Nguyên Lý Vô Thường &
Cái Nhìn Chư Thiền Sư
Nhất Quán
--o0o--
 
Trước hết chúng ta phải hiểu Vô Thường là Thường. Vì hiểu được Vô Thường là thường cho nên chúng ta mới thấy được nhân cách sáng ngời  của chư Phật, chư Tổ, chư Thiền Sư đã bao đời tiếp nối đi qua và đã cho nhân thế một cái nhìn chính xác và linh động trong cuộc sống thiết thực của con người. Vì thế khi học hỏi, thực tập và nói về giáo lý Vô Thường thì chúng ta phải nói từ thân tâm cho đến vũ trụ vạn hữu, muôn vật đều biến đổi từng niệm, từng giây, từng phút. Niệm, giây, phút là chỉ cho thời gian hết sức ngắn ngủi, tuy nhiên mọi sự vật thay đổi còn mau hơn tâm niệm. Niệm sau sanh, niệm trước diệt. Không những chỉ có trên phương diện tâm lý, mà cả trên hiện tượng vật lý cũng đều như thế. Hữu tình thế giới thì có Sanh, Trụ, Dị, Diệt, mỗi tích tắc thay đổi không thường. Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, cho đến trái đất nơi chúng ta đang cư trú cũng rung chuyển vận hành, thay đổi. Ðây là Vô Thường của hiện tượng giới. Trạng thái vui, buồn từ trẻ đến lớn, từ lớn đến già, từ già đến chết, sự thay đổi nầy là Vô Thường tâm sinh lý của nhân sinh. Mọi sự, mọi vật tạo tác, biến chuyển không ngừng vật lý, tâm lý cũng như thế, nghĩa là bị nhân duyên phát động, tất cả đều là sự vật không cố định, cho nên gọi là Vô Thường.
            Nói về Vô Thường, đức Phật đã dạy:
- Tất cả những  gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều vô Thường.
Vậy Vô Thường nghĩa là không thường, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất định, luôn luôn thay hình đổi dạng đi từ trạng thái hình thành đến biến đi rồi tan rã... Ðạo Phật gọi những giai đoạn thay đổi của một vật là: Thành, Trụ, Hoại, Không. Như một làn sóng, khi mới nhô lên gọi là thành, khi nhô lên cao thì gọi là trụ, khi hạ dần xuống thì gọi là là hoại, khi tan rã thì gọi là không. Tất cả sự vật trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo bốn giai đoạn ấy cả nên gọi là Vô Thường.
            Ðể cho có một ý niệm rõ ràng hơn về sự vô thường, chúng ta hãy quan sát suy nghiệm ngay cái thân của chúng ta, cái tâm chúng ta và cái hoàn cảnh chúng ta đang sống thì sẽ biết.
A-  Thân Vô Thường
Nói về Thân Vô Thường chúng ta thấy khi nhân duyên đủ hiện hữu thì có, nhân duyên không còn thì tan biến, trở thành không. Khi vầy khi khác, biến chuyển không ngừng. Như mới sống thoạt chết, mới trẻ liền già, mới mạnh thoạt yếu, mới khoẻ liền đau. Trong thế gian, tất cả các pháp hữu vi đều sanh diệt biến đổi lưu chuyển không một phút nào yên trụ. Tất cả đều bị chi phối bởi định luật vô thường. Trong nghi thức Bồ Tát Giới Kinh có câu:
            - Mạng người vô thường, còn mau hơn nước chảy trên non, hôm nay dầu còn, ngày mai khó giữ.
            Vì không thấy được sự chi phối của nguyên lý vô thường nên có những quan niệm nông nổi của mộr số nam nữ thanh niên vì quá yêu chuộng thân thể:
            - Thân tôi mạnh khoẻ luôn, trẻ đẹp mãi, và đời tôi là cả một bài thơ....
            Quan niệm như thế nên họ sống một cách vô tư, cứ tưởng thân thể họ trẻ mãi, hay nếu có già, thì cũng còn lâu lắm không ngờ rằng nó già nó chết, từng giây phút.
