói theo danh từ hiện nay Tổng Trì Đà La Ni là:
- Toàn bộ nguyên tắc của Đức Phật dạy cho chúng ta là làm tất cả điều thiện, xa lìa tất cả việc ác.
            Hôm nay là ngày quán niệm cuối năm 2002 quý vị tựu về Chùa Dược Sư để tịnh tu nhiếp tâm nên cũng có thể gọi là Tổng Đà La Ni, bởi vì suốt một ngày, quý vị một lòng giữ gìn chánh niệm, tất cả những vọng niệm suy nghĩ khác không còn nữa. Vọng niệm không còn thì những việc ác không thể xảy ra. Như vậy là xa lìa tất cả ác. Một ý niệm thiện, niệm một câu vạn đức hồng danh, là thiện pháp cao tột của thế gian và xuất thế gian, cho nên chúng ta phải gìn giữ từng câu liên tiếp không ngừng để tăng trưởng thiện căn, đó là tất cả điều thiện. Ý nghĩa câu đạt nhất thiết đà la ni là như vậy. Do đó có thể nói, khi quý vị có ý về Chùa Dược Sư để dự ngày quán niệm thì ngay lúc đó tâm hồn của quý vị trở nên thanh tịnh, hoặc lúc quý vị bước chân vào Chùa Dược Sư, chính là lúc quý vị đã đạt được nhất thiết đà la ni, tức là trong tâm đã bỏ hết tất cả các điều ác và đã thành tựu các nghiêp lành, nhưng vừa rời khỏi Chùa trở về nếp sống bình thường, thì quý vị lại mất hết chánh niệm. Tuy nhiên, nếu trong mỗi tháng, quý vị có được một ngày chuyên nhất niệm Phật, nhiếp tâm, để đạt được tâm không sanh không diệt và nhất thiết Đà la ni như vậy thì quý vi cũng đã giỏi lắm rồi. Mỗi tháng một ngày, thực hành quán niệm, thực tập ngồi thiền, niệm Phật, nếu chúng ta cứ thực hành liên tiếp như vậy chắc chắn công phu của chúng ta cũng có chỗ đáng kể. Để trợ duyên cho sự nghiệp tu học sớm được thành tựu, cho nên chúng tôi xin được đề nghị rằng:
- Nếu có thời giờ rỗi rảnh, đề nghị đại chúng mỗi ngày đều nên sắp xếp thì giờ để thực hành niệm Phật, thiền tọa, kinh hành. Đại chúng thực tập trong vòng ba năm thôi, quý vị sẽ cảm nhận được những nhiệm mầu đáng kể.
Đứng trên lập trường của Tinh Độ Tông thì trong quyển: Vãng sanh truyện cho chúng ta biết rằng những người niệm Phật được vãng sanh ngay ở kiếp hiện tại này thật nhiều vô số kể. Người niệm Phật vãng sanh có nhiều hình thức, có người đứng, có người ngồi, tự mình biết trước giờ ra đi, không một chút bịnh hoạn, ra đi một cách vui vẻ, tự tại đẹp đẽ, trang nghiêm. Kết quả vãng sanh này đều do công phu niệm Phật chuyên cần. Tuy nhiên chúng ta thực tập Thiền Tịnh Song Tu, nhưng oai lực chắc hẳn còn cao hơn nhiều, bởi vì:
            - Hữu thiền hữu Tịnh Độ
Do như đới hổ giác
Hiện thế vi nhân sư
Lai sanh tác Phật  Tổ
Nghĩa Là:
- Có thiền, có Tịnh Độ
            Như hổ mọc thêm sừng
            Hiện đời làm Thầy của Trời Người
            Đời vi lai sẽ làm Phật
            Như vậy Thiền Tịnh Song Tu là một pháp môn hiện bày bốn chữ: Tiện Lợi Dễ Dàng một cách rõ rệt. Nếu chúng ta không hiểu được những lý luận trong kinh, hoăc không thể ngồi được lâu cũng không thành vấn đề, cũng vẫn có thể thành tựu. 
Có người cho rằng:
- Không cần hiểu nghĩa lý trong kinh chỉ một lòng thành tâm niệm Phật, ngồi thiền nhiếp tâm mà có thể thành tựu, vậy thì không cần phải học hỏi giáo lý làm gì cho mệt.
