Sống Đời An Vui
Giác Thuận ghi
--o0o--
           
Hôm nay là ngày 15 tháng 03 năm 2003
            Bài pháp hôm nay chúng tôi muối giới thiệu đến đại chúng là: Sống Đời An Vui
            Có một Phật tử đến Chùa gặp chúng tôi và tâm sự như thế nầy:
- Lúc con còn nhỏ, con không biết Phật là gì, cho nên con không tin Phật, ngay cả Thần con cũng không bái. Cứ vậy mà cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, hơn nửa đời người. Những ngày gần đây, nhân vì có chuyện rắc rối, lộn xộn trong gia đình, và một cơ duyên đặt biệt con mới bắt đầu tin Phật, học Phật tu hành. Chừng hiểu ra con thấy có hơi muộn màng, đáng tiếc một chút, nhưng con cũng tự suy nghĩ, cho đến bây giờ mới có được niềm tin phật nhưng cũng còn chưa muộn. Trong thời gian nầy, có lẽ nhân duyên đã chín mùi nên con thỉnh được mấy quyển sách Phật, và được nghe Phật pháp, nên con mới để tâm đến việc lớn sanh tử và giải quyết cho con những mơ hồ về con người và kiếp sống của nhân sinh, cho nên bây giờ thì con đã hiểu:
- Con người từ đâu sanh ra?
- Sanh ra để làm gì, và
- Chết sẽ đi về đâu?
Lời tâm sự của người Phật Tử nầy, gián tiếp cho chúng ta thấy được anh ta đã nhận chân thế giới Ta Bà là biển khổ! Người nghèo khổ, người giàu cũng khổ! Khổ nhiều vui ít, vì thế khi chúng ta ra khỏi ba cõi sáu đường, thì chúng ta sẽ Sống Đời An Vui gọi là Chơn lạc. Đại khái lời tâm sự nầy cho chúng ta biết rằng người Phật tử nầy có nhận thức, và điều nầy cũng gián tiếp cho chúng ta biết rằng, nếu chỉ hơi tin Phật mà không học Phật, không tu hành một cách nghiêm mật thì không thể nào ra khỏi vòng luân hồi của ba cõi sáu đường. Và điều nầy cũng gián tiếp nói lên quan điểm:
- Khó Được Thân Người:
Bởi vì con người đời đời kiếp kiếp lưu chuyển trong lục đạo luân hồi, chúng ta khó biết được là chúng ta ở cảnh giới nạo Bây giờ đây,chúng ta may mắn có được thân người, thật sự không phải dễ!
- Khó Sinh Nơi Trung Tâm Của Quốc Gia:
Nhìn đến những người sống nơi đèo heo gió hút nơi biên giới nghèo nàn, trong khi đó chúng ta được sinh sống không phải nơi có Phật giáo không thôi, mà là nơi Phật giáo lại phải thịnh hành. Trên thế giới, địa phương có Phật giáo không nhiều, mà chỗ Phật giáo thịnh hành càng ít. Như ở Việt Nam ngày trước, vào các thời đại: Đinh, Lê, Lý Trần thì có Phật giáo mà lại thịnh hành, nay cũng có Phật giáo nhưng không thịnh hành như ngày xưa. Mỹ quốc ngày trước không có Phật giáo, ngày nay có mà không thịnh hành...
- Khó Nghe Phật Pháp:
Cũng là con người nhưng có người chưa bao giờ biết Phật là ai, trong khi đó chúng ta không những biết Phật mà còn biết Pháp môn Trì Danh, Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh. Hơn nữa, chúng ta thường được nghe pháp sư giảng kinh thuyết pháp, người có thể nghe pháp sư giảng về phương pháp tu hành trì danh niệm Phật lại càng ít...
- Khó Gặp Thiện Tri Thức:
Những người thông đạt Phật pháp, hiểu biết lý nghĩa, tu pháp môn tịnh dộ trì danh niệm Phật, dạy cho phương pháp tu hành, trì danh niệm Phật, được coi là bậc thiện tri thức, nếu chúng ta không có duyên thì rất khó gặp.