            Tuy nhiên, nếu chịu khó trầm tư thì chúng ta thấy mặt dầu thân của chúng ta, cái tâm chúng ta và cái hoàn cảnh chúng ta đang sống đều bị chi phối bởi định luật Vô Thường. Nhưng cũng chính trong cái vô thường đó chúng ta sẽ có những niềm vui hay đau khổ, tất cả đều tùy thuộc vào quan niệm và cách sống của mỗi người. Thí dụ như nói về thân. Nếu nói về thân thì chúng ta nên xét trên hai phương diện. Vô thường để tăng trưởng, và vô thường cũng để hoại diệt.
a- Vô Thường Ðể Tăng Trưởng.
Như chúng ta lúc mới chào đời, nếu không có sự vô thường thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ lớn khôn. Cũng vậy, lúc chúng ta đau yếu, nếu không có sự vô thường để biến đổi, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ lành bệnh.
b- Vô Thường Ðể Hoại Diệt.
Qua thời gian tăng trưởng, đến giai đoạn  thay đổi để đi đến hoại diệt. Nghĩa là từ trẻ lại đi dần đến già, tiều tụy...
Ðây là một sự thật, khoa học đã chứng minh rằng, trong thân thể chúng ta các tế bào thay đổi luôn. Sự thay đổi ấy làm cho thân thể chóng lớn, chóng già chóng chết. Thân năm trước không phải thân năm sau, thân ban mai không phải thân ban chiều, mỗi giây phút trong thân ta đều có sanh có diệt.
Từ khi sanh ra cho đến chết, thân chúng ta đã không biết bao nhiêu lần thay đổi. Nếu có lúc mới sanh ra, cha mẹ thường ẳm bồng và để chúng ta vào trong chiếc nôi như thế nào thì lúc chết người ta bế cái xác đặt vào quan tài cũng giống như để đứa bé sơ sinh vào chiếc nôi cũng như vậy.
Dòng nước của một con sông, mới trông chúng ta không thấy có gì khác lạ, nhưng thật sự dòng nước hôm nay, không phải là dòng nước hôm qua cho nên người đời thường nói:
- Ðố ai tắm nước dòng sông hai lần
Nghĩa là:
- Chúng ta không thể nào tắm cùng một loại nước trong một dòng sông hai lần.
Thân người cũng vậy, luôn luôn trôi chảy như nước lũ. Ðức Phật lúc còn là một Thái Tử đã than với Da Du trong cung vui, khi nghĩ đến cái vô thường của thân người:
- Chúng ta sẽ già yếu xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi trong mắt của em rồi sẽ mờ đục, môi đỏ của em rồi sẽ úa mầu. Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vở, dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người... chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng, những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, nắm bắt một làn hương.
Quả thật Ðức Phật là một con người trí tuệ, một con người cao sang và đang trẻ đẹp bên cạnh lại có cô vợ hiền sớm hôm hầu hạ, thế mà vẫn đủ sáng suốt để nhìn thấy luật vô thường, đập tan cái gọi là cao sang, tươi đẹp của đời người! Những lời thống thiết ấy, không những đã cảnh tỉnh công chúa Da Du Ðà La, mà còn đánh thức những ai say đắm trong cảnh đời giả tạm, cảnh sanh già bệnh chết, là hiện thân của vô thường.
Biết thân là vô thường thế mà lắm người vì muốn trau giồi bồi bổ cung phụng xác thân đến nổi gây biết bao nhiêu tội ác gớm ghê. Vì muốn được thích khẩu, bổ thân mà lắm người đành tay giết hại những con vật và hành hình những con vật vô tội một cách rùng rợn.
II- Tâm Vô Thường
Nếu có lúc chúng ta biết thân Vô Thường, thì chúng ta cũng phải ghi nhận tâm niệm cũng âm thầm đổi dời, nhưng sự dời đổi nầy lại có phần mau lẹ và vi tế hơn. Ðiều nầy nếu chúng ta không nhìn sâu vào sự thật thì chúng ta khó mà thấy được.