Quan niệm nầy không đúng. Các Phật tử vẫn phải học hỏi giáo lý, và các Thầy vẫn phải giảng kinh thuyết pháp. Bởi vì nhiệm vụ của các Thầy là vẫn phải mỗi ngày thuyết giảng không ngừng, đem những lời hay ý đẹp của đức Thế Tôn ra nói là mong cho đại chúng hiểu để tu, mong quý vị giác ngộ giải thoát. Bởi vì tất cả chúng ta trong cõi đời nầy đều không đủ phước báu, nên trong tâm cứ suốt ngày vọng tưởng, suy nghĩ lung tung. Những người đầy đủ phước báu, là những người thật thà, chất phác, suốt ngày chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, nhíếp tâm thiền quán, việc gì cũng không nghĩ tưởng. Do đó, công phu thực hành của quý vị khi đã đến mức không còn mảy may vọng niệm, chỉ còn một câu A Di Đà Phật, nhiếp tâm thanh tịnh thì lúc đó quý vị cũng không cần phải tu học nữa.
           Trên cõi đời nầy có ba hạng người:
- Hạng người thứ nhất là những người thượng căn lợi trí, vừa nghe qua liền thông đạt, liễu ngộ, dứt sạch vọng niệm.
           - Hạng người thứ hai là hạng người thật thà, họ không cần tìm hiểu nhiều, bảo họ niệm Phật là họ cứ thật tình chấp trì, không nghĩ tưởng điều gì ngoài niệm Phật.
- Hạng người thứ ba là những người lưng chừng, thích ôm đồm, tìm hiểu suy nghĩ lung tung.
Trong ba hạng người, hạng người thứ nhất và thứ nhì là dễ dạy còn hạng người thứ ba thuộc hạng người kỳ cục. Có lẽ chúng ta thuộc loại người thứ ba, loại người nhiều rắc rối. Chính vì vậy mà đức Phật phải lặn lội suôi ngược khắp tòan xứ Ấn Độ suốt 49 năm trời khó nhọc, mỗi ngày không ngừng nói pháp cũng vì những người nhiều rắc rối như chúng ta.
Mong rằng tất cả mọi người chúng ta sớm ý thức rằng chính chúng ta là người nhiều kỳ cục, để rồi tự mình phải gọt dủa bớt, biết buông xả bớt, để không có vọng niệm, để làm người có đại phước báu. Tuyệt đối đừng ỷ tài lý của, đừng cậy vào địa vị cao sang quyền quý. Tuy có địa vị cao, tiền tài sung mãn thì lẽ tất nhiên phương diện vật chất đầy đủ. Tuy được hưởng thụ đời sống vật chất đầy đủ, nhưng khi vô thường đến thì cũng không tha thứ cho bất cứ ai. Đến lúc cảnh khổ nơi tam đồ, lục đạo hiện ra thì chừng đó phải chịu luân hồi sanh tử. Như vậy tiền tài danh vọng cũng không giúp ích được gì. Chúng ta nên ý thức điều nầy thay vì để tâm chạy theo trần cảnh thì chúng ta lại thực tập để nhiếp tâm, làm cho tâm không chút vọng tưởng. Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy biết được oai lực của Thiền Tịnh Song Tu vô cùng thù thắng, không gì sánh bằng. Đức Phật sở dĩ phải bày ra phương tiện nói ba thừa, chỉ vì muốn dẫn độ chúng sanh mà thôi. Mục đích duy nhất của Ngài là mong chúng ta một đời có thể thành Phật.
           Có người hỏi rằng:
 - Tôi rất ngu si, chậm hiểu, nghiệp chướng lại sâu dày, có thể thành Phật được không?
 Trong Kinh điển Phật thường nói:
 - Chỉ cần một câu danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ 80 ức kiếp sanh tử tội nặng
Điều nầy cho chúng ta thấy: Chỉ cần một câu danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ 80 ức kiếp sanh tử tội nặng thì huống hồ gì chúng ta vừa Thiền, vừa Tịnh Độ, chúng ta cứ thực hành liên tục như vậy thì chắn chắc có hiệu quả tốt, không thể nghĩ bàn.
Có người hỏi rằng:
- Có nhiều nguời thực hành suốt ngày đêm mà nghiệp chướng vẫn còn đầy?