- Khó Sanh Tín Tâm:
Trừ một số có duyên với Phật Pháp đươc coi như là người có tím tâm, còn thường thì cũng có số người không tin có Phật, Bồ tát. Ngay cả có người còn cho Phật giáo chỉ dạy những điều mê tín, thậm chí còn hủy báng Tam Bảo. Có người cũng Tin Phật mà không chịu học Phật tu hành, vì họ sợ rằng tu hành thì phú quý, vinh hoa, những ham muốn vui chơi, hưởng thụ không thành được. Có người cũng muốn tu, nhưng vì từ hồi nào đến giờ họ đang sống trong thế giới vật chất muôn màu, trong khi đó cuộc sống của người tu là cuộc sống đạm bạc giản dị thô sơ, thì họ lại sợ co lại không dám tiến về trước trên đường đạo.
Có thể nói rằng chúng ta là những người có may mắn, được sinh sống trong một xã hội tiên tiến, sống đời tự do, may mắn hơn nữa lại được nghe Phật pháp, lại biết học Phật, nhất là Phương pháp Trì Danh Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành. Vì vậy nếu chúng ta còn không chịu tu học, không chịu niệm Phật tu hành, một khi mất thân người, không biết đời nào kiếp nào lại có thể được nghe Phật pháp. Một khi mà chúng ta chỉ biết mê đắm những dục lạc hưởng thụ ở thế giới này, đến lúc mất thân nguời thì lúc đó biết khổ thì cũng đã muộn. Đối với những người Phật tử tại gia như chúng ta, chỉ cần lược hiểu về Phật pháp, có lòng tin, cung kính chí thành, một lòng nguyện sanh thế giới Cực Lạc, và y cứ nơi sự dạy dỗ rồi như pháp tín thọ phụng hành, tin sâu thiết tha nguyện trì danh niệm Phật cũng tạm goi là đủ. Điều quan trọng là chúng ta phải tự biết chấm dứt mọi ngoại duyên, không có việc không ra khỏi cửa, chỉ chuyên tu trì danh niệm Phật, có được như vậy, thì dù thời gian từng ngày có trôi qua, thì chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ. Trái lại nếu chúng ta không tu trì nghiêm mật, chỉ thực hành qua loa cho có lệ, thì không dễ gì hiểu sâu được giáo nghĩa. Do vậy, tuy có phát tâm nghiên cứu đọc tụng, nhưng cũng không phải vì vậy mà dễ bước vào cửa Phật Pháp.
Người đời vì cuộc sống bận rộn, nên khó có thời gian để nghiên cứu đọc tụng, cho nên cũng không dễ gì hiểu rõ Phật pháp. Do đó cái biết không sâu, tín căn lại không kiên cố, nguyện càng không thiết tha, tu hành bất lực, tâm địa thô tháo, với một hòan cảnh như vậy, chắc hẳn là việc tu hành sẽ gặp rất nhiều điều bất lợi, những điều bất lợi nầy có thể là bị sự công kích của ma oán nghiệp xưa, nên cũng khó mà có cuộc sống thanh tịnh.
Đối với người học Phật ngòai việc làm thiện, để cầu tài, cầu thọ, cầu bình yên... Người học phật còn phải tu hành, để cầu ra khỏi ba cõi, lìa khổ được vui, cho đến thành Phật! Muốn đạt đến tiêu điểm nầy, thì người học Phật chúng ta  phải y cứ vào bộ kinh và Pháp môn nào để tu đây là điểm quan trọng. Pháp Môn Nhị Lực có thể thỏa mãn về nhu cầu tâm linh nầy. Tuy nhiên có người chỉ thích tin Phật, tụng tụng kinh, lạy một vài lạy Phật, niệm một vài tiếng Phật qua loa cho có lệ. Hoặc người học về thiền tông, ngồi rồi đi, được chút ít hiểu biết lạ, có linh cảm hoặc thấy ánh sáng, thấy hình ảnh... các cảnh giới biểu hiện thì cho là khai ngộ rồi. Hoặc là người học Tịnh Độ cho là niệm một vài tiếng Phật là niệm Phật, thì có thể mệnh chung về thế giới Cực Lạc rồi, cho nên không cố gắng thật sự niệm Phật, không chịu niệm Phật nhiều, không có tập quán niệm Phật, nhưng mà phải nhớ là một khi trong tâm của chúng ta không có Phật, thì không thể cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Phần đông tâm lý của chúng sinh, là như vây. Có thể nói, người có khả năng, và biết phương pháp trì danh niệm Phật tu hành, thì lại không có được bao nhiêu người. Do đó cái pháp môn nầy cần có một hệ thống để phổ biến đầy đủ cho người tại gia học Phật, trì danh niệm Phật tu hành. Bởi vì đây là một pháp môn dễ học dễ hành, khiến cho người có chí trì danh niệm Phật tu hành, thì sẽ có khả năng vãng sanh thế giới Cực Lạc rất nhiều!