Tâm niệm chúng ta thay đổi từng giây từng phút theo với ngoại cảnh, chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi ghét đó. Phút trước chúng ta nhớ chuyện nầy, phút sau chúng ta nghĩ chuyện khác. Hôm qua chúng ta tinh tấn tu hành, hôm nay chúng ta đã ưu phiền thối chuyển.
Tâm niệm, của chúng ta sanh diệt trong từng sát na, và chính vì nó sinh diệt mau lẹ như thế, nên ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả. Tâm của chúng ta tương tự như những hình ảnh di động như thật trên màn bạc. Những hình ảnh nầy mà có là do sự tiếp nối của những tấm phim, ảnh hiện lên rồi biến mất, để nhường chỗ cho những tấm ảnh khác trước ngọn đèn chiếu.
Cũng như thế đó, tâm ta được cấu tạo bởi từng niệm sanh diệt, nhưng vì chúng ta không nhận được sự biến chuyển mau lẹ của nó, nên ta cứ tưởng là nó đơn thuần và bất biến. Cái ta phút trước đâu phải là cái ta phút sau. Vậy cái ta nào là cái ta thật. Cái ta phút trước, cái ta phút nầy, hay cái ta phút sau?
            Cái ta hay tâm vô thường tạm bợ, giả tạo như thế, thế mà người đời cứ cho nó là trung tâm điểm của vũ trụ, bám víu nó, nhơn danh nó để tham lam vơ vét tài sản, danh lợi ở chung quanh và dù có dẫm đạp lên hạnh phúc của kẻ khác gây bao đau thương cho người đồng loại cũng mặc.
            III- Hoàn Cảnh Vô Thường.
            Thật ra trong nguyên lý vô thường lúc nào cũng có hai thứ: Sát Na Vô Thường và Nhất Kỳ Vô Thường:
a- Sát Na Vô Thường
Là loại vô thường mà chúng ta thấy trong     từng phút, từng giây trải qua bốn tướng: Thành, Trụ, Hoại, Không rồi cứ như vậy biến hóa mãi. Chẳng hạn trong nhân gian có câu:
- Thương hải tang điền.
Nghĩa là:
- Bải biển biến thành nương dâu.
Những hình ảnh nầy chúng ta thường thấy, có những nơi xưa kia là dòng sông, nhưng với điều kiện thời tiết nên một thời gian dòng sông  kia được tô bồi, thế là trở bãi cát bồi và người ta lại làm ruộng. Nên trong Thi Văn Việt Nam có nhà thơ đã từng nói:
- Sông kia rày đã nên đồng
Bên làm nhà cửa bên trồng ngô khoai
Lắng nghe tiếng ếch bên tai
Giậc mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
b- Nhất Kỳ Vô Thường:
Lọai vô thường nầy, chỉ trong một thời gian, một kỳ hạn chớp nhoáng, là bốn tướng sanh trụ dị diệt, có thể nối tiếp nhau mà hiện ra. Chẳng hạn như trong thời ly loạn chiến tranh. Có những nơi phố xá ngày hôm qua còn là một nơi thị tứ sầm uất, nhưng trong cơn binh lửa qua một trận dội bom hôm nay nơi sầm uất phố thị đó trở thành bãi đất hoang vu...
            Như trên chúng ta thấy luật vô thường ở khắp các nơi, chẳng những thân, tâm là vô thường, mà hoàn cảnh, sơn hà đại địa cũng vô thường. Ðây là một nhận xét hết sức là đúng. Chúng ta thường lầm tưởng chỉ có sinh vật là biến đổi và mau già chết, những vật lớn lao như núi sông, đất cát thì muôn đời cũng vẫn ở yên một chỗ. Nhưng chúng ta đã lầm, sông núi cũng có cái già, cái trẻ, đất cát cũng có khi lỡ khi bồi, không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại. Tục ngữ ta có câu:
- Không ai giàu ba họ, 
Không ai khó ba đời.
