Chùa Trấn Quốc Ở Hồ Tây
Qua Lịch Sử & Thi Văn
 Nguyễn Mộng Khôi
Viết tặng Anh Chị Như Xuyên
--o0o--
 
- Khi đi trẻ, lúc về già,
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào, 
Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi?
 
Chuyến về thăm Việt Nam của vợ chồng tôi và anh chị Xuyên kéo dài gần hai tháng, nên chúng tôi có đủ thì giờ đi thăm nhiều thắng cảnh, nhiều ngôi chùa từ miền thượng du Sapa, Lào Kay, tới miền Trung du Phú Thọ, Yên Bái, xuống tới đồng bằng Cữu Long. Chúng tôi cùng trong hội Nghiên Cứu Phật Học, nên được đi thăm chùa là một điều thích thú. Chúng tôi có cái may mắn là cô hướng dẫn viên du lịch(HDVDL-tour guide)rất giỏi, tên cô Hạnh. Cô hiểu nhiều về văn chương, địa lý và đặc biệt về lịch sử các ngôi chùa nổi tiếng. Cô còn nói thông thạo ba ngoại ngữ: Anh, Nhật, Hoa... Cô Hạnh cho biết hiện nay nhiều thanh niên nam nữ trong nước đang đổ sô đi học HDVDL. Khi tốt nghiệp được cắp văn bằng Cử nhân và có hy vọng kiếm việc làm dễ dàng, với đồng lương cao hơn các ngành khác; vì du khách ngoại quốc, Tây ba lô, Việt Kiều về thăm Việt Nam ngày càng đông.
            Ở Hà Nội, chúng tôi đã tới nhiều chùa như Cổ Như, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Láng... Mỗi nơi có một lịch sử đặc biệt. Nhưng anh chị Xuyến muốn ở thêm một ngày để thăm lại ngôi chùa nổi tiếng nhất thủ đô là chùa Trấn Quốc. Thực ra, trước khi đất nước chia đôi Nam Bắc, năm 1954, chúng tôi đã có lần tới ở đây, nhưng hồi đó còn nhỏ, tới bây giờ là gần 50 năm. Tôi nghĩ chắc ngôi chùa khác xưa nhiều? Vì vậy, tất cả đều vui lòng đến thăm. Có lẽ cô Hạnh đã hướng dẫn nhiều du khách tới ngôi chùa lịch sử này, nên cô thích thú và say sưa giải thích:
            - Chùa Trấn Quốc được xây năm 544 ngay sau khi Lý Bôn lên ngôi Hoàng Ðế. Ông tự xưng là Lý Nam Ðế, đặt niên hiệu là Thiên Ðức, lấy tên nước là Vạn Xuân.
            Chùa Trấn Quốc có một lịch sử lâu dài, qua nhiều lần đổi tên và dời chổ. Thời Lý Nam Ðế, chùa có tên là Khai Quốc. Cái tên đó đã gắn liền với lịch sử Việt Nam. Vì Khai Quốc có nghĩa là khai sáng nền độc lập sau những năm u ám dưới ách đô hộ của nhà Lương(Tàu). Bấy giờ chùa xây ở bến sông Hồng, địa phận làng Yên Hoa, nay là phường Yên Phụ, Hà Nội.
Năm 1440, Lê Thái Tôn đổi tên Khai Quốc ra An Quốc, cái tên An Quốc là một hãnh diện của Ngài, vì vua cha là Lê Thái Tổ, sau 10 năm vất vả đánh đuổi quân Minh mang lại an bình cho đất nước.
Ðến năm 1616, đời Lê Kính Tôn, chuyển chùa vào bãi Cá Vàng. Nhưng được ít lâu, nền bỗng bị lún. Sợ sụp đổ, nên dân chúng phường Yên  Hoa lại dời chùa vào gò Kim Ngư trong Hồ Tây, là địa điểm ngày nay.
Chúa Trịnh Thanh Ðô Vương thường đến đây vãn cảnh, nên năm 1639, ông cho xây thêm cổng và hành lang hai bên phải và trái, rồi đổi tên là Trấn Quốc. Cái tên Trấn Quốc còn đánh dấu một khúc quanh quan trọng của lịch sử nhà chúa đã giúp vua Lê giữ gìn đất nước; và mang giang sơn về một mối sau thời Nam Bắc triều đánh nhau xuốt 65 năm với nhà Mạc. Nhờ những công trình tu bổ đó mà làm tăng vẻ đẹp của ngôi chùa. Thật đúng là một danh lam của Thăng Long. Chúa Trịnh còn xây Hành Cung ở bên để thưởng lãm và để nghỉ ngơi dưỡng sức.