Có thể nói pháp môn Trì Danh Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành là pháp môn đơn giản có thể giúp cho người có chí học Phật niệm Phật tu hành, để có được một cuộc sống:
- Giàu có,
- Sống lâu,
- Khỏe mạnh,
- Vui vẻ...
Người đời ai cũng muốn cho chính mình có điều kiện để hưởng,
- Giàu có,
- Sống lâu,
- Khỏe mạnh,
- Vui vẻ...
Nhưng những người đạt được như nguyện thì cũng có nhưng không được bao nhiêu người, trái lại chúng ta vẫn thấy nhiều người sống trong hòan cảnh:
- Nghèo khổ,
- Có người nhiều bệnh hoặc tàn phế,
- Có người đoản mạng chết sớm.
Muốn có được một cuộc sống:
- Giàu có,
- Sống lâu,
- Khỏe mạnh,
- Vui vẻ...
Nói vắn tắt là muốn có Cuộc Sống An Vui, thì phải tập Pháp Môn Nhị Lưc. Nhưng thật đáng tiếc là có một số người không biết, nên tự tìm khổ não, để rồi tự minh từ bỏ Cuộc Đời An Vui, trốn lánh vui tươi để sống trong lỗi lầm trong khổ đau khổ não và tuyệt vọng. Sống Đời An Vui không chỉ là sản phẩm có lợi của những người giàu có, còn người nghèo khổ thì không có phần, mà cách Sống Đời An Vui đó không phân biệt là người giàu có, hay người nghèo hèn, già trẻ nam nữ, mà là tất cả đều được bình đẳng, mọi người đều có thể hưởng thụ vui vẻ. Nhận thức một cách trung thực mà nói thì việc tìm cầu của một đời sống có ý nghĩa chính là Sống Đời An Vui.
Người có thể Sống Đời An Vui là người có tâm tình vui vẻ, và biết sống Tri Túc. Tiếp nhận tất cả, trong tâm tư của chúng ta tự đầy, tự đủ,. Được như vậy thì dù cho ở địa ngục cũng như thiên đường, có bệnh ở nơi thân hoặc tàn phế, biết nhân quả, không oán trời trách người, nếu có đoản mạng chết sớm thì cũng có thể mỉm cười mà đi.
Một người trọn đời chỉ lo mong cầu: Vàng bạc, danh vị, quyền thế hoặc học vị ... vì người ấy không biết tất cả những cái này chỉ là cái bề mặt, cái mà thấy được, chỉ là một loại cảm thọ đầy đủ tạm thời ngắn ngủi, không phải là cái vui vẻ  An Vui lâu dài; có thể Sống Đời An Vui lâu dài thì cuộc sống mới là nhân chính. An Vui là một loại tâm cảnh, một loại cảm giác nội tại thuần túy, cũng không phải hoàn toàn nương gá vật bên ngoài có hình thể, cũng không phải là hoàn toàn xa lìa ra ngoài vật bên ngoài có hình thể. Sống Đời An Vui là một sự cảm thọ vô hình của tâm linh sâu xa, nó được chứa nhóm từ chỗ sâu thẳm của tâm linh, ngay lúc chúng ta muốn dùng nó, tâm chúng ta lại có thể cảm giác sâu sắc, vượt lên trên cái tâm, có khả năng nhận chìm đi cái phiền muộn khổ não, cái đó chúng ta gọi là an lạc, thấm nhuần tràn đầy toàn thân của chúng ta.