            Thật thế, một đời chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu sự thăng trầm vinh nhục, lên voi xuống chó. Giàu nghèo sang hèn tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta như một bức tranh, như một đoạn phim trong rạp chiếu bóng. Bao nhiêu người, trước đây nào dinh thự nguy nga, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, thế mà sau một cơn binh lửa sự nghiệp bổng nhiên tan tành như mây khói, bao nhiêu người quyền cao chức trọng, hống hách nghinh ngang, thế mà một phút sa cơ thất thế, bổng trở thành những kẻ tha phương cầu thực hay vướng vào cảnh tù đày.
Sự vô thường đã sờ sờ trước mắt, thế mà có không biết bao nhiêu người vẫn chưa tỉnh ngộ, cứ đeo đuổi bám víu vào những cái hào nhoáng nhất thời ấy. Kẻ bán tước người mua quan, kẻ tham danh người tham lợi.. gây biết bao trò cười cho kiếp người, và bày lắm cảnh nhọc nhằn đau khổ cho những người trong cuộc.
IV- Nguyên Lý Vô Thường & Cái Nhìn Của Chư Thiền Sư
Có người cho rằng :
Ðạo Phật nói vô thường, phải chăng vô tình gieo vào lòng người những quan niệm chán đời thối chí? Vì sự vật đã vô thường thì không nên làm gì cả, có siêng năng hoạt động, kinh doanh sự nghiệp rồi cũng không đi đến đâu cả. Tro bụi sẽ thành tro bụi!
Thật ra nhìn kỷ, Vô thường của Ðạo Phật là một phương pháp chỉ rõ mặt trái của cuộc đời, để bài trừ những sự mê lầm, ngăn chận con người chạy theo vật dục.
            Ðức Phật cũng giống như vị lương y tùy theo chứng bệnh mà cho thuốc. Với bệnh chấp thường còn không mất thì dùng phương thuốc vô thường để đối trị, khi lành bệnh thì Phật lại cho thứ thuốc bổ khác quý báu hơn là thuyết chơn thường bất biến.
Chúng ta là người con Phật, rõ biết mọi sự mọi vật trên thế gian nầy tất cả đều là vô thường, và biết sống cuộc sống tri túc, cho nên chúng ta cũng bớt đi sự lạ lùng bở ngở khi thấy dòng thời gian cứ vô tình luân lưu trôi chảy, hết Xuân đến Hạ, hết Thu đến Ðông, cứ như thế vận hành tiếp nối, và con người cũng như muôn sự vật đều bị giòng thời gian vô tình chi phối cuốn phăng đi, không một mảy may nuối tiếc. Sự sinh sinh, hoá hoá của con người, của vạn vật cũng theo đó mà đổi thay theo sự vận hành của năm tháng, vì tất cả đều nằm trọn trong vô thường ấy. Chúng ta phải cố gắng ý thức để hiểu rõ Lý Vô Thường, có được như vậy chúng ta sẽ cảm thấy tự tại trước mọi nghịch cảnh. Tuy nhiên đó vẫn còn nằm trong phạm vi lý thuyết. Thấy nghe thì dễ, nhưng một khi đối diện trước hoàn cảnh, có mấy ai tự tại? Nhất là đối với con người còn đam mê quay cuồng trong thất tình lục dục, thì vấn đề tự tại trước nghịch cảnh, quả thật chúng ta ít thấy, và hầu hết khi đứng trước sự đổi thay, nhìn dòng thời gian sinh sinh, diệt diệt, họ đều khởi lên trạng thái lo sợ, buồn rầu, cứ thế nung nấu mãi trong lòng, khiến cho tâm tư khô héo chết dần chết mòn, và sợ hải cho một tương lai, một ngày mai chưa biết ra sao. Tuy nhiên, đối với con người học Phật, nhất những vị thiền sư tu trì đạo hạnh, đạo cao đức trọng, thì sự thị phi thành bại, các Ngài đã có thái độ dửng dưng là chuyện thường, các Ngài coi thời gian qua rồi, ngày hôm nay hoặc ngày mai tất cả đều vô nghĩa. Bởi vì quá khứ thì đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, còn hiện tại thì thời gian cứ luân lưu trôi chảy bất tận. Cho nên trên đường hành đạo, Ngài Mãn Giác Thiền Sư đã hướng dẫn môn đệ sao cho tinh thần luôn khang kiện, bình tâm trước mọi cảnh tượng đổi dời như trong lúc cáo bệnh để dạy chúng như:
            - Xuân khứ bách hoa lạc
            Xuân đáo bách hoa khai
            Sự trục nhãn tiền quá
            Lão tùng đầu thượng lai
            Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
            Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
            Tạm dịch:
            - Xuân đã qua thời tiết đổi thay
            Trăm hoa tàn úa rụng rơi đầy
            Ðịnh luật tuần hoàn luân lưu mãi
            Rồi lại xuân về trăm hoa khai
            Kiếp người ngắn ngủi với thời gian
            Trẻ đi già đến thật ngở ngàng
            Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
            Ðêm qua mai nở trước hành lang.
            Theo tinh thần nầy, là con người biết đạo lý, đã và đang theo chân đấng Từ Phụ, học hỏi hạnh nguyện lành, để tiến trên con đường giải thoát, thì đừng nên bi quan trước những đổi thay của vạn vật. Bởi vì trong cái vô thường, vẫn còn có cái chân thường bất biến ẩn hiện đó đây, mà Mãn Giác Thiền Sư là một vị cao Tăng đắc đạo đã thấy rõ điều đó. Ngài thấy rõ sự vật trong vũ trụ đều là huyển tưởng không có gì là trường tồn vĩnh cửu. Ngài nhìn thế sự chẳng khác như thời tiết mùa Xuân, với trăm hoa đua nở tươi thắm, lôi cuốn những ong bướm dập dìu, nhưng mùa Xuân qua rồi thì những bông hoa đó cũng tàn úa héo rụng theo định luật của vô thường. Mùa xuân khác đến, trăm hoa lại đua nở. Kiếp người trong cõi diêm phù cũng vậy, những lúc tuổi trẻ khí lục sung mãn, công việc hằng ngày hằng phút trôi qua, mà con người đâu có mấy ai chịu khó lưu tâm, để rồi cái tuổi già với những sợi tóc bạc, nó điểm trên đầu của mình lúc nào mà mình không hay biết. Tuy nhiên, cũng tưởng rằng: Khi mùa xuân đi qua, thì tất cả những bông hoa đều rơi rụng hết, thì là không còn bông hoa nữa. Chúng ta phải biết rằng, Xuân đến thì trăm hoa của mùa Xuân thi nhau đua nở, Hạ đến thì chúng ta lại có những hương sắc của mùa Hạ. Mùa Thu, Ðông cũng vậy. Nghĩa là định luật tuần hoàn vận hành, bốn mùa tám tiết đổi thay, mùa nào cũng có bông hoa của mùa ấy xuất hiện với muôn hương ngàn sắc. Bông của mùa Xuân, bông của mùa Hạ..v..v..đều có tên khác nhau, nhưng tính bông là đem lại niềm vui tươi, mát dịu, điểm tô hương sắc cho mọi người ngàn đời không thay đổi. Cho nên các Thiền Tổ nói trong cái vô thường còn có cái thường hằng miên viễn. Từ đây chúng ta không lạ gì khi thấy giữa trời Ðông giá lạnh, cây cối trụi lá trơ vơ, mà vẫn có thể có một cành mai tươi thắm đang nở tỏa ngát hương thơm trước sân đình:
            - Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
            Ðêm qua mai nở trước hành lang.