Hơn một trăm năm sau, nhà chúa bị diệt. Vua Gia Long thống nhất đất nước và dời kinh đô vào Huế. Vua Thiệu Trị cháu nội vua Gia Long không bằng lòng với tên Trấn Quốc nên năm 1842, ông bắt đổi là Trấn Bắc. Có lẽ nhà vua không muốn cái tên Trấn Quốc do chúa Trịnh đặt và muốn xóa bỏ những địa danh nổi tiếng của triều đại cũ chăng? Có thể là như vậy! Người dân ở đây chưa quên việc vua Minh Mạng, thân phụ của Thiệu Trị, trong khi tuần du Bắc Hà năm 1826 đã sai đập bỏ phía trên cổng thành Hà Nội xuống một trượng để cho thấp hơn cổng thành Huế.
Cái tên Trấn Bắc được vua Thiệu Trị đặt cho thật không xứng đáng với cái danh tiếng của ngôi chùa lịch sử, nên dân chúng Thăng Long vẫn cứ gọi là Trấn Quốc cho đến ngày nay.
            Chùa Trấn Quốc không phải chỉ chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, mà còn là nơi tu học của những danh tăng, những nhân vật nổi tiếng và những tổ phái Phật Giáo. Thiền Sư Tì Ni Ða Lưu Chi (580) từ Ấn Ðộ sang, ở chùa này rồi sau mới đến Pháp Vân Tự, làng Cổ Châu, huyện Long Biên, tỉnh Hà Ðông. Những vị khác như Văn Phong, Khuông Việt, Ngô Chân Lưu, Thảo Ðường, Thông Biện, Tĩnh Không ... đều trụ trì ở đây.
Anh Xuyên bổ túc thêm là Phái thiền Tào Ðộng, do Tính Trí Giác Quan thiền Sư đời Hậu Lê, một thời đã lập Tổ đình nơi nầy. Anh ngắm ngôi chùa và khen vị nào đã khéo chọn đất. Chùa nằm trên gò nổi của Hồ Tây là nơi hấp thụ cái sinh khí quanh vùng. Thật đắc địa! Cách không xa còn có những địa danh nổi tiếng như đường Cổ Ngư, đê Yên Phụ, đền Trấn Võ, hồ Trúc Bạch ... Tất cả đều thuộc quận Ba Ðình, Hà Nội.
Vị trí của toàn bộ những kiến trúc chùa Trấn Quốc rất độc đáo. Cổng chùa thì nằm bên trái chánh điện(nhìn từ trong ra). Chánh điện hướng về phía Ðông và nằm xoay lưng ra hồ. Con đường lát gạch đỏ, hai bên là hàng dừa cao chạy qua cổng rồi bọc ra phía sau vườn. Trong vườn có 14 tấm bia đá, nhưng chỉ 2 tấm còn nguyên vẹn. Ðó là bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính dựng năm 1639 và của Tiến Sĩ Phạm Quí Thích (1760-1825), người hiệu đính truyện Kiều, và cũng là bạn thân của thi hào Nguyễn Du.
Rải rác trước và sau sân chùa là những bảo tháp của các vị cao tăng quá cố. Còn có một ngôi tháp cao 11 tầng, vươn lên trời xanh như niềm kiêu hãnh của dân tộc. Ðặc biệt phía sau chùa là một cây Bồ đề do Tổng thống Ấn Ðộ Pra-Sát tặng hồi viếng thăm Việt Nam năm 1959. Cây Bồ đề này được mang từ chỗ gốc cây Bồ đề năm xưa đức Phật thành đạo. Bây giờ đã lớn lắm, cao như cây đa, thân cây to, hai người ôm không hết. Chùa có nhiều cổ thụ. Ở xa nhìn những ngôi tháp xưa, ẩn hiện sau những cành lá xanh tươi, trông đẹp như một ốc đảo thần tiên.
            Trong chánh điện có nhiều tượng Phật lâu đời. Ðáng chú ý nhất là pho tượng đức Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thếp vàng và là một kiệt tác của nền nghệ thuật tạc tượng ở Việt Nam.
Hôm nay trở lại đây, sau 48 năm, khi ra đi, chúng tôi còn trẻ cả. Nay trở về tóc đã hoa dâm. Một Chú tiểu từ nhà trong bước ra chào chúng tôi. Chú thân thiện và lễ phép hỏi, chắc các bác là Việt Kiều về thăm chùa? Nghe mà lòng se lại. Tôi bỗng nhớ một bài thơ Ðường của Hạ Tri Chương (659-744). Lúc còn trẻ, ông đi làm quan ở kinh đô, rồi một ngày trở về quê nhà. Chỉ khác là nay tóc ông đã thưa, rụng gần hết. Buồn nhất là khi gõ cửa nhà mình, lũ trẻ không biết ông là ai. Ông chợt sáng tác một bài thơ bất hủ, Hồi Hương Ngẫu Thư:
- Khi đi trẻ, lúc về già,
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào,
Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi?
                                    Phạm Sĩ Vỹ dịch
- Thiếu tiểu, ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải mấm mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng, hà xứ lai?