Người giàu nếu không biết đủ thì không đầy đủ, có rồi càng muốn càng nhiều, tốt rồi càng muốn càng tốt, được rồi lại sợ mất đi, lại sợ tai họa tới mình, lại sợ sanh bệnh, lại sợ chết mất, cả ngày tổn thương gân não, bàng hoàng không an, buồn bực lo sầu sợ sệt, vì thế cho dù họ có ở thiên đường thì cũng như họ đang ở trong địa ngục. Do vậy chúng ta tu tập chỉi vì chúng ta cần có những khỏanh khắc vui vẹ chỉ cần một khỏanh khắc vui vẻ thì những việc tham, sân, si, nghi, mạn, đấu tranh, tư riêng, sợ sệt, khẩn trương, giận, buồn phiền, lo nghĩ, tính toán... sẽ không còn, và tâm tình có thể mở mang thoải mái trở lại. Như vậy yếu tố thỏai mái không cần phải có tiền, có danh, có thế lực, ăn ngon, mặc đẹp, ở cao sang... Nếu người có tiền, có danh, có thế lực, ăn ngon, mặc đẹp, ở cao sang mà không có tâm tình thoải mái để hưởng thụ, thì sẽ không bao giờ có thể Sống Đời An Vui. Trái lại, người nghèo mà biết thiểu dục tri túc thì là đầy đủ, biết nhân quả, rõ thị phi, không bạo ngược, không tự ti, không thèm muốn của người, không tham, không sân, không oán, không tranh, không ghét, không sợ thẹn, không so sánh nhà người, tự mình buôn bán bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không tủi hổ hình vóc xấu, lại không vì không có tiền mà buồn rầu làm tổn thương gân não, mặc áo vải, ăn cơm hẩm, ở nhà tranh, đầy đủ với hiện thực, không kêu ca khuất phục, lại còn mừng vui hạnh phúc, không có lạnh lẽo đói rét thì tự mình đã Sống Đời An Vui.
Một con người có cuộc sống lạc quan, biết sống vui, tâm não rộng rãi, quán xem các pháp, ít ham muốn và biết đủ thì sẽ đầy đủ. Giàu từ người khác mà giàu, nghèo từ người khác mà nghèo, là vật ngoài thân, thuận với tự nhiên, không cưỡng cầu, tốt xấu, được thua, khổ vui, chê khen, vinh nhục, không so tính, phàm việc gì chỉ hỏi tâm không hổ thẹn, tùy gặp cảnh mà an, tâm an thì lý được, không bị hai cảnh thuận nghịch chi phối. Bình thường đời sống bất hạnh bị nghèo thiếu vây quanh, cũng có thể an bần lạc đạo, không oán trời trách người, không vì nghèo khổ mà tự ti, trái lại thản nhiên mà tiếp nhận những ngằn mé bất hạnh, quên đi cái khổ nghèo thiếu, mạnh khỏe, mẻ sứt hoặc tàn phế, cũng có thể vui sống hằng ngày, chẳng nên vì nơi thân thể bệnh khổ mà lẩn quẩn rên la.
Thật sự mà nói, người có một tâm tình vui vẻ để Sống Đời An Vui là người có thể thu nhận nguồn an lạc cảm quan bên ngoài, và sự vui vẻ xuất phát từ nội tâm là nguồn an lạc của tâm linh. Con người cứ mãi đi tìm kiếm, tranh giành, nhưng muốn sống đời an vui thì chỉ cần thấu rõ lương tâm, đạo đức, nhân nghĩa, thì tâm mới an. Nếu vì muốn được vui vẻ, nếu chỉ vì thỏa mãn đầy đủ lòng ham muốn của mình, nên tha hồ làm điều trái lẽ, thì không cần phải chờ đợi báo ứng ở đời sau mới thọ khổ, mà ngay trong đời này cũng có thể hiển hiện tai họa trùng trùng, như thế thì không thể nào vui vẻ được. Rất nhiều người không được vui vẻ nên không có Sống Đời An Vui vì bởi do từ nơi lòng ham muốn những bí ẩn sâu xa. Nếu biết xem phú quý như mây nổi, danh lợi như khói sương, được mất không dính ở nơi tâm, thì dù cho là gió mưa buồn rầu cũng chẳng xâm phạm ở trong lòng.
Người học Phật tu hành chuyên nhất chí thành ở nơi chân tâm, tín thọ vưng làm, không cầu điều kiện hư vinh trước mắt, mà chỉ cầu ở chỗ sâu xa của nội tâm, dứt bỏ dục vọng chính mình và chấp trước, giữ gìn tâm thanh tịnh. Từ việc hành trì không gián đoạn, tự nhiên được an bình, đầy đủ và vui vẻ trong tâm hồn. Nhân người tu hành có chánh kiến, chánh tư duy, tâm từ bi, làm việc thiện, không làm ác, thiểu dục tri túc, ít phiền não, có sự ký thác trên tinh thần là: Tin Phật. Có lý tưởng: Thành Phật, tự nhiên cuộc sống được vui vẻ rất nhiều.