            Trước nhân cách sáng ngời của chư Thiền Sư đắc đạo, siêu vượt ra ngoài sự chi phối của vũ trụ, đã ngầm chỉ rõ cho chúng ta thấy, muốn đạt đến trạng thái tự tại, trước tiên chúng ta phải nhiếp phục các căn, bởi vì đối tượng của các căn là sắc, âm thanh, hương vị..v..v.. Những thứ này đã áp đảo tinh thần của chúng ta, làm cho ta quên đi niềm tự tín ban đầu, để rồi cuối cùng lôi cuốn ta chạy theo mộng tưởng điên đảo. Là người Phật Tử, học và thực hành giáo Pháp của Phật Ðà, ta phải noi gương những bậc Thiền Sư đi trước, để điều phục thân tâm. Phương thức hữu hiệu nhất là chúng ta phải can trường nhìn thẳng vào thực thể của bản thân và ngoại cảnh. Có được như vậy, chúng ta mới thấy rõ sự hiện hữu của chúng ta và sự vật tất cả đều do nhân duyên hoà hợp. Nhưng điều cần nhớ là tất cả đều huyển hóa chứ không có gì chắc thật. Chỉ có Chân Tâm của chính mình mới thực sự bất sanh bất diệt, mà xưa nay chúng ta đã vô tình quên lãng. Giờ đây chúng ta phải quả quyết sống thực với nó, đừng để một tạp niệm nào xen vào. Bản chất của Tâm đối với mọi sự mọi vật là như như bất động, thực tại không sinh không diệt, theo tinh thần của Bát Nhã thì gọi Chân Không. Nếu đã là Chân Tâm, thì Cảnh cũng phải là Chân Cảnh. Từ đây chúng ta không còn chạy trốn tìm cầu, mà giải thoát cũng trở thành hiện thực. Từ ý nghĩa nầy, chúng ta thấy một khi tâm đã không bị giao động, thì ngoại cảnh dẫu cho thế nào chăng nữa cũng trở thành vô ý nghĩa. Ðiều nầy qua hình ảnh của Giác Hải Thiền Sư, Ngài đã thản nhiên trước cảnh hoa bướm rộn ràng khi Ðông tàn Xuân đến, làm cho chúng ta thấy rất là thi vị và thanh thoát:
            - Xuân lai hoa điệp thiện tri thi
            Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
            Hoa điệp bản lai giai thị huyển
            Mạc tu khoa điệp vấn tâm trì
            Nghĩa là:
            - Bông hoa cánh bướm đón xuân sang
            Bướm bướm hoa hoa khéo nhộn nhàng
Rằng bướm rằng hoa đều huyển cảnh
Ðừng vì hoa bướm động tâm vương.
            Thật vậy bướm hoa, hoa bướm đều huyển cảnh, khi hợp khi tan, cũng như hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết theo định luật thời gian chi phối Hương Hải Thiền Sư cũng đã nói:
            - Phàm người ta phần nhiều vì sự mà ngăn chận cái lý, vì cảnh mà ngăn chận cái Tâm, muốn chạy trốn cảnh mà tìm sự an tâm, quên Sự giữa Lý mà không biết rằng chính tâm của họ ngăn chận cảnh, Lý của họ ngăn chận Sự. Nếu họ biết làm cho Tâm không, thì cảnh tự nhiên cũng không, làm cho Lý lặng thì Sự tự nhiên cũng lặng.
            Qua hình ảnh của Tiếu Ẩn Hân Thiền sư, chúng ta cũng có thể tìm thấy một hình ảnh sáng rở, trong những hiện tượng Diệu Lý Bất Sanh Bất Diệt nằm gọn trong cảnh vật sôi động Sinh Diệt:
            - Kim cương chính thể hiện rõ ràng
            Cảnh vật muôn ngàn bát nhã quang
            Bặt lối lại qua đương niệm thoát
            Âm dương đất trống lý toàn bày
            Gáy sáng gà cây trong nẻo vắng
            Mừng xuân gái đá ra động phòng
            Ðáy hồ rồng vẩy vui vô hạn
            Ðưa tiển chúa xuân một lò trầm.