Câu trả lời rõ ràng là:
- Bởi vì nghiệp chướng của người này quá nhiều. Do đó công phu tinh cần tuy nhiều nhưng chưa đủ. Mặc dù có cố gắng hành trì, thì thời gian hành trì đó có giúp họ tiêu trừ đi rất nhiều mà vẫn chưa dứt sạch, cho nên cần phải cố gắng thực hành thêm. Cứ mỗi sự cố gắng của chúng ta thêm thì, nghiệp chướng của chúng ta lại giảm đi một chút.
            Phật dạy chúng ta rằng, muốn cho sự thực hành có kết quả trọn vẹn, trong việc năng lực giải trừ nghiệp chướng, thì trong lúc thực hành không nên:
- Hoài nghi,
- Không xen tạp,
- Không gián đoạn.
Với ba yếu tố này năng lực không xen tạp mạnh nhất, nếu chúng ta giữ được liên tục không gián đoạn trong ba năm, cho dù nghiệp chướng sâu dày bao nhiêu của vô lượng kiếp đều có thể giải trừ hết.
Như chúng ta đã biết Đức Phật có tới 84.000 pháp môn, không phải phương pháp nào cũng thích hợp với chúng ta, vì vậy muốn tu học, phải biết tự nhận rõ căn tánh của mình, trình độ lý giải của mình. Nói theo danh từ hiện nay là trình độ hiểu biết kèm theo khả năng trí nhớ. Vì hai yếu tố này có quan hệ mật thiết với hoàn cảnh sống và việc làm của chúng ta. Cho nên từ trong rất nhiều những phương pháp khác nhau, chúng ta phải chọn lấy một phương pháp phù hợp nhất với điều kiện của mình. Có như vậy, việc tu học mới mong đạt được kết quả dễ dàng. Còn bằng không, một khi lựa chọn không đúng pháp môn, không những dụng công nhiều, mà kết quả lại ít. Sự tu học khó nhọc ở thế gian này cũng không được một phần công đức nào. Điều này rất thật, chính bởi tình trạng như vậy, cho nên chư Tổ Đức mới vì chúng sanh thời mạt pháp này chỉ bày ra một con đường. Đó là pháp môn Thiền Tịnh Song Tu, cũng là pháp môn của chư Phật giúp chúng ta lựa chọn. Thế nhưng pháp môn này cũng có rất nhiều phương pháp tu học. Tuy nhiên tất cả chư Phật đều nhất khẩu đồng thanh chỉ dạy và giúp chúng ta lựa chọn: Khi thiền thì chúng ta nhiếp tâm, khi tịnh thì chúng ta trì danh niệm Phật.
Nói về trì danh niệm Phật, theo trong Kinh Di Đà dạy chúng ta trì danh niệm Phật. Kinh Vô Lượng Thọ cũng dạy chúng ta trì danh niệm Phật. Trong Quán Kinh Vô Lượng Thọ nói nhiều hơn, ngoài trì danh niệm Phật ra còn có quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật. Như vậy chúng ta thấy rõ trong ba bộ Kinh Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, Phật đều khuyên chúng ta giữ phương pháp chấp trì danh hiệu Phật. Thiền Tịnh Song Tu quả thật là một pháp môn không thể nghĩ bàn, một pháp môn đơn giản, dễ dàng, chắc chắn, mau chóng. Chỉ cần buông xả vạn duyên, nhiếp tâm chánh niệm. Có thể chúng ta hạ thủ công phu chưa được đắc lực vì không buông xả được vạn duyên, nên tự tạo cho mình một chướng ngại trầm trọng. Chướng ngại này người khác không thể nào giúp. Chư Phật Bồ Tát cũng không thể giúp. Nhất quyết phải do chính bản thân mình chịu buông xả, bất luận điều gì cũng không nên chấp giữ trong lòng.
             Sau khi chúng ta đã nhận định rõ ràng sự thật được rồi, kế tiếp là phải vững tâm bền chí, dũng mãnh dựa vào sự hướng dẫn của Thầy bạn cùng nhau tu tập để tự mình tu hành và lợi lạc, hóa độ người khác. Do đó cần phải có những thiện hữu tri thức để cùng nhau tu tập.