Ðương nhiên chẳng phải ngay khi mới bắt đầu tu là có liền được sự vui vẻ trên tâm hồn, mà là nhờ ở sự quyết tâm cần phải lọai bỏ tập khí vô minh của chính mình như: tham, sân, si... sửa đổi hành vi thô tháo của mình trở nên hòa nhã thì sự vui vẻ mới có thể hưởng thọ được. Vì vậy sự hòa nhã là hạnh phúc có thể đánh giá là vô giá. Cuộc sống của đời người là tìm cầu sự sự an lạc và hạnh phúc. Con người ai cũng có quyền tìm cầu sự an lạc và hạnh phúc nhưng không phải ai cũng có may mắn tìm được nó. Bởi vì dầu muốn dầu không thì cuộc sống của con người ai cũng bị hai sự việc chi phối:
- Một là cuộc sống vật chất,
- Hai là cuộc sống tinh thần.
Cuộc sống vật chất nếu chúng ta càng tìm cầu bao nhiêu thì càng đau khổ bấy nhiêu, vì tâm con người luôn luôn là không biết đủ, nên vĩnh viễn không thể đầy đủ. Nhưng nếu chúng ta biết hướng đời mình về phương diện cuộc sống tinh thần để tìm cầu, thì tâm tình có thể thoải mái, tâm lý an ổn, thì sẽ được cuộc sống sẽ an lạc và hạnh phúc. An lạc, hạnh phúc là thứ cảm thọ vô hình, sâu sắc của tâm linh. Nó là một món cảm thọ kì diệu sâu sắc trong lòng của nhân loại. Nó là một đồ vật mà chúng ta nhìn không thấy, nghe không được, sờ không đụng. Nó là một món tâm cảnh bất định tùy theo thời gian ảnh hưởng chúng ta mà hiện khởi hay ẩn mất. Kỳ thật, Sống Đời An Vui không phải chỉ đầy đủ ở trên phương diện cảm quan, mà nó là sự vui sướng không dứt đến từ nguồn nội tâm một cách đầy đủ có thật và yên bình; Tuy nhiên con người trong xã hội, vì ý đồ của họ đem những cuồng vui, thích sống với những sự huyên náo, chủ trương những điều trái lẽ, chạy rượt theo ngọai cảnh, cuối cùng làm cho trống vắng nội tâm.
Xuyên qua cuộc sống một khi chúng ta đã ý thức và biết Sống Đời An Vui thì chúng ta mới nhận thức trên hai thái cực:
- Một người giàu có sau khi có đủ tất cả những gì anh ta muốn, ngược lại phát hiện chính mình chẳng có sự vui vẻ; mà một người dân bình thường không giàu có, ngược lại hay bình thản đạm bạc cho nên sống vui vẻ một đời.
Người bình dân đó so với người giàu có, đời sống an vui và hạnh phúc hơn, đó là vì anh ta hiểu được cách tìm kiếm sự vui vẻ như thế nào, và làm như thế nào khiến cho cuộc đời của chính mình giữ gìn được sự thoải mái; Người giàu có thì ngược lại, cho là sự vui vẻ quyết cần phải tiêu hao tinh thần và sức lực mới có thể được, do đó phung phí hết tâm tư nhào vào danh lợi, vật chất mà hưởng thụ cho là sự vui vẻ, nên là như vậy!