            Trong muôn vàn cảnh vật đã sẳn chứa thể Kim Cương Bát Nhã. Như vậy chỉ cần dứt sạch vọng tưởng điên đảo thì chân tánh tự nhiên hiển hiện. Ðể đạt tới mục đích nầy, người con Phật phải làm sao đạt tới trạng thái Vô Tâm. Vô Tâm thì phiền não không chổ nương tựa. Vô Tâm theo Hương Hải Thiền Sư là bí quyết của sự Giác Ngộ. Phương thức để đạt tới trang thái Vô Tâm, theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang nói rằng: Giới Luật cao nhất chính là Vô Tâm. Cũng theo Phật Giáo Sử Luận nói: Giới Luật ở đây không có nghĩa là cấm đoán, không cho con người va chạm tiếp xúc với sự vật. Nếu Giới Luật chỉ là sự cấm đoán ấy thì đó chưa phải là phương thức căn bản mà là sự chạy trốn, tự đưa mình vào ngõ cụt. Giới Luật cao nhất là sự quan sát thường trực để từ đây dầu cho ta ở trong môi trường nào chăng nữa, cũng không bị Thanh Sắc chi phối, mà trái lại Thanh Sắc phải phục tùng theo mình. Theo tinh thần của Lục Tổ Huệ Năng: Khi mê thì Thầy độ, khi ngộ thì tự độ lấy. Ở đây chúng ta có thể hiểu: Khi mê thì người đi theo cảnh, mà cảnh thì thiên sai vạn biệt, còn người thì không đồng nhất với mình. Khi Ngộ thì Cảnh đi theo Người, Người thì đã nhất trí và dung hoá được, cho nên Hương Hải Thiền Sư nói: Giới Luật của tự tín, là giữ thái độ Vô Tâm đối với Vạn Pháp. Trí Tuệ của tự tính là giữ thái độ vô ngại đối với Vạn Pháp. Tâm ta vững chải không thêm không bớt như Kim Cương bất hoại, thì dù cho thân ta tuy có đi tới đi lui nhưng vẫn cứ an trí trong cảnh đại định như thường:
            - Nhứt thiết Vô Tâm tự tánh giới
            Nhứt thiết vô ngại tự tánh huệ
            Bất tăng bất giảm tự Kim Cuơng
Thân khứ thân lai bản Tam Muội.
Cũng cần nói rõ thêm, Vô Tâm không phải là sự hửng hờ thiếu chú ý. Vô Tâm ở đây là muốn nói cái thấy sáng suốt không bị mắt kẹt bởi Tư Kiến và Tư Dục, không kỳ thị phân biệt, cái thấy không còn cái khuynh hướng nhị nguyên điều khiển. Ðối với cái thấy ấy không còn phân biệt Chủ Thể và Ðối Tượng, Tâm và Cảnh, Mê và Ngộ, Có và Không, Lý và Sự. Can đảm nhìn thẳng vào tự tính của Tâm, thì Vô Tâm ấy bất cứ ngày giờ giây phút nào cũng là giây phút Giác Ngộ, và ở nơi nào cũng cảm thấy tự tại, và bất cứ đối tượng nào cũng là Phật. Khi sự phân biệt chủ thể đối tượng đã chấm dứt, và ý niệm chấm dứt ấy cũng chấm dứt, thì lúc bấy giờ trí tuệ có mặt. Một khi trí tuệ chân chính đã có mặt thì tâm niệm nào cũng là Tâm Niệm Phật, và ở đâu cũng thành đạo, không có nơi nào mà không phải là cõi Phật. Muốn thực hiện được cái trí Bát Nhã kia, phương pháp hữu hiệu nhất là sống một cuộc sống hằng ngày với sự tỉnh thức tự tâm:
            - Phản văn tự kỷ mỗi thường quang
            Thẩm sát tư duy tự tế khan
            Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
            Ðương lai điện thượng độ sư nhan.