                                    Hà Tri Chương
Tôi thông cảm với thi hào Nguyễn Du, trở lại đất Thăng Long sau 25 năm ly loạn. Cụ đã mừng rỡ thốt lên:
- Bạch đầu giai đắc kiến Thăng Long
Nghĩa là:
Ðầu bạc mà còn thấy được Thăng Long.
            Cụ yêu Thăng Long như yêu làng Tiên Ðiền, nơi chôn nhau cắt rốn.
           Chùa Trấn Quốc còn là nguồn cảm hứng của bao thi nhân qua nhiều thời đại, vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), có bài vịnh chùa như sau:
            - Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười,
Sắc, Không, tuy bụt hãy lòng người.
Chày kình một tiếng tan lòng tục,
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi ...
                                    Nhà văn Khái Hưng đã lấy ý hai câu của bài thơ:
- Chày kình một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Ðể đặt tên cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Hồn Bướm Mơ Tiên của Ông, Hồn Bướm Mơ Tiên là một chuyện tình của một chàng sinh viên lãng mạn yêu một ni cô ở chùa Long Giáng Bắc Ninh.
Cụ Dương Khuê, trong một đêm trăng, lênh đênh trên một chiếc thuyền ở Hồ Tây, phía sau chùa Trấn Quốc, đã nghe tiếng chuông đền Trấn Võ(có tên khác là đền Quan Thánh, thờ Ngài Huyền Thiên Trấn Võ, ở phiá Nam chùa Trấn Quốc khoảng một cây số), tiếng gà điểm canh ở phường Thọ Xương, tiếng chày gĩa giấy ở phường Yên Thái,
- Phất  phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương*
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái**, mặt gương Tây Hồ.
Chuông đền Trấn Võ nổi tiếng là vang thật xa. Có một huyền thoại dân gian là đúc chuông xong. Khi tiếng chuông đánh lên, âm vang sang tận bên Tàu làm cho con trâu vàng thần tưởng là tiếng mẹ gọi, bèn chạy sang nước Nam. Nó tới nới thì tiếng chuông đã dứt, nó lồng lộn tìm mẹ, làm đất lún xuống thành Hồ Tây bây giờ.
Tiếng gà gáy ở Thọ Xương làm cụ giật mình thức giấc, cụ ngồi trong thuyền, nhìn ánh trăng tà, đục mờ trên mặt sóng, như gợi lại cái tên cũ là hồ Lãng Bạc.    
Bà Hồ Xuân Hương vào chùa lễ Phật mà có cảm tưởng như thoát tục như đang ở cõi Niết Bàn hay đang ở miền cực lạc:
- Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Trải qua 15 thế kỷ, chùa Trấn Quốc xứng đáng là ngôi chùa lịch sử của Việt Nam. Chùa Trấn Quốc, Hồ Tây sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nhân, thi sĩ./.
Chú Thích
- Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn võ canh gà Thọ Xương.*
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái**, mặt gương Tây Hồ.
Ca dao: Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Quốc canh gà Thọ Xương
*Thọ Xương là một huyện thuộc kinh thành Thăng Long, còn dấu vết gần nhà thờ lớn Hà Nội. Huyện Thọ Xương xưa gồm những phố đông đúc nhất, nay là chỗ Ngõ  huyện, khu phố Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
**Nhịp chày Yên Thái:có nghĩa là tiếng chày giã giấy ở phường yên Thái.
Phường Yên Thái (gần Hồ Tây) là nơi sản xuất giấy đầu tiên ở nước ta hồi cuối thế kỷ 17 vào thời chúa Trịnh Căn (1682-1709). Trước đó nước ta phải nhập cảng giấy in và giấy viết từ bên Tàu.
Người Tàu giữ bí mật nghề làm giấy, Trịnh căn bèn chọn một số thanh niên, thông thạo tiếng Tàu, cho nhập vào phái đoàn đi sứ. Theo mật chỉ của nhà chúa thì số thanh niên nầy khi sang tới Quảng Ðông thì lặng lẽ bỏ sứ bộ trốn đi rồi tùy nghi tự tìm cách học lấy nghề làm giấy cho thành thục rồi trở về sẽ được trọng thưởng.
Nhóm thanh niên đó vâng sứ mạng đi lần mò tới vùng Phiên Ngung, Nam Hải làm thuê, ở mướn cho mấy gia đình chuyên môn làm giấy. Trải qua ba, bốn năm biết được tất cả bí thuật trong nghề. Họ tìm đường về quê nhà. Chúa Trịnh Căn mừng lắm, thưởng công rất hậu; và chọn phường Yên Thái mở xưởng làm giấy, lại sai họ đứng trông nom và truyền nghề cho dân sở tại.
            Kỹ nghệ giấy ở Việt Nam có từ đấy.
            Nguyễn Mộng Khôi
-- o0o --