Tâm lý con người thường cứ thích lấy nhẹ, nặng của sự lợi ích làm tiêu chuẩn, nguyên tắc trong sinh hoạt, do đó, tuy là hưởng dụng không thiếu, trong tâm cũng khó khỏi sự mất mát. Ðây cũng chính là chỗ khổ thân mà chính mình không biết. Cũng vậy, con người, thường là không biết trân quý những gì mà chúng ta đã có. Vì vậy, có rồi lại muốn thêm nhiều, tốt rồi lại muốn càng tốt, lại cố trèo lên, cố nhiên là tốt, nhưng nếu không lãnh hội được cảnh giới an vui chắc thật, thì muôn đời có lẽ cuộc sống của chúng ta không thể an vui và hạnh phúc được. Nhưng hiểu cho cùng thì bản chất của cuộc sống, kỳ thật rất đơn giản. Con người, sở dĩ không có thể Sống Đời An Vui là do dục vọng, tham niệm quá nhiều. Con người ở trong cuộc sống vật chất càng tốt, càng nhiều cũng chẳng đủ thỏa mãn cho lòng dục vọng. Khi dục vọng không đủ, tâm sẽ không yên tịnh, tâm không yên tịnh thì không tự tại, dẫu rằng danh lợi đã được, vật chất không thiếu, cũng chưa chắc có tâm cảnh bình thản. Vì vậy chúng ta phải tập sống  một cuộc sống biết đơn giản hóa trong cuộc sống vật chất, nghĩa là chúng ta càng giản dị, mộc mạc, càng đơn thuần giản dị bao nhiêu thì sự vui vẻ tự nhiên đến. Như vậy sự vui vẻ là tự mình tìm lấy, không thể nói do hòan cảnh đưa đẩy, Nghĩa là chúng ta chỉ cần biết nhìn trên phương diện tốt, và nghĩ rằng, có thể đầy đủ, thỏa mãn với hiện thực, để rồi chúng ta tùy theo cảnh ngộ mà an lạc, thì cuộc sống an vui sẽ đến ngay, và chúng ta sẽ biết chắc chắn như thế nào cuộc sống an lạc hạnh phúc. An lạc hạnh phúc hoàn toàn nắm trong tay chính mình.
Như vậy nếu chúng ta muốn sống đời an vui, và làm một con người thoải mái có lẽ không khó. Nếu muốn thế chúng ta chỉ cần:
- Biết đủ thì sẽ đầy đủ.
- Cuộc sống đạm bạc giản đơn, có tấm lòng bao dung rộng lớn,
- Thái độ thành ý khiêm nhường,
Ngòai ra nếu cần, chúng ta cũng nên giả điếc làm câm, không tham, không sân, hay nhẫn nhượng, tập sống cuộc sống vô ngã, không riêng tư. Đối với mọi sự mọi việc không ngã chấp, đối người không so tính. Nếu không may gặp những những nghịch cảnh xảy đến thì phải tập chịu đựng. Phải hết lòng với những người gặp xung quanh, nếu có thể gánh vác dùm cho họ để giảm đi áp lực tâm lý của họ, và có thể giúp họ sống yên ổn đối với tình trạng hiện tại, thì chúng ta cũng nên tiếp nhận tất cả, nghĩa là làm thế nào cho tương đối vừa lòng con người. Chỉ có như vậy, thì cuộc sống của chúng ta mới có thể hiện đầy đủ thật sự, cuộc sống mới dạt dào có ý nghĩ lý do là:
- Cảnh từ tâm sanh, nên cảnh cũng theo tâm mà diệt.
Con người vui vẻ hay không, ở nơi cảnh không phải là chỉ một điều kiện, mà điều đáng nói ở đây là khi đối với cảnh, xem coi sự phản ứng của tâm mới là mấu chốt quyết định vui vẻ hay không.
Quan niệm vê Sống Đời An Vui có người thường chủ trương:
- Tiếp nạp tất cả một cách đầy đủ: Ăn cho khỏe mạnh, mặc cho thỏa mãn, ở cho thoải mái.
Tuy nhiên, nếu muốn sống đời an vui, phải biết đủ có tiền, có danh, có thế lực, ăn ngon, mặc đẹp, ở cao sang. Người biết đủ thì dù có ở nhà tranh vách lá cũng như ở thiên đàng; người không biết đủ, thì cho dù ở thiên đàng cũng như ở địa ngục. Ðồ đạc đồng dạng với nhau, do con người không giống nhau ăn vào sẽ có mùi vị không đồng. Nhà thì giống nhau, do tâm tình của con người không đồng, ở vào thì sẽ có sự khác nhau thiên đường và địa ngục. Người tri túc, một bữa một hai món đồ ăn, thì bữa bữa đều có đồ để ăn; Người không tri túc, mỗi bữa đồ ăn bày đầy bàn, mà không phải là những món kiểu này thì sẽ thấy không ngon, tóm lại là những món đó không thích thì cho là không có đồ ăn. Con người có thể yên ổn ở nơi tình trạng hiện tại, tiếp nạp tất cả, nội tâm tự đầy đủ, chỉ có như vậy cuộc sống mới có thể sung túc thật sự, cuộc đời mới dạt dào niềm vui.