            Dịch là:
            - Xét lại điều gì thấy mỗi ngày
            Suy đi nghĩ lại kỷ càng hay
            Ðừng tìm tri thức trong cơn mộng
Như thế mới hay gặp được thầy.
Và Ngài Lâm Tế thị chúng cũng cho ta thấy: Ðạo của Phật Pháp là chỗ vô công dụng địa. Tất cả những động tác bình thường trong cuộc sống hằng ngày như: Cơm ăn, áo mặt..v..v..đều là thiền. Người ngu sẽ cười ta, nhưng kẻ trí sẽ ngộ.
Thức được tự tâm là yếu tố để ta tiến tới trí tuệ siêu việt, mà trí tuệ siêu việt là yếu tố giác ngộ. Nó là trực giác nhìn vào chân lý cứu cánh của Vạn Hữu, nhờ đó mà thoát ra ngoài triền phược của hiện hữu và trở thành tự chủ. Bởi vì theo tinh thần của Phật Giáo: Bắt đầu bằng sự Giác Ngộ, và tận cùng cũng bằng sự giác ngộ, nên trên đường đi phải kiên trì Vô Tâm, và phải lót bằng tâm nguyện Ðại Từ, Ðại Bi, Ðại Trí, Ðại Dũng của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ Sư quên mình. Chính vì hạnh nguyện đó mà mặc dầu các Ngài đã bước sang bên kia bờ tịch diệt, nhưng không bao giờ ẩn mình trong cái tịch diệt ấy, mà tâm nguyện của các Ngài là phải mang trí tuệ siêu việt ấy lên đường, mở rộng tình thương vô hạn, bao gồm cả vũ trụ, để gieo rắt cho nhân thế những trận mưa Pháp, với muôn ngàn sắc tướng, để cho nhân thế Ngộ Nhập Phật Tri Kiến.
Kết Luận:
Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật, từ thân tâm cho đến mọi hoàn cảnh. Khi hiểu được lý Vô Thường, là chúng ta đã có một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh tham ái, mê mờ, chúng ta đã đau khổ vì màu sắc tốt xấu, vì tiếng dở hay, vì những mùi vị ngọt bùi, vì những vật thích thân, vừa ý. Nay chúng ta uống thuốc Giáo lý Vô Thường để trừ bệnh tham ái và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn.
Biết được vô thường, con người dễ giữ được bình thản trước cảnh đổi thay bất ngờ và có thể lạnh lùng trước cảnh ái ân ly biệt. Biết Vô Thường con người dám hy sinh tài sản sanh mạng để làm việc nghĩa. Biết được Vô Thường con người mới chán ngán với những thú vui tạm bợ, giả trá, và sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật thường còn. Vì thật ra cái vui chân thật thường còn, cái tánh chân thường vẫn có nhưng nó nằm bên trong cái lớp giả dối tạm bợ, vô thường của cõi đời nầy, nên chúng ta không thể thấy được. Khi chúng ta đã cương quyết gạt bỏ cái vô thường giả dối ấy, thì tất nhiên cái giá trị chơn thật, cái hạnh phúc chơn chánh, cái Phật tánh sáng suốt chắc thật muôn đời sẽ hiện ra.
Nếu chúng ta là người đã và đang khao khát tìm một cái gì đó Chân Thường trong những cảnh Vô Thường, tìm một mùa xuân vĩnh viễn chân thật hạnh phúc trong muôn ngàn đổ nát, thì khi mà chúng ta học, thực tập và vận dụng nhuần nhuyển giáo lý Vô Thường thì chúng ta sẽ tìm thấy trong giáo lý Vô Thường đó bất kỳ lúc nào cũng đã ẩn hiện một mùa xuân hạnh phúc và an lạc nhất trên cõi thế gian nầy.
 
            Tài Liệu Tham Khảo:
            - Phật Học Tinh Hoa
            - Phật Học Phổ Thông
            - Văn Học Lý Trần      
            - Pháp Bảo Ðàn Kinh
            - Tự Ðiển Phật Học
-- o0o --