Thiền Tịnh Song Tu là Thiền Tọa, Niệm Phật trong tâm lúc đi kinh hành làm chính, vì vậy cứ sau 10 phút thiền tọa là chúng ta đi thiền hành. Cách nầy cũng chính là phương pháp đối trị hôn trầm, người nào ngủ nhiều, chứng tỏ người đó còn nhiều hôn trầm. Hôn trầm là lạc vào vô minh. Nhiều vọng tưởng là trạo cứ. Không riêng gì trong lúc hành trì, nếu làm việc mà hôn trầm hoặc trạo cử đều bị chướng ngại. Trong nhà Phật gọi hai thứ chướng ngại này là: hôn trầm, và trạo cử
            - Trạo cử là tâm xao xuyến, không định, bị nhiều vọng tưởng chi phối.          
            - Hôn trầm là u mê, không sáng suốt, ngủ gục.
            Bình thường chúng ta không thấy có vọng niệm, khi ngồi yên xuống, vọng niệm nổi lên rất nhiều. Có người cho là do niệm Phật, sanh ra nhưng không phải như thế, không phải do niệm Phật mà sanh nhiều vọng niệm. Thực tế trong lúc bình thường, chúng ta đã có rất nhiều vọng niệm rồi, nhưng chúng ta không để ý đến khi ngồi yên lặng xuống niệm Phật, muốn thu nhiếp tâm lại mới phát giác rõ ràng như thế thôi.
Với hai loại chướng ngại này Phật có chỉ cho chúng ta phương pháp đối trị.
Thứ nhất: Đối trị vọng tưởng hay trạo cử.
Nếu vọng tưởng nhiều dùng phương pháp chỉ Tịnh, nghĩa là trụ ở một chỗ, hoặc là trụ ở câu danh hiệu Phật hay niệm Phật ở trong tâm cũng được, nếu không niệm thành tiếng có thể lắng nghe người khác niệm, hoặc theo dõi hơi thở ra, theo dõi hơi thở hít vào. Nghĩa là chỉ cần dụng tâm chuyên nhất, vọng niệm tự nhiên tan biến. Tuyệt đối không nên tạo tác thêm vọng niệm, nghĩa là đừng có ý nghĩ miễn cưỡng, dẹp tắt vọng tưởng, nếu không vọng tưởng sẽ tăng thêm vọng tưởng. Do đó vọng tưởng nhiều bao nhiêu cũng mặc kệ, đừng để ý đến làm gì, hãy dồn hết tinh thần, ý chí tập trung vào một chỗ hoặc là trụ ở câu danh hiệu Phật, hay niệm Phật ở trong tâm cũng được, nếu không niệm thành tiếng có thể lắng nghe người khác niệm, hoặc theo dõi hơi thở ra, theo dõi hơi thở hít vào. Tóm lại, cần phải tập trung tinh thần, ý chí mới có thể tiêu trừ được vọng tưởng. Hầu hết tất cả những nguyên tắc dụng công đều nhằm mục đích tiêu trừ vọng tưởng, hôn trầm, tạp niệm để hồi phục lại bản tánh giác ngộ của mình. Nói chung trong nhà Phật, bất luận sử dụng công phu nào đều hy vọng đạt được ba mục đích này.
            Thứ hai: Phương pháp đối trị hôn trầm.
            Nếu trong lúc ngồi niệm Phật, hoặc theo dõi hơi thở ra vào mà bị hôn trầm, tốt hơn hết hãy đứng lên lạy Phật. Lạy Phật và kinh hành niệm Phật đối trị hôn trầm rất có hiệu quả.
            Lạy Phật làm cho tinh thần tỉnh thức, trong lúc lạy Phật, điểm đặc biệt cần lưu ý là lạy Phật để sám hối. Bởi vì nghiệp chướng, tập khí của chúng ta rất là nặng nề, cho nên đối với người sơ học, nếu mỗi ngày đạt tiêu chuẩn trên 108 lạy là rất tốt, rất có lợi.
            Chúng ta thường nghe chư tôn Đức nói rằng:
- Tu hành trong thời mạt pháp, Thiền Tịnh Song Hành là pháp môn thù thắng nhất.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bày nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, đó không phải là bản ý của Ngài, nhưng chỉ vì ứng cơ thuyết pháp để dẫn độ chúng sanh mà thôi. Cho nên những ai muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thì không thể không biết pháp môn nầy, vì đây là tư lương, là hành trang duy nhất để trợ duyên cho chúng ta trong chuyến Hành Trình Về Phương Tây
-- o0o --