Nói cách khác giàu và nghèo, vui vẻ hay thống khổ cũng chẳng qua là trong một niệm, chúng ta suy nghĩ thông rồi, và triệt để áp dụng, và lấy lý tưởng đó làm cái sở hữu của chúng ta, rằng là:
- Vật ở ngoài thân, sinh mệnh của chúng ta như Hoa Ðàm chỉ một lần hiện ở trong vũ trụ nầy, chúng ta cứ mãi bực bội, tranh chấp hơn thua với nhau thì cũng không được gì
Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần phải tu học, bởi vì cái mục đích học Phật là tập sống đời đơn giản, là chuyển mê thành ngộ.
- Mê, tức là mờ mịt đối với chân lí nhân sinh vũ trụ, không rõ được chân tướng bản nhiên của nhân sinh, cũng không rõ được sự tướng duyên khởi của vũ trụ. Chân tướng của nhân sinh vũ trụ là: Thế gian vô thường, cõi nước nguy hiểm, mỏng manh, dễ vỡ đổ vở, bốn đại không thực có, năm uẩn không tướng. Trong khi đó chúng ta ngược lại có thói quen đối với vọng tưởng chấp trước trên chủ quan, mờ mắt liều mạng tìm theo tất cả những sự vật huyễn diệt, lầm nhận muôn pháp hư huyễn là thường trụ không đổi, và thân tâm do năm uẩn hòa hợp làm chân ngã... rốt cuộc trôi chảy trong sinh tử, chìm đắm nơi biển khổ.
- Ngộ, tức là đối với chân như lí tánh của nhân sinh, sự tướng duyên khởi của vũ trụ, có sự lí giải thấu triệt, biết là duyên sinh tánh không, duyên khởi vô ngã. Do đó không chấp trước, không tự tìm phiền não, không tạo nghiệp để rồi cuối cùng tự chuốc lấy quả khổ.
Nói một cách khác, mê, tức là không rõ chân tướng của nhân sinh, bởi vì một người ở trong cuộc sống mấy mươi năm:
- Nói gần, chúng ta không hiểu được chính mình sinh ra đời như thế nào, rồi đến già, lại không hiểu rõ lúc nào chết. Chết rồi, không biết là sẽ đi đến chỗ nào. Cho đến tất cả vạn vật bên ngoài con người chúng ta do đâu mà có, cái có tất cả ở đây, đều là một sự kì diệu.
- Nói xa hơn, tất cả vạn hữu trong vũ trụ tại sao lại tồn tại, thế nhưng chúng ta không rõ được những đạo lí này, cho nên gọi là mê.
Ngộ, là rõ ràng chơn tướng sự thật, hiểu được thân thể của nó chỉ là giả tướng hòa hiệp của bốn đại: đất, nước, lửa, gió tức là tám đại hệ thống của thân thể con người giải phẫu ra, nhục thể tổ hợp mà thành. Nhục thể giả tướng này, trải qua: trẻ nhỏ, thiếu niên, trung niên, già, có một ngày bốn đại không đều hòa thì bệnh, bệnh nặng mà chết, sau khi chết từ từ dần đến tiêu diệt. Chỉ có còn trong nơi nhục thể, mà thật tướng con mắt thường của chúng ta không thấy, gọi là chân như hay còn gọi là Phật tánh là vĩnh viễn tồn tại, là không sinh, không diệt. Một người như thế này, vạn vật cũng là thế này, người nếu hiểu được đạo lí này gọi là Ngộ.
Nói tóm lại nhờ có học phật nên sự suy tư của chúng ta không bị cứng đọng, chúng ta học Phật là vì muốn đem cảnh Mê của chúng ta chuyển đổi đi, mà mở ra một con đường đi vào cảnh giới của giác ngộ. Tâm tình của chúng ta có không bị cứng đọng, với sự hiểu biết rốt ráo, thì chúng ta sẽ Sống Đời An Vui, và rất mực hạnh phúc.
-- o